Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2017

VỀ MỘT NHÀ THƠ CHÚNG TA HẰNG YÊU MẾN: CHẾ LAN VIÊN

Chế Lan Viên, từ tiếng kêu bi ai 
đến lời sám hối muộn màng. 
Đỗ Trường
(Cảm ơn cụ Nguyên Hân đã sưu tầm và gửi cho bài viết này)

Có thể nói, từ đầu thế kỷ thứ hai mươi cho đến nay, Chế Lan Viên được đánh giá là một nhà thơ lớn tài năng. Và khi nghiên cứu, ta có thể thấy, thơ văn cũng như con người ông có nhiều mâu thuẫn, phức tạp, đa diện nhất trong dòng văn học sử Việt Nam từ trước đến nay. Có lẽ, xuất phát từ mâu thuẫn nội tâm ấy, ông luôn làm người đọc phải kinh ngạc, và không chỉ đưa đến nhiều điều thú vị, mà còn cả những điều nhạt nhẽo, khó chịu khác. Ở cái tuổi mười bảy, Chế Lan Viên rất đĩnh đạc, bất ngờ đóng thẳng vào chân móng của trào lưu thơ mới, bằng thi tập Điêu Tàn rắn chắc và già dặn. Ngay từ tập thơ đầu này, ta có thể thấy, thi pháp cũng như tư tưởng Chế Lan Viên bộc lộ một cách rõ ràng, mạch lạc và tính cách khác lạ. Và cùng một thời điểm xuất phát ấy, nếu Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương…đang chờn vờn mây trời, sông nước, với nỗi đau tình ái, thì tiếng thơ Chế Lan Viên bi ai, quằn quại với thân phận, nỗi đau của con người, của dân tộc. Sau 1945, tuy tài năng, vốn sống được nâng lên và dày dặn hơn, nhưng thi pháp, tư tưởng, ngòi bút của ông bẻ ngoặt theo một chiều hướng đã định. Để rồi, khi trở về với đất, ông phải mang theo một nỗi u hoài, với những lời thán ca muộn màng, tiếc nuối.
Chế Lan Viên tên thật Phan Ngọc Hoan sinh năm 1920 tại Quảng Trị, theo học và chỉ đỗ bậc Thành chung (cấp 2) ở Qui Nhơn. Và suốt dọc tuổi thơ Chế Lan Viên gắn liền với mảnh đất nơi đây. Ở đó, cũng cho ông nguồn cảm hứng cùng với Quách Tấn, Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Bích Khê lập ra nhóm Trường Thơ Loạn. Năm 1945, ông tham gia kháng chiến, và sau hiệp định Geneve 1954 tập kết ra Bắc. Từ đó, Chế Lan Viên làm văn nghệ, và tuyên huấn tư tưởng. Ông mất năm 1989 tại Sài Gòn.
Sự nghiệp văn thơ của Chế Lan Viên đồ sộ, lừng lững trên văn đàn, xuyên suốt cả một thế kỷ. Ông viết nhiều thể loại, kể cả phê bình. Bỏ qua định kiến tư tưởng, chính trị, dường như tập thơ nào của Chế Lan Viên cũng hay và mới, nếu xét về hình thức nghệ thuật. Tuy nhiên, cũng như các thi nhân khác, đi sâu vào chi tiết, ta có thể thấy, trong đó không phải, không có những bài thơ, câu thơ dở. Âu đó cũng là lẽ thường tình trong nghệ thuật sáng tạo. Nhưng để chọn ra những tập thơ tiểu biểu cho ba giai đoạn sáng tác của ông, với tôi phải là Điêu Tàn ấn hành năm 1937, Ánh Sáng Và Phù Sa xuất bản năm 1960, và  Di cảo thơ viết vào những năm cuối đời.
* Một thiên tài sớm nở.
Không hiểu sao, tôi sợ phải nghe cái danh từ (hay vương miện) thần đồng dùng để gán, để chụp lên đầu cho một ai đó đến vậy. Nhưng nếu buộc phải dùng nó để đánh giá, thì với tôi: Văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ thứ hai mươi đến nay, chỉ xảy ra có một lần, và thần đồng duy nhất phải là cậu thiếu niên Chế Lan Viên cùng thi tập Điêu Tàn. Có thể nói, đây là tập thơ chín sớm nhất, vừa ra đời đã trở thành cổ thi. Đọc nó, ta nghe như có tiếng tiền nhân vọng về từ hàng ngàn năm trước vậy.
Cũng như Đinh Hùng, Bích Khê…Chế Lan Viên chịu ảnh hưởng sâu sắc chủ nghĩa tượng trưng, siêu hình cũng như thi pháp của các nhà thơ lãng mạn Âu- Mỹ như Budelaire, Verlaine, Edgar Allan Poe. Tuy tiếp thu và chịu sự ảnh hưởng như vậy, nhưng Chế Lan Viên với Điêu Tàn vẫn giữ được nét cổ Đường thi.
Đến với Điêu Tàn, Chế Lan Viên từ bỏ thế giới hiện hữu, tìm về thế giới hồn ma vô thực. Vì vậy, quan niệm cũng như biểu hiện của cái đẹp trong mĩ học hoàn toàn thay đổi. Nếu trời, mây trăng gió (thiên nhiên, con người) là hình ảnh, cái đẹp trong thơ Xuân Diệu, thì sọ trắng ma thiêng, đau thương, đổ nát hoang tàn mới là đối tượng thẩm mĩ trong Điêu Tàn của Chế Lan Viên.
Đọc Điêu Tàn tưởng như nghe được tiếng khóc, tiếng kêu bi ai tiếc nuối, nhìn được sự tang tóc với nỗi đau vong quốc. Nhưng lặng lại giây lát, dường như ta thấy vẫn còn chưa đủ. Mà sau nó còn là những hồn ma, bóng quế nhập đồng vào cậu bé Chế Lan Viên, hay Chế Lan Viên hóa vào những bóng ma, những đầu lâu, và hộp sọ cùng những nắm xương khô dắt nhau tìm lại chính mình và dân tộc mình: “Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi”. (Trên đường về). Ta hãy đọc lại đoạn trích dưới đây, để không chỉ thấy được một dân tộc với quá khứ anh dũng và huy hoàng, cùng những đền đài uy nghi, tráng lệ đã bị bức tử, mà còn cảm được áng thơ tuyệt đẹp, u mang hoài cổ của Chế Lan Viên:
“Đây, điện các huy hoàng trong ánh nắng
Những đền đài tuyệt mỹ dưới trời xanh
Đây, chiến thuyền nằm mơ trên sông lặng
Bầy voi thiêng trầm mặc dạo bên thành…“
 

(Trên đường về).
Và trên con đường ấy, nhà thơ đã nhìn thấy sự hồi sinh, bất diệt của một dân tộc: “Nước non Chàm chẳng bao giờ tiêu diệt/ Tháng ngày qua vẫn sống với trăng mờ“ (Bóng tối). Vâng! Cái tư tưởng độc lập dân tộc Hời (Chăm) hay Việt ấy của Chế Lan Viên tuy mới chỉ phảng phất. Nhưng có lẽ, đã cảm được điều đó, nên chính quyền thực dân vội đục bỏ hai câu thơ trong bài chăng? Trên Đường Về là một bài thơ như vậy, và nó cũng là một trong những bài thơ hay nhất trong thi tập Điêu Tàn:
“Một ngày biếc thị thành ta rời bỏ
Quay về xem non nước giống dân Hời
Đây, những Tháp gầy mòn vì mong đợi
Những đền xưa đổ nát dưới Thời Gian
Những sông vắng lê mình trong bóng tối
Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than…“
Tuy tự vẽ ra con đường ấy, để đi vào thế giới của cô hồn, lấy đau thương làm thước đo thẩm mĩ, nhưng càng đi nó càng làm cho người thi sĩ cô đơn, chán chường hơn: “Đường về thu trước xa xăm lắm/ Mà kẻ đi về chỉ một tôi”. Điều đó, phải chăng không chỉ là nỗi buồn thương cho dân tộc, cho giống nòi, mà còn là tấm lòng nhân đạo cao cả của thi nhân? Thật vậy, Xuân là một bài thơ điển hình trong thi tập này của Chế Lan Viên đã làm được điều đó. Nếu những bài thơ xuân của Nguyễn Bính, Anh Thơ… cùng viết vào thời điểm đó, là sự thanh bình, tươi mới, thì Xuân của Chế Lan Viên là sự bế tắc của cuộc sống cũng như tâm hồn. Từ những bế tắc, cô đơn ấy luôn làm cho nhà thơ phải chống chọi, níu kéo vào thời gian, vũ trụ. Và chính cái mùa thu lá rụng đó mới là nơi ẩn nấp, che chắn cho tâm hồn đang nhỏ máu của thi nhân. Nhưng cái vòng quay tuần hoàn của thời gian kia, vẫn đang cày xới đến cái tận cùng của nỗi đau và tuyệt vọng ấy. Và rồi, dường như nhà thơ đã bất lực? Với tôi, Xuân của Chế Lan Viên là một là bài thơ viết về mùa xuân lạ nhất, sầu thảm nhất, và hay nhất của nền văn học Việt Nam:
“Tôi có chờ đâu, có đợi đâu.
Đem chi xuân lại gợi thêm sầu?
— Với tôi, tất cả như vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau!
Ai đâu trở lại mùa thu trước
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng?
Với của hoa tươi, muôn cánh rã,
Về đây đem chắn nẻo xuân sang!
Ai biết hồn tôi say mộng ảo
Ý thu góp lại cản tình xuân?
Có một người nghèo không biết tết
Mang lì chiếc áo độ thu tàn!…“
Bi thương là thế, và cứ tưởng rằng, bị chìm sâu dưới những nấm mồ, thời gian hóa thạch, nhưng khát vọng của con người luôn trỗi dậy, hướng về một thế giới khác lạ, mênh mông và xa thăm thẳm: “Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh/ Một vì sao trơ trọi giữa trời xa“.  Nhưng, dù có ở chân trời góc bể nào, nỗi ám ảnh cả thể xác lẫn tâm hồn đó vẫn không hề buông tha, Chế Lan Viên phải co người trốn chạy, và như con tò vò làm tổ ẩn núp trong chính trái tim mình: “Ðể nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh/ Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo!“ (Những sợi tơ lòng).
Đọc Điêu Tàn, ta có thể thấy những bài thơ thất ngôn, bát ngôn của Chế Lan Viên, dường như không hẳn theo một mạch chảy. Mỗi khổ trong bài thơ như là một  bài thơ thất ngôn, bát ngôn tứ tuyệt. Những khổ thơ này, hoàn toàn có thể hoán đổi vị trí cho nhau, nhưng nội dung chuyển tải cả bài thường không hề thay đổi. Nếu có, sự thay đổi đó không nhiều. Với thủ pháp nghệ thuật này, sau này chúng ta bắt gặp nhiều trong thi tập Đường Vào Tình Sử của Đinh Hùng.
Và có lẽ, không chỉ trong thơ, mà một số cuốn tiểu thuyết, văn xuôi gần đây, có thể ít, nhiều cũng chịu ảnh hưởng từ Điêu Tàn (?) đưa thế giới hồn ma, siêu thực vào tác phẩm của mình như: Dạ Tiệc Qủy của Võ Thị Hảo, Que Diêm Thứ Tám của Văn Biển, hay Cò Hồn Xã Nghĩa của Phạm Thành. Và nó đã rất hành công về nội dung, ý đồ chuyển tải của nhà văn đến người đọc.
Có thể nói, ngay từ thuở ban đầu đến với thi ca, cậu bé Chế Lan viên đã vạch ra một con đường riêng cho mình. Và cho đến nay, Điêu Tàn vẫn là tập thơ độc nhất vô vị của văn chương Việt về khuynh hướng sáng tác ấy. Với tôi, cùng với Lửa Thiêng của Huy Cận, Điêu Tàn là tập thơ tiền chiến hay, lạ và độc đáo nhất.
*Một cái loa phường.
Tháng 8-1945 là bước ngoặt, đưa con người cũng như thơ văn Chế Lan Viên theo một chiều hướng khác. Ông tham gia Việt Minh và làm báo chí, văn hóa văn nghệ. Từ đây, ông phải giải quyết mâu thuẫn chính trong nội tâm của mình. Và trong mười lăm năm ấy (1945-1960) Chế Lan Viên đã bốc được con ma Hời ra khỏi linh hồn bằng thi tập Ánh Sáng Và Phù Sa.
Đọc Ánh Sáng Và Phù Sa  ta có thể thấy, ngay từ ngày đầu đến được với Đảng CS, Chế Lan Viên hả hê, sung sướng và thốt lên, đảng là cha là mẹ, một lần nữa đã tái tạo ra ông. Thật vậy, có lẽ khó tìm ra một nhà văn, nhà thơ nào yêu đảng hơn Chế Lan Viên:
“…Tôi đứng dưới cờ, đưa tay tuyên thệ
Trên đất quê hương mang hình bóng mẹ
Ngỡ chừng như vừa sinh lại lần đầu
Đảng trở thành nơi cắt rốn chôn rau“ 
 

(Kết nạp đảng trên quê mẹ)
Và trước đảng, Chế Lan Viên như một con chiên ngoan đạo. Ông dằn vặt, mặc cảm với quá khứ và luôn tìm cách từ bỏ, rũ sạch nó. Chúng ta hãy đọc lại hai đoạn thơ so sánh trong cùng bài Ngoảnh Lại Mười Lăm Năm, tặng và ngợi ca Tố Hữu, cũng như bản tự dày vò kiểm thảo, để thấy rõ sự sám hối của Chế Lan Viên trước đảng thành thật, sâu sắc biết nhường nào:
“Anh thấy trước ngày mai
Cờ hồng treo trước ngõ…
Giữa nhà lao bóng phủ
Tìm đường cho lịch sử
Qua hai hàng cùm xai
Tôi nhìn ra tha ma
Hay quay vào trang sách
Ôi! dân Chàm nước mắt…
Khi đã buồn hiện tại
Thì quay về tháp xưa“
Có lẽ, hơn một lần tôi đã viết, dù bất kỳ chế độ xã hội nào, kể cả những nước tân tiến dân chủ như Âu-Mỹ cũng luôn cần có những văn nghệ sỹ đối lập với chính phủ đương thời, nhằm dự báo, và chỉ ra những yếu, khuyết điểm, thúc đẩy xã hội tốt hơn nữa. Nhưng sống trong một chế độ xã hội quản lý con người bằng chiếc dạ dày, bao tử, thì không chỉ Chế Lan Viên mà dường như nhà thơ, nhà văn nào cũng vậy, không ít thì nhiều cũng phải úp mặt xuống, xoay ngòi bút của mình. Một người được cho là chí khí như Hữu Loan, trước khi về quê thồ đá, ông có đến ba bài tụng ca đảng và lãnh tụ. Đoạn trích dưới đây trong bài Chờ Đội Về được Hữu Loan viết và in vào tháng 2-1956 trên báo Văn sẽ chứng minh điều ấy. Từ đó, người đọc hiểu thêm, dù cách tân hay với hình thức nghệ nào đi chăng nữa, dạng những bài này của tác giả Màu Tím Hoa Sim chỉ dừng lại ở mức vè không vần mà thôi:
“– Ai đã về quê tôi?
Nước sông Hồng
Quanh năm
Chảy mật
Ruộng hai mùa
Mông mênh biển vàng
Nhưng bần cố nông
Vẫn là những kẻ
Mất thiên đường
Lang thang
Trong hỏa ngục.
Vải ấm Đảng cho
Bần cố nông
Không được mặc
Gạo no Đảng cho
Bần cố nông
Không được ăn
Địa chủ
và tay chân
Đem bán chia nhau…. 

 (Nguồn nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân)
Có một điều đặc biệt, và phải nó thẳng, từ ngày có Đảng CS, có hội nhà văn cho đến thời Hữu Thỉnh, Quang Thiều hiện nay, không ai viết ca ngợi đảng và lãnh tụ hay, tài tình bằng Chế Lan Viên. Ngày 7-5-1954 vừa kết thúc chiến dịch Điện Biên, Chế Lan Viên đã viết ngay bài “Bữa Cơm Thường Trong Bản Nhỏ“ rất kịp thời chào đón đảng và bác Hồ trở về thủ đô. Qủa thật, bắt đúng nhịp, hòa vào dòng thác cách mạng như Chế Lan Viên không mấy người làm được. Xét về mặt nghệ thuật, đây là bài thơ song thất lục bát hay so với các tác giả khác có chung một đề tài. Tầm tuổi tôi, ở miền Bắc, chắc chắn hồi học cấp 2, ai cũng phải học thuộc lòng bài này:
“…Từ có Bác cuộc đời chợt sáng
Bát cơm no ngày tám tháng ba
Cơm thơm ăn với cá kho
Công đức Bác Hồ bản nhớ nghìn năm
Bác thương dân chăm ăn chăm mặc
Em đi chợ đồng bằng bán hạt sa nhân
Tháng giêng thêu áo may quần
Tháng hai trẩy hội mùa xuân hãy còn…“
Nếu“Bữa Cơm Thường Trong Bản Nhỏ“ viết theo thể thơ cổ điển song thất lục bát, thì đến với“Người Đi Tìm Hình Của Nước“ được Chế Lan Viên viết theo thi pháp, thể loại mới. Một bài khóc hay, đầy hình tượng ngợi ca lãnh tụ Hồ Chí Minh khi qua đời. Cùng thời điểm đó Tố Hữu cũng nấc lên với bài Bác Ơi, được giới phê bình đánh giá cao, và sau đó đã đưa vào giáo trình giảng dạy cho học sinh phổ thông. Nhưng với tôi, bài thơ này của Tố Hữu thiếu hình ảnh, hình tượng, nặng về kể lể, như người khóc thuê trong đám ma vậy. Thật vậy, cùng một tiếng khóc, nhưng nông, sâu cũng khác nhau xa lắm. Chúng ta hãy đọc lại hai đoạn trích dưới đây, để thấy tiếng khóc của Chế Lan Viên lặn vào trong, khác với tiếng khóc của Tố Hữu như thế nào nhé:
“Bác chẳng buồn đâu, Bác chỉ đau
Nỗi đau dân nước, nỗi năm châu
Chỉ lo muôn mối như lòng mẹ
Cho hôm nay và cho mai sau…“ (Tố Hữu)
“Luận cương đến Bác Hồ. Và Người đã khóc
Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin
Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp
Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin“ (Chế Lan Viên)
Đến với đảng, Chế Lan Viên không chỉ học và viết được những lời ngợi ca, tụng ca, mà ông còn biết chửi. Tiếng chửi của ông đanh đá, và chua ngoa, không khác mấy bà già quê vén váy quay cuồng, khi bị mất cắp gà. Hai đoạn trích dưới đây trong bài Hoa hồng trong bệnh viện và Tiếng hát của thằng điên trong Dinh Độc Lập, được in trong tập Ánh Sáng Và Phù Sa. Nhưng tôi nghĩ, nó hoàn toàn không phải là thơ:
“Bọn giặc chó miền Nam, bay đã uổng!
Cắt thịt da ta, không cắt nổi nụ cười!
Cả chế độ miền Nam bay sụp xuống
Khi thành đồng đã đến lúc vươn vai

Bắt lấy con chó điên trong dinh Độc Lập!
Bắt lấy con thú điên trong dinh độc lập!
Bắt cả tớ thầy treo lên cành cây
Thằng Diệm chết. Thằng Mỹ thì cút ngay“
Có hai câu thơ kết trong bài Cho Uống Thuốc:“Bên ni biên giới là nhà/ Bên kia biên giới cũng là quê hương” được Chế Lan Viên viết khi đang chữa bệnh ở viện lao của Trung Quốc vào tháng 6- 1954. Bài thơ này, ông viết tặng cô y tá, trước khi về nước, tỏ lòng tri ân, vì đã được chăm sóc ân cần như người ruột thịt. Dù ở Trung Quốc mà cho ông cảm giác như đang ở Việt Nam với gia đình, quê hương làng xóm vậy. Và cái cảm giác ấy, xuyên suốt cả bài được tổng kết bằng hai câu thơ trên. Tuy nhiên, muốn hay không trong giai đoạn đó, cũng buộc Chế Lan Viên phải lồng chính trị, bằng hình ảnh bác Hồ, bác Mao của ông vào bài, nhưng đó chỉ là bên lề. Do vậy, có một số người đọc đã hiểu lầm, hoặc chỉ đọc hai câu kết này, rồi kết luận, chụp mũ Chế Lan Viên bán nước. Kinh hơn nữa, nhiều người còn cho rằng, hai câu thơ trên của Tố Hữu, và cứ dựng ba đời nhà ông ấy ra chửi. Viết ra điều này, không có có nghĩa là tôi binh che, hoặc bới móc. Bởi, cuộc sống hay trong văn thơ cũng vậy, viết, hoặc đánh giá rất cần có một sự sòng phẳng.
Có thể nói, Chế Lan Viên là người ham đọc và nghiên cứu. Đến với Ánh Sáng Và Phù Sa ông mở rộng đối tượng, không gian sáng tạo, cũng như  thay đổi hoàn toàn thi pháp. Tuy được nhuộn đỏ tâm hồn, nhưng tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa vẫn chiếm vị trí quan trọng trong thơ ông.
Thật vậy, tuy mang tính thời sự, nhưng Tiếng Hát Con Tàu là bài thơ trữ tình hay và điển hình nhất của Chế Lan Viên vào những năm đầu hòa bình. Và cùng với Lên Miền Tây của Bùi Minh Quốc, bài thơ này đã góp phần không nhỏ kêu gọi, minh họa cho phong trào khai hoang kinh tế, tàn phá rừng đầu nguồn Tây Bắc của đảng, dẫn đến những cơn lũ kinh hoàng, gây bao tang tóc cho đất nước con người.
Ngay đầu thập niên sáu mươi, dường như ít nhiều Chế Lan Viên đã chịu ảnh hưởng thi ca Nga, đặc biệt phương pháp luận làm mới, lạ hình tượng trong sáng tạo của Mikhail MikhailovichBakhtin. Từ những lẽ đó, ta bắt gặp hình ảnh so sánh, liên tưởng độc đáo không chỉ xuyên suốtTiếng Hát Con Tàu, mà còn trên cả thi tập Ánh Sáng Và Phù Sa:  
“Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét
Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng
Như xuân đến chim rừng lông trở biếc
Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương.”
Nếu ở Điêu Tàn, ma quỷ sọ người lơ lửng cùng Chế Lan Viên dắt nhau vào cõi hư vô, thì đến Ánh Sáng Và Phù Sa, bằng biện pháp tu từ so sánh ấy, đã kéo ông trở về với cõi thực, cõi của con người. Và sự kết nối giữa tư tưởng và nghệ thuật đó đã mở ra trong thơ Chế Lan Viên:
“Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa”
Cảm xúc là điều cần cho một thi sĩ, nhưng mở ra được những suy tưởng, để rồi cô lại thành những triết lý đưa vào trang thơ, quả thật không phải ai cũng làm được. Đọc Ánh Sáng Và Phù Sa, ta có thể thấy tính triết lý đan vào trong mỗi câu thơ Chế Lan Viên: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”. Và từ đó, nhà thơ đã nhìn ra tính triết lý, qui luật tình yêu, nằm trong mối quan hệ mật thiết giữa vụ trụ và con người. Khoảng Cách là một bài thơ như vậy, và nó như được chiết ra từ trí tuệ bậc thày của Chế Lan Viên. Đôi khi đọc nó, tôi cứ ngỡ là định luật trong vật lý, toán học vậy:
Khi em xoay lưng lại với anh                                                             Hai đứa cách nhau một vòng quay trái đất
Khi hai đứa mắt đã soi trong mắt
Thì không gian còn khoàng cách nào đâu”
Dường như Chế Lan Viên viết thơ tình không nhiều? Có thể nói, cùng với Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư, Ông Đồ của Vũ Đình Liên, Em Đi Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp, và Khi Chưa Có Mùa Thu của Trần Mạnh Hảo… Tình Ca Ban Mai của Chế Lan Viên là một bài thơ tình hay nhất ở thể ngũ ngôn của thi ca đất Việt. Ngoài cấu trúc chặt chẽ, với cặp đôi và khoảng cách cân xứng, ta còn thấy Tình Ca Ban Mai có từ ngữ sang trọng, sáng và đẹp. Và vẫn phép hình tượng so sánh làm cho bài thơ e ấp, ẩn chứa mà lung linh đến kỳ lạ. Với tôi, đây là bài thơ toàn bích nhất của Chế Lan Viên được viết trong thời gian này:
“Em đi, như chiều đi
Gọi chim vườn bay hết
Em về tựa mai về
Rừng non xanh lộc biếc
Em ở, trời trưa ở
Nắng sáng màu xanh tre
Tình em như sao khuya
Rải hạt vàng chi chít
Sợ gì chim bay đi
Có thể nói, giai đoạn từ sau 1945 đến khoảng những năm gần cuối của cuộc đời, tâm hồn của thi sĩ Chế Lan viên được ngăn đôi. Bên thì đanh đá, chua ngoa, bên thì nhẹ nhàng, sâu thẳm. Âu đó cũng là cái mâu thuẫn chung của các văn sĩ chỉ được phép đi trên một con đường đã vạch sẵn vậy.
*Lời sám hối muộn màng.
Tôi tin rằng, sau Nhân văn giai phẩm, và nhất là sau 1975 một con người nhạy cảm như Chế Lan Viên, chắc chắn đã nhận ra cái cùng đường tịt lối của đất nước, cũng như thân phận bèo nhèo, bạc nhạc của người cầm bút. Và nếu đi chệch đường rày, vượt ra khỏi cái vạch chỉ đường, thì khoảng cách đến với con ma Hời rất gần. Không vượt qua được cái dạ dày và một chút đặc quyền, danh vọng, nên Chế Lan Viên vẫn cần mẫn làm cái loa phường cho đến những năm hưu trí cuối đời. Âu đó cũng là chuyện thường tình của con người.
Theo cách nói của dân chè chén vỉa hè, Di cảo thơ chủ yếu ra đời khi Chế Lan Viên đã hết đát, trở về với nồi cám heo của mình. Và ông cũng là người mở đường cho những Nguyễn Đình Thi với Gió Bay, Nguyễn Khải với Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất sau này. Tuy có chút muộn màng, nhưng đó cũng là điều đáng kính, đáng trọng, không phải văn nghệ sĩ nào cũng đủ can đảm làm được.
Di cảo gồm bốn phần chủ yếu ghi về những điều vụn vặt, nhưng mang triết lý sống như răn mình, răn đời vậy. Đọc nó, dường như cho ta cảm giác Chế Lan Viên đang đi gần đến Phật pháp, cởi mở tâm hồn hơn. Tuy nhiên, với tôi, có bốn bài giá trị, làm rung động lòng người nhất: Chiếc bánh vẽ, Ai Tôi, Trừ đi, và Tháp Bay-on bốn mặt. Có thể nói, đây là bốn bài thơ không chỉ là lời sám hối, mà còn là những lời cáo trạng của Chế Lan Viên ở giai đoạn cuối đời. Có nhà phê bình cho rằng, viết xong những tác phẩm này, ông đã trút được gánh nặng mang trong mình từ mấy chục năm qua. Nhưng tôi không nghĩ như vậy. Làm gì nhẹ nhàng, và dễ dãi đến thế, chí ít là đối với Chế Lan Viên, khi đang quay trở về làm người thi sĩ đích thực. Tuy nhiên, tôi nghĩ, trong giai đoạn cuối đời này, chế Lan Viên chưa bốc hẳn được con ma Hời, ma xó thứ hai này ra khỏi linh hồn, nhưng ít nhất ông tự thú nhận ra bản chất, và cũng có thể sẽ đi đến đoạn tuyệt với nó.
Những câu hỏi và tự trả lời này, không phải đến khi Chế Lan Viên viết Ai Tôi? mà có lẽ nó luẩn quẩn trong ông từ bấy lâu rồi. Và lời độc thoại ấy là một trong những thủ thuật, Chế Lan Viên làm cho người đọc thoạt tưởng như một lời thú tội của riêng mình. Nhưng đằng sau nó là sự vạch mặt, phơi bày tội ác của những kẻ quyền hành cao nhất đã gây ra chiến tranh và trận chiến Mậu Thân này. Bởi, ai cũng có thể hiểu rằng, cá nhân người thi sĩ không quyền lực trong và sau cuộc chiến, dám đứng lên nhận trách nhiệm, thì nhân cách nào cho những kẻ có quyền lực cao nhất?
Vâng! Đó là cái tát rất hiếm hoi vào mặt những kẻ có trách nhiệm vào thời điểm đó của Chế Lan Viên, cũng như bộc lộ lòng nhân đạo của con người đối với con người:
“Mậu Thân, 2000 người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm còn sống sót có 30
Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2000 người đó ?
Tôi !
Tôi – người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình
trong mọi lúc xung phong

Một trong 30 người khi ở mặt trận
về sau mười năm
Ngồi bán quần trên đường nuôi đàn con nhỏ
Quán treo huân chương đầy mọi chỗ
Chả Huân chương nào nuôi được người lính cũ !
Ai chịu trách nhiệm vậy ?
Lại chính tôi!…”

Giai đoạn này Chế Lan viên chủ yếu viết theo thể tự do, ông để những câu thơ chảy theo những cảm xúc tự nhiên của mình. Trừ Đi là một bài thơ hay và tôi thích nhất trong thời gian này của Chế Lan Viên. Ông thẳng thừng xổ toẹt tất tần tật những thứ thơ văn bồi bút của mình, bởi:“Cái cần viết vào thơ, tôi đã giết đi rồi!/ Giết một tiếng đau, giết một tiếng cười”. Nhìn vào chiều dài lịch sử văn hóa Việt, ta có thể thấy: Với người Việt, làm ra lỗi thì dễ, nhưng nhận lỗi thì khó lắm thay. Ba mươi năm trước Chế Lan Viên sám hối, nhận lỗi và xổ toẹt như vậy, quả thật là một sự dũng cảm. Và tuy ông viết cho hậu nhân mà như thể răn lòng mình vậy:
“Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ
Có phải tôi viết đâu ? Một nửa
Cái cần viết vào thơ, tôi đã giết đi rồi!
Giết một tiếng đau, giết một tiếng cười,
Giết một kỷ niệm, giết một ước mơ.
Tôi giết cái cánh sắp bay…
trước khi tôi viết
Tôi giết bão táp ngoài khơi
cho được yên ổn trên bờ…”
Dù Chế Lan Viên có tự ví mình la Tháp Bay-on bốn mặt, hoặc muôn mặt đi chăng nữa, ta cũng chỉ nhận ra một thi sĩ đích thực Chế Lan Viên và một Chế Lan Viên gác cửa văn hóa văn nghệ của đảng, khác nữa mà thôi. Và chính Di cảo thơ của ông đã cho tôi thêm cảm hứng viết bài này. Nói dại, nếu Chế Lan Viên không có những Di cảo thơ cuối đời này, thì ông mãi mãi là kẻ gác cửa, thì chẳng đáng tiếc cho một thiên tài lắm sao.
Có thể nói, cuộc đời và sự nghiệp văn thơ của Chế Lan Viên được chia thành ba giai đoạn: Phong trào thơ mới, cùng với thi tập Điêu Tàn, đến cầm canh gõ nhịp, tụng ca, minh họa từ sau 1945, và những Bản cảo sám hối đã và chưa được xuất bản. Ba giai đoạn ấy, cũng là ba tiếng khóc bi – bỉ – hận trong thơ cũng như con người Chế Lan Viên.
Tôi viết bài này, theo đề nghị của ông bạn thời trẻ trâu. Hắn được học hành đến nơi đến chốn, và đang giảng dạy văn học hiện đại ở một trường đại học. Trên bốn chục năm không gặp, hôm rồi vô tình hắn đọc được bài viết về nhà thơ Đinh Hùng, và Vũ Hoàng Chương của tôi, rồi nhận ra nhau qua Fb. Hắn bảo, vẫn đang nghiên cứu về thơ tiền chiến, nếu được tôi viết một bài về Chế Lan Viên, xem đánh giá, suy nghĩ của người Việt ở nước ngoài như thế nào. Giời đất, một kẻ cả ngày úp mặt vào chảo như tôi, mà phải để ông Phó quan tâm thế này. Được thôi, nhưng tôi đọc thật, viết thật đấy, có khi xát ớt vào đít nhau thì bỏ bà. Tôi trả lời vậy. Hắn cười bảo, rất cần như thế…
Và trên đây là những suy nghĩ chủ quan của tôi về nhà thơ Chế Lan Viên, có thể không đúng. Nhưng dù sai hay đúng, tôi hy vọng, nó đóng góp được một phần nào đó, để làm sáng tỏ chân dung một nhà thơ tài năng và cũng đầy mâu thuẫn này.
Leipzig ngày 27-3-2017
Đỗ Trường

Thứ Hai, 6 tháng 3, 2017

VỤ GIẾT ÔNG KIM JONG-NAM: AI, TẠI SAO VÀ NHƯ THẾ NÀO?

 Theo Anninh Thegioi Online
05:24 27/02/2017

Vụ giết người đang xôn xao dư luận bởi nạn nhân được cho là ông Kim Jong-nam, con trai của cố chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il. Nếu thực sự đúng như giả thuyết người bị giết là ông Kim Jong-nam thì đây là một vụ mưu sát có rất nhiều điều kỳ lạ.
Các nghi phạm dùng chất độc VX ám sát ông Kim Jong Nam?
Những tranh cãi quanh cái chết của Kim Jong-nam
Xác định 11 nghi phạm liên quan đến cái chết của ông Kim Jong-nam
Xuất hiện clip về khoảnh khắc Kim Jong Nam bị tấn công
Vụ ám sát ông Kim Jong Nam: Nghi phạm thứ tư là một chuyên gia hóa học
Thế giới gần đây xuất hiện một số vụ mưu sát hoặc mưu sát không thành theo kiểu đầu độc, như trường hợp đối với cựu điệp viên FSB Litvinenko hoặc với ông Victor Yuschenko (cựu chính trị gia Ukraine)…
Và mới đây,  vụ giết người đang xôn xao dư luận bởi nạn nhân được cho là ông Kim Jong-nam, con trai của cố chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il. Nếu thực sự đúng như giả thuyết người bị giết là ông Kim Jong-nam thì đây là một vụ mưu sát có rất nhiều điều kỳ lạ.
Ai, vì sao…    
Tất nhiên, có thể xác định ngay đây là một vụ có dự mưu, chứ không thể là một vụ án mạng vãng lai. Để thực hiện một vụ như thế này đòi hỏi phải có sự chuẩn bị trước, đặc biệt cần thông tin tình báo chi tiết về hoạt động của mục tiêu. Tấn công một mục tiêu xác định, có bảo vệ nghiêm ngặt (không chỉ là ám sát, mà có thể nhiều mục đích khác) thì tấn công vào nơi ở hay làm việc là hạ sách và khi đối tượng, mục tiêu di chuyển là cơ hội trời cho để lên kế hoạch.
Một mục tiêu di chuyển bảo vệ khó trăm lần so với mục tiêu cố định, đặc biệt khi mục tiêu đó đang ở "trong hang". Đây chính là trường hợp của ông Kim Jong-nam. Không khó để nhận ra rằng kế hoạch này dựa trên những thông tin tình báo chính xác, vì bản thân ông Kim Jong-nam khi di chuyển cũng dùng hộ chiếu tên người khác, và chắc chắn ông cũng quen với một cuộc sống mà sự nguy hiểm đe dọa là thường xuyên.
Nghi vấn nổi lên là, tại sao một người như ông Kim luôn luôn có hai vệ sĩ đi kèm, mà lần này lại bị tấn công một cách dễ dàng, có thể nói là đơn giản đến thế?

Theo thông tin của tờ New Straits Times (Malaysia) thì hành động tấn công được thực hiện khi ông Kim đứng ở quầy check-in, một người đứng phía trước phân tán sự chú ý của ông, người đứng đằng sau siết cổ và sau đó ông bị tác động bằng một loại chất độc vào mặt. Ông Kim chết trên đường đến bệnh viện, trước đó ông có những biểu hiện khó thở khi tìm được quầy cấp cứu của sân bay.
Hành động tấn công cũng cho thấy rõ ràng là của những sát thủ chuyên nghiệp, vì để hạ sát một người như ông Kim Jong-nam trong hoàn cảnh như thế, với cách họ chọn là siết cổ và xịt thuốc, người bình thường không làm được. Tuy nhiên, vụ tấn công đã được thực hiện khá… suôn sẻ, có thể nói là dễ dàng.
Không chỉ thực hiện một cách dễ dàng, đơn giản đến khó tin, vụ tấn công còn để lại nhiều dấu vết đến mức ngờ nghệch, như tại sao những người chủ mưu ngoài sử dụng những sát thủ chuyên nghiệp mà lại có thêm vai trò của hai phụ nữ, một Malaysia và một người đang được thông báo là mang hộ chiếu Việt Nam; đến nay được biết là có vẻ như được thuê để thực hiện một… trò đùa? Không những thế, một trong hai người đó lại còn mặc một chiếc áo trắng nổi bật có in dòng chữ cũng cực kỳ dễ nhận dạng (LOL) và chắc chắn không thể thoát sau khi vụ đó được thực hiện xong.
Phải chăng những chi tiết này chính nằm trong kế hoạch của những người dự mưu, và thông tin rằng những người phụ nữ đó tham gia vụ tấn công với lòng tin tưởng họ đang tham gia vào một trò đùa là có căn cứ? Nếu đúng là như vậy, phải chăng một tổ chức tình báo sừng sỏ đứng sau đang muốn đánh dư luận sang một hướng khác, chẳng hạn những nghi vấn sẽ tập trung vào các chi tiết đời tư của ông Kim Jong-nam.
Ngay từ thời cố chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il còn sống, người ta đôi lúc cũng nói đến người con trai lớn của Chủ tịch, ông được biết đến như một thanh niên thông minh, có học nhưng cũng rất được nuông chiều. Tuy nhiên chỉ từ thời kỳ nắm quyền của người em trai cùng cha khác mẹ của ông, Kim Jong-un thì thực sự hình ảnh của ông Kim Jong-nam mới trở thành "con cừu đen" của gia đình.
Một mặt, Kim Jong-nam được biết đến như một tay cờ bạc sành sỏi, mà từ năm 2001 đến nay, chủ yếu ông sống ở Macao - thủ phủ cờ bạc của châu Á. Điều đó cho thấy ông đã thoát khỏi vòng ảnh hưởng của không chỉ em trai ông, mà từ trước đó, đã thoát khỏi người cha của mình.
Cả hai anh em đều du học, nhưng rõ ràng Kim Jong-nam đã có những mối quan hệ rộng mở hơn so với em trai của mình (ông học ở Geneve và Moscow), và với đam mê đỏ đen thì nếu cho rằng ông có những mối quan hệ xã hội phức tạp thì cũng không có gì là khó hiểu.
Mặt khác, Kim Jong-nam là con trai lớn trong gia đình, anh em trai không lạ gì nhau thì nếu ông có thái độ xem thường hay thách thức em trai cũng không phải khó xảy ra, đặc biệt với một người từng trải, va chạm với bên ngoài nhiều như ông, đối lập với người em trai Kim Jong-un khép kín của mình.
Hơn nữa, là con trai lớn trong một gia đình quyền lực kiểu châu Á, nơi mà việc "phế con trưởng lập con thứ" vẫn được xem là hành động tiềm tàng gây họa, đã nhiều trường hợp dẫn đến việc anh em tàn sát lẫn nhau.

… Và như thế nào?
Từ những lập luận đó, phía Hàn Quốc đã đưa ra một giả thuyết cho rằng, liệu có phải  chính Triều Tiên đứng đằng sau âm mưu ám sát ông Kim Jong-nam (theo phát biểu của người phát ngôn Bộ Thống nhất hai miền của Hàn Quốc.) Nếu đúng như vậy thì tại sao lại vào thời điểm này?
Xin đưa ra lập luận theo kiểu giả thuyết - nếu cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il là một vị hoàng đế, thì cũng không tàn nhẫn đến mức xuống tay với con đẻ của mình, trừ phi thái tử tham gia âm mưu tạo phản.
Trường hợp của Kim Jong-nam đã bị phế truất khỏi địa vị Đông Cung Thái tử. Từ đó trở đi, ông có vẻ lặng lẽ, để tình hình yên ổn với lối sống đầy đam mê của mình nhưng ít ảnh hưởng đến gia đình và chính trị trong nước.
Với thời của Kim Jong-un thì khác, một con bài như anh trai của ông tiềm tàng nhiều nguy hiểm, như một âm mưu "phế vua này lập vua khác" từ trong nước, hoặc như trên đã nói, ông Kim Jong-nam có vị trí rất dễ để đe dọa uy tín của Chủ tịch hiện nay của nước CHDCND Triều Tiên…
Đó là một giả thuyết, vậy còn ai là những "nghi can" tiềm tàng của vụ tấn công này? Nhiều lắm, như Cơ quan Tình báo Hàn Quốc (NIS mà tiền thân của nó là KCIA) hay thậm chí là… CIA. Tất nhiên với những giả thuyết theo hướng này, người ta sẽ đặt câu hỏi rằng: "Tại sao lại là Kim Jong-nam?".
Một thái tử đã bị thất sủng, một quân bài ít giá trị và chỉ quan tâm đến đỏ đen, về logic mà nói đối với những thế lực muốn lật đổ hoặc phá hoại Nhà nước Triều Tiên, Kim Jong-nam sống có lợi hơn là chết. Tật xấu đỏ đen, chỗ yếu của ông ta lại trở nên điểm mạnh dễ khai thác của các cơ quan đặc biệt nước ngoài. Không loại trừ kể cả với phía Trung Quốc, lâu nay có trong tay quân bài Kim Jong-nam đồng thời cũng luôn luôn là một kế hoạch lâu dài đối với Triều Tiên.
Nếu như với mạch logic như vậy thì việc quay lại với giả thuyết ban đầu, tức là việc "giải quyết mâu thuẫn anh em" trở nên hợp lý hơn bao giờ hết. Đến đây thì sự hoàn hảo của kế hoạch đã đặt ra cho chúng ta một sự nghi ngờ khó dập tắt, vì bao giờ một kế hoạch hoàn hảo đến từng chi tiết, đặc biệt là về tính logic của nó nếu nó có chủ đích muốn hướng dư luận đến một kết luận hiển nhiên.
Điều đó có nghĩa là "CHDCND Triều Tiên đứng sau vụ ám sát ông Kim Jong-nam" là điều dễ nghĩ tới nhất. Phải chăng tính logic hiển nhiên cỡ đó đã dẫn tới việc Hàn Quốc nhanh chóng phát biểu ý kiến theo chính hướng này?
"Điều hợp lý nhất chính là điều đáng nghi ngờ nhất" - nếu như có một cơ quan đặc biệt, tình báo nước ngoài ngoài Triều Tiên đứng sau vụ này, thì đây lại trở thành một vụ hoàn hảo để làm mất uy tín của Chủ tịch Triều Tiên hiện nay, ông Kim Jong-un. Từ khi lên nắm quyền, ông Kim Jong-un dù trẻ tuổi, nhưng đã tỏ ra là người sắt đá. Việc ông ra lệnh xử tử chồng của cô ruột mình đủ thấy ông đủ lạnh thế nào trên con đường củng cố quyền lực.
Ngược lại những gì ông làm cũng sẽ làm tăng thêm tính hà khắc (nếu có) trong tổ chức Nhà nước nói riêng và toàn xã hội Triều Tiên nói chung. Có rất nhiều giả thuyết phụ phát sinh, như có những âm mưu chống lại lãnh tụ trong nội bộ, nhưng nếu theo hướng này thì phải loại trừ kế hoạch "phế vua này lập vua khác" (cần Kim Jong-nam còn sống) mà sẽ phải theo hướng đảo chính hoặc lật đổ.
Về phần mình, CHDCND Triều Tiên vẫn yêu cầu Malaysia trả xác ông Kim Jong-nam để tự mình khám nghiệm tử thi. Việc này cũng có thể được giải thích theo hai hướng: hoặc là để che giấu sự thật về một kế hoạch đứng sau, hoặc là để cố gắng tìm ra sự thật mà nếu để cơ quan điều tra của một nước khác tiến hành, khó có thể thực hiện được.
Tất nhiên từ góc độ luật quốc tế, thì yêu cầu đó của CHDCND Triều Tiên là khó có thể được chấp nhận. Malaysia không dễ gì từ bỏ chủ quyền quốc gia của mình trong một vụ như thế này; ở đây là quyền tài phán, thụ lý vụ án hình sự xảy ra trên lãnh thổ nước mình.
Chúng ta cũng không nên quên chỉ trước đây một tuần, Triều Tiên bắn thử tên lửa ngay sau cuộc gặp gỡ của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Mỹ, và cũng tuần vừa qua có sự kiện sinh nhật cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il (16-2.)
Nhưng nếu cho rằng ám sát anh của Chủ tịch Triều Tiên để nước này dừng những hành động được gọi là "ngoại giao tên lửa" thì quá nực cười, câu chuyện không đơn giản như vậy. Một hành động ám sát chỉ đổ thêm dầu vào lửa, nhất là trong những chuyện liên quan đến an ninh thế giới, ám sát một cá nhân ít ảnh hưởng không phải là mục tiêu ưu tiên. Giả thuyết theo hướng này chỉ có tính thuyết phục nếu ông Kim Jong-nam là người quan trọng trong chương trình tên lửa của Triều Tiên chẳng hạn…
Tất cả chỉ là những giả thuyết, nhưng cũng không thể ngờ là ở thời đại của bùng nổ công nghệ thông tin và sự tranh giành ảnh hưởng địa chính trị, vẫn còn chỗ cho những hành động ám sát cá nhân. Dù là ai đứng sau chăng nữa, chúng ta cần tin là nó vẫn sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến cục diện an ninh khu vực và thế giới.
Còn ai là thủ phạm thực sự, chắc câu trả lời cũng còn lâu mới có.
Phúc Lai

VỤ ÁN KIM-JONG-NAM: AI LÀ THỦ PHẠM ĐÍCH THỰC?

Bùi Quang Vơm
27-2-2017
Kim Jong-nam (phải), người anh sống lưu vong của nhà lãnh đạo độc tài Bắc Triều Tiên Kim Jong-un (trái), đã bị giết chết. Ảnh: internet

Thông thường, khi tìm kiếm người chủ mưu gây ra một vụ án, người ta thường đặt ra câu hỏi: Ai, hoặc những ai là người sẽ hưởng lợi từ vụ án?
Trong vụ ám sát Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ của nhà độc tài Triều Tiên Kim Jong-un, xảy ra sáng ngày 13/02/2017 tại sân bay Kuala Lumpur, thủ đô Malaysia, đáng lẽ cảnh sát Malaysia cũng phải đặt ra câu hỏi này, làm chỉ nam cho công việc điều tra của mình. Nhưng có vẻ như không phải vậy. Hình như Cơ quan an ninh của Malaysia chỉ nhằm tới mục đích xác minh nạn nhân đích thực là ai, cái gì trực tiếp gây ra cái chết, các thủ phạm trực tiếp gây án mạng là ai. Và dừng lại ở đó.
Phía sau những cái trực tiếp này, là các câu hỏi, Mục đích của vụ ám sát này là gì và ai là người chủ mưu, người tổ chức vụ an mạng, thì hình như người Malaysia không muốn biết, hoặc cố tình né tránh. Đó là vấn đề chính trị, và Malaysia, chỉ làm cái việc đảm bảo an ninh cho hoạt động Du lịch, một nguồn thu ngày càng trở nên đáng kể đối với nền kinh tế của Malaysia.
Chính bởi vậy mà người ngoài, những người không có khả năng tiếp cận với công tác điều tra, không bằng cách nào có được các thông tin khả dĩ dùng được để phân tích theo hướng tìm kiếm kẻ chủ mưu, từ đó xác định âm mưu của vụ án.
Cho nên, rất tự nhiên là khi tìm cách trả lời câu hỏi “Ai chủ mưu”, chúng ta không thể tránh được những phỏng đoán mang tính suy diễn, cảm tính. Nhưng suy diễn cảm tính lại là một phản xạ tự nhiên, bản năng, của con người trước một sự kiện, nhất là những sự kiện mang nhiều tính bí ẩn như những vụ án mạng, hơn nữa lại là một vụ án mạng chính trị.
Câu trả lời của câu hỏi, “Ai hưởng lợi từ cái chết của Kim Jong-nam?”, đến ngay trực tiếp không hề khó khăn, lần lượt sẽ là Triều Tiên, Hàn Quốc và Trung Quốc, không có quốc gia thứ tư.
1- Có thể lọai bỏ ngay Nam Hàn ra khỏi danh sách, vì mấy lý do giản dị thế này:
– Nam Hàn là nền Dân chủ hiện đại và tiến bộ, quốc gia có tư duy nhân bản hơn hai nước còn lại. Có thể tin rằng một chủ trương giết người man rợ như vậy, khó có thể đạt được đồng thuận trong giới lãnh đạo Hàn Quốc.
– Nam Hàn là người đầu tiên to tiếng nhất lên án hành vi man rợ, dã man này, và Nam Hàn quy kết không đắn đo thủ phạm là chế độ độc tài Kim Jong-un. Ngay ngày đầu tiên sau khi có tin Kim Jong-nam bị giết haị, mặc dù chưa xác định rõ nguyên nhân cái chết, Nam Hàn đã chĩa hệ thống loa không lồ hướng ra Bắc, ra rả tố cáo tội ác vô đạo đức của chế độ Bắc Triều. Có thể suy diễn theo lôgic thông thường, không thể vô tư “to mồm” như vậy, nếu trong bụng toàn dao găm và bàn tay vừa dính máu người chết.
– Tình báo Nam Hàn không có thông tin trước về lịch trình chuyến đi sang Malaysia của Kim Jong-nam.
 Tờ Chosun Ilbo tường thuật hôm 20/02, “ông Alex Hwang, người Hàn Quốc, chủ nhà hàng tại Kuala Lumpur, nơi Jong-nam thường đến ăn mỗi lần đến Malaysia, cho biết, thường thường tình báo Hàn Quốc đề nghị ông gửi thìa, dĩa, cốc mà Jong-nam dùng vào một túi nhựa và giao cho sứ quán để lấy mẫu vân tay và mẫu ADN nhằm xác định danh tính”. Như vậy, tình báo Nam Hàn không có người theo Jong-nam ở tuyến Một, chỉ có được các tin tức sau, nhằm biết được tung tích của Jong-nam, không có nguồn tin ở vòng tiếp cận trực tiếp, nắm chương trình hoạt động, di chuyển từng ngày của Jong-nam.
Tình báo Nam Hàn có thể là một trong những người đầu tiên có tin Jong-nam bị ám sát, nhưng không thể là người tổ chức.
– Việc mất ổn định của chế độ độc tài bắc Triều Tiên đương nhiên có lợi cho an toàn của Nam Hàn, nhưng cái chết của Jong-nam chỉ có tác dụng gián tiếp và không đủ quan trọng tới mức chính phủ Nam Hàn phải mạo hiểm, phiêu lưu và đặt uy tín quốc gia trước một nguy cơ tự huỷ hoại.
2- Nghi phạm chủ mưu thứ hai, và được xem như đương nhiên, không cần phải chứng minh là Bắc Triều Tiên. 
Với một chế độ cai trị nổi tiếng là độc tài, một nhà nước khép kín đầy bí ẩn, một hệ thống lãnh đạo cha truyền con nối, một quá khứ thanh trừng nội bộ không thương tiếc, Kim Jong-un từng ra lệnh xử tử chú dượng của mình, bây giờ xử tử anh ruột, thì có gì là lạ.
Điều lạ duy nhất là hình như chính quyền Bắc Triều Tiên không hề biết thế giới đánh giá cái chế độ của họ như thế nào, và lạ nữa là ngay chính bản thân Kim Jong-un không hề biết, hay cố tình không biết rằng trong con mắt thế giới, ông ta là một tên bạo chúa. Hay ông ta biết mà cố tình công khai thừa nhận mình là một tên bạo chuá, man rợ và tàn bạọ như một thú vật? Có thể như thế không?
Mọi tin tức, mọi bằng chứng, mọi hướng và luồng lạch điều tra đều chỉ một chiều duy nhất về phía Bắc Triều Tiên.
– Toàn bộ 7 nghi phạm đều mang danh tính bắc Triều. Nghi phạm người bắc Triều đầu tiên được xác định là một chuyên gia hoá học, trong khi chất độc được sử dụng là độc tố VX, một thứ độc tố cao cấp, được Liên Hiệp quốc liệt vào danh sách các vũ khí huỷ diệt hàng loạt, và chuyên gia Nam Hàn, ngày 24/02/2017, cho biết, Bắc Hàn có một kho dự trữ tới 5000 tấn. Một nghi phạm khác được coi là cầm đầu nhóm hành động tại Malaysia được cho là một nhân viên cao cấp của Sứ quán Triều Tiên tại Kuala Lumpur.
– Không có một chút nghi ngờ nào vào một xu hướng kêt́ luận tự nhiên, rằng thủ phạm là chế độ bắc Triều, chỉ kết luận như vậy là đủ, và có thể khép lại vụ án, không cần làm gì thêm. Và sẽ không có ai thắc mắc.
Nhưng tại sao vụ án được diễn ra có vẻ chóng vánh và rõ ràng như vậy. Tại sao moị chứng cớ, moị luồng lạch lại đều hướng về một mối, có phần dễ dãi. Cảnh sát Malaysia gần như xác định được ngay lập tức, từ danh tính, nhận dạng của nạn nhân tới danh tính của các nghi phạm chính.
Với một đội ngũ những sĩ quan tình báo nổi tiếng tài ba, dũng cảm, trung thành, được đào tạo chuyên nghiệp và có một trình độ thuộc một trong những đội quân tình báo hàng đầu thế giới, lại để lại dấu vết mà cảnh sát Malaysia có thể xác định 6 nghi phạm ngay từ hai ngày đầu tiên.
Nhưng hình như chỉ có thế và moị hướng điều tra đều dừng lại ở đấy. Vạch hướng tới bắc Triều rồi tắt. Đến bây giờ, mọi nghi vấn đều chỉ hướng về phía bắc Triều, nhưng không một nghi vấn nào đủ chứng cớ để xác quyết. Các nghi phạm đã về bắc Triều, cảnh sát Malaysia không có cách nào tìm kiếm tiếp tục, trong khi, hai nghi phạm còn nằm lại tại Malaysia, nghi là đang trốn trong Đại sứ quán Triều Tiên, thì vẫn không thể làm gì, nếu không có sự hợp tác của Sứ Quán, trong khi mâu thuẫn giữa ngoạ̣i giao hai nước càng ngày càng căng thẳng, có thể dẫn tới đóng cửa Sứ quán cả hai phía. Moị tội lỗi sẽ chỉ đổ lên đầu bắc Triều. Không thể chối cãi, và không cần bằng chứng. Moị tình huống, nếu không thể đi đến kết luận, đều có thể đổ lỗi do thiếu sự hợp tác của chính phủ bắc Triều Tiên. Có những người “dân” đã cung cấp tin tức nhanh chóng cho cảnh sát Malaysia, hay cảnh sát Malaysia thậm chí đã được chỉ đạo?
– Kim Jong-nam là con bài thay thế chế độ. Kim Jong-nam còn sống thì nguy cơ thay thế vẫn còn. Suy luận này là hiển nhiên.
Nhưng sau lần gặp nhau duy nhất vào ngày tang lễ của Kim Jong il, người cha của hai anh em, ngày 17/12/2011, hình như đã có một thoả thuận nào đó giữa hai anh em. Từ tháng 2 năm 2012, Kim-Jong-nam bắt đầu cuộc sống lưu vong nước ngoài tại Macau. Có vẻ như Kim Jong-un chu cấp moị phí tổn và bảo đảm cho Jong-nam một cuộc sống đầy đủ (*). Kịm Jong-nam từ đó không còn liên hệ gì với hệ thống liên quan tới bộ máy quyền lực của chế độ và không còn quan tâm tới chính trị.
Vụ ám sát vào cuối năm 2012, được cho là do bắc Triều tổ chức nhưng thất bại nhờ tình báo Trung Quốc, cuối cùng chỉ là tin đồn, không có thực. Tin đồn được xuất phát từ một tờ báo lá cải ở HongKong, nhưng không rõ người chủ trương phao tin là ai. Tuy nhiên, báo Hong Kong khi đó cũng thưà nhận không phải là chuyện rò rỉ từ tình báo bắc Triều.
Từ sau “vụ án đồn đại” có thể hữu ý này, Bắc Kinh bắt đầu “chiụ trách nhiệm về an toàn tính mạng” cho Jong-nam và gia đình của ông ta. Bắc Kinh bố trí mạng lưới điệp viên và thường xuyên có hai nữ vệ sĩ đi theo bảo vệ an toàn cho cá nhân và người thân của Kim Jong-nam.
– Vụ án xử tử người chú dượng Jang Song Thaek ngày 12/12/2013 là việc quyết định xử tử hình người chú mà chính Kim Jong-un có rất nhiều kỉ niệm gắn bó và rất yêu quý, sự thật cuối cùng là một âm mưu của Trung Quốc.
Jang Song Thaek là người thứ hai trong hệ thống quyền lực của chính phủ Kim Jong-un, cố vấn an ninh tin cậy độc nhất, đặc phái viên duy nhất của Kim Jong-un trong quan hệ với Trung Quốc, trong những ngày cầm quyền đầu tiên, thời gian mà Jong-un còn chưa được Trung Quốc ủng hộ.
Nhưng Jang Song Thaek đã bị Trung Quốc mua. Một âm mưu thay thế chế độ, tất nhiên dùng lá bài Jong-nam, do Jang Song Thaek tổ chức thực hiện. Mặc dù phương án thay thế chế độ này do chính quyền Hồ Cẩm Đào chủ trương và trực tiếp tiến hành, nhưng được Tập Cận Bình tiếp tục.
Theo báo Đa chiều, “Chính Chu Vĩnh Khang là người tiết lộ mật đàm giữa ông Hồ Cẩm Đào và Jang Song-thaek về việc lật đổ nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đồng thời Chu Vĩnh Khang cũng định đào tẩu sang Bắc Triều Tiên. Vì việc tiết lộ bí mật quốc gia, Chu Vĩnh Khang ngay sau đó bị bắt giam. Việc bại lộ khiến ông Kim Jong-un nổi giận, lập tức xử tử người chú rể và quay mặt với Trung Nam Hải.”
“Ngày 22/2, khi thăm Trung Quốc tháng 8/2012, Jang Song Theak đã mật đàm với cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào trong khoảng 1 giờ mà chỉ có phiên dịch của phía Bắc Kinh”.
Báo này nói rõ “Do Chu Vĩnh Khang làm lộ việc này, Jang Song Thaek nhanh chóng bị mất mạng. Không những thế, toàn bộ quan chức thân Bắc Kinh đã bị Kim Jong-un thanh trừng, nhưng một người đã kịp chạy sang cấp báo tình hình với Trung Nam Hải.”
Nhưng theo trang Wen Wei Po của Hong Kong, “Thì Giám đốc Ủy ban Ngoại giao, Thương mại và Thống nhất của Quốc hội Hàn Quốc, Ahn Hong Joon (cho rằng): quyết định hành quyết ông Jang Sung- taek không phải của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un, đây là chủ kiến của người đứng đầu Tổng cục Chính trị Triều Tiên Choe Ryong-hae”.
Tờ Nhân Dân nhật báo bản hải ngoại ngày 25/12 dẫn tin từ truyền thông Bắc Triều Tiên cho biết, “nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã khóc ròng suốt mấy ngày sau vụ hành quyết ông chú rể Jang Song Thaek, thậm chí đến ngày giỗ bố, ông Kim Jong-un vẫn còn khóc vì ân hận.”
Theo tờ Yomiuri, “Kim Jong-un rất buồn sau vụ xử tử Jang Song-thaek, hình như ông tự thấy như chính mình đã giết chết chú dượng nên trạng thái tâm lý không ổn định. Từ hôm xử tử Jang Song-thaek ngày 12/12 đến ngày 17/12 diễn ra lễ kỷ niệm 2 năm ngày mất của người cha Kim Jong-il, Kim Jong-un vẫn còn khóc”.
Có thể có quyền nghi ngờ một con người như vậy đã hết nhân tính không? Một người đã từng giết chú, bây giờ giết anh?! Và đó là một chàng trai từng chịu ảnh hưởng và ngưỡng mộ nền giáo dục Thuỵ Sĩ?!
Ngày 16/02 là ngày sinh nhật Kim Jong Il, và cả nước Triều Tiên đã chuẩn bị từ nhiều tháng trước, rất nhiều họat động, bắn pháo hoa, và hàng loạt các hoạt động vui chơi nhiều ngày. Nhưng ngày 13/02, Kim quyết định xử tử anh ruột của mình. Làm quà sinh nhật cha? Có thể có một con người còn nhân tính mà làm điều đó không. Jong-un có thể mất trí tới vậy không?!
 Kẻ gây ra chuyện này thật là tàn bạo và độc ác. Ai, có thể là ai?
Theo thông tấn KCNA, ngày 16/02, “Lãnh đạo Kim Jong-un cùng các quan chức tại Cung Kumsusan, nơi đặt thi hài của Kim Nhật Thành và Kim Jong Il. Trong chuyến viếng thăm bao gồm Hwang Pyong-so, Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội Triều Tiên và Kim Ki-nam, Choe Tae-bok, Bí thư đảng Lao động Triều Tiên”.
Các hình ảnh được phát đi trên truyền thông nhà nước của Bắc Hàn cho thấy, ông có vẻ mặt đằng đằng sát khí, và ông không giơ tay vẫy chào khi rời đi, điều lẽ ra ông vẫn thường làm.
Tuy nhiên, như ghi nhận của hãng tin Rёnhap (Hàn Quốc), “trong số những người tham gia lễ viếng không có mặt hai nhân vật thứ hai và thứ ba của chế độ, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Choe Ryong-hae và người đứng đầu Bộ Công an Kim Jong-hon, có giả thiết đã bị sa thải”.
Nếu lưu ý rằng, Choe Ryong hae chính là nhân vật đại diện duy nhất của Kim Jong-un liên lạc với lãnh đạo Trung Quốc, từ sau cái chết của người chú dượng Jang Song Thaek, thì sẽ có thể suy đóan hai khả năng:
 – Kim Jong-un chỉ mới biết tới vụ ám sát anh trai, sau khi xong việc.
 – Choe Ryong hae và Kim Jong-hon hoặc đã thực hiện theo chỉ đạo của thế lực thứ ba, hoặc tự tổ chức sau lưng Kim.
Nếu có thế lực thứ ba, Kim phải cay đắng chấp nhận, ngược lại, nếu là hành động tự ý, vượt mặt, sắp tới, rất có thể Choe Ryong hae và Kim Jong-hon sẽ biến mất, và hai nhân vật tháp tùng Jong-un trong lễ sinh nhật là Hwang Pyong-so, Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội Triều Tiên và Kim Ki-nam, Choe Tae-bok, Bí thư đảng Lao động Triều Tiên sẽ là những người thay thế.
Cho đến phút cuối cùng, bắc Triều Tiên vẫn một mực khẳng định người chết tại sân bay Kuala Lumpur ngày 13/02 là “nhân viên ngoại giao Kim Chol, không phải là Kim Jong-nam, và Malaysia đang cố chính trị hoá vụ án”. Điều này chỉ có nghĩa rằng bắc Triều Tiên không chịu trách nhiệm chính trị về cáị chết của Kim Jong-nam, cũng có nghĩa rằng, theo chính phủ bắc Triều Tiên, vụ ám sát là một mưu đồ chính trị.
 Người ta có thể ngầm hiểu rằng, theo chính phủ bắc Triều Tiên, có hai kẻ là thủ phạm, một là Nam Hàn, hai là Trung Quốc. Nếu Nam Hàn đã bị loại khỏi danh sách nghi phạm, thì nghi phạm duy nhất còn lại là Trung Quốc.
3- Thủ phạm có thể là Trung Quốc
Trong suốt thời gian xảy ra vụ án cho đến ngày hôm nay, 27/02/2017, người ta chưa hề nghe một chút thông tin nào từ phía chính phủ Trung Quốc và thậm chí từ báo chí truyền thông trung Quốc.
Tuy nhiên, một việc trái logic thông thường đã xảy ra.
Được biết Đoàn Thị Hương mua chiếc áo có chữ LOL của Taobao khi có mặt tại TQ một tháng trước đó. Nhưng, báo Vnexpress.net ngày 16/02 đưa tin, “Nữ nghi phạm sát hại Kim Jong-nam, anh trai nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, mặc chiếc áo phông màu trắng in chữ ‘LOL’. Nó có giá 6,3 tệ (gần một đôla Mỹ), được bán rộng rãi trên Taobao, theo SCMP. Tuy nhiên, sau khi hình ảnh về nữ nghi phạm được công bố hôm qua, mẫu áo này đã nhanh chóng bị dỡ khỏi các quầy hàng trên Taobao, trang mua sắm trực tuyến lớn nhất Trung Quốc“. Một dịp quảng bá miễn phí, và một dịp may hiếm có. Taobao tự ghè chân mình hay bị ép phải gỡ đường dẫn vụ án tới Trung Quốc?
– Theo China Press, nhật báo tiếng Trung tại Malaysia, 2 nữ nghi phạm bị cảnh sát bắt giữ đã sống tại Trung Quốc trong khoảng 1 đến 3 tháng qua. “Trong thời gian này, họ hành nghề “gái gọi” và qua lại với một người đàn ông. Người đàn ông này là người trung Quốc”. Tờ báo cho hay, người đàn ông này đã giới thiệu nghi phạm thứ nhất cho 4 thanh niên Triều Tiên.
Cảnh sát cho biết 4 người đàn ông Triều Tiên đã cung cấp thuốc độc cho hai phụ nữ thực hiện vụ án. Những người này bỏ trốn khỏi Malaysia cùng ngày với vụ sát hại, họ bay đi Vladivostok và từ Vladivostok về Triều Tiên, trong khi hai nữ nghi phạm, một người Indonesia và một người Việt Nam, bị bắt. Hai phụ nữ này có thể đã được tuyển dụng và huấn luyện bởi người Trung Quốc.
– Sau khi buộc phải chấp nhận sống lưu vong, đặc biệt sau cái chết của người chú dượng, Kim Jong-nam không còn liên lạc với bất cứ ai trong chế độ. Sau vụ tin đồn ám sát hụt vào tháng 02/2012, Kim Jong-nam chính thức được chính phủ Trung Quốc bảo vệ bằng biện pháp an ninh hai tầng, nghĩa là có vệ sĩ đi kèm và mật vụ vòng ngoài 24/24H. Việc tiếp cận Jong-nam của tình báo bắc Triều đã trở nên không thể. Như vậy, chỉ duy nhất mật vụ Trung Quốc nắm được chương trình chi tiết các dịch chuyển của Jong-nam.
– Kế hoạch ám sát được hình thành trước đó ít nhất là một tháng, bắt đầu bằng một người Trung Quốc, sau đó chuyển sang tay những người Triều tiên. Người duy nhất có khả năng tổ chức vụ ám sát là chính phủ Trung quốc.

Một câu hỏi được đặt ra, tại sao Trung Quốc phải giết Kim Jong-nam?
– Kim Jong-nam chưa bao giờ được coi là phương án thay thế Kim Jong-un do tư tưởng tự do và ủng hộ dân chủ. Kim Jong-nam không che giấu thiện cảm với nền dân chủ và sự phồn vinh của Nam Hàn. Phương án Jong-nam tất yếu dẫn đến thống nhất hai miền theo chế độ dân chủ và Triều Tiên sẽ trở thành đồng minh của Mỹ, đưa biên giới nước Mỹ tới phía đông bắc Trung Quốc suốt một chiều dài 1416km.
– Kim Jong-nam được nuôi dưỡng và bảo vệ chỉ để làm con bài mặc cả và uy hiếp chế độ và gây áp lực với Kim Jong-un, nhưng không phải là con bài thay đổi chế độ.
– Mục đích của Trung quốc là duy trì chế độ bắc Triều Tiên như một vùng đệm an toàn cho phía đông bắc Trung Quốc, sử dụng bắc Triều Tiên như một lọai thuốc thử, một phần tử khiêu khích nhằm đo lường phản ứng của dư luận và thái độ của các đối tác, châm ngòi lửa khi cần.
– Sự tồn tại của chế độ bắc Triều Tiên là một nhu cầu không thể tách rời của Trung Quốc. Triều Tiên vĩnh viễn phải là vùng đệm cho Trung Quốc. Trung Quốc không có nhu cầu xâm chiếm Triều Tiên, nhưng không thể chấp nhận một Bắc Triều Tiên độc lập hoặc thoát khỏi sự khống chế của Trung Quốc. Trung Quốc hoàn toàn có thể nuôi sống Triều Tiên. Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ chương trình hạt nhân của Triều Tiên đi đến bước cuối cùng bằng tiền và công nghệ Trung quốc, nhưng chỉ khi nào Trung Quốc có được sự đảm bảo quản lý tuyệt đối chương trình đó, nghĩa là Trung Quốc phải là một trong hai người ấn nút. hoả tiễn.
– Trước sức ép chiến tranh kinh tế mà tổng thống Mỹ Trump tuyên bố, “Trung Quốc hoàn toàn có thể ngăn chặn Triều Tiên, nhưng Trung Quốc đã không làm gì”̉ và trước nguy cơ hệ thống phòng thủ tên lưả giai đoạn cuối (THAAD) có thể sẽ được lắp đặt trong cuộc tập trận Mỹ Hàn vào tháng ba sắp tới, Trung Quốc buộc phải xuống thang. Nếu TRUMP tăng thuế nhập khâp̉ hàng hoá Trung quốc lên 45%, thì không cần phải tuyên bố chiến tranh, nền kinh tế Trung Quốc tự sụp đổ. Và nếu THAAD được lắp đặt tại Nam Hàn thì cũng có nghĩa rằng moị cố gắng đầu tư trang bị vũ khí trên đất liền và trên biển của Trung Quốc hơn mười năm nay nhằm hướng ra biển Đông, tốn hàng chục tỷ USD, sẽ trở thành vô dụng.
Trung Quốc buộc phải làm một cái gi ̀- trừng phạt Triều Tiên theo quyết định của Liên Hiệp quốc. Nhưng trừng phạt nhằm làm yếu chế độ Triều Tiên là điều Trung Quốc không muốn và sẽ gây căng thẳng với Triều Tiên, thậm chí gây ra, ngoài ý muốn, sự đổ vỡ hoàn toàn quan hệ hai nước tới mức không thể cứu vãn.
Có thể tưởng tượng một cuộc đối thọai giữa người của Tập cận Bình và Kim Jong-un diễn ra như thế này:
– Chúng tôi buộc phải trừng phạt các ngài, hoặc cả các ngài và chúng tôi sẽ cùng chết. THAAD nếu được lắp đặt, thì hạt nhân của các ngài thành vô dụng.
– Như vậy là thực sự các ngài muốn hy sinh chúng tôi?
– Không, ngược lại.
– Có gì đảm bảo, nếu các ngài ngừng nhập khẩu than và các ngài vẫn nuôi con bài thay thế?
– Chúng tôi sẽ đảm bảo bù lại một tỷ USD thiệt hại do ngừng nhập than, còn phương án thay thế, các ngài có thể yên tâm. Nó sẽ được thu xếp.
 Ngày 13/02, Kim Jong-nam chết tại Malaysia; khi chuẩn bị lên máy bay quay lại Macau. Ngày 18/02, Trung Quốc tuyên bố ủng hộ lệnh trừng phạt của Liên Hợp quốc. Ngày 19/02, lệnh ngừng nhập khẩu than của Triều Tiên có hiệu lực một năm, đến tháng hai năm 2018 với tổng gía trị lên tới một tỷ USD.
Những gì xảy ra chỉ chứng tỏ rằng, Trung Quốc muốn làm gì là làm được. Phương án thay thế biến mất và nó sẽ là món quà tặng cho sinh nhật ngài cố chủ tịch Kim Jong il, ngaỳ 16/02.
Bề ngoài, Trung Quốc sẽ bằng moị cách làm cho dư luận có cảm tưởng rằng việc giết haị con bài trong tay Trung Quốc, và việc Trung Quốc đứng về phía các nước thù địch, trừng phạt Triều Tiên, hai quốc gia này sẽ trở thành thù địch, chứ không phải đồng minh.
Đúng là theo lôgíc thông thường, người ta sẽ chấp nhận một suy luận như vậy, dễ dàng và tự nhiên. Nhưng chắc chắn, nếu theo lối suy diễn thông thường, người ta sẽ phạm sai lầm, nếu sự việc có liên quan tới cỡ chóp bu của chính quyền cộng sản Trung Quốc.
------------------------------
(*) Ghi chú của trang Ba Sàm: Theo các tin từ báo chí phương Tây, dẫn lời các các viên chức Bắc Hàn, cho biết, Kim Jong-nam là người quản lý số tiền của thừa kế từ người cha để lại, cùng với số tiền quỹ của ông chú dượng Jang Song Thaek, sau khi ông bị Kim Jong-un tử hình năm 2013. Theo tin từ hãng Yonhap, hai anh em cãi nhau trước đó, vì Kim Jong-nam từ chối trả số tiền mà ông ta quản lý từ quỹ của ông chú dượng, số tiền mà em nói là của mình.