(GDVN) - Trung Quốc dường như đã âm thầm tự hủy bỏ yêu sách đường 9
đoạn, bằng cách không nhắc đến nó trong yêu sách chính thức và mới nhất.
LTS: Hội đồng Trọng tài do Tòa Trọng tài Thường trực thành lập
theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 xét xử vụ kiện trọng tài Biển Đông giữa
Philippines và Trung Quốc ra phán quyết cuối cùng ngày hôm qua 12/7 đã
gây sự chú ý đặc biệt của dư luận quốc tế cũng như trong nước.
Trung Quốc đã chính thức lên tiếng về phán quyết của Hội đồng
Trọng tài và nhắc lại lập trường "3 Không" của họ, đồng thời Trung Quốc
đã ra "Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về chủ
quyền lãnh thổ và quyền lợi biển ở Biển Đông" rất đáng chú ý, đăng trên
Tân Hoa Xã lúc 17 giờ 47 phút 44 giây chiều qua, giờ Bắc Kinh.
Tiến sĩ Trần Công Trục, chuyên gia về biên giới lãnh thổ và
UNCLOS 1982 gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích của ông
xung quanh những vấn đề nóng bỏng đang được dư luận hết sức quan tâm,
xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc.
Phán quyết của Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS
1982 (sau đây gọi là Tòa) xét xử vụ kiện trọng tài Biển Đông giữa
Philippines là một thắng lợi to lớn của công lý, luật pháp quốc tế và
UNCLOS 1982.
Phán quyết này thể hiện sự công tâm, khách quan và thượng tôn pháp
luật cũng như trình độ uyên bác, hiểu biết cặn kẽ các quy định trong
UNCLOS 1982 và nỗ lực hết mình vì công lý của 5 vị Thẩm phán.
|
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp. |
Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc giải thích, áp dụng UNCLOS
1982 ở Biển Đông, đặc biệt là những khái niệm về "quyền lịch sử" hay
hiệu lực pháp lý của các thực thể, điều kiện xác lập các vùng biển của
các thực thể là đảo, đá, bãi cạn lúc nổi lúc chìm ở Biển Đông đã được
Tòa làm rõ.
Hai điểm sáng trọng yếu trong phán quyết của Tòa
Mặc dù trước thời điểm có phán quyết, ngay trong giới nghiên cứu quan
sát quốc tế cũng như trong nước đã có những nhận định khác nhau về khả
năng Tòa sẽ ra phán quyết về nội dung nào.
Đặc biệt là 2 nội dung liên quan đến yêu sách đường 9 đoạn của Trung
Quốc và hiệu lực pháp lý của các thực thể ở Trường Sa, Scarborough.
Phán quyết của Tòa có thể nói là thành công mỹ mãn trong việc làm rõ các
vấn đề ứng dụng, giải thích Công ước.
Theo tôi có hai điểm quan trọng cần đặc biệt nhấn mạnh và nghiên cứu
kỹ trong phán quyết của Tòa để tiếp tục phát huy giá trị của phán quyết
trong việc bảo vệ hòa bình, ổn định ở Biển Đông, giải quyết các tranh
chấp tiếp theo thông qua biện pháp hòa bình và phù hợp với luật pháp
quốc tế.
Thứ nhất về "quyền lịch sử" và "đường 9 đoạn", phán quyết của Tòa nêu rõ:
"Toà Trọng tài nhận thấy có thẩm quyền để xem xét tranh chấp giữa
các bên liên quan đến quyền lịch sử và nguồn của quyền hưởng các vùng
biển tại Biển Đông.
Về mặt nội dung thực chất, Toà kết luận rằng Công ước quy định
một cách toàn diện về các quyền đối với các vùng biển, và việc bảo vệ
các quyền tồn tại trước Công ước liên quan đến tài nguyên đã được xem
xét, nhưng chúng không được thông qua và quy định tại Công ước.
Theo đó, Tòa kết luận rằng trong phạm vi quyền lịch sử của Trung
Quốc đối với các nguồn tài nguyên trong các vùng biển ở Biển Đông, quyền
này bị xóa bỏ do chúng không phù hợp với chế định vùng đặc quyền kinh
tế trong Công ước.
Toà cũng nhận thấy dù trong lịch sử, những người đi biển cũng như
ngư dân từ Trung Quốc cũng như từ các nước khác đã sử dụng các đảo tại
Biển Đông nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy về mặt lịch sử
Trung Quốc đã chỉ một mình thực hiện việc kiểm soát vùng nước này cũng
như tài nguyên tại đây.
Vì vậy, Toà kết luận không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường 9 đoạn."
|
Hội đồng Trọng tài 5 thẩm phán do PCA
thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 xét xử vụ kiện trọng tài Biển
Đông giữa Philippines và Trung Quốc, ảnh: PCA. |
Như vậy có thể thấy, Tòa không chỉ bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò phi
lý, mơ hồ, vô căn cứ của Trung Quốc ở Biển Đông như dư luận mong đợi, mà
quan trọng hơn nữa Tòa đã kết luận kông có cơ sở pháp lý để Trung Quốc
yêu sách quyền lịch sử đối với
"tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường 9 đoạn".
Nói cách khác, Tòa đã làm rất rõ về "quyền lịch sử" đối với "tài
nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường 9 đoạn", chứ không phải
"chủ quyền lịch sử" với các thực thể đảo, đá, bãi cạn lúc nổi lúc chìm
bên trong đường 9 đoạn" như cách giải thích của Trung Quốc.
Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Một là thể hiện rõ tính đúng đắn và hợp pháp của phán quyết vì phán
quyết này là việc ứng dụng, giải thích UNCLOS 1982 chứ không liên quan
đến "chủ quyền / lãnh thổ" và phân định biển, nên Trung Quốc không thể
bác bỏ;
Hai là bác bỏ "quyền lịch sử" với các tài nguyên biển bên trong đường 9 đoạn, hoàn toàn phù hợp với quy định của UNCLOS 1982.
Thứ hai là về quy chế của các cấu trúc, phán quyết của Tòa làm rõ:
"Trước tiên, Toà tiến hành đánh giá liệu một số bãi do Trung Quốc
yêu sách có nổi khi thuỷ triều lên đỉnh hay không. Các cấu trúc nổi khi
thủy triều lên cao sẽ tạo ra quyền ít nhất đối với lãnh hải tối đa 12
hải lý, trong khi các cấu trúc chìm khi thuỷ triều lên cao sẽ không tạo
ra quyền như vậy.
Toà nhận thấy rằng các bãi này đã bị làm biến đổi mạnh mẽ do việc
bồi đắp, xây dựng và Toà cũng nhắc lại rằng Công ước phân loại các cấu
trúc dựa trên điều kiện tự nhiên của chúng và dựa vào các tài liệu lịch
sử để đánh giá các cấu trúc.
Sau đó, Toà tiến hành đánh giá liệu các có cấu trúc nào trong số
các cấu trúc do Trung Quốc yêu sách có thể tạo ra vùng biển ngoài phạm
vi 12 hải lý không.
Theo Công ước, các đảo tạo ra vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý
và thềm lục địa nhưng các “đảo đá không thích hợp cho con người đến ở và
có đời sống kinh tế riêng không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục
địa”.
Toà kết luận rằng quy định này phụ thuộc vào khả năng khách quan
của các cấu trúc khi chúng ở tình trạng tự nhiên để có thể duy trì một
cộng đồng dân cư ổn định hoặc các hoạt động kinh tế mà không phụ thuộc
vào các nguồn lực từ bên ngoài hoặc hoàn toàn chỉ có tính chất khai
thác.
Toà cũng nhận thấy rằng sự có mặt của các nhân viên công vụ trên
các cấu trúc là phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ bên ngoài và không phản ánh
khả năng của các cấu trúc.
Toà cũng thấy rằng các bằng chứng lịch sử có ý nghĩa hơn và nhận
thấy quần đảo Trường Sa trong lịch sử được sử dụng bởi một số nhóm nhỏ
các ngư dân và rằng đã có một vài hoạt động khai thác phân dơi và đánh
cá của Nhật Bản.
Toà kết luận rằng việc việc sử dụng ngắn hạn như vậy không phải
là sự định cư của một cộng đồng ổn định và rằng các hoạt động kinh tế
trong lịch sử chỉ là hoạt động mang tính khai thác.
Theo đó, Toà kết luận rằng không một cấu trúc nào tại Trường Sa có khả năng tạo ra các vùng biển mở rộng.
Toà cũng quyết định rằng các đảo Trường Sa không thể cùng nhau tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất.
Trên cơ sở kết luận không một cấu trúc nào mà Trung Quốc yêu sách có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế."
Có thể nói nhóm nội dung thứ 2 trong phán quyết của Tòa là điều trên cả
mong đợi. Bởi tính phi lý, mơ hồ và nguy hiểm của đường 9 đoạn gây nên
nhiều bức xúc trong dư luận khu vực và quốc tế thì ai cũng thấy. Bởi vậy
trước phán quyết, hầu hết các học giả đều cho rằng Tòa sẽ bác bỏ nó.
Nhưng cũng có một vài học giả lo ngại vì Trung Quốc kiên quyết không
làm rõ đường 9 đoạn là đường gì, vùng biển bên trong đường 9 đoạn gọi là
gì và Tòa phải có trách nhiệm làm rõ nó, nên hoài nghi khả năng có phán
quyết về đường 9 đoạn.
Kết quả phán quyết là câu trả lời không thể thuyết phục hơn, không thể đầy đủ hơn.
Còn riêng về hiệu lực pháp lý của các vùng biển, việc xác định nó là
công việc khó khăn, phức tạp và đặc biệt nhạy cảm về chính trị.
Điều này thể hiện rõ trong thái độ, phản ứng của Trung Quốc với các
hoạt động tuần tra tự do hàng hải, hàng không của Hoa Kỳ bên trong phạm
vi 12 hải lý một số cấu trúc ở Trường Sa, Hoàng Sa.
Bởi vậy dù rất mong muốn Tòa sẽ làm rõ điều này, nhưng trước khi có
phán quyết, cá nhân người viết cũng không dám hy vọng quá nhiều.
Phán quyết của Tòa đã cung cấp một câu trả lời hết sức thuyết phục,
khách quan và có ý nghĩa quan trọng trong việc thu hẹp các phạm vi tranh
chấp trên Biển Đông trong thời gian tới.
Ở nhóm nội dung thứ 2 này của phán quyết, cá nhân tôi cho rằng cần đặc biệt lưu ý 2 điểm:
Một là
"không một cấu trúc nào Trung Quốc yêu sách có khả năng tạo ra một vùng đặc quyền kinh tế".
Đây là tham chiếu rất cụ thể cho chúng ta soi lại vụ giàn khoan 981
Trung Quốc cắm bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa
Việt Nam hoàn toàn không có tranh chấp.
Nhưng họ lập luận rằng vị trí cắm giàn khoan 981 nằm trong "vùng biển
Hoàng Sa". Đây là khái niệm chung chung, không phải khái niệm pháp lý.
Nhưng có thể hiểu rằng, Trung Quốc muốn ám chỉ "vùng đặc quyền kinh
tế" 200 hải lý của một hoặc một vài thực thể thuộc quần đảo Hoàng Sa,
hoặc vùng đặc quyền kinh tế của cả quần đảo Hoàng Sa.
Hai là
"các đảo ở Trường Sa không thể cùng nhau tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất".
Nói cách khác, Trường Sa không thể có đường cơ sở thẳng để tính chiều
rộng lãnh hải, và do đó không thể có lãnh hải chung, vùng đặc quyền kinh
tế chung cho cả quần đảo như với chế độ của "quốc gia quần đảo" quy
định tại Điều 47, UNCLOS 1982.
Năm 1996 khi phê chuẩn UNCLOS 1982, Trung Quốc đã ra tuyên bố về đường cơ sở thẳng để tính chiều rộng lãnh hải cho Hoàng Sa.
Người viết cho rằng đây là một sự giải thích sai, áp dụng sai Điều
47, UNCLOS 1982. Nội dung phán quyết này của Tòa về Trường Sa cho ta một
tham chiếu và minh chứng cụ thể cho nhận định này.
Điều này đặc biệt quan trọng.
Xin hãy lưu ý rằng kể từ 2009 đến nay, cứ khi nào Trung Quốc thích
gây chuyện với Việt Nam trên Biển Đông, đặc biệt là dùng giàn khoan
khổng lồ, họ thường chọn vị trí ở cửa vịnh Bắc Bộ mở rộng chưa phân
định, hoặc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp của ta nhưng
lập luận rằng đó là "vùng biển Hoàng Sa".
Trung Quốc không kéo giàn khoan ra các vị trí khác mà chỉ loanh quanh khu vực này là có lý do của họ.
Có khả năng Trung Quốc âm thầm tự hủy đường 9 đoạn, nhưng tham vọng không thay đổi
"Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về chủ quyền
lãnh thổ và quyền lợi biển ở Biển Đông" công bố trên Tân Hoa Xã lúc 17
giờ 47 phút 44 giây chiều qua giờ Bắc Kinh đặc biệt đáng chú ý.
Đây là lập trường chính thức, công khai, mới nhất của Trung Quốc về
các vấn đề Biển Đông và được công bố ngay sau phán quyết của Tòa.
Nhà nước Trung Quốc tuyên bố có "chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển ở Biển Đông", bao gồm 4 nội dung:
1) Trung Quốc (tuyên bố) có chủ quyền đói với các đảo ở Biển
Đông, bao gồm quần đảo Đông Sa, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trung Sa và
quần đảo Trường Sa.
2) Các đảo Trung Quốc (nhận là có chủ quyền) ở Biển Đông có nội thủy, lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải.
3) Các đảo Trung Quốc (nhận là có chủ quyền) ở Biển Đông có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
4) Trung Quốc có quyền lịch sử ở Biển Đông
Như vậy Trung Quốc không nhắc gì đến đường 9 đoạn, ngay cả "quyền
lịch sử" mà Trung Quốc đề cập trong nội dung thứ 4 cũng không nói là
trong phạm vi đường 9 đoạn.
Trung Quốc không có bản đồ đính kèm về cái gọi là "quyền lịch sử
trong đường 9 đoạn" như 2 bản Công hàm gửi Liên Hợp Quốc năm 2009.
Thông tin duy nhất về đường lưỡi bò được tuyên bố này nhắc lại trong đoạn:
"Sau khi kết thúc Chiến tranh Thế giới II, Trung Quốc đã thu hồi
các đảo ở Biển Đông từng bị Nhật Bản chiếm đóng phi pháp trong chiến
tranh, đồng thời khôi phục thực thi chủ quyền.
Chính phủ Trung Quốc đã tăng cường quản lý các đảo ở Biển Đông,
năm 1947 thẩm định tên gọi các đảo ở Biển Đông và biên tập thành cuốn
"Nam Hải chư đảo địa lý chí lược" (tạm dịch: Khảo lược địa lý các đảo ở
Biển Đông), đồng thời vẽ "Bản đồ vị trí các đảo ở Biển Đông" có đường
đứt đoạn liên tục, tháng 2 năm 1948 thì chính thức công bố với thế
giới".
Lời văn này cho thấy, đường 9 đoạn chỉ đơn giản là đường đứt đoạn
liên tục Trung Quốc vẽ ra để "quây" các đảo ở Biển Đông lại, nhận các
đảo này là thuộc "chủ quyền / lãnh thổ" của họ. Ngoài ra đường 9 đoạn
không có ý nghĩa nào khác.
|
Ảnh chụp bản đồ có đường 9 đoạn đính kèm
trong Công hàm Trung Quốc gửi Liên Hợp Quốc năm 2009, nguồn ảnh: Bộ
Ngoại giao Hoa Kỳ. Đường gạch chéo màu đỏ do Ban Biên tập thêm vào để
khẳng định tính chất phi lý, sai trái của nó, đồng thời bác bỏ cái gọi
là yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường
Sa của Việt Nam mà Trung Quốc chú thích trong bản đồ này với 2 cái tên
sai trái "Xisha Qundao" ở Hoàng Sa và "Nansha Qundao" ở Trường Sa. |
Hơn nữa, cũng theo Tân Hoa Xã ngày 12/7 thì Chủ tịch Trung Quốc Tập
Cận Bình khi phát biểu về phán quyết của Tòa đã không nhắc gì tới đường 9
đoạn, chỉ bảo lưu quan điểm của Trung Quốc về "chủ quyền đối với các
đảo ở Biển Đông".
Sơ bộ có thể nhận xét:
Một là, Trung Quốc
dường như đã âm thầm tự hủy bỏ yêu sách đường 9 đoạn, bằng cách không
nhắc đến nó trong yêu sách chính thức và mới nhất về "chủ quyền lãnh thổ
và quyền lợi biển" ở Biển Đông.
Hai là, 4 nội dung
Trung Quốc nêu ra trong tuyên bố mới nhất đã tự thu hẹp đáng kể phạm vi
khu vực vốn không có tranh chấp nhưng nước này cố tình muốn tạo ra tranh
chấp trên Biển Đông. Cụ thể các tranh chấp hậu vụ kiện trọng tài là:
Chủ quyền đối với các đảo / đá / bãi cạn lúc nổi lúc chìm ở Biển Đông;
Áp dụng và giải thích UNCLOS 1982 đối với các đảo / đá / bãi cạn
lúc nổi lúc chìm ở Biển Đông về việc các thực thể này có hay không có,
sẽ có những vùng biển hiệu lực nào;
Chồng lấn các vùng biển tạo ra bởi các đảo / đá / bãi cạn lúc nổi
lúc chìm ở Biển Đông cũng như giữa các vùng biển này với vùng đặc quyền
kinh tế của Philippins, Malaysia;
Quyền lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông là gì?
Ba là, tham vọng của
Trung Quốc trên Biển Đông vẫn chưa thay đổi, chỉ chuyển đổi hình thức
thể hiện từ đường 9 đoạn qua yêu sách "vùng đặc quyền kinh tế và thềm
lục địa các đảo".
Bởi nếu Trung Quốc đòi yêu sách này với cả Hoàng Sa, Trường Sa, Scarborough thì cũng gần hết Biển Đông.
Bốn là, nguyên tắc
pháp lý giải quyết tranh chấp Trung Quốc nêu ra trong "Tuyên bố của
Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về chủ quyền lãnh thổ và
quyền lợi biển ở Biển Đông" còn rất chung chung và dễ gây nhầm lẫn: Luật
pháp quốc tế bao gồm UNCLOS 1982.
Trong đó,
tranh
chấp chủ quyền / lãnh thổ đối với các đảo/đá/bãi cạn lúc nổi lúc chìm ở
Biển Đông cần phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở
luật pháp và thông lệ quốc tế về quyền Thụ đắc lãnh thổ chứ không phải
UNCLOS 1982.
Như vậy có thể thấy, Trung Quốc đã có những bước hiệu chỉnh âm thầm sau phán quyết của Tòa.
Dù về mặt công khai, Trung Quốc vẫn duy trì lập trường 3 Không, nhưng
bản chất vẫn là "ông nói gà, bà nói vịt" vì Tòa phán quyết một chuyện,
Trung Quốc lại phản đối một chuyện khác, hai vấn đề không liên quan đến
nhau.
Điều này một lần nữa minh chứng, luật pháp quốc tế có giá trị không
thể nghĩ bàn trong việc duy trì công lý, hòa bình, ổn định ở Biển Đông
và giải quyết hòa bình các tranh chấp, mâu thuẫn quốc tế, dù về mặt công
khai các bên liên quan có đồng ý hay không.
Một lần nữa người viết bày tỏ sự khâm phục và biết ơn những nỗ lực
không mệt mỏi của Hội đồng Trọng tài 5 thẩm phán thụ lý vụ kiện trọng
tài Biển Đông này.
Không những thế, cả 5 thẩm phán đã rất xuất sắc và tinh tế để tìm ra
những vấn đề cốt lõi nhất của việc giải thích, ứng dụng UNCLOS 1982 trên
Biển Đông mà Trung Quốc cố tình đánh tráo khái niệm và bản chất vấn đề
từ áp dụng, giải thích UNCLOS 1982 thành "tranh chấp chủ quyền / lãnh
thổ".
Phán quyết này còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các học giả
Trung Quốc chân chính như Giáo sư Lý Lệnh Hoa trong việc đấu tranh,
phân tích, làm rõ các yêu sách, các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở
luật pháp quốc tế.
Thời gian qua trong giới nghiên cứu Trung Quốc, đã có không ít tiếng
nói từ những nhà khoa học chân chính đặt vấn đề về căn cứ pháp lý của
đường 9 đoạn, cũng như yêu sách chủ quyền Trung Quốc đưa ra đối với 2
quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và bãi cạn Scarborough.
Tuy nhiên dường như họ còn yếu thế trước một số quan điểm hung hăng,
hiếu chiến đang chiếm thế thượng phong, trong khi bản chất các vấn đề,
tranh chấp ở Biển Đông rất khó khăn, phức tạp. Những nhà nghiên cứu chân
chính như Giáo sư Lý Lệnh Hoa có thể bị những quan điểm chống đối quy
chụp ông bất cứ lúc nào.
Bởi vậy, việc 5 Thẩm phán Hội đồng Trọng tài làm rõ về việc ứng dụng,
giải thích UNCLOS 1982, đặc biệt là về "quyền lịch sử đối với các tài
nguyên biển trong đường 9 đoạn" và hiệu lực pháp lý các cấu trúc ở
Trường Sa, Scarborough sẽ củng cố thềm lòng tin của họ vào công lý, lẽ
phải để tiếp tục theo đuổi chân lý, vì hòa bình, ổn định của khu vực, và
cũng chính là để bảo vệ uy tín, danh dự và tương lai của dân tộc Trung
Hoa.
Vấn đề còn lại là các bên liên quan làm sao phát huy tốt nhất hiệu
lực, hiệu quả phán quyết này để bảo vệ hòa bình, ổn định và luật pháp
quốc tế ở Biển Đông cũng như quyền và lợi ích chính đáng của các bên.
Do đó thiết nghĩ, dư luận quốc tế, khu vực và nhất là Việt Nam cần
hiểu rõ, nắm chắc nội dung, ý nghĩa của phán quyết. Đặc biệt cần chú ý
rằng, đây là thắng lợi của công lý, công pháp quốc tế, UNCLOS 1982, sự
thật và lẽ phải. Không nên xoáy vào chuyện thắng thua, hơn thua cụ thể.
Phán quyết này mới bước đầu giải quyết được chỉ một trong số nhiều tranh chấp phức tạp ở Biển Đông.
Do đó không nên coi đó là chìa khóa vạn năng cho mọi vấn đề, cần
tỉnh táo để tính toán những bước đi tiếp theo, tránh sử dụng phán quyết
như công cụ để công kích, hạ bệ nhau, bởi điều đó càng làm cho phán
quyết khó thực thi.
Diễn biến Biển Đông sẽ ra sao sau phán quyết của Tòa, chúng tôi sẽ trở lại phân tích trong bài viết tới.
Tài liệu tham khảo:
Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển ở Biển Đông:
http://news.xinhuanet.com/world/2016-07/12/c_1119207706.htm
Phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau vụ kiện Trọng tài Biển Đông: