Chênh vênh pháp lý từ vụ “người tù chung thân”
Thanh Nhã
Sự kiện “người tù chung thân” Nguyễn Thanh Chấn trở về sau 10 năm ở tù có lẽ là tâm điểm chấn động ngành tố tụng Việt Nam.
Nó chấn động bởi gần như là lần đầu tiên, một bị án tù chung thân
được cơ quan tố tụng thừa nhận là oan, thả về. Nó còn chấn động bởi hình
ảnh gia đình ông Chấn vỡ òa trong niềm vui hạnh ngộ.
Những ngày tháng chất chồng cơ cực, nhẫn nại tìm ra chân tướng sự
thật đong đầy bằng nước mắt nghẹn ngào của mẹ, của vợ con và hàng xóm
ông Chấn. Để rồi qua báo chí, qua mạng, những cái siết tay, ôm ghì len
lỏi, bóp thắt lòng người.
Điều trớ trêu là 10 năm ông Chấn ở tù, người chứng minh nỗi nghiệt
oan này không phải đến từ cơ quan chức trách như tòa án, viện kiểm sát
hay công an mà chính là tự gia đình của ông Chấn. Nỗi oan ức thấu trời
xanh, một lần nữa do chính tay người dân giải oan bằng cái thứ nghiệp vụ
rất nông dân: gửi đơn, khiếu nại, tự điều tra…
Các cơ quan tố tụng trên đã làm gì trong suốt 10 năm với số phận một con người?
Liên hệ trở lại với rất nhiều vụ án mà mỗi lần ra tòa, bị cáo liên
tục kêu oan trong khi tại cơ quan điều tra thì nhận tội. Ai cũng nói
mình bị ép cung, bị điều tra viên dùng nhục hình, mớm cung với đủ thứ
thủ thuật.
Nhiều vụ án khác nhau, nhiều số phận pháp lý khác nhau, nhưng mỗi lần
nghe bị cáo phân bua, tòa đều bác. Đáp án chung cho các trường hợp này
là: không có cơ sở để xác định bị cáo bị ép cung, bị nhục hình.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào bị cáo chứng minh được mình bị ép cung,
bị nhục hình khi chỉ mỗi mình bị cáo đối mặt với điều tra viên?
Một nguyên tắc bất di bất dịch đối với bất cứ nền pháp lý văn minh
nào, là khi không thể trả lời được tất cả các câu hỏi của vụ án, khi
không tìm ra được sự thật của vụ án một cách thuyết phục, khi không đủ
chứng cứ buộc tội thì phải tuyên vô tội. Nói khác đi, thà tha lầm còn
hơn xử tội oan.
Một nạn nhân thiệt mạng vì sự dã tâm của hung thủ, chắc chắn sẽ để
lại nỗi đau dai dẳng với người thân của họ và khoảng trống mênh mang khi
pháp luật ngoài tầm với. Nhưng điều đó không đáng sợ bằng một bản án
oan. Thiệt thòi cho một mạng người, còn hơn tất cả mọi người trong xã
hội đều có nguy cơ chịu hình phạt oan trong khi mình không gây tội ác.
Còn nhớ, ngày 2.6.2005, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 49 về cải
cách tư pháp. Đó là nhiệm vụ chiến lượt trong giai đoạn 2005 đến 2020.
Trong đó nêu rõ: “các cơ quan tư pháp phải thực sự là chỗ dựa của nhân
dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, đồng thời phải là công
cụ hữu hiệu bảo vệ pháp luật”.
Cán bộ tư pháp suy cho cùng cũng chỉ là con người, nghĩa là không thể
tránh khỏi sai sót khi thực hiện công việc. Nhưng gán một oan án tù
chung thân bằng sự cố chấp thì khác nào đẩy lùi tiến trình cải cách tư
pháp. Sẽ còn nguy hại hơn, nếu đó là một bản án tử hình!
Ở tù là từ gọi của dân gian chỉ việc bị giam cầm. Đúng nghĩa của ở tù
là cải tạo một công dân phạm tội thành người tốt rồi trở lại đời sống
xã hội. Một người không phạm tội mà phải chịu sự giáo dục bằng trại
giam, khóa thép thì cực kỳ vô lý.
Trở lại vụ án giết người, cướp tài sản mà ông Nguyễn Thanh Chấn bị
cáo buộc là hung thủ, 10 năm ở tù của ông rồi sẽ được bồi thường bằng
các khoản cân đo đong đếm được theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi
thường nhà nước. Các cán bộ tham gia điều tra, truy tố, xét xử rồi sẽ bị
xử lý tùy theo mức độ sai phạm và có thể bị buộc trích lương để hoàn
trả tiền bồi thường cho nhà nước.
Nhưng niềm tin vào công lý của người dân và sự mòn mỏi đợi chờ của
ông Chấn cùng người thân của ông thì chắc không có gì bù đắp nổi.
Sự kiện của ông Chấn cũng khiến người ta nghi ngờ rằng: thế nào trong
hàng triệu bị án đang chấp hành án kia cũng có người bị oan…
Để niềm tin không bị bào mòn, không ai hết, chính ngành tư pháp phải kiến tạo một nền pháp lý văn minh.
Lời của tòa
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Chấn khai rằng mình đã phải nhận tội
là do công an dùng nhục hình, ép buộc bị cáo phải nhận việc giết chị
Hoan. “Tuy nhiên, Tòa phúc thẩm nhận định những lời kêu oan này là lời
ngụy tạo không có căn cứ bởi tính manh nha, xảo trá của sự bịa đặt …
Thực ra Nguyễn Thanh Chấn cố tình chối tội bởi sự mặc cảm về tội ác mà y
đã gây ra cho người khác cùng với sự gieo rắc đau thương tang tóc cho
gia đình nạn nhân, mặt khác hòng lẩn tránh sự lên án của dư luận xã hội
và sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật”.
Người tù oan Nguyễn Thanh Chấn đã xúc động nói
với một tờ báo như sau khi ông được trả tự do: “Ơn Đảng, Chính phủ, tôi
đã được trở về với gia đình. Ơn bố, mẹ sinh ra chỉ có một lần nhưng lần
này, Đảng và Chính phủ đã sinh ra tôi lần thứ hai”
Ôi thật mỉa mai!