Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH NHÀ VĂN NGUYỄN ĐÌNH LẠP

 Trang này dành tặng bạn Nguyễn Ngọc Trâm, con gái nhà văn Nguyễn Đình Lạp

Nhà văn Nguyễn Đình Lạp
Ngày 19.9 tại Hà Nội, Hội Nhà văn VN đã tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Nguyễn Đình Lạp (19.9.1913) với sự có mặt của các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, bạn bè văn chương, gia đình nhà văn.
Trong phát biểu khai mạc, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn VN đánh giá cao sự đóng góp cả về tài năng, trí tuệ và tuổi trẻ của nhà văn Nguyễn Đình Lạp đối với sự nghiệp cách mạng và nền văn học VN. Trước 1945, Nguyễn Đình Lạp là một tác giả phóng sự văn học - tiểu thuyết, kết hợp giữa sự thật của phóng sự và hư cấu của tiểu thuyết, với hai cuốn tiểu thuyết Ngoại ô và Ngõ hẻm. Cùng với các tên tuổi Vũ Bằng, Vũ Đình Liên, Đoàn Văn Cừ, Trần Huyền Trân… Nguyễn Đình Lạp thuộc thế hệ Vàng của Nhà văn Việt Nam TK 20.

Nhà văn Nguyễn Đình Lạp sinh ngày 19-9-2013 tại làng Bạch Mai, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông (nay là phố Bạch Mai, Hà Nội).Ông xuất thân từ một gia đình có truyền thống yêu nước. Ông nội Nguyễn Đình Lạp là một thành viên của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Chú ruột ông, Nguyễn Phong Sắc, từng là ủy viên trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương . Nguyễn Đình Lạp bắt đầu viết báo từ năm 1933. Từ năm 1937, ông viết phóng sự cho nhiều tờ báo ở Hà Nội. Sau CM/ Tháng 8, ông tham gia đoàn văn nghệ Nam tiến, nhập ngũ, chiến đấu rồi được điều động làm công tác văn nghệ trong lòng Hà Nội tạm chiếm, sau đó sang Ty Công an Hà Nội.


Nguyễn Đình Lạp mất ngày 24 tháng 4 năm 1952 tại Thanh Hóa.
Bố mẹ bạn Ngọc Trâm trước khi thành hôn
Mặc dù mất sớm vào năm mới 39 tuổi, nhưng các tác phẩm của Nguyễn Đình Lạp có vị trí xứng đáng trong lịch sử Văn học Việt Nam, đặc biệt là thể loại phóng sự văn học. Nhà nghiên cứu Lê Thị Đức Hạnh, trong Ấn tượng Nguyễn Đình Lạp (tạp chí Văn nghệ số 40 ngày 2 tháng 10 năm 1993), viết : "Dù ghi là phóng sự hay điều tra thì với Nguyễn Đình Lạp cũng là sự lao động nghệ thuật công phu, nghiêm túc và đầy tâm huyết... Đọc phóng sự của Nguyễn Đình Lạp, không chỉ thấy được hiện tượng, hậu quả, tác hại của nó, mà nhiều khi còn thấy tác giả trực tiếp nêu lên nguyên nhân xã hội của hiện tượng... Có thể nói, không chỉ do cái nhìn sắc sảo mà Nguyễn Đình Lạp có được những thành công đáng kể, ở đây chủ yếu còn có tấm lòng của người cầm bút."

Thật vậy, Ông thuộc lớp người gắn bó với quê hương bằng những bài báo mang chất liệu thời sự và hình thức phóng sự, ra đời vào giữa năm 1930 – thời Mặt trận Dân chủ, có thể kể tới các tác phẩm Thanh niên trụy lạc (1937); Chợ phiên đi tới đâu (1936); Từ ái tình đến hôn nhân (1938); Cường hào (1938)… Những bài báo góp một cách nhìn phê phán đối với phong trào "vui vẻ trẻ trung” đang lây lan trong đời sống đô thị lúc bấy giờ.
Tiếp đó Nguyễn Đình Lạp nhập dần vào sinh hoạt văn học, rồi trở thành cây bút có dấu ấn riêng trong trào lưu văn học hiện thực thời kỳ 1941 – 1945, qua hai tiểu thuyết – phóng sự có giá trị là Ngoại ô (1941) và Ngõ hẻm (1943). Như vậy sau chặng đường làm báo ngắn ngủi, Nguyễn Đình Lạp đã sớm tham gia vào con đường viết văn, và trở thành nhà văn ở tuổi 30, trong giai đoạn cuối của trào lưu văn học hiện thực trước 1945.
Giáo sư Phong Lê cho rằng, nhớ tới Nguyễn Đình Lạp là nhớ tới một nhà văn biết cách đem lại cho đời sống văn học dấu ấn về một mảng sống riêng, một hệ chân dung riêng, một cách cảm nhận riêng về sự sống. Với hai tác phẩm Ngoại ô và Ngõ hẻm, Nguyễn Đình Lạp xứng đáng là một trong số người hiếm hoi, sau Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố duy trì và chuyên canh một loại hình văn học, góp phần vào sự phong phú và đa dạng của gương mặt văn học Việt Nam hiện đại.

Đã đủ thời gian lùi xa và đã đủ thời gian để đánh giá ghi nhận thân thế và sự nghiệp văn chương của Nguyễn Đình Lạp – nhà văn ra đi trong kháng chiến chống Pháp, ở tuổi 39. Dịp này ông Nguyễn Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam hứa sớm đề xuất Giải thưởng Văn học – Nghệ thuật cấp Nhà nước với nhà văn Nguyễn Đình Lạp, cũng như một con đường ở Hà Nội mang tên ông.

 Mời xem một số hình ảnh tư liệu 
về gia đình nhà văn Nguyễn Đình Lạp

 Ông bà Nguyễn Đình Lạp bế cô con gái Ngọc Trâm
 
 
 Ngọc Trâm trước khi lên Việt Bắc để sang Trung Quốc

 Ngọc Trâm HS Lớp 5A Trường TNVN LS.QL

 Ngọc Trâm thời học tập ở Liên Xô

 Ngọc Trâm ( thứ 4 bìa trái) cùng các bạn về thăm trường xưa ( Quế Lâm 2006)


 Ngọc Trâm ( áo trắng) và các bạn bên hồ Tiên Sa (Hội Lớp 2012)
 Ngọc Trâm ( bên cạnh là Tiến Hoàn) dự lễ kỷ niệm 60 năm trường ta.
( Hà Nội 30/8/2013)
-----------------------------------------------------------------------------
Quang Trung biên soạn theo tài liệu sưu tầm trên Báo viết và các trang mạng
Hình ảnh tư liệu của Ngọc Trâm

12 nhận xét:

  1. Em chỉ biết chị Trâm là con gái một nhà văn, đến nay mới biết ba chị là một nhà văn lớn như vây! Thật tự hào! Chúc mừng chị Trâm nhân ngày kỷ niệm SN của ba chị!

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn LuSon -Quelam đã sưu tầm khá đầy đủ về chân dung-sự nghiệp của nhà văn tài ba Nguyễn Đình Lap.Nhà văn có một cuôc đời quá ngăn ngủi mà đã "đem lại cho đời sông văn học một dấu ân riêng,một chân dung riêng,một cảm nhận riêng về sự sống,,, "Với một nhà văn ra đi ở tuổi 39 mà đã để lại dấu ấn tốt đẹp thế cho văn học cũng là quá đủ cho sự nghiệp của mình .
    Ngọc Trâm ơi !Bạn thật tự hao vì có đuợc người cha,môt gia đình truyền thống cách mạnh hào hùng như vậy !Cho mình được gửi một nén tâm nhanh đê tưởng nhớ bác !

    Trả lờiXóa
  3. Tôi cũng vừa đọc bài viết về nhà văn Nguyễn Đình Lạp bố bạn Ngọc Trâm trên báo " văn nghệ công an ", xem ra bài của BBT giới thiệu còn đày đủ hơn và có nhiều ảnh về gia đình nhà văn, ảnh ban Ngọc Trâm hồi nhỏ, báo công an không có ảnh. Một nhà văn tài ba xuất chúng chỉ tiếc Ông đã ra đi quá sớm. Chia sẻ niềm tự hào và sự thương nhớ vô hạn của ban Trâm với người cha kính yêu đã quá cố .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ngoc Trâm Nguyễn 08:17 21/09/2013
      Cảm ơn các bạn Công Lý, Diệu Huyền, Song Thu... đã đọc và hiểu về con người và sự nghiệp của cha Ngọc Trâm, cảm thông với hoàn cảnh mất cha khi còn nhỏ của NT. Bạn bè QL chúng ta thường gặp những hoàn cảnh thiếu thốn hoặc xa vắng mẹ cha sớm, nhưng chúng ta được bù đắp bởi tình bạn, tình thày trò. Và tình QL mãi sống trong ta.
      ( Comment này của Ngoc Trâm được phục hồi sau khi điều chỉnh lại giao diện trang Blog này ) mong bạn Ng.Trâm thông cảm .

      Xóa
  4. Vô cùng cảm ơn bạn Quang Trung! Bài viết của bạn về cha mình rất hay: Rất phong phú, đây đủ, và chân thực. Chỉ qua tài liêu, sách báo và các bài nghiên cứu đọc được mà mình thấy bạn đã hiểu được nhà văn Nguyễn đình Lạp với nhiều tác phẩm từ hồi tiền cách mạng. Quang Trung còn chia sẻ với niềm vui mà Hội trưởng Hội nhà văn Hữu Thỉnh nêu ra: Đó là sớm đề xuất Giải thưởng Văn học – Nghệ thuật cấp Nhà nước với nhà văn Nguyễn Đình Lạp, cũng như một con đường ở Hà Nội mang tên ông.
    Cả ngày hôm nay Ngọc Trâm đã ngồi trên blog đinh ghi lại, kể lại về Lễ kỷ niêm ngáy sinh của Cha mình, vậy mà blog hỏng, không đăng được bài. Rồi thấy bài của QT, NT rất mừng và cảm động. Đúng là tình bạn Quế Lâm!

    Trả lờiXóa
  5. Mấy ngày nay dồn dập nhiều đề tài hay, bài viết hay xuất hiện trên Blog nó thôi thúc mình phải làm cái gì đó để chia sẻ cùng nhau những niềm vui, lòng tự hào và cả những nỗi buồn và trăn trở ...
    Quả đúng như vậy, tất cả các bạn đều chia sẻ với Trâm . Mình nghĩ sẽ rất sung sướng ít lâu nữa chúng mình sẽ cùng nhau đi dạo trên con đường mang tên nhà văn Nguyễn Đình Lạp và trao đổi với nhau về tác phẩm của ông...Chúc bạn vui khỏe-Hạnh phúc .

    Trả lờiXóa
  6. Bác Nguyễn Đình Lạp là nhà văn thược thế hệ vàng của văn học Việt Nam đồng thời là một chiến sỹ tham gia CM từ rất sớm.
    Xin nêu một số việc mà có lẽ nhiều người chúng ta còn chưa biết:
    - Ngoài những tác phẩm đã liệt kê trong Wikipedia như: Thanh niên trụy lạc (phóng sự, 1937), Chợ phiên đi tới đâu? (phóng sự, 1937), Những vụ án tình (phóng sự, 1938), Cường hào (phóng sự, 1938), Ngoại ô (tiểu thuyết, 1941), Ngõ hẻm (tiểu thuyết, 1943) còn một số tác phẩm bác đã viết trong thời kỳ KCCP như các phóng sự dài “Cảnh Dương chiến đấu” , "Thôn Lệ sơn” ... Song vì điều kiện in ấn lúc ấy khó khăn nên chỉ in tay phổ biến nội bộ, đến nay tác phẩm đã thất lạc chưa tìm lại được.
    - Theo nhật ký của bác Lạp, hai người giới thiệu kết nạp Đảng cho bác là Hữu và Trần Doãn Tý. Hữu chính là Hữu Loan Màu tím hoa sim, hồi đó HL hay ký tên tắt là Hữu. Còn Tý thì khi ấy bác Lạp cho rằng đã bị Tây bắn chết trong một trận càn. Nhưng thật ra ông bị Tây bắt đưa về giam ở Huế, rồi sau chuyển về Sài Gòn. Anh em không thấy về, cho là ông Tý đã hy sinh nên làm lễ truy điệu. Mãi đến ngày giải phóng miền Nam ông Tý trở về quê, còn thấy gia đình đặt bàn thờ chính ông.
    - Trong KCCP có lúc bác Lạp đã từng đóng vai... tướng thổ phỉ. Vì dạo ấy một số cán bộ trong ngành công an đang có ý đồ chăng bẫy, để bọn phản động "liên tôn chống cộng" trao vũ khí cho kháng chiến, các anh đã xây dựng một chiến khu ngụy tạo ở vùng núi Nưa (thuộc huyện Nông Cống, miền nam Thanh Hóa) để đòi chúng kêu tụi Pháp thả dù vũ khí xuống. Mọi việc tạm xong, nhưng phải có một ông tướng để làm thủ lĩnh hoặc chủ trại điều khiển ba quân. Anh em đã chọn bác Lạp. Với bộ quần áo nhà tướng, với bộ râu quai nón, với cái tẩu thuốc luôn luôn phun khói lên trời, bác quả là ở địa vị đắc thể.
    - Bác Lạp gái ( bác Bạch Liên) là một họa sỹ. trong KCCP bác gái công tác ở hội phụ nữ Thanh Hóa.
    ...
    Xin chân thành chia sẻ với bạn Ngọc Trâm niềm tự hào và ngưỡng mộ với thế hệ cha ông chúng ta - một thế hệ vàng của đất nước.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn Công Kỳ nhân dịp này đã đọc nhiều và khá kỹ về nhà văn Nguyễn Đình Lạp, - cha của Ngọc Trâm. Bản thân NT cũng vậy, Qua lễ tưởngr niêm 100 năm ngày sinh của cha, NT càng hiểu rõ hơn những đánh giá về tác phẩm của ông, về con người và sự nghiệp của ông. Mình thấy tự hào về cha, và phải sống xứng đáng với cha.
      Có một chi tiết này mà khi đọc NT cũng biết là họ nhầm': Đó là tưởng mẹ NT là một họa sĩ. Chuyện này hơi khác. Hồi ở Thanh hóa, nhà NT ở cạnh nhà bác Sĩ Ngọc, một họa sĩ nổi tiếng. Do vợ bác, mẹ NT và mấy bác khác nữa muốn học vẽ, bác Sĩ Ngọc vui vẻ mở lớp. Nhưng được một thời gian bác dời ra Việt Bắc, lớp học ngừng. Cha NT hứa sẽ có dịp để mẹ ra VB. Rồi khi cha mất, mẹ tim thấy dưới đáy ba lô có một hộp bút vẽ và thuốc vẽ gói cẩn thận. Cha mẹ NT có một tình yêu sâu sắc và nồng thắm

      Xóa
  7. Trước đây mình biết it về cha NT. Qua bài viết của QT và CK mình biết rõ hơn, đặc biệt mình cảm phục về những người CÔNG AN chân chính thời xưa. Chúng ta tự hào về cha ông chúng ta.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn Duy Khắc đã quan tâm và chia sẻ với hoàn cảnh của mình. Dân Quế Lâm chúng ta mỗi đứa đều có hoàn cảnh riêng rihưng lúc đó còn bé và sống vô tư chả nghĩ ngợi gì. Chúng ta đều biết ơn và tự hào về cha mẹ mình.

      Xóa
  8. VŨ TRỌNG PHỤNG thì mình đọc khá nhiều tác phẩm của ông từ rất sớm (hồi ở QL cụ HOÀNG CẦM có gửi cho HOÀNG KỲ rất nhiều tiểu thuyết của VTP),thế mà 2 cuốn tiểu thuyết của NGUYỄN ĐÌNH LẠP (NGOẠI Ô và NGÕ HẺM) mình lại chưa đọc ,xin cụ xá tội cho.Có lẽ trước đây đánh giá về các phóng sự và tác phẩm của cụ chưa được đúng mức nên các tác phẩm của cụ it được phổ biến rộng rãi.Đến nay phải nói cụ là NHÀ VĂN -CHIẾN SỸ vùa cầm súng vừa cầm but.Thật đáng tiếc là cụ đã mất quá sớm.Rất nhiều nhà văn nhà thơ tài năng đều mất khi còn rất trẻ,nhưng tác phẩm của họ thì còn sống mãi với thời gian !

    Trả lờiXóa
  9. Cảm ơn Như Thanh đã đọc và hiểu hơn về cha Ngọc Trâm. ÔNg mất quá sớm, những ngày bé NT đã không chấp nhận, không tin đó là sự thật. Lúc đó NT còn ước: "Cha vẫn còn sống, cha chỉ đi hoạt động bí mật mà giả chết thôi". Mấy hôm nay blog NT có v/đ, viết được, com được nhưng không đăng bài được. Nhiều điều muốn chia sẻ với các bạn đành để sau vậy.
    Chúc Thanh và cả gia đình mạnh khỏe, cố vượt qua những nỗi buồn nhé.!

    Trả lờiXóa