Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

HỒI ỨC VỀ NƯỚC LÀO 25 NĂM TRƯỚC ( Bài 1)

(Nguyễn Ngọc Hùng)
Bài 1:

 Thạt Luổng , Thủ đô Vientiane - Ảnh :Trần Kháng Chiến

Thế là đã 24 năm trôi qua, kể từ khi tôi rời nước Lào sau 2 năm sống và làm việc ở đó trong danh phận của một “xiều xan” (chuyên gia) đặc biệt. Tôi vẫn nhớ bạn Chính (học cùng lớp 1) và em Nga (lớp vỡ lòng) ở Quế Lâm. Nhưng do “hoàn cảnh” khi ấy, tôi không được phép quan hệ “ngoài công vụ”! Nay nhân thấy Làng Ta quan tâm đến chuyện thăm Lào, tôi xin góp một vài thông tin mà bản thân là người trong cuộc.
Ngày ấy, khi tôi đến Vientiane vào tháng 10/1989, Việt Nam và Lào còn trong tình trạng biệt lập với thế giới. Thái Lan vẫn còn để cho các nhóm vũ trang lưu vong người Việt và Lào sử dụng lãnh thổ để hoạt động thù địch với chúng ta. Vientiane là thành phố có biên giới tự nhiên là sông Mệ Khoỏng với Thái Lan, nhưng chưa hề có hoạt động giao thương nào giữa đôi bên bờ sông ấy...
Thủ đô nước Lào thật quá nhỏ bé cả về diện tích, diện mạo, và số dân ở đó. Vientiane thật sự chỉ có 1 con đường chính chạy theo hướng tây- đông, từ bờ sông Mệ Khoỏng đến khu vực Thạt Luổng là hết. Chiều dài con đường này chỉ chừng 2km là cùng. Vậy mà gần đến Thạt Luổng còn có một đoạn đôi bên đường chừng vài trăm mét là ruộng lúa. Từ Thạt Luổng, đến khu vực gọi là “Cây số 6” (Lăk Hôốc)- Khu làm việc của Trung ương lãnh đạo Lào, còn đến vài cây số nữa! Đôi bên đường đoạn này hoàn toàn là ruộng lúa. Quang cảnh đồng quê vắng lặng, thanh bình.
Các kiến trúc ở trung tâm Vientiane ngày ấy đại bộ phận chỉ 2 tầng, như truyền thống nhà sàn của người Lào. Nổi bật nhất là tòa nhà chính phủ ở đầu cùng phía tây con đường chính, rồi đến Chợ Sáng (Tàlạt Xậu) và kết thúc là Đài Chiến thắng, còn gọi là “Khải Hoàn Môn”, trước khi đến đoạn đường đôi bên là ruộng, để dẫn tới Thạt Luổng.
Hệ thống hành chính cấp dưới trực tiếp của thủ đô Lào ngày ấy chỉ là mường và bản; chẳng có quận, phường gì cả!
Đường xá trong thủ đô rất đơn sơ. Chỉ có con đường chính là đàng hoàng một chút, nhưng chỉ rộng chừng 20m và chưa hề cần đến đèn chỉ dẫn giao thông. Con đường chính này được trải nhựa, chạy từ sân bay Vạt Tạy ở phía tây- bắc thành phố, qua trung tâm thủ đô, lên Thạt Luổng, qua khu vực “Cây Số Sáu” và thêm vài chục cây số nữa là đến đường cấp phối kéo xuống tận Nam Lào. Các đường phố ngang thì chỉ đôi ba đường ở khu trung tâm có trải nhựa chừng vài trăm mét là đến đường đất.
Tôi cứ nghĩ tầm cỡ đô thị của Vientiane ngày ấy có lẽ na ná thị xã Hưng Yên của Việt Nam hồi đầu những năm 90 của thế kỷ trước.
Hệ thống đường giao thông quốc gia của Lào hồi ấy cũng thật tệ. Quốc lộ số 13 chạy dọc chiều dài nước Lào, tương tự như Quốc lộ 1A của Ta, hoàn toàn là đường đất. Tôi đã có dịp đi suốt chiều dài quốc lộ 13, từ Vientiane tới Paksé ở Nam Lào- ngang với Gia Lai- Kon Tum ở bên Ta, chỉ thấy toàn đường đất đỏ chạy giữa bạt ngàn rừng hoang sơ. Mùa mưa thì chỉ có các xe tải “đại xa 3- 4 cầu” mới chạy được trên con đường này, vì lầy lội.
Cuộc sống của người Lào khi ấy cũng thật đơn giản, sơ sài, có phần hoang dã.
Tôi chưa đến nơi ở của các vị đứng đầu đất nước, nhưng khi thăm “tư dinh” của một vị ủy viên trung ương Đảng, trung tướng, thứ trưởng Bộ Công an của bạn thì thật ngỡ ngàng! Một ngôi nhà sàn đúng nghĩa dựng giữa một khu ruộng lúa. Lối từ quốc lội dẫn vào chừng vài trăm mét đường đất. Từ xa đã thấy mấy con trâu dưới gầm nhà sàn. Gà, lợn thả rông quanh nhà. Những người lính cảnh vệ chăm sóc gia súc và cả làm “bảo mẫu” cho mấy đứa con nhỏ của ông thứ trưởng. Đúng là gia cảnh của một chức sắc “thổ ti lang đạo” nào đó của người dân tộc Thái ở Tây Bắc Việt Nam thời Pháp thuộc! Sau này mới biết người đàn bà thường dắt bò vào chăn thả trong khu vực cơ quan của chúng tôi (ngay sát Thạt Luổng mà hoang sơ đến nỗi cỏ mọc um tùm!) chính là... vợ ông thứ trưởng!
Còn cuộc sống các cán bộ cấp vụ/ cục của bạn thì thật tuyềnh toàng và nghèo khó!
Bữa ăn hằng ngày của cán bộ Lào, cả cấp vụ cục, khi ấy rất... hoang sơ. Họ vẫn đi bắt động vật nhỏ và hái rau, lá cây... làm đồ ăn hằng ngày. Ngay trong khu vực cơ quan chúng tôi, có rất nhiều tắc kè, kỳ nhông mà anh em Lào thường bắt làm thức ăn. Họ còn ăn kiến rang nữa. Những tổ kiến vàng trên cây soài, cây vú sữa (tiếng Lào là “nậm nôm”. Nậm nước. Nôm là cái vú. Nước của vú mà) thường được “bắt” bằng những túi vải buộc ở đầu một cây sào dài. Túi vải được đưa lên bao lấy tổ kiến. Người cầm sào lắc mạnh khiến kiến rơi vào cái túi vải. Sau đó, nhanh chóng đưa vào bếp đã sẵn chảo trên lửa nóng, rũ kiến từ bao vải vào đó. Thế là rang vàng lên. Cho mắm muối, mì chính tùy ý. Đó là một món ăn bình dân đấy, ngon ra phết! Còn rau thì cứ tìm hái ở bãi cỏ quanh khu nhà, hoặc hái lá xoài non. Toàn những thứ chát chát, chua chua... “Mâm cơm” của người dân Lào khi ấy thật đơn giản. Một nồi canh ở giữa cùng một món “mặn” gì đó, một “đống” rau tập tàng, một bát muối ớt cực cay và không thể thiếu là cơm nếp, đúng ra là xôi trắng. Mọi người ngồi quanh “mâm”. Tất cả đều bốc. Chỉ có một cái muôi ở nồi canh để ai muốn húp thì dùng.
Trong chuyến công tác xuyên xuống Nam Lào, tôi thấy rất nhiều làng bản bên dường, người dân hoàn toàn sống hoang sơ. Nhà cửa tranh tre nứa lá tuyềnh toàng. Không điện, không nước sinh hoạt, không bệnh viện, trường học, không hàng quán, không dịch vụ gì... Đúng là họ sống trong một xã hội không cần biết ai cầm quyền, bởi họ chỉ hoàn toàn dựa vào thiên nhiên...
Nhưng khi ấy cũng đã có một cuộc sống khác tại Vientiane. Đó là cuộc sống của một số rất ít quan chức Lào “đã biết tiêu cực” và một số doanh nhân. Vientiane khi ấy cũng đã có vài ba nơi ăn chơi kiểu sàn nhảy, bia “ôm” và gì gì nữa... Nhưng đó là một tỉ lệ rất nhỏ trong một Vientiane vốn đã quá nhỏ bé. Trong cả một cơ quan bộ của Lào khi ấy, chỉ có đôi ba cán bộ cấp tổng cục hoặc vụ cục được tiếng là giàu có. Nhưng cuộc sống của các vị này khi ấy, nếu so với cán bộ tương đương ở Việt Nam thì sang hơn hẳn. Khi ấy, họ đã có ô tô riêng, mà không xài hàng XHCN đâu. Nhà cửa, tiện nghi toàn đồ... Thái. Họ uống toàn Wisky từ Thái chuyển sang. Những người này, nói chung đều có “dây mơ rễ má” với lãnh đạo “chóp bu” của đảng và nhà nước và các mối “quan hệ” với các thương nhân “chợ đen”!
Cuộc sống “ăn chơi tiêu xài” tại Vientiane khi ấy “cá biệt” đến mức ai tiêu tiền hơi “khủng” một chút là cả thủ đô đều biết. Hồi ấy, doanh nhân Việt Nam “Dũng Lò Vôi” (nay là ông chủ khu Danh Thắng Đại Nam ở Bình Dương- “lẫy lừng” cả nước) nổi tiếng cả Vientiane vì chỉ trong một tuần mà “ăn chơi” hết 5 cây vàng!
Còn sự thanh bình, lặng lẽ của Vientiane khi ấy, thì tương tự như tại các vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam cùng thời. Báo cáo của cơ quan cảnh sát Vientiane về các vụ “phạm pháp hình sự” hằng tháng khi ấy chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Hễ có vụ “trọng án” kiểu trôm cắp xe máy hoặc phá khóa đột nhập nào đó, thì thủ phạm y như rằng chỉ có người... Thái hoặc người... Việt! Có một vụ “động trời” thế này: Người dân phản ánh hiện tượng lạ tại một ngôi chùa Việt (nổi tiếng ở Vientiane, nhưng tôi quên tên rồi): Thường có một anh chàng trẻ tuổi bán đậu phụ rong ở khu vực này và thường bán cho các tăng ni của chùa. Nhưng vài ngày nay không thấy anh ta đâu cả. Dân chúng nghi anh ta “mất tích”. Công an Lào đơn giản lắm. Vào chùa kiểm tra luôn. Té ra, anh này “được” 2 “sư nữ” trong chùa giữ lại để phục vụ.... tình dục! 2 “sư nữ” mới từ Sài Gòn lên. Cũng đầu trọc, áo nâu sòng đúng kiểu Phật giáo Bắc tông, nhưng dân tình thấy mỗi khi ra cổng chùa để “mua đậu phụ” đều bắt mắt lắm, bởi rất xinh và “môi son má phấn”. “Kiểm tra hành chính” nơi ở của 2 “sư nữ” này thì phát hiện nhiều băng video phim sex! Thế rồi, họ khai thấy chàng bán đậu phụ đẹp trai, cường tráng, bèn giữ lại trong chùa để cùng nhau “làm theo... phim con heo”!
Một “vụ” như thế, hồi ấy ở Lào là động trời lắm! Nhưng vì “xamakhi phi xệt” (tình đoàn kết đặc biệt) với Việt Nam, nên 2 nữ “sư hổ mang” này chỉ bị trục xuất về nước thôi!
Tp HCM, 24/9/2015
NGUYỄN NGỌC HÙNG

1 nhận xét:

  1. Những giòng hồi ức của tác giả vốn là "chuyên gia" sang giúp bạn , rất chân thực.Nếu so với sự thay đổi ngày hôm nay của Viên Chăn với những giòng hồi ức trên thì thấy nước bạn Lào có những thay đổi rất to lớn,đáng mừng. Tất nhiên trên con đường phát triển nước Bạn Lào cũng còn nhiều vấn đề ,không thể giải quyết trong thời gian ngắn. Tôi rất thích nội dung bài viết này vì sau khi đọc tôi biết thêm về thực trạng của Viên Chăn cách đây hơn 20 năm ,Cám ơn tác giả.

    Trả lờiXóa