Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2015

THAM KHẢO : Vì sao ông Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố không tái cử

* KAMI
Vấn đề nhân sự lãnh đạo cao cấp của Đaị hội 12 là chủ đề chính của Hội nghị Trung ương 13 (HN TW13), điều đó một lần nữa đã khiến cho chính trường Việt Nam nóng lên bất thường. Những diễn biến bên trong hay bên ngoại hội nghị này cho thấy màn đấu đá tranh chức, giành quyền trong nội bộ ban lãnh đạo Đảng CSVN đang diễn ra hết sức quyết liệt và đầy kịch tính.
Bối cảnh
Trước áp lực của Trung quốc về vấn đề Biển Đông từ nhiều năm qua, ban lãnh đạo Đảng CSVN đang cố gắng lấy lại sự cân bằng bằng cách quan hệ nhiều hơn với phương Tây, đặc biệt là Hoa kỳ. Việc Việt nam gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và trước đó là chuyến thăm Hoa kỳ của TBT Nguyễn Phú Trọng đã cho thấy điều đó. Không chỉ thế, lúc này người ta cũng đã tính đến khả năng xung đột quân sự giữa Việt nam và Trung quốc, thận chí khẳng định chiến tranh trên Biển Đông sắp bùng nổ.
Trong bài viết dưới nhan đề "Việt Nam 'chuẩn bị đương đầu với TQ'" mới đây của ký giả Greg Torode, hãng tin Reuters nhận định cho rằng "Quân đội Việt Nam đang tăng cường vũ trang để chuẩn bị nếu xảy ra xung đột với Trung Quốc sau một thập niên dài trên đường hiện đại hóa. Đây là đợt trang bị quân sự lớn nhất của Hà Nội kể từ đỉnh điểm cuộc chiến tranh ViệtNam.". Và gần đây GS. Carl Thayer thấy rằng nếu xung đột xảy ra, Hà Nội có thể nhắm vào các tàu container thương mại và tàu chở dầu có gắn cờ Trung Quốc trên Biển Đông. Điều đó cho thấy, quan hệ Việt-Trung đang ở mức xấu. Cho dù trước đây không lâu, cũng GS. Carl Thayer, đã cho rằng, việc Việt nam dự kiến sẽ tổ chức đón các chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Barack Obama trong tháng 11/2015, song việc chỉ có Chủ tịch Tập Cận Bình viếng thăm, đã cho thấy việc Việt nam thoát ra khỏi sự cương tỏa của Trung quốc về mọi mặt là điều không hề dễ dàng chút nào.

Điều mà dư luận xã hội quan tâm và mong mỏi nhất lúc này là, Ban Chấp hành Trung ương cần sáng suốt và có quyết định đúng đắn trong việc lựa chọn các nhân sự chủ chốt trong bộ máy lãnh đạo cao nhất của Đảng CSVN. Đó là nhất thiết phải chọn được những người lãnh đạo có dũng khí và trình độ, có bản lĩnh chính trị để có những quyết định đột phá cho tương lai. Để mang lại lợi ích thiết thực cho đất nước và dân tộc trong thời điểm mà người ta hy vọng sẽ có việc cải cách mạnh mẽ từ ông Nguyễn Tấn Dũng.

Đấu đá căng thẳng
Hiện nay, trong nội bộ Đảng CSVN bên cạnh nhiều ý kiến cho rằng nên để ông Nguyễn Tấn Dũng nắm giữ chức vụ Tổng Bí thư Đảng CSVN sau Đại hội12. Với lập luận của họ cho rằng, trong bối cảnh quốc tế và khu vực như hiện nay, cộng với việc cần phải đẩy mạng vấn đề cải cách nền kinh tế Việt nam một cách thực sự sâu rộng và triệt để. Tuy vậy, phe không ủng hộ ông Dũng thì không đồng tình khi cho rằng, việc tập trung quyền lực vào một cá nhân sẽ dẫn đến lãnh đạo độc tài, theo họ đây là sai lầm mà Đảng CSVN đã mắc phải trong thời kỳ Tổng Bí thư Lê Duẩn. Và việc để ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục giữ chức vụ Tổng BT thêm một thời gian.
Vì thế, trước HN TW13, các phe phái trong nội bộ Đảng CSVN dùng truyền thông để "đấu pháo" nhằm hạ uy tín của nhau diễn ra với tần suất thường xuyên hơn. Đó là những bài viết đánh thẳng vào Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của những đàn em ông Trương Tấn Sang. Bên cạnh đó là sự đáp trả kiểu ăn miếng trả miếng của phe thủ tướng vào lúc Hội nghị Trung ương 13 đang căng thẳng, và không thể không nhắc đến vụ việc của ông Nguyễn Công Khế, TBT báo Thanh niên, một người được coi là tay chân tin cậy của Chủ tịch Sang.
Theo trang website có tên "Ý kiến Đảng viên về Đại hội XII" cho biết "Trước HNTW 13 thấy xuất hiện một số bài viết của Huy Đức, Phạm Chí Dũng có nội dung công kích, vu khống Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tiếp đó là 3 ông giáo sư ở Học viên hành chính quốc gia gửi đơn đến các cơ quan Đảng cũng có nội dung tố cáo sai sự thật về con gái của Thủ tướng có quốc tịch Mỹ (được biết cơ quan Kiểm tra của Đảng đã có kết luận đây là tố cáo sai, có tính chất vu khống). Tiếp đó là các đơn của ông Phan Diễn, Nguyễn Đức Bình, Lê Xuân Tùng (nguyên UVBCT) và ông Cẩn (nguyên cán bộ UB Kiểm tra Đảng),… gửi đến Bộ Chính trị tố cáo và yêu cầu xác minh về những sai phạm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng..."
Việc báo Tuổi trẻ đăng bài phỏng vấn Trung tướng Lưu Phước Lượng, nguyên phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, công khai kêu gọi Đảng CSVN nhìn nhận lại những sai lầm để trưởng thành, để có đường lối đổi mới cụ thể. Và khẳng định rằng, nhất thiết phải chọn được những người lãnh đạo có dũng khí và trình độ, có bản lĩnh chính trị để có những quyết định đột phá cho tương lai. Không chỉ thế, ông Lưu Phước Lượng còn chỉ trích thẳng một phe, khi cho rằng:"...có cán bộ bị những giáo điều hằn sâu trong nhận thức, có người nhận ra nhưng lại ngán ngại vượt qua, lại có người vượt qua thì bị quy chụp... bất chấp thực tiễn đang thay đổi và nguyện vọng quần chúng đang sục sôi. Đó cũng là nguồn gốc, nguyên cớ dẫn đến sự tụt hậu và tụt hậu ngày càng xa của đất nước, dân tộc chúng ta, hàm chứa những vấn đề lớn đang trong quá trình giải quyết với nhiều bất cập: tham nhũng, dân chủ trong Đảng, trong nhân dân, thể chế kinh tế, công bằng xã hội..."
Những cái đó cho thấy, nó không đơn giản như nhiều người có suy nghĩ rằng, Thủ tướng Dũng đang nắm đa số Ban Chấp hành TW và đang ở thế thượng phong. Việc nhà báo Huy Đức đến lúc này vẫn "lành lặn" sau 02 bài viết khủng đánh thủ tướng - một người vốn nhớ lâu và thù dai vừa qua, đã cho thấy tình hình trang chấp giữa 2 phe trong đảng vẫn đang ở thế giằng co. Và việc chưa ngã ngũ trong việc lựa chọn nhân sự "đặc biệt" cho vị trí Tổng Bí thư cho đến thời điểm nay, chính là nguyên nhân đã khiến cho HNTW13 kéo dài hơn so với lịch trình ban đầu.

Về bức thư của ông Nguyễn Tấn Dũng
Trong ngày 18/12/2015, bên cạnh bức Thư của TT Nguyễn Tấn Dũng gửi TBT Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị được công bố trên mạng, đã khiến dư luận xôn xao. Có lẽ không khó để xác định bức Thư của TT Nguyễn Tấn Dũng gửi TBT Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị do và trang website nói trên là của phe nào, nếu khi ta trả lời được câu hỏi: cái đó nhằm mục đích gì và mang lợi cho ai? Và một chữ "Kính" bị bỏ ngỏ trong phần đầu của bức thư, dường như là thừa đủ để cho thấy bức thư này muốn nhắm tới ai. Nội dung quan trọng nhất của bức thư này có lẽ là đoạn "Tôi đã ghi rõ nguyện vọng gửi đồng chí Nguyễn Phú Trọng là: TÔI KHÔNG TÁI CỬ".
Việc xác định bức Thư của TT Nguyễn Tấn Dũng gửi TBT Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị là thật hay giả là điều không cần thiết. Song nhìn chung, bức thư trên có cả hai yếu tố thật và giả, nhưng cùng chung một mục đích. Nếu cho rằng, bức thư này chỉ nhằm giải trình Báo cáo số 9387/BC-UBKT của Ban Kiểm tra TƯ, trong đó có vấn đề "Thư phản ánh, kiến nghị về đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ" thì là một thiếu sót. Vì trước đây, Ủy Ban Kiểm tra TW Đảng đã có kết luận cho rằng đây là tố cáo sai, có tính chất vu khống. Đồng thời, người ta cũng đã biết điều này qua bức thư của bà Nguyễn Thanh Phượng - con gái ông Dũng, trong vụ bị 3 vị Giáo sư, đó là các ông Lưu Văn Sùng, Đỗ Thế Tùng và Nguyễn Đình Kháng, đều là những lãnh đạo đã nghỉ hưu tại Học Viện Chính Trị Quốc Gia Hồ Chí Minh gửi đơn đến các cơ quan Đảng, với nội dung tố cáo ông Dũng và gia đình.
Không chỉ thế, cùng trong ngày 18/12/2015 người ta còn thấy xuất hiện một trang website có tên "Ý kiến Đảng viên về Đại hội XII", với mục đích để "Tập hợp ý kiến đóng góp của các Đảng viên về Đại hội XII của Đảng". Song đáng chú ý, bên cạnh việc đả phá các ông Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Sinh Hùng thì trang website này còn nhiều lần khẳng định các tin "kinh động" như: kỳ này Bộ Chính trị sẽ loại ông Nguyễn Tấn Dũng và đề cử ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục làm Tổng Bí thư khoá XII; Các ông Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Sinh Hùng đều được ở lại, nhưng riêng ông Nguyễn Tấn Dũng phải ra đi v.v...
Điều đó cho thấy, phe của ông Dũng đang kích động dư luận quần chúng nhân dân nói chung, đặc biệt là các đối tượng là đảng viên và cán bộ đã nghỉ hưu "ép" ông Nguyễn Phú Trọng phải từ bỏ ý định nắm quyền thêm một nửa nhiệm ký. Qua đó cho thấy rõ, mục đích bức thư chỉ với nội dung nhằm để thanh minh, kể công và công khai với dư luận rằng, ông Dũng là một nhân vật cải cách và ý chí của ông chính là mong muốn của nhân dân. Nhưng mục đích chính là, để nhằm tạo áp lực của dư luận đối với các Ủy viên Ban Chấp hành TW còn lưỡng lự, hay chưa dứt khoát chọn cho mình một phe nào, hoặc đang chờ cho đến phút chót giờ bỏ phiếu. Đây là một số lượng không nhỏ, việc mới nhất là có một bức thư của một cán bộ thuộc VP Chính phủ tố Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và việc trang CDQL trước đây đánh ông ta đã cho thấy những phần tử cơ hội kiểu "gió chiều nào che chiều ấy" trong Ban CHTW vô cùng nhiều.
Nhiều khả năng phe của ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ thành công trong việc tạo áp lực mà ông mong muốn.

Chiêu khổ nhục kế ?
Việc ông Nguyễn Tấn Dũng đề nghị không tái cử, trước hết là nhằm giảm áp lực tấn công của phe chống ông ta trong thời gian trước Đại hội 12. Song một phần cũng vì, xu hướng của Bộ Chính trị lúc đầu đã giới hạn tuổi của các Ủy viên Bộ Chính trị, là tất cả những ai sinh từ năm 1949 trở về trước đều phải nghỉ. Sau này có ý kiến chung thấy rằng cần phải trẻ hóa, nên mức giới hạn về tuổi được hạ xuống, đó là những người sinh trước năm 1953, đều phải nghỉ. Điều đó cho thấy, trước hết việc ông Nguyễn Tấn Dũng trước HNTW13 đột nhiên "xung phong" tự nghỉ, rút không xin tái cử đã trở thành tiền lệ cho các đồng chí kháctrong Bộ Chính trị. Lúc ấy các vị ở độ tuổi ngoài tiêu chuẩn chả có lý do gì để đòi ở lại.
Tuy nhiên, theo tiêu chuẩn thì TBT của Đại hội 12, bắt buộc phải là UV Bộ CT khóa 11, từ đó cho thấy những UV Bộ CT khóa 11 còn sót lại có 2 khuôn mặt khả dĩ, đó là Nguyễn Thiện Nhân và Trần Đại Quang. Song nếu đánh giá về khả năng của 02 vị này, thì trong 5 năm vừa qua họ chưa tạo được dấu ấn không đáng kể, nếu so với ông Nguyễn Tấn Dũng thì trình độ và tầm quản trị còn thua xa, nhất là trong bối cảnh tới đây sẽ có các cải cách mạnh mẽ hơn, triệt để hơn. Nhất là về vấn đề kinh tế. Điều này đã khiến ban lãnh đạo Đảng hết sức lúng túng, vì trong số trẻ không ai đủ tầm cỡ có thể đảm đương trọng trách này.
Từ đó yêu cầu một trường hợp "đặc biệt" do Bộ Chính trị giới thiệu để giữ chức vụ Tổng Bí thư được đặt ra và đã được Ban Chấp hành TW thông qua. Thế là Bộ Chính trị đã bị trúng mưu của ông Dũng, vì trong số Ủy viên Bộ Chính trị thì có ai sánh ngang được với Nguyễn Tấn Dũng hiện nay và càng không phải là ông Nguyễn Phú Trọng. Như vậy, ông Nguyễn Tấn Dũng bắn một phát trúng 2 đích, vì khả năng nắm chức vụ Tổng BT sau Đại hội 12 là rất cao, cho dù ông Dũng đã chủ động từ chối (chỉ là động tác giả). Không chỉ thế, việc tung bức Thư gửi TBT Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị còn nhằm để cho thiên hạ thấy rằng, không ai có thể thay ông Dũng vào thời điểm này.
Một điều cũng phải nói thêm, việc người ta sử dụng trang Ba Sàm để phát tán bức Thư của TT Nguyễn Tấn Dũng gửi TBT Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị, thay cho các trang Dân luận hay Tin tức Hàng ngày như thường lệ, là một tính toán có chủ ý. Vì ai cũng biết chủ trang blog này vốn là tay chân của 4Sang, kẻ thù của 3X và người ta muốn dư luận hiểu rằng lá thư trên là do phe chống Nguyễn Tấn Dũng tuồn ra ngoài. Đây là một chiêu "gắp lửa bỏ tay người" của phe ông Dũng.
Đó là những gì ông Dũng muốn, khi cho đàn em tung ra bức thư này và chứng tỏ ông Dũng luôn là người nói một đằng, nhưng làm một nẻo.

Kết
Kết quả bầu nhân sự chủ chốt, lựa chọn thành viên Bộ Chính trị, các chức danh tứ trụ, thành viên Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra TW là nhiệm vụ trọng tâm của HNTW13 phải đạt được. Tuy vậy, cho dù đã kéo dài thời gian dài hơn dự định song kết quả vẫn chưa ngã ngũ, cho dù các phe phái trong nội bộ ban lãnh đạo Đảng CSVN đã dùng đủ các chiêu trò. Dù rằng bên lề HNTW13, dư luận vẫn tin tưởng và ‘đặt cược’ vào sự thắng lợi của phe Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vì họ khẳng định rằng, vào thời điểm này, người nắm chức vụ Tổng BT tốt nhất không ai ngoài ông Dũng. Vì ông ta đang có đầy đủ các điều kiện thế và lực trong tay.
Tuy nhiên trong lịch sử lựa chọn nhân tài của dân tộc Việt nam nói chung và Đảng CSVN nói riêng luôn luôn là những chuỗi sai lầm. Cho dù hiện nay, ông Nguyễn Tấn Dũng tưởng là mạnh, đang nắm thế thượng phong, song ông là cái gai trong mắt nhà cầm quyền Bắc kinh, một thế lực chính trị khổng lồ trên thế giới thì ông Dũng là quá nhỏ bé. Ông Nguyễn Tấn Dũng có muốn cũng khó có thể trái ý Bắc Kinh, vì không bằng cách này thì cách khác, kể cả việc tạo xung đột về quan sự giữa 2 nước Trung - Việt là điều hoàn toàn có thể. Mà nổ ra chiến tranh Việt - Trung lúc này là chế độ hiện nay sẽ tiêu tùng. Chính vì thế, trong điều kiện hiện nay việc để ông Nguyễn Tấn Dũng giữ chức vụ Tổng Bí thư sẽ đáp ứng lòng mong đợi của đa số nhân dân và có lợi cho đất nước. Song sẽ không có lợi cho Trung quốc và phe thân tầu.

Nếu coi quyền lực cao nhất là của nhân dân như Hiến pháp 2013 (sửa đổi) đã quy định và thực sự coi trọng nhân dân, thì tại sao Đảng CSVN không tách ra làm 2, với các chủ trương và chính sách rõ ràng để người dân toàn quyền lựa chọn?
Lãnh đạo Đảng CSVN cứ đấu đá nhau để tranh giành quyền lực mãi như hiện nay, họ không xấu hổ với dân hay sao?

--------------------------------------------
Ngày 21/12/2015 - (Blog Kami)
Văn phong và quan điểm, cách đánh giá là của riêng cà nhân người viết .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét