(Đã đăng trên Tuổi Trẻ)
Cuộc đối đầu giữa Thổ Nhĩ Kỳ (TNK) với Nga bùng lên trên công luận kể từ vụ chiến đấu cơ F16 bắn rơi SU24 ngày 24/11 vừa qua vẫn đang tiếp diễn căng thẳng, mặc đù đã có dấu hiệu muốn hạ nhiệt từ phía TNK.
Nói “bùng lên trên công luận” bởi trước thời điểm 24/11, đã có nhiều chuyện ngấm ngầm hoặc chưa đáng để truyền thông quốc tế bị hút vào. Trong những năm gần đây nhất, TNK luôn đứng về phía phương Tây chống lại Nga trong các vấn đề như: vụ 2 tỉnh đông người Nga của Cộng hòa Georgia tách ra “lập quốc gia riêng” năm 2008. Rồi các sự kiện liên tiếp hồi năm ngoái tại Ucraina, khi Nga sáp nhập bán đảo Crưm và Putin công khai đứng về phe “người nói tiếng Nga” ở miền Đông Ucraina dùng chiến tranh chống lại chính quyền Kiev. Cả vụ máy bay dân dụng của Malaysia bị bắn hạ tại Đông Ucraina, TNK cũng chung lập trường với phương Tây, bất lợi cho Nga. Tuy nhiên, tất cả những động thái trên đây của Điện Cremlin đều diễn ra trong phạm vi “các quốc gia láng giềng của Nga”, nên quan hệ với TNK hầu như chưa có gì bị sứt mẻ. Nhưng khi Nga bỗng nhiên triển khai lực lượng quân sự đến Syria từ đầu tháng 9 và công khai không kích “chống khủng bố” tại Syria từ 30/9, thì thực sự đụng đến khu vực lợi ích sát sườn của TNK rồi!
Việc Nga không che dấu mục tiêu “ủng hộ sự tồn tại của chế độ al-Assad” là đụng độ “vĩ mô” nhất với TNK, bởi từ cuối năm 2011 đến nay, Ancara luôn là một trong vài quốc gia trong khu vực tìm mọi cách lật đổ chính quyền ở Damas. Nhưng “điểm nóng” nhất của sự đụng độ này chính là việc Nga đánh phá tập trung vào lực lượng vũ trang đối lập do TNK bảo trợ, trong đó có nhóm vũ trang Turkmen- người Syria gốc TNK. Tổng thống Erdogan đã công khai khẳng định phải bảo vệ “những người đồng bào của mình” ở bên kia biên giới Syria. TNK đã mấy lần phản đối Nga không kích vào người Turkmen và hai lần trong tháng 10 phản đối chính thức việc máy bay quân sự Nga “xâm phạm không phận TNK”. Ngày 10/10 một máy bay không người lái “lạ mặt” đã bị TNK bắn hạ khi “xâm phạm không phận” nước này. Giới truyền thông đều cho rằng đó là máy bay của Nga. Nhưng vụ việc này dường như mới là một cuộc “tung cầu đo gió” giữa đôi bên? Tuy nhiên, hôm ấy, thủ tướng TNK tuyên bố “sẽ bắn hạ bất cứ máy bay nào” tiếp tục xâm phạm không phận nước này! Lời tuyên bố này chính là tín hiệu “đèn xanh” để không quân TNK bắn hạ SU 24 hồi tuần trước.
Qua những sự kiện liên quan đến Nga và TNK những năm gần đây, có thể thấy người đứng đầu của hai quốc gia này đều có những “bản lĩnh” dám đưa ra những quyết sách chủ động khiến dư luận phải ngỡ ngàng và ứng phó khi “sự việc đã rồi”! Về mặt này, rõ ràng tổng thống Nga nổi trội mang “tầm toàn cầu”. Ông Putin đã bất chấp tất cả khi dùng quân đội ủng hộ cuộc li khai của hai tỉnh đông người Nga tách khỏi Cộng hòa George năm 2008. Rồi đến sự kiện hồi năm ngoái: sáp nhập Crưm vào Nga và tiếp tay cho lực lượng Miền Đông Ucraina vũ trang quy mô lớn chống lại chính quyền Kiev dai dẳng cho đến nay. Với hai sự kiện vượt ra ngoài biên giới Nga nêu trên, Putin đều viện dẫn “quyền của nước Nga bảo vệ “những người nói tiếng Nga” cho dù ở đâu cũng vậy. Thì nay, tổng thống TNK- Erdogan cũng lập luận việc bắn hạ máy bay Nga là “để bảo vệ những người Turkman gốc Thổ” ở bên kia biên giới Syria!
Nga biện hộ cho hành động của mình tại Syria là “bảo vệ một chính quyền hợp pháp", chống lại phiến quân. Tương tự như vậy khi Nga can thiệp vào Ucraina cũng có lý do là bảo vệ “một tổng thống hợp pháp bị cách mạng màu lật đổ”! Nhưng với vụ hai tỉnh ở Cộng hòa George tách khỏi nước này, thì rõ ràng Putin không ủng hộ “chính quyền hợp pháp”, mà đứng về phe “phiến loạn”!
Có khác chăng là Putin thường luôn chủ động đi những nước cờ táo bạo khiến tất cả ngỡ ngàng, và nước Nga sẽ gồng mình bảo vệ “sự đã rồi” ấy bằng mọi giá. Nay, với vụ bắn hạ SU 24, Erdogan lại là người dám “đi” trước. Có lẽ ông Putin không có thói quen chấp nhận “sự đã rồi” do người khác áp đặt. Và Nga đang phản công rất quyết liệt, bằng những bước đi mà các nhà chiến lược khoa bảng khó lòng lựa chọn bởi quen tính toán theo tư duy đong đếm thiệt hơn. TNK lại tỏ ra “xuống nước” một cách “nhanh đến chóng mặt”, khiến giới bình luận Trung Đông bán tín bán nghi; không rõ đây là thật lòng, hay lại “mưu toan gài bẫy” gì đây?
Nước Nga lớn hơn TNK về tổng thể nhiều mặt là một “sự đã rồi” trời định. Tổng thống Nga Vladimir Putin nổi danh thế giới hơn người đứng đầu TNK- Tayieb Erdogan cũng đã có những sự kiện toàn cầu kiểm chứng. Nhưng mỗi ông đều có những bản lĩnh độc đáo tương tự nhau, thể hiện cả về đối nội và đối ngoại. Chỉ mong sao bản lĩnh độc đáo ấy mang lại an vui, thịnh vượng cho đất nước của các ông và tránh để các thế lực bạo tàn như IS trục lợi kiểu “đục nước béo cò”!
30/11/2015
NGUYỄN NGỌC HÙNG
Đã đăng trên TTO 30/11/2015:
Cam on blog ,va tác gia NNHung ve bai Viet tong hop khách quan ve hai con nguoi dang doi Dau nhau tai Trung Dong.Doi voi toi nhung Phan tích khách quan Rat co y nghĩa,de nhìn ra ban chat cua cuoc xung Đót, cho du toi lượng muốn NUoc Nga manh trong cuoc Chien nay.
Trả lờiXóaKhông chỉ hai vị độc đáo mà đụng độ một vài thế lực và những toan tính toàn cầu hay khu vưc
Trả lờiXóaBạn Nguyên Hân bình rất chính xác. Đây là cuộc đụng độ tất yếu về lợi ích đa Quốc gia tại khu vực Trung Đông,thậm chí là có qui mô rộng lớn hơn, chứ không phải chỉ là của hai cá tính độc đáo.. Không hiểu sao, trong chuyện này,tôi vẫn bênh Putin và nước Nga hơn! Chào
Trả lờiXóa