Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 9 tháng 5, 2017

VIẾT TRONG NIỀM XÓT XA TƯỞNG NHỚ ANH VIỆT PHƯƠNG

 “TRÚT VỎ THẦN TƯỢNG ĐI 
CÀNG LỒNG LỘNG CON NGƯỜI”

Tương Lai

Không thể không viết, nhưng không sao viết nổi. Ngón tay bấm phím cứ loạng choạng, chuệch choạc. Đầu óc trống rỗng chao đảo, ý tưởng mông lung chồng chéo.
Vợ tôi động viên, “thay vì liều lĩnh ra sân bay một mình khi đi không vững, anh chịu khó lấy lại bình tĩnh ngồi trước máy tính đi”. Con gái tôi không thể bố trí kịp lịch bay để đưa tôi đi Hà Nội, cố thuyết phục “rồi con đưa bố ra chậm mấy ngày thôi bố ạ”. Cô HD thì đang ở Nhật, có khi bay thẳng về Hà Nội, không thể cùng đi. Đại thì đang ở Cà Mau, không kịp về để giúp tôi trên suốt chặng đường dài và thu xếp đến với Anh như lần rồi.
Day dứt nhớ câu “Nghiêng hẳn đời anh đi mà gạn. Một giọt người rất sáng rất trong” để mà cố gạn lấy “một giọt người” trong bộn bề suy ngẫm nhằm lấy đà mà viết đôi dòng về người anh, người bạn lớn của tôi suốt 63 năm kể từ ngày gặp anh. Nhưng vẫn không sao “gạn” nổi.
Câu trên trích trong một bài thơ mà anh đã gửi tặng một tuần sau khi tôi đã trở lại Sài Gòn để nhấn lại cái ý anh đã nói khi cầm cuốn ghi chép về “Mênh mông thế sự” tôi đưa tặng anh và chị Tú Lan: “mình thích cái tên sách này, nó hợp với cảm nhận của mình và thể hiện được cách tư duy và tâm trạng của TL”. Đối với tôi, đây là một lời khen tặng.
Vì, anh rất ít khen tôi mà thường là phê phán dưới dạng gợi ý nhẹ nhàng nhưng lại rất nghiêm cẩn những vấn đề mà tôi đã viết gửi ra đề nghị anh nhận xét. Tôi trân trọng lưu giữ những lời ấy. Đối với anh, tôi cũng hay nói thẳng, rất thẳng, những điều mà tôi nghĩ về anh, trong đó có vài điều mà tôi không tán thành. Có khi đó chỉ là chuyện vặt nhưng lại không hề nhỏ, ví như sự quá đắn đo của anh khi phải viết ra những điều bịa tạc của một vài người lợi dụng đã khai thác sự dễ dãi, bao dung của anh, một người rất khó nói lời từ chối với người khẩn cầu, cho đến khi sức khỏe không còn đủ để viết nữa.
Để rồi, trong lần gặp cuối cùng khi hai anh em ôm nhau khóc bên giường bệnh tại bệnh viện: “thế là chịu thua rồi anh Phương ơi, giờ đây những lời anh nói  mình nhất định sẽ viết những điều mà Tương Lai yêu cầu mình phải viết vì không ai thay được, giờ đây thì viết sao được. Đành phải vậy thôi anh ơi”. Anh nắm chặt, rất chặt bàn tay tôi, thoáng cười trong nước mắt.
Anh Việt Phương ơi, kém anh 8 tuổi, tôi đâu còn đủ sức “lặn xuống sâu đắm đuối gặp chân trời” mà chúng ta cùng hướng tới! Tôi chỉ là một “ngọn cỏ”, cứ cho đã “được tôn trọng là cỏ”, một “con người” tự biết và dám sống thế nào để “được tôn trọng là người” như anh viết đi chăng nữa, thì vẫn còn quá xa để với tới được cái cao cả của anh “được bao nhiêu cũng là được cả” để mà thoát khỏi những day dứt : Đã vĩnh viễn nằm xuống một nhân chứng sống của một thời đoạn lịch sử bi hùng, đầy biến động dữ dội mà với một trí tuệ siêu việt, một trái tim trong sáng nồng cháy, một nhân cách cao thượng và dung dị đã nhìn thấy, trải nghiệm và suy tư!
Trải nghiệm và suy tư từ ngày đầu tiên là chính ủy trẻ măng của một đơn vị Nam tiến cuối năm 1945, rồi trở thành người trợ lý của Phạm Văn Đồng tại Khu V, cho đến nhiệm vụ trưởng đoàn Thư ký Đại hội Đảng 1951 tại Việt Bắc và rồi với cái “nghiệp thư ký” đầy đa đoan và khắc nghiệt ấy gần suốt cả cuộc đời để “diện mục sở thị” những thăng trầm của vận mệnh dân tộc từ 1945 đến nay do sát cạnh công việc và đời sống của Phạm Văn Đồng, Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt và nhiều người nắm giữ những trọng trách khác.
Kho “tư liệu” đầy ắp của những suy ngẫm giàu chất triết lý thấm đẫm hơi thở thực tiễn mênh mông sống động của một bộ óc thông minh uyên bác, chịu khó đọc và học những thành tựu kiến thức văn hóa, văn minh, [đặc biệt là những sách mà các học giả và trí thức lớn ngoài nước và trong nước gửi tặng Phạm Văn Đồng] quả là khó có người thay thế viết ra nổi, dù chỉ một phần.
 Đau đớn nằm ở đó. Liệu có phải là định mệnh như đã viết trong bài thơ TÂM anh đã gửi cho tôi dạo ấy “Bao giờ đến lúc chia xa/Trái tim giữ lại trong ta chút mình”.
Là sự oái oăm của cuộc đời hay là nghiệp chướng trong thân phận một con người lớn lao, cao cả mà tôi giành trọn niềm tin yêu, kính phục của mình? Ngay cả quãng “kinh nhi viễn chi” trong thời anh quá nổi tiếng, tôi tránh gặp anh., chỉ dõi theo anh qua thông tin của vợ tôi đến thăm chị Tú Lan. Vợ tôi tỏ ý bất bình vì sự ngang ngạnh của tôi, cố tình đặt cái tượng nhỏ mô hình “Vệ tinh Liên Xô phóng lên vũ trụ” trên bàn làm việc của tôi, món quà vô giá bởi sự sung sướng và kiêu hãnh của cô ấy được anh Việt Phương tặng khi đem về từ Matscơva năm 1955 ngụ ý thúc tôi cùng đến thăm anh, tôi chỉ cười rất ấm ớ, chẳng trả lời. Tôi chỉ đến khi anh đang “gặn nạn” về “Cửa Mở”. Quãng thời gian “kính nhi viễn chi” ấy kéo dài độ một năm kể từ những ngày cuối tháng 12 năm 1953 tôi được gặp anh, [nhưng chỉ sau đó khoảng một tháng tôi mới biết qua câu chuyện của anh Hà Thế Ngữ và anh Dũng được điều động lên Phòng Giáo vụ KHXTƯ để giúp anh Việt Phương thì mới biết chính anh Việt Phương yêu cầu tôi kết thúc khóa học sớm để điều về đây] cho đến khi về tiếp quản Hà Nội. Gặp lại anh, tôi chỉ hỏi chuyện chung và xin góp ý về công việc tôi đang làm, không đả động gì đến “cái nạn Cửa Mở” cả. Khi chia tay, tôi chỉ tủm tỉm nhắc lại “báu vật Vệ tinh Liên Xô” anh tặng vợ tôi với một câu bâng quơ “Có khi tận trên chín tầng cao vệ tinh đang bay không có bùn trái đất mà chỉ có bùn vũ trụ”, anh cười, siết chặt tay tôi tiễn ra cửa.
Để rồi từ buổi ấy, tôi sống trong niềm vui tự hào được gắn bó với anh “ dọc đường trần” của nửa thế kỷ với buồn vui thử thách, cay đắng ngọt bùi bên cạnh anh, đúng như anh viết
 “Một thời đủ để đi tìm
  Một thời một của trăm nghìn một thôi!”.
Tìm gì vậy? Tìm “chân trời”. Nhưng là phải “lặn xuống sâu” cuộc đời “đắm đuối” này thì may ra mới gặp được chân trời. Cũng có thể suy ra một cách nhắn gửi khác của Việt Phương đắm đuối gặp chân trời. Tôi hiểu là phải đi đến chân trời với cả trái tim chứ không chỉ là khối óc, trong cái mênh mông thế sự này có trí tuệ uyên bác và hiện đại tuy là cần, tuyệt đối cần nhưng chưa đủ! Phải có trái tim đắm đuối của tình yêu, yêu con người, yêu quê hương đất nước. Vâng “đắm đuối”. Và tôi như được nghe Anh nói cho riêng mình:
Trái tim mang đức hy sinh
Mở đường cho những hành trình vị tha
Khó quá anh Phương ơi, cho dù Anh đã từng nhắc tôi, người thành đạt là người thực hiện được khoảng một phần ba những điều dự định. Nhưng chính Anh lại khắc nghiệt với bản thân mình khi viết một câu có dáng dấp tự bạch khi vào tuổi 80: “Có lẽ tôi đã làm xong việc sống hỏng đời mình”, Tại sao vậy? Có đúng anh nghĩ vậy không, tôi đã thẳng thắn bất bình chất vấn anh sau khi nhận được mấy bài thơ có câu “sống hỏng”  anh gửi qua email :
             Một đời lý luận
                           một đời tu
             Một đời lăn lóc như đèn cù
             Chăm chút phù du
                             mơ cánh nhạn
             Một đời lãng mạn
                            một đời ngu
Anh trả lời tôi chỉ một dòng: “Tương Lai đọc tiếp mấy câu sau đi”. Rồi ký tên.
Và, tôi đọc lại, ngẫm nghĩ thêm để vỡ ra được rằng
             Một đời vi vu vồ vập sống
             Một đời lóng ngóng nhìn lên trời
             Thao thức nghe người như nghe sóng
             Một đời trong lộng
                                            nhớ ngàn khơi
Một lần gặp nhau ở Hà Nội, giữa buổi làm việc với anh Sáu Dân, Việt Phương chép mấy câu thơ của anh vào một tờ giấy được gỡ ra từ cuốn sổ rồi chuyển cho tôi
Bấy nhiêu lý luận bao nhiêu nước
           Chảy dưới cầu kia để lại gì.
Tôi hiểu đây là một kiểu hài hước tự diễu mình và diễu tất cả bọn tôi. Tối hôm ấy, sau bữa cơm ở nhà số 6 Hồ Tây chỉ có hai thầy trò, khi rót chén trà chuyển mời ông Sáu Dân tôi kèm theo tờ giấy chép thơ đó. Đọc xong ông ấy cười, chả là vì có lần ông Sáu nói với tôi sau một buổi làm việc khá gay cấn chưa thể đưa ra một kết luận dứt khoát: “Chắc rồi ông Việt Phương hôm nay lại sẽ làm một bài thơ!”. Nhưng liệu có phải vì vậy mà có nhà phê bình thơ đã bình rất say sưa về câu thơ của Việt Phương:
“Vứt nốt cảm giác và suy tưởng
            tay trắng một mình với thơ”?
Vào những năm cuối đời, Việt Phương dành phần lớn thời gian của mình cho thơ, và Việt Phương đúng là một nhà thơ. Ngay khi “Miệt mài trong lý luận” con người ấy “Vẫn mơ màng câu hỏi tuổi mười lăm”. Vả chăng con người “Thấu mọi nhẽ thăng trầm thực ảo” ấy vẫn cứ “Thế mà khờ khạo như bóng mây”. Cho nên nhà lý luận uyên bác ây vẫn mê đắm với thơ, dù vẫn biết rõ rằng “Thì thơ ngơ ngẩn là thơ/Thì người đông đảo bơ vơ là người”.
Phải chăng con người ấy đã ngộ ra được cái lẽ lớn ở đời “Sự thật ơi ta đã tỏ mặt mình” khi “đã qua rồi yêu giận ghét khinh”! Cách nay đúng 10 năm, anh viết :
 “Tám mươi tuổi tập ú tim
Cõi thiền gần lắm lặng yên vẫn chờ”
Ấy vậy mà cũng đúng vào buổi ấy nhà thơ Việt Phương viết “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng” có tầm vóc lý luận uyên bác và sắc sảo có ý nghĩa thực tiễn rất sống động và mạnh mẽ mà những vị giáo sư tiến sĩ xây dựng đảng danh nổi như cồn khó bén được đến gót. Bằng cách diễn đạt rất dứt khoát, ngắn gọn dễ hiêu, không vòng vo lắt léo với những thủ đoạn giảo hoạt của ngôn từ để cố che đậy những mưu toan. Ví dụ như một đoạn sau đây trong bài viêt góp ý của Việt Phương: “Bản chất chung của việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng rất sáng rõ, và có thể diễn đạt ngắn gọn. Đó là: Dân chủ. Muốn thực hiện đúng dân chủ, thì phải chống mất dân chủ, thiếu dân chủ, dân chủ giả, dân chủ hình thức, không có thực chất”.
 Xin chỉ dẫn ra nguyên văn một đoạn liên quan đến “Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các Ban của Đảng” mà xem kỹ thì cứ như là chuyện đang xảy ra chính vào hôm nay khi Hội nghị Trung ương 5 đang họp:
Hai từ lãnh đạo và chỉ đạo nên được hiểu đúng như trong từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học: lãnh đạo là đề ra chủ trương, đường lối và tổ chức, động viên thực hiện. Chỉ đạo là hướng dẫn cụ thể theo một đường lối, chủ trương nhất định. Ban Bí thư chỉ nên là một cơ quan chỉ đạo. Hiện nay trong Điều lệ Đảng, thẩm quyền của Ban Bí thư quy định rộng quá và quy định về Ban Bí thư còn rõ hơn, kỹ hơn quy định về Ban Chấp hành Trung ương và quy định về Bộ Chính trị.
Quy định rộng quá mà mơ hồ là quy định rằng: Ban Bí thư quyết định một số vấn đề về tổ chức cán bộ và một số vấn đề khác theo sự phân công của Ban Chấp hành Trung ương. Điều lệ cũng quy định Ban Bí thư lãnh đạo công việc hàng ngày của Đảng, dùng từ "lãnh đạo" ở đây là không chuẩn xác và công việc hàng ngày của Đảng là một cụm từ mù mờ không rõ nghĩa. Khi điều lệ Đảng kể ra những công việc ấy sau khi đã mở ra hai chấm, thì lại không phải là công việc hàng ngày mà là những công việc lớn, cơ bản, phải chuẩn bị dài hơi. Điều này nên được sửa đổi.
Từ thực trạng tồi tệ nói trên, Việt Phương nêu cụ thể một số vấn đề cơ bản nhất đang ngự trị trong đảng, nếu đối chiếu với những gì đang diễn ra càng rõ hơn tính chiến đấu rất quyết liệt và sắc bén :
“Thực hiện dân chủ trong Đảng là điều cốt yếu để có thể thực hiện dân chủ trong xã hội, trong nhà nước, trong hệ thống chính trị.
Tình hình hiện nay về dân chủ trong Đảng, tức là về phương thức lãnh đạo trong Đảng có những chỗ không đúng, tóm tắt như sau:
1. Ba triệu đảng viên chỉ có vai trò thụ động thừa hành, hầu hết ở ngoài quy trình xem xét, thảo luận, ra quyết định. Công việc ấy thực tế là thẩm quyền của các cấp ủy, thậm chí của một số ít người trong cấp ủy.
2. Việc bầu các cấp ủy hình thức là do các đại hội Đảng, ở chi bộ là do toàn thể đảng viên, song thực tế là do một số ít người ở cấp trên (trong cấp ủy và có khi ngoài cấp ủy) quyết định, trường hợp Đại hội bầu có người trúng cử ngoài sự sắp xếp trước chỉ là hãn hữu.
3. Các đại hội Đảng, theo điều lệ Đảng, là cơ quan lãnh đạo cao nhất ở mỗi cấp.
Thực tế không phải thế.
Cấp dưới thực sự đảo ngược thành cấp trên. Ban Chấp hành danh nghĩa là cấp trên, thực tế thì ở Trung ương, Ban Chấp hành Trung ương ở dưới Bộ Chính trị, còn cấp địa phương, Ban Chấp hành ở dưới Ban Thường vụ cấp ủy.
Còn có khi sai lệch hơn thế, như trên đã nói, thực quyền chỉ thuộc về một số ít người”.
e) Đại hội và các cấp lãnh đạo ở Trung ương
Cũng từ lâu, đã có nhận xét rằng, theo Điều lệ Đảng và trong thực tế, riêng ở tầm Trung ương, đối với toàn Đảng và cả nước, Đảng ta có bốn cấp lãnh đạo: Đại hội Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Nếu xác định đúng phạm vi và nội dung công việc của Đảng, đổi mới cơ chế làm việc, thì có thể thực hiện trong thực tế Đại hội đúng là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương là cơ quan lãnh đạo dưới Đại hội và là cấp trên của Bộ Chính trị, Bộ Chính trị là cơ quan lãnh đạo thấp nhất ở tầm toàn Đảng và cả nước, còn Ban Bí thư không phải là cơ quan lãnh đạo mà chỉ là cơ quan chỉ đạo. Làm được như vậy, sự lãnh đạo của Đảng sẽ được nâng cao rõ rệt, sự phân biệt giữa chức năng, thẩm quyền của Đảng và Nhà nước sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Để làm rõ hơn tính sắc bén của nhà lý luận Việt Phương, hãy đối chiếu với một hiện tượng đang diễn ra được ai đó đưa rành rọt trên trang mạng của RFI ngày 6.5 2017: “hiện tượng tập quyền thông qua tiểu xảo, như động tác giành quyền kỷ luật đảng viên của Ban Bí thư bằng cách sửa nghị quyết 46-QĐ/TW năm 2011 thành 30-QĐ/TW năm 2016 một cách mập mờ. Đó là phương pháp «biển thủ» quyền lực một cách vụng trộm”.
Một đoạn nữa “ngay sau khi Ban kiểm tra Trung ương ngày 27/04/2017 công bố kiến nghị Bộ chính trị xem xét kỷ luật ông Đinh La Thăng, thì cùng ngày, Ban thường vụ Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh tổ chức họp đột xuất, thông qua bản tự kiểm điểm của ông Đinh La Thăng và gửi lên Ban bí thư TW đảng một phong bì gồm một bản tự kiểm điểm của ông Đinh La Thăng dày 20 trang, kèm theo biên bản kết luận của cuộc họp Ban thường vụ, với nội dung «không chấp nhận bản tự kiểm điểm và xin nhận mức kỷ luật khiển trách» của ông Đinh La Thăng, đồng thời «kiến nghị TW không áp dụng hình thức kỷ luật với đồng chí Đinh LaThăng». Mặt khác, có một việc khác thường là, đáng lẽ chỉ được gửi đến Ban bí thư, phong thư này được «gửi tới tất cả các Uỷ viên Trung ương, có tên trên mặt phong bì»… sợ bức thư này đến tay các ủy viên TW, Ban bí thư đã phải ra một thông báo khẩn cấp, yêu cầu tất cả những ủy viên trung ương nếu nhận được phong bì này thì không được mở mà gửi ngay về Ban bí thư.
Dẫn ra một chuyện cụ thể đang diễn ra để thấy tính công phạt của ngọn bút lý luận Việt Phương thật là dữ dội và bền lâu! Chừng nào chế độ toàn trị phản dân chủ còn ngự trị dưới sự hà hơi tiếp sức của “người đồng chí cùng chung ý thức hệ với ông Nguyễn Phú Trọng, người kế tục xuất sắc tổng bí thư Nguyễn Văn Linh của mật ước Thành Đô mở đầu cho “thời kỳ Bắc thuộc lần thứ hai” với thân phận chư hầu nhục nhã thì sức công phạt ấy còn sắc bén, quyết liệt.
Vậy thì câu thơ “Tám mươi tuổi tập ú tim/Cõi thiền gần lắm lặng yên vẫn chờ” của Việt Phương cần hiểu sao đây?  Trò “ú tim” là trò chơi con trẻ, ngoài tuổi 80 Việt Phương nghiệm thấy “cõi thiền gần lắm” nhưng “lặng yên vẫn chờ” một người “đã qua rồi yêu giận ghét khinh”, để rành rọt nói rõ “sự thật ơi ta đã tỏ mặt mình” thì cái “thiền” của nhà thơ, nhà lý luận ấy không hề là sự lánh đời, mũ ni che tai để trốn đời. Ngược lại, Việt Phương đã và vẫn đang
                           Đi về cuộc sống thực bon chen và dữ dội
                          Có lúc trời xanh như tội ác đang đùa

                           Đời không có và người không thể mất
                          Niềm tự hào sự nhục nhã của bình yên

Khi đã có niềm tự hào vì đã cảm nhận được “sự nhục nhã của bình yên” thậm chí cảm thấy được “Có lúc trời xanh như tội ác đang đùa” thì làm sao có thể yên phận với tư thế của con đà điểu chui đầu vào cát. Để rõ hơn điều này, xin trích ra đây một đoạn trong lá thư anh góp ý với tôi trong những ngày anh phải vào bệnh viện chạy máy lọc thận ba buổi mỗi tuần cho thấy ở tuổi 89, anh vẫn sát sao với thời cuộc:
“Mình đã được nghe Tg trả lời phỏng vấn, về biển Đông, và chỉ về biển Đông. Không biết đã được nghe đủ hết cuộc trả lời phỏng vấn của Tg chưa. Thư không viết được hết ý. Mình nghĩ tóm tắt như sau :
  Từ thời xưa, và ngày nay càng như thế, một nước đi xâm lược, lấn chiếm, xâm phạm vào chủ quyền, mưu toan lũng đoạn, chi phối nước khác, mà tự cho là đủ sức, thì không bao giờ chỉ đánh một hướng, một lĩnh vực, bao giờ cũng đánh nhiều hướng, nhiều lĩnh vực cùng một lúc. Trong đó, nguy hiểm nhất, gây hại nhất không phải là hướng đánh vào cương vực, vào cơ đồ, như đồng bằng, rừng núi, biển đảo, thành thị, nông thôn. Nguy hiểm nhất, sâu độc nhất, gây hại nhất là đánh vào con người, vào giới cầm quyền, vào một số tầng lớp xã hội, nếu được thì vào toàn dân tộc, mua chuộc, lừa mị, hù doạ, vu khống, giăng bẫy, chia rẽ, ám hại, gây chiến, và mọi thủ đoạn khác.
 Rất nhiều khi, dã tâm và hành động bành trướng, bá quyền không chỉ liên quan đến hai nước. Kẻ bành trướng, bá quyền thường"gây sự" và phạm tội ác với nhiều nước, nhiều dân tộc, với cả loài người, và bị nhiều nước, thậm chí bị cả thế giới lên án và chống lại….”
Vậy đó, anh Việt Phương của chúng ta. Theo thiển nghĩ của tôi, cái tầm vóc “thiền” của Việt Phương nâng tầm vóc lý luận và tiếp sức sống độc đáo cho tầm vóc thơ Việt Phương.
Đọc câu thơ Việt Phương
                                          “Không có gì tạo thành tất cả
                                            Tất cả đầy những không có gì”
tôi ngĩ đến câu thơ của Thiền sư Từ Đạo Hạnh cách nay gần nghìn năm:
                                          Có thì có tự mảy may
                                        Không thì cả thế gian này cũng không     
                                            Kìa xem bóng nguyệt dòng sông
                                          Ai hay không có, có không là gì
Liệu có thể nhận thức rằng câu thơ đẫm chất triết lý của Việt Phương “tất cả là không có gì, và không có gì là tất cả” chính là sự thâu tóm một cách đơn giản nhất triết học Phật mà nhà văn hóa uyên bác Việt Phương từng nghiền ngẫm?
 Trong cái ồn ào, bụi bậm của dòng đời thời hiện đại ào ạt tuôn chảy, hai câu thơ trong bài “Nghĩa” của tập thơ đượm màu sắc triết lý “Cỏ dọc đường trần” ấy dường như muốn diễn đạt sự cảm nhận của mình về tinh thần cơ bản của triết học Phật mà Việt Phương có lần nói với tôi “theo mình, triết lý Phật đạt được sự thông tuệ mang tính nhân văn sâu sắc nhất, gần với con người nhất, mang tính người nhất. Hiểu cho thấu được triết lý ây không dễ đâu, nhưng phải cố gắng suy ngẫm, mình đang cố điều này, được chút nào thì cố gắng giữ lấy và nghiền ngẫm thêm”. Thú thật cho đến nay, mặc dầu nhớ lời anh nhưng tôi vẫn còn quá mù mờ và nông cạn trong mớ kiến thức lộn xộn rất thiếu hệ thống của mình về triết lý Phât giao, vì vậy càng xót xa  từ đây không còn được gặp anh.
Anh Phương ơi, liệu có đúng như anh viết và tôi đã nghiền ngẫm để dẫn ra trên kia không?
“Một thời đủ để đi tìm
  Một thời một của trăm nghìn một thôi
Anh đã đi tìm, liệu anh dã tìm thấy chưa, tìm thấy được đến đâu rối để chúng tôi còn tiếp bước anh. Ở nơi kia chắc Anh đang trầm mặc và thanh thản nhìn lại những chặng đường anh đã đi cho dù anh vẫn luôn khắt khe với mình để bao dung với đời. với người. Thanh thản vì anh đã sống một cuộc sống đẹp, vì anh đã dám “Trút vỏ thần tượng đi” để “càng lồng lộng con người”.
Cho dù anh đã tự xem mình chỉ là
Trên sông trôi một lá thuyền
Giữa đường vọng một ước nguyền xa xôi
thì cái “ước nguyền xa xôi” ấy đang được chúng tôi hun đúc, nuôi dưỡng để biến thành hành động trên “đường trần cỏ mọc” anh đã đi. Từ con đường đó, anh đã nói, đã viết được những lời có dáng dấp tiên tri bằng sự đúc kết những trải nghiệm độc đáo của một người đúng nghĩa con người. Mà là tiên tri vì chúng thể hiện đúng quy luật vận đông của cuộc sống.
Cũng chính vì vây chúng tôi không chờ đợi một "thiên khải" mà chờ đợi sự vận động tự thân của đời sống hiện thực. Sự vận động ấy sẽ tạo ra những bước hợp trội, đưa tới những đột biến bất ngờ khiến cho ước nguyện xa xôi của anh không còn mấy xa xôi nữa.
Phải chăng đấy chính là tiếng vọng tha thiết của anh từ chốn vĩnh hằng mà chúng tôi đang nghe.

                                                                                   21h30 ngày 7.5.2017
---------------------------------------------
Rút từ Tùy bút nhiều kỳ " Mênh mông thế sự" của GS.Tương Lai (Cậu ruột Nguyệt Ánh)
Cảm ơn Nguyên Hân đã chuyển tới LSQL bài viết này
Chúng ta còn nhớ, chị Nguyễn Tú Lan , vợ anh Việt Phương từng là giáo viên đưa chúng ta lên Lư Sơn mùa đông 1953. Khi giải thể trường TNVN, về Hà Nội chị là chuyên viên  Viện KHGD thuộc Bộ GD&ĐT

3 nhận xét:

  1. Cám ơn LS- QL đã đăng những bài viết rất hay về nhà thơ Việt Phương, một người mà thế hệ chúng ta rất hâm mộ.
    ( Hình như cô Tú Lan họ Trần anh ạ)

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh11:26 14/5/17

    NNH: Cám ơn Mõ Làng đã dán bài viết xuất sắc này lên Đình Làng. Tôi là lớp "sinh sau đẻ muôn", nên những thông tin về ông Việt Phương và ông Tương Lai có "dây mơ rễ má" với KHX Nam Ninh và Truongf TNVN với tôi là mới.
    Đây lại là một ví dụ nữa cho thấy lịch sử cách mạng VN giữa sách vở chính thức và thực tiễn có một cách biệt rất xa vời!

    Trả lờiXóa