Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

GS Chu Hảo : Một nửa văn minh là ...không văn hóa.

(Đất Việt online 30.12.2012)- Người ta thường hay nói, một nửa cái bánh mỳ vẫn là cái bánh mỳ, còn một nửa sự thật có khi là sự giả dối,. “Một nửa văn minh” ở đây chắc là cái gì đó còn tệ hại hơn. Đó là thói ích kỷ, vô trách nhiệm, thiếu văn hóa. – GS Chu Hảo thẳng thắn.
GS Chu Hảo
GS Chu Hảo: Hà Nội hãy cố bớt hình thức đi một chút. Ảnh Huấn Cao


Văn hóa “Kẻ Chợ”

PV: - Hà Nội đang gấp rút xây dựng “Quy tắc ứng xử trong cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và nơi công cộng, nhằm thay đổi hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, điều này có nghĩa là Hà Nội đã từng có ‘thanh lịch chuẩn mực’ và đã bị mất mát nên giờ cần khôi phục lại sự văn minh, thanh lịch ấy. Sử sách nghiên cứu đã xác nhận Hà Nội xưa có tên là Kẻ chợ vậy văn hóa ứng xử cái thời có tên là Kẻ chợ tương ứng sẽ phải là văn minh Kẻ chợ, thanh lịch Kẻ chợ…và Hà Nội cần khôi phục lại, ông nghĩ sao về điều này?

GS Chu Hảo: - Trước hết nói về chữ “văn hóa Kẻ Chợ”. Trong nhiều từ điển, chữ Kẻ Chợ xuất hiện vào khoảng thế kỷ 17, khi Thăng Long (tên gọi của Hà Nội trước đây) xuất hiện những giao dịch có tính chất thương mại với các nhà buôn phương Tây, thứ đã tạo nên một nét văn hóa mới, nét văn hóa thương mại.  Theo tôi, nói đến chữ Kẻ Chợ, người ta cũng tôn trọng như nói đến chữ Tràng An. Nếu hiểu Kẻ Chợ là chợ búa, xô bồ, vị kỷ, bon chen… thì chắc là ứng với hiện trạng Hà Nội nhiều năm gần đây.

Quả thật, càng ngày càng thấy nhiều biểu hiện phi văn hóa tồn tại ở Hà Nội. Chúng ta có thể thấy hàng ngày cảnh người Hà Nội chen lấn tham gia giao thông, vứt rác bừa bãi… Nghiêm trọng hơn là những việc kinh dị, trái luân thường đạo lý xảy ra trên địa bàn Hà Nội như: con cái đẩy bố già ốm ra nằm vỉa hè Núi Trúc, một ông Tiến sĩ đánh mẹ già rồi đuổi ra đường, bà cụ phải vào “Ngôi nhà hạnh phúc’ ở Thụy Khuê…

Văn hóa đích thực của Hà Nội chủ yếu phải là những nét thanh lịch, tử tế trong các quan hệ giữa người với người và với thiên nhiên,, chứ không phải các hoạt động “cờ đèn kèn trống” ầm ĩ mỗi khi lễ tết.

PV:- Hiện nay, tại Hà Nội, có một sự mâu thuẫn như thế này, trong khi người dân giữ nhà họ rất sạch, nhưng chỉ cần cách nhà khoảng chục mét, họ dễ dàng vứt rác. Không ít lần đã xảy ra chuyện hàng xóm láng giềng to tiếng mất mặm mất nhạt với nhau chỉ vì nhà nào cũng cố vứt rác sang phần đường nhà hàng xóm. Theo ông, đây có được coi là …một nửa cái sự văn minh không? Nếu không, chúng ta phải hiểu những hành vi đó như thế nào, thưa ông?

GS Chu Hảo: - Người ta thường hay nói, một nửa cái bánh mỳ vẫn là cái bánh mỳ, còn một nửa sự thật có khi là sự giả dối,. “Một nửa văn minh” ở đây chắc là cái gì đó còn tệ hại hơn. Đó là thói ích kỷ, vô trách nhiệm, thiếu văn hóa.

Có người nói dân lao động ở khắp nơi đổ về đã làm hỏng môi trường văn hóa của Hà Nội. Lại có người lý luận, hiện tượng dẫm đạp, cướp hoa ở Hồ Hoàn Kiếm năm xưa là do văn hóa làng xâm nhập vào Hà Nội. Những ý kiến đó không thỏa đáng.  Để xảy ra tình trạng hiện nay chứng tỏ, bản thân nội lực của văn hóa Hà Nội đã không đủ sức đề kháng để chống lại, hoặc đồng hóa những hành vi phản văn hóa ngoại nhập.  Đổ lỗi rằng người dân tỉnh khác làm hỏng văn hóa Hà Nội là một cách ngụy biện, trốn tránh trách nhiệm.

Hãy nhìn vào Đà Nẵng. Thành phố này cũng nhiều dân nhập cư từ miền Bắc và miền Trung nhưng vẫn là thành phố duy nhất ở Việt Nam lọt top 20 thành phố sạch nhất thế giới năm 2012. Bởi lãnh đạo Đà Nẵng dám minh bạch, kiên quyết giữ kỷ cương và dám chịu trách nhiệm.

Nói như vậy để thấy, nếu ngay từ đầu, Hà Nội có nền giáo dục tốt, kỷ cương pháp luật nghiêm minh thì nó hoàn toàn có thể  tiếp thu tinh hoa và loại trừ các yếu tố tiêu cực của mọi thứ văn hóa ngoại nhập.

Hà Nội hãy cố gắng bớt hình thức đi một chút

PV:- Mấy năm trước, Hà Nội đã biểu dương em Tuấn ở Thường Tín đã có hành vi tốt dẫn một cụ già sang đường. Gần đây, một cậu học sinh tiểu học cũng được vinh danh vì trả lại số tiền vài chục triệu đồng mà cậu nhặt được. Có người mừng rỡ, vì cho rằng sự thay đổi nào cũng phải bắt đầu từ những hành vi nhỏ nhưng, lại có người băn khoăn, có thế mà đã khen thưởng biểu dương cấp thành phố sao được? Ông nghiêng về ý kiến nào trong hai ý kiến trên, thưa GS?

GS Chu Hảo: - Tuyên dương như vậy cũng không có gì sai, chỉ có điều, nó biểu hiện một sự thật rất đau lòng: những chuyện ngày xưa là bình thường mà giờ là thành tích. Tôi không bài bác chuyện tuyên dương người tốt việc tốt, nhưng những tấm gương phải xứng đáng chứ không nên quá dễ dãi để mà tự lừa dối mình rằng tình hình vẫn còn chưa tệ quá.

PV:- Có lẽ do tình trạng xuống cấp văn hóa của nền văn hóa nói chung nên Hà Nội đặt ra vấn đề xây dựng “Quy tắc ứng xử trong cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và nơi công cộng, nhằm thay đổi hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Theo ông, Bộ Quy tắc này có cứu vãn được tình thế?

GS Chu Hảo: - Tôi không nghĩ là Bộ Quy tắc sẽ có tác dụng. Hà Nội có nhiều mối quan hệ khác nhau và mỗi mối quan hệ tương ứng với xử đó lại tương ứng với một bộ quy tắc ứng xử riêng. Như vậy, hoặc là Bộ Quy tắc sẽ có không biết bao nhiêu điều cần điều chỉnh, hoặc là quá chung chung như những khẩu hiệu suông.

Có lẽ nên nghĩ theo cách khác, không nhất thiết phải đưa ra Bộ Quy tắc ứng xử mà hãy làm việc căn cơ nhưng dễ thực hiện hơn.

Thứ nhất, hãy cố gắng xây dựng ở Hà Nội một hệ thống giáo dục Mầm non và Phổ thông tiên tiến nhất trong cả nước nhằm đào đạo các thế hệ trẻ tương lai của Hà Nội có nhân cách, có văn hóa và có năng lưc trí tuệ tốt. Họ sẽ là chủ nhân của Thủ đô có đủ nội lực bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa Thăng Long..

Thứ hai, hạn chế tối đa những phong trào và  những cuộc vận động hình thức, vô bổ và tốn kém và những hoạt động chỉ nhằm lấy thành tích báo cáo. Tôi không hiểu tại sao vẫn cứ phải duy trì những phong trào thi đua hết sức hình thức, vô bổ và tốn kém như Xây dựng gia đình và khu dân cư văn hóa… khi mà trên thực tế, khi nhắc tới “danh hiệu” này, chẳng ai tôn trọng nữa. Xin nói thẳng, chừng nào Hà Nội còn giữ những phong trào kiểu như vậy thì chừng đó còn xuống cấp văn hóa nữa, vì đó là sự giả dối.

Thứ ba, phải  Kiên trì thiết lập lại kỷ cương, thượng tôn pháp luật. Trước hêt, trong một vài năm tới toàn bộ hệ thống và các công cụ hành chính hãy tập trung vào việc giải quyết dứt điếm tình trạng vi phạm luật lệ giao thông trên đường phố. Đấy là bộ mặt văn hóa của Thủ đô. Hãy bắt đầu bằng việc buộc mọi phương tiện giao thông (đặc biệt là xe máy ) phải giữ đúng phần đường của mình, nhất là ở các ngã ba, ngã tư đường phố. Chỉ cần thế thôi là bộ mặt Hà Nội đã khác rồi…
  • Hoàng Hạnh (thực hiện)

1 nhận xét:

  1. Hai khái niệm mang vào chung cái bài viết này tôi thấy có phần sái thành thử tôi thấy mình dốt chẳng hiểu cái chữ văn minh cái văn hóa là chi chi mà đọc . À ra là chuyện ca cẩm lối sống ứng xử ở cái thủ đô nghìn năm thanh lịch còn bây chừ thì nỏ mặc dù vẫn phong cho các gia đình các khu dân cư văn hóa.

    Trả lờiXóa