Cựu HS Lớp 3 tặng hoa cựu Thày giáo Nguyễn Đức Chính (SG.4/8/2013) |
Nguyễn Đức Chính
( Cựu GV lớp 3)
Lư Sơn, Quế Lâm có một vị trí sâu sắc trong ký ức của chúng ta, bởi vì nó gắn bó với tuổi niên thiếu đầy lãng mạn. Lại là một môi trường được sống, được sư phạm và giáo dục kiểu mẫu có một không hai. Tôi là một cựu giáo viên ở đây. Tôi thường tự nói: mình là người ăn theo các em học sinh. Chính học sinh là đối tượng mà Bác Hồ quan tâm giáo dục, còn mình là người được chọn cho số người phục vụ các em. Suốt cuộc đời mình, tôi noi theo một tinh thần: Tinh thần Quế Lâm! Đồng nghĩa với làm người tử tế, cần mẫn, làm việc có ích.
Tháng 11 năm 2001, tôi cũng là “người ăn theo” chuyến trở về thăm trường xưa do Ban Liên lạc cựu học sinh Trường ở TPHCM tổ chức. 16 thành viên, trong đó có 3 cặp vợ chồng (2 nàng dâu của Trường) và 2 cựu giáo viên là cô Cơ và tôi. Tôi được đoàn đi cử làm Trưởng đoàn. Đi đường bộ, xe ôtô và tàu hỏa. Tàu hỏa giường tầng, tôi tầng trên, cô Cơ tầng dưới. Các cựu học sinh hát chế bài Đoàn Kết “Thày Chính đi đằng trước, cô Cơ đi đằng sau, một lũ lau nhau vừa khóc vừa mếu” và … “Thày Chính nằm trên, cô Cơ nằm dưới”. Ôi, “quỷ ma cái tính học trò” dẫu tất cả đã đều là ông nội, bà ngoại!
Mỏm đá này ở Lư Sơn Bác Hồ đã từng ngồi nghỉ chân vào năm 1959 |
Về Lư Sơn trước
“Lư Sơn kỳ tú giáp thiên hạ sơn”. Đã 50 năm rồi. Tháng 11, đầu Đông sơ Hàn. Xe càng leo cao, hai bên đường cây phong càng chuyển lá từ vàng sang đỏ rực trong nắng hanh. Hấp dẫn các ống kính nhiếp ảnh. Lên tới phố cổ, hỏi thăm “Nhà 6 tầng”, người địa phương trả lời “Lư Sơn chỉ có một tòa nhà 6 tầng”.
Chúng tôi đã đứng trước tòa nhà … Trường của chúng mình chẳng khác gì xưa. Những bậc xây cao tít lên ngôi nhà dựng sâu vào vách núi. Hai bên hông tòa nhà còn nguyên vách đất dựng đứng mà hồi đó “chiến sĩ hồng quân tí hon …… (đề nghị Ban Biên tập điền giúp tên bạn “Ngô Gia …,?”này vào đây) …….. choàng vải mưa vào người nhảy dù từ tầng ba, không ngờ gió núi hút lên tầng 5, may mà vớ được cửa sổ, làm cả trường xanh mặt!
Bây giờ, tòa nhà làm khách sạn quốc tế. Giám đốc tiếp đoàn tại phòng khách. Chúng tôi kể chuyện ngôi trường cách nay 50 năm và Trần Kháng Chiến (thành viên trong Đoàn) có sáng kiến chuẩn bị từ nhà, tặng họ bức tranh sơn mài cảnh làng quê nước ta. Ông ta cho biết: giá phòng ở đây 250 tệ/ngày, nhưng cựu cán bộ-học sinh đến nghỉ thì sẽ bớt. Vào tham quan các phòng, có thang máy lên xuống và nội thất chuẩn.
Tấm hình lưu niệm trước nhà 6 tầng |
Nhiệt kế chỉ 6 độ C, năm nay vào Đông muộn nên phố thị chưa có tuyết và cây cối mới đang độ nhuộm lá vàng. Nên nhớ, chúng ta đang ở độ cao 1.500 mét so với mặt biển.
Trước KS Lư Sơn Hảo" |
Đến đây mới được biết: phía dốc tay trái (đối diện với nhà nữ) là khách sạn 2 tầng, nơi Bác Hồ kính yêu đã đến nghỉ vào năm 1959 do lời mời của TW TQ nhân dịp lễ 10 năm ngày quốc khánh. Bác viết ba đại tự Lư Sơn Hảo được các bạn phóng to, lấy làm tên khách sạn.
Đoàn đi tham quan xung quanh, vào hang động Tiền Nhân, ngắm thiên nhiên tuyệt đẹp.
Hôm sau, trở về, dừng lại tham quan thành phố Giang Tây. Cổ tự Hoàng hạc lâu lộng lẫy vàng son; các đầu đao cong cánh hạc, chờ đợi mà hạc xưa (theo cổ tích) bay đi chưa trở lại. Đứng trên lầu nhìn xuống dòng sông Trường Giang mênh mang, đã có cây cẩu dây văng hai nhịp. Hai đầu cầu có tượng Mèo bằng đá, con trắng con đen.
Hạ Quế Lâm
Ga xe lửa Quế Lâm |
Có vài cô nhân viên cũ nhà trường ra ga Quế Lâm Bắc đón đoàn. Tay bắt mặt mừng thật nồng nhiệt nguyên tình cảm xưa.
Nghỉ ở khách sạn theo lịch trình của hãng du lịch đã thống nhất với Đoàn. Hôm sau, vào thăm Ban Giám hiệu Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây đặt tại Quế Lâm. Trường này quản lý trường cũ của chúng ta, nên có danh nghĩa tiếp các đoàn giao viên-học sinh VN cũ sang tham quan. Họ đón tiếp trọng thị. Đang có hơn 200 du học sinh Việt Nam theo học tại đây. Trường hy vọng nhận nhiều con cháu chúng ta sang học.
Trổ tài nhảy múa trên nền cũ sân trường . |
Cổng cũ đã khóa, họ mở đường mới qua hồ “thủy quân Hồ Sĩ Tá” (cái hồ mà anh chàng này chèo bè ra giữa bị đuối, không cấp cứu kịp thì tử vong). Xe dừng lại nơi bãi bóng đá, lúc này nhiều học sinh đang vui chơi chỗ bóng đá, bóng chuyền, kéo co, nhày dây. Hiện nay có ba trường cát cứ. Thiếu một chỉ huy chung, nên khắp nơi nhếch nhác, sập sệ. Nhà hiệu bộ cũ bỏ hoang. Ao hiệu bộ nước đọng, rác rến. Hội trường lớn, nơi chúng ta thường họp toàn trường, xem phim, biểu diễn văn nghệ, nay bị rào.
Thăm lại các lớp học cũ, chẳng có gì thay đổi. Ngồi xuống các bàn ghế cũ, cô giáo Cơ đứng cạnh bảng đen. Ai cũng đua nhau kể chuyện ngày ấy. Trò Ngô Thanh Hà chỉ cái bậc cửa sổ nhà nữ mà buổi trưa thường leo qua, trốn cô đi chơi. Trần Kháng Chiến chỉ dãy nhà trệt, bây giờ trông thấp lè tè, nơi trò vỡ lòng và lớp 1 ở. Nguyễn Hoàng Bích đứng nhờ chụp kỷ niệm trước ngôi nhà ở hai tầng: 4 năm ở đấy!
Mọi người ăn bữa cơm trưa tiêu chuẩn tập thể với học sinh ngày nay. Đám trẻ nhìn các bậc chú bác Việt Nam lạ lẫm.
Thật ra, mọi người ao ước ở lại đây vài ngày mới thỏa.
Hình ảnh quen thuộc trên sông Ly |
Trên tàu hỏa trở về. Các bạn gái trong đoàn múa trích đoạn minh họa Duy Ngô Nhĩ, Ương ca, …rồi tất cả vừa vỗ tay vừa hát Đông Phương hồng, Kháng Mỹ viện Triều, Trung Hoa tổ quốc bao la, Tân Cương hảo, … khiến khách trên tàu và người hỏa xa ngạc nhiên đến xem. Họ lạ lùng với những lời ca điệu múa 50 năm trước thời mới ra đời nước TH mới (bây giờ chẳng ai còn hát): Những người từ cổ tích bước ra! Có một người đàn ông đến, khoe thời VN kháng Mỹ, sang làm đường ở Việt Bắc. Anh ta còn nhớ bài hát Giải phóng miền Nam, chúng ta cùng …
Tóm lại: chuyến về nguồn làm cho chúng ta trẻ lại.
Nguyễn Đức Chính
(Bài viết, ảnh chụp và ảnh tư liệu).
Một vài chi tiết trong hồi ký anh Chính quên hoặc nhớ chưa chính xác, anh mong các bạn đính chính giúp
Đòng chí nhẩy dù tên là Nguyễn Quang Hải ,học sinh lớp 1 , Sau khi về Nước Hải về sông tại Hải Phòng,Năm 2003 kỷ niệm 50 năm thành lập Trường tại Hà Nôi anh ,chị ,em còn gặp bạn Hải.Bạn Hải mất vào 2008.
Trả lờiXóaỞ Trường ta Quang Hài là học sinh lớp nhỏ nổi tiếng ngang Hồ Sỹ Tá.