Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2017

CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI TRUNG-VIỆT 17/2/1979 QUA BÁO CHÍ PHƯƠNG TÂY (Bài 1)

NHỮNG CON SỐ

Theo BBC - 20 tháng 2 2017
Top of Form
Bottom of Form
Hình bên: Đội khiêng cáng của dân quân Quảng Tây ngày 22/02/1979 chờ vượt biên giới sang Việt Nam đưa thương binh về (Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGESImage caption)
Sau cuộc chiến đẫm máu năm 1979 cho đến nay hai nước Trung Quốc và Việt Nam vẫn chưa công bố toàn bộ các con số thương vong, theo giới quan sát quốc tế.
Tuy nhiên, nhiều tài liệu của các học giả Phương Tây đã đề cập đến độ tàn khốc của cuộc chiến ngắn ngày này, gồm cả số quân tham chiến, số thương vong trong binh sỹ và thường dân Việt Nam bị giết.

BBC Tiếng Việt giới thiệu các số liệu khác nhau:
SỐ QUÂN THAM CHIẾN
Peter Tsouras viết trên Military History Magazine:
Trung Quốc đã tập trung 200 nghìn quân thuộc 20 sư đoàn, cùng 400 xe tăng và 1.500 khẩu pháo. Lực lượng của Quân Giải phóng (PLA) lên tới 70 nghìn quân chỉ ở vùng giáp Lạng Sơn.
Sư đoàn Sao Vàng của Việt Nam bảo vệ Lạng Sơn bị Trung Quốc đẩy lui. Trong vòng vài ngày sau, quân Trung Quốc bao vây, xóa sổ sư đoàn này và biến Lạnh Sơn thành bình địa.
David Dreyer trong bài 'The 1979-Sino-Vietnamese-Conflict':
PLA chuẩn bị cho cuộc tấn công với 300-400 nghìn quân và khoảng 1.200 xe tăng cùng pháo binh, hỏa tiễn và các loại vũ khí hỗ trợ.
Ngày 17/02/1979, vào lúc 5 giờ sáng, chừng 100 nghìn quân Trung Quốc vượt biên giới vào Việt Nam sau các đợt pháo kích cấp tập.
Đối mặt với quân Trung Quốc ban đầu chỉ là 75-80 nghìn bộ đội địa phương và dân quân tự vệ Việt Nam.
Có kinh nghiệm của gần 30 năm chiến tranh, phía Việt Nam chống trả dữ dội và chia thành các đơn vị nhỏ, cấp tiểu đội, tiểu tổ để dùng cách đánh du kích chống lại quân xâm lăng.
Đồi núi được biến thành pháo đài với đường hầm, hố chông. Phía Trung Quốc không tiến nhanh như họ muốn và phải trì hoãn kế hoạch đánh chiếm Cao Bằng.
SỐ THƯƠNG VONG
Không bên nào công bố số thương vong chi tiết.
Peter Tsouras viết:
Trung Quốc chỉ thừa nhận có 7.000 quân tử vong và 15 nghìn bị thương nhưng các nguồn Phương Tây ước tính có 28 nghìn quân Trung Quốc bị giết và 43 nghìn bị thương.
Phía Việt Nam không nói số thương vong trong quân đội nhưng nói nhiều về số 100 nghìn thường dân bị thiệt mạng.
Bách khoa Toàn thư Anh, Britannica:
Quân Trung Quốc chiến đấu vô cùng tồi tệ chống lại dân quân tiền tuyến của Việt Nam.
Sau ba tuần giao tranh với con số thương vong 45 nghìn (Việt Nam nói là gây ra cho phía Trung Quốc) Quân Giải phóng đã phải rút về.
Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGESImage captionNghĩa trang quân đội Trung Quốc sau cuộc chiến với Việt Nam 1979
Mả giặc Tầu chết trận sau chiến tranh 1979
Sam Brothers trong bài 'The Enemy of My Enemy: The Sino-Vietnamese War of 1979 and the Evolution of the Sino-American Covert Relationship' viết:
Phía Trung Quốc, theo một ước tính, có từ 20 nghìn đến 62.500 thương vong trong khi phía Việt Nam, dù số liệu còn mù mờ, là khoảng từ 35 nghìn đến 50 nghìn.
Nhưng cuộc xung đột chỉ xảy ra trong 27 ngày, với đúng 17 ngày giao tranh, mà đã tạo ra con số thương vong như vậy cho thấy sự man rợ (savage) của nó.
LIÊN XÔ ĐÃ LÀM GÌ?
Sam Brothers:
Liên Xô có các chuyến bay TU-95D từ Vladivostok về phía Nam để theo dõi tình hình.
Một tàu tuần dương lớp Sverdlov và một tàu khu trục lớp Krivak cũng được cử đến tham gia đơn vị hải quân gồm 17 tàu đã có mặt tại bờ biển Việt Nam.
Moscow cũng cử sáu chiếc phi cơ vận tải Antonov-22 đến Hà Nội ngày 23/02, và có hai chuyến bay Liên Xô và Bulgraia từ Calcutta tới Hà Nội ngày 26/02/1979.
Tuy thế, Liên Xô không tham gia trực tiếp vào cuộc chiến dù đã ký hiệp ước phòng thủ với Hà Nội.
CĂNG THẲNG HẬU CHIẾN
Trang GlobalSecurity.org:
Cho đến cuối thập niên 1980, phía Việt Nam biến vùng biên giới thành các 'pháo đài thép' và dùng các đơn vị dân quân được huấn luyện tốt để phòng thủ trước Trung Quốc.
Ảnh bênBộ đội Việt Nam ở chiến trường Lạng Sơn (Bản quyền GETTY
IMAGESImage caption
Ước tính 600 nghìn người được điều động vào các chiến dịch sẵn sàng chiến đấu để ngăn ngừa Trung Quốc tiến sang lần nữa...gây phí tổn tiền bạc lớn cho Việt Nam.
Giới quan sát nước ngoài cũng đánh giá rằng "các cuộc va chạm ở biên giới tiếp tục xảy ra trong suốt thập niên 1980, nổi bật là trận tháng 4/1984, khi quân Trung Quốc lần đầu tiên dùng vũ khí mới, súng Type 81 (AK-47 của Trung Quốc).
Hai nước phải đến 2007 mới hoàn tất việc ký kết xong hiệp định biên giới trên bộ, theo các bản tin quốc tế.
Dù cuộc chiến 'phản kích tự vệ' của Đặng Tiểu Bình nhắm vào Việt Nam là thất bại quân sự, Sam Brothers trong bài viết cũng trích lời ông Lý Quang Diệu, Thủ tướng Singapore bày tỏ cái nhìn khác:
"Báo chí Trung Quốc coi hành động trừng phạt Việt Nam của người Trung Quốc là một thất bại nhưng tôi lại tin rằng nó đã thay đổi lịch sử vùng Đông Á."



Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2017

38 NĂM TRƯỚC VÀO NGÀY NÀY 17/2

“GÁC LẠI QUÁ KHỨ 
CHỨ KHÔNG PHẢI KHÉP LẠI QUÁ KHỨ”
TS Tràn Công Trục

06:57 17/02/17
 (GDVN) - Đánh giá lại cuộc xâm lăng Biên giới Việt Nam 1979-1989 mà Trung Quốc tiến hành, cần đặt nó vào khung pháp lý quốc tế để xác định nguyên nhân, tìm ra bài học.
LTS: Kỷ niệm 38 năm chiến tranh vệ quốc chống xâm lược ở biên giới phía Bắc, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ có bài viết gửi riêng tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Trong bài là nhận thức, quan điểm, góc nhìn và cách hành văn của riêng tác giả, Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Xe tăng, xe vận tải quân sự TQ ngang ngược  tiến vào Cao Bằng
Ngày này cách đây 38 năm, 17/2/1979, tiếng súng đã vang lên trên bầu trời biên giới, Trung Quốc tung 60 vạn quân xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta, gây ra cuộc chiến vô cùng tàn khốc.
38 năm qua đi, hai nước đã bình thường hóa quan hệ 26 năm, nhưng nỗi ám ảnh từ cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía Bắc năm 1979 và những xung đột quân sự suốt 10 năm sau đó vẫn còn dai dẳng. 
Không ai hiểu rõ hơn những người dân Việt Nam sống dọc tuyến biên giới với Trung Quốc, không ai hiểu hơn những gia đình liệt sĩ, những thương bệnh binh và cựu chiến binh từng có mặt ở tuyến đầu lửa đạn để giữ vững biên cương, lãnh thổ của Tổ quốc.
Trên tinh thần khách quan, khoa học, cầu thị, bài viết này tiếp cận một sự kiện lịch sử từ góc độ khoa học, tôi hy vọng góp thêm tiếng nói để làm sao nước nhà giữ được độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và tránh được chiến tranh.
Hơn ai hết, chúng ta đã đủ thấm thía nỗi đau của chiến tranh và giá trị của hòa bình. Thiếu đánh giá một cách khoa học, khách quan và cầu thị về cuộc chiến, hậu quả khôn lường
Có lẽ do tính chất thảm khốc và những hệ lụy to lớn của cuộc chiến, nên ngay sau khi hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ, Trung Quốc và Việt Nam đã xác định: "khép lại quá khứ, hướng tới tương lai".
Vì vậy những năm đầu sau bình thường hóa, thực hiện chủ trương này, cả hai nước hầu như “khép lại”, không nhắc gì đến cuộc chiến này, chỉ tập trung thúc đẩy các hoạt động hợp tác, hữu nghị.
Đây là cách ứng xử của chúng ta không chỉ với Trung Quốc, và với cả Hoa Kỳ. Tuy nhiên hiểu như thế nào về việc “khép lại quá khứ” hay chỉ “gác lại quá khứ” cũng là vấn đề cần được bàn bạc thấu đáo. 
Nếu như 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược và thống nhất Tổ quốc đã được đúc kết thành nhiều công trình, bài học, được tái hiện khá cụ thể trong sách giáo khoa, thì còn 4 cuộc chiến / trận chiến khác chưa được mổ xẻ để rút ra bài học:
Ngoài cuộc chiến bảo vệ Biên giới phía Bắc 1979-1989 chống Trung Quốc xâm lược, còn cuộc chiến bảo vệ Biên giới Tây Nam chống bọn diệt chủng Khmer Đỏ;
1 cuộc tấn công do Trung Quốc tính toán tổ chức thực hiện vào tháng Giêng năm 1974 để xâm chiếm nốt nhóm phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và một cuộc thảm sát để chiếm đoạt một phần quần đảo Trường Sa năm 1988.
Ôn lại các sự kiện lịch sử này với cái nhìn khoa học, khách quan, cầu thị trên tinh thần tôn trọng sự thật để rút ra những bài học cho tương lai, làm sao bảo vệ được độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, làm sao để tránh tối đa nguy cơ nổ ra chiến tranh.
Thiết nghĩ đó chính là việc làm cần thiết và hoàn toàn phù hợp với chủ trương “gác lại quá khứ” thay vì “khép lại quá khứ” đã từng tồn tại trong nhận thức và chi phối hành vi ứng xử của chúng ta trong mấy thập kỷ qua.  
Thiết nghĩ đó cũng là những việc hết sức hệ trọng và cấp bách, khoa học và tiến bộ, vì lợi ích của chính dân tộc Việt Nam cũng như dân tộc Trung Quốc để tránh vết xe đổ của chiến tranh.
Chỉ có như vậy mới có thể xây dựng tình hữu nghị, hợp tác lâu dài, hướng tới tương lai.
Lâu nay chính sự khép lại, im lặng đã khiến những vết thương chưa lành trong dân chúng, trong các cựu chiến binh từ cả hai phía, khi không được chăm sóc đúng cách sẽ dễ mưng mủ, tác hại khôn lường. 
Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, khi những tranh chấp phức tạp ở Biển Đông đang leo thang trước các hành động phiêu lưu, quân sự hóa từ phía Trung Quốc, bóng ma của cuộc chiến năm xưa đang dần trở lại trong tâm trí nhiều người.
Chính điều này sẽ là những nhân tố tiềm tàng bất ổn trong lòng xã hội, nó có thể bùng phát thành những diễn biến khó lường như những mặt trái mà chúng ta chứng kiến, trả giá trong cuộc khủng hoảng giàn khoan 981 Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam năm 2014.
Lòng yêu nước của người dân nếu không được dẫn dắt bởi chính sự hiểu biết thấu đáo về lịch sử nước nhà, sẽ là nơi nuôi dưỡng mầm mống cực đoan và bất ổn.
Nhiều người lo, nhiều người phàn nàn về việc chúng ta chỉ đưa có "11 dòng" vào sách giáo khoa lịch sử về cuộc chiến bảo vệ Biên giới phía Bắc 1979 - 1989.
Nhưng theo tôi, quan trọng hơn là chúng ta tiếp cận như thế nào, dạy như thế nào về giai đoạn lịch sử này.
Sách giáo khoa không dạy, thì người dân quan tâm vẫn có thể tìm đọc trên Internet từ nhiều nguồn khác nhau. Trước những tài liệu thiếu nguồn kiểm chứng, nhưng lại thừa những miêu tả và từ ngữ thể hiện cảm xúc mạnh, tác hại của nó thật khó lường.
Không phải ai cũng đủ tỉnh táo để tiếp cận một cách đa chiều, nhìn nhận một cách khách quan, đánh giá theo hướng rút ra những bài học để tránh chiến tranh và bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ nếu các nhà chức trách, đội ngũ trí thức không nhận lãnh lấy trọng trách này.
Là một người nghiên cứu luật pháp quốc tế về biên giới lãnh thổ, và từng trực tiếp tham gia đàm phán hoạch định biên giới giữa Việt Nam với Trung Quốc, Campuchia, Lào...chúng tôi cũng có không ít những trải nghiệm, gặp không ít vấn đề do cách nhận thức của chúng ta về những sự kiện này.
Vì vậy, xin nêu lên một số bài học mà chúng tôi cho là có thể có ích cho những công trình nghiên cứu, phân tích, đánh giá, tổng hợp về những sự thật nói trên để vận dụng cho tương lai.
Bài học thứ nhất: tháo ngòi nổ xung đột

Nhục nhã !
Cho đến nay, phía Trung Quốc vẫn tuyên truyền với người dân của họ và dư luận quốc tế rằng quân đội Trung Quốc đã tấn công sang toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979 và kéo dài đến năm 1989 chỉ là cuộc "phản kích tự vệ", chứ không phải là một cuộc chiến tranh xâm lược. 
Sự thật về hành động và mức độ dã man của cái gọi là “phản kích tự vệ” mà Trung Quốc gây ra với Việt Nam năm 1979 - 1989 không thể biện minh bằng bất cứ lý do nào.
Đó đích thực là một cuộc “xâm lược biên giới”, chứ không phải là cuộc chiến tranh biên giới, càng không phải là một cuộc “phản kích tự vệ”. 
Tuy nhiên, tại sao nó diễn ra và có cơ hội nào để tránh chiến tranh hay không là điều chúng ta cần làm rõ.
Hiện tại do phần lớn tài liệu về cuộc chiến hai bên đều chưa giải mật, nhưng đặt trong bối cảnh địa chính trị khu vực Đông Dương và cục diện quan hệ quốc tế thời bấy giờ, có thể nhận thấy những cơ hội tháo ngòi xung đột đã bị bỏ lỡ.
Thứ nhất là cuộc chiến ý thức hệ giữa phe XHCN với phe TBCN đã dần biến thành cuộc chiến tranh giành ngôi bá chủ giữa 3 siêu cường Mỹ - Trung - Xô, đã đẩy các nước nhỏ trở thành nạn nhân của các nước lớn.
Việt Nam đã trở thành đối tượng tranh giành ảnh hưởng gay gắt giữa Trung Quốc và Liên Xô trong cuộc đua trở thành "lãnh tụ cách mạng toàn cầu", đứng hẳn về bên nào cũng có thể khiến Việt Nam trở thành kẻ thù của bên còn lại.
Thứ hai, việc Việt Nam tấn công đánh trả các hành động chiến tranh đánh phá biên giới Tây Nam của bè lũ diệt chủng Khmer Đỏ và sau đó giúp nhân dân Campuchia loại bỏ bè lũ diệt chủng man rợ ấy là việc làm cần thiết, chính đáng, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân Campuchia. 
Nhưng trong bối cảnh đất nước Chùa Tháp vừa mới thoát khỏi cơn ác mộng diệt chủng, tàn dư Khmer Đỏ với sự hà hơi tiếp sức của Trung Quốc vẫn tiếp tục quấy phá, tìm cách lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ… lực lượng quân tình nguyện Việt Nam buộc phải duy trì sự hiện diện của mình thêm một thời gian cần thiết.
Chính hoàn cảnh này đã một mặt gây bất lợi vì tạo ra những hiểu lầm trong dư luận quốc tế và một bộ phận người Khmer, một mặt tạo cớ để Trung Quốc gây hấn.
Thứ ba, cho dù Trung Quốc thường nói rằng họ theo chủ nghĩa Mác - Lenin, nhưng thực chất tư tưởng coi mình là "trung tâm thiên hạ", tham vọng bành trướng xuống Đông Nam Á vẫn âm ỷ trong một bộ phận lãnh đạo cấp cao nước này qua nhiều thế hệ.
Chính vì thế, mọi động thái của họ trong quan hệ quốc tế luôn luôn có những tính toán phục vụ cho lợi ích và ý đồ chiến lược của họ là trên hết.
Chúng ta không bao giờ được quên và phủ nhận những đóng góp to lớn của Trung Quốc đã giúp Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến. Tuy nhiên, không phải vì thế mà quên rằng Việt Nam là cửa ngõ là phên dậu chống lại "phe TBCN" từ phía Nam dưới con mắt của một số chiến lược gia Trung Quốc.
Việt Nam là nước nhỏ, nhưng lại bị nhiều siêu cường nhòm ngó. Nếu ứng xử không khéo léo, không tìm cách tháo ngòi nổ xung đột, thì nguy cơ trở thành nạn nhân của những cuộc chiến tranh xâm lược là điều khó tránh khỏi.
Trong tình hình hiện nay, khi Biển Đông căng thẳng, đã có không ít quan điểm cho rằng Việt Nam phải liên minh với nước này, dựa vào nước kia để chống Trung Quốc.
Nếu điều đó xảy ra, thì một cuộc chiến bảo vệ Biên giới 1979 - 1989 có nguy cơ lặp lại.
Vì vậy, bên cạnh sự tự lực tự cường, việc đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại là hết sức cần thiết, không liên minh nước này để chống nước kia là lựa chọn sống còn đối với Việt Nam. 
Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể tìm cách đối thoại, tháo ngòi xung đột. Còn đương nhiên khi “cây muốn lặng mà gió chẳng đừng”, thì giặc đến nhà đàn bà cũng đánh.
Nghiên cứu về cuộc chiến đấu bảo vệ Biên giới phía Bắc 1979-1989 mà không đặt vào bối cảnh địa chính trị khu vực, quốc tế thời kỳ đó để tìm cách tháo ngòi nổ xung đột, thì nguy cơ chiến tranh sẽ vẫn còn treo lủng lẳng trên đầu chúng ta.

Bài học thứ hai: chính sách đối ngoại cần dựa trên luật pháp quốc tế
"Không cho chúng nó thoát"!

Khách quan nhìn lại cách ứng xử của chúng ta trong quan hệ bang giao với các nước, đặc biệt là với Trung Quốc, qua cách nhìn đối với cuộc chiến bảo vệ Biên giới phía Bắc, có thể thấy rõ đã có lúc màu sắc của cảm xúc, tuyên truyền và các mục tiêu chính trị thường lấn lướt các nguyên tắc pháp lý trong bang giao quốc tế.
Có lẽ tình cảm yêu - ghét mãnh liệt đến cực đoan trong chúng ta đã dẫn đến những phản ứng còn mang nặng cảm xúc hơn lý trí trong quan hệ bang giao với một nước lớn đầy tham vọng và toan tính như Trung Quốc.
Những năm quan hệ nồng ấm chúng ta đã hết lời ca ngợi, nhiều khi thái quá.
Nhưng khi “cơm không lành, canh không ngọt”, "anh cả Liên Xô" và "anh hai Trung Quốc" mâu thuẫn nhau, đẩy Việt Nam vào thế phải lựa chọn, rồi đến khi mâu thuẫn lợi ích lên đến cao trào, chúng ta chỉ trích không tiếc lời, thậm chí đưa cả vào những văn kiện chính thức.
Không cuộc chiến nào kéo dài mãi, không mâu thuẫn nào không có điểm dừng, đến khi bình thường hóa quan hệ, chính chúng ta rơi vào thế bí vì những tuyên bố giàu cảm xúc, lập trường chính trị ấy.
Thậm chí có những văn kiện chúng ta ban hành gây bất lợi cho chính chúng ta sau này trong đàm phán phân định biên giới với Trung Quốc bởi những câu chuyện đẫm mùi tuyên truyền mà thiếu tính khoa học, thiếu tính kiểm chứng.
Nó gây chia rẽ trong chính nội bộ của ta, và là đề tài cho các thế lực chính trị chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Đó là hạn chế của thời cuộc bởi dấu ấn của cuộc chiến ý thức hệ suốt mấy chục năm không dễ gì gột rửa. Nhưng nay thế thời đã thay đổi, quan hệ bang giao giữa các quốc gia là quan hệ giữa nhà nước với nhà nước, dựa trên luật pháp quốc tế và được thế giới thừa nhận.
Mọi mối quan hệ thân mật về chính trị chỉ có ý nghĩa tạo môi trường thuận lợi, tạo nhiều kênh đối thoại để giải quyết các tồn tại cũng như thúc đẩy hợp tác song phương.
Chính trị không thay thế được pháp lý, mà làm nền tảng cho pháp lý.
Vì vậy, đánh giá lại các sự kiện lịch sử như cuộc chiến bảo vệ Biên giới phía Bắc 1979-1989, cuộc chiến bảo vệ Biên giới Tây Nam, cuộc xâm chiếm Hoàng Sa 1974, Trường Sa 1988 rất cần một lăng kính khoa học, một thái độ khách quan, một cách tiếp cận cầu thị và bình tĩnh.
Mọi đánh giá áp đặt một chiều đều có mặt mạnh của nó trong những tình huống, hoàn cảnh nhất định để phục vụ một ý đồ nhất định, giúp đạt mục tiêu nhanh hơn. Nhưng về lâu dài, tác hại của nó lớn hơn rất nhiều, khó lường hết được.
Trong nội bộ dư luận Việt Nam có không ít quan điểm băn khoăn, hoài nghi về Hội nghị Thành Đô mà thực chất chỉ là những thỏa thuận chính trị giữa lãnh đạo hai Đảng để tạo nền tảng cho bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
Còn mọi văn kiện hợp tác, ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc chỉ có ý nghĩa pháp lý dưới ánh sáng công pháp quốc tế, nếu nó được chính thức ký kết và thông qua bởi cơ quan quyền lực nhà nước có thẩm quyền của hai nước.
Những câu chuyện về thác Bản Giốc, Hữu Nghị Quan, núi Đất - Hà Giang vẫn âm ỷ trong lòng xã hội Việt Nam cho dù hiệp định phân định biên giới đã được ký kết sau quá trình đàm phán hết sức nghiêm túc, khách quan và thượng tôn pháp luật.
Bởi lẽ những tài liệu tuyên truyền của ta trong cuộc chiến bảo vệ Biên giới 1979 - 1989 có những nội dung không chính xác, nhưng lại không được giải ảo, giải mật mà xếp vào kho bí mật, nhạy cảm.
Cái thời của phe XHCN với phe TBCN đã qua, cái "thế giới đại đồng" hay còn được gọi bởi tên mới "cộng đồng chung vận mệnh" đã được chứng minh là một ảo mộng.
Thực tiễn khu vực và quốc tế hiện nay, nhất là sau Brexit và bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ cho thấy, chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc là không thể xóa nhòa. Ngược lại, nó sẽ được củng cố và hoàn thiện trong một sân chơi toàn cầu được bảo đảm bởi luật pháp quốc tế.
Chính vì vậy, khi đánh giá lại cuộc xâm lăng Biên giới Việt Nam 1979-1989 mà Trung Quốc tiến hành, cần đặt nó vào khung pháp lý quốc tế để xác định nguyên nhân, tìm ra bài học thay vì đứng trên lập trường chính trị, quan điểm chính trị.
Chỉ có như thế mới giúp hai đất nước, hai dân tộc thực sự hợp tác trên tinh thần “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”.
Đây cũng chính là bài học quan trọng để giúp hai bên giải quyết các tranh chấp bất đồng trên Biển Đông hiện nay, nhất là chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, cũng như việc ứng dụng, giải thích UNCLOS 1982, chứ không phải niềm tin chính trị.

Bài học thứ ba: đề cao cảnh giác, tự lực tự cường
Xe tăng TQ bị tiêu diệt
Đây là bài học muôn thủa trong hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước của cha ông ta. Bài học Mỵ Châu - Trọng Thủy cần được thấm nhuần trong mọi hoạt động bang giao, đối ngoại của Việt Nam với các nước chứ không riêng gì Trung Quốc.
Chúng ta không phủ nhận vai trò và ý nghĩa của ngoại lực - sự giúp đỡ từ bạn bè quốc tế trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, cũng như việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Nhưng tinh thần tự lực tự cường, đề cao cảnh giác vẫn phải được đặt lên hàng đầu. Người Mỹ đã từng rút ra bài học mà chính chúng ta cũng đã từng nếm trải: miếng ăn miễn phí chỉ có trên bẫy chuột!
Trước khi nổ ra cuộc xâm lăng Biên giới phía Bắc 1979-1989, quan hệ Việt - Trung đã liên tục xấu đi và biểu hiện rõ bởi hoạt động "cắt viện trợ". Thực tiễn ấy cho thấy, mọi viện trợ đều có những tính toán chiến lược đằng sau nó.
Chúng ta nhận và nhận đến đâu, nhận như thế nào là một bài toán cần có một lời giải nghiêm túc.
Câu chuyện vay vốn ODA ngày nay cũng vậy, quan trọng không nằm ở chỗ vay được bao nhiêu tiền, mà là sử dụng đồng vốn vay thế nào cho hiệu quả nhất, ít thất thoát nhất mà không đánh đổi những lợi ích chiến lược.
Tháng Tư năm nay, Trung Quốc sẽ tổ chức một hội nghị quốc tế để quảng bá sáng kiến "một vành đai, một con đường" của họ và mời lãnh đạo nhiều nước tham dự, trong đó có Việt Nam.
Chúng ta nên chủ động tiếp cận trên tinh thần dùng luật pháp quốc tế soi sáng mục đích, ý nghĩa và cách thức vận hành của dự án "con đường, vành đai" này.
Những gì có thể hợp tác cùng có lợi thì nên triển khai, nhưng những gì cần bảo lưu về mặt chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia dân tộc thì không thể không tính đến.
Hợp tác và cạnh tranh đan xen nhau là một xu thế khách quan của lịch sử hiện đại. Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc hay với các nước khác đều không nằm ngoài xu thế ấy.
Sẽ có những cuộc chiến không tiếng súng, nhưng tác hại và hệ lụy của nó không kém gì chiến tranh nếu mất cảnh giác, trông chờ vào những nguồn vốn giá rẻ đi kèm công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường và một đội quân lao động tay chân tràn qua biên giới đến những địa bàn xung yếu của đất nước để làm ăn, kết hôn, sinh con đẻ cái.
Những ngày qua, báo chí cũng đã ôn lại sự kiện này như nén hương tưởng nhớ, tri ân những người ngã xuống và nhắc nhở thế hệ mai sau: đừng bao giờ “khép lại quá khứ”, ngoảnh mặt với lịch sử, và đừng quên quá khứ, dù quá khứ ấy có cả những chuyện vui, chuyện buồn.
Người con đất Việt trong hay ngoài nước vẫn hướng về cuộc chiến vệ quốc vĩ đại bằng nhiều cách khác nhau. Những tiếng nói cần đưa vào trường học, vào sách giáo khoa bài học cụ thể về cuộc chiến ngày một nhiều.
Cá nhân người viết cũng chung tâm trạng ấy, mong muốn ấy. Trong khuôn khổ bài viết này, xin không nhắc lại những con số thương vong, những nỗi đau kéo dài theo năm tháng.
Chỉ xin tổng kết lại một số bài học từ cuộc chiến vệ quốc vĩ đại mà khốc liệt ấy, nhìn thẳng quá khứ để thấy rõ tương lai và vì vậy, chỉ có thể “gác lại quá khứ” chứ không được phép “khép lại quá khứ”!
TS Trần Công Trục

Thứ Tư, 8 tháng 2, 2017

TOÀN CẦU HÓA TIẾP TỤC HAY QUAY ĐẦU?

Tác giả: Nguyễn Tường Bách
Thứ Bảy, 28/1/2017, 22:54 (GMT+7)

(TBKTSG Xuân) - Joe, kỹ sư trẻ người Mỹ lên đường đi Trung Quốc, tham gia
điều hành một xưởng chế tạo linh kiện điện thoại di động. Anh bỏ lại đằng sau bạn gái
và một xã hội an bình, đi vào một cộng đồng sản xuất xa lạ với hàng ngàn nhân công và
kỹ sư từ nhiều quốc tịch khác nhau để cuối cùng đem về cho nước Mỹ những thiết bị
tinh tế được sử dụng trong đời sống hàng ngày. Maria, phụ nữ lớn tuổi người Ba Lan,
qua Thụy Sỹ với nghề nghiệp chăm sóc các cụ lớn tuổi. Chị bỏ lại chính cha mẹ mình
lẫn các cháu nhỏ, chính họ cần sự chăm sóc của chị hơn ai hết. Nhưng chị phải đi Thụy
Sỹ vì phải kiếm tiền nuôi những người thân đó.
Toàn cầu hóa, hệ quả về kinh tế, chính trị và cư trú
Trên đây là hai hình ảnh giản đơn nhất của một sự vận động to lớn được mệnh
danh là “Toàn cầu hóa”. Kể từ những năm 80 của thế kỷ trước, người ta ghi nhận một sự
biến chuyển sâu rộng trong phạm vi toàn cầu, trên mặt kinh tế, chính trị và cư trú. Trên
bình diện kinh tế, hiện tượng đáng ghi nhận nhất là các nước tiên tiến chuyển các cơ sở
sản xuất công nghiệp đi các nước châu Á, châu Phi... để tiết kiệm phí tổn nhân công.
Ngành lâm nghiệp và ngư nghiệp cũng phát triển ở các nước thế giới thứ ba, nhưng chủ
yếu là nhằm phục vụ cho người tiêu dùng phương Tây. Trong quá trình chuyển dịch đó,
nhiều nước vươn lên phát triển nhanh chóng, trong đó có Trung Quốc.
Về mặt chính trị, nhiều quốc gia vì lý do địa lý hay thể chế kết hợp với nhau
trong nhiều liên minh, bênh vực và bảo hộ lẫn nhau về mặt thuế khóa, xuất nhập khẩu,
nhân công lao động, lập trường chính trị. Tiêu biểu nhất của mô hình là thị trường châu
Âu (EU) hay ASEAN. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được nhắc đến
trong những năm qua cũng nằm trong khuynh hướng này.
Chủ trương toàn cầu hóa trong chính trị và kinh tế cũng dẫn đến một hiện tượng
khá bất ngờ: sự thay đổi về cư trú của người dân, trong bình diện quốc gia và quốc tế.
Trong một quốc gia nhất định, dù tại châu Á hay châu Mỹ Latinh, các cơ sở do nước
ngoài đầu tư thường tập trung vào các đô thị, chúng hút sức lao động về thành phố. Đó
là hiện tượng toàn cầu hóa sinh ra đô thị hóa. Rất nhiều nước trên thế giới, kể cả các
nước vốn phân bố đồng đều như Đức, lâm vào cảnh mất cân bằng về tỷ lệ cư trú. Dân
chúng, nhất là lớp trẻ, tập trung sinh sống trong các khu công nghiệp và dịch vụ tiên
tiến, bỏ rơi vùng quê và các nghề nghiệp truyền thống.
Nhưng sự thay đổi cư trú bất ngờ và đáng lo ngại nhất lại chính là khuynh hướng
di dân trên bình diện toàn cầu. Thế giới đang chứng kiến một sự di dân chưa hề có. Khi
dân chúng một nước không đủ điều kiện làm ăn sinh sống hay bị chiến tranh đe đọa, khi
họ có cơ hội tìm đến các nước giàu mạnh với một tương lai hứa hẹn hơn, người ta liều
mình ra đi, dù bất hợp pháp, dù cái chết cận kề, dù bị bạc đãi xua đuổi. Đó là lý do của
phong trào di dân hiện nay, vấn nạn lớn nhất không có lời giải của thế giới. Liên hiệp
quốc ước lượng khoảng 50 triệu người di cư và mỗi ngày vẫn có hàng ngàn người ra đi.
Nhận diện lại “toàn cầu hóa”
Gần 30 năm trước, khi Internet bắt đầu phát triển thì sự bùng nổ của ngành thông
tin liên lạc cũng kéo theo sự phát triển về lưu lượng giao thông quốc tế. Phí tổn giao
thông bằng đường bộ, hàng không, hàng hải... rẻ đến bất ngờ, hầu như ai cũng có thể ra
khỏi làng mạc truyền thống của mình. Người ta nói về một “thế giới phẳng”, trong đó
thông tin và di chuyển dễ dàng như trong một cái làng nhỏ. Trong khung cảnh đó, toàn
cầu hóa xem ra chỉ là hệ quả tất yếu, hợp lý và đáng mừng của sự phát triển của loài
người. Khi cả toàn cầu nằm trong một hệ thống thông tin chặt chẽ như Internet, khi
người ta chỉ cần chục tiếng đồng hồ để đi từ châu lục này qua châu lục khác, khi sự phân
bố lao động và cơ sở sản xuất được tổ chức một cách nhịp nhàng, hiệu quả, khi ai ai
cũng được hưởng lợi từ một nền văn minh kỹ thuật và thông tin liên lạc... thì nhân loại
phải bước qua một giai đoạn huy hoàng hơn xưa.
Thực tế hoàn toàn không phải như vậy. Tiếc thay, toàn cầu hóa có những mặt trái
của nó và hệ lụy do nó sinh ra góp phần vào tình hình rối ren và bất ổn hiện nay trên thế
giới, bắt đầu rõ nét từ năm 2015 và cuối năm 2016 đã lên cao điểm. Mặt trái của toàn
cầu hóa là gì?
Toàn cầu hóa tạo điều kiện cho sự hợp tác và liên kết trên phạm vi thế giới,
nhưng mặt trái của nó, nói một cách giản đơn, sản sinh ra một số lớn người bị thua thiệt.
Trong mức độ của một quốc gia, nhất là quốc gia phương Tây, phong trào toàn cầu hóa
chắp cánh cho thành phần trí thức, kỹ thuật gia có học thuật và đào tạo.
Toàn cầu hóa cũng giúp các nhà kinh doanh biết liên hệ, hợp tác với nước ngoài,
nhất là khi họ tìm kiếm cơ sở sản xuất giá rẻ. Nhưng xã hội một nước không chỉ bao
gồm các thành phần ưu tú đó. Còn lại là giới thợ mất việc làm, các tiểu chủ mất thị
trường cung ứng sản phẩm, các hộ gia đình nằm trong các vùng quê ngày càng vắng dân
vì phong trào đô thị hóa. Họ là những người bị đoàn tàu toàn cầu hóa bỏ rơi và số lượng
của họ không hề nhỏ bé. Họ trở thành khối cử tri bất mãn và chóng lên tiếng trong các
cuộc hầu cử.
Rộng hơn nữa, toàn cầu hóa trên phạm vi thế giới, giữa các quốc gia, là nguồn
gốc của nhiều hệ lụy đáng lo ngại. Từ nhiều năm nay giới học giả phương Tây đã cảnh
cáo “Tất cả chúng ta (phương Tây) chính là kẻ bóc lột, phồn vinh của chúng ta chính là
nỗi khổ của kẻ khác”. Theo tinh thần này thì toàn cầu hóa không gì khác hơn là “chuyển
dịch các vấn nạn về môi trường và xã hội qua các nước thế giới thứ ba”. Trong tác phẩm
Đại hồng thủy đang xảy ra bên cạnh chúng ta (1), Giáo sư S. Lessenich (sinh 1965) liệt
kê một số thảm họa về môi trường và xã hội. Ông nêu thí dụ như vỡ đập mỏ sắt tại
Brazil với 60 triệu khối bùn đỏ lan tràn. Chuyển cả một vùng rộng hơn nửa nước Việt
Nam thành độc canh đậu nành tại Argentina. Vì sản xuất dầu dừa mà phá hẳn phần lớn
rừng tại Indonesia. Vì cung ứng tôm xuất khẩu mà loại bỏ một phần ba tổng số rừng
ngập mặn tại Thái Lan. Tại Bắc Phi, vì nuôi cá hồi xuất khẩu mà tàu đánh cá hiện đại
phải đánh bắt cá con cung ứng cho cá hồi, ngư dân châu Phi mất hết cơ hội bắt cá. Bảng
“thành tích” này có thể kéo dài vô tận trên khắp thế giới, trong đó Việt Nam hẳn phải có
chỗ đứng với việc hủy hoại môi trường của nhà máy Formosa.
Hiển nhiên, toàn cầu hóa cũng mang lại việc làm và phồn vinh cho một số nước,
cho một số thành phần kinh tế, nhưng hệ lụy của nó ngày nay mới được nhận diện rõ.
Đó là thảm họa về môi trường và đẩy một số lớn con người vào đường cùng. Họ phải ra
đi vì nghèo đói và đó là một trong những lý do của phong trào di dân ngày hôm nay.
Theo Lessenich hễ có người hưởng lợi thì tất phải có kẻ thiệt thòi. Kẻ thua thiệt từ các
nước thế giới thứ ba đang “gõ cửa chúng ta”.
Tình trạng nhập cư và chủ nghĩa quốc gia cực đoan
Năm 2015 đánh dấu đỉnh cao của phong trào di dân từ Syria, Afghanistan và các
nước Bắc Phi vào châu Âu. Hàng triệu người chen chúc trên những con thuyền thô sơ
hay những đường mòn xuyên biên giới để nhập cư vào Đức, Anh... Họ ra đi vì tương lai
tại quê nhà quá mù mịt hay vì bị chiến tranh đe dọa. Một số quốc gia châu Âu đành chấp
nhận cho họ nhập cư, một phần vì lý do nhân đạo, một phần vì luật định về người tị nạn
chiến tranh. Họ là cả triệu con người lam lũ, đã kinh qua bờ vực sống chết, bị dìm trong
cơn hoảng loạn về tinh thần và tâm lý, đến “gõ cửa” những xã hội tuy mang tiếng phồn
vinh nhưng cũng đang bị xáo trộn dữ dội bởi nợ công, nạn thất nghiệp và hố ngăn cách
giàu nghèo.
Châu Âu của 2015 từ Na Uy đến Thổ Nhĩ Kỳ, từ Anh đến Ba Lan, nghe qua thì
“thống nhất” nhưng thực ra rất bất đồng về kinh tế và chủ trương chính trị. Trước đó
người ta đã nói đến khả năng giải thể đồng tiền chung euro cũng như cơ cấu điều hành
thống nhất của 28 nước châu Âu. Thế nên từ năm 2015, khi hàng triệu người tràn vào
nhập cư, mang theo tất cả sự khác biệt phiền toái về văn hóa và xã hội, chủ nghĩa quốc
gia cực đoan tại các nước châu Âu bùng phát hơn bao giờ cả. Chủ trương của các nhà
chính trị “quốc gia” này hết sức đơn giản: chống người nhập cư, bảo vệ quyền lợi người
bản xứ, quyền lợi quốc gia trên hết, chống Liên hiệp châu Âu. Luận cứ của họ nghe ra
vô cùng hợp lý với lớp người đang bất mãn, xu nịnh cử tri, chống lại mọi can thiệp và
liên kết với bên ngoài, vì vậy chủ trương này có khi được gọi là “dân túy”.
Trong lịch sử phát triển nền chính trị tại phương Tây, chủ nghĩa dân túy thường
được xem là ngây thơ và rẻ tiền, họ ít khi chiếm được trên 10% phiếu bầu. Quần chúng
của họ thường là những người thất nghiệp, ít được học hành đào tạo và triền miên bất
mãn. Thế nhưng, từ năm 2015 trở đi, phong trào dân túy núp dưới danh nghĩa “bảo vệ
quyền lợi dân tộc” phát triển mạnh mẽ. Tại Áo, Hà Lan, Pháp và kể cả Đức, chủ trương
chống người nước ngoài và ly khai khỏi cộng đồng châu Âu phát triển mạnh. Tại Áo,
ứng viên dân túy tuy thất bại trong việc tranh cử tổng thống nhưng giành đến 46% số
phiếu. Tại Pháp, khả năng bà Le Pen trở thành tổng thống trong năm 2017 không thể
loại bỏ. Trong các nước Đông Âu như Hungari, Rumania, Ba Lan phong trào quốc gia
ngày càng phát triển rộng khắp.
Trong năm 2016 khi chưa kịp giải quyết vấn nạn xã hội của người nhập cư tại
Đức, hai biến cố bất ngờ xảy ra làm chao đảo nền chính trị phương Tây. Tháng 6-2016
cuộc trưng cầu tại Anh về việc ở lại hay ra đi khỏi cộng đồng châu Âu cho một kết quả
bất ngờ. Khoảng 52% phiếu bầu muốn “Brexit” (nước Anh ra đi). Theo thăm dò chung,
phần lớn cử tri không muốn nước Anh bị gò bó trong một liên kết chính trị nữa. Họ cũng
chống người nhập cư, không muốn dân Đông Âu như Ba Lan, Hungari đến Anh sống và
làm việc với tính cách dân cộng đồng châu Âu.
Brexit tại Anh nói lên một khuynh hướng bất ngờ của thế kỷ 21: quyền lợi quốc
gia trên hết, giảm thiểu liên kết chính trị và chống người nước ngoài. Phong trào quốc
gia tưởng chừng như đã tàn lụi theo toàn cầu hóa bỗng nhiên có một sức sống mới, có
khả năng khoác cho chủ nghĩa dân túy một màu áo nghiêm túc. Trước sự hồi sinh của
chủ nghĩa quốc gia tại phương Tây và hệ lụy về môi trường và xã hội tại các nước thứ
ba, chủ trương toàn cầu hóa xem ra bị chặn đứng chỉ trong vòng một năm.
Cú sốc Trump
Các nhà chính trị theo chủ trương “quốc gia trên hết” tại Pháp, Hà Lan, Áo,
Hungari, Đức chưa hết vui mừng về việc rút lui của Anh thì chỉ năm tháng sau, biến cố
lớn tại Mỹ xem ra đánh dấu dứt điểm chủ trương toàn cầu hóa. Nhà kinh doanh tỉ phú
Trump được bầu vào Nhà trắng trong sự ngạc nhiên của toàn thế giới. Ông thắng cử với
một chương trình quốc gia cực đoan. “Nước Mỹ trước đã”, đó là khẩu hiệu của ông và
cộng sự. Ông hứa hẹn với cử tri sẽ lấy lại việc làm đã chuyển qua các nước khác, đóng
cửa biên giới Mexico, trục xuất người nước ngoài nhập cư bất hợp pháp, từ bỏ các liên
minh quân sự và kinh tế, trong đó Mỹ bị “lợi dụng”.
Ông hay phát ngôn tùy tiện, cho rằng Trung Quốc và Việt Nam “đánh cắp” việc
làm của người Mỹ khi nói về các công ty như Apple có sơ sở sản xuất tại hai nước đó.
Hiện nay người ta chưa rõ chính phủ Trump sẽ thực hiện hay không chương trình
bầu cử nói trên, nhưng ta hãy chú ý thái độ của cử tri Mỹ khi bầu phiếu cho Trump. Đó
là phân nửa người Mỹ xem ra đã đặt niềm tin nơi chủ nghĩa quốc gia trên hết. Sự thăm
dò cử tri cho thấy phiếu bầu cho Trump phần lớn đến từ những người bị thiệt thòi trong
xã hội, họ là kẻ thua cuộc trong toàn cầu hóa, trong sự giao lưu rộng rãi trên thế giới do
Internet và thương mại mang lại. Họ đã bất mãn sẵn với tầng lớp chính trị chuyên nghiệp
xưa nay tại Mỹ, họ sẵn sàng nghe những lời hứa hẹn giản đơn, cụ thể và có khi bốc
đồng. Toàn cầu hóa phát xuất từ Mỹ và phản ứng dữ dội nhất dĩ nhiên cũng phải từ Mỹ.
Và phản ứng đó hiện nay đang làm thế giới rối ren hơn bao giờ hết, từ mấy mươi năm
nay.
Chưa ai biết chắc chắn điều gì sẽ xảy ra. Các dấu hiệu tài chính tích cực tại Mỹ
cho thấy chính quyền Trump có vẻ sẽ đầu tư mạnh để đáp lại lời hứa giải quyết công ăn
việc làm trong thời tranh cử. Các hãng chuyên sản xuất tại nước ngoài đang bị áp lực
phải chuyển cơ sở về Mỹ. Liệu họ có nghe lời hay không, chưa ai biết được.
Trên mặt quốc tế, châu Âu là cộng đồng hoang mang nhất với các bước kế tiếp
của ông Trump. Liệu Liên phòng Bắc Đại Tây Dương (NATO) còn có thể dựa vào Mỹ
hay không. Liệu Mỹ còn tôn trọng giá trị chung về nhân quyền, dân chủ... và sẵn lòng
cùng châu Âu theo đuổi và bảo vệ? Liệu Mỹ còn nằm trong các mối cam kết về quân sự,
chính trị và kinh tế hay đi hẳn với Nga? Đó là các câu hỏi lớn của một châu Âu hầu như
đang kiệt quệ với các vấn đề khác như suy thoái kinh tế, chia rẽ vì vấn nạn nhập cư,
nước Anh ra đi, nền chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ, khủng hoảng tại Ý, các đảng dân túy đang
tiến mạnh. Chưa bao giờ châu Âu suy yếu như hiện nay, sự tan rã của liên minh và đồng
euro là một khả năng hiện thực.
So với châu Âu thì xem ra Nga và Trung Quốc hưởng lợi với Trump nhưng chưa
mấy ai xác định được điều gì, nhất là khi Trump không ngại chọc giận ai, kể cả siêu
cường Trung Quốc. Tuy nhiên, ta không quên một điều có tính chất cốt lõi. Đó là ông
Trump vốn là một nhà kinh doanh đi tắt vào chính trị. Nội các của ông bao gồm nhiều
nhà kinh doanh. Có lẽ ông không có một triết lý chính trị gì to tát, một học thuyết cao xa
để đời cho con cháu, mà sẽ là một ông tổng thống quen sử dụng thuật trao đổi mua bán
để đem lại lợi ích cho nước Mỹ, “lợi ích” theo cách nhìn của ông và cộng sự.
Việt Nam trong thời kỳ mới
Với một tân Tổng thống Trump và các diễn biến hiện nay, ta có thể suy đoán
khuynh hướng toàn cầu hóa sẽ bị khựng lại, thậm chí quay đầu. Khuynh hướng quốc gia
cực đoan sẽ chắp cánh, các mối liên minh chính trị và kinh tế sẽ mất ảnh hưởng, thay
vào đó sẽ là chủ trương thương lượng song phương giữa các nước với nhau.
Trong bối cảnh mới của thế giới, xem ra Việt Nam sẽ gặp khó khăn nhiều hơn
trước. Một trong những tuyên bố đầu tiên của ông Trump sau khi đắc cử là sẽ hủy bỏ
TPP. Trong năm trước hiệp định này hứa hẹn một trong những đường thoát quan trọng
của Việt Nam, thiết lập một sự hợp tác kinh tế mới, độc lập hơn với Trung Quốc. Nay
giải pháp này bất thành, Việt Nam mất đi một bàn đạp quan trọng.
Ông Trump đang công khai yêu cầu Apple rút lui khỏi Trung Quốc và Việt Nam.
Áp lực này có thể mang lại thiệt hại kinh tế và lao động cho Việt Nam, nhất là khi nước
ta đang muốn mở rộng hợp tác kỹ thuật với phương Tây. Mối quan hệ giữa các công ty
và chính phủ tại Mỹ sẽ phủ bóng trên nền kinh tế Việt Nam.
Tranh chấp biển Đông là một hồ sơ khó lường. Một khi Mỹ chỉ muốn trở lại
quyền lợi quân sự “cốt lõi” của mình, không muốn ai “bám đuôi” theo Mỹ vì quyền lợi
riêng, thì ta khó tin Mỹ sẽ xả thân cho ai khác. Mặt khác hành động hầu như khiêu khích
của Mỹ đối với Trung Quốc cho thấy Mỹ là một đối thủ khó chịu cho siêu cường
phương Bắc này. Liệu giữa Mỹ và Trung Quốc có một sự đổi chác, chia phần nào đó tại
biển Đông, tương lai sẽ trả lời. Nhưng điều chắc chắn là quyền lợi Việt Nam sẽ không
có bao nhiêu trọng lượng trên bàn thương thuyết của họ. Và điều này hầu như sẽ dẫn đến
tình trạng ta phải thương lượng song phương với Trung Quốc, điều mà Trung Quốc luôn
luôn đòi hỏi. Vai trò của ASEAN sẽ mờ nhạt và chia rẽ như xưa, nếu không nói là tệ hại
hơn, trong tinh thần “song phương” mới trên thế giới.
Các lực lượng khác trên thế giới như châu Âu, Nga hay Nhật Bản đều phải xếp
đặt lại đường hướng nội bộ cũng như ngoại giao của mình, Việt Nam sẽ dựa vào ai trong
nhiều năm tới? Câu trả lời chỉ có thể là dựa trên nội lực của chính mình và “nội lực” đó
phải được xây dựng trên sự đồng thuận của toàn thể dân tộc.
Lời kết
Năm 2017, liệu Joe có trở về lại Mỹ hay không vì công ty của anh rút khỏi Trung
Quốc hay Maria về lại Ba Lan săn sóc cha mẹ, ta không thể suy đoán. Mọi diễn biến cần
đến thời gian, nhưng các dấu hiệu cho thấy thế giới hình như sang trang. Tinh thần
“quốc gia” đang thắng thế, các chính sách liên minh kinh tế và quân sự đang mất ảnh
hưởng. Mối hợp tác trên thế giới sẽ đặt trên căn bản song phương, từng quốc gia với
nhau.
Trật tự quốc tế thiết lập từ thời kỳ chấm dứt chiến tranh lạnh, từ gần ba mươi
năm nay, đang bị đảo lộn. Các giá trị nhân quyền, dân chủ, pháp trị... đang bị thử thách
trên các châu lục. Công thức hợp tác kinh tế và chính trị giữa các nước trên thế giới đang
chuyển đổi. Trong bối cảnh đó, các bước đi của các quốc gia, kể cả Việt Nam, đều phải
dựa trên sự tỉnh táo, sáng tạo và chấp nhận những đổi thay quyết liệt.
-----------
(1) Stephan Lessenich Neben uns die Sintflut - Die Externalisierungsgesellschaft

und ihr Preis, Hanser Berlin 9-2016