Năm 70 tuổi tôi bắt đầu chán viết, người rã ra, đọc sách cũng nằm, đọc được mười lăm phút chữ nghĩa đã loè nhoè, chả rõ mình đang đọc cái gì. Rồi ngủ. Ngủ như chim, một chớp mắt đã tỉnh, tiếp tục đọc nốt cái nửa trang đọc dở vẫn cứ lờ mờ vì chả còn nhớ họ viết cái gì trong cái nửa trang vừa đọc. Cũng năm ấy tôi được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 2. Mừng thì rất mừng nhưng tôi đã nhận ra ngay đây là tấm bia mộ sang trọng cắm lên một đời văn đã tới hồi phải kết thúc. Thế là lại buồn, ra vào ngẩn ngơ cả tháng. Rồi quyết định ra chơi ngoài Bắc, trở lại quê ngoại là nơi tôi đăng ký tòng quân năm 1946, cũng là nơi tôi tập tọng viết những bài báo kháng chiến đầu tiên in litô vào năm 1949. Nó mở đầu cho nhiều chục năm tiếp theo, vừa là anh bộ đội vừa là nhà báo nhà văn. Cái thị xã quạnh quẽ, tơi tớp, tối tăm, toàn một màu xanh và đen những năm nào, giờ đã biến hoá thành một quận của Hà Nội hay Sài Gòn hôm nay. Lại nhớ tới những dãy phố ngắn ngủi, nhà thấp, hè hẹp, rợp bóng nhãn, mặt người hiền lành, dáng đi thong thả, thị xã như cái làng lớn, đi một đoạn đường phải chào hỏi không biết bao nhiêu là người vì toàn người quen cả. Năm chục năm sau, trở lại cái thị xã của tuổi mới trưởng thành, mà là trở về lần thứ ba (hai lần trước cách đây đã hơn hai chục năm) , cái mảnh đất thân thuộc đã hoá ra xa lạ. Đạp xe cả ngày chả gặp người quen nào, hoặc có gặp nhưng đã là hai ông già ở tuổi bảy mươi làm sao nhớ lại gương mặt của nhau cái thời mới mười tám đôi mươi.
Lần
về thứ hai vẫn còn ba người quen cũ, một người là Thuận, đại tá về hưu, một người
là Tùng, trung đội phó, một người là Mễ, tiểu đội trưởng là những cấp chỉ huy đầu
tiên của tôi trong cuộc sống quân ngũ. Lần này về gặp anh Thuận, cũng là ông chủ
báo đầu tiên của tôi, anh hơn tôi vài tuổi. Còn hai người kia đều mới mất ở tuổi
ngoài bảy mươi cả. Đường phố không quen, mặt người không quen, còn lại một ông
bạn thân tối ngày đi họp, đủ các thứ hội hè để ông đến họp, vẫn là cái khát
khao của người đã già, đã nghỉ hưu có dịp gặp lại bạn cũ, trò chuyện là chính,
nhắc lại chuyện ngày xưa là chính, rồi than thở, đủ thứ than thở, chuyện nhà
chuyện nước. Cũng buồn nhỉ ? Chuyện người già có vui bao giờ, người đã xong một
việc có làm gì cũng không thể vui. Vì tôi là người có gốc địa phương nên tỉnh uỷ
có gặp và mời ăn một lần cho phải phép. Nhưng nhìn những gương mặt quan chức của
tỉnh hôm nay mà kinh ngạc. Mặt người nào cũng đầy những múi thịt, sần sùi, nói
nhiều, cười to, lời lẽ nhạt nhẽo, dung tục, và không bao giờ nhìn thẳng vào mặt
mình để nói, cứ như là đang nói với một ai khác ngồi cạnh mình hoặc ngồi sau
mình. Bữa sắp về Hà Nội, bí thư tỉnh uỷ lại mời gặp, không phải là gặp chính thức
mà là cùng ngồi ăn sáng với ông vì ông cũng đang bận. Buổi gặp vừa hình thức vừa
khó chịu vì chỉ có người lãnh đạo của tỉnh nói, nói như người rao hàng, mắt
nhìn đâu đâu, bụng nghĩ đâu đâu. Tôi chỉ còn nhớ một chuyện, có một ông tướng,
là danh tướng, người địa phương, có đem một giống hoa lạ từ Hà Nội về, tự tay
ông trồng ở vườn hoa của tỉnh uỷ vì phải chọn đúng ngày, đúng giờ, cả đúng hướng
nữa mới đem lại thịnh vượng, hạnh phúc cho dân trong tỉnh. Thật vậy sao ?
Trong
mấy ngày xuống xã vừa vui vừa buồn. Ai cũng giàu có hơn trước, nấu cơm bằng nồi
cơm điện, tối xem tivi mầu, giờ rảnh thì xem phim bộ. Mỗi xóm đều có cửa hàng
cho thuê băng vidéo, có gái điếm cho ngủ chịu đến mùa trả bằng thóc, có cờ bạc,
có hút thuốc phiện và chích heroin, thành phố có gì ở làng quê đều có, cả hay lẫn
dở, dở nhiều hơn hay. Tôi về một xã, xã cho tôi ở nhà một anh bưu tá, lúc rảnh
rỗi hỏi chuyện gì anh cũng bảo không biết. Ở xã ba ngày, đảng uỷ, uỷ ban không
ai tiếp cả. Có một buổi tối có một anh chàng to béo đến chơi với gia đình, cả vợ
lẫn chồng nhà chủ ăn nói thưa gửi, bộ điệu khúm núm. Anh ta ngồi ưỡn người trên
ghế tựa, hai chân xoạc rộng, hai bàn tay đặt lên bụng, nói hỏi trống không, thỉnh
thoảng đưa mắt nhìn tôi nhưng không hỏi gì, chào cũng không, mắt nhìn cứ lừ lừ,
mà hắn chỉ đáng tuổi con tuổi cháu. Tôi cứ nghĩ tay này hẳn là dân buôn bán ở tỉnh
có họ hàng gì với anh chủ nhà, tạt qua chốc lát rồi đi. Nhưng anh bưu tá lại bảo
đó là ông chủ tịch xã. Lại một ngạc nhiên nữa !Mấy ngày sau lại về một xã thuộc
phía Bắc tỉnh. Cách đây đã ba chục năm tôi đã đi đi về về xã đó khoảng một năm
để viết về một anh chủ tịch xã chưa tới ba mươi tuổi trong cái thời có cao trào
lập hợp tác xã nông nghiệp. Ngồi chơi ở phố huyện kề liền xã bất ngờ lại gặp
người quen cũ của mấy chục năm trước. Hiện giờ ông ấy đã ngoài sáu chục tuổi,
có cửa hiệu chụp ảnh ở ngay phố, to béo, rềnh ràng, chuyện gì cũng biết, lại biết
cách thuật lại về mọi cái biết của mình một cách sống động, tươi rói, nghe chuyện
mà tưởng như chính mình cũng được chứng kiến. Nhà văn mà gặp được một người như
thế là có thể nghĩ ngay một cuốn sách sẽ viết, viết cũng nhanh thôi, vì mọi vật
liệu đã sẵn sàng. Bao nhiêu chuyện xui xẻo, buồn bã của chuyến đi bất thần được
đền bù quá hậu hĩ nhân một lần gặp lại người quen cũ. Đang mừng khấp khởi liền
bị mấy ông xã nhảy vô phá đám, đi một bước có trưởng công an xã theo một bước,
vừa là người hướng dẫn vừa là người bảo vệ. Chỉ được trò chuyện với người đã được
xã giới thiệu và ăn ngủ tại nhà ông bí thư xã. Nhưng tôi đâu có chịu thua hoàn
toàn. Xuống cái xã bị ghẻ lạnh thì tôi chơi với dân, viết về một ông nông dân bị
giời hành, được bạn bè khen là rất khá. Về cái xã được chiều chuộng quá mức tôi
viết được cái bút ký “Mất toi một cuốn sách”. Sang tuổi 70, mọi hoạt động của
con người đều chậm, đều kém, riêng cái chuyện viết lách của tôi vẫn giữ được
phong độ gần như xưa, vẫn viết rất nhanh, riêng cái nhìn thì trào lộng nhiều
hơn, ngậm ngùi nhiều hơn. Nó là thứ hương vị thơm ngát chắt ra từ hơn bảy mươi
năm được làm người.
2.
Tôi
là một đứa trẻ khi bước vào đời có nhiều điều thua thiệt nhưng tôi đã biết níu
chặt lấy thời thế mà leo dần lên. Tôi nói thế chả phải vì cái thói cơ hội, thời
này có mấy ai thích nói mình thành tài là nhờ cách mạng. Nhưng có nhiều người
được cách mạng ôm hẳn vào lòng nâng niu, vỗ về mà vẫn không nên người thì sao ?
Là vì họ còn thiếu một yếu tố nữa, thiếu cái đó dầu họ có được bước trên thảm đỏ,
kẻ nâng người dắt một đời vẫn không ra con người tử tế. Mà tôi thì có, có dư thừa.
Ấy là cái tính hài hước bẩm sinh, trước hết là biết giễu mình, theo dõi từng bước
đi, từng câu nói của chính mình bằng cái nhìn của người khác vừa nghiêm khắc vừa
bỡn cợt. Sau mình đến người, tôi cũng hay nhìn ra cái khía cạnh buồn cười ở người
khác dầu họ xuất hiện dưới cái vỏ trang trọng đến thế nào. Cái buồn cười là cái
trái nghịch trong cùng một người, kẻ vô luân nói chuyện đạo đức, tên ăn cắp dạy
dỗ phải bảo vệ của công, người hống hách lại là tên nịnh bợ bậc nhất. Nếu tán rộng
ra thì còn vô vàn chuyện buồn cười mà ta bắt gặp ở mọi nơi, trong mọi thời gian
của cuộc sống. Anh dốt thường làm ra vẻ thông thái, thằng nhát rất thích xuất
hiện như người anh hùng, một chính khách đầu óc rỗng tuếch luôn tỏ ra uyên bác
bằng những lời nói vô nghĩa. Nếu những người đó có được một chút hài hước, có
khả năng tự ngắm mình trong khi diễn trò thì họ sẽ biết cách tự kiềm chế trong
một giới hạn nào đó.
Muốn
có cái mình không thể có không chỉ là chuyện buồn cười mà còn là căn bệnh không
thể cứu chữa của nhân loại. Các triết gia, giáo chủ cũng không thoát khỏi cái
trò cười ấy. Họ muốn cho nhân loại cái họ không thể có, muốn cứu nhân loại bằng
những phương tiện nhiều lắm chỉ đem lại mê say tự huyễn hoặc mà thôi. Học thuyết
xã hội hay tôn giáo khôn ngoan phải là học thuyết mở, có thể là thế này mà cũng
có thể là thế khác, luôn luôn biến hoá, lấy sự biến hoá của thời thế và con người
làm mục tiêu tối thượng để tự điều chỉnh. Học thuyết là do con người làm ra, một
trí tuệ sáng láng nhất vẫn cứ bị ràng buộc bởi nhiều vòng tự giác và không tự
giác của thời thế, của cuộc đời. Bởi vì họ không thể là Thượng Đế để biết hết
vô vàn nguyên nhân những tác động qua lại, uốn éo, bất ngờ của nó đưa đẩy mọi sự
vật tới những thay đổi rất nhỏ, không mấy ai chú ý, cuối cùng là những biến
thiên cực lớn. Chả có học thuyết nào dự đoán đúng những gì sẽ xảy ra trong
tương lai và cũng chẳng thể dự đoán được cái kết cuộc của nhiều sự việc đang xảy
ra trong hiện tại. Mọi lời tiên tri đều có tính mê sảng, đồng cốt. Dành cả một
thời thanh xuân để tin vào những lời tiên tri ấy, về già nhìn lại cái tài sản
tinh thần thâu góp một đời chỉ là một cái kho chứa đủ tạp nham chẳng có một
chút giá trị gì.
3.
Tính
hài hước là cái thứ mà người cộng sản ghét nhất vì nó có thể biến mọi chuyện
thiêng liêng thành trò cười. Một học thuyết không thể chứng minh sự đúng đắn của
nó trong thực tiễn thì trước sau sẽ biến thành tôn giáo. Vì tôn giáo là niềm
tin, là thói quen, là tập quán, là vâng phục, là ở thế giới này chỉ có một chân
lý, ngờ vực nó, đặt quá nhiều câu hỏi về nó chỉ là kẻ phản đồ, phải bị trục xuất
khỏi cộng đồng, phải bị cách ly, bị ngồi tù để tránh mọi sự truyền nhiễm có thể.
Học thuyết xã hội đã phải đội lốt tôn giáo để tồn tại thì mọi thứ thuộc về nó đều
là thiêng liêng. Lãnh tụ thành thần thánh, lời nói bài viết của họ thành kinh bổn,
cuộc sống cá nhân và xã hội của họ đầy ắp những chuyện phi thường. Hình ảnh của
Lenin và Stalin, của Mao Trạch Đông và Kim Nhật Thành và lời nói của các vị ấy
bao trùm lên toàn bộ cuộc sống tinh thần của các quốc gia họ cầm quyền, làm gì,
nói gì, nghĩ gì đều không thoát ra khỏi cái bóng che ấy. Bài hát về lãnh tụ
trang nghiêm như thánh ca, người hát có dáng điệu sùng bái như tín đồ. Cái thế
giới cá nhân của các công dân đã bị đốt cháy, đã thành tro bụi và tan biến
trong hương khói của đền đài. Trong không khí ngùn ngụt lửa cháy cùng với tiếng
sóng hoan hô khi gần khi xa không lúc nào dứt, vậy những người làm việc bằng
trí tuệ sẽ tìm đâu ra một khoảng trời yên tĩnh và tự do để suy nghĩ về những
công trình một đời của riêng mình. Người cộng sản sẽ không bao giờ hiểu được
cách làm việc cá nhân, đơn độc, xa rời quần chúng, xa rời các phong trào cách mạng
có tính địa phương của các nhà trí thức thấm đẫm “tư tưởng tư sản” ấy. Phải cải
tạo họ bằng các chuyến đi thực tế, bằng các lớp học chính trị ngắn hoặc dài
ngày, và bằng cả những lần được gặp gỡ thân mật với lãnh tụ để có thêm lòng tin
vào những lý do phải tự phủ định, để khẳng định sự nghiệp vĩ đại của quần
chúng. Phải bỏ hẳn những tư tưởng triết học và thế giới quan phù hợp với cách
nghĩ, cách nhìn, cách đánh giá của riêng mình, đã được chứng minh qua những trải
nghiệp của bản thân để nhập vào dòng tư tưởng chính thống, cái triết học chính
thống, cách nhìn nhận và đánh giá chính thống, xét cho cùng chả liên quan bao
nhiêu tới cái tâm sự đang ấp ủ, tới những điều cần phải viết, và trên hết, máu
thịt hơn hết là những phát hiện độc đáo của riêng mình trong lịch sử, trong văn
hoá, trong nhân sinh. Mất những cái đó thì còn sống tiếp làm gì, còn viết tiếp
làm gì nên một số đã phải đổi nghề, bỏ nghề sáng tạo sang nghề cạo giấy, làm một
anh công chức hiền lành, mẫu mực, vừa có quyền vừa có lợi. Cái danh cái lợi
cũng có sức quyến rũ người ta lắm, qua nhiều năm tháng nó đã trở thành ý nghĩa
quan trọng nhất để sống, sống với vợ con, với bạn bè, với xóm làng, với xã hội.
Còn một số nhỏ vì không làm nghề gì khác ngoài cái nghề văn chương nên đã đầu
quân về các nhà xuất bản, tuần báo, tạp chí tiếp tục làm nghề nhưng phải viết
trong khuôn phép đã quy định, cũng có đôi lúc đã tự buông thả theo những cảm
xúc tự nhiên hoặc bất chợt bị mê hoặc bởi những hình tượng nghệ thuật quá đẹp
đã trở thành những nạn nhân oan uổng của nhiều vụ án văn tự, nghĩ lại mà tiếc
cho nhiều người, mộng mơ nhiều thì tài năng cũng nhiều đều bị thui chột ngay từ
những năm còn trẻ.
4.
Trong
suốt ba chục năm chiến tranh, mỗi người Việt Nam đã quên hẳn những nhu cầu vật
chất và tinh thần của riêng mình để được cùng sống như mọi người, cùng cảm nghĩ
như mọi người, sống cùng sống chết cùng chết. Học thuyết Mác và vai trò lãnh đạo
của Đảng Cộng Sản được tôn vinh đến tuyệt đối. Vì số phận cá nhân gắn liền với
tập thể với dân tộc, trùng hợp khít khao với các mục tiêu chính trị của đảng cầm
quyền và những tham vọng của người lãnh đạo. Nhưng cả mấy thế hệ cùng tham gia
chiến tranh, sống trong một môi trường xã hội, chính trị của một đất nước đang
có chiến tranh cũng là một tai hoạ khôn lường. Trong chiến tranh tập thể gạt phắt
cá thể sang một bên, có thể giẫm đạp lên nó cũng chả mất mát gì, vì chiến tranh
đòi hỏi sự nhất trí, cần sự ra lệnh đúng lúc của nhiều cái đầu chứ không có thời
gian bàn luận, sai đúng có sự tham gia của nhiều cái đầu. Vả lại nếu người lãnh
đạo tính toán sai lập tức sẽ bị đối phương trừng phạt ngay, không sớm tỉnh ngộ
thì cả sự nghiệp có thể bị đổ vỡ. Đến thời hoà bình thì chỉ còn dân chúng đối mặt
với chính quyền, quyền lợi khác nhau, nguyện vọng khác nhau, có trăm ngàn thứ
khác nhau trong một cộng đồng : dân tộc, tôn giáo, văn hoá, điều kiện sống…
trong một thời gian dài tạm quên đi, tạm gác lại để lo việc lớn, lúc này nhất
loạt trỗi dậy, đòi hỏi và mỗi cá nhân đều thấy cái mình đòi là quan trọng nhất,
bức thiết nhất. Độc lập có rồi, tự do có rồi, vậy cái hạnh phúc của mỗi chúng tôi
nhà nước định quên sao ? Nhưng người dân phải tìm ra cơ hội nào để nói, đến chỗ
nào để nói, dùng phương tiện gì để nói. Nói với tổ chức, với các đoàn thể mình
là một hội viên, không ai nghe cả.Nói trên báo chí không báo nào dám đăng. Viết
kế sách, thỉnh nguyện gửi lên các cấp có thẩm quyền thì chả bao giờ nhận được
trả lời. Vậy phải làm gì nhỉ ? Làm loạn không dám, biểu tình đúng pháp luật
cũng chưa có tiền lệ. Người đứng đắn bộc lộ sự không bằng lòng của mình tại các
cuộc họp lập tức bị những kẻ cơ hội trấn áp tức thì, bị cơ quan an ninh ghi vào
sổ đen, thăng chức nên lương từ nay không thể, chỉ còn đợi ngày về hưu thôi.
Nhưng dân chúng vẫn có cách xả nỗi bất bình của họ bằng cách sáng tạo ra nhiều
chuyện tiếu lâm chính trị. Trong cả nước không đâu có nhiều chuyện tiếu lâm bằng
Hà Nội vì nó là thủ đô hành chính, mọi chuyện cung đình vừa thật vừa giả tràn gập
các quán cà phê mỗi ngày. Không ra được báo viết thì làm báo mồm vậy, lời nói
bay đi lấy đâu làm bằng, tưởng như vô hại mà hại vô kể. Vì nó sẽ thành dư luận,
không ai bắt giam được dư luận, giết được dư luận, cái dư luận hỗn tạp, vô sở cứ
mở rộng mãi ra, bao trùm mọi việc mọi người trở thành mặt bằng mới để đặt ra
các tiêu chuẩn sống cho một thời. Cái tiêu chuẩn mới có tên gọi là “ mặc kệ nó
”. Nó là người khác, là nhà nước, là bất cứ ai, bất cứ việc gì không có quan hệ
trực tiếp tới các lợi ích cá nhân mình. Cái cá thể sau một thời gian dài nhập
vào cái tập thể đã tự tách ra khỏi nó để tìm lại mình. Nhưng cách tìm lại ấy
thường thuộc về phía tiêu cực của con người, lấy lợi ích bản thân làm mục tiêu
nên không tạo ra được sự thăng hoa, sự tự do chân chính, là môi trường cho mọi
sáng tạo độc đáo, vừa thấm đẫm tính cá nhân vừa thấm đẫm tính thời đại ở yếu tố
tiền phong của nó. Ở đây tôi muốn nói thêm, tự do được nuôi dưỡng tự nhiên
trong môi trường dân chủ là tự do của cống hiến, còn tự do vừa thoát ách chuyên
chế thường có tính phá hoại, trả thù, để bù lại những năm tháng bị tước đoạt. Cứ
so sánh về tự do của một xã hội dân chủ nhiều trăm năm như Hoa Kỳ và tự do vừa
giành được của nước Nga Xô Viết là đủ rõ. Vì nó không được chuẩn bị, không được
giáo dục, mọi bản năng của con người được xổng ra nhất loạt sẽ gây hỗn loạn cho
cộng đồng, nhiều hơn là xây dựng. Dân chủ và tự do phải có thời gian để làm
quen, để học cách sử dụng và bảo vệ, phân được ranh giới giữa cá nhân và cộng đồng.
thành pháp luật, thành tập quán mới có thể đơm hoa kết trái được.
5.
Một
đất nước bị xâm lược, rồi bị nô dịch, dân chúng thành nô lệ không được pháp luật
che chở, làm người cũng khó nói gì tới ý thức cá nhân trong mỗi con người. Ý thức
cá nhân là ý thức về cái riêng biệt của mình, về cái có thể cống hiến của mình
cho cộng đồng không giống với một ai do có một cách cảm nhận riêng, một cách
suy nghĩ riêng, từ đó… Những cái giá trị cá nhân chỉ được nhìn nhận, được tôn
vinh ở những xã hội tương đối tự do, các mối quan hệ giữa người với người tương
đối tốt đẹp. Ở xã hội tư bản mà chúng ta vốn có thành kiến là rất xấu xa lại
thường hay cho những tiếng kêu cứu, bảo vệ những giá trị truyền thống của cá
nhân, vì đồng tiền đang làm mất phẩm giá của con người, phá vỡ nền tảng đạo đức,
làm rối loạn các mối quan hệ xã hội. Con người được sống no đủ, trong tiện nghi
mà vẫn đối địch với nó, muốn thoát ly khỏi nó vì không được thoả mãn những nhu
cầu về tinh thần. Ta hay lấy những chuyện đó để làm chứng một cách hả hê cho sự
tha hoá của con người sống dưới chế độ tư bản. Vậy các công dân của chế độ xã hội
chủ nghĩa thì sao ? Chả có ai kêu ca gì. Nhà văn là người có trách nhiệm chăm
lo cuộc sống tinh thần của đồng loại cũng không kêu. Có một nhà văn Nga
[Vladimir Dudinzev / Владимир Дудинцев – chú thích của Diễn Đàn] viết cuốn sách
Người ta không chỉ sống bằng bánh mì [Не хлебом единым – chú thích của Diễn
Đàn] bị cả giới văn nghệ Liên Xô phê phán. Ông đã viết sai vì các nước xã hội
chủ nghĩa rất coi trọng cuộc sống tinh thần của các công dân. Họ đọc sách rất
nhiều, trên xe điện, xe buýt, trong công viên, đứng xếp hàng từng dãy dài mua
thực phẩm, mua vé xem vũ kịch, nghe âm nhạc họ đều mở sách đọc rất chăm chú, tưởng
đâu như cuộc sống đích thực của họ là ở các trang sách. Chỉ có những giây phút
chìm đắm trong sự đọc họ mới có cơ hội ngẫm nghĩ về thân phận của mình, của đồng
loại, tìm lại cái bản gốc cá nhận đang lưu lạc ở một góc khuất nào đó của riêng
mình. Rời khỏi trang sách là rơi ngay vào vòng quay của trăm ngàn công việc chả
có nghĩa lý gì ngoài sự mưu sinh để tồn tại. Những ngày nghỉ, những giờ tạm gọi
là rảnh rỗi họ cũng không được ngồi một mình, ngẫm nghĩ một mình, có bao nhiêu
buổi lễ kỷ niệm lớn nhỏ, những phong trao cam kết thi đua và vô vàn cuộc họp của
ngành của giới đã choán hết phần thời gian còn sót lại… Cuộc sống tập thể đã nhấn
chìm cuộc sống cá nhân, cuộc sống trong chiến tranh đã xoá nhoà mọi thói quen của
cuộc sống thời bình. Lúc nào cũng có kẻ thù rình rập đâu đó để tìm cớ lật đổ chế
dộ bằng vũ trang, hay bằng diễn biến hoà bình. Lúc nào cũng được đồng chí trong
chi bộ, bàn bè cơ quan giám sát mọi tư tưởng và hành vi để ngăn chặn mọi biểu
hiện của chủ nghĩa cá nhân của mỗi thành viên. Lúc nào cũng phải đề phòng, phải
đề cao cảnh giác cách mạng, không tin cậy bất cứ ai, kể cả bạn bè. Chỉ có một
điều lạ, là trong hoàn cảnh sống không có một tí tự do nào cho cá nhân mà chúng
tôi vẫn sống được, lại còn viết văn làm thơ được !
6.
Suốt
80 năm sống dưới ách đô hộ của Pháp, chúng ta vẫn đặt được những viên gạch đầu
tiên cho nền văn xuôi Việt Nam. Những truyện ngắn, tiểu thuyết, phóng sự, tuỳ
bút của thời ấy được in trên các tuần báo hoặc xuất bản thành sách nay đọc lại
vẫn thích thú, vẫn làm ta cảm động. Nhiều truyện được đọc từ tuổi niên thiếu vẫn
ám ảnh ta tới tận lúc tuổi già, và một loạt các nhà thơ, nhà phê bình văn học của
cái thời gọi là thuộc địa đã trở thành những tên tuổi lớn tồn tại mãi mãi trong
lòng nhiều thế hệ bạn đọc. Làm thân nô lệ mà vẫn trỗi lên thành những tài năng
lớn là sao ? Không chỉ trong văn chương mà còn cả trong mỹ thuật, trong kịch
nghệ. Không chỉ trong văn nghệ mà trong cả khoa học, giáo dục, trong kinh doanh
theo kiểu tư bản và trong nhiều nghề truyền thống. Tất cả đều được bắt đầu từ
những năm đầu thế kỷ, được phát sáng, được bộc lộ mạnh mẽ các tài năng cá nhân
và họ đã trở thành người khai sáng, người mở đường, thành tổ nghề, không chỉ có
tài lớn mà còn có đức lớn, là những nhân cách kiểu mẫu cho con cháu, cho giống
nòi, đều là chuyện có thật cả, không thể bóp méo hoặc bác bỏ. Mà giải thích về
nó cũng rất đơn giản. Chế độ tư bản của Pháp và Châu Âu tiến bộ hơn, văn minh
hơn chế độ phong kiến tập quyền của Châu Á tới vài thế kỷ, là khoảng cách giữa
hai thời đại, nói như cụ Phan Chu Trinh. Thời Pháp thuộc bọn thực dân chỉ cấm,
bỏ tù, xử bắn những người dám chống đối nó, trước hết là những người cộng sản.
Cuộc sống của dân chúng vẫn lầm than như thời xưa, như thời phong kiến, khổ nhất
vẫn là nông dân, nhưng xã hội có thêm nhiều nghề mới do công cuộc khai thác tài
nguyên ở thuộc địa, hình thành dần nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, có đô thị và
các trung tâm buôn bán, có các đường lớn xuyên quốc gia và liên tỉnh, có cầu cống
và đường sắt, có báo hàng ngày, có tuần báo và tạp chí. Tiếng nói của công
chúng sau nhiều thế kỷ câm bặt đã được cất lên bày tỏ thân phận và nguyện vọng
của mình, dẫu còn yếu ớt nhưng đã gây được tiếng vang trong cả nước. Dầu xã hội
phát triển một cách nhem nhuốc, đau đớn nhưng vẫn hơn cái thời tù mù, tối tăm của
thời phong kiến. Thời thế là vị tư lệnh tối cao, không có học thuyết nào, một
thiên tài chính trị nào dám chống lại những mệnh lệnh của nó. Dám chống lại nó
học thuyết sẽ tiêu tan, các chính khách thì thân bại danh liệt. Chế độ thực dân
tuy tàn bạo nhưng nó là sản phẩm của thời đại này nên nó vẫn có khả năng ươm cấy
nhiều nhân tố tích cực, có giá trị bền vững cho những xứ sở nó đô hộ. Còn những
vương triều phong kiến dẫu được cai trị bởi các bậc minh quân thánh trí vẫn là
những xã hội hủ lậu và thuộc về quá khứ. Tài giỏi như Khang Hy, Càn Long nếu
còn trị vì Trung Quốc tới cuối thế kỷ 19 mà không chịu thay đổi thể chế đã quá
cũ kỹ thì vẫn cứ thua, có khi còn thảm bại hơn vì lòng kiêu hãnh bệnh tật của họ.
Cách tổ chức xã hội của giai cấp tư sản dẫu có xấu xa tới tận đâu cũng vẫn tạo
được những môi trường tự do và dân chủ hơn, mở ra những cơ hội mới cho sự phát
triển tài năng của mọi cá nhân và của cả cộng động. Lại lấy thêm một ví dụ về
nước Nga trong non một thế kỷ qua. Dưới chế độ Xô Viết, người dân Nga được nhà
nước chăm lo hoàn toàn từ khi sinh đến khi chết, nhưng họ vẫn không thích, vẫn
thấy ngột ngạt vì đó là cuộc sống không phải lo nghĩ của một trại tập trung,
con người bị đánh số, bị xếp theo khuôn, theo hàng, chỉ nhìn thấy đám đông chứ
không thể nhìn ra từng con người riêng biệt, kể cả trong triết học và văn
chương. Còn thời bây giờ là một xã hội mạnh ai nấy lo, người người lấn chen
nhau, tranh cướp nhau vì những tham vọng không được kìm nén, kỷ cương cũ bị xoá
bỏ, kỷ cương mới chưa kịp hình thành, mọi sự đều phải làm lại từ đầu từ quốc kỳ,
quốc ca, quân kỳ… Nhưng xem ra chả có mấy ai than thở về hiện trạng hỗn loại, họ
cảm thấy thoải mái, bằng lòng với cuộc sống đầy bất trắc của hiện tại vì lần đầu
tiên họ được lựa chọn cách sống của mình, thắng thua tự mình gánh chịu, cũng là
lần đầu họ biết nhận ra cái “ bản lai diện mục” của chính họ.
7.
Bất
cứ nhà nước nào lấy học thuyết xã hội hoặc tôn giáo thay cho hiến pháp thì trước
sau sẽ chuyển đổi thành nhà nước chuyên chế. Vì trong hàng triệu công dân sẽ có
nhiều nhóm người không cùng lòng tin, không cùng tín ngưỡng với nhà cầm quyền.
Họ trở thành những cộng đồng đáng ngờ, sẽ bị phân biệt đối xử, trước hết là mất
quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do xuất bản. Đó là nói về tầng lớp
trí thức.Còn những người làm các nghề khác, chả dính dáng gì đến sách vở cũng sẽ
cảm thấy bị tước đoạt nhiều quyền tự do, như quyền tự do lựa chọn cách sống của
riêng mình chẳng hạn. Đã độc quyền về tư tưởng tất nhiên sẽ độc quyền cả về
cách sống, vì mỗi học thuyết đều có phần đạo lý của nó, nó cần tiêu chuẩn làm
người đã được lý tưởng hoá của nó để làm khuôn mẫu cho tu sĩ và tín đồ. Tôi có
một bà cô sống ở Hà Nội suốt thời Pháp tạm chiếm, là dân cũ của Hà Nội, sau này
giải phóng được một năm, bà than thở với tôi, nghĩ rằng sống với cách mạng thì
dễ mà hoá ra rất khó. Bà bảo chính phủ gì việc lớn không lo toàn lo việc vặt, từ
cách ăn mặc, cách yêu đương, cách nuôi dạy con cái là những việc người dân tự
biết cách lo, tự biết cách học, lo không nổi thì đã có dư luận xã hội lo giùm,
từ cổ tới nay vẫn thế mà. Lại nói về những tín đồ trung thành của chủ nghĩa
Mác, những chiến sỹ theo cách mạng từ thuở mới lập nước là đám văn nghệ sỹ
chúng tôi cũng “ sống không dễ ” trong sự viết lách. Viết đúng luật lệ thì chỉ
có hai chủ đề : căm thù và hy sinh. Cũng chỉ có ba loại người được tôn vinh :
công, nông, binh. Cái thế giới mênh mông, nhiều màu sắc ngày một thu hẹp và chỉ
có hai màu : đỏ là quân ta, đen là quân địch. Văn chương cách mạng thoạt đầu
cũng lạ so với văn chương thời trước nên được bạn đọc trẻ hoan nghênh. Nhưng cứ
phải đọc mãi một vài đề tài quen thuộc, một vài loại người quen thuộc và những
tâm trạng rất quen thuộc ngay những bạn đọc trung thành cũng phải chán. Chính
chúng tôi cũng tự chán mình. Tài đã kém lại bị bó chặt từ đầu tới chân, xoay tới
xoay lui cũng chỉ có một vòng quay, ú ớ một cách nói, càng viết càng nhảm cũng
là phải. Một nền văn nghệ phải phục vụ chính trị (mà chính trị thì sớm nắng chiều
mưa) là đã mất một nửa tự do rồi, lại phải phục chính trị theo nghĩa các chủ
trương, chính sách của từng thời kỳ thì còn gì là tự do nữa. Ấy là chưa nói mỗi
cấp cầm quyền lại có những yêu cầu riêng, những cách đối xử riêng, lúc nhu lúc
cương, cái thằng nghệ sĩ chả còn biết lối nào mà lần. Văn chương đã đến nông nỗi
ấy mà vẫn có giải thưởng quốc gia, nhưng những tác phẩm được giải thưởng Lenin,
Stalin liệu có còn cuốn nào được người Nga hôm nay muốn đọc lại. Tôi cũng được
giải thưởng văn chương cao nhất cấp quốc gia, nhưng tôi biết chỉ mươi năm nữa,
thời thế đổi thay chắc chả còn ai nhớ tới mình nữa. Tôi là nhà văn của một thời,
thời hết thì văn phải chết, tuyển tập, toàn tập thành giấy lộn cho con cháu bán
cân. Buồn nhỉ ?Nghĩ lại cũng chả có gì phải buồn, con người vốn sống trong những
chiều kích hữu hạn lại mơ tưởng những gì do con người làm ra sẽ thuộc về vĩnh
viễn, có hoạ rồ ! Tất nhiên vẫn có nhiều công trình của trí tuệ thuộc về cõi bất
tử nhưng là của các thiên tài. Với bộ não con sâu cái kiến, ngước nhìn những
cái đầu khổng lồ ấy làm gì cho thêm buồn ra. Hãy viết những gì trong cái tầm
nhìn tầm nghĩ của con sâu cái kiến vậy. Một cách nghĩ thiếu “ tự hào dân tộc ”
nhưng chắc chắn là một cách nghĩ đúng. Đã từng có những quốc gia từng nghĩ từng
viết rất tự hào, rất kiêu hãnh rằng dân tộc họ đã sải bước trước nhân loại cả
trăm năm, sắp chạm tay vào cánh cửa thiên đàng rồi ! Mà rồi sao nhỉ ? Là như mỗi
chúng ta đều đã được chứng kiến trong suốt mấy chục năm nay đấy !
8.
Nhà
văn Dư Hoa [Yu Hua, 余华, chú thích của DĐ], một cây bút đang nổi
của văn đàn Trung Quốc, trong lời cuối sách của tiểu thuyết Huynh đệ (Nhà xuất
bản Công an Nhân dân, 2006), ông có viết đại ý, trong lịch sử thế giới từ thời
Trung Cổ đến thời hiện đại phải trải qua 400 năm. Còn ở Trung Quốc từ thời cách
mạng văn hoá, cả đất nước chìm sâu trong bóng đêm trung cổ với thời bấy giờ với
bao nhiên thay đổi đến chóng mặt để đất nước Trung Hoa nhanh chóng bước vào đội
ngũ các đại gia của G8. Cái khoảng cách vời vợi giữa hai thời đại ấy đã được
rút gọn trong có 40 năm. Rằng hay thì thật là hay nếu chỉ nhìn vào toàn cục,
vào cả dân tộc. Nhưng nếu nhìn vào từng cá nhân, những cá nhân không được chuẩn
bị từ căn cơ trong lịch sử, trong văn hoá, trong truyền thống và nhất là trong
nhân cách làm người thì cái rút gọn trong mỗi cá nhân sẽ dẫn tới đâu ? Theo ý
tôi (N. K.) là các cá nhân ấy sẽ rất dễ bị GÃY khi gặp phải sóng to gió lớn. Vì
cái lõi của nó chưa đủ cứng, chưa đủ bền, chưa đủ những tố chất về di truyền, về
giáo dục (rất cần có thời gian) để ứng phó hữu hiệu với những thay đổi quá
nhanh của môi trường sống. Các nhà cách mạng thường chỉ nghĩ tới mục tiêu và những
con đường ngắn nhất nhanh nhất để đạt được mục tiêu, bất chấp các công dân của
họ bằng lòng hay không bằng lòng. Và họ lại tin một cách ngây thơ, một cách tệ
hại rằng cứ ép là được, cứ đẩy tới bằng các phong trào cách mạng của quần chúng
là được, trước lạ sau sẽ quen dần. Nhưng các cá nhân cũng là lòng người không
thuận thì mọi chủ trương dẫu hay đến mấy sớm muộn cũng bị đào thải, chả để lại
một dấu vết tích cực nào. Và càng lạ hơn là những tổ chức kinh tế được xem là lạc
hậu, là phản động của một thời vẫn có muôn vàn cơ hội để tái sinh và xem ra còn
tồn tại rất lâu dài.
Trong
những năm 90 của thế kỷ 20 nhiều vị lão thành cách mạng Việt Nam lấy làm kinh
ngạc và đau đớn trước sự tiêu vong quá nhanh của một siêu cường mà chân móng của
nó đã ăn sâu trong mảnh đất Nga non một thế kỷ. Thật ra toà lâu đài kiểu mẫu của
tương lai ấy không hề có chân móng. Nó được xây trên cát. Mọi thay đổi lớn đều
dựa vào phong trào quần chúng được hình thành, được vận động chỉ bằng có tuyên
truyền chứ không từ nguồn lực tự thân. Tất cả đều phải ép buộc, đều phải dàn dựng,
và phải có các diễn viên chuyên nghiệp trình diễn theo một kịch bản độc nhất.
Có hai nhà văn lớn của Châu Âu đều được mời xem màn diễn về một xã hội lý tưởng
do người cộng sản lãnh đạo. Ông Romain Rolland thì khen không hết lời, còn ông
André Gide thì chê từ đầu đến cuối. Vì một ông chỉ nhìn có cái mặt tiền, cái tổng
thể, đến đâu cũng thấy dân chúng ca hát, nhảy múa và vẫy cờ, vẫy hoa. Còn một
ông lại chỉ quan sát cái sân sau của chế độ và thân phận của nhiều cá nhân ông
có dịp tiếp xúc. Đám đông thường cho ta cái cảm giác sai vì họ không thể giữ được
tính độc lập trong tình cảm và phán xét. Còn cá nhân thì cái thân phận riêng tư
của họ bao giờ cũng thuộc về nhân loại hôm nay và mai sau.
Một
xã hội mà công dân không được quyền sống thật, nói thật, nhà văn cũng không được
quyền bộc bạch tâm sự riêng tư của mình trên trang giấy là một xã hội không có
chân móng. Các quốc gia cùng sống với nhau trong một liên bang, gọi nhau là anh
em là đồng chí, nhìn ngoài thấy họ sống cũng yên ấm vui vẻ. Vậy mà khi họ chia
tay nhau cũng dửng dưng. Và ngay lập tức họ nhận ra nhiều mối lợi trên đất nước
mình đã bị người anh em ruột thịt chia sẻ trong một cuộc đổi chác không công bằng.
Thế là bắt đầu những cuộc tranh chấp các đường biên giới, đã có lúc phải dùng đến
xe tăng, đại bác để nói chuyện. Rồi tranh chấp đường ống dẫn dầu và các mỏ dầu,
các căn cứ quân sự và các vùng biển có hạm đội. Khi Mỹ và NATO muốn đặt căn cứ
quân sự trên đất nước họ, nhân danh chống khủng bố họ gật đầu liền đâu biết Mỹ
là đối thủ của nước Nga anh em. Yêu Mỹ là tất nhiên vì Mỹ sẽ rót tiền vào những
cái két rỗng của họ. Ghét Nga cũng là lẽ đương nhiên vì xưa kia anh bắt nạt
tôi, lấn át tôi, xem tôi như chư hầu, như thuộc địa, bây giờ chính là lúc tôi
có quyền trả thù. Lúc giận nhau thì nghĩ nông cạn thế, còn bình tĩnh lại thì giữa
các nước cộng hoà trong liên bang Xô Viết (cũ) vẫn có sự ràng buộc tự nhiên và
máu thịt trong lịch sử vì họ đã là người một nhà non một thế kỷ, đã cùng nhau sống
chết chống hiểm hoạ phát xít để bảo vệ sự tồn tại của Liên bang cũng như của
các nước cộng hoà. Lại đã cùng nhau sinh con đẻ cái, đã pha trộn ngôn ngữ, văn
hoá và kỷ niệm. Bây giờ mỗi quốc gia vừa được trở lại là chính mình, vừa có phần
đóng góp thêm của các nền văn hoá lân cận, bạn bè, giàu có hơn trước, văn minh
hơn trước. Rồi họ cũng sẽ sống với nhau như một cồng đồng của khu vực, nhưng lần
này là tự nguyện, là do họ tự chọn một hình thức liên minh bình đẳng, dân chủ
và hoàn toàn tự do. Bất cứ một thiết chế xã hội nào nhắm tới dân chủ và tự do,
xây một xã hội mở, một liên minh mở sẽ có may mắn tồn tại được lâu dài với sự đồng
thuận của mọi người và sự hài lòng của mỗi cá nhân.
9.
Gần
đây tôi có được đọc hai cuốn sách hay. Một cuốn là Bàn về tự do của John Stuart
Mill, một triết gia người Anh viết từ năm 1859, cách ta một thế kỷ rưỡi. Một cuốn
là Tư duy tự do của Phan Huy Đường, một nhà nghiên cứu học thuyết Mác có tên tuổi
ở Pháp viết vừa mới đây. Khoảng mươi năm nay tôi đọc tiểu thuyết không vào, cả
của ta, của Tàu lẫn Tây, cả sách mới dịch, mới xuất bản, cả sách của các đại
gia của những thế kỷ trước. Năm còn trẻ đọc thấy hay, bây giờ già rồi nhìn
trang sách cứ dửng dưng vì nó không chịu ăn nhập vào những trải nghiệm cá nhân
của tôi, không mở ra trong tôi một cách tiếp cận mới với hiện thực, không làm
bùng cháy một điều gì đang còn ẩn sâu trong đáy tiềm thức khiến tôi phải choàng
thức chợt nhận ra một vỉa sáng tạo mới vừa thoáng xuất hiện. Hai cuốn sách
trên, một cuốn do bạn cho mượn, một cuốn tình cờ mua được ở nhà sách vì cái tên
của một tác giả tôi vốn quan tâm. Tôi đọc say mê cả hai cuốn như thời trẻ được
đọc một cuốn tiểu thuyết hay, tất nhiên là khó đọc hơn tiểu thuyết nhưng đã
thích lại có trải nghiệm bản thân hướng dẫn, không hiểu được đầy đủ thì cũng hiểu
được cái đại thể. Nhiều ý của bài viết này là được cảm hứng từ hai tác giả đó.
Năm
tôi 60 tuổi, khi viết về một bà cô đã ngoài tám chục mà còn rất minh mẫn trong
cách đối nhân xử thế, bà vẫn giữ được tính cách riêng mà không làm mất lòng một
ai, từ con cháu trong nhà đến các mối quan hệ ngoài xã hội. Tôi đã viết nếu bà
cụ được trời cho chứng sống đến trăm tuổi mà vẫn còn sáng suốt ắt hẳn bà sẽ biết
mọi bí mật của then máy tạo hoá. Thật ra là tôi nói về tôi đấy, có hơi bốc đồng
nhưng tôi tin là tôi sẽ biết được con người nhiều hơn nếu tôi được sống lâu
hơn, không cần trăm tuổi, chỉ cần 90 là đủ, miễn là vẫn giữ được một cái đầu
bén nhạy như bây giờ, sẵn sàng tiếp nhận mọi sự khác lạ như bây giờ, kể cả sự
phủ định chính mình. Năm ấy tôi đã hiểu ra mọi sự rút gọn ở đời đều trái tự
nhiên, đều dẫn đến thất bại. Các cuộc cách mạng xã hội ở nước ta trong suốt ba
chục năm đều hỏng cả, đều phải làm lại từ đầu, tất nhiên là theo hướng khác, mà
kết quả vẫn vừa chậm vừa dây dưa. Nguyên do là các nhà lãnh đạo muốn rút gọn những
công việc của trăm năm thành chuyện chỉ làm trong mấy năm. Vì họ chưa hiểu đầy
đủ con người Việt Nam trong cuộc sống đời thường, cái cuộc sống không có chiến
tranh, không có cách mạng xen vô, cái cuộc sống trôi đi lặng lẽ của muôn đời.
Nghĩ rằng người Việt Nam của hôm nay đã khác nhiều với người Việt Nam trước năm
1945 là một cách nghĩ rất thiển cận, tự gây cho mình nhiều ảo tưởng trong việc
trù liệu những việc phải làm để kiến tạo một xã hội dân chủ và văn minh. Mọi
phong trào thi đua chả có ích lợi gì trong những việc cần nhiều chăm sóc nhẫn nại,
bền bỉ, bắt đầu từ các cá nhân chứ không phải từ các đám đông với những khẩu hiệu,
cờ quạt, kèn trống, diễn văn và đáp từ, vỗ tay và tặng hoa. Đám đông không thể
đứng mãi dưới nắng để nghe lãnh tụ diễn thuyết. Họ luôn mong đợi được giải tán
để về nhà. Con người ở nhà vẫn cũ kỹ nhưng là người thật chứ không phải là sự
nhập đồng chốc lát khi đứng trong đám đông. Tôi thật lòng yêu mến, ngưỡng mộ
Fidel, một nhà yêu nước kiên cường, một nhân vật đã thuộc về lịch sử của Cuba.
Ông là một trí thức lớn, bạn tâm giao của Marquez, nghe nói trong túi lúc nào
cũng có một cuốn tiểu thuyết đang đọc dở. Bởi vậy tôi mới lấy làm lạ khi ông buộc
dân chúng phải đứng hàng nửa ngày dưới nắng để nghe ông cao đàm khoát luận về đủ
mọi vấn đề. Lúc cách mạng mới thành công nói dài thế vì người dân còn đang háo
hức với cuộc sống mới và các ngôn từ cách mạng cũng rất mới. Như một cặp tình
nhân đang yêu nhau, đang cần nhau, nói với nhau đủ thứ chuyện vớ vẩn nhưng chả
ai thấy thời gian là dài. Còn đã thành vợ thành chồng thì chỉ cần nói ít thôi,
chỉ nói những việc cần làm thôi, chứ cần gì những thuyết lý dông dài. Mao Trạch
Đông cũng thế, ông là một nhà chính trị thông kim bác cổ, quanh nơi ông làm việc
và cả nơi ông nghỉ ngơi sách đang đọc xếp từng chồng, nhưng xem ra cũng chả hiểu
đồng bào ông bao nhiêu. Người dân ở đâu cũng thế, đều muốn có một cuộc sống
bình yên, được tính việc cá nhân và gia đình trong một khoảng thời gian dài, một
trăm năm chẳng hạn, không có những thay đổi lớn trong lối sống, trong công ăn
việc làm, trong các giá trị, đặt biệt là giá trị của đồng tiền. Chứ cứ phải sống
mãi từ năm này qua năm khác trong các phong trào cách mạng, lúc chống tả lúc chống
hữu, những hội nghị toàn quốc và địa phương nối nhau không dứt, những hô hào la
hét từ trong nhà ra ngoài đường như một lũ hoá rồ, các quan hệ xã hội và các
giá trị thay đổi soành soạch thì còn biết đằng nào mà sống. Vả lại các cuộc
cách mạng ấy chả đem lại bất cứ lợi lộc nào, cho bất cứ giai cấp nào. Chỉ có những
mất mát thôi, người giàu thì mất cơ nghiệp được kiến tạo từ nhiều đời, người
nghèo thì mất những chỗ dựa cạy, có thể mất cả công việc kiếm sống mỗi ngày để
được làm chủ một cái rỗng không. Có thực mới vực được đạo, đã đói ăn thì ngay đến
cái tư cách làm người cũng không thế có nói gì đến đạo. Thành thử cái chủ
trương rất quyến rũ, rất “văn nghệ”, nhất là với giới tri thức, của chủ nghĩa
Mác “cải tạo thế giới, cải tạo con người” hoá ra chuyện không đâu, nói cho vui,
bây giờ người ta cũng hay nhắc đến để chế giễu một học thuyết xã hội chứa đầy
những hoang tưởng.
10.
Do
không hiểu con người cá nhân, hoặc chỉ hiểu theo những phân tích máy móc, nông
cạn của chủ nghĩa duy vật cơ giới của thế kỷ 19, nên các nước xã hội chủ nghĩa
mới dám đặt ra những mục tiêu huênh hoang nhằm cải tạo con người trong vài thập
kỷ nếu môi trường xã hội thay đổi. Nên mới gọi nhà văn là “ kỹ sư tâm hồn ” !
Văn chương do con người làm ra để trao tặng cho con người một cách tự do nhất,
ít bị ép buộc nhất. Chỉ có văn chương mới tôn trọng mọi giá trị của cá nhân,
tôn trọng mọi lựa chọn của cá nhân kể cả những thành kiến phi lý của họ. Họ có
quyền yêu mình hoặc ghét mình , tôn vinh mình hoặc nguyền rủa mình, chả sao cả.
Người viết cứ viết người ghét cứ ghét kể cả cái quyền ném sách vào lửa. Cái mục
đích “ tải đạo ”, “ giáo dục ” của văn chương không bao giờ lộ liễu, lộ liễu là
văn chương tồi. Vả lại chính người viết cũng không có ý định ấy, họ viết bằng
tâm sự thành thật của mình, những trải nghiệm đau đớn của mình, họ viết cho họ
trước rồi cho độc giả sau, có khi họ cũng chả nghĩ đến những người sẽ đọc họ,
viết mà chơi thôi, viết để giải sầu rồi tự mình ngậm ngùi với mình, ứa lệ với
riêng mình. Chả trách ai cả, chả giận ai cả, cũng chả lên án một ai. Vì không
có vật cản nào nảy sinh trong ta khi đọc nên chữ nghĩa của tác phẩm cứ mặc
nhiên trôi vào tận những kẽ ngách trong cái tâm sự u uẩn, những khát vọng thầm
kín của riêng ta, đọng lại trong ấy, rồi cứ thẩm thấu dần dần vào cái thế giới
tinh thần của ta một cách vô thức, giúp ta nhận ra một vùng sáng mới lạ nào đó,
gột rửa một vài thành kiến, thay đổi một vài quan niệm, và ta vẫn nghĩ một cách
khoan khoái là chính tự ta đã chủ động thay đổi, tuyệt nhiên không theo lời chỉ
bảo của một ai cả, của một học thuyết nào cả, hoặc nhập vào một cách bất chợt một
phong trào thời thượng nào cả. Bất cứ cái gì xa lạ với bản tính của mình, với
thói quen của mình, nói một câu, với những gì làm nên lai lịch của mình, chả sớm
thì muộn đều bị đào thải để mình lại được trở về với cái nguyên gốc. Tôi được
biết có một cụ linh mục yêu nước và cấp tiến được cách mạng tín nhiệm mời lên
khu làm việc cho kháng chiến thời đánh Pháp. Những khi ngồi một mình cụ vẫn rất
buồn vì ở trong rừng không có nhà thờ để cụ đi lễ và làm lễ. Cụ nhớ Chúa, nhớ
bày chiên và nhớ cả những lời nói của đấng chăn chiên với bày chiên trong công
việc của mỗi ngày. Khi cụ sắp mất cụ thiết tha yêu cầu được một linh mục đang
coi sóc một xứ đạo nào đó tới rửa tội và xức dầu Thánh cho cụ. Lại một chuyện
khác, khi tôi được tiếp xúc với một vị lãnh đạo cấp cao của Đảng khi ông đang
còn làm việc, quả thật tôi đã từng nghĩ ông là con người kiểu mẫu của một xã hội
tương lai, chả nói gì, nghĩ gì về mình, tất cả cho tổ quốc, cho sự nghiệp, cho
nhân dân. Nhưng rồi ông bị mất chức vì không được bầu lại vào uỷ ban trung ương
của Đảng, một chuyện rất bất ngờ với nhiều người. Khi đại hội công bố kết quả bầu
cử, nghe nói ông đã oà khóc, rồi khóc thầm lén tới mấy năm, không đi đâu cả,
không gặp ai cả vì tự cho mình đã bị sỉ nhục, đã mất hết danh dự. Lại là một
con người khác, tầm thường hơn cái lúc còn đeo tấm bài ngà rất nhiều. Con người
mặc nhiều lớp áo là con người giả, con người đã bị lột truồng mới là con người
thật. Con người đã bong một lớp sơn phủ kín chỉ còn trần lại cái lõi của nó mới
là thật. Cái vỏ có thể luôn luôn thay đổi nhưng cái lõi muốn thay đổi phải mất
có khi gần một đời người. Ấy là chỉ dám nói là có thể thay đổi chứ không dám
nói chắc là sẽ thay đổi. Chỉ vì con người ta không chịu thay đổi theo những
tiêu chuẩn đã được quy định hoặc theo mức tăng trưởng thu nhập tính theo đầu
người. Sự phát triển của con người theo chiều hướng tích cực phụ thuộc rất nhiều
vào môi trường sống tự do và dân chủ để tự nó khẳng định chính nó, tự nó đánh
thức mọi tiềm năng sáng tạo đang nhen nhóm ở trong nó. Về cái thế giới tinh thần
của mỗi cá nhân hãy để cho mỗi cá nhân tự lo liệu lấy, nó không thích người
khác can thiệp bằng bất cứ cách nào. Nó sẽ biết cách tự điều chỉnh để thích ứng
dần với mối quan hệ mới một cách có lợi nhất.
11.
Trong
nửa thế kỷ sống dưới sự lãnh đạo của một Đảng theo học thuyết Mác Lê, tôi luôn
luôn được nhắc nhở phải tôn trọng quần chúng, sức mạnh của quần chúng có thể
thay đổi dòng chảy của lịch sử và số phận của nhiều cá nhân. Nhưng cũng thật trớ
trêu, không có một chế độ cộng hoà nào ở thế kỷ 20 lại dám coi thường quần
chúng như tại các nước xã hội chủ nghĩa. Sống trong thể chế này suốt mấy mươi
năm không có một cuộc biểu tình nào được tổ chức để phản đối một chính sách nào
đó của nhà nước. Như thời làm cải cách ruộng đất hay thời huy động nông dân vào
các hợp tác xã nông nghiệp. Giám đốc xí nghiệp nhà nước tham ô, mức sống của
công nhân giảm sút cũng không có đình công. Nông dân bị kẻ cường quyền đàn áp,
làm nhiều việc trái pháp luật, vừa mới nhen nhóm bày tỏ sự bất bình liền bị giập
tắt ngay. Vì người lãnh đạo đã nhận định rất đúng rằng, nhân dân ta rất tốt, rất
dễ bảo, bỗng dưng họ dám nói xược, dám đòi hỏi này nọ là do có mấy thằng cán bộ
về hưu bất mãn cầm đầu. Cứ nhắm mấy thằng đó mà đe, nếu cần thì bắt là đâu vào
đấy ngay. Quả nhiên thế thật. Tức là người cầm quyền chả coi dân chúng vào đâu.
Họ chỉ sợ các cá nhân hiểu nhiều biết rộng, rất khó bắt nạt, là hay bày trò xúi
giục thôi.Giống hệt cái thời còn vua còn Tây, kẻ cai trị rất sợ người cộng sản
vì họ là kẻ hay gây rối. Đã là người cầm quyền với nước ta thì xưa là thế nay vẫn
là thế, người dân vẫn sống dưới chế độ chuyên chế chứ chưa bao giờ được biết chế
độ dân chủ là gì, đâu là dân chủ tư sản. Đã chuyên chế là chuyên chế làm gì có
sự phân biệt chuyên chế tư bản với chuyên chế vô sản.
Người
cộng sản rất kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, nhưng lại chính từ các nước xã
hội chủ nghĩa mà cái tệ sùng bái cá nhân đã nảy sinh. Vì lãnh tụ của học thuyết
cũng là lãnh tụ của quốc gia. Họ lên cầm quyền không do phiếu bầu mà do tín nhiệm
sẵn có của các tín đồ với giáo chủ. Giáo chủ là nhân vật tối linh, thuộc về
thiêng liêng nên những gì của thế gian không thể ràng buộc ông ta được. Ông ta
cầm quyền không có niên hạn vì ông phải phục vụ nhân dân cho tới lúc chết. Ông
không phải tự phê bình và cũng không ai dám phê bình ông vì ông là biểu tượng của
quốc gia, của Đảng cầm quyền, đứng trên hiến pháp và mọi luật pháp. Ông là người
tự do hoàn toàn so với nguyên thủ các quốc gia dân chủ khác. Các cấp dưới từ
trung ương tới địa phương cũng là những người có nhiều tự do nhất ở các ngành,
các bộ và các địa phương họ cầm quyền. Là các lãnh chúa trong các lãnh địa của
họ. Chả ai dám xâm phạm nếu còn muốn giữ cho mình một chút tự do cỏn con. Một
xã hội có hàng triệu cá nhân không được đếm xỉa, không được tôn trọng nhưng một
nhúm cá nhân lại được tôn vinh hết mức và được được hoàn toàn thoả mãn trong mọi
nhu cầu là cái xã hội gì đây, là xã hội kiểu mẫu cho nhân loài tương lai ư ?!
Nói miệng mấy chuyện kỳ cục này đã khó nghe, lại còn viết thành văn mà các nhà
văn không thấy ngượng sao ? Ngượng thì vẫn ngượng nhưng chả lẻ lại gác bút, gác
bút thì nuôi vợ con bằng gì ? Nghĩ tới miếng ăn lại phải quên hết để sự bán
mình cho quyền lực được hoàn toàn. Năm đất nước mới thống nhất vào Sài Gòn được
gặp gỡ các nhà văn nhà báo, các nghệ sỹ của chế độ cũ mà thèm. Họ sống thoải
mái quá, nói năng hoạt bát, cử chỉ khoáng đạt, như chưa từng biết sợ ai. Còn
mình thì đủ thứ sợ, sợ gặp người thân vì chưa rõ họ có liên quan gì với Mỹ nguỵ
? Nói cũng sợ vì nói thế là đúng hay sai ? Đến vẻ mặt của mình cũng phải canh
chừng, vui quá sợ mất cảnh giác, khen quá có thể đã ăn phải bả của nền kinh tế
tư bản. Người lúc nào cũng căng cứng, nói năng gióng một nên bị bà con trong
này chê là quê, nhà văn nhà báo gì mà “ quêmột cục ”. Giải thích chuyện này
cũng chả khó, họ là sản phẩm của nền kinh tế công nghiệp tư bản, dẫu là thuộc địa
cũng vẫn thuộc hệ thống tư bản, vẫn là những người đã được giải phóng khỏi nhiều
ràng buộc từ quá khứ trong cách nghĩ, trong cách làm. Còn mình là sản phẩm của
nền kinh tế nông nghiệp phong kiến, đâu đã được làm chủ nhân ông nhưng cũng
chưa từng được hưởng cái mùi vị tự do và dân chủ là thế nào ! Cái khoảng cách ấy
có tính thời đại không thể bỏ qua mà cũng không thể rẽ tắt. Mình cũng đã đi tắt
suốt mấy chục năm, rất tiếc là lịch sử không công nhận cái lối đi ấy. Tôi còn sợ
rồi sẽ có ngày lịch sử sẽ trừng phạt mình vì cái tội muốn khôn hơn lịch sử, muốn
đánh lừa lịch sử !
12.
Các
đảng cộng sản đều coi phê bình và tự phê bình là cách giải quyết mâu thuẫn nội
bộ hữu hiệu nhất. Sự vật vận động sẽ sinh mâu thuẫn, giải quyết được mâu thuẫn
sự vật mới có cơ hội phát triển, tiến lên.Phủ định và phủ định của phủ định,
nghe vừa khoa học vừa huyền bí, như câu thần chú : “Vừng ơi, mở cửa ra !”, cứ đọc
to lên là cánh cửa vào tương lai sẽ mở toang. Các nước xã hội chủ nghĩa vẫn đọc
to câu thần chú ấy trong nửa thế kỷ mà cánh cửa vào tương lai vẫn đóng chặt. Mất
thiêng rồi chăng ? Quả là đã mất thiêng vì người hô không hề tin một chút nào
vào cái khả năng kỳ diệu của nó. Nếu tin vào phê bình và tự phê bình thì Stalin
đã không chế ra các vụ án chính trị man rợ để tiêu diệt các đối thủ vốn là tay
trái tay phải của mình trong những năm đó. Nếu tin vào câu thần chú ấy thì Mao
Trạch Đông đã không bày ra tấn tuồng “cách mạng văn hoá” để tiêu diệt mọi kẻ
dám can ngăn những chủ trương đầy tính phiêu lưu của ông. Ấy là nói về những
người nắm quyền lực cao nhất, còn những người nắm những cơ quan quyền lực thấp
hơn cũng chả bao giờ họ tin vào cái phương pháp lãng mạn đó cả. Trong các cấp uỷ
họ vẫn tự phê bình và phê bình nhau một cách sốt sắng giả dối. Và ai nấy đều tự
bằng lòng hơn sau những lễ xưng tội giải tội hết sức vui vẻ này. Và mọi thói xấu,
kể cả tội ác nữa, vẫn nghiễm nhiên tồn tại như trước đây, vẫn là những vùng cấm
chỉ những kẻ quá chán đời mới dám đơn độc xông vào. Bởi vậy khi ông tổng bí thư
của Đảng mới được bầu, trong cơn phấn khích đổi mới sinh hoạt đảng, đã phát động
một phong trào tự phê bình và phê bình rộng khắp toàn đảng, các đảng bộ trong cả
nước đều nhiệt liệt hưởng ứng, đều nhắc lại với lòng nhiệt thành hiếm có trong
các bài diễn văn có đảng tính cao của họ. Đó là một màn diễn khổng lồ, rất tốn
kém, chả đem lại bất cứ kết quả nào. Vì chỉ là diễn thôi, người cũ kẻ mới đều
vào vai rất thành thạo. Rút cuộc kẻ có tội vẫn ngày càng hung hãn, càng tự tin,
còn người tố tội càng lúc càng dè dặt, hãi sợ. Kỳ quái nhỉ ?
Các
tín đồ của học thuyết Mác đều rất tin môi trường xã hội và hoàn cảnh cá nhân có
ý nghĩa quyết định tới sự hình thành tính cách con người. Một địa phương có nhiều
phong trào cách mạng tích cực ắt phải sản sinh ra nhiều tập thể tốt, một tập thể
tốt sẽ sinh ra nhiều cá nhân tốt. Con người là một thực thể vật chất nên không
thể thoát ly những điều kiện vật chất đã cho phép nó tồn tại. Nhưng nó còn là một
thực thể sinh học, một thực thể tinh thần, tâm linh, văn hoá bao gồm lịch sử cá
nhân và dòng họ ở trong nó. Nó cũng không thể biết hết nó, không thể biết hết
những phản ứng bất thần trong chính nó khi vấp phải những đối nghịch trong cuộc
sống. Nên cái thế giới tinh thần, tâm lý của con người là rất đa dạng, phức tạp,
có muôn vàn lối đi ngoắt ngoéo. Từ thời con người có ngôn ngữ để giao tiếp, có
chữ viết để lưu lại, có văn chương để bày tỏ những bí mật của riêng rình, nó vẫn
không ngớt than thở là chả biết được bao nhiêu về mình và đồng loại. Con người
vẫn nguyên vẹn là một bí mật mênh mông, sâu thẳm như từ thủa nguyên sơ vậy. Người
cộng sản phải kiêu ngạo lắm mới dám bày cái trò chỉnh huấn phê bình để lãnh đạo
một cách chuẩn xác cái phần khó nắm bắt nhất trong con người. Vì nó biến hoá,
nó phù du như mây như gió vậy.
13.
Con
người có 2 mắt đều hướng ra cái thế giới vật chất bên ngoài, không có con mắt
nào hướng vào trong để ngắm nghía, kiểm soát cái thế giới tinh thần của nó nên
nó bị mù một nửa, cũng như nó không có cái tai bên trong nên không thể nghe được
những tiếng thì thầm rất nhỏ mỗi đêm trong chính mình. Hai cái khuyết tật bẩm
sinh ấy đã làm con người thiếu hoàn chỉnh, là nguyên do mọi đổ vỡ của nhiều
danh nhân dũng tướng vào những năm cuối đời. Nhưng cũng có một số ít người có
khả năng nhìn được sự vận động cả trong lẫn ngoài, nghe được những tiếng động rất
nhỏ cả ngoài lẫn trong. Họ không có cấu tạo vật chất đặc biệt nào mà chỉ bằng
cái năng lực tinh thần rất mạnh đã bù đắp được những khiếm khuyết bẩm sinh. Nhiều
tập hồi ký của các danh nhân cả chính trị lẫn văn hoá đều thiếu cái phần còn
nhày nhụa của họ, cái phần thú vật của con người nơi sản sinh ra những tội ác
chưa hình thành, cái què quặt, cái buồn cười đã được kiềm chế đúng lúc, đã được
giấu nhẹm, cái phần họ muốn quên đi và rất dễ trở thành lang sói với đồng loại
nếu trong đồng chí, đồng nghiệp còn có người biết đến và nhớ tới. Cuộc chiến đấu
lớn, có tính bi kịch giữa mình với mình bao giờ cũng hoành tráng, cũng đẹp, rực
rỡ những màu sắc đối nghịch vì nó đã bộc lộ đầy đủ nhất cái phẩm chất LÀM NGƯỜI
trong mỗi CON NGƯỜI. Không phải bất cứ ai cũng tạo ra được trận chiến thần
thánh ấy, vì chiến trường ở ngay trong lòng mình, mình vừa là kẻ thách đấu vừa
là kẻ dám nhận đấu, dẫu thua cũng là cái thua của thần thánh. Một công việc
trang trọng đến thế, hùng tráng đến thế mà lại dám nghĩ là công việc của số
đông, của những người chưa hề chuẩn bị một cái nhìn bên trong, một cái nghe bên
trong cho riêng mình, cả đời họ sống trong tự mãn, trong u mê, bất thần mời gọi
hãy nhìn lại mình, hãy nhìn lại người để có được những phán xét và điều chỉnh
chuẩn xác ! Ông tổng bí thư đã mở một cuộc chiến ảo nên ông cũng chỉ nhận được
những kết quả ảo.
Một
đảng, một thể chế chính trị lấy phê bình và tự phê bình làm vũ khí sắc bén để
giải quyết mọi mâu thuẫn nội bộ, giả thử nó lại không còn dùng được nữa thì các
mâu thUẫn sẽ được hoá giải bằng cách nào ?Đảng đối lập không có, dư luận đối lập
qua báo chí và các cuộc biểu tình quần chúng cũng không có, vậy làm cách nào để
biết và điều chỉnh mọi sự rắc rối, thậm chí cả bạo loạn nữa nếu nó xảy ra ? Vẫn
có cách, là phải tạo ra một tình hình chính trị luôn căng thẳng (một cuộc chiến
tranh có thể xảy ra, một cuộc bạo loạn có thể xảy ra) để buộc các công dân phải
sống trong những quy chế nghiêm ngặt của thời chiến, ở các chế độ toàn trị chỉ
có hai cơ quan mà quyền uy bao trùm cả xã hội. Đó là cơ quan tư tưởng, tuyên
truyền và cơ quan công an. Một để chặn, một để chống. Còn khi đã có chuyện bất
thường xảy ra thì chỉ có một biện pháp : đàn áp, bắt giữ, lập toà án xét xử những
kẻ cầm đầu. Cách giải quyết vừa nhanh gọn lại mau ổn định, không dây dưa, phiền
toái vì có quá nhiều luật lệ, qua nhiều lý lẽ như ở các nước tư bản. Những rối
loạn vặt vãnh thật ra là nước là không khí của các nhà cầm quyền độc tài. Họ
đâu có sợ loạn. Họ còn bày ra những cuộc chiến cung đình như ở Liên Xô và các
nước Đông Âu, hay một cuộc chiến giữa nhân dân với nhau như đã làm ở Trung Quốc.
Không có mùi vị của thuốc súng, của máu người và những tiếng la hét cuồng nộ của
đám đông thì người cầm quyền biết thở bằng gì !
14.
Tập
thể không làm ra văn chương vì nó không có cảm nghĩ riêng, tâm sự riêng, tính
cách riêng. Nó là vô danh. Một tâm sự mãn nguyện, những tiếng cười hoan lạc, một
kiếp người quá đầy đủ cũng không thể có chỗ đứng trong văn chương. Vì văn
chương bao giờ cũng thuộc về những tiêng kêu của con người để đòi lại những gì
còn thiếu : thiếu tự do, thiếu công bằng, thiếu hạnh phúc… Đời người là bể khổ,
những khao khát về tinh thần của con người là vô cùng nên mới cần có văn chương
và nghệ thuật để bù lại. Còn mọi thứ đều được biết, đều đầy đủ, đều mãn nguyện
thì tôn giáo không còn, triết học không còn, và tất nhiên văn chương cũng không
thể còn. Nó sẽ chết vì bị ngạt, vì không còn những khoảng trống huyền bí để suy
nghĩ, để mơ mộng và để thở. Những gì mà chủ nghĩa cộng sản hứa sẽ thành hiện thực
trong tương lai thì cái hiện thực ấy sẽ giết chết cả loài người. Vì thượng đế
đâu cần những con dòi béo quay lúc nhúc dưới chân Ngài. Cũng may đó chỉ là những
lời nói dối, tự dối mình và dối người của những con người đã phải sống nhiều
trăm năm trong cùng khổ, trong tuyệt vọng. Còn hướng tới thiên đàng ư ? Là
thiên đàng trần gian hay thiên đàng thượng giới cũng không một ai có thể sống nổi.
Sống không lo nghĩ, không mong muốn, không đấu tranh là kiếp sống con dòi rồi.
Chả lẽ những con dòi cũng có thể cất cao những cái đầu múp míp của chúng để làm
ra triết học và thơ ca !
Những
điều viết trên đây không do tôi tưởng tượng ra mà do những trải nghiệm bản thân
mà có. Những năm còn trẻ cả vợ lẫn chồng đều ăn lương quân đội, lại phải nuôi
dưỡng những bốn đứa con, nhà ở ven bãi sông năm nào cũng phải chạy lụt, lại quá
chật có 15 mét vuông. Ăn thì mì hai phần gạo một phần, gạo phải nhặt sạn cả buổi
mới dám nấu thành cơm. Còn thức ăn ư ? Chả nói nữa ai cũng ăn như thế, ăn dưa
ăn mắm suốt mấy chục năm đã hoá quen. Cả nhà chỉ có hai cái giường, một cái
bàn, hai cái ghế, tiếp khách ở đấy, mời cơm khách ở đấy, con học bài cũng ở đấy,
và ông bố viết văn cũng chỉ có cái bàn ấy. Đêm đêm nằm cạnh hai thằng con trai
lớn đạp ngang, quẫy dọc, rắm đánh thối um, vừa quạt cho hai thằng con ngủ tôi vừa
mơ mộng đến một ngày nào đó, các con đã trưởng thành, tôi có được một phòng
riêng để viết và tiếp bạn, mỗi bữa cơm đều có cá hoặc thịt, có cả chút rượu nữa
càng hay. Tôi không phải lo nuôi con, không phải lo cả trăm thứ vặt vãnh để tồn
tại, chỉ có đọc sách, ngẫm nghĩ, đi chơi đây đó với bạn bè và viết, ắt hẳn tôi
sẽ viết được một hai cuốn sách để đời. Bây giờ tôi đã ngoài bảy chục tuổi, đã
có đầy đủ những gì tôi khao khát, có thể nói còn hơn cả khao khát. Tôi đã sống
đầy đủ, sang trọng nữa, hơn nhiều nhà văn tôi được biết ở các nước Đông Âu. Và
tôi đã nghĩ nếu chủ nghĩa cộng sản thành công ở Việt Nam thì cũng chỉ cho được
tôi đến thế. Khốn nỗi, lúc này tôi đâu còn năng lực làm việc bằng trí tuệ nữa
mà cũng chả có nhu cầu nào phải đòi hỏi. Cuộc sống được vỗ béo của một kẻ ăn
không ngồi rồi đã giết chết mọi tư tưởng ở trong tôi, rồi giết luôn đến đội
quân chữ nghĩa, chúng đã hoá ra rỗng tuếch, vô hồn. Nhà văn mà hết chữ thì chỉ
là cái xác chết. Xác chết con người với xác chết con dòi có gì là khác mà phải
phân biệt !
15.
Tôi
có một tuổi thơ rất buồn, lại sống với những người có số phận buồn nên mới 14,
15 tuổi đã nhìn đời như một ông già. Tức là một cái nhìn không mấy lạc quan.
Cái xã hội tôi đang sống không mấy hoàn hảo, những người tôi gặp cũng không được
hoàn hảo. Tôi quen thuộc với những gì không hoàn hảo tới mức gặp những gì quá đẹp,
quá chu toàn tôi đều ngờ, đều sợ. Người truyền cho tôi cái nỗi sợ bẩm sinh ấy
là mẹ tôi. Bà đã qua một đời chồng rồi mới gặp được bố tôi. Đời chồng trước mọi
sự đều tốt đẹp, ông ấy còn trẻ, có địa vị trong xã hội, nhà giàu, lấy nhau được
một năm lại sinh con trai. Mà rồi chỉ ở với nhau được ba năm phải bỏ. Đời chồng
sau thì dở, dở cả mọi đằng. Bố tôi cũng còn trẻ, làm tham biện ở phủ thống sứ,
nhưng ông đã có vợ và hai con nên phải làm lẽ và lấy giấu. Mẹ tôi bảo thế là
đúng số, là đã anphận, nhưng lại lo bố tôi sẽ bỏ khi cuộc ăn chơi này gây thêm
phiền phức cho cái gia đình chính thức của ông. Hai anh em tôi là bản sao
nguyên mẫu của bà. Những gì nhận được từ tuổi thơ mãi mãi hằn dấu lên cho đến hết
cuộc đời chúng tôi. Nhìn bên ngoài tôi có tướng con nhà phong lưu nhưng cái ruột
của tôi lại thuộc về con cái của những gia đình nghèo, lại chả có thế thân gì
nên rất biết phận, cho thì nhận, không cho cũng không đòi, chỉ cầu không có ai
quấy nhiễu là mừng. Em trai kém tôi năm tuổi, lấy vợ muộn, về hưu sớm, lúc trẻ
thì thay anh hầu hạ mẹ, về già thì đi chợ nấu cơm, giặt quần áo thay vợ chăm
sóc các con. Cả đời chỉ biết cười, cái cười nhẫn nhục, bằng lòng với những gì
mình có. Tôi thì khác, một cuộc sống bên ngoài ai cũng biết là khiêm tốn, nhẫn
nại, ít làm phiền người khác và chả dám gây sự với một ai. Nhưng cuộc sống bên
trong cũng có nhiều tham vọng, làm quan hay làm anh nhà giàu thì không dám vì
tôi không có bản lĩnh tiến thân bằng hoạn lộ hay kinh doanh. Tôi chỉ có một ao
ước duy nhất là được viết văn cho đến già. Với cái tài tôi tự biết, tôi phải sống
rất lâu và viết rất nhiều may ra mới được một hai cuốn sách hay, mà cũng chỉ
hay trong cái thời của nó chứ không thể hay ở mọi thời. Tôi tự nhận tôi là người
có một con mắt bên trong và một cái tai bên trong từ nhỏ. Để quan sát, nghe
ngóng những người khác họ yêu mình hay ghét mình. Càng lớn tuổi cái khả năng tự
xét mình của tôi càng sắc nhọn. Và tôi đã nhận ra cái lợi của phép giấu mình.
Trang Tử đã nói : Con chim bay cao thì tránh được tên, được bẫy, con chuột đào
hang sâu thì tránh được cái hoạ bị khói hun.
16.
Khi
tôi nói, tôi sống và viết cũng thoái mải, vui vẻ trong một chế độ chuyên chế về
tư tưởng cứ như là người nói dối, lại nói dối một cách trơ tráo, sống sượng.
Nhưng đó là lời nói thật, không thật với nhiều người nhưng với tôi là thật. Tôi
được thay đổi số phận từ cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945. Chín năm đánh Pháp
với nhiều người là rất dài, với tôi lại rất ngắn vì tôi được sống trong niềm
vui, trong những cái khác thường và cả trong nhiều hi vọng. Nhiều anh trong cơ
quan tuyên huấn của quân khu đều xuất thân từ các gia đình viên chức nhỏ, địa
chủ nhỏ, được ăn học đàng hoàng đến hết bậc cao đẳng tiểu học đã có những thói
quen, những nền nếp của cuộc sống thị dân từ nhỏ. Họ rất thích quan sát những
phản ứng của tôi khi phải đối mặt với mọi thiếu thốn của cuộc sống kháng chiến.
Vì nhìn ngoài tôi như một thưsinh con nhà quý tộc chưa từng biết cái thiếu cái
khổ là gì. Những việc làm rất tự nhiên của tôi đều được đánh giá phải có nhiều
nghị lực, nhiều quyết tâm mới làm được thế. Tôi vẫn sống như xưa kia, ngày xưa
thì bị chê bị chửi, bây giờ lại được khen, được tuyên dương, người cứ lâng lâng
như nhập đồng, còn biết cái thiếu là gì cái khổ là gì. Nếu so sánh thì trước
kia tôi chỉ là con số không, còn bây giờ tôi đã có một cái tên ký dưới các bài
báo, đã được nhiều ông anh trong cơ quan nhờ vả, đòi hỏi, bực tức hoặc khen ngợi.
Tôi đã được tách ra khỏi đám đông để tự bằng lòng mình và có cả chút ít “ kế hoạch
riêng ” cho mình nữa. Còn các anh hơn tôi dăm bảy tuổi thì đã có nhiều thứ để
so sánh những cái “ đã có ” trước kia và cái “ đang có ” bây giờ. Cái “ đang có
” của dân tộc thì nhiều, còn cái “ đang có ” của cá nhân như chả còn được bao
nhiêu. Những kiến thức lịch sử và xã hội, triết học và văn chương xem ra phải bỏ
đi quá nửa. Các quan hệ giao tiếp xã hội được dạy bảo từ thuở còn thơ nếu dùng
lại cứ vênh váo, buồn cười thế nào trong hoàn cảnh kháng chiến. Sống tinh tế,
tôn trọng người khác là cách sống của anh tiểu tư sản. Lòng thương người không
đúng chỗ cũng được xem như biểu hiện của một tính cách nhu nhược, không đáng
tin cậy. Còn những câu đùa thông minh, kín đáo ánh lên như một vệt sáng vui
trong cuộc sống đơn điệu, tẻ nhạt của mỗi ngày lại dễ bị đồng đội hiểu lầm là một
cách chế diễu của người có học với những anh em ít học. Qua mỗi cuộc chỉnh huấn
tầm vóc của mấy anh càng như nhỏ lại, mờ nhạt hơn, mất dần những vẻ riêng, cái
phần độc đáo riêng để nhập vào cái dòng chảy chung, vào cách nghĩ cách sống của
một tập thể bao bọc quanh mình. Đại để cái riêng của mỗi chúng tôi đã bị cái
chung nuốt dần như thế. Tôi thì sao ? Tôi đã có một may mắn lớn vì tôi thuộc về
số đông, một quần thể vô danh tồn tại âm thầm trong nhiều thế kỷ dưới chế độ
phong kiến. Cách mạng Tháng Tám đã nhất loạt giải phóng họ ra khỏi thân phận nô
lệ, tạo cơ hội cho họ phát triển những tài năng riêng của mình, chủ yếu trong
lĩnh vực quân sự để kịp thời phục vụ những nhu cầu của kháng chiến. Số đông
trong họ chỉ mới biết đọc biết viết từ ngày vào quân đội nhưng học rất nhanh
cách xây dựng một quân đội hiện đại với những cơ quan phục vụ cho công việc
tham mưu, tác chiến, hậu cần vì họ đã có được một ông thầy lý tưởng là quân đội
hiện đại của đối phương với ông tướng lừng danh trong thế chiến 2 của nó. Trong
chín năm đánh Pháp quân đội đã trở thành cái nôi đào tạo, nuôi dưỡng nhiều nhân
tài quân sự của thời hiện đại, cả những tài năng văn nghệ phục vụ trong quân đội,
nó là tổ chức tiên tiến nhất của xã hội Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ 20. Trong
chiến tranh người chỉ huy quân sự là hình tượng đẹp nhất, lãng mạn nhất vì họ
là con người của hành động, của đảm bảo chiến thắng, luôn ở vị trí thứ nhất,
còn con người của học thuyết chỉ ở vị trí đứng sau, trong nhiều trường hợp chỉ
là cái anh bàn thêm, nói góp. Còn những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội thì con
người lý luận có nhiệm vụ bảo vệ sự trong sáng của học thuyết chính thống ở
hàng đầu được tôn trọng và có quyền quyết định sự sống chết của nhiều người.
Chính là trong những năm này mới sinh ra nhiều vụ án chính trị và văn chương,
nay nghĩ lại vừa vô nghĩa vừa buồn cười nhưng thời ấy nó đã chôn sống nhiều tài
năng thực sự ở mọi lĩnh vực vì họ đã tỏ ra ngờ vực sự đúng đắn của tư tưởng
chính thống.
Một
nửa nước đã được độc lập nhưng lòng người tan nát vì tài sản một đời chắt chiu
của họ đã bị nhà nước tịch thu hoặc trưng thu khiến họ trở thành những người vô
sản bất đắc dĩ. Tầng lớp trí thức chả có tài sản gì ngoài cái đầu được tư duy tự
do, thì cái đầu cũng bị nhà nước trưng thu luôn, vì từ nay họ chỉ được nghĩ được
viết theo sự chỉ dẫn của một học thuyết, của một đường lối nếu họ không muốn giẫm
vào vết chân của nhóm “ Nhân Văn Giai Phẩm ”. Một dân tộc đã làm nên chiến thắng
Điện Biên Phủ mà mặt người dân nám đen, mắt nhìn ngơ ngác, đi đứng long rom như
một kẻ bại trận. Quả thật dân tộc Việt Namđã thắng lớn trong phong trào chiến
tranh giải phóng nhưng lại thua đậm trong công cuộc xây dựng một xã hội tự do
và dân chủ. Thoát ách nô lệ của thực dân lại tự nguyện tròng vào cổ cái ách của
một học thuyết đã mất hết sức sống. Dân mình sao lại phải chịu một số phận nghiệt
ngã đến vậy !
Một
xã hội tan nát, lòng người chĩu nặng những phiền muộn ưu tư, mà là những người
đã hết lòng hết sức với kháng chiến bằng cách này hay cách khác. Vậy nhà văn phải
viết như thế nào, phải viết cái gì để tạo được một hiện thực tràn đầy hy vọng
như các nhà lãnh đạo cách mạng yêu cầu.
17.
Những
năm 50, 60 của thế kỷ 20, với tôi là những năm tràn đầy niềm vui. Nhìn vào đâu
tôi cũng thấy tôi được, dân tộc tôi được. Nhưng cũng những năm ấy với hàng triệu
người dân thường lại là những năm đầy lo lắng, hãi sợ và tuyệt vọng. Tôi vui là
chuyện có thật, những trang viết của tôi vào những năm ấy là rất thành thật.
Nhưng nước mắt của người khác cũng là chuyện có thật, tôi có biết, có được chứng
kiến.Tôi nên nghiêng ngòi bút của tôi về phía nào. Về già tôi mới nhận ra nhà
văn phải nghe theo tiếng gọi của tình cảm, của trái tim, của cái phần thiện
lương trong con người mình. Nó đã bảo sai là sai, không có thứ lý luận nào chống
đỡ nổi. Vả lại văn chương bao giờ cũng đồng cảm với nỗi đau của con người, những
bất hạnh của con người. Chưa bao giờ vì sự mãn nguyện, sự thành công của con
người mà cất lên tiếng hát ca ngợi cả. Ở các thể loại nghệ thuật ngôn từ con
người phải chống chọi với mọi cảnh ngộ trái ngược chiếm gần hết các trang viết,
các màn diễn, còn khi người nghèo đã thành giàu, người hèn được bước vào thế giới
phú quý, trai gái phải chịu nhiều năm chia lìa tới lúc tái hợp là cuốn sách, vở
diễn phải chấm hết ngay. Nó đã kết thúc cái phần nghệ thuật để bắt đầu sang phần
tụng ca là cái thế giới của mãn nguyện của buồn chán, là cái phần phi nghệ thuật.
Nhưng người lãnh đạo lại chỉ thích cái phần không phải là nghệ thuật, tặng giải
thưởng, trao huân chương cho các tác giả chỉ để tưởng thưởng cái phần nhạt nhẽo
vô vị ấy mà thôi. Cái cách cảm nhận hiện thực đầy tính lãng mạn ấy đã làm lệch
lạc cách xem xét, cách ứng xử của nhiều thế hệ bạn đọc, nhất là bạn đọc ở tuổi
mới trưởng thành, trước những biến hoá muôn mặt của cuộc sống. Họ chỉ có mỗi khả
năng làm người phê bình văn học theo đường lối chính trị chính thống, tại sao
cuộc sống đẹp như thế mà nhà văn lại miêu tả nó xấu đến thế. Làm sao dám cãi,
hãy để cho những trải nghiệm của chính họ qua năm tháng sẽ âm thầm biện hộ giúp
mình thôi.
18.
Một
xã hội không tự hiểu mình, mỗi cá nhân cũng không tự hiểu mình, vàng thau, phải
trái, cao quý ti tiện lẫn lộn, các giá trị lẫn lộn bắt đầu từ sự không chuẩn
xác của ngôn từ. Câu mở đầu kinh thánh Cựu ước “ Thoạt Tiên Là Ngôn Ngữ…” (Au
conmmencement était le Verbe). Ngôn ngữ làm nên văn minh này, vì nó có thể lưu
giữ và truyền lại toàn bộ kinh nghiệm của nhiều đời trước cho nhiều đời sau,
càng ngày cái khả năng nhận thức càng gần đúng như nó có, khiến sự lựa chọn của
con người khách quan hơn, có hiệu quả tích cực trong quá trình chủ động thích ứng
với mọi đổi thay của môi trường sống và môi trường xã hội. Vậy mà ngôn từ lại
là cái mặt yếu nhất trong các lãnh vực thuộc thượng tầng kiến trúc ở các nước
xã hội chủ nghĩa. Công dân của các nước ấy dùng ngôn từ để che đậy chứ không nhằm
giao tiếp, hoặc giao tiếp bằng cách che đậy, “ nói vậy mà không phải vậy ” ! Nó
là cái vỏ cứng để bảo vệ mọi sự bất trắc, chống lại thói quen hay xét nét lời
ăn tiếng nói của công dân của mọi chính quyền chuyên chế. Cái cách tự bảo vệ ấy
lại càng rõ rệt ở cấp lãnh đạo và các viên chức nhà nước làm việc ở các cơ quan
quyền lực. Họ nói bằng thứ ngôn ngữ khô cứng đã mất hết sinh khí, một thứ ngôn
ngữ chết, ngôn ngữ “ gỗ ”, nói cả buổi mà người nghe vẫn không thể nhặt ra một
chút thông tin mới nào. Các buổi trả lời phỏng vấn báo chí, diễn văn tại các buổi
lễ kỷ niệm, báo cáo của Đảng, của chính phủ, của quốc hội, tất cả đều dùng các
từ rất mơ hồ, ít cá tính và ít trách nhiệm nhất. Người cầm quyền cấp cao nhất
và cấp thấp nhất đều biết cách nói mơ hồ, càng nói mơ hồ càng được đánh giá là
chín chắn. Và nói dối, nói dối hiển nhiên, không cần che đậy. Vẫn biết rằng nói
dối như thế sẽ không thay đổi được gì vì không một ai tin nhưng vẫn cứ nói. Nói
đủ thứ chuyện, nói về dân chủ và tự do, về tập trung và dân chủ, về nhân dân là
người chủ của đất nước còn người cầm quyền chỉ là nô bộc của nhân dân. Rồi nói
về cần kiện liêm chính, về chí công vô tư, về lý tưởng và cả quyết tâm đưa đất
nước tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Nói dối lem lém, nói dối lì lợm, nói không biết
xấu hổ, không biết run sợ vì người nghe không có thói quen hỏi lại, không có
thói quen lưu giữ các lời giải thích và lời hứa để kiểm tra. Hoặc giả hỏi lại
và kiểm tra là không được phép, là tối kỵ, dễ gặp tai hoạ nên không hỏi gì cũng
là một phép giữ mình. Người nói nói trong cái trống không, người nghe tuy có mặt
đấy nhưng cũng chỉ nghe có những tiếng vang của cái trống không. Nói để giao tiếp
đã trở thành nói để không giao tiếp gì hết, nói để mà nói, chả lẽ làm người lại
không nói. Thật ra nói thế mà vẫn hiểu nhau cả. Người cầm quyền thì biết là
nhân dân đang rất bất bình về nhiều chuyện, nhân dân thì biết người cầm quyền
đang nói dối, nhìn vào thực tiễn là biết ngay họ đang nói dối. Nhưng hãy mặc họ
với những lời lẽ dối trá của họ, còn mình là dân chả nên hỏi lại nói thế là thật
hay không thật.Mình cứ làm theo ý mình và mình cũng sẽ nói dối, nói che đậy nếu
như có dịp được người cầm quyền hỏi.
Trong
hàng trăm cuốn hồi ký của các nhà văn hoá, của những người hoạt động chính trị,
của nhiều tướng lĩnh, ta chả biết được bao nhiêu cái thế giới riêng của họ, cái
thế giới cá nhân của họ. Cái phần đóng góp của họ càng nhỏ thì cái ý nghĩa quyết
định của tập thể càng lớn, cái có tên thì bé tí xíu, vô nghĩa, cái không tên
thì bao trùm rộng khắp nhưng cũng không có hình thù rõ rệt, cứ mờ mờ mịt mịt,
có đấy mà cũng không có đấy, cái chung ấy chả phải chịu trách nhiệm với một ai,
có biết nó là ai mà truy cứu.
19.
Trong
cái bối cảnh xã hội, chính trị như thế, mỗi người đều ít nhiều đánh mất cái cá
nhân của mình cũng là lẽ đương nhiên. Nhà văn là chuyên viên nghiên cứu mọi
chuyện của cá nhân, những sắc thái tâm lý cùng với những biến hoá vô tận của nó
trong những hoàn cảnh khác nhau, những thời thế khác nhau. Nhưng đọc hồi ký của
các nhà văn cũng nhạt nhẽo lắm, họ chỉ phô diễn cái tôi trong các cuộc gặp những
bậc đàn anh và bạn bè trong nghề, nói toàn chuyện tào lao, vụn vặt, chuyện sinh
hoạt và chả đả động chút nào tới thời thế, tới những bức xúc về thời thế và cái
nghề của mình trong thời thế. Tính hiện thực và tính lịch sử của một thời rất mờ
nhạt, đơn giản, thành thử cái ý nghĩa truyền đạt những giá trị đích thực của một
thời tới các thế hệ đến sau hầu như không có. Đó là điều rất đáng tiếc, vì nếu
các chứng nhân không nói gì cả thì lịch sử cũng không thể cất lên tiếng nói
chân thực của nó, thời gian qua đi, bóng tối phủ lên, quên lãng phủ lên, cái thời
mở nước, giữ nước chỉ còn lưu lại những cột mốc của các chiến công, còn cuộc
chiến thầm lặng đã làm tan nát nhiều con người để con người được là chính mình,
được là một thực thể thiêng liêng, đền đài lưu giữ muôn thuở cái tài sản tinh
thần của một dân tộc, một dòng họ mãi mãi được vun xới, được phát triển tương ứng
với sự phát triển của dân tộc, của thời đại thì chưa được văn thơ nói đến, triết
học nói đến, các ngành khoa học nhân văn nói đến.
Dầu
không nói đến, không được phép nói đến thì cái dòng chảy vĩnh cửu ấy vẫn được
nhiều triệu người âm thầm khai thông, bồi đắp để các nhân tài Việt Nam không ngừng
xuất hiện lúc ở lãnh vực này, lúc ở lãnh vực khác. Một đất nước không có những
cá nhân kiệt xuất, tài ba làm chân dung đại diện trong cộng đồng nhân loại thì
đó là một bất hạnh cho dân tộc, tạo ra một khoảng trống tiếp nối trong lịch sử
sinh tồn của mỗi cá nhân. Rồi các thế hệ đến sau phải nối lại bằng cách nào vì
vẫn phải bắt đầu từ môi trường chính trị, xã hội, từ một xã hội vừa truyền thống
vừa văn minh, những mục tiêu nhắm tới vừa là phát triển cái riêng biệt, vừa là
sự hòa nhập vào nền văn minh của khu vực và thế giới. Một nền văn minh riêng lẻ,
với những mục tiêu hoang tưởng, một môi trường xã hội ngột ngạt vì cái bóng quyền
lực phủ lên tất cả, quyết định tất cả thì số phận những cá nhân sẽ ra sao ?
Hãy
nhìn vào nước Nga những năm 90 của thế kỷ 20 là sẽ rõ. Họ vừa thoát khỏi cái
bóng che của chủ nghĩa chuyên chế để được nhìn cái ánh sáng thật của dân chủ và
tự do. Ai chả nghĩ họ đã có cơ hội sải những bước chân dài khi đã bung phá mọi
sự trói buộc. Nước Nga mãi mãi là một siêu cường vì những thử thách lớn nhất của
một dân tộc là chiến tranh và cách mạng nước Nga đều đã trải qua mà vẫn tồn tại
vì đất đai mênh mông của mình và những tiềm lực vô hạn ẩn giấu trong đó cả vật
chất lẫn tinh thần. Phải vài chục năm nữa nước Nga sẽ là như thế nhưng trước mắt
thì không thể. Lý do rất đơn giản, kinh tế có thể phục hồi nhanh nhưng con người
phải có thời gian dài hơn nhiều nó mới có thể lấy lại những gì đã mất. Tầm vóc
cá nhân của người Nga trong non một thế kỷ dưới chế độ Xô Viết đã bị co hẹp lại
rất nhiều dầu họ vẫn được sống, được học tập và lao động trong những điều kiện
của một xã hội văn minh. Chỉ đáng tiếc cái văn minh của họ là một nền văn minh
tự tạo tách khỏi nền văn minh nhân loại, dựa trên những tiêu chuẩn mà tâm hồn
Nga không thể chấp nhận, không thể tiến hoá. Lại thêm trong non một thế kỷ người
Nga đã mất dần thói quen suy nghĩ độc lập, quyết định độc lập, mất dần cả tính
cách phản kháng và bảo vệ chân lý, con người quen sống trong đám đông, trong tập
thể, trong bầy đàn, không có cơ hội và sự khích lệ của xã hội để tạo ra những
chân dung riêng với những tư tưởng khác nhau, những triết lý khác nhau những
cách sống khác nhau. Mọi cái khác với chính thống đều bị lên án, mọi cái giống
nhau đều được tuyên dương. Vì những cái khác nhau rất khó tạo ra sự nhất trí,
còn những cái giống nhau sẽ dễ nghetheo, làm theo mọi mệnh lệnh. Người cai trị
sẽ rất dễ chịu, rất nhàn nhã nếu quốc gia mình cầm quyền được tổ chức giống như
trại lính, ông ta sẽ có dư thời gian để làm thơ hoặc viết tiểu thuyết, vừa có
cái bây giờ lại có cả cái sau này. Còn phải lãnh đạo một xã hội dân sự của các
công dân tự do thì có hàng trăm công việc đòi hỏi phải được giải quyết mỗi
ngày, mà cách thức giải quyết cũng rất phức tạp, nó yêu cầu phải đối thoại, phải
được tranh luận bình đẳng, phải thương lượng, phải luôn luôn thay đổi những chủ
trương mà dân chúng không bằng lòng. Và mọi việc làm đều phải tuân theo hiến
pháp và được xã hội kiểm tra thông qua hệ thống thông tấn báo chí. Chẳng những
người lãnh đạo phải bị kiểm tra những công việc thuộc về chức năng của họ mà
còn bị theo dõi rất nghiêm ngặt mọi sinh hoạt thuộc về đời tư của họ để ngăn chặn
kịp thời những vi phạm thuộc về đạo đức. Ở những xã hội văn minh thì người cầm
quyền bị rất nhiều luật lệ câu thúc, trói buộc, là người mất tự do nhiều nhất,
còn dân chúng thì được pháp luật bảo vệ đủ mọi đàng, càng ít bị trói buộc càng
tốt, càng có nhiều tự do càng tốt. Chỉ một xã hội được tổ chức như thế thì vị
trí cá nhân mới được tôn trọng, người có giá trị là người có cái TÔI mạnh mẽ, đầy
sức sống, đầy sáng tạo. Nên mỗi người đều có ý thức vun trồng những nét đặc sắc
của riêng mình, cái vẻ đẹp của riêng mình và con của cháu thành những gia đình
nổi tiếng, những dòng họ nổi tiếng làm cột chống cho một quốc gia. Một chế độ độc
tài khi phải đối mặt với những biến động lớn thường rễ bị nứt rạn, từ nứt rạn đến
tiêu vong, thời gian diễn ra rất nhanh vì nó chỉ có trụ đỡ là quyền lực của một
phe đảng, không có trụ đỡ về tinh thần của cả dân tộc. Một chế độ chính trị tồn
tại tới non một thế kỷ hay một nửa thế kỷ cũng là lâu lắm, đã tạo ra mấy thế hệ
ăn chung ở chung với nó, sinh con đẻ cái với nó mà khi nó chết không ai nhỏ được
một giọt nước mắt, có người còn nhẫn tâm đạp lên cái vừa chết đó rồi mới tiếp tục
bước đi, đủ biết người ta đã xem nó như vật bất thường, là quái thai, là tai hoạ,
thời thế đã bất thần xoá bỏ nó một cách êm dịu, không phải tốn đến máu cũng là
một may mắn phi thường. Có thể kết luận, một chế độ chính trị được xem là văn
minh hay lạc hậu, là sẽ tồn tại lâu dài hay chỉ có mặt trong khoảng khắc của lịch
sử là tuỳ thuộc vào cương lĩnh chính trị của Đảng cầm quyền có thật sự tôn trọng
những quyền của con người hay không, các cá nhân với những khác biệt, những phản
ứng, những bất tuân của nó có được đặt ở vị trí trang trọng trong hiến pháp hay
không ? Vì tiềm lực tinh thần của mọi cá nhân được vun xới, được phát triển
trong tự do là nền tảng vững chắc nhất của mọi thiết chế chính trị. Vì còn nó
ta có thể vững tin sẽ vượt qua mọi sóng gió bất thần của thời thế để mãi mãi tiến
về phía trước.
Viết
xong tại quận Bốn Thành phố Hồ Chí Minh ngày 27/5/2006
NGUYỄN
KHẢI
—————–
http://phannguyenartist.blogspot.com/2016/04/nguyen-khai-1930-2008.html
NNH: Bài này chắc chắn rất nên đọc. Nhưng dài quá. Để "tiêu hóa" từ từ vậy. Cám ơn Mõ Làng đã giới thiệu bài này.
Trả lờiXóaRa giêng ngày rộng thàng dài, rất nên dành thời gian để đọc và suy ngẫm.
Xóacác vị nhà văn chuyển đề tài dạng sám hối: Chê lan viên ,Nguyễn đình Thi....,và
Trả lờiXóa