Nhìn lại hai trận đánh lớn trên biển Đông
Đăng trọn 2 kì
Tác giả Lê Mai
I. Theo thiển nghĩ của tôi, bất
cứ trận đánh nào có ý nghĩa bảo vệ chủ quyền đất nước, dù xét về quy mô
tác chiến, lực lượng tham chiến hay vũ khí sử dụng hạn chế, vẫn phải
được coi là trận đánh lớn. Trên ý nghĩa đó, hai trận hải chiến Hoàng Sa
ngày 19.1.1974 và Trường Sa ngày 14.3.1988 giữ VN và TQ là hai trận đánh
lớn trên biển Đông.
Mà trận đánh lớn thực sự, bởi
ngay từ đầu, lãnh đạo cao nhất của hai bên đã nắm rất vững tình hình và
trực tiếp hoặc gián tiếp chỉ huy trận đánh Hoàng Sa.
Hiển nhiên, trận hải chiến Hoàng Sa không phải là một sự xung đột cục bộ ngẫu nhiên mà là một trận đánh mang tầm vóc quốc gia, đã được TQ trù tính kỹ.
Hiển nhiên, trận hải chiến Hoàng Sa không phải là một sự xung đột cục bộ ngẫu nhiên mà là một trận đánh mang tầm vóc quốc gia, đã được TQ trù tính kỹ.
Về phía VNCH, trong các ngày 16
và 17.1.1974, Tổng thống Thiệu lúc này đang đi kinh lý miền Trung đã
được báo cáo toàn bộ tình hình Hoàng Sa và sự khiêu khích của TQ. Tổng
thống trực tiếp viết: “Chỉ thị cho Tư lệnh Hải quân Vùng Một: Tìm cách
ôn hòa mời các chiến hạm Trung Quốc ra khỏi lãnh hải Việt Nam. Nếu họ
không thi hành thì được nổ súng cảnh cáo trước mũi các chiến hạm này.
Nếu họ ngoan cố thì toàn quyền sử dụng vũ khí để bảo vệ sự vẹn toàn lãnh
thổ Việt Nam Cộng Hòa”. Những người trực tiếp chỉ huy trận đánh từ Đà Nẵng là Đề đốc Lâm Ngươn Tánh và tướng Hồ Văn Kỳ Thoại.
Phản ứng của Tổng thống Thiệu rất
nhanh chóng, quả đoán, chỉ thị phát ra rất rõ ràng, thái độ rất kiên
quyết vì “sự vẹn toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa”. Nói gì thì nói, đó là
phẩm chất cần có của một người đang nắm trong tay quyền chỉ huy quân
đội. Làm sao chúng ta có thể hiểu nổi khi chủ quyền quốc gia bị đe dọa
mà quân đội lại tự trói tay mình, tuyên bố không can dự, đứng ngoài các
tranh chấp trên biển, cho đó là tranh chấp dân sự nên không tham gia?
Cùng lúc đó, tại Trung Nam Hải,
Mao Trạch Đông đang thẩm duyệt báo cáo khẩn cấp của Chu Ân Lai và Diệp
Kiếm Anh về hoạt động của hải quân VNCH tại khu vực Hoàng Sa. Mao nhanh
chóng phê chuẩn: “Trận này không thể không đánh”. (Năm 1979, Đặng cũng
lại nói về cuộc xâm lược VN: “Trận này không thể không đánh”). Diệp Kiếm
Anh liền triệu tập Đặng Tiểu Bình, bắt tay vào việc bố trí hành động
quân sự nhằm đánh chiếm Hoàng Sa của VN.
Đặng Tiểu Bình là người vốn có uy
vọng rất cao trong quân đội TQ, trực tiếp chỉ huy trận đánh Hoàng Sa –
trận hải chiến trên biển đầu tiên với nước ngoài của TQ. Ông ta là người
có nhiều ân oán đối với VN và lịch sử sẽ không quên các vết nhơ này
trong sự nghiệp của ông ta.
Đặng vừa được khôi phục công tác
sau mấy năm đi lao động cải tạo ở Giang Tây. Cuối năm 1973, Mao Trạch
Đông triệu tập cuộc họp Bộ Chính trị tại phòng đọc sách của mình. Mao
phán:
- Nay tôi mời đến một quân sư,
tên là Đặng Tiểu Bình. Ông này có nhiều người sợ, nhưng làm việc tương
đối quả đoán. Ra một thông báo làm Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên quân
ủy. Tôi nghĩ phải thêm một Bí thư trưởng cho Bộ Chính trị, song ông
không cần cái danh hiệu đó mà Tổng tham mưu trưởng kia. Tôi xin tặng ông
hai câu: trong nhu có cương, trong bông có kim, bên ngoài hòa khí một
chút mà bên trong là cả một công ty gang thép.
Bối cảnh của trận đánh là bấy
giờ, Hiệp định Pari mới được ký kết gần một năm. Hoa Kỳ với chiến lược
toàn cầu mới: rút ra khỏi Nam VN, hòa hoãn với LX, đột phá quan hệ với
TQ, khai thác sự đối đầu Xô – Trung. Dĩ nhiên VNCH không còn là ưu tiên
trong chiến lược của họ nữa. Viện trợ sút giảm và Tổng thống Thiệu đã
phải kêu gọi quân đội “đánh theo kiểu con nhà nghèo”. Thêm nữa, Hoa Kỳ
đã đi đêm với TQ, bỏ mặc Hoàng Sa cho TQ tấn công. Điều này đã được lịch
sử chứng minh. Hoàng Sa – một vị trí ở phía Đông VN có giá trị rất lớn
về quân sự, kinh tế không nằm ngoài dã tâm của TQ.
Như vậy, có thể thấy, âm mưu đen
tối chiếm toàn bộ Hoàng Sa của TQ đã nung nấu từ rất lâu, chỉ chờ thời
cơ là họ ra tay hành động. Chỉ cần nhìn vào sự bố trí lực lượng sau đây
của Quân ủy Trung ương TQ là rõ:
- Cử tàu 396, 389 của đại đội tàu
quét mìn số 10 thuộc căn cứ Quảng Châu và tàu 271, 274 đại đội săn tàu
ngầm số 73 căn cứ Du Lâm trong 2 ngày 17, 18 phải có mặt ở vùng biển phụ
cận cụm đảo Vĩnh Lạc, Hoàng Sa để làm nhiệm vụ tuần tra.
- Lệnh cho quân khu Nam Hải cử 4 trung đội vào đóng trên 3 đảo Tấn Khanh, Tham Hàng, Quảng Kim.
- Căn cứ Quảng Châu cử tàu 281, 282 của đại đội săn tàu ngầm số 74 vào gần cụm đảo Vĩnh Lạc làm nhiệm vụ cơ động.
- Đặt sở chỉ huy trên biển trên tàu 271 thuộc đại đội săn tàu ngầm số 73.
- Để phối hợp hành động của hải
quân, Quân khu Quảng Châu lệnh cho Trung đoàn 22 không quân thuộc Hạm
đội Nam Hải cử 2 phi đội máy bay chiến đấu, bay trinh sát tuần tra trên
bầu trời cụm đảo Vĩnh Lạc, đồng thời yêu cầu không quân thuộc quân khu
Quảng Châu cử một bộ phận làm nhiệm vụ sẵn sàng chi viện.
Do không đủ thông tin, một số tài
liệu cho rằng lực lượng hải quân VNCH mạnh hơn, vì có tàu to hơn? Thực
ra, hải quân VNCH chỉ có hai tuần dương hạm Trần Bình Trọng và Lý Thường
Kiệt, khu trục hạm Trần Khánh Dư và hộ tống hạm Nhật Tảo. Còn TQ đã
giương bẫy chờ sẵn, cộng thêm so sánh lực lượng hoàn toàn có lợi cho
phía TQ.
Nhưng sự quyết tâm, lòng dũng cảm
của hải quân VNCH làm cho quân TQ cũng phải nể phục. Sau đây là mô tả
của Sa Lực Mân Lực – tác giả TQ:
“Sáng sớm ngày 18.1, tàu Trần
Khánh Dư và Trần Bình Trọng của Nam VN trong mấy ngày qua vẫn lởn vởn ở
vùng biển gần đảo Cam Tuyền, lại đến gần tàu cá (?) số 407 của TQ, dùng
loa gào thét, buộc tàu cá TQ phải ra khỏi vùng biển này. “Không đi, coi
chừng chúng tao sẽ tiêu diệt cả tàu lẫn người bây giờ” – viên sỹ quan
Nam VN đe dọa. Trong khi đe dọa không có kết quả, cáu tiết, tàu Trần
Khánh Dư chạy hết tốc lực, lao thẳng vào tàu cá 407, phá hủy buồng lái
của tàu”.
“Sáng sớm ngày 19.1, sau một ngày
“thi gan” với hải quân TQ, hải quân Nam VN quyết tâm lợi dụng tàu chiến
hòng nuốt chửng các tàu tuần tiễu có trang bị kém hơn của hải quân TQ
(?), tiến tới chiếm cả cụm đảo Vĩnh Lạc”.
“Hai tàu Lý Thường Kiệt và Sóng
Gầm (có lẽ chỉ hộ tống hạm Nhật Tảo) giàn sẵn thế trận từ vùng biển phía
bắc đảo Quảng Kim tiếp cận biên đội tàu hải quân TQ. Còn hai tàu Trần
Khánh Dư và Trần Bình Trọng thì từ phía Nam tiếp cận hai đảo Tham Hàng
và Quảng Kim”.
“Tàu Lý Thường Kiệt giương cao
nòng pháo, lao thẳng vào biên đội hải quân TQ. Ỷ vào thế có lớp vỏ thép
dày, tàu Lý Thường Kiệt không những không thay đổi hướng đi, ngược lại
còn dùng mũi tàu húc thẳng vào tàu 396, làm hỏng cột đài chỉ huy, lan
can mạn trái và máy quét mìn”.
“Tàu Lý Thường Kiệt ngang nhiên
đi giữa 2 tàu hải quân TQ, lao về phía đảo Tham Hàng, Quảng Kim, sau đó
thả 4 xuồng cao su, chở hơn 40 tên sỹ quan binh sỹ Nam VN đổ bộ lên đảo
ngay trước mặt tàu chiến TQ”.
“Sau khi chiếm lĩnh vị trí có lợi
ở vòng ngoài, cả 4 tàu chiến hải quân Nam VN bỗng nhiên đồng loạt nổ
súng vào 4 tàu chiến của biên đội hải quân TQ. Dưới làn pháo dày đặc của
tàu địch, tàu chiến của hải quân TQ liên tiếp bị trúng đạn, một số nhân
viên bị thương”.
II. Ngay trong ngày 19.1.1974, Bộ
trưởng Ngoại giao VNCH đã ra tuyên cáo về những hành động gây hấn của
Trung Cộng trong khu vực đảo Hoàng Sa:
“Lực lượng Hải quân Trung Cộng
gồm 11 chiến đỉnh thuộc nhiều loại và trọng lượng khác nhau, kể cả một
tàu loại Komar có trang bị hỏa tiễn.
Để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và
nền an ninh quốc gia trước cuộc xâm lăng quân sự này, các lực lượng Hải
quân VNCH trấn đóng trong khu vực này đã ra lệnh cho bọn xâm nhập phải
rời khỏi khu vực.
Thay vì tuân lệnh, các tàu Trung Cộng, kể từ 18.1.1974, lại có những hành động khiêu khích như đâm thẳng vào các chiến đỉnh VN”.
“Cuộc giao tranh hiện còn tiếp diễn và đang gây thiệt hại về nhân mạng và vật chất cho cả đôi bên”.
“Làm ngơ để cho Trung Cộng tự do
tiến hành cuộc xâm lấn trắng trợn này là khuyến khích kẻ gây hấn tiếp
tục theo đuổi chánh sách bành trướng của chúng và sự kiện này đe dọa sự
sống còn của những nước nhỏ đặc biệt là những nước ở Á Châu”.
Không có chứng cớ cho thấy phản
ứng của Bắc VN. Tướng Võ Nguyên Giáp nhận được tin mất Hoàng Sa trong
khi đang chữa bệnh ở nước ngoài.
Kết thúc trận đánh, phía VNCH có
74 thủy thủ hy sinh, các tàu Trần Khánh Dư, Trần Bình Trọng, Lý Thường
Kiệt bị thương nặng, còn hộ tống hạm Nhật Tảo thì bị bắn chìm vào hồi
14h52 phút. Phía TQ có hai hộ tống hạm bị bắn chìm, hai trục lôi hạm bị
bắn hỏng, một đô đốc, sáu đại tá và hàng chục sỹ quan cấp tá, cấp úy
khác tử trận, 67 lính bị thương. TQ thừa dịp mở cuộc đổ bộ, giành lại 3
hòn đảo từ tay quân đội Nam VN. Từ đây, toàn bộ quần đảo Hoàng Sa rơi
vào tay TQ
Có thể thấy, khi trận hải chiến
Hoàng Sa nổ ra, Nam VN phải đối phó cùng một lúc từ hai mặt trận: phía
Đông và phía Bắc. Nam VN không thể tăng thêm lực lượng đánh trả cũng như
không thể tập trung lực lượng tái chiếm Hoàng Sa, từ đó dẫn đến việc
toàn bộ Hoàng Sa mất vào tay TQ.
Mười bốn năm sau, ngày 14.3.1988,
lại diễn ra một trận hải chiến ở Trường Sa, cũng giữa VN và TQ, được
gọi là cuộc chiến tranh 28 phút trên biển, đã làm cả thế giới quan tâm,
theo dõi, kết thúc bằng việc TQ lại giành thêm một số đảo nữa ở Trường
Sa, sau khi đã chiếm trọn Hoàng Sa.
Sau năm 1975, tổng quân số của
hải quân VN có khoảng 50 ngàn người, biên chế gồm một hạm đội, một lữ
thủy quân lục chiến, một lữ tàu pháo, 10 trung đoàn chiến đấu. Trang bị
có khoảng 100 chiếc hạm tàu chiến đấu, gồm tàu khu trục, tàu hộ vệ, tàu
quét mìn, tàu đổ bộ chở tăng, tàu ngư lôi, tàu tên lửa và tàu săn ngầm.
Nhìn chung, lực lượng và trang bị của hải quân VN lúc bấy giờ không lấy
gì làm mạnh lắm.
Trong trận hải chiến Trường Sa,
VN chỉ có 3 tàu chở vật liệu ra đảo. Cũng như trận Hoàng Sa, so sánh lực
lượng cho thấy sự hơn hẳn của TQ và TQ còn dành luôn ưu thế bất ngờ
trong trận đánh.
Ta hãy xem Sa Lực Mân Lực huyênh hoang nhưng đã để lộ sự bố trí và lực lượng của TQ:
“Trước tình thế khẩn cấp, bộ đội
hải quân ta lập tức xuất kích, hướng thắng về phía tàu địch xông tới,
đội tàu quân ta với 3 tàu hộ vệ làm chủ lực, đã tỏ rõ sức mạnh chiến đấu
của quân đội ta. Những chiến hạm kiểu mới được trang bị tên lửa biển
đối biển, pháo tự hành 100 ly hợp đồng tác chiến với tàu ngầm và các
loại hạm tàu kiểu mới khác, hình thành lưới lửa dày đặc, khiến quân VN
lâm vào thế trận bị động chịu đòn. Tàu đổ bộ 505 của Hải quân VN đang
tấn công vào đảo vội vã ứng chiến, còn hai tàu vận tải 604, 605 cũng tổ
chức bắn trả, vừa đánh vừa tìm cách rút lui. Trong tiếng pháo đùng đùng,
tàu vận tải 604 của Hải quân VN bị bắn chìm tại chỗ, tàu đổ bộ 505 bị
bắn trọng thương và chìm trên đường về, còn tàu vận tải 605 bị mắc cạn”.
Kết thúc trận đánh, phía VN có 64 thủy thủ hy sinh.
Thủ đoạn quen thuộc của TQ vẫn là
khiêu khích, lập luận của họ vẫn là đổi trắng thay đen, biến không
thành có một cách trơ trẽn. Họ chặn không cho tàu của Hội chữ thập đỏ
đến cứu các thủy thủ VN, đã thế lại nói ngược là TQ “với tinh thần nhân
đạo, còn tiến hành cứu giúp số người rơi xuống biển của phía VN”. Sau
trận đánh, TQ còn ngang ngược trao công hàm phản đối đến sứ quán VN tại
TQ, đòi “nhà cầm quyền VN phải chấm dứt ngay những cuộc khiêu khích vũ
trang đối với TQ ở vùng biển quần đảo Nam Sa và rút khỏi các đảo đá đã
xâm chiếm và vùng biển phụ cận của TQ” – sự trơ trẽn đã vượt quá giới
hạn.
Mười bốn năm trước, họ đổ lỗi cho VNCH, mười bốn năm sau, họ lại đổ lỗi cho CHXHCNVN.
Mười bốn năm trước, Hoa Kỳ làm
ngơ để TQ đánh chiếm Hoàng Sa; mười bốn năm sau, LX cũng làm ngơ, không
hề có một hành động nào giúp VN, dù hải quân LX đang ở Cam Ranh, dù Hiệp
ước hữu nghị và hợp tác giữa hai bên có hiệu lực tới 25 năm. Thậm chí,
lúc đầu LX còn không ủng hộ tuyên bố chủ quyền của VN tại Trường Sa, vì
vấn đề rút quân của VN tại Cambodia.
Đối với VN, bài học về độc lập, tự chủ bao giờ cũng đầy tính thời sự.
Nhìn lại hai trận đánh lớn trên
biển Đông làm chúng ta nhớ lại sự quyết tâm, lòng dũng cảm và sự hy sinh
vô bờ bến của những người lính VN; cũng chính là nhìn lại vị thế của VN
đặt trong tổng thể mối quan hệ với các nước lớn; nhìn lại lịch sử quan
hệ Việt – Trung, những âm mưu đen tối, sâu hiểm, lâu dài của TQ đối với
VN. Lịch sử dạy chúng ta – không chỉ qua hai trận đánh lớn trên biển
Đông, làm sao có thể tin được TQ, làm sao có thể làm bạn với TQ?
Một điều không khỏi làm chúng ta
day dứt là kết quả hai trận đánh lớn trên biển Đông không như mong muốn
và ý định của chúng ta. Phải chăng, trên biển, sức mạnh của TQ là tuyệt
đối? Lịch sử các trận hải chiến giữa VN và TQ, phần thắng luôn nghiêng
về VN, nhưng đó là khi ta nhử cho chúng vào gần bờ hoặc vào sâu trong
các cửa sông, còn ngoài khơi xa thì sao? Tác chiến trên biển phải có khả
năng tấn công, phòng thủ ba chiều trên không, mặt biển và đáy biển. Cần
làm gì để giành phần thắng – vấn đề của các nhà chiến lược quân sự VN.
Đối với chúng ta, trên tất cả, đó
là sức mạnh của lòng dân. Dựa vào dân, có dân là có tất cả – Hồ Chí
Minh. Có được lòng dân, dù lãnh thổ tạm thời bị mất nhưng nhất định sẽ
lấy lại được. Ngược lại, nếu đánh mất lòng dân thì lãnh thổ đang có sợ
rằng rồi cũng sẽ bị mất – bất cứ nước nào cũng vậy. Lịch sử hơn một lần
răn đe chúng ta. Nhìn lại hai trận đánh lớn trên biển Đông càng làm
chúng ta hiểu sâu sắc thêm bài học lịch sử đó.
Đọc bài này của Ô LM ( có phải LM từng lamf ở Bộ Ngoại giao ? ) , tôi càng củng cố thêm lập luận của mình : trước sau gì, TQ cũng đánh TS của VN. Nói chính xác: cả 2 trân hải chiến trên BĐ, VN đều thua
Trả lờiXóaNếu sắp tới họ đánh nữa thì sao ? ta cũng sẽ thua nếu còn coi họ là Cs , không mở rộng liên minh với nhiều nước và không dựa vào lòng dân. Dĩ nhiên lần này TQ sẽ bị thiệt hại hơn do vũ khí trang bị của vN đã hiện đại hơn trước, nhưng đánh nhau một mình với TQ trên biển không phải là lựa chọn khôn ngoan. Cần tập hợp lực lương đa phương , kích vào quyền lợi của họ để cùng giữ BĐ, cùng đánh TQ nếu mấy kẻ hiếu chiến ở TNH muốn thách thức tất cả. Nhưng than ôi, liên minh mới lại chỉ có thể có được khi chúng ta thiết lập được một QG dân chủ thực sự,và từ bỏ sự "tương đồng "với kẻ đang nóng lòng làm chủ BĐ. Điều này khó thành sự thật với một ekíp đầy sâu như hiện nay. Suy ra, những trận hải chiến với kết quả tương tự sẽ còn diễn ra trong lịch sử hiện đại của dân tộc ta. Ô hô, ai tai !
Tôi mạnh dạn đề nghị các cụ đánh giá lại vai trò của chính quyền VNCH ( cụ thể là Nguyễn văn Thiệu)trong việc bảo vệ Hoàng Sa. Từ đây cũng phải ghi nhận sự hi sinh của các sĩ quan, binh linh Hải quân VNCH trong cuộc hải chiến không cân sức này. Tại sao Đảng và Chính phủ đã đề cao các hải đội thời Nguyễn ra trấn giữ Hoàng Sa ,Trường Sa mà cứ cố tình không nhắc đến sự đổ máu hy sinh của các chiến sĩ HQ VNCH ! Lịch sử sẽ viết lại trang bi hùng này, nhưng tại sao người viết lại không phải là những người Cộng Sản ngay bây giờ ? Tôi thất vọng quá !
Trả lờiXóaHai trận cướp này giặc Tàu đều chơi bài nhằm lúc đối phương ( hảiQuân VNCH cũng như hai quần CHXHCN trang bị ít nhất và quan trọng hơn là đã được Hoa kỳ bật đèn xanh và trận cướp và thảm sát năm 88 lính hải quân không phải là lục lượng tác chiến mà chỉ là công binh xây dựng ( giặc chắc biết ) và hải quân không quân Liên xô nằm im ở Cam ranh ( của VN) mặc nhiên để cho bọn tàu phỉ cướp và tàn sát. Những điều này đáng để những toan tính bảo vệ bằng được biển đảo phải thật tỉnh và khôn ngoan không để thằng giặc tham và giảo quyệt chơi hơn lần nữa
Trả lờiXóa