Việt Nam và Hoa Kỳ, ai cần ai hơn?
Tướng Lê Văn Cương cho rằng, cả Việt Nam và Mỹ cần định vị vị trí của nhau trong mối quan hệ ở cấp chiến lược ra sao để đôi bên cùng có lợi và đưa mối quan hệ đó đi theo chiều sâu và rộng hơn...
20 năm sau ngày hai nước Việt – Mỹ chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao, cả hai nước đều đã có những bước đi hết sức thiết thực để củng cố niềm tin nhằm đưa mối quan hệ hợp tác dần đi vào chiều sâu và thực chất, tin tưởng lẫn nhau.
Đặc biệt, vấn đề Biển Đông hiện nay đang thu hút sự quan tâm chung của cả hai nước trước những toan tính, động thái leo thang nghiêm trọng của Trung Quốc khi nước này đã và đang gây ra những thay đổi hiện trạng nhằm củng cố yêu sách chủ quyền phi lý của họ ở trên biển.
Hơn ai hết, cả Việt Nam và Mỹ đều hiểu và biết mình đứng ở vị trí như thế nào trong bàn cờ chính trị trên Biển Đông. Vậy trước những thách thức an ninh mới phát sinh như vậy Việt, Mỹ nên xây dựng mối quan hệ hợp tác theo hướng như thế nào để đảm bảo lợi ích cho cả hai?
Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về vấn đề này dưới góc nhìn chiến lược, phóng viên báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Lê Văn Cương – Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an.
Thưa Thiếu tướng, trong mối quan hệ hợp tác Việt – Mỹ ở thời điểm hiện nay có lẽ không thể không nhắc tới các lĩnh vực chủ chốt như khoa học công nghệ, quản lý kinh tế, giá dục đào tạo. Về kinh tế, việc Việt Nam hiện đang gấp rút hoàn thiện nốt quá trình đàm phán để chính thức tham gia vàoHiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là TPP). Vậy ông có đánh giá như thế nào về cơ hội cũng như thách thức của Việt Nam khi tham gia vào Hiệp định này?
Thiếu tướng Lê Văn Cương ( ảnh bên ): Trước hết ta phải nhìn nhận một cách khách quan rằng, gia nhập TPP là một việc hết sức cần thiết và mang tính tất yếu. Ta không thể không tham gia TPP được. Trong đó, phương châm đa dạng hóa quan hệ kinh tế, không thể phụ thuộc vào một quốc gia nào cả và mở rộng thị trường là những yếu tố không thể không nhắc tới.
Về lịch sử hình thành, từ năm 2005 đại diện thương mại 4 nước gồm Brunei, Singapore, Chile và New Zealand ký một Hiệp định thương mại tự do (FTA) với tên gọi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tới tháng 9/2008, Mỹ đã tuyên bố cùng với 4 nước thành viên cũ đàm phán một Hiệp định TPP hoàn toàn mới. Sau đó, cả Australia, Peru, Canada, Việt Nam, Malaysia, Mexico và Nhật Bản đều tham gia.
Nói về mặt thuận lợi, Việt Nam có vai trò và vị trí quan trọng đối với các nước trong đàm phán TPP. Việt Nam với số dân hơn 90 triệu dân, là thị trường đáng kể và có thể đem lại giá trị gia tăng tương đối lớn cho các nước tham gia đàm phán. Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh thêm ở chỗ, nó có biến thành những điểm thuận lợi và cơ hội cho Việt Nam hay không sẽ còn phụ thuộc vào sự nhanh nhạy, khả năng tổ chức nền kinh tế của các nhà quản lý.
Rõ ràng, một khi đã gia nhập sân chơi này mà anh có sự đột phá về tư duy quản lý và tổ chức nền kinh tế thì sẽ hiệu quả. Cộng với việc cho ra đời các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao mà giá thành cạnh tranh thì đương nhiên cơ hội để phát triển kinh tế là quá rõ ràng. Còn nếu không, anh sẽ bị thụt lùi lại và bị thất bại.
Nói như vậy, chúng ta cũng có những thách thức không nhỏ. Đó là trình độcông nghệ còn thấp, không thể sản xuất từ A – Z mà vẫn còn phải nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu để hoàn thiện sản phẩm. Bên cạnh đó, khả năng điều hành quản lý của Việt Nam còn chưa cao ở cả cấp độ doanh nghiệp và quản lý vỹ mô.
Như vậy, thành công tới đâu thì đều tùy thuộc vào trình độ điều hành của các cấp quản lý mà cao nhất Nhà nước Việt Nam. Phải tính đến mọi phương án để nắm bắt từng điểm mạnh của nền kinh tế.
Hôm 17/6, ông Chris Smith – một thành viên cao cấp của Ủy ban Đối ngoại thượng viện Mỹ, Chủ tịch tiểu ban nhân quyền toàn cầu có đưa ra một bình luận: “Việt Nam cần Mỹ hơn Mỹ cần Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cần hợp tác an ninh và kinh tế với Mỹ để có thể có những thay đổi tích cực. Nếu vấn đề nhân quyền không được kết nối một cách rõ rệt với các quyền lợi an ninh kinh tế, chúng ta sẽ có các mối rủi ro là các cuộc thảo luận về thương mại và quốc phòng tiến về phía trước”. Trong đó, vị dân biểu Mỹ này nói rằng tình trạng mà ông ta gọi, vin là "nhân quyền hiện đang tụt lùi phía sau". Ông có đánh giá gì như thế nào trước bình luận này của dân biểu Mỹ Smith?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tôi không đồng tình vì nhận định của vị dân biểu Mỹ này là thiếu khách quan.
Thứ nhất, về vấn đề nhân quyền. Tôi thấy rằng trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có rất nhiều chuyển biến tích cực trong việc đảm bảo và nâng cao nhân quyền cho người dân ở mọi cấp độ.
Nhìn vào diễn đàn Quốc hội đang diễn ra có thể nhận thấy điều này. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đã được khởi xướng từ năm 1991 cho tới ngày nay, rất công khai, minh bạch để thể hiện rõ tâm tư, ý chí nguyện vọng của cử tri gửi gắm vào các ĐBQH gửi tới Quốc hội. Điều mà trước đó chưa hề có.
Rồi số lượng đại biểu nữ tham gia diễn đàn này cũng đang tăng dần về số lượng cũng như chất lượng.
Tất nhiên, nếu so với Mỹ thì Việt Nam vẫn còn những điểm cần phải phấn đấu. Nhưng nếu nói tình trạng nhân quyền ở Việt Nam đang thụt lùi thì không thể chấp nhận được.
Thứ hai về mối quan hệ hợp tác Việt – Mỹ. Cả hai nước đều cần nhau.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đi thăm tàu Cảnh sát biển 8003 trong chuyến công du Việt Nam hồi đầu tháng 6 vừa qua. (Ảnh: TTXVN)
Cả hai nước đều xác lập cho mình một mối quan hệ giữa hai quốc gia có chủ quyền, bình đẳng cùng có lợi.
Mỹ là cường quốc kinh tế, khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo hàng đâu thế giới. Nên Việt Nam chủ động hợp tác với Mỹ các lĩnh vực trên là hoàn toàn đúng đắn. Rõ ràng, Việt Nam rất cần Mỹ.
Tuy nhiên, về chiến lược an ninh quốc phòng thì không thể khẳng định được ai hoàn toàn cần ai.
Với vị thế địa chính trị quan trọng trong khu vực Đông Nam Á, Mỹ rất cần hợp tác với Việt Nam trong việc liên kết và hình thành một lực lượng ứng phó với các thách thức về an ninh quốc phòng có thể xảy ra ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Trên bình diện tổng thể, không gian để phát triển mối quan hệ Việt – Mỹ còn rất lớn và triển vọng khai thác còn dài trong tương lai. Vấn đề quan trọng là, một khi đã tìm được những lợi ích chung và định vị nhau trong chiến lược đối ngoại của mình thì cả Việt Nam và Mỹ sẽ đều có nhiều triển vọng hợp tác hơn nữa.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter giao lưu cùng các quan chức quốc phòng Việt Nam đầu tháng 6/2015
Vào trung tuần tháng 6, Thủ tướng chính phủ đã ký quyết định miễn visa cho công dân đến từ 5 nước gồm Anh, Pháp, Đức, Bồ Đào Nha và Italia khi nhập cảnh vào Việt Nam, có hiệu lực từ 1/7 tới. Theo Thiếu tướng, quyết định của Thủ tướng sẽ đem lại tác động như thế nào trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, trước mắt là với các quốc gia kể trên?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Phải khẳng định, chính sách nhất quán của Việt Nam là sẵn sàng làm bạn và là đối tác tin cậy của tất cả các quốc gia trên thế giới là rất đúng đắn.
Tướng Lê Văn Cương cho rằng, cả Việt Nam và Mỹ cần định vị vị trí của nhau trong mối quan hệ ở cấp chiến lược ra sao để đôi bên cùng có lợi và đưa mối quan hệ đó đi theo chiều sâu và rộng hơn...
Quyết định vừa qua của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa cho thấy thiện chí của Việt Nam trong quan hệ ngoại giao với các quốc gia trên thế giới. Điều này thể hiện Việt Nam đang là một điểm đến hòa bình, an toàn cho bạn bè quốc tế.
Trải qua gần 30 đổi mới, nước ta vẫn đang hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới trên mọi lĩnh vực. Và để tạo ra được sức hấp dẫn đó, Việt Nam đã có nhiều bước tiến nhằm đảm bảo quyền con người, gìn giữ môi trường hòa bình, an ninh trật tự được giữ vững.
Đợt này là miễn visa cho công dân năm nước, nhưng rất có thể sắp tới sẽ là công dân nhiều nước khác nữa cũng được hưởng chế độ đặc biệt này.
Tựu chung lại, nhận thức chung về vấn đề Biển Đông của cả Việt Nam và Mỹ đã có sự tương đồng. Trước những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc khi nước này cố tình hiện thực hóa "yêu sách chủ quyền 9 đoạn" vô lý trên Biển Đông, Việt Nam cần nắm bắt mọi cơ hội để củng cố tiềm lực của mình nhằm khẳng định chủ quyền hợp pháp của mình với haiquần đảo Hoàng Sa – Trường Sa.
Xin cảm ơn Thiếu tướng về cuộc trao đổi!
Cao Tuân – Đình Tuệ
Về nhận định cho rằng Việt- Mỹ đều cần nhau "ngang bằng", tôi nghĩ tướng Cương "cương" quá đà! Ta cần Mỹ hơn rõ ràng, cần về nhiều mặt, nhưng cần nhất là vai trò của Mỹ để cân bằng với tham vọng của TQ ở Biển Đông. Vấn đề là thể hiện sự "cần" này thế nào cho phù hợp; đảm bảo được vị thế của Ta, mà lại không để TQ kiếm cớ "bị chọc giận" để gây hấn thêm nữa...
Trả lờiXóaKhông nhận thức được thực tế này, cứ "cương lên", Mỹ nó "chán", thì chỉ có lợi cho TQ mà thôi!