Rủi ro gì từ 'đặc khu kinh tế' Vũng Áng?
Theo BBC
Giới chuyên gia cho rằng Việt Nam sẽ đối mặt với những nguy cơ
tiềm ẩn nếu phê chuẩn dự thảo đặc khu kinh tế ở Vũng Áng của tập đoàn
Formosa.
Hôm 25/6, lãnh đạo một chi nhánh tại Việt Nam của Formosa - tập đoàn
có 100% vốn Đài Loan, đã gửi văn bản đến chính phủ Việt Nam đề nghị
thành lập một đặc khu kinh tế ở Vũng Áng để phục vụ cho việc xây dựng
cảng nước sâu Sơn Dương và các ngành công nghiệp liên quan như gang
thép, điện, theo truyền thông trong nước.
Đề xuất được gửi đi từ ông Dương Hồng Chí Lý,
Tổng giám đốc Hưng Nghiệp Formosa, yêu cầu chính quyền Việt Nam có các
cơ chế ưu đãi cho đặc khu như bảo hộ ngành thép, ưu đãi thuế.
Bên cạnh đó, Formosa cũng đề nghị được xây căn
hộ để cho thuê hoặc bán lại cho nhân viên và thành lập các cơ sở hậu cần
như bệnh viện, trường học trong đặc khu.
Phía Việt Nam vẫn chưa có phản hồi chính thức về yêu cầu này.
Trong tin đăng ngày 25/6, báo điện tử VnExpress
dẫn lời ông Ngô Đình Vân, Phó trưởng ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng,
nói đề xuất của Formosa "quá mới" và không thể giải quyết "ngày một ngày
hai".
Động thái mới nhất diễn ra hơn một tháng sau khi các cuộc biểu tình
chống Trung Quốc ở Hà Tĩnh leo thang thành bạo động, khiến nhiều cơ sở
của doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có khu công trường của Formosa
Plastics, bị hư hại.
Vào cuối tháng Năm, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn
Tấn Dũng đã cam kết Hà Nội sẽ có biện pháp đồng bộ để hỗ trợ doanh
nghiệp nước ngoài sau khi chính phủ Đài Bắc đã yêu cầu Hà Nội bồi thường
thiệt hại cho các doanh nghiệp Đài Loan bị ảnh hưởng.
Những hỗ trợ đó bao gồm miễn giảm thuế, miễn giảm tiền thuê đất, và trợ giúp về vấn đề lao động.
Đài Loan cho biết vụ bạo loạn ảnh hưởng đến 425 doanh nghiệp nước này, trong đó 25 doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề.
Tổng giá trị thiệt hại ước tính dao động trong khoảng 150-500 triệu đôla, và các thiệt hại kinh tế có liên quan là một tỷ đôla.
Khu công nghiệp Vũng Áng, dù là nơi hoạt động
của nhiều doanh nghiệp có vốn Đài Loan, nhưng lại sử dụng một lượng lớn
lao động Trung Quốc.
Hồi tháng Năm, Bắc Kinh đã cử tàu đến Hà Tĩnh sơ tán hàng nghìn công dân ra khỏi Việt Nam sau các vụ bạo động.
" Yêu cầu rất cao"
Trả lời BBC ngày 26/6, kinh tế gia Lê Đăng Doanh cho rằng đề nghị của
Formosa là "rất cao so với các tiêu chuẩn quốc tế bình thường và cao
hơn hẳn khung pháp luật của Việt Nam".
"Formosa đưa ra yêu cầu này sau vụ đụng độ ở Vũng Áng. Đó là điều đáng xem xét", ông nói.
"Cần phải rất thận trọng vì nếu chấp nhận yêu
cầu này của Formosa thì các doanh nghiệp khác cũng lại theo gương
Formosa đề ra những yêu cầu tương tự."
"Lúc đó thì chính phủ Việt Nam sẽ phải nhân nhượng và cấp những ưu đãi quá đáng."
Ông khẳng định việc thành lập đặc khu kinh tế
"không có lợi gì cho Việt Nam" ngoài việc Formosa sẽ tiếp tục dự án đầu
tư hiện nay.
"Tôi cho rằng cần sự giám định, phân tích độc lập, nghiêm túc, không nên dễ dàng chịu sức ép này của Formosa."
" Cắt đôi Việt Nam"
Ông Doanh cũng nói về mặt quốc phòng, Vũng Áng "là một địa điểm hết sức nhạy cảm".
"Ở trên mạng Trung Quốc đã lưu hành kịch bản tấn
công Việt Nam trong 32 ngày, trong đó nói Trung Quốc sẽ đánh vào miền
trung, chia cắt Việt Nam ra."
"Vũng Áng hay Quảng Trị là những vùng hẹp nhất
trên đất liền của Việt Nam, vì vậy tôi hy vọng những nhà chiến lược quốc
phòng của Việt Nam sẽ quan tâm và thận trọng trước những yêu cầu này."
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với BBC, chuyên
gia tài chính Bùi Kiến Thành cũng cảnh báo về những nguy cơ nảy sinh từ
việc Việt Nam cho Trung Quốc thuê hàng chục cây số dọc bờ biển Hà Tĩnh
và vùng cửa khẩu Vũng Áng.
"Từ Vũng Áng ngó qua Hải Nam không bao xa, nếu
ngày nào đó, Trung Quốc đưa một hạm đội từ Hải Nam sang Vũng Áng thì cả
Vịnh Bắc Bộ sẽ không giao thông được nước ngoài, không giao thông được
với miền Nam Việt Nam, bị biến thành một cái hồ riêng của Trung Quốc",
ông nói.
"Hạm đội trên biển của Trung Quốc đã rất mạnh
rồi, nếu bây giờ họ có một điểm tựa trên đất liền nữa thì đó sẽ là nguy
cơ rất lớn."
Căng thẳng trên Biển Đông gia tăng từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Cục Hải sự Trung Quốc gần đây thông báo đã dịch chuyển giàn khoan Nam Hải số 9 đến gần cửa vào Vịnh Bắc Bộ.
Cơ quan này cũng cho biết Trung Quốc sẽ sớm đưa thêm ba giàn khoan khác vào hoạt động trên Biển Đông.
Thứ sáu, 27/06/2014, 01:14
--------------------------------
Tin mới ngày 27/6
Không đồng tình lập đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng
Thứ sáu, 27/06/2014, 01:14
(SGGP).- Bộ Kế hoạch - Đầu tư vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ bày tỏ quan điểm không đồng tình với kiến nghị thành lập đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS).
Trước đó, nhà đầu tư nước ngoài đã có công văn gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, nêu nhiều kiến nghị, trong đó đáng chú ý là việc thành lập đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng. Theo FHS, mục đích thiết lập đặc khu kinh tế là nhằm xây dựng cảng nước sâu Sơn Dương và đầu tư các ngành công nghiệp liên quan như gang thép, điện... thúc đẩy phát triển công nghiệp. FHS cũng dự thảo sẵn một bản Điều lệ quản lý thiết lập đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng với 10 điều, gửi đến Phó Thủ tướng. Việc quản lý và thiết lập đặc khu được đề xuất thực hiện theo quy định của bản điều lệ này.
Theo dự thảo Điều lệ của Công ty Formosa về quản lý đặc khu kinh tế gang thép, ngoài các ưu đãi công ty được hưởng ở mức cao nhất đối với dự án đầu tư trong khu kinh tế và các ưu đãi khác như đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép, đặc khu còn được áp dụng các quy định ưu đãi đặc thù như: miễn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu trong suốt thời gian kinh doanh của dự án; được Chính phủ bảo hộ ngành thép; miễn thuế đối với khoản vay vốn từ các tổ chức tín dụng nước ngoài; kinh doanh tàu lai dắt và đề xuất thành lập Ban quản lý đặc khu trực thuộc Văn phòng Chính phủ và do các bộ trưởng các bộ liên quan tham gia để quản lý đặc khu.
Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho rằng, hiện dự án Formosa đang được hưởng ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư, các loại thuế, đất đai... áp dụng đối với dự án đầu tư trong khu kinh tế (bao gồm ưu đãi về thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên liệu; vật tư xây dựng trong nước chưa sản xuất được). Các kiến nghị khác của công ty áp dụng cho dự án (bảo hộ ngành thép, kinh doanh tàu lai dắt...) đang được các bộ, ngành xem xét giải quyết. Riêng việc Formosa đề nghị hình thành Ban quản lý đặc thù trực thuộc Văn phòng Chính phủ là chưa có tiền lệ và không cần thiết. Bởi vì hiện tại đã có Ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng là cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giải quyết các vấn đề có liên quan đến triển khai dự án Formosa theo cơ chế “một cửa, tại chỗ”.
Để kịp thời hỗ trợ giải quyết các vướng mắc của công ty, Bộ Kế hoạch - Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Tổ công tác liên ngành Trung ương hỗ trợ dự án Formosa.
ANH THƯ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét