Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 24 tháng 6, 2014

Ông Nguyễn Trần Bạt bình luận về giải pháp của VN trước TQ .

Xe chở dưa hấu đổ về cửa khẩu Tân Thanh không xuất được sang TQ đã bị thối hỏng (3/2014)


  Calathau - Tôi từng là Fan của ông Nguyễn Trần Bạt. Và dạo ấy tôi xếp ông vào hàng ngũ những trí thức Việt cấp tiến. Gần 10 năm trước  Nguyễn Trần Bạt đã viết sách, đi diễn thuyết công khai phê phán những cái dở của học thuyết Mác-Lenin để dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô và hàng loạt các nước theo CNXH ở Đông Âu . Trong sự kiện China đang hung hăng gây hấn với nước ta, mở đầu bằng vụ giàn khoan Hải Dương 981 ,  Nguyễn Trần Bạt  thỉnh thoảng có phát biểu trên mạng thông tin xã hội, bài sau đây ông đưa ra những ý kiến có vẻ trái với luồng suy nghĩ hiện nay của chúng ta. Mời các cụ đọc tham khảo và cùng trao đổi .

Khôn khéo, nổi giận và sức mạnh của đất nước

Phỏng vấn ông Nguyễn Trần Bạt
(Lê Quyên thực hiện)
Ông Nguyễn Trần Bạt
"Không có bất kỳ bài toán nào dễ xung quanh vấn đề Trung Quốc. Nó sẽ đeo đẳng lâu dài với số phận dân tộc chúng ta, và chúng ta buộc phải suy nghĩ về nó như là một thuộc tính để cấu tạo ra điều kiện sống của dân tộc mình" - chuyên gia Nguyễn Trần Bạt trao đổi với phóng viên Người Đô Thị về việc gia cường sức mạnh quốc gia bên cạnh mối quan hệ mang tính địa chính trị với Trung Quốc ".

Chúng ta đang bỏ quá nhiều trứng vào một giỏ trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Nhiều người đang lo sợ kịch bản xấu nhất có thể xảy ra với nền kinh tế Việt Nam từ tác động của vấn đề biển Đông, còn ông?
Nhiều người tỏ ra không sợ điều này, nhưng tôi thuộc vào nhóm người sợ. Kịch bản như vậy đáng ra phải được cảnh báo ít nhất từ năm năm trước. Chỉ riêng việc hiện nay có 80 - 90% đơn vị trúng thầu các dự án lớn ở Việt Nam là công ty Trung Quốc cũng đã cho thấy chúng ta không cho trứng vào một giỏ mà là cho quá nhiều trứng vào một giỏ. Điều ấy thể hiện sự thiếu cảnh giác chính trị nghiêm trọng, và cả sự suy thoái về tiêu chuẩn của giới trí thức Việt Nam. Bởi nói gì thì nói, tất cả những người lãnh đạo những cuộc đấu thầu và hợp tác đấu thầu ấy đều là những người được đào tạo rất cẩn thận.
Vậy theo ông, ta nên ứng xử với thế đã rồi này như thế nào?
Vấn đề này khó cho nên phải khéo. Người Việt Nam chúng ta có nhiều cách để giải quyết cái khó và về cơ bản, các giải pháp được sắp xếp thành hai nhóm. Thứ nhất là giải pháp nổi giận và thứ hai là giải pháp khôn khéo. Khôn khéo là giải pháp lâu dài, thường xuyên và hay dùng.
Còn nổi giận thì hiện nay, cả xã hội chúng ta chẳng đang nổi giận là gì?
Tôi từng đi lính, từng tham gia chiến tranh, tôi cũng có lúc nổi giận, nhưng tôi thấy tất cả những thành công mà mình có được đều do khôn khéo mà nên. Phải biết kết hợp giữa nổi giận và khôn khéo và phải phân biệt giữa ý chí và thái độ. Ý chí độc lập dân tộc là sắt đá và bền vững, còn thái độ thì phải mềm dẻo và khôn ngoan.
Trong Kinh Dịch, người ta mô tả sự sắt đá bằng một đường liền và mô tả sự mềm dẻo bằng một đường đứt. Nước là đường đứt còn lửa là đường liền, và nước bao giờ cũng thắng lửa. Chúng ta cũng có thể thấy điều này trong cái nguyên lý mà chúng ta vẫn hay nhắc đến là dĩ nhu trị cương. Cho nên tôi ủng hộ một thái độ mềm dẻo và một ý chí sắt đá để giữ gìn độc lập dân tộc và chủ quyền lãnh thổ. Đừng xem việc thay đổi từ thái độ cứng rắn sang mềm dẻo là thua, là đầu hàng, là lùi bước. Không phải. Khi con người còn đủ khôn ngoan để mềm dẻo thì tức là con người còn đứng vững trên đôi chân của mình. Mà con người đứng vững trên đôi chân của mình là con người thắng trong các cuộc va chạm.
Chúng ta phải để Trung Quốc hiểu rằng Việt Nam không phải là chỗ toàn những người dễ chịu, không biết nổi giận, nhưng cũng để cho họ thấy một thực tế nữa là ở Việt Nam không chỉ có những người nổi giận, mà còn có những người khôn khéo. Và đôi khi để đảm bảo ổn định và hoà bình thì chúng ta phải khéo. Còn kết hợp giữa hai cái đó như thế nào là công việc của nhà lãnh đạo. Nghĩa vụ của họ là nghĩ ra các giải pháp để kết hợp giữa nổi giận và khôn khéo. Tất nhiên, với sự xác định rõ ràng là Trung Quốc ở cạnh chúng ta lâu dài, một triệu năm nữa, đến đời chắt, chít của chúng ta thì Trung Quốc vẫn ở bên cạnh.
Ông nghĩ sao về việc Việt Nam cần có thị trường nguyên liệu mạnh để “thoát Trung” trong lĩnh vực kinh tế?
Rất nhiều người đưa ra khái niệm thoát Trung, thoát Hán. Đấy là những lý thuyết mà tôi không thể vỗ tay được. Chúng ta có một sự gắn bó số phận đối với Trung Quốc. Vì vậy, chúng ta buộc phải nghĩ ra cách để sống cạnh họ một cách êm ả, một cách tử tế, một cách có lợi chứ chúng ta không chạy ra khỏi họ được. Đừng tưởng rằng chúng ta muốn thì chơi, còn không muốn thì không chơi với họ. Trung Quốc có thể đem quân đến xâm lược chúng ta, chính phủ chúng ta có thể đánh trả người Trung Quốc và đánh trả không tồi, nhưng chúng ta không thể mang quân đánh trả một sự tràn ngập thương mại biên giới thường xuyên, bởi vì chính người dân ta thồ hàng cho họ. Quan hệ thương mại, kinh tế của Việt Nam và Trung Quốc là một quan hệ không dễ gì giãy ra được. Vấn đề là chúng ta phải khôn ngoan hơn, chặt chẽ hơn, phấn đấu nâng cao năng lực của mình lên để cân bằng quyền lợi.
Cụ thể, chúng ta sẽ rút bớt trứng bỏ sang giỏ khác theo cách nào, thưa ông?
Nên nhớ rằng không phải cứ bỏ trứng vào giỏ Trung Quốc là thiếu khôn ngoan. Chúng ta phải có cách thức của kẻ khôn ngoan, không nên xem Trung Quốc là một chiến trường mà nên xem Trung Quốc là thị trường. Khi xem đó là thị trường, chúng ta phải có đầy đủ các cách thức để có thể xâm nhập vào đời sống kinh tế của họ một cách chủ động hơn. Trong khi chúng ta đang đàm phán về TPP thì người Trung Quốc sẵn sàng bỏ tiền vào Nam Định làm khu liên hợp dệt may để chuẩn bị xuất hàng sang TPP. Thế thì tại sao khi gia nhập TPP chúng ta không nghĩ đến chuyện liên minh với người Mỹ để chuẩn bị xuất hàng sang thị trường Trung Quốc chẳng hạn. Chúng ta phải dám nghĩ như họ và có gan để làm như họ. Tôi nghĩ đấy là cách duy nhất để chúng ta tồn tại bên cạnh Trung Quốc. Không có bài toán nào dễ, không có cách gì dễ trong vấn đề với Trung Quốc. Chúng ta buộc phải gian khổ để sống được với họ, sống cùng với họ và để sống sót.
Trở lại với sự kiện HD 981 ở biển Đông, theo ông, chúng ta có cách nào để giải quyết vấn đề ngoài biển mà không làm tổn thương nền kinh tế?
Sự trả đũa là không tránh được. Vì thế, nó buộc chúng ta phải suy nghĩ cẩn thận và cũng buộc chúng ta phải sử dụng lực lượng khôn khéo. Tất nhiên, chúng ta không thể nào bỏ qua lực lượng nổi giận, vì nếu bỏ qua tức là bỏ qua một nửa hay một phần lớn tình cảm dân tộc, cái đó rất quý và phải được tôn trọng.
Chúng ta buộc phải nghĩ đến nó và phải tận dụng cả khả năng nổi giận lẫn khả năng khôn khéo của người Việt. Người Việt trong những lúc như thế này không đi làm cửu vạn để chở hàng lậu cho người ta nữa, đấy là một sự phấn đấu. Không lấy móng trâu móng bò bán cho người ta cũng là một sự phấn đấu. Những sự phấn đấu ấy cũng không hề dễ. Không phải chỉ có sự tràn ngập của một nền kinh tế hàng hoá rẻ tiền mau hỏng khổng lồ, mà còn có cả một âm mưu kinh tế rẻ tiền từ tất cả các lực lượng phi nhà nước của họ nữa.
Không có bất kỳ bài toán nào dễ xung quanh vấn đề Trung Quốc. Nó sẽ đeo đẳng lâu dài với số phận dân tộc chúng ta, và chúng ta buộc phải suy nghĩ về nó như là một thuộc tính để cấu tạo ra điều kiện sống của dân tộc mình.
Về vấn đề biển Đông, chúng ta có nên tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế bằng cách nói cho thế giới biết quyền lợi của họ về kinh tế từ giao thương hàng hải sẽ bị ảnh hưởng khi Trung Quốc gây hấn ở vùng biển này?
Tôi làm nghề tư vấn, xúc tiến các mối quan hệ kinh tế quốc tế, tôi biết rất rõ rằng chúng ta là kẻ ít khả năng nhất để giải thích cho thế giới biết quyền lợi của thế giới. Lý do không phải họ nhìn thấy hết mà họ cấu tạo ra lợi ích. Chúng ta phân tích lợi ích như một thứ trời cho, như một thứ của rơi, còn họ cấu tạo ra lợi ích của họ thì làm sao lại phải giải thích cho họ? Thay vì đặt ra mục tiêu giải thích cho thế giới thấy lợi ích của thế giới, thì chúng ta phải học xem thế giới có những lợi ích nào và chúng ta có thể dựa vào những lợi ích ấy như thế nào để tìm kiếm sự đồng thuận của họ đối với vấn đề của mình.
Ông có nghĩ rằng việc tái cơ cấu kinh tế hiện nay cần được tiến hành song song với cải cách thể chế - như tinh thần thông điệp của Thủ tướng hồi đầu năm?
Tôi khẳng định lại là không thể nào có tái cơ cấu kinh tế nếu không tái cơ cấu thể chế, mà ở đây là cả thể chế chính trị chứ không chỉ có thể chế kinh tế. Tuy nhiên, cải cách chính trị là việc vô cùng khó. Vấn đề đặt ra bây giờ là làm thế nào để các công việc mới không trái với các tâm lý cũ. Có một số trí thức nói chính trị của chúng ta lạc hậu, nhưng nên nhớ rằng trí thức không lạc hậu nhưng trí thức thì bao giờ cũng ít. Sự không lạc hậu của một số ít không hề đảm bảo cho sự không lạc hậu của xã hội, mà các nhà lãnh đạo của chúng ta thì buộc phải cân đối sự bảo thủ của số đông với sự cấp tiến của số ít. Hơn nữa bản thân hệ thống chính trị của chúng ta cũng có những giới hạn năng lực của nó. Liệu nó có thể thực hiện, triển khai được tất cả những sự cấp tiến chính trị thái quá, vượt quá năng lực của nó không? Cho nên, tôi vẫn luôn nói rằng mức độ của cải cách bao giờ cũng gắn liền với năng lực chịu đựng của các lực lượng xã hội, trong đó có cả Nhà nước.

9 nhận xét:

  1. Tôi cũng là Fan của ông Trần Bạt, nhưng đọc xong bài này tôi thấy ông chỉ nói chung chung mà không đưa được điều gì cụ thể. Có một điều tôi đồng ý với ông là rất khó thoát Trung, chỉ còn cách chung sống như thế nào cho bình đẳng như hai đất nước láng giềng.

    Trả lờiXóa
  2. Tôi thấy ý kiến của ông Trần Bạt rất khôn khéo!

    Trả lờiXóa
  3. Tạo hóa đã đặt đất nước chúng ta vào một vị trí cạnh thằng khổng lồ mà luôn chơi đểu. Thật khó xử. Nhưng hãy nhìn những láng giềng khác như Nhật Bản, Triều Tiên, Đài Loan ... họ không đến nỗi như chúng ta. Hãy tìm hiểu và HỌC TẬP họ. Về phần chúng ta theo tôi có 2 nguyên nhân một là chúng ta chưa thật sự tự lập tự CƯỜNG, hai là chúng ta bị ràng buộc bởi ý thứ hệ, cho nên luôn thấy khó quá.

    Trả lờiXóa
  4. tôi đồng ý với còm của cụ KỲ,về địa lí thì ta ko thể đi đâu để thoát Tàu,nhưng về các mặt khác phải thoát .Các nước cùng biên giới với Tàu hoặc gần tàu thì họ đã thoát ngon lành,ngay cả ô.ỦN của TT cũng muốn thoát.Còn về mức độ cư sử với Tàu như ô. Bạt nói phải khôn khéo,nhưng giữa "khôn khéo " và ớn hèn chỉ cách nhau 1 đường gianh rất nhỏ rất khó nhận biết.
    Còn ông lấy KINH DỊCH ra để chứng minh thì hoàn toàn sai với tinh thần của kinh dịch,chắc ông cũng chỉ i tờ về kinh dịch

    Trả lờiXóa
  5. Tôi cũng đã đọc sách của ông Bạt, ấn tượng sâu đậm để lại là ở ông có nhiều suy tư mạnh dạn, mới mẻ về các vđ thuộc phạm trù tư duy, nhất là tư duy ngược !. Tuy vậy trong bài này, dường như ông đã phạm một số sai lầm .Ông đối lập hoàn toàn giữa " nổi giận " và "khôn ngoan".của cả một dân tộc, trong khi trên thực tế có những sự nổi giận rất cần thiết và khôn ngoan. Hãy đọc lại "Hịch tướng sĩ " mà xem. Đó là sự nổi giận mạnh mẽ chưa từng thấy của một người anh hùng và của cả dân tộc trước họa xâm lăng từ phương Bắc, nhờ vậy mới có thể làm nên những chiến công thay đổi .lịch sử ..Lại nhớ,sau vụ đầu độc tù nhân ở Phú Lợi, cả nước đã giận dữ xuống đường ra sao, rồi ngay sau chiến thắng B52, trưởng đoàn
    đàm phán của ta - ông LĐ Thọ đã nổi giận chửi mắng trưởng phái đoàn HK thế nàov.v. Vậy đừng cho rằng mọi sự nổi giận đều ngu ngốc hoặc ít khôn ngoan. Hơn nữa, ông cũng lầm lẫn giữa thoát Trung với sự tách rời hoàn toàn khỏi TQ. Không ai chủ trương cắt đưt mọi mối quan hệ kinh tế, chính trị,văn hóa với TQ. Chúng ta chỉ mong thoát khỏi sự kìm hẫm,chi phối,lệ thuộc ,áp đặt, thậm chí khinh thường miệt thị của TQ đối với dân tộc ta để nhanh chóng hội nhập với thế giới văn minh nhằm mục tiêu gia tăng nội lực, đủ sức tránh khỏi nguy cơ mất nước dưới mọi hình thức. Sao ông lại "không vỗ tay" ? Với những suy nghĩ trên , liệu ông có thể tư vẫn cho ai đây ?

    Trả lờiXóa
  6. Em cũng thấy là ý kiến của ông Trần Bạt nghiêng về chiến thuật "khôn khéo" để tồn tại...Tuy vậy khôn khéo như thế nào thì chưa rõ.
    Ông cũng không ủng hộ những đổi thay lớn mà ông gọi là "cấp tiến" vì e ngại "năng lực chịu đựng của các lực lượng xã hội, trong đó có cả Nhà nước".
    Em thiển nghĩ, quả thực là hiện nay chưa có lực lương XH nào đủ lớn, có tổ chức và có tiếng nói để thay đổi. Trước mắt vẫn phải dựa vào hệ thống chính trị hiện nay để đối đầu với ngoại xâm. Muốn vậy nhân dân cần hiến kế và nếu cần, yêu cầu, gây áp lực để họ hành động cho đúng!
    Hi hi, vấn đề HẮC XÌ DẦU quá đi mất!!!

    Trả lờiXóa
  7. Tôi chia sẻ ý kiến của C Kì. Xin thêm : 1/ Suy cho cùng thoát Trung là VN giữ được ĐL,CQ và toàn vẹn lãnh thổ; không bị lệ thuộc trước bất kì v/đề gì. 2/ Vấn đề láng giềng ngày nay không còn ý nghĩa quan trọng như trước đây . Ba lan, 3 nước vùng Baltic là láng giềng của Nga đã thoát được sự kìm kẹp của Nga; Mông cổ bị kẹp giữa Nga và TQ vẫn hiên ngang tự chủ. TG ngày nay là TG phẳng, không ai có thể bắt nạt ai mà không bị cộng đồng TG lên án. 3/ Ông NTBạt đã thay đổi rất nhiều so với những gì ông viết trước ĐH XI.

    Trả lờiXóa
  8. Tôi đã nghe ông BẠT nói chuyện vài lần, tôi tôn trọng kiểu tư duy và theo đó cả phương pháp luận để nhìn nhân vấn đề của ông, còn cụ thể đúng sai thế nào thì phải chờ thực tiễn trả lời. Tổng kết lích sử dân tộc có thể rut ra hai điểm : một là dân tộc VN luôn bất khuất ,trường tồn không khuất phục trước bất cứ thế lực nào, không bao giờ bị " đồng hóa." Hai là ưng xử trước TQ một thế lực vừa lớn vừa mạnh luôn đè lên đầu mình, cha ông ta rất " khôn khéo" bài toán cân nhắc và làm sao cân bằng giữa " mối hận thù " và " sự tinh khôn" ( rộng hơn khái niệm khôn khéo) đẫ được cha ông ta hóa giải một cách xuất sắc, LĐ hiện nay thua xa và chưa tìm được lời giải, ta cứ chờ xem sao..

    Trả lờiXóa
  9. hung kỳ vĩnh08:54 27/6/14

    Đúng như ý kiến các cụ, chúng ta không muốn mạo hiểm đối đàu với TQ nên phải "tinh khôn " và có cả lòng căm giận, nếu không rất dễ rơi vào sự nhu nhược để họ lấn tới. Vđ là làm thế nào mà thôi

    Trả lờiXóa