Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2016

VỤ NHÀ BÁO QUANG THẾ BỊ ĐÁNH – ĐƯỢC MÙA… BUỒN



FB Hồ Bất Khuất
30-9-2016
Vụ Nhà báo Quang Thế bị đánh trên cầu Nhật Tân có thể nói là rất “được mùa”. Tính sơ sơ cho đến giờ phút này đã có hàng trăm bài báo viết về sự kiện này. Công an Hà Nội, mà đại diện là Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, phó giám đốc, thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội công bố kết quả điều tra và giải quyết vụ việc.
Theo đó, kỷ luật khiển trách Ngô Quang Hưng vì anh này chỉ “gạt tay trúng má”. Nguyễn Văn Thuyên chỉ bị kiểm điểm phê bình rút kinh nghiệm vì chưa có hành động cụ thể. Hơn nữa ông Ngọc còn gọi việc công an đuổi đánh nhà báo là “xô xát”. Còn Nhà báo Quang Thế thì bị phạt trên 14 triệu đồng vì vi phạm tới 6 lỗi; báo chí lại ồ lên, lại viết.
Thể loại rất phong phú. Nhiều nhất là tường thuật, tiếp theo là bình luận, phỏng vấn, chuyên luận (các luật sư vào cuộc nói về khía cạnh pháp luật), và có cả phiếm luận (ví dụ bài “Gương mặt và Quả đấm” – Bút Bi, báo Tuổi Trẻ), bài “Vở tuồng kiểm điểm” – Báo Pháp Luật TP.HCM).
Có tới hàng triệu bình luận của bạn đọc. Có tới 99,99% bình luận không đứng về phía công an. Nhiều bình luận mỉa mai sự bao che vụng về, sự dằn mặt thô thiển (nhiều nhà báo đến tác nghiệp nhưng chỉ có Quang Thế là bị phạt), sự coi thường dư luận của Công an Hà Nội.
Tự nhiên tôi rơi vào trạng thái buồn day dứt và tự hỏi: Chẳng nhẽ những khái niệm “liêm sỉ”, “tự trọng”, “uy tín”, “thiện cảm”… không còn được một số cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Nội nhớ tới nữa?!
Buồn chưa xong, tôi lại rơi vào tuyệt vọng về cơ chế: Công an đánh người, rồi công an điều tra, công an xử phạt, công an tuyên bố… Tất cả đều do công an phụ trách thì làm sao có kết quả khác được!? Thèm cơ chế “tam quyền phân lập” – trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền, giống như cơ chế thị trường trong kinh tế.
Này, nhưng đừng quá tuyệt vọng! Ở nước ta vẫn còn cơ quan dân cử, đó là Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. Các cơ quan này có chức năng giám sát. Vậy còn một chút hi vọng ở các cơ quan dân cử. Hãy hành động đi! Đừng để nỗi buồn kéo dài và cảm giác người ta “ngồi xổm trên dư luận” và hể hả cười.
-----------------------------
FB Bạch Hoàn
Một cái gạt tay, một cú đấm…
30-9-2016

Một cú đấm vung ra giữa thanh thiên bạch nhật, nhằm thẳng mặt phóng viên Quang Thế, báo Tuổi trẻ. Chỉ có người mù và những kẻ bán linh hồn rách nát mới cho rằng đó là một cái gạt tay quá cao.
Công an Hà Nội không bị mù, đương nhiên là vậy. Nhưng họ vẫn cho rằng cú đấm vào mặt nhà báo của viên cảnh sát hình sự huyện Đông Anh chỉ là cái gạt tay vào má. Thế nên, kẻ vung tay chỉ bị khiển trách. Còn nhà báo, người nhận cái gạt tay đến chảy máu miệng lại bị xử phạt 14,5 triệu đồng.
Một cú đấm tấn công biến thành một cái gạt tay chống đỡ, người ta bỡn cợt sự thật và coi thường người dân đến mức ấy sao? Nếu đó là cái gạt tay vào má nhà báo thì chắc chắn cũng là một cú đấm trực diện vào niềm tin của người dân.
Đến giờ tôi vẫn làm báo. Nhưng vụ việc này tôi lại thấy thương ngành công an. Bởi chỉ với sự trơ trẽn của vài cá nhân kia đã có thể phá hoại những cống hiến thầm lặng của không biết bao nhiêu người, phá hoại những nỗ lực xây dựng, giữ gìn hình ảnh của cả ngành công an.
Có lẽ, những cá nhân ấy chưa được dạy rằng, nhận lỗi và sửa sai không bao giờ khiến người ta hèn kém.
--------------------------------------

FB Nguyễn Thông
30-9-2016
Tôi nói thêm về phóng viên Trần Quang Thế, người bị công an cho ăn đấm hộc máu mồm.
– Nó hành nghề viết lách, chuyên viết bài cho tờ báo mà nó được trả lương, không gọi nó là nhà báo thì gọi nó là gì.
– Nhà báo không hẳn cứ phải là những người có thẻ do Bộ 4T cấp. Theo quy định do chính các vị ấy đặt ra, phải được cơ quan báo chí nhà nước tuyển dụng, ký hợp đồng, có 3 năm hành nghề trở lên mới được cấp thẻ nhà báo. Vậy trong thời gian 3 năm đó, không gọi nó là nhà báo thì là gì, con chó chắc.
– Nó đi làm nhiệm vụ do tòa soạn, do ban biên tập phân công, đó cũng là thi hành công vụ. Nó đi tán gái thì mới là việc riêng, còn đi lấy thông tin theo sự phân công của lãnh đạo cơ quan nhà nước thì phải gọi là công vụ. Công vụ đâu chỉ công an làm nhiệm vụ mới là công vụ. Mấy ông công an làm công vụ đậu xe ô tô chình ình trên cầu thì được, còn nó chạy gấp đến tạm bỏ cái xe máy đó để làm công vụ thì bắt lỗi nó. Phải bình đẳng. Đừng có mượn con ma chế độ để nhát người khác nhé.
– Chú Thế, anh bảo thật, không có lỗi thì đừng nhận lỗi, đừng hèn. Không làm việc này thì làm việc khác, hai tay vày lỗ miệng, rồi cũng sống được, để còn đứng thẳng trong đời. Cái báo của chú nó đã nhu nhược thế, chú đừng có nấn ná tiếc nuối gì.


2 nhận xét:

  1. Nhân cú "gạt tay" của gã CA Hà Thành làm hộc máu mũi nhà báo đang tác nghiệp trên cầu,ông Hồ Bất Khuất cùng rất nhiều người khác tỏ ý vô cùng bức xúc và ...buồn Nhưng tôi thì lại ..vui! Vì sao ư? Có hai cái lý thế này khiến tôi mừng.
    Một là: Qua cú gạt tay của cấp dưới và cách xử lý của bộ máy CA cấp trên, chúng ta có thể thấy cả một hệ thống cầm quyền đang ngày càng mắc lỗi nghiêm trọng khiến không thể che dấu được nữa. NHận định có tính khái quát cao của ông cựu CT Quốc Hội NVA ngày càng tỏ ra chính xác. Đây thật sự là hàng loạt lỗi hệ thống từ lý thuyết dẫn đường đến hành động, từ trên xuống dưới,từ con người đến bộ máy,từ mô hình đến cơ chế chính sách v.v.Mà cả hệ thống có lỗi thì không thể sửa chữa bằng cách giật gấu vá vai,chắp vá lung tung, tạm bợ,lại càng không thể che đậy bằng sự bịa đặt, giả dối hoặc trấn áp kiểu cả vú lấp miệng em v.v.Một hệ thống có lỗi tất yếu phải được thay thế bằng một hệ thống tiến bộ hơn, tốt đẹp hơn. Đó chính là bản chất của cái mà chúng ta vẫn thường gọi là " quá trình tiến bộ xã hội". Sau những cú "vung tay" vừa qua, đất nước đòi hỏi phải đổi mới lần hai, không có con đường nào khác; đó chẳng phải là điều đáng mừng sao?
    Hai là : Sự đổi mới để đất nước đi lên không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của một số người có chức quyền đang ngồi trên ghế cao. Đó phải là sự nghiệp của toàn dân. Qua quan sát có thể thấy: các tầng lớp nhân dân kể cả lề phải, lề trái , lề giữa v.v.đã bắt đầu thấu hiểu và lên tiếng.Họ không còn hèn vì nỗi sợ và cũng không còn u u minh minh,dễ bị định hướng dẫn dắt ,chỉ đạo v.v. như trước nữa. Nói ngắn gọn: nhân dân bắt đầu giác ngộ. Mà khi chủ nhân đất nước đã giác ngộ thì kẻ nào chống lại, kẻ đó tiêu vong. CN Duy vật lịch sử chẳng đã dạy thế sao?
    Và đó chính là niềm vui của những ai còn nặng lòng với đất nước quê huơng...

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh14:17 1/10/16

    Ý kiến của NNH: Hành động bạo lực của viên công an mặc thường phục đối với phóng viên báo đang tác nghiệp hợp pháp thể hiện tính côn đồ! Còn phát ngôn bênh che của viên đại tá phó GĐ CAHN thì cho thấy một thái độ "vô trách nhiệm vô hạn"! Đáng khinh bỉ! Ông bí thư thành ủy HN- Hoàng Trung Hải vừa phát biểu rang "cả thế giới đang nhìn cách hành xử của can bộ HN" đấy.

    Trả lờiXóa