Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

VÀI HÌNH ẢNH K5 DỰ GIỖ BẠN MAI TÂM

 

Cụ Khoa Phi đưa tin : Trưa hôm qua 30/7/2013, chị Chân ( phu nhân của Mai Tâm) đã thay mặt gia đình mời các anh chị K5 -những người bạn thân thiết của bạn Mai Tâm tới gia đình dự lễ giỗ ( năm thứ 3) . Một số bạn đã có mặt từ sớm để thăm hỏi sức khỏe chị Chân và cuộc sống của các cháu, sau đó mọi người lên thắp hương tưởng nhớ bạn Mai Đắc Tâm, cầu nguyện cho linh hồn bạn yên giấc ngàn thu và luôn phù hộ độ trì cho những người thân yêu trong gia đình và bạn bè K5 chúng ta !
Chị Chân và các cháu rất cảm động trước tình cảm gắm bó giữa K5 và gia đình. Bà chủ gửi lời cảm ơn tất cả anh chị em K5 bạn thân thiết chí tình chí nghĩa của anh Mai Tâm.




Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

53.PHẠM ĐỖ ĐỒNG - BÀI CHỌN IN SÁCH (3)

MẸ CON TÔI

                                                               Phạm Đỗ Đồng

     Hồi  kháng chiến chín năm, sợ máy bay nên chúng tôi thường phải học ban đêm. Vì vậy, mỗi đứa phải có một cái đèn dầu hỏa , phổ biến là đèn Hoa Kỳ. Tôi không có đèn nên phải nhờ ánh sáng của bạn bên cạnh. Có một lần làm tóan chia số lẻ, tôi cứ ghé sát vào bạn, làm thày tưởng tôi coppy nên suyt cho ăn “một cái gì đó”, nhưng may sao, bài giải của tôi đúng, còn bạn sai, nên thóat nạn. Nhưng nếu cả hai cùng đúng hoặc cả hai cùng sai như nhau thì sao nhỉ ? Thày đứng cạnh chúng tôi hơi lâu, chỉ cần thêm một tý nữa là kh6ng biết tôi có cầm nổi mà không trào nước mắt hay không ? Và nếu khóc thì chỉ cần chừng đó thôi, tai họa cũng đủ đổ xuống đầu bất phân sai đúng !
     
    Tôi mang chuyện không có đèn nói với mẹ, mẹ bảo nhà mình nghèo làm gì có tiền mua đèn Hoa Kỳ như các bạn. Mấy hôm sau mẹ ra phố Đại Từ xin đươc một cái chai vốn đựng mù tạt dài dài, miệng và đáy bằng nhau, đã rửa sạch bong mang về nhà. Mẹ bảo tôi kiếm một cọng dây thép rồi tự tay mẹ uốn uốn nắn nắn thế nào đó xong xâu một sợi bấc đã se sẵn vào giữa, thả vào trong chai. Hai cái ngoắc hai bên dính vào miệng chai, để cái đầu có bấc gần xuống dưới, phần trên đương nhiên trở thành bóng đèn. Mẹ đổ dầu lạc, thứ dành dụm để ăn, cho thấm đến gần đầu bấc, suýt đổ cả dầu ra ngòai. Tôi trông mẹ lóng ngóng mà buồn cười. Gặp tôi , chuyện này chỉ cần …một giây (!) Mẹ đốt đèn thử, mùi dầu lạc cháy thơm thơm , khen khét tỏa ra. Đêm mọi ngày nhà tôi thắp sáng bằng đuốc cây nứa hoặc sang hơn bằng nến nhựa trám. Mà chỉ thắp một tí đủ để mọi người lên giường . Tôi hỏi mẹ tối nay nhà mình thắp đèn dầu lạc hả mẹ ? Mẹ trả lời không, đèn này để cho con đi học ! Tôi ngớ cả người, không bao giờ nghĩ là mình sẽ đi học với một cái đèn kỳ quái như thế này. Bọn “đèn Hoa kỳ” nhất định sẽ cười cho thối mũi… Nhưng thôi, đèn của mẹ mà, song ấm ức thì vẫn ấm ức. Mẹ nhìn, biết tôi không vừa ý bèn quay đi, thở dài…Tôi miễn cưỡng mang đèn đi học, đâu có đứa nào nói gì….Mẹ tôi là bà đỡ giỏi cả huyện này biết tiếng , con của bà có mang cái đèn xấu nữa thì họ vẫn kính trọng bà như thường ! Cán bộ hồi ấy được trả lương bằng thóc., khi có khi không thì ai mà chẳng biết !

     Quần áo chúng tôi mặc vá chằng vá đụp, đi làm công tác Trần Quốc Tỏan như đi tắm gội cho các em bé ở những nhà neo đơn hoặc đi nhặt phân trâu bón ruộng và tăng gia, thậm chí đi học, nhiều bạn cũng mặc như mình …còn hợp, chứ đi họp thiếu nhi dưới xóm, đi cắm trại…thấy các bạn mặc quần tây xanh áo sơ mi trắng thì chỉ chui vào một góc hoặc trốn về luôn. Mẹ biết tôi như thế nên có dịp nào ưu tiên được là mẹ ưu tiên sửa sọan cho tôi ngay. Có lần chú N là em nuôi bộ đội của dì tôi (các bà thường nhận bộ đội là em nuôi ) đi công tác ghé qua sau chiến dịch Biên giới, tặng mẹ tôi một miếng vải quần nam và một miếng vải áo, tất cả đều mầu trắng . Mẹ bảo để may cho tôi đi sinh họat thiếu nhi. Tôi mừng muốn khóc, và hầu như sau đó đêm nào cũng mơ thấy quần áo mới. Mẹ mang vải quần đi nhuộm xanh “công nhân” nhưng chẳng ở đâu nhuộm màu đó nên sau khi hỏi ý kiến tôi, mẹ mang đi nhuộm màu gụ “nông dân”, là màu phổ biến nhất lúc bấy giờ. Tôi cứ tưởng sau khi nhuộm xong vải mẹ sẽ mang tôi đi may đo ở một hiệu may nào đó, nhưng lại không có tiền nên mẹ thuyết phục tôi để mẹ tự cắt may. Có lẽ tôi cảm thấy : Được lành lặn là nhất rồi nên đồng ý ngay, chỉ giao hẹn là phải khâu “đột” cho nó giống may máy mới được. Mẹ vừa chầm chậm gật  đầu chiều ý ông con khó tính vừa mỉm cười ưng thuận. Thế là những ngày sau đó, mẹ vừa tiêm chích, vừa phát thuốc cho bệnh nhân, vừa dành thời gian may quần áo cho tôi. Còn tôi chẳng đi bắt cua bắt cáy gì hết, ngày ngày chỉ ngồi bên hầm tránh máy bay cùng mẹ, nhìn mẹ may và xăm soi xem mũi kim nào quá lớn hoặc quá nhỏ để bắt mẹ tháo ra khâu lại!  Không biết sự cầu tòan thái quá của tôi sẽ mang lại hậu quả gì vì chỉ biết “đẹp” bất kể xung quanh cực khổ thế nào. Thế nhưng mẹ vẫn chiều, làm như cái nghèo là lỗi của  mẹ. Mẹ rất cố gắng để khỏi phải làm đi làm lại . Những ngày cuối, khi đã hòan tòan yên tâm, tôi lại tung tăng trở về với ruộng đơm đó, rừng cạm bẫy….vì dù sao ở đó luôn có sức quyến rũ với tôi đến lạ lùng . Quần áo may xong cũng là lúc tôi được đi cắm trại với sự thỏa mãn của đúng đứa con bà đỡ. Hôm trở về, tôi thấy trong mâm cơm để phần cho tôi có đĩa đựng mấy miếng thịt nhò. Tôi hỏi mẹ thịt gì ? Mẹ bảo là thịt con quốc sập bẫy của con do thằng em đi lấy về…cả nhà đã ăn hết, còn  để dành cho con. Tôi sung sướng như đã không phụ công may vá của mẹ và cảm thấy được cái vị trí con trai lớn trong nhà ít ai thay thế được của mình.

    Thời gian cuối của mẹ có những chuyện xảy ra không bình thường ! Một hôm, một bà đẻ khó được gia đình cáng đến. Bà băng huyết nặng, mặt xanh như tàu lá, chỉ còn thoi thóp thở. Người chồng đi theo cứ lấy tay quệt nước mắt và luôn miệng nói như khấn : Bà đỡ làm ơn cứu giúp mẹ con cháu….bà đỡ làm ơn làm phúc !...Chỉ một câu đó nhắc đi nhắc lại nhiều lần, dần dần như tự nói với mình…Người mẹ được mọi người khiêng lên cái giường tre cao hơn giường bình thường, quay chân vào phía trong, máu chảy theo nhỏ giọt. Xung quanh giường không một mảnh vải che chắn nên bất cứ ai đứng gần đấy đều có thể nhìn rõ hết. Mẹ chùi rửa chích thuốc, nghe tim thai, một lúc sau mẹ bảo hai người cáng và ông chồng ra ngòai nghỉ tạm, rồi ra sau nhà hội ý to nhỏ gì đó với mấy cô học viên. Họ nói gì về thuốc, thuốc !...Các cô học viên trở lại lấy nước ấm lau mặt, lau chân lau tay cho sản phụ. Những người đi theo ngồi vạ vật thiếp đi, bất kể là ở đây nhiều muỗi. Cái bếp đun nước khử trùng ống tiêm vẫn sôi nhè nhẹ và có tiếng kêu lanh canh của thủy tinh. Củi nứa cháy lâu lâu xì hơi như có ai thổi lửa. Nửa đêm mẹ gọi các cô học viên và người chồng dậy. Cầm tay vợ lạnh ngắt, ông ta bật khóc ngày càng to làm cả nhà thức dậy hết. Con em gái út sợ quá cũng òa khóc. Mẹ nói : Các chị dỗ em! Tiếng khóc trong đêm vang xa…Hàng xóm ở cách cả quả đồi, đốt đuốc sang xem có chuyện gì. Cái sân nhỏ bỗng chốc sáng bừng, một lúc sau như sợ kinh động đến người đang nằm, họ rụi hết đuốc. Đêm tháng tư bỗng trở nên đen sẫm lạ lùng ! Gần sáng , những người hàng sóm lục tục trở về. Mẹ chạy theo với gọi người cuối cùng nhờ mượn cuốc thuổng và sáng mai sang đào huyệt giùm. Mộ huyệt cách nhà không xa, chỉ khỏang hai thửa ruộng . Thế là lần đầu tiên có cả hai mẹ con chết ở đây. Khỏang nửa tháng sau, lại một ca cấp cứu khác. Lần này thì cứu được người mẹ. Đứa bé cũng được chôn ở đâu đó gần ngôi mộ thứ nhất, chỗ chị em hay lang thang chơi trước đó, còn bây giờ đố đứa nào dám ra, thậm chí dám nhìn….Người chết hồi đó được bọc trong bất cứ cái gì họ mang theo, không có hòm siểng gì hết. Nghi lễ không lấy đâu ra nhang đèn, chỉ có những chắp tay vái lạy suông cùng  nước mắt, nước mắt và…nước mắt!

      Mẹ tôi là trưởng phòng y tế huyện Đại Từ (thuộc Ty y tế Thái Nguyên) và tất nhiên là một Đảng viên , phòng không có nhân viên nên lúc nào có chuyện bệnh tật gì, ở đâu , người ta gọi là đều phải đi một mình. Có ca đẻ khó của một sản phụ người Mán Cao Lan ở rất xa, người ta đưa mẹ đi đến đó hai ngày đêm. . Ở nhà chị em cứ nhìn lên dãy núi xanh xa mờ ngóng mẹ. Trời lất phất mưa, ếch nhái côn trùng kêu thê thảm…Có con ễnh ương bé xíu mà tiếng kêu ai óan lại to hơn tất cả. Nó ở ngay bụi nứa sơ xác cạnh nhà. Ngày mẹ về, người ướt hết, chân và quần bê bết bùn đất và lên cơn sốt rét run cầm cập, nhưng dù sao thì mẹ cũng đã về…Mẹ bảo chị lớn đi nấu cho mẹ ít nước nóng để thay quần áo, xong mẹ lên giường trùm chăn chiên kín đầu. Tất cả mấy đứa lớn nhỏ nằm đè lên ôm chặt sưởi ấm cho mẹ.. Mẹ không rên, chỉ nghe thấy tiếng hai hàm răng đánh vào nhau lập cập qua làn chăn mỏng. không ngăn nổi cái lạnh từ trong lạnh ra…Sáng sớm hôm sau có tí mặt trời đã thấy mẹ ra vườn cuốc đất. Mẹ bảo sốt nhẹ, sợ nằm thành nặng luôn. Đất ở đây đầy rễ cây guột, kết thành từng mảng, rẫy lên nghe rột rột, muốn trồng cây phải cuốc  bóc hết cả mặt trên đầy rễ lên. Đất đen lộ ra trông rất màu mỡ , nhưng lạ thay, cây rau trồng xuống chỉ thấy mọc lơ thơ cho tòan cọng là cọng, dai muốn trẹo quai hàm. Cuốc đất như thế, không biết mẹ đã ăn mấy củ khoai chưa? Chị lớn bảo lấy ít gạo nấu cháo cho mẹ, mẹ bảo đừng, gạo còn quá ít để dành cho em con, phòng lúc nó ốm đau….Đi xa mấy ngày, về lại sốt rét, con em út mới 5 tuổi cứ bám riết lấy mẹ như sợ bị ai lấy mất, không chị nào dỗ nổi. Mẹ cuốc đất nó cứ ngồi đầu bờ mếu máo…Đêm, lúc nó thiu thiu ngủ trong lòng mẹ, mẹ cất tiếng hát ru, tiếng mẹ như từ đâu vọng lại, như lời nhắn gửi trước, cho một ngày không còn xa…:

     Đêm đêm, có một nàng chinh phụ
     Bồng con thơ chua  xót chuỗi ngày xanh
     Dạ tái tê, ngóng người đi không hẹn
     Thắp nén hương , rồi dốc cạn chén tình !...

     Chỉ biết mẹ không còn phải nằm nữa nên tôi vẫn vô tư đi câu cá, bẫy chim Tôi thấy trên bờ con mương chảy trước nhà, thấp thóang mấy con chim quốc lùi lũi đi tự nhiên như trên miền đất hoang lạ, giơ cái đít có đám lông đỏ xẫm như màu cốt trầu trêu ngươi…bèn đặt bẫy trên đường đi của chúng. Bẫy quá gần nhà, chim không sập bẫy mà gà nhà lãnh đủ (!) Thằng em khóc tóang lên, dặm chân đùng đùng, bắt đền con gà trống choai choai của nó. Tôi đành cầu cứu mẹ, tuy rất sợ mẹ mắng.. Mẹ tủm tỉm cười nhìn tôi đang không hết ngơ ngác. Khóc chán và không biết mẹ dỗ cái gì mà cuối cùng nó cũng chịu im luôn….Tôi đóan thằng em này chỉ cần hứa cho con gà khác đẹp hơn và cho ăn thịt gà kho là xong…Nó nổi tiếng “lỳ” và khóc dai. Sau khi mẹ mất, chúng tôi mới biết mẹ có một cuốn nhật ký, không biết tại sao có nhiều đọan chữ đã nhòe, đọc mãi không được. Mẹ viết bằng mực xanh, có lẽ là thuốc tiêm chống sốt rét đã quá hạn sử dụng có tên là Blue Methylene mẹ vẫn cho chúng tôi dùng làm mực viết, tốt hơn mực đi học thường dùng, làm cho nhiều bạn phải ganh tỵ. Trong nhật ký có mấy câu thơ như sau:
   
     Hôm nay Đồng bẫy phải gà
     Hốt hỏang con gọi mẹ ra đầu hồi
     Chết gà vì quốc, quốc ơi
     Tiếc gà nhưng vẫn thích  nồi thịt kho!...
     
     Cuốn nhật ký đó tôi còn giữ cho đến hôm nay. Nói thật , sau bao nhiêu năm rồi, tôi cũng chưa khi nào đọc hết cuốn nhật ký đó, mà chỉ có thể đọc từng đọan, từng đọan, mà hầu như bao giờ cũng phải bắt đầu lại từ đầu…Nó như là một báu vật luôn luôn đầy bí ẩn. Hơn nữa cứ mỗi lần cầm nó trên tay, tôi lại thấy như đang ôm mẹ run lập cập ngày nào…


     Một buổi sáng mẹ không trở dậy được nữa, mẹ nói mẹ chóng mặt. Chị lớn dấu mẹ lấy gạo nấu cháo , ép mẹ ăn để uống thuốc. Mẹ ăn không hết nửa bát cháo và nói chị đi lấy thuốc cho mẹ. Mẹ chống tay khó khăn trở dậy, lấy thuốc uống mấy viên gì đó rồi nằm vật ngay xuống. Mấy đứa con hốt hỏang chẳng biết làm gì, chỉ biết xúm nhau ôm chặt lấy mẹ khóc thút thít. Con em út bắt đầu khóc to nhất. Chị hết sức dỗ dành em , nhưng nó chỉ im được một lúc. Hai chị bàn nhau đi tìm chú y tá làm cùng mẹ, nhà xa tận ngoài phố Đại Từ . Chị lớn te tái chạy đi ngay. Còn chị bé ở nhà dỗ em đừng khóc , trong lúc mình thì nước mắt đầm đìa… Một lúc khá lâu sau, chú y tá có xe đạp, một của hiếm thời đó, đèo chị lớn về. Chị bé bảo :Sao chị đi lâu thế? Chú y tá nói : Nó chạy đến chú muốn đứt hơi rồi đó ! Có chú, chúng tôi như chết đuối vớ được cọc. Chú tiêm thuốc cho mẹ, chắc chỉ là thuốc sốt rét và loay hoay ở cùng chúng tôi đến gần trưa. Có mấy củ sắn luộc lỏng chỏng trong nồi, nhưng mẹ thế nên chẳng đứa nào còn muốn ăn. Còn  chút cháo thừa của mẹ cho con em út nó cũng lắc đầu quầy quậy…

    Đến trưa,tự nhiên ngòai bờ mương có tiếng phụ nữ gọi : “Chị Hiển ơi chị Hiển , ra mà xem có ai về này !" Chắc không thấy ai thưa nên người ấy nói luôn : “Nhà này điếc hết rồi hay sao ?” Chị lớn lúc ấy mới chay ra, nói nhỏ cái gì, mọi người chạy ùa vào, té ra là cô Hòa, chú Chất, em An, cô Hảo và một người bạn cùng về một lúc ( mẹ bảo gọi dì dượng bằng cô chú cho thân mật ) Không lẽ họ biết tin nhanh thế ?  Cô Hòa lúc nãy gọi rất to, bây giờ còn nói to hơn như quát : “Chúng mày có im hết đi không, mẹ có chết đâu mà làm om sòm như vậy !” Mọi người cùng đi im lặng không nói gì chỉ đưa mắt lừ lừ nhìn cô. Chúng tôi biết mình thật may mắn khi gặp họan nạn nhu thế này. Mọi người nhất lọat về thăm mẹ như là một điều tình cờ. Cô Hảo và người bạn cùng làm ở ngành y tế đang đi tiêm chủng trong vùng, ghé qua thăm chị. Cô chú Chất Hòa được giải ngũ, định trở về ở cùng chị để tăng gia sản xuất. Sự tình cờ này nhất định là có linh tính báo trước. Nói như cách nói bây giờ là hiện tượng thông tin “ngọai cảm”, không còn gì phải nghi ngờ!

     Các cô chú bàn nhau tiêm và cho mẹ uống thuốc. Suốt mấy ngày sau, trong mê man mẹ cứ luôn miệng đòi một thứ thuốc gì đó có tên là Rontondine. Mẹ nhắc đi nhắc lại hòai, làm chúng tôi thuộc luôn . Sau này có người nói mới biết là thuốc trợ tim. Nhưng lúc đó tìm đâu ra? Như vậy là mẹ vẫn đủ tỉnh để biết mình bệnh gì, không có thuốc đó mẹ đành chờ cuộc sống ra đi từ từ …Cuộc đời mẹ là cả một chuỗi ngày dài làm việc và chờ đợi : Chờ cha về, nhưng hôm nay cha ở xa lắm chưa thể biết tin, chờ hòa bình, cái chờ đợi lớn lao nhât đang gần đến thì mẹ đã cạn hết sức lực…Một ngày mẹ nói thật nhỏ , mọi người phải cố hết sức lắng tai thì mới nghe được : “Chết đến chân rồi!...”. Được một lúc lại nói :”Chết đến bụng rồi!...”và sau đó thấy không còn nói được nữa. Các cô các chú sợ mẹ cắn phải lưỡi nên theo dân gian, lấy chiếc đũa cả chèn vào giữa hai hàm răng. Trông mẹ bé nhỏ lúc đó thật tội nghiệp như đã là người của thế giới bên kia rồi…Mẹ ngừng thở, mắt còn hé mở. Cô vuốt mắt cho mẹ và kéo chăn che kín đầu mẹ. Sau đó có người buộc hai ngón tay cái và chân cái của mẹ vào nhau và bảo các chị nhốt kỹ con mèo lại. Để làm gì thì sau này lớn lên mới biết. Bao nhiêu ngày mẹ lâm bệnh là bấy nhiêu ngày chúng tôi khóc để cho đến lúc này hầu như nước mắt đã cạn hết !

      Có nhiều người hàng xóm sang giúp chôn cất mẹ. Mộ của mẹ nằm ở một góc ruộng trống, ngược với hai ngôi mộ của bệnh nhân cũ mà khi ra mương rửa ráy buổi chiều xong quay lại bao giờ nhìn cũng thấy. Lúc ấy chỉ còn nước chạy cuống cuồng về nhà. Thương mẹ thật, nhưng bây giờ mẹ đã là “ma” rồi!...

      Mẹ mất tháng 5 mà tháng 6 cha mới về. Cha ra mộ mẹ một mình và ngồi ở đó khóc  như có đám ma thứ hai. Mấy ngày sau cha kiếm đâu được một chiếc ba lô khá nghêm chỉnh, gói gém ít quần áo của tôi, rồi đưa tôi ra phố Đai Từ chờ đoàn trẻ con được đưa sang Trung quốc học do anh Cao Lý dẫn đầu đi qua…Tôi mặc cái quần tây của mẹ may, chân đi đất  và biết trước mặt mình sẽ là một chân trời tươi sáng mới, nhưng niềm vui to lớn ấy không thể nào làm nguôi ngoai nỗi đau xé lòng vừa mới mất mẹ ngày qua…..              
       
      Sau 40 năm, hết cuộc chiến tranh thứ 2, tôi cùng thằng em cũng đã già như tôi mới có dịp trở lại nơi ở cùng với mẹ năm xưa. Chúng tôi đến phồ Đại Từ nhận ra ngay cái sân vận động một thời đã bị biến thành nghĩa địa sau một trận phố xá bị ném bom. Nay mộ chí đã được bốc đi hết. Chúng tôi tìm một quán giải khát để nghỉ, định uống cà phê nhưng ở đây tòan quán bia hơi. Thôi, đành uống bia hơi và hỏi đường vào làng Bình Khang. Bà chủ quán tuổi đã hơi lớn, nhưng còn gọn gàng hỏi các bác vào Bình Khang đến nhà ai ? Bình Khang đã đổi tên là….(tôi không còn nhớ tên ấy và hơn nữa với chúng tôi chỉ có một Bình Khang của mẹ thôi !) Chúng tôi bảo không vào nhà ai cả, mà chỉ vào thăm làng vì thời kháng chiến chống Pháp mẹ chúng tôi là bà đỡ ở đây. Mắt bà chủ quán bỗng sáng lên, bà nói luôn : Có phải bà Hiển không ? Mẹ cháu ngày xưa cũng là học trò của bà đấy ! Chúng tôi cùng ồ lên và đến lượt mình ngạc nhiên : Quá khứ không mất đi đâu cả, nó chỉ ở đâu đấy thôi, có khi còn ở ngay trong cái quán bia nhỏ xíu, chẳng ai để ý, xa xôi và ngẫu nhiên tìm đến này….

      Bà chủ quán dắt chúng tôi vào làng. Trên đường đi chúng tôi kể một lọat tên những người bạn chăn trâu, bắt cá năm xưa, biết họ còn sống hầu như đủ cả. Bà chủ quán đưa chúng tôi ghé lại một nhà bạn quen gần nhất. Mọi người đều mừng vì không thể tưởng tượng nổi là chúng tôi còn có ngày gặp lại được nhau. Làng bây giờ đã thay đổi hẳn, tuy còn nghèo nhưng nhà cửa đã san sát, những con đường đã rộng hẳn ra. khô ráo, không còn cái cảnh hoang sơ năm nào nữa.

     Hôm sau, nhiều người đưa chúng tôi đến thăm lại nơi đã chôn cất mẹ trước đây. Hài cốt của bà đã được cha tôi đưa về nghĩa trang Văn Điển Hà Nôi từ ngay những năm đầu sau chiến tranh chống Pháp, chỉ còn cái góc ruộng nơi mẹ đã nằm xuống. Không ai san lấp trồng tỉa gì ở đó cả. Người làng như cố ý để lại y nguyên hiện trạng nơi ấy với bao nhiêu hoa dại ngũ sắc,, trên còn phủ mấy cành tre giữ cho gia súc khỏi đi vào. Tôi nhìn những đóa hoa li ti đỏ, tím, trắng vàng, …long lanh trên màu cỏ xanh đậm đung đưa trong gió nhẹ mà tưởng như chính những giấc mơ nhớ mẹ hồi còn học ở Quế Lâm hiện về, tưởng như  mẹ vẫn còn lưu luyến nơi đây…hay cũng đang trở lại cùng với chúng tôi vừa mới hôm nay…

                                                                    ( Thứ Bảy 28-8-2013 )

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

NHÂN NGÀY GIỖ MAI TÂM : NHỚ MÃI CUỘC LIÊN HOAN CUỐI CÙNG Ở SÀI GÒN...

Gặp nhau ở Vườn trăng
      10:05 23 thg 5 2010Công khai Lượt xem11
  Bài : Quang Trung. Ảnh : Calathau, Đỗ Đồng


Màn nhận và tặng hoa rất cảm động 
Moon Garden (Vườn trăng)- Cái tên Nhà hàng lãng mạn xem ra rất hợp với chủ nhân của bữa tiệc chiêu đãi các bạn đồng môn chí cốt ở SG.

THAY MỘT NÉN HƯƠNG NHÂN NGÀY GIỖ BẠN MAI TÂM XIN ĐĂNG LẠI ENTRY CŨ


Mai Tâm chào các bạn thân yêu !
Gặp Mai Tâm ở SG: 
Thân tình và cảm động
20:13 22 thg 5 2010Công khai 4 Lượt xem12
Ghi nhanh:Quang Trung. 
Ảnh : Calathau, Đỗ Đồng, Kỳ Gai

BĐH- Chiều 22.5.2010, sau mấy tuần lễ nắng nóng kinh hoàng, Sài Gòn bỗng rào rào đổ xuống 1 cơn mưa khiến không khí trở nên mát dịu lạ thường. Có lẽ ông trời cũng chiều lòng vị khách đặc biệt đến từ Thủ đô Hà Nội vừa mới vào Tp phương nam này. Đó là cụ bạn Mai Tâm của chúng ta, một nhân vật từ lâu đã là " người của công chúng"- ít nhất là trong Làng Culo !

Một phái đoàn hùng hậu tháp tùng bạn Mai Tâm gồm đủ thành phần lứa tuổi và các chức sắc trong gia đình cũng như ngoài xã hội, nhưng vì mới xuống sân bay về ngay KS . Đáng lẽ cần nghỉ ngơi nhưng Mai Tâm cùng bà xã đã tới ngay với các bạn. Xe hơi của Minh Ngọc đã chờ sẵn ở bên ngoài Khách sạn. Lịch trình chính xác đế từng ...giây ! Thật là một chuyến du lịch Phương nam của Mai Tâm và gia đình để lại ấn tượng không thể phai mờ trong ký ức mọi người .

Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

ĐÓN BẠN LÊN VƯỜN GIẢI KHUÂY

BĐH - Chủ nhân là cụ Như Lý còn người bạn- khách mời đặc biệt chính là cụ Như Thanh ( và tháp tùng có cụ Kim Lân Đinh). Lý do " Đưa bạn lên vườn giải khuây" thì ai cũng biết . Biết nên mới khen " cụ Như Lý thật là ...tâm lý!". Các cụ có thể sang "nhà" cụ  Như Lý để biết chi tiết về cuộc hội ngộ này, Dưới đây chúng tôi xin trích 1 bài thơ và bức ảnh để dán lên đình Làng hầu quý cụ !
Ngày mưa bạn ghé thăm vườn
Chồi xanh lộc biếc ven đường đày hoa
Trà xanh, táo ngọt bưng ra
Rượu quê nâng chén ngâm nga sự đời
Bạn từ đất khách xa xôi
Hôm nay về với vườn tôi một lần
Buồn vui lòng thấy lâng lâng
Tình xưa bạn cũ bâng khâng dạt dào.


----------------------------------------------------------
Nguồn : http://thachquan.blogspot.com/

Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

HƯỚNG VỀ NGÀY THƯƠNG BINH-LIỆT SĨ 27/7


Tưởng nhớ Cha, Anh
                             (Lê Tiến Hoàn)
               Mỗi năm cứ đến ngày này
     Con da diết nhớ… thương thay Cha mình…

          …Cha cùng Anh đã hy sinh
    Cuộc đời, xương máu, quên mình vì dân
              Dù cho Tổ Quốc ghi công
    Nhưng sao bù đắp nỗi lòng các con
             Chúng con mất Bố, mất Anh
    Thiệt thòi bao nỗi, thua anh em nhiều
            Cha ra đi một buổi chiều
    Lòng còn canh cánh bao điều dở dang
            Anh thì đang độ xuân sang
    Mà hoa gẫy cánh, muôn vàn tiếc thương!

            Bao người ngã ở chiến trường
    Chung lòng bảo vệ quê hương một thời
           Tổ quốc ghi công ơn Người
     Đất nước, con cháu đời đời không quên!
                                           
                                               Tiến Hoàn
                            * * *

                                       Ta sẽ xậy tượng đài....
                                                             (Minh Gương) 
                               
                                        Ta sẽ xây tượng đài
                                        Trong lòng mỗi người
                                        Và cho con cháu mai sau
                                        Để đời đời nhớ ơn
                                        Những người đã hy sinh xương máu
                                        Cho đất nước được độc lập tự do
                                        Cho dân ta áo ấm cơm no.
                                                                   

                                                                             Minh Gương

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

52. BÀI VIẾT VỀ HOÀNG KỲ CHỌN IN SÁCH

VỚI TRƯỞNG NAM CỦA THI SĨ HOÀNG CẦM
                                              NGUYỄN ANH TUẤN
                                      ( Sưu tầm trên Blog Nguyễn Trọng Tạo)

 Tôi trở lại một vùng quê Kinh Bắc xưa… Chợt cồn cào nhớ đến một nhà nghiên cứu văn hóa quê gốc Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh. Đó là anh Hoàng Kỳ. Tôi thuộc thơ của thi sĩ Hoàng Cầm từ rất nhiều năm trước khi biết đến người con trai đầu của cụ. Qua nhà thơ Thanh Kim, phóng viên báo Bắc Giang, tôi được gặp anh lần đầu tại thư viện của thị xã Bắc Giang (tỉnh Hà Bắc cũ). Mới gặp, anh có vẻ lịch sự xã giao, thậm chí như hơi đề phòng- thói quen hình thành trong một hoàn cảnh gia đình đầy sóng gió đã ảnh hưởng sâu đậm tới cuộc đời anh… Nhưng dần dà, cái vỏ ngoài ấy đã biến mất hẳn sau nửa giờ trò chuyện, khi anh hiểu rõ rằng: trước mặt anh là một “con mọt sách”, đang muốn tìm hiểu về văn hóa vùng Kinh Bắc… 
Với tư cách là phó giám đốc thư viện, anh Hoàng Kỳ đã nhiệt tình tìm giúp tôi những tài liệu cần thiết- đầu tiên là cuốn Địa chí Bắc Giang. Anh không mệt mỏi giải thích cho tôi vài tồn nghi khoa học- như một nhà nghiên cứu thứ thiệt, và với nguồn cảm hứng của một nhà thơ về một vùng đất dày đặc trầm tích văn hóa & lịch sử… Anh mời tôi đến thăm nhà anh, một ngôi nhà nhỏ nằm trong hẻm dốc ở rìa thị xã. Chị Vân vợ anh, một phụ nữ hiếu khách trong vẻ nhẫn nhịn lặng lẽ quen thuộc của người Kinh Bắc, chị chào tôi một câu rồi xin phép quay đi, lúi húi với đàn gà đàn lợn…

51. VŨ DUY KHẮC - THƠ CHỌN IN SÁCH (Bài 2)


Hơn cả tình bạn

                                               Vũ Duy Khắc

Tôi với Trung Hải cùng quê Kiến Thụy (Hải phòng). Hai ông Bố cũng là bạn chiến đấu. Năm 1966 bố tôi ra đảo Cát Bà họp và bị máy bay Mỹ thả bom nên đã hy sinh tại đó.Thời kì đó máy bay Mỹ đánh phá liên tục cảng Hải Phòng và đảo Cát Bà. Đáng lẽ buổi họp đó chỉ cần cấp trưởng phòng tham dự nhưng phân công vị nào cũng tìm lý do thoái thác vì sợ. Cuối cùng bí thư Đảng ủy kiêm Giám đốc Sở phải đi. Và cụ đã chết thay cho bọn họ ! Tiếc rằng sau đó cụ không được công nhận là liệt sĩ.

   Bố Trung Hải là người tích cực tìm lại sự công bằng cho bố mình. Việc đó kéo dài đến năm 1978 mới được công nhận.Tình cảm gia đình mình và gia đình Trung Hải ngày càng gắn bó.

    Vừa rồi Trung Hải đến nhà mình, mình có mấy câu thơ CON CÓC, học lỏm theo thơ Nguyễn Khuyến để tặng Trung Hải:

50. NGUYỄN NGỌC TIẾN-BẢI CHỌN IN SÁCH

Một thời mãi không quên


                                                                   Nguyễn Ngọc Tiến


Cuối năm 1951, tôi và một số bạn hành quân lên Việt Bắc để tập trung sang nước bạn học tập. Tất cả đều lần đầu tiên xa nhà, xa người thân, duy chỉ có tôi là được bố đi theo cùng. Chúng tôi phải đi bộ, luồn rừng, lội suối theo những lối mòn để tránh máy bay Pháp phát hiện. Vậy mà khi đến Khe Mo vẫn bị dính “thằng B26”, chúng tôi phải chui vào cống ẩn nấp. Sau đó chúng tôi đến hang Bắc Sơn. Đoàn tôi có thêm các bạn  Giáng Vân và Chu Cường... Nghỉ ở hang Bắc Sơn lấy sức rồi  lại tiếp tục hành quân lên Đồng Đăng. Tôi cố gắng tự đi theo các bạn, nhưng có lúc mệt quá bố tôi phải cõng. So với các bạn cùng đoàn có lẽ tôi là người sướng nhất vì có bố đi theo chăm sóc. Thế nhưng vào một đêm đợi tôi ngủ say bố tôi đã "trốn" về và để tôi ở lại. Tôi rất buồn vì không còn bố bên cạnh, nhưng được các anh phụ trách động viên và thấy các bạn vui vẻ hồn nghiên dần dần tôi cũng quen với cuộc sống tập thể. Rồi một đêm đi bộ chân đã mỏi rời rã chúng tôi nghe người lớn thì thào bằng thứ tiếng gì đó rất lạ. Sau này mới biết đấy chính là “Mục Nam Quan”, sát biên giới với Trung Quốc. Chúng tôi được đưa lên xe tải, có ghế ngồi, có mui che và có bộ đội GPQ Trung Quốc bảo vệ đưa thẳng tới thị trấn Bằng Tường , rồi đến Tâm Hư (Khu học xá Nam Ninh). Tôi được phân vào học lớp 3 (thầy Tầng dạy - nhớ là có bạn Mạch). Ít lâu sau tôi lại được chuyển ngay lên Quế Lâm .

49. TRỊNH XUÂN DIỄN-BÀI CHỌN IN SÁCH

TỪ VIỆT BẮC ĐẾN LƯ SƠN TỰU TRƯỜNG
(Trích Hồi ký “ Những năm tháng không thể nào quên”)
                                                  

                                                                                     Trịnh Xuân Diễn

Sau ngày kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ (19/12/1946), gia đình tôi rời Thủ đô tản cư lên Thái Nguyên, định cư tại thôn Phúc Thanh, huyện Phú Bình. Còn Bố tôi vẫn ở lại Hà Nội, làm việc tại Văn phòng Chính phủ, tiếp tục tham gia “Tự vệ thành chiến đấu”. Rồi cùng cơ quan chuyển lên chiến khu Việt Bắc, mãi cuối năm 1949 mới gặp lại gia đình.
Sau mấy ngày Bố tôi về nghỉ phép thăm gia đình, sáng ngày 20/06/1953 Bố đưa tôi lên cơ quan ông để tập trung cùng với một số bạn nữa được Đảng và Bác Hồ cho đi học tập ở trường Thiếu nhi Việt Nam tại Lư Sơn, Trung Quốc. Bố tôi đưa tôi đi bằng xe đạp. Tạm biệt ngôi nhà tranh và những người thân yêu trong gia đình; bố con tôi đi theo con đường cái để ra tỉnh lộ đi về thị xã Thái Nguyên. Trên tỉnh lộ, ngồi trên xe đạp, phải luôn cảnh giác lắng nghe tiếng máy bay địch. Vì dạo đó máy bay địch luôn oanh tạc dọc đường để ngăn cản hoạt động của ta. Quá trưa hôm đó chúng tôi qua cầu Gia Bẩy, nơi cách đây mấy ngày máy bay địch đã ném bom, bắn phá gây thương vong hàng chục người. Buổi tối ngủ tại một xưởng bào chế thuốc của ngành Y tế, là nơi chú tôi công tác. Sáng hôm sau bố con tôi đi Định Hoá, khi đó nằm trong “An Toàn Khu” (ATK), nơi tập trung cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến. Buổi chiều qua Quán Vuông; đi một đoạn đường nữa là đến trạm đón tiếp của ATK. Chúng tôi nghỉ, xe đạp để tại trạm. Chừng một giờ sau, chú Ba là bảo vệ tại cơ quan đến trạm đưa bố con tôi về Ban Kiểm tra 12 ( Ban KT 12 là mật danh của cơ quan Phủ Thủ tướng). Vừa ra khỏi trạm thì trời đổ mưa, chúng tôi lặn lội dưới trời mưa trong rừng, đường hẻm quanh co, trèo đèo lội suối. Chỉ phút chốc sau cơn mưa, nhưng con suối phải vượt qua nước đã chảy xiết, ào ào dâng lên dưới bụng chân, rồi lên tận bụng. Sợ tôi bị trượt ngã, nguy hiểm, chú Ba phải dắt tay tôi. Cuối cùng chúng tôi đã đến Ban Kiểm tra 12.

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

NHÌN SANG CHÍNH TRƯỜNG CAMPUCHIA

Tôi rất phục ông Hun Sen
                                                       
                                                     (Trần Kỳ Trung)


Như báo “Tuổi Trẻ ” ra ngày thứ bảy ( 20/7/2013) đưa tin: “… Ngày 12/7 Quốc vương Norodom Sihamoni đã quyết định ân xá cho ông Sam Rainsy theo đề nghị của Thủ tướng Hun Sen. Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Hun Sen đã gửi thư tới Quốc vương đề nghị ân xá cho ông Sam Rainsy trên tinh thần hòa giải, thống nhất dân tộc và để bảo đảm một cuộc bầu cử tự do và công bằng…”. Báo “Tuổi Trẻ” còn cho biết thêm: “…Việc ân xá cho ông Sam Rainsy tạo điều kiện cho ông này trở về nước trước ngày bầu cử vì mục tiêu hòa hợp dân tộc, bắt nguồn từ chiến lược “ hai bên cùng thắng” mà thủ tướng Hun Sen đề ra và áp dụng tại Căm Phu Chia từ những năm 90…”.

       Trước đây ông Sam Rainsy, lãnh đạo “ Đảng Cứu nguy dân tộc Căm phu Chia” ( CNRP) thuộc phe đối lập với “ Đảng Nhân dân Căm Phu Chia” (CPP), đảng đang cầm quyền của ông Hun Sen. Ông Sam Rainsy chống đối ông Hun Sen rất quyết liệt, nhất là trong vấn đề với Việt Nam, ông ta đã từng bị tòa án Căm Phu Chia kết án 12 năm tù giam với các tội danh nhổ cột mốc biên giới và ngụy tạo tài liệu. Ông Sam Rainsy phải trốn ra nước ngoài trước khi bị tòa án kết án vắng mặt.

         Chính quyền trong tay, mọi cơ quan tuyên truyền trong nước đang nắm, ông Hun Sen và đảng của ông có thể dễ dàng lũng đoạn lực lượng quân đội và cảnh sát, đối thủ chính lại đang trốn ở nước ngoài… như vậy chắc chắn đảng Nhân dân Căm Phu Chia ( CPP)  của ông Hun Sen sẽ thắng cử một cách dễ dàng trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa năm tổ chức vào ngày 28/7 tới.

            Nhưng nếu làm như thế, ông Hun Sen chỉ có thể đem lại thắng lợi trước mắt cho đảng của ông, nhưng trong mắt người dân và nhất là dư luận quốc tế, cho dù lúc đó ông có phủ bên ngoài hàng loạt mỹ từ : “ cuộc bầu cử tự do, dân chủ”, “ Thu hút được đông đảo cử tri đi bầu”…v.v…và …v.v… vẫn là một cuộc bầu cử không công bằng, không tôn trọng ý nguyện người dân và nhất là đó cũng chỉ là cuộc bầu cử mang tiếng “ tự do, dân chủ’ mà thực chất là để bảo vệ quyền lợi của đảng đang cầm quyền chứ không phải bảo vệ quyền lợi của một dân tộc. 

         Ông Hun Sen vẫn có thể đang ở đỉnh cao của sự độc quyền quyền lực, đảng của ông vẫn có thể chiếm đa số áp đảo trong quốc hội nhưng uy tín sẽ dần dần mất đi, nhân dân Căm Phu Chia sẽ chán ngán, quay lưng lại không ủng hộ đảng của ông Hun Sen.

          Mà nhân dân không ủng hộ, dư luận quốc tế lên án thì dù đảng đó đang nắm chính quyền, lũng đoạn các cơ quan truyền thông, chi phối lực lượng quân đội, cảnh sát , không trước thì sau cũng sẽ thất bại, nhất là chính sách đoàn kết dân tộc.

         Một dân tộc không đoàn kết, thì đó sự tiềm ẩn của nguy cơ mất nước, lệ thuộc, nô lệ.

          Trước viễn cảnh đó, ông Hun Sen đã có một quyết định sáng suốt như báo “ Tuổi Trẻ ”đã đưa.

           Việc trở về của ông Sam Rainsy tất nhiên sẽ gây ra một số khó khăn trong việc vận động cử tri bỏ phiếu cho đảng Nhân dân Căm Phu Chia của ông Hun Sen ( Rõ nhất khi đón ông Sam Rainsy trở về nước ở sân bay có hơn 40.000 người ủng hộ). Nhưng với sự tự tin của một lãnh tụ  một đảng cầm quyền gần ba chục năm ở Căm Phu Chia, nhất là những chính sách hợp kinh tế, xã hội hợp lòng dân đưa đất nước Căm Phu Chia có những bước tiến vững mạnh về kinh tế, ổn định về xã hội…ông Hun Sen tin tưởng vào những lá phiếu ủng hộ của người dân Căm Phu Chia vào đảng Nhân dân Căm Phu Chia, những lá phiếu này sẽ áp đảo những lá phiếu bỏ cho các chính đảng khác, trong đó có đảng của ông Sam Rainsy.

         Lớn hơn tất cả, một cuộc  bầu cử có đảng của ông Sam Rainsy tham gia, đó là một bằng chứng hùng hồn nói lên sự đoàn kết dân tộc, xóa tan mọi hận thù, chém giết.    Một cuộc bầu cử thực sự tự do, dân chủ, công bằng có nhiều đảng phái tham gia được dư luận quốc tế ủng hộ sẽ gắn kết dân tộc Căm Phu Chia đoàn kết thành một khối, không một thế lực phản động nào muốn chống lại dân tộc Căm Phu Chia có thể xuyên tạc, phá hoại được.

         Quyết định sáng suốt này của ông Hun Sen, tôi tin nhân dân Căm Phu Chia càng tin, càng  ủng hộ đảng Nhân dân Căm Phu Chia.

          Ông Hun Sen đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của một lãnh tụ đảng.
                                                                                                             
                                                                                 (Trần Kỳ Trung)
----------------------------------------------------------------
Nguồn : Sưu tầm trên mạng để rộng đường tham khảo.

48. ĐINH CÔNG KỲ - BÀI CHỌN IN SÁCH (Bài 2&3)



(Bài 2.)“CHỨC” LỚP TRƯỞNG 
              VÀ NHỮNG KỶ NIỆM ĐẸP 
VỀ CÁC ANH CHỊ GIÁO VIÊN Ở QUẾ LÂM.
                                                                       
                                                                                           Đinh Công Kỳ
  Tôi nhớ vào mùa thu 1954, các bạn ở Lư Sơn xuống, còn  một số chúng tôi ( Huy Túc, Tài Đức, Đinh Kim Lân, Nguyệt Nga, Thúy Kim, Dục Tú….) trước ở QL xuống KHX, rồi lại quay lên QL. Chúng ta tập hợp thành lớp 5.
         Lớp 5A trước đó do Tiến Nguyên làm lớp trưởng. Cũng vào thời gian đó ở trường bắt đầu tổ chức Đoàn Thanh niên Lao Động. Tiến Nguyên sang làm bí thư Thanh niên. Lớp 5A cần một lớp trưởng.
         Chức lớp trưởng thì chẳng có gì đáng nói, nhưng cách thức giáo dục một con người, khơi dậy thiện chí và lòng yêu quý đồng đội của các anh chị giáo viên thì làm tôi nhớ mãi.
         Lúc bấy giờ tôi là một học sinh thuộc loại ba gai. Vì có sức khỏe nên dường như tôi là anh đầu xỏ trong tốp học sinh ba gai.

XIN Ý KIẾN CÁC CỤ .

Sau một thời gian thăm dò ý kiến các cụ, nhóm BT có quyết định như sau :
  1. Tên sách " NGƯỢC DÒNG KÝ ỨC "
  2. Tên tác giả thống nhất viết tên họ đầy đủ. Thí dụ " Hoàng Thế Long, Nguyễn Nữ Hiếu, Đinh Công Kỳ" Không ghi Thế Long, Nữ Hiếu, Công Kỳ..." Nếu có Nickname thì ghi ngay phía dưới tên chính . Thí dụ : " Hoàng Thế Long . (Diachuoansai)"; "Nguyễn Đỗ Bích Ngân . (Biinql) ". Nhưng trong bài viết thì dùng theo cách gọi thân mật truyền thống của Trường ta, thí dụ Lệ Thủy, Nguyệt Ánh, Thiếu Hiệu, Bang Ngạn, Vũ Túc v.v...
  3. Không ghi thêm chức danh, chức vụ, nghề nghiệp sau mỗi tên tác giả.

                                                                  TM Nhóm Biên tập
                                                                   Vũ Quang Trung 
                                                                         (Calathau)

Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2013

47. ĐỖ ĐỒNG - BÀI CHỌN IN SÁCH (Số 2)


CÁ LÓC ĐẠI HÀN  
         ( Cá quả, nói theo tiếng Bắc)                

                                                                                        Phạm Đỗ Đồng

     Thật ra những chuyện “săn bắt” ở trong rừng không phải chỉ sảy ra khi “bom ngơi, đạn nghỉ” mà còn xảy ra ngay cả dưới bụng những con “cá rô”, “cá lẹp” Mỹ ( tên gọi hài hước cho trực thăng ) Thế mới biết : Trong bất cứ trường hợp nào, "phải sống”, vẫn là điều mạnh mẽ nhất.

      Năm 1970, một trận càn lớn , người ta thường gọi là trận càn Đông Dương, lại được tổ chức để tiêu diệt tận gốc cơ quan đầu não kháng chiến và một số đơn vị quan trọng của “VC" (Việt Cộng) mà mấy lần trước “các cậu” đã rắp tâm làm mà làm không được…

      Hầu như tất cả các đơn vị, đều phải phân tán lực lương để tránh thương vong tập trung, sau bước đầu đó mới từ từ rút hết sang đất Campuchia. Nếu “mình” mà là “nó” thì sẽ không bao giờ có trận càn biết chắc là “vô vọng” này, chỉ vì một lý do rất đơn giản : Tất cả Campuchia, chỗ nào có rừng là có VC, đến tận biên giới Thái Lan ! Làm sao mà nuốt cho nổi miếng mồi gai góc lớn như thế. Thường xuyên đi trên máy bay mà chẳng “thông minh” lên được chút nào. Có lẽ “tiềm năng hỏa lực” đã làm cho nó… “mờ mắt”(!).

     Hình như họa sĩ, lúc nào cũng mang trong mình sự hài hước, kể cả lúc giáp mặt với cái chết , mà xét cho cùng, cốt lõi của hài hước là tạo ra sự “bất ngờ” . B11 ( tên gọi tắt của Phòng Mỹ thuật Giải phóng ) chọn một địa điểm đóng quân tạm thời mới, mà theo kinh nghiệm “cổ điển chính thống” về bí mật quân sự thì như là một vụ “rỡn chơi”, nhưng từ khía cạnh khác mà xét, cũng có thể nói ngắn gọn : Chỉ là …đường cùng. Một khu rừng nhỏ, thấp, bao bọc xung quanh một bên là trảng trống, một bên là suối nước và những con đường mòn cắt ngang, làm nó bị cô lập hòan tòan, mà bất cứ nhà chiến lược “bã đậu” nhất nào cũng từ chối! Có những chỗ khi đứng dưới, chỉ vạch một lớp lá cây ra là đã thấy…trời, không một xăngtimét an tòan. Là căn cứ nên cũng có hầm và chiến hào đầy đủ. Cơm thì che lửa nấu từ khuya, cho cả ngày, rồi dội nước vào lửa cho hết khói, mờ sáng là đã lặng như …tờ. Hàng ngày, 2 trực thăng “cá rô”, cặp khó chịu nhất trong bộ 5, bay sát ngọn cây thấp, cứ theo những chỗ trống mà rà tới rà lui, và hầu như chúng nó cứ bay qua căn cứ tạm của B11, để chú ý tới chỗ khác mà chẳng mảy may nghi ngờ gì dưới bụng. Có lần tò mò vạch lá ra xem, thì hình như nó ở ngay trước muĩ với một thằng lính rất đẹp trai ngồi sát cửa. Nó đi tìm mình, mình đi trốn nó, cứ như chuyện  con nít chơi ú tim…Mấy người có kinh nghiệm bảo : Đó là thằng lính bằng cao su để lừa mình đấy. Bắn vào nó, chẳng chết con ma nào, nhưng hỏa lực bị lộ là cả đám nó ào tới “mần thịt” mình liền… à! Lên “sàn diễn” với VC mà có “hóa trang” kỹ lưỡng như vậy thì cũng xin chào thua “lòng yêu nghề” mang tính… “chuyên nghiệp” cao. Chỉ có điều “ của lạ” không “sài” được lâu, có khi trở thành trò hề…

      Còn một thói quen với các chú lính “nhóc” trong cơ quan là cứ đúng những dịp “chộn rộn” như thế này mà “chí choé” giành nhau súng chống tăng B40 để làm dũng sĩ. Nhưng trong trường hợp phải bảo vệ lực lượng, thì cấm, không ai mượn “khiêu chiến” cả. “Lạng quạng” hy sinh rồi cũng còn bị kỷ luật.

      Mùa mưa đang chờ ở đâu đó, đột nhiên ập đến, không một dấu hiệu báo trước. Mưa suốt đêm, mọi người, lớp ướt, lớp ồn, không tài nào ngủ được. Cây mưa đầu mùa làm nước suối dâng lên và nước trên những ruộng cao chảy xuống ào ào như thác, theo những con mương tự nhiên cố định, hình như cho năm nào cũng vậy. Bỗng bên kia suối đối diện với chỗ ở, trên một con mương như thế, có tiếng người vọng sang , trong mưa và trời tối nghe không rõ, nhưng chắc chắn không phải là tiếng Việt, cũng chẳng phải là tiếng Mỹ.  Có người bảo đó là tiếng Đại hàn, biệt kích Đại Hàn. Đêm mưa mà cũng chăm chỉ đi “mần ăn” như thế sao ? Nghe có lý, tất cả những người còn ngái ngủ tỉnh dậy thật nhẹ nhàng, tránh không gây tiếng động khác ngoài tiếng mưa, cuốn gọn hết mùng mền cho vào bòng. Các cô gái và ai không có vũ khí, lui ra chiến hào phía sau. Tất cả hỏa lưc tập trung hết xuống chiến hào phía trước, chuẩn bị chiến đấu. Lực lượng địch không biết có bao nhiêu, nhưng tất nhiên là sẽ có phi pháo yểm trợ. Quân ta chỉ có hơn 10 tay súng AK, 1 B40, thêm 1 carbin M1"èo uột" bắn "tự động" phát một, với duy nhất một băng đạn không đầy cuả TC, và một số ít lựu đạn, bố trí thành một tuyến ngang duy nhất, chưa đầy 20 mét. Lúc “bình thường” thì như thế là “đẹp”, còn bây giờ…không biết bao nhiêu cho vừa! Cũng không trách được, vì đây chỉ là một đơn vị “dân chính” độc lập, đi tạo sự bất ngờ, lại bị bất ngờ.

      Chuyện nổ súng là chắc chắn, vì sáng ra ắt là thấy “mặt” nhau, không chiến đấu, bị bắt “sảng” là điều không ai muốn, người phụ trách cơ quan là họa sĩ TP phải tự chịu trách nhiệm khi hạ lệnh. Cứ dồn hết hỏa lực, tận dụng thế  bất ngờ dập cho nó một trận phủ đầu, được thằng nào hay thằng nấy, rồi rút nhanh tránh phi pháo cũng kịp. B11 không phải là đơn vị chiến đấu chuyên nghiệp nên đánh kéo dài sẽ không đủ kinh nghiệm, không đủ đạn, và nhất là không đủ người… Nhưng về mặt tâm lý, chỉ riêng một chuyện "được" tự vệ, mặt đối mặt với kẻ thù bằng hoả lực cuả chính mình, dù là khiêm tốn, cũng làm cho mọi người thấy không còn biết sợ là gì. Có người còn nghĩ chuyện này giống như "trò chơi", dù là trò chơi "chết người"...

      Nhưng càng về sáng, tiếng Đại Hàn rù rì râm ran càng bớt dần, như chúng không còn đủ “hứng chí” cho một cái gì đó, hoặc không lẽ chúng đã phát hiện được quân ta rồi bỏ “mặt tiền” mà bọc “mặt hậu”? Quan sát phía sau cũng hòan tòan yên ắng. Nhưng để phòng hờ, vài ba tay súng cũng đã được điều về tuyến sau và được dặn phải quan sát thật kỹ, nếu gần, đủ tầm bắn thì bắn liền, phía trước sẽ lập tức hỗ trợ. Đồng thời cử họa sĩ PMS đi trinh sát nắm tình hình phía trước. PMS nhỏ con,  nổi tiếng “lỳ” và là một thiện xạ.

    
Cái vách bờ suối bên kia gần như thẳng đứng, nhưng rễ cây lớnnhỏ 
nhằng nhịt cứ như cái thang trời đã chuẩn bị sẵn cho, leo lên khá dễ dàng. Tự nhiên một cái rễ cây nhỏ không chịu được trọng lượng dù không nặng nề gì lắm của chiến sĩ trinh sát PMS, đứt nghe cái “bựt”, đất cát rơi xuống nước “lủm bủm” làm cả đám “thót tim”, chửi thầm: Đ…mẹ, trinh sát gì mà đi như con…c. Nhưng chẳng nghe phản ứng gì cả, tiếp tục đi rón rén, và khuất vào một bụi cây. Chưa đầy phút sau, anh ta lội ào ào, ngươc trở ra, không còn ý tứ gì nữa, cầm súng bằng cả hai tay giơ trên đầu như đầu hàng, nhẩy tưng lên, la : Cá! Cá! Mọi người đâm ra nghi ngờ, tửơng mình nghe lầm, chưa biết chuyện gì mà lại “cá cá”. Hai người nữa bán tín bán nghi, mang súng theo, lội sang, trèo “thang” rào rào, đi về phía PMS chỉ, cũng một lúc quay ra và lấy tay làm loa la lớn : Không có “gì” đâu, bên này nhiều cá lắm! Sự chờ đợi cuộc đụng độ bất đắc dĩ 100% là sẽ tới, nhão hẳn,và bắt đầu …tan ra. TC mủm mỉm cười và chửi thề lơ lửng : Đ…má, cứ tưởng cái gì, hóa ra…Nghe rõ là cá, nhưng cá thế nào thì… tất cả buông súng , ào sang mới biết.

       Đây là cái mương mà hàng năm, đến cây mưa đầu mùa, người Campuchia thường đến bắt cá. Cá lóc nhiều vô kể, con nào con nấy bằng bắp chân thi nhau lội ngược từ suối lên đồng, tìm chỗ đẻ. Người ta giăng những cái đăng sát vào nhau, lấy vợt xúc như xúc cá nuôi trong bè, bắt được nhiều bao bố, vì đã làm cả đêm như vậy. Quân ta được “xả cản” cực kỳ hăng hái, lấy mùng làm lưới đi bắt “vét” cũng được một “khạp” đầy cá lóc nhỏ hơn mà người ta không thèm bắt. Những người đi bắt cá hồi đêm, nói tiếng Khme..r đàng hòang mà nghe trong mưa gió, lại thành tiếng Đại Hàn, đúng là “thần hồn nát thần tính”... Mà “ ba chớp ba sáng” thật đấy, có ai được nghe thấy tiếng của lính Đại Hàn bao giờ đâu! Chỉ biết chúng là ác chúa ở miền Trung…chứ đâu có biết chúng chưa hề “viếng thăm” miền Đông Nam bộ này lần nào.

       Nướng “trui” hết “cá lóc Đại Hàn” rồi mới rút vào rừng Miên sâu hơn nữa. Hơn muời tay súng họa sĩ cùng với “bàu đòan thê tử”, tạm vui vẻ đi về hướng Tây, như vừa thắng xong một trận… diễn tập với tình huống như thật. “Bái bai” mấy “em” trực thăng! Ở lại nhớ “thuộc bài”, rồi cứ rỉ rả mà… “tìm và diệt” * nhé!
-----------------------------------------
* Tên gọi một chiến thuật của Mỷ

46. THẾ LONG - BÀI CHỌN IN SÁCH ( Bài 2)


Saturday March 1, 2008 - 05:33pm (ICT)

Dấu vết khảo cổ
                                 Diachuoansai


Lời BĐH Tháng 8 năm 2003, trong cuộc Hội thảo về Trường TNVN LS.QL.NN nhân kỉ niệm 50 năm thành lập Trường, Uỷ viên BCT TW Đảng Trần Đình Hoan, trong tham luận của mình đã đánh giá : “ Trường đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, và chúng ta có quyền tự hào coi đó là một mô hình giáo dục tốt cần phải được nghiên cứu học tập”. Chúng ta hiểu, đây không chỉ là cảm nghĩ của “bạn Hoan lớp 4 trường ta ”, mà là đúc kết của nhiều CQ có trách nhiệm được gửi gắm vào lời phát biểu chính thức của Trưởng Ban Tổ chức TW Đảng – đơn vị chính đã thành lập và quản lý Trường TNVN LS.QL theo chỉ thị của Bác Hồ . Giờ đây sau hơn 1 nửa thế kỷ, Thày trò cùng trưởng thành và cùng có độ lùi để tự nhìn lại mình bằng con mắt tỉnh táo hơn.. BĐH xin giới thiệu sau đây bài viết của Bloger Diachuoansai ( Thế Long ) và coi như là 1 “đề dẫn” cho cuộc “hội thảo bỏ túi” trên Blog của K5 . Rất mong cácThày Cô, các bạn đóng góp ý kiến kể cả “phản biện” .

Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2013

THÔNG TIN CHÍNH THỨC VỀ HỘI TRƯỜNG-HỘI LỚP

Tòa nhà TC Hải quan Việt Nam ( Ảnh Thế Long)
Click chuột trái vào hình để xem rõ hơn

Bản đồ chỉ đường đến Tòa nhà TC Hải quan (Hà Nội)


----------------------------------
Nguồn : Do cụ Thế Long cung cấp


THỰC HƯ BÀI NÓI CỦA TẬP CẬN BÌNH ?

Bài nói chuyện nội bộ của Tập Cận Bình bị lộ: 
“Tôi còn biết làm thế nào?”
Posted by basamnews on July 14th, 2013
Báo "Tiền Tiêu" (Trung Quốc)

 Đôi lời: Tài liệu dưới đây do một độc giả thân thiết gửi tới. Do không xác thực được nguồn, bản gốc tiếng Trung và về người dịch, nên chúng tôi đã phải nhờ cậy cộng tác viên Quốc Thanh, người từng dịch các bài báo tiếng Trung, đăng trên trang Ba Sàm này. Theo CTV Quốc Thanh, một số trang mạng bất đồng chính kiến của Trung Quốc có đăng lại bài này, như trang holihua.com, boxun.com.
Ngoài ra, CTV Quốc Thanh còn nhận xét về bản dịch: "Có nhiều đoạn, cấu trúc của bài  không trung thành với nguyên bản, tựa đề và các tiểu mục do người dịch tự đặt (?). Nhìn chung đã chuyển tải được đúng ý. Nhưng nếu đề là dịch thì chưa thỏa đáng, nên để là phỏng dịch”, đồng thời sửa lại tựa và câu cuối của bài cho đúng với nguyên bản tiếng Trung trên mạng.
Bổ sung, hồi 9h50′, CTV Quốc Thanh vừa email cho biết:
“Tôi lại vừa tìm ra được bài viết cho là bài này được ngụy tạo có tổ chức từ tầng cấp cao Trung Quốc: 习近平近期的几个“内部讲话”为有组织的编造 - “Mấy ‘Bài nói chuyện nội bộ” của Tập Cận Bình gần đây là sự ngụy tạo có tổ chức“.

Trích: “Sau khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, đã có rất nhiều sự đồn đoán về đường hướng chấp chính của ông ta. Thông tin về tầng cấp cao gần đây hết sức hỗn loạn, truyền thông tiết lộ mấy Bài nói chuyện nội bộ của Tập Cận Bình, có khẩu khí và phong cách rất giống với Tập Cận Bình. Theo tiết lộ của ban biên tập các cơ quan truyền thông có liên quan, nguồn cung cấp những “Bài nói” này là đáng tin cậy, được truyền đi từ cấp tương đối cao. Cộng thêm mấy bài được lưu truyền gần đây như “Thất bất giảng”(“七不讲”), “Tân tam phản” (“新三反”), một giọng nói lạnh lùng của TQ đại lục, những nhân vật vốn giữ thái độ lạc quan với đường hướng chấp chính của Tập Cận Bình bắt đầu thấy dao động, kiểu nói Tập Cận Bình sẽ chuyển sang tả, thậm chí là Tập Cận Bình “sùng Mao” được lưu truyền khắp nơi. Một nhân vật có tiếng ở Bắc Kinh qua  quan sát mới đây đã kết luận: Tập Cận Bình sẽ đi theo “Đường lối Bạc Hy Lai” mà không có Bạc Hy Lai. Những người tả phái tỏ ra phấn chấn về điều này, còn những nhân vật hi vọng TQ đi theo pháp chế dân chủ, thực hiện các giá trị phổ quát trên thế giới cho xã hội thì thấy đại thất vọng. 
 Nguồn thạo tin chính trường Bắc Kinh nói với PV boxun.com, mấy “Bài nói chuyện nội bộ” của Tập Cận Bình gần đây là sự ngụy tạo có tổ chức, với mục đích để các giới cho là Tập Cận Bình không thể kiểm soát được tình hình (“liệu cơm gắp mắm”), sẽ đi theo con đường cũ thời Mao Trạch Đông.   (…)”
.BS nên nói mấy lời rồi gỡ bỏ đi thôi.  (Trang boxun.com có cách làm tin rất giống với tinh thần trang BS đấy, rất đứng đắn).”
.Tuy nhiên, chúng tôi quyết định sẽ không gỡ bài này, mà để lại cùng đầy đủ thông tin ở trên để độc giả biết thêm một thực tế chính trị kiểu Tàu Cộng (biết đâu nó đã và sẽ diễn ra ở VN?), cũng để một số trang mạng cùng rút kinh nghiệm khi đã vội vã đăng bài này mà không cố công tìm cách kiểm chứng.
------------------------------------------------------
Nguồn : Theo Bản tin TL .

Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

45. HOÀNG THẮNG - NHỮNG BÀI THƠ ĐỂ LẠI CHỌN IN

 1. Khóc Hoàng Kỳ :

                                     Hoàng Thắng
                                     (Nguyệt Sinh)
                                     Đại tá CAND

Ô hô ! Cũng một kiếp người
Thơ thì ở lại, cuộc đời đã xong
Suối vàng bạn có biết không ?
Trần gian còn những tấm lòng tiếc thương !
Những người bạn cũ cùng trường
Sẽ còn đi tiếp đoạn đường dở dang
Yên nghỉ nhé nơi Suối Vàng
Khỏi lo bao nỗi trần gian nhọc nhằn !
Vĩnh biệt ! Một Văn nhân !

                       ( Hà Nội 2.2.2008)
---------------------------------
(Còn tiếp- Chưa chọn hết  )

44. HỒ ANH DŨNG - BÀI CHỌN IN SÁCH

(Trích hồ ký )
NHỚ NHỮNG NGÀY Ở LƯ SƠN-
QUẾ LÂM-KHX NAM NINH
                                                                        Hồ Anh Dũng
                                                    ( Nguyên TGĐ Truyền hình Việt Nam)


Vào hè thu năm 1953, một nghìn học sinh, thiếu sinh quân cùng với các thầy cô giáo và cán bộ phụ trách, tổ chức thành 11 đoàn hành quân từ Bắc Sơn (Lạng Sơn) qua biên giới Việt - Trung, từ Bằng Tường (Quảng Tây) đi tầu lên Lư Sơn thuộc tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Tôi ở trong đoàn 9, đến Lư Sơn vào trung tuần tháng 9 năm 1953 với những ấn tượng in đậm mãi trong trí nhở: những con đường men theo sườn núi, suối chảy róc rách, mây bay lững lờ. Những người công nhân Trung Quốc làm đường, lưng ướt đẫm mồ hôi. Thỉnh thoảng gặp một phụ nữ bó chân.
Ở Lư Sơn về đêm trời đã lạnh nhiều. Chúng tôi được phát quần áo ấm màu xanh may theo kiểu đại cán. Tôi được xếp vào học lớp 5 như khi còn ở quê, thuộc làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Hồi đó ở Lư Sơn và sau này về Quế Lâm có qui định đến cuối tháng là bình bầu lớp tiên tiến, cá nhân thì có cả tiên tiến và cá nhân chậm tiến…Sau này sang Liên Xô, học ở trường Internat rồi, một thời gian vẫn còn giữ tập quán này.

43. PHẠM KIÊN - BÀI CHỌN IN SÁCH (Bài 2)

Bạn Chiến Thắng như tôi biết
                                                            
                                                                           Phạm Kiên
                                                                         ( Đại tá CAND)
      (Viết dựa theo lời kể của chị Trương thị Dần, vợ bạn Nguyễn Chiến Thắng )


Bạn Nguyễn Chiến Thắng tư chất thông minh ham học hỏi, có học vấn tốt, có đôi bàn tay vàng giỏi một nghề và biết nhiều nghề. Chiến Thắng rất hiếu thảo với cha mẹ, thân thiện và sẵn sàng giúp đỡ bạn bè, dũng cảm đón nhận những thử thách khắc nghiệt của cuộc sống, có những cố gắng lớn lao để vượt lên số phận. Tiếc rằng số trời đã định. Chống lệnh, không ai chống được mệnh. Vận đen cứ dồn dập đổ lên đầu Chiến Thắng.
            Tuổi thơ của Chiến Thắng phải chịu nỗi khổ vì mồ côi mẹ quá sớm và nỗi đau cha bị oan khuất. Năm 1940 mới mở mắt chào đời chưa được bao lâu thì cả cha lẫn mẹ bị giặc Pháp bắt tù đày vì tham gia cộng sản, Chiến Thắng phải sống nhờ bầu sữa của bà cô.

42. TẬP THỂ - THI LÀM THƠ THAY CHÁU TẢ ÔNG, BÀ .

CÙNG THI LÀM THƠ THAY CHÁU TẢ 
" ÔNG/BÀ NỘI/NGOẠI QL "

Giữ vững tiêu chí “Nhân văn – Trí Tuệ - Hài Hước”, Blog luson.quelam hàng tuần có mục “Thư giãn cuối tuần”. Thỉnh thoảng tổ chức cuộc “Thi”. Cuộc thi làm thơ thay các cháu tả ông bà sau đây là một thí dụ thú vị .
BĐH - Từ bài Tập làm văn bằng thơ, tả Bà nội của 1 HS cấp 1 (Xem trên Blog Calathau ), cụ 3B Trần Trung Hải  "phát triển" thành bài tả "Ông/Bà  Nội/Ngoại Quế Lâm" và đề nghị các cụ Làng ta hưởng ứng. Sau đó nổi hứng, cụ Khoa Phi nâng ý tưởng của cụ 3B lên tầm cao mới, đó là " Phát động cuộc thi thay cháu tả ông/bà nội/ngoại QL". Lần này cụ Khoa Phi vẫn nhận là nhà tài trợ kim cương . Xin thông báo để các sĩ tử chuẩn bị lều chõng lên kinh dự thí . Còn sau đây là bài mồi của cụ Bóng Bàn Biển :
Đề bài : Em hãy tả "Ông/bà  nội/ngoại Quế Lâm của em "

41. NGUYỄN CHIẾN THẮNG - BÀI CHỌN IN SÁCH

( Chưa chỉnh sửa)
Xin cảm ơn bạn Quế Lâm của tôi .
                                                                          Nguyễn Chiến Thắng

        Hội lớp thật là vui bạn bè và thầy cô chúng mình lại có dịp hội ngộ. Một số bạn không may thì đã lên đường theo cụ Hồ, cụ Các Mác cụ Lê Nin. Thấm thoắt lúc nào còn bé thơ học với nhau mà giờ tóc đã bạc phơ.. Có 1 số bạn đóng góp được nhiều cho đất nước hơn anh em, như Thế Phương, Xuân Thúy đã hy sinh cả tính mạng cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, trở thành những anh hùng liệt sĩ được ghi danh "Tổ quốc ghi công". Đỗ Đồng nếm trải gian khổ trong chiến trường B. Đức Tấn góp 1 phần máu thịt cho trận chiến B52, "tàn nhưng không phế ". Chu Việt Cường, Trương Trác, Vũ Túc… vào quân đội chiến đấu. Còn anh chị em chúng mình đều có góp được một phần cho chiến thắng của dân tộc. Mình còn nhớ gặp Công Kỳ dắt xe đạp leo đồi đi Suối Hai công tác, gặp Minh Đức trên đường đi nối dây cao thế...Trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật không thể không nhắc đến đóng góp của Tiến Nguyên, Xuân Hoài, Chu Việt Cường, ....Trong lĩnh vực kinh tế là Minh Ngọc, Lệ Thùy, Bang Ngạn v.v...Nhìn chung lớp mình đều gặp thuận lợi trên con đường học hành tiến thủ. Về già có gia đình con cái thành đạt, có nhà cửa và còn dành dụm được bát ăn bát để. Có lần Bang Ngạn hỏi mình: “Cậu hay đến chơi với ai?” Mình cười: “ Vì tớ nghèo nên thường chỉ đến chơi với những thằng rớt mùng tơi như tớ thôi.” Bang Ngạn thật tốt bụng, nói : ”Mỗi kỳ lễ tết cậu làm ơn giúp tớ gửi cho chúng nó mỗi người 200 ngàn.” Thế là từ đó, hàng năm cứ đến 30-4, 2-9, Tết âm lịch mình lại được làm sứ giả đến Đức Tấn, Lê Thành Long, Trần Dục gửi quà cho các bạn. Mình hay đèo các bạn đó đi chơi nhất là ngày Tết để các bạn đó vui và bớt đi cái mặc cảm nghèo hèn.

Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

TẬP CẬN BÌNH :" TÔI BIẾT LÀM THẾ NÀO ?" (Tham khảo)

     Tạp chí “Tiền Tiêu” ở Hồng Công số ra tháng 4/2013 đăng ghi âm phát biểu nội bộ vừa qua với cán bộ cấp cao Trung Quốc của Tập Cận Bình với nhan đề “Tôi biết làm thế nào?”, trong đó đề cập tới nhiều vấn đề nội bộ cũng như chính sách đối ngoại hiện nay của Trung Quốc mà ông cảm thấy nhiều khi rất khó xử trên cương vị này.
Chúng tôi xin dịch nguyên văn làm tài liệu tham khảo.

                                                ________________________


Một báo mạng TQ đăng bài nói của TCB ( Cụ Khoa Phi sưu tầm)

Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

40. ĐẶNG HỒNG PHƯƠNG - THƠ CHỌN IN SÁCH

                    
MỘT THỜI ĐỂ NHỚ
                                              Đặng Hồng Phương
                                                     

     Mỗi độ thu về, gió heo may
          Hà Nội vàng mơ, lá rơi đầy
          Sài gon, trời trong, mây bát ngát
          Bồi hồi kỷ niệm, mắt lại cay.

          Mới đó, mà đã sáu mươi năm
          Cái thuở trẻ con đến Quế Lâm
          Bao nhiêu bỡ ngỡ và lo lắng
          Nhớ về đất Việt quá xa xăm.

          Nỗi buồn lũ trẻ, chẳng đọng lâu
          Tình thương ấm áp , quá nhiệm màu
          Thầy cô chăm sóc, như cha mẹ
          Ly Giang nơi ấy khác sông Cầu. *

          Chỉ ở Quế Lâm, ba tháng thôi
          Vẻn vẹn ba tháng, đã xa rồi
          Lũ trẻ chuyển về thành phố khác **
          Quyến luyến thầy cô, chẳng muốn rời.

          Nước mắt đầm đìa, buổi chia tay
          Rưng rưng bè bạn với cô, thầy
          Quế Lâm,  Học Xá trong tâm khảm
          Nhớ suốt đời tôi, tới hôm nay.

          Quế Lâm, gọi mãi, Quế Lâm ơi
          Ga đến đầu tiên của cuộc đời
          Thời gian, thời thế...nhiều thứ khác
          Nỗi nhớ Quế Lâm, mãi trong tôi.
                                              Đặng Hồng Phương
                                         Sài Gòn, tháng 6 năm 2013
----------------------------------
*Tôi sinh ra bên bờ Sông Cầu.
** Sau khoảng 3 tháng, một số trong đoàn chúng tôi chuyển về KHXNN.


---------------------------------------------------------------------
Mời sang nhà Blogger FainaPhuong đọc bản gốc và xem một số ảnh

Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2013

CA ĐẠI TÁ ĐƯỢC THĂNG TƯỚNG !

Thăng tướng cho chỉ huy vụ Tiên Lãng

Published on July 14, 2013   ·  

Dân nghe này: Vụ việc hôm ấy tuy bắt không được đối tượng nhưng mà trấn áp được đối tượng. Phải nói rằng việc hiệp đồng tác chiến cực kỳ hay. Tôi bảo, không có cuộc diễn tập nào thành công bằng cuộc diễn tập lần này… Tôi nghĩ là rất hay, có thể viết thành sách”.
Dân nghe này: Vụ việc hôm ấy tuy bắt không được đối tượng nhưng mà trấn áp được đối tượng. Phải nói rằng việc hiệp đồng tác chiến cực kỳ hay. Tôi bảo, không có cuộc diễn tập nào thành công bằng cuộc diễn tập lần này… Tôi nghĩ là rất hay, có thể viết thành sách”.

Báo trong nước ngày 14/7 đưa tin ông Đỗ Hữu Ca, đại tá, giám đốc công an Hải Phòng, vừa được thăng lên hàm Thiếu tướng theo quyết định của thủ tướng chính phủ.

Ông Ca là người đã trực tiếp có mặt tại hiện trường để chỉ huy vụ cưỡng chế đất gây xôn xao dư luận đối với gia đình ông Đoàn Văn Vươn tại huyện Tiên Lãng, năm 2012.
Quyết định thăng chức cho ông Ca được công bố trong buổi lễ ngày 13/7 tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang.
Một trong các lãnh đạo công an khác trong danh sách được thăng Thiếu tướng là ông Nguyễn Đức Chung, người chỉ mới tháng Tám năm ngoái được thăng chức lên Giám đốc công an Hà Nội, thay Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh nghỉ hưu.

KHI CÁC LÃNH TỤ BIẾT CƯỜI MÌNH...


Alan Phan 
Tôi nghĩ mình khôn ngoan quá nên đôi khi tôi không hiểu một lời nào mình nói ra” (I am so clever that sometimes I don’t understand a single word of what I am saying.) Oscar Wilde

 Khi đứa con trai thứ hai của tôi ra đời tại California vào giữa thập niên 70s, các bạn bè chia mừng đây là đứa đầu tiên của gia đình có điều kiện ứng cử vào chức vụ Tổng thống Mỹ. Hiến pháp đòi hỏi ứng viên Tổng Thống Mỹ phải là một công dân Hoa Kỳ thực thụ ngay khi sinh ra. Thực tình, tôi luôn luôn nghĩ làm Tổng Thống Mỹ là một “cực hình” như bị một lời nguyền đen tối; hơn là một hãnh diện may mắn.

Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

VÀI Ý KIẾN VỀ SÁCH K5

•  Về tên sách " Thời chúng mình " như tôi từng đề xuất không ổn vì quyển của K6 đã là " Thời của chúng tôi" .Nay xin tạm đề xuất tên : "NGƯỢC DÒNG KÝ ỨC" - Những trang Blog của K5 Trường TNVN Lư Sơn.Quế Lâm (1953-1957)
•  . Việc tuyển chọn bài từ luson.quelam Blog Yahoo!Plus vẫn đang tiếp tục. Chúng tôi sẽ chọn in kèm bài viết cả những comments ở thời điểm đó và nếu hiện nay các bạn có cảm tưởng gì mới vẫn có thể com để chọn in cùng. ( Cả cũ và mới)
•  Các bài viết đã được sửa lần 1 chúng tôi đưa vào 1 Blog mới, tại địa chỉ songdaohoa.blogspot.com ( Tên Blog là " NGƯỢC DÒNG KÝ ỨC")..Mọi người vẫn có thể comment bình thường dưới mỗi bài.
•  Hoan nghênh Nguyệt Ánh đã tự chỉnh sửa 3 bài  và tự chọn ảnh dự kiến in vào bài viết . Nhưng khi đưa vào "Kho" (Blog Ngược dòng ký ức ) chúng tôi không đưa ảnh theo bài mà lưu lại vào 1 file hình riêng.
•  . Đề nghị Trung Hải và Nguyệt Ánh thông báo ngay cho các tác giả (phía Bắc) và Công Kỳ ( Phía Nam), có bài đã chọn và đã qua sửa lần 1 ( Từ "Blog Ngược dòng ký ức") để thúc các vị ấy đọc lại và bổ sung , nếu cần. Đặc biệt "bám thắt lưng" các cụ không hoặc ít vào Vitính để " đòi nợ" . Với những cụ hoàn toàn không chơi vitính thì có thể phải in ra giấy rồi gửi cho tác giả đọc và tự sửa bằng bút thường, sau giao lại cho người của BBT chỉnh trên máy vi tính..
•  Vừa qua bạn Tiến Hoàn và bạn Công Kỳ đã tham gia sửa vài chục bài . Xin cảm ơn 2 bạn và mong các bạn tiếp tục công việc.
•  Khi hoàn tất bước 1 ( Khoảng 40 bài đợt 1) chúng ta chuyển cho Chuyên gia NoiLieuHaha "tinh chỉnh" đóng gói chuẩn bị cho việc in. Bạn Tiến Hoàn có kinh nghiệm in sách cho biết với dung lượng như thế này, chúng ta cần bao nhiêu đầu bài để in được cuốn sách 300-400 trang ?     

                                                                                                                                                                                                                                                          Quang Trung thân chào các bạn ! .

    39. LƯƠNG THÚY BÌNH-BÀI CHỌN IN SÁCH

     GIỮ MÃI KỶ NIỆM ĐẸP CỦA THỜI THƠ ẤU
                                                                                    Lương Thúy Bình 
                                                                                     ( Đại tá CAND)

     BBT : Đây là bài viết của chị Thúy Bình từ mấy năm trước, có thể 1 vài thông tin đã cũ cần điều chỉnh hoặc bổ sung. Đề nghị bạn Nguyệt Ánh và bạn Thanh Mai trực tiếp trao đổi với chị Thúy Bình để hoàn chỉnh bài viết này. 


    Con đường đến Lư Sơn-Quế Lâm rồi lên Bắc Kinh học Nga ngữ
    Mùa hè 1953, 14 tuổi , tôi được các cô chú trong Liên Khu ủy III chọn vào đoàn con cán bộ của Liên khu III xuất phát từ Thanh Hóa ra Việt Bắc rồi đi học tại trường TNVN ở Trung Quốc .Đoàn chúng tôi xuất phát vào ban đêm, vì không dám đi ban ngày, sợ máy bay Pháp ném bom. Đoàn đi có cả các em bé nên khi nào các em mỏi chân lại phải cho ngồi vào thúng để các anh chị khiêng. Vì mới xa nhà lần đầu nên nhiều bạn khóc, muốn quay về. Chú Kỳ được giao dẫn đoàn đi luôn khuyên bảo dỗ dành các cháu, nhưng trên đường lên Việt Bắc có bạn Khanh con bác Vũ Đình Huỳnh cương quyết xin về không đi nữa làm cả đoàn rất buồn.
    Sang đến Quế Lâm (Trung Quốc) Bình được phân vào học lớp 5, đây thật là thời gian rất đáng ghi nhớ trong cuộc đời học sinh phổ thông của mình .
    Tháng 9-1955 do chủ trương từ trên, Bình và một số bạn được cử đi học tiếng Nga tại Bắc Kinh.
    Sau một thời gian được học bổ túc chương trình văn sử địa hết lớp 10. Chúng tôi gồm 50 bạn (một số bạn ở Quế Lâm, một số bạn từ Khu học xá Nam Ninh ) thi vào Học viện Nga ngữ Bắc Kinh.

    38. PHẠM ĐỖ ĐỒNG- BÀI CHỌN IN SÁCH

    BẠN QUẾ LÂM GIỮA TRƯỜNG SƠN                                    
                                                                        Phạm Đỗ Đồng
                                                                             (Họa sĩ)
              
    Nơi một người ngã xuống . Tranh : Đỗ Đồng
    Ở chung một lán giữa rừng Trường Sơn , có một người hơi đặc biệt. Anh ta mặc một bộ đồ nilông giống như lính từ miền Nam đi ra, nhưng lại đi vào. Một buổi sáng nọ thấy ngay sát đầu võng gẩn một gốc cây có một bãi phân tiêu chảy của ai đó. Điên quá bèn la lớn, chắc chắn không có ai đủ “dũng cảm” dám nhận chuyện này. Nhưng anh ta nhận ngay, và tìm đất lấp đầy vào cho khỏi hôi và ruồi. Thương hại, hỏi lại xem còn đau bụng không, anh ta nói là còn . Rất tiếc là số thuốc tiêu chảy trên đường đi đã cho hết, nên “sáng kiến” cho uống ít mật gấu anh em giao liên cho để chữa bong gân còn lại. Thế mà không lâu sau anh bạn hết đau bụng và cầm hẳn. Té ra là mật gấu còn chữa được cả bệnh đó nữa. Dược sĩ M ngừoi đi cùng bảo : chẳng có sách nào dạy thế cả, ông đã trở thành thày lang băm(!) cho ít nhất một bệnh nhân đầu tiên, và chắc chắn là một người tốt, đáng được giúp đỡ. Thôi đi ông, đã vào đến đây rồi thì ai là xấu? Thật hả, nếu không có thằng nào dám nhận là mình đã “ị” bậy để rồi tự tay ông lấp đất hầu, thì ông tính sao? Ừ nhỉ! Hai đứa cười xòa trong sự “sáng suốt” của người này và sự “cả tin” của người kia.

    Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

    BAN LÃNH ĐẠO K5 CULỜ HỌP ...KÍN !

    Vào hồi 10g sáng nay từ Hà Nội cụ Diachuoansai có gửi cho Mõ 2 tấm ảnh với lời chú thích cực kỳ bí hiểm như sau "Họp BLL K5 - Đang tiến hành ".
    Nếu lấy chuẩn 5W của Thể loại Báo chí thì mấy thông tin này chưa đủ để được gọi là 1 TIN Báo chí .
    Tất nhiên Mõ không ngu gì đánh giá trình độ của cụ Diachu qua một "câu" như đánh đố người đọc như thế.
    Vậy . ắt hẳn người viết có ẩn ý gì đây chăng?
    Cứ nhìn các khuôn mặt xuất hiện trong 2 tấm hình toàn là các bậc chức sắc, cây cao bóng cả , số má trên Giang hồ thì biết họ đang mật bàn về việc gì đó rất hệ trong liên quan đến Bang K5 chúng ta !
    Thôi thì trong khi chờ đợi Bang Trường Bang Phó ra thông cáo báo chí, các cụ chịu khó động nào đoán ...mò vậy !
    HỌP BLLK5- ĐANGTIẾN HÀNH 
    ( Ảnh và chú thích ảnh của Diacuoansai )