Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 25 tháng 10, 2016

TRĂN TRỞ SAU MỘT CHUYẾN ĐI THÚ VỊ

Ngọc Hùng
Dưới chân cột cở trên đỉnh cao Lũng Cú
Tôi vừa trải qua một chuyến đi kéo dài 10 ngày, (từ 08 đến 18/10), qua 8 tỉnh biên giới phía bắc đất nước.
Chuyến đi thật thú vị, nhất là tôi được lần đầu tiên đặt chân trên đỉnh cột cờ Lũng Cú- đỉnh đầu của bản đồ tổ quốc và được chiêm ngưỡng phong cảnh hùng vĩ đầy suy tư của dòng thác Bản Dốc diệu kỳ. Chuyến đi cũng là một thử nghiệm cho độ dẻo dai của bản thân tôi khi đã bước sang tuổi được gọi là “xưa nay hiếm”.
Nhưng chuyến đi cũng để lại không ít điều trăn trở.
Chuyến đi mang ý nghĩa “về nguồn” này đưa chúng tôi đến những địa danh lịch sử của cách mạng Việt Nam ở khu vực được gọi là “căn cứ địa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp”. Trong khi các khu di tích lịch sử mang tầm quốc gia trọng đại, như Pác Bó, Tân Trào… khá khiêm nhường như bản chất thật của các di tích ấy, thì khu “di tích” Công An trung ương thời chống Pháp lại hoành tráng quá mức một cách gượng gạo và tự tạo. Gọi là khu di tích mà không có một di tích nào. Đó là một khu vực xây dựng bề thế, rộng mấy ha; gồm một tòa nhà “bảo tàng”, một quảng trường và một tượng đài trên đỉnh đồi cao cả trăm bậc thang bê tông! Toàn bộ khu “di tích” này toát lên một tâm thế phô trương rất tốn kém mà không có chút hồn lịch sử nào! Diện mạo của khu di tích CA trung ương này cho thấy sự thấp kém của người sắm vai trò “kiến trúc sư trưởng”; thấp kém cả về quan niệm về di tích, về trình độ thẩm mĩ và về giá trị lịch sử của kiến trúc. Nhưng chắc chắn có một tư duy không hề thấp kém, đó là tư duy trục lợi từ khoản đầu tư khủng cho một công trình mạo danh “tri ân lịch sử” này! Thất vọng! Tôi không hề chụp một ảnh nào của khu “di tích” rởm này!
Phút trầm tư bên thác Bản dốc
Tại các khu di tích đều có các nhà trưng bày các hình ảnh và hiện vật liên quan đến di tích, như một hình thức bảo tàng. Lạ thay, tất cả các hình ảnh được trưng bày đều không hề ghi rõ tác giả của bức ảnh, thời gian cũng như hoàn cảnh của tác phẩm nhiếp ảnh ấy. Có rất nhiều bức ảnh lặp đi lặp lại ở những khu di tích khác nhau, làm giảm tính độc đáo khác biệt giữa các di tích. Thật là tùy tiện khi di tích không ra di tích, bảo tàng không xứng bảo tàng mà triển lãm cũng chưa đáng gọi là triển lãm!
Tại nhiều khu di tích và các đền đài tưởng niệm, thường thấy rất nhiều cây “di tích” được trồng bởi các nhân vật cao cấp của hệ thống chính trị hiện tại, cả còn đương chức và nhiều người nay đã nghỉ hưu. Các cây ấy thường là loại “quý hiếm”, có ý nghĩa “tâm linh” hoặc “phong thủy” và thảy đều đắt tiền. Bên mỗi cây đều có những tấm bảng trang trọng, bằng đá tảng hoặc bê tông, ghi rõ họ tên, chức vụ đảng và chính quyền của người đã trồng cây ấy và ngày tháng năm được trồng. Nhưng ai cũng biết rằng các cây này đều do ngân sách đài thọ, chứ không phải tiền của các vị trồng cây chi ra. Việc trồng cây cũng diễn ra rất hình thức. Tôi dám cam đoan rằng nhiều vị không thể nhớ mình đã trồng bao nhiêu cây, ở những nơi nào? Bởi tất thảy đều là “của người phúc ta” cả!
Hà Nội, 21/10/2016.




3 nhận xét:

  1. Đến bất cứ nơi đâu trên giải đất VN ngày nay Bạn cũng như Tôi, và cũng như Chúng ta đều thấy những điều chướng tai gai mắt do con người gây ra. Thật ngán ngẩm !

    Trả lờiXóa
  2. Xin chia sẻ sự ngậm ngùi thất vọng về sự ĐÁNH BÓNG LỊCH SỬ một cách thiếu trình độ làm xấu đi hình ảnh lịch sử hào hùng vĩ đại nhưng đầy giản dị gần gủi của dân tộc.
    Cái bệnh hình thức, phô trương, sỹ diện nó thấm vào máu của các quan chức VN nay còn + thêm bệnh tham nhũng vô tội vạ nữa nên BÓ TAY.com
    Dẫu sao cụ Hùng cũng có được bức ảnh đẹp dưới lá cờ Tổ Quốc. CHúc mừng cụ !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nguyễn Ngọc Hùng11:26 26/10/16

      NNH xin cám ơn sự chia xẻ của cụ Nhật Lệ.

      Xóa