Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2017

HOẠT ĐỘNG NGÀY THƯƠNG BÌNH LIỆT SĨ 27/7 CỦA K3/LSQL

(Tin và ảnh của Nguyễn Mạnh Kinh)
Nhân kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7), đại diện BLL cựu học sinh K3/LSQL gồm:
Nguyễn Năng Dũng, Đoàn Ngọc Trinh, Lại Văn Nghiễm, Nguyễn Mạnh Tùng, Nguyễn Thanh Lâm và Nguyễn Mạnh Kính đã lần lượt đến từng gia đình trên địa bàn Hà Nội, thắp hương tưởng niệm và thăm hỏi thân nhân các Liệt sĩ Nguyễn Hữu Nghiêm, Ngô Phượng Châu, Nguyễn Ngọc Tiến, Lê Anh Cường, Nguyễn Phi Hùng (Anh hùng LLVT), Bùi Quang Ngọc và thăm hỏi 2 bạn thương binh Lê Đăng Kiểm, Dương Đức Thắng. Trước đó bạn Năng Dũng đã đến thăm gia đình liệt sĩ Vũ Huy Lượng ở thành phố Hải Dương. Dưới đây là một vài hình ảnh chia sẻ cùng các bạn.

1. Tại Gia đình LS Ngô Phượng Châu

Thành kính và Xúc động trước bàn thờ gia tiên và LS Ngô Phương Châu....

Di ảnh LS Châu dưới cùng
Thăm hỏi thân mẫu LS Ngô Phương Châu
2.Tại gia đình LS Nguyễn Ngọc Tiến

Anh Tuấn, em trai LS Nguyễn Ngọc Tiến (ngồi giữa) tiếp khách 

Từ trái sang: Tùng, Nghiễm, Kính, Năng Dũng, Công Lý (K5 em rể Ngọc Tiến). Ngọc Trinh
3. Tại gia đình LS Lê Anh Cường


Thăm hỏi và chụp ảnh kỷ niệm với thân mẫu LS Cường
 4. Tại gia đình LS Nguyễn Phi Hùng (Anh hùng LLVT)
Trước bàn thờ người bạn học cũ K3, Người LS Anh hùng.


Anh Nghĩa , em trai LS Phi Hùng (Bìa phải) thân tình tiếp các bạn của anh mình.
5. Tại gia đình LS Bùi Quang Ngọc

Di ảnh bạn Ngọc ( hình cuối cùng)

Tại nhà anh Hùng (bìa phải), em trai Ngọc.
6. Thăm hỏi bạn Lê Đăng Kiểm
Bạn Kiểm bìa phải và vợ (Ngồi cạnh Ngọc Trinh)
7. Thăm hỏi bạn Dương Đức Thắng
Bạn Thắng hàng đầu người thứ 2 bìa phải

CỐ QUÁ và QUÁ CỐ

     Phàm ở đời làm việc gì cũng phải CỐ mà làm, sao cho đạt yêu cầu, đạt hiệu quả cao nhất. Như vậy CỐ là phải rồi. Nhưng nhiều khi CỐ quá mức hay nói cho gọn là CỐ QUÁ thì có khi lại hứng chịu kết cuc ngược lai, nhẹ thì mang thương tật, đau yếu còn nặng thì có khi mất mạng mà dân gian hay gọi là  QUÁ CỐ.
          Mấy chục năm làm việc ở Bộ Ngoại giao tôi đã được chứng kiến  trường hợp vì CỐ QUÁ mà thành QUÁ CÔ.
          Năm ấy, sau khi được tuyển vào Bộ Ngoại giao, tôi được cử sang Đại Sứ quán ta tai Bắc kinh làm công tác phiên dịch. Trong nhiệm kỳ đó tôi dịch cho Đại sứ nhưng thi thoảng cũng dịch cho vị Tham tán TT. Ông này khoảng ngoài 50 tuổi, dáng người béo mập, ngoại hình không mấy khả quan. Điều hơi bất ngờ là ông TT có bà vợ tên là K vừa trẻ lai vừa đẹp. Bà K kém chồng gần 20 tuổi. Năm đó hai ông bà đã có một cháu gái 8 tuồi giống mẹ rất xinh xắn. Lúc đầu tôi rất thắc mắc không hiểu sao một người đàn ông ngoại hình không được " hoành tráng" lắm  nếu không nói là hơi thất vọng , lại có bệnh tim bẩm sinh mà lại lấy được cô vợ trẻ thế.  Ít lâu sau tôi mới được nghe câu chuyện về vợ chồng ông. Hóa ra bà K là con gái một người bạn cùng hoạt động cách mạng với ông ở Vùng mỏ . Trong một lần ông và người bạn chí cốt ấy bị địch truy đuổi chính ông  đã đánh lạc hướng kẻ địch cứu người bạn ấy thoát chết. Ông bị địch bắt và tra tấn rất dã man, nhưng ông không khai ra bạn mình, may mắn là ông được các đông đội cứu thoát khi kẻ thù đưa ông đi sử bắn. Sau ngày cách mạng thành công 2 người găp lại nhau và lại cùng công tác ở Tỉnh ủy 1 tỉnh miền biển. Lúc đó ông gần 40 tuổi và chưa lập gia đình. Người bạn thân lập gia đình từ sớm và năm ấy cô con gái của ông ta đã đến tuổi cập kê . Cảm kích vì người bạn đã bất kể hiểm nguy hy sinh cứu tính mạng mình, ông bạn nảy ra ý định gả con gái mình cho ông TT. Ý định ấy được vợ ông tán thành, và cô con gái cũng răm rắp nghe lời Bố Mẹ. Thế là ông TT lấy được vợ trẻ. Câu chuyện cũng khá cảm động và có vẻ hợp logic, xem ra họ sống cũng khá hạnh phúc. Khỏi phải nói ông TT rất chiều chuộng bà vợ trẻ. Mọi việc trong gia đình ông giành lấy làm không để cho bà vợ phải mó tay vào. Tôi thấy ông thường xuyên đi xách nước, lau sàn nhà hoặc làm các công việc khác. Ông làm rất vui vẻ không nề hà việc gì , có điều ông vẫn giấu mọi người là ông có bệnh tim. Tôi biết vì đã có lần đi phiên dịch cho ông khi ông đên bệnh viên khám bệnh .
           Bẵng đi mấy năm, sau khi vợ chồng ông Tham tán  hết nhiệm kỳ trở về nước , tôi cũng về nước nghe nói ông không còn ở Bộ Ngoai giao, tôi cũng không có dịp găp lại. Một hôm tôi đến Bộ làm việc thì đọc được cáo phó đưa tin ông TT đã mất vì bệnh tim.  Tôi đã đến dự tang lễ ông. Sau này tôi được nghe kể lại, ông TT bị đột quỵ khi đang cố xách một thùng nước nặng đi từ vòi nước về nhà với khoảng cách gần trăm mét. Ông vẫn quá chiều vợ, làm cả những việc nặng quên cả căn bện tim quái ác. Ông đã CỐ QUÁ nên ...Không biết có phải là thế không, nhưng sự việc tôi được chứng kiến quả là một bài học đối với tất cả những người đàn ông, người chồng trên khắp thế gian này.
           Vậy mới nói hãy luôn CỐ GẮNG làm việc nhưng đừng CỐ QUÁ mà thành QUÁ....
                                                                                                             Koong Lý 16/7/2017
---------------------
Nguồn : Blog Công Lý

Thứ Ba, 25 tháng 7, 2017

NHỚ MÃI BS ĐẶNG HẢI ĐƯỜNG

               
Nụ cười rạng rỡ của BS Đặng khi gặp lại các cựu HS  LS.QL 
sau 40 năm, trên đất nước Việt Nam đã Thống nhất !

BĐH- Trong buổi gặp gỡ thân mật cựu HS trường ta (LSQL) và cựu HS một số trường khác cùng có thời gian đóng quân trên đất Quảng Tây (Trung Quốc) với Giáo sư Nguyễn Trung Nguyên của trường Đại học Sư Phạm Quảng Tây (Kiêm phụ trách Nhà lưu niệm các trường VN tại Quảng Tây) cho biết 1 thông tin buồn: Bác sĩ Đặng Hải Đường, người phụ trách chăm sóc sức khỏe cho chúng ta tại Trường Thiếu nhi Việt Nam ( Hay còn gọi là "Quế Lâm dục tài học hiệu" từ 1953- 1957) đã qua đời năm 2015 ở Autralia nơi bà và gia đình đã định cư từ nhiều năm nay . Trong không khí xúc động của tất cả mọi người có mặt, GS Nguyên đã kể lại vài kỷ niệm sâu sắc giữa BS Đăng với thày trò trường ta những năm bà công tác tại Trường. Ông cho biết mới đây con gái BS Đặng đã hứa với ông là sẽ sưu tầm để tặng lại Nhà Lưu niệm tất cả các kỷ vật của mẹ mình liên quan đến Trường Thiếu nhi Việt Nam và những phần thưởng của chính phủ VN, những món  quà cùa các cựu HS VN tặng bà khi bà sang thăm chúng ta ở Hà Nội và Tp.HCM .
Chúng tôi cùng các thầy cô có mặt trong buổi gặp mặt này đã đứng dậy mặc niệm BS Đặng Hài Đường để tưởng nhớ đến bà như 1 tầm gương, một hình mẫu cụ thể về tình "Quốc tế vô sản"trong sáng dành cho các học sinh Việt Nam trong thời gian sang học tập ở nước Trung Hoa vừa được giải phóng .

Nhân dịp này chúng ta cùng đọc lại hồi ký của Trần Kháng Chiến viết về BS Đặng Hải Đường, coi như mỗi người thắp 1 nén hương thơm cầu mong hương hồn bà siêu thoát và bình an nơi Suối vàng ....   .
Thầy trò trường TNVN LS.QL (Tp.HCM) ra sân bay
đón BS Đặng Hải Đường (1997)
NHỚ MÃI BS ĐẶNG
Trần Kháng Chiến (Vỡ Lòng A)
Trích đăng từ bài viết đã in trong Hồi ký Ngược dòng ký ức 

 Trong ký ức tuổi thơ của tôi, có phần ký ức rất đẹp về tập thể bác sĩ, y tá, dược tá Trung Quốc công tác tại bệnh xá trường ta. Hồi đó bọn trẻ chúng tôi rất thích được nằm bệnh xá. Lý do đơn giản chỉ là để được các cô bác sĩ, y tá chăm sóc, chiều chuộng.
Một ngày hè năm 1997 anh Đỗ Long nhắn tôi ra ga Hàng Cỏ đón bác sĩ Đặng Hải Đường. Tôi mừng lắm, vì sau 40 năm xa cách nay được gặp lại người từng chăm sóc mình lúc ốm đau thời ấu thơ. Trên sân ga tôi nhận ra nhiều người quen: các thầy, các cô, các anh chị lớp lớn, các bạn cùng lứa, trong số này có Hồ Sỹ Tá. Hôm đó Tá ôm bó hoa lớn đi đón BS Đặng, người thầy thuốc Trung Quốc đã làm được một điều thần kỳ, đó là góp phần quyết định đưa Tá trở về với cuộc sống bình thường sau 1 tai nạn, bị hôn mê sâu trong thời gian dài vì đuối nước. Sự kiện đó không chỉ thể hiện trách nhiệm của người thầy thuốc, mà còn là một biểu hiện sinh động cho tình cảm sâu nặng, ân tình của nhân dân Trung Quốc đối với học sinh Việt Nam chúng ta. Toàn thể “dân Quế Lâm” chúng ta đều ghi nhớ sự kiện đó.
Tôi được tham gia buổi giao lưu rất đáng nhớ, rất cảm động của thầy trò trường ta với BS Đặng tại Hà Nội (tổ chức ở hội trường Viện Nghiên cứu Hạt nhân trên đường Lý Thường Kiệt do anh Tiến Nguyên lớp 5 làm Viện trưởng). Sau đó khi vào Tp.Hồ Chí Minh tôi lại một lần nữa được đón tiếp BS Đặng tại sân bay Tân Sơn Nhất. Được tham gia buổi gặp gỡ rất vui của thầy trò trường ta tại phía Nam với BS Đặng ở nhà anh Lê Minh Ngọc .
Bạn Hồ Sĩ Tá sau 40 năm trở lại nơi mình từng được BS Đặng cứu sống

Khi nhắc đến người bạn Trung Quốc thân thiết này chúng ta nhớ ngay đến bạn Hồ Sỹ Tá. Tá coi BS Đặng là người mẹ thứ hai của mình. Năm 1997 khi bác sĩ Đặng sang thăm Việt Nam, ông Hồ Viết Thắng thân sinh của Tá đã mời BS Đặng đến thăm nhà. Trong không khí thân tình ấm cúng, ông đã bầy tỏ lòng biết ơn của gia đình đối với nhân dân Trung Quốc, đối với cá nhân BS Đặng đã đưa Tá trở về với cuộc sống. Năm 2003 khi chúng ta chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Trường, Tá là người tích cực tham gia biên tập cuốn sách “Quế Lâm - Lư Sơn một thời để nhớ”. Cũng năm ấy, cô y tá Hồ Khải Hoa được ta mời sang dự lễ 50 năm Hội Trường, Tá lần nữa được gặp lại một trong những ân nhân của mình, cảm động lắm!
Các Thầy tiếp BS Đặng
Do võ vẽ biết ít tiếng Trung nên tôi được phân công phiên dịch cho hai vị khách quý khi họ vào thăm Tp.Hồ Chí Minh. Ngoài ra trong các năm 2000, 2001 tôi cũng có vài dịp sang Quế Lâm, được gặp bác sĩ Đặng Hải Đường, cô giáo Hứa Đồng Mai, các cô y tá Hồ Khải Hoa, Lý Thiệu Vân và cô dược tá Khâu Bội Ngọc. Các cô rất nhớ các học sinh Việt Nam, nhớ về những ngày tháng sống trong tình cảm hữu nghị Việt- Trung. Riêng về bác sĩ Đặng, tôi xin chia sẻ một số thông tin thu thập được qua tâm sự của bà với anh chị em Quế Lâm. BS Đặng Hải Đường sinh 1930 tại Tứ Xuyên, trong một gia đình trí thức, thủa nhỏ bà học rất giỏi, luôn dẫn đầu toàn khối. Năm 1949 khi cuộc nội chiến ở Trung Quốc kết thúc, nước Trung Hoa mới ra đời, bà theo gia đình đến Nam Xương tỉnh Giang Tây. Bà thi đỗ vào trường Đại học Y. Năm 1953 bà tốt nghiệp loại ưu, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sau khi nhận bằng Bác sĩ bà xung phong sang Triều Tiên “Kháng Mỹ viện Triều”, nhưng theo yêu cầu, bà lại được phân công về nhận nhiệm vụ tại Lư Sơn tử đệ học hiệu. Tại đây bà cùng một số y tá, dược tá thành lập bệnh xá chăm lo sức khỏe cho hơn 1.000 giáo viên, cán bộ, học sinh Việt Nam. Khi trường rời từ Lư Sơn về Quế Lâm, BS Đặng cũng theo về và bà chính là người phụ trách chăm lo sức khỏe cho chúng ta từ ngày trường thành lập đến khi giải thể. Các giáo viên và học sinh Việt Nam về nước hết, BS Đặng ở lại Quế Lâm làm việc cho đến khi nghỉ hưu. Do những đóng góp xuất sắc của bà trong thời gian phục vụ ở Trường Thiếu nhi Việt Nam Quế Lâm, bà được Nhà nước Trung Hoa tặng danh hiệu Thầy thuốc Công huân (một danh hiệu cao quý) và Chính phủ ta tặng bà Huân chương Lao Động. Năm 1990 bà nghỉ hưu, nhưng nhận làm hợp đồng cho bệnh viện Nhân dân số II với mức lương tháng 3.000 Nhân dân tệ. BS Đặng thành lập gia đình năm 1960, có hai người con, một trai, một gái. Người con gái cả sống và làm việc ở Quế Lâm, người con trai là Tiến sĩ, định cư ở Úc. Đầu năm 2001 bà sang Úc ở với con trai. Đối với Việt Nam, BS Đặng có một kỷ niệm rất thiêng liêng liên quan đến dịp Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi Người sang nghỉ tại Quế Lâm vào tháng 5/1961. Như chúng ta đều biết Quế Lâm là một trong những địa phương của Trung Quốc gắn bó với một giai đoạn hoạt động CM của Bác Hồ. Chính ở đây từ 1937 - 1940 Bác đã tham gia cuộc kháng Nhật của nhân dân Trung Quốc. Bác muốn nhân dịp này đề nghị Thành uỷ Quế Lâm tổ chức cho Bác gặp gỡ những bạn chiến đấu cũ để cám ơn họ về sự giúp đỡ đối với CMVN. BS Đặng cũng có tên trong danh sách được đi gặp Bác Hồ. Bà xúc động kể: “Hôm ấy tôi đang làm việc tại BV thì người của Thành ủy Tp.Quế lâm đánh xe hơi đến báo cho tôi biết: tôi được ra sân bay Quế Lâm dự cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi người rời Trung Quốc về nước! Đến Thành uỷ xe đón thêm 6, 7 đồng chí nữa. Qua lời giới thiệu tôi biết tất cả các đồng chí này đều đã từng làm việc ở Việt Nam, có đóng góp nhiều cho CMVN. Tôi càng thấy vinh dự và xúc động vô cùng! Ngồi trên xe ra sân bay Quế Lâm mà trong lòng lâng lâng như đang trong trong giấc mơ!
Ngô Minh Phụng (cựu HS Lớp 2) và BS Đặng
Chúng tôi chờ Bác Hồ ở trong phòng khách đặc biệt độ 20 phút thì Người đến Mặc dù đã được nghe kể, được đọc sách báo nói nhiều về đức tính giản dị, gần gũi nhân dân của Bác Hồ, nhưng khi Người xuất hiện tất cả chúng tôi đều quá ngỡ ngàng! Bác Hồ ân cần vui vẻ bắt tay chúng tôi, Bác hỏi thăm từng người và nhắc đi nhắc lại bằng tiếng Trung Quốc: “Xin lỗi các đồng chí, vì đã để các đồng chí phải chờ!”. Vì chỉ có tôi là phụ nữ nên Bác dừng lại hỏi thăm riêng. Đồng chí Bí thư Thành uỷ Quế Lâm được dịp “khoe” thành tích của tôi khi làm việc ở Trường Thiếu nhi Việt Nam Lư Sơn - Quế Lâm từ năm 1953 đến hết 1957. Chủ tịch Hồ Chí Minh chăm chú lắng nghe rồi Người nói, đại ý: Tôi thay mặt nhân dân VN, thay mặt gia đình các cháu học sinh Việt Nam cám ơn đồng chí, cám ơn tập thể cán bộ y tế Trung Quốc đã chăm sóc chu đáo cho con em chúng tôi… « Cuộc gặp gỡ với Bác Hồ lần ấy chỉ diễn ra trong vòng 30 phút, nhưng đối với tôi, đó là những giây phút cảm động, hạnh phúc nhất trong đời. Khi Hồ Chủ tịch lên máy bay, mọi người ào ra tận đường băng tiễn Người. Khi đến cửa máy bay Hồ Chủ tịch quay lại phía chúng tôi, Người nắm hai bàn tay vào nhau, chắp trước ngực, lắc lắc chào từ biệt mọi người theo kiểu của người Trung Quốc. Từ giây phút ấy tôi giữ mãi trong tim hình ảnh vị lãnh tụ anh minh của nhân dân VN, người bạn lớn của nhân dân Trung Quốc! Tôi luôn luôn tự nhủ: vinh dự này là vinh dự chung của tập thể anh chị em cán bộ Bệnh xá trường ta, tôi chỉ là người đại diện đón nhận vinh dự đó”…
Lan man chuyện xưa BS Đặng lại chuyển sang chuyện nay lúc nào không biết! Giọng bà trầm hẳn xuống khi nói đến thời kỳ Trung Quốc tiến hành Cách mạng văn hoá, không ít cán bộ trường Lư Sơn - Quế Lâm - KHX Nam Ninh, trong đó có bà, phải gánh chịu khó khăn. Rồi thời kỳ đụng độ biên giới, đêm đêm bà đau lòng nhìn những đoàn xe quân sự gắn ngôi sao “Bát nhất” chạy về hướng Hữu Nghị quan… Bà nói: “Chuyện Quốc gia đại sự là chuyện của những người cầm quyền. Nhân dân 2 nước Trung - Việt mãi mãi là anh em…”. Chúng tôi hát vang bài ca Chào Quế Lâm để tặng người Thày thuốc Trung Hoa mà chúng ta từng coi là Người mẹ thứ 2 của mình!
---------------------------
Rút trong tập Hồi ký "Ngược dòng Ký ức" (Trang 83)

Thứ Năm, 13 tháng 7, 2017

TIẾP TỤC HÀNH TRÌNH CỦA CUỐN HỒI KÝ "NGƯỢC DÒNG KÝ ỨC"

Như trên facebook của cụ GSTS Đỗ Bảo (TẠI ĐÂY) đã đưa tin (kèm hình ảnh), ngày 12/6 một đoàn đại diện của K5/LSQL (53-57) do “Chính ùy” Trần Trung Hải dẫn đầu đã lên Tp. Thái Nguyên thăm gia đình cố thầy chủ nhiệm Phạm Mạnh Tuấn và biếu Cô tập hồi ký “Ngược dòng ký ức” vừa mới xuất bản. Một điều đặc biệt , là trong sách này ngoài bài thơ “Gặp nhau rộn rã tiếng cười” mà Thầy Tuấn là tác giả thì Phạm Thanh Hương ( cô con gái út của Thầy) và chàng rể Nguyễn Minh Đức (nguyên học trò K5 của Thầy Tuấn chủ nhiệm Lớp) cũng là tác giả của 2 tùy bút dạt dào “tình Thày - nghĩa Bạn ” in trong “Ngược dòng ký ức”. Hôm ấy gia đình Thầy Tuấn đã tổ chức buổi lễ có hương, hoa rồi trang trọng đặt 2 quyển Hồi ký lên ban thờ trước di ảnh người cha, người Thầy kính mến. Các học trò như muốn thưa với Thầy công việc ra sách đã hoàn thành và Lời nhắn nhủ sau cùng của Thầy đã được con cháu và học trò ghi lòng tạc dạ !
“Mấy mươi năm trắng mái đầu
Trái tim vẫn đỏ một mầu yêu thương! “

Cô - Phu nhân thầy Tuấn xúc động tiếp nhận  2 quyển Hồi ký rôi trân trọng đặt lên ban thờ Thầy

Mấy hôm sau trên fecebook của mình, Phạm Thanh Hương và bà chị cả Phạm Thanh Tuyết đã có lời chia sẻ như sau :
Phạm Thanh Hương : Trường Thiếu nhi Việt Nam Lư Sơn - Quế Lâm , một ngôi trường mà có lẽ tuổi thơ em luôn được nghe cha kể với biết bao những câu truyện về một thời cha đã sống và dạy học bên đất nước bạn, cái thưở ngày xưa ấy mà mỗi khi cha nhắc đến đều rất xúc động, ánh mắt cha nhìn rất xa xăm như nhớ lại , hồi tưởng những kỉ niệm đã đi theo Người suốt cuộc đời này.
Mỗi lần nhắc đến Cha , em thường xúc động đến trào dâng nước mắt, bởi với em Người luôn dành tình thương rất đặc biệt.
Cho phép em được gửi lời cảm ơn đến Ban biên tập Hồi kí :"Ngược dòng ký ức" , cảm ơn chị Le Tien Hoan, anh Calathau Vu... các anh , các chị trong Ban biên tập đã dành biết bao tâm huyết, đã bao đêm thức trọn để cho ra đời cuốn sách quý chứa đựng biết bao ân tình dành cho ngôi trường một thời sống và học tập trên đất nước bạn.
Thật xúc động biết bao, nhân chuyến ra công tác ngoài Hà Nội, chồng em ( và anh cũng là học trò cũ của Bố ) đã đưa cả 2 mẹ con ra cùng để chuẩn bị đón một sự kiện rất quan trọng và ý nghĩa . Ngày thứ 7 và chủ nhật ở Thái Nguyên vợ chồng em cùng gia đình đã rất xúc động được đón các anh Nguyễn Hữu Hùng, A Trần Trung Hải, A Trần Gia Ninh, A Đỗ Bảo , Anh Thiếu Hiệu từ thủ đô Hà Nội, không quản đường xá xa xôi lên với gia đình , mang theo cuốn sách quý đó. Vậy là :"Ngược dòng kí ức " đã đến được với Bố , đã đến được với mẹ và cả gia đình em . Không thể nói hết được sự cảm kích và xúc động của gia đình em. Mẹ đã thay mặt gia đình cảm ơn các anh và cũng thành kính nhắn gửi đến cha :" Chắc hẳn dưới suối vàng cha sẽ đọc hết từng trang, từng dòng của cuốn sách. Chắc hẳn Người sẽ vui mừng và xúc động lắm"...
Phạm Thanh Tuyết:  Cuốn sách " Ngược dòng kí ức" đã được các anh, các chị cựu học sinh trường thiếu nhi Việt Nam Lư Sơn - Quế Lâm biên soạn và xuất bản. Trong cuốn sách có cả hồi ức về người cha thương yêu của chúng tôi. Thật cảm động cuốn sách đã được các anh Nguyễn Hữu Hùng, anh Trần Trung Hải, anh Trần Xuân Hoài (Trần Gia Ninh),  anh Nguyễn Đỗ Bảo và anh Ngô Thiếu Hiệu không quản đường sá xa xôi từ Hà Nội mang lên tặng gia đình. Thay mặt gia đình xin được trân trọng cảm ơn các anh, các chị cựu học sinh Quế Lâm đã giành tặng những tình cảm nồng ấm cho người cha rất đỗi yêu thương và gia đình chúng tôi.
 --------------------------------
Xem lại Thông tin của Phạm Thanh Hương Xem fb của Thanh Hương TẠI ĐÂY !

Thứ Hai, 10 tháng 7, 2017

XUNG QUANH CHỦ TRƯƠNG QUÂN ĐỘI LÀM KINH TẾ (Bài 3)

QUÂN ĐỘI LÀM KINH TẾ 
CÓ ANH HÙNG KHÔNG?
Tiền sĩ Toán học: Nguyễn Ngọc Chu
Chiếu làng (10/7): Chừng nào quân đội còn làm kinh tế thì chừng đó còn tồn tại lợi ích nhóm trong quân đội và chừng đó quân đội không thể hùng mạnh.
Phát biểu của Thượng tướng Lê Chiêm – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (BQP) vào ngày 23/6/2017 về chủ trương mới của BQP là quân đội không làm kinh tế, đã được hàng chục triệu người dân Việt Nam hồ hởi đón nhận, bởi nó mở ra khả năng nâng cao sự tinh nhuệ của Quân đội Việt Nam.
Không chỉ nhân dân, mà các tướng lĩnh quân đội cũng ủng hộ chủ trương của BQP. Chẳng hạn, Tướng Thước đã lên tiếng rằng “Quân đội không làm kinh tế là đột phá về tư duy”. Còn Tướng Lương nói: “Quân đội không làm kinh tế là lý tưởng”.
Tướng Lê Mã Lương: "Quân đội không làm kinh tế là điều rất lý tưởng"

Thế nhưng, các thế lực lợi ích bắt nguồn từ quân đội làm kinh tế đã tức thì phản công. Bằng những mỹ từ rất đẹp, trong đó có: “Chủ trương lớn”, “Khẳng định vai trò của quân đội trên mặt trận sản xuất” và đi xa hơn “Quân đội anh hùng cả trong sản xuất”…
“Vai trò của quân đội trên mặt trận sản xuất” không ai bàn đến. Điều toàn dân quan tâm là quân đội không làm kinh tế nữa, mà tập trung xây dựng quân đội hùng mạnh.
Cũng để tránh những ngụy biện nhập nhèm, phải tách biệt rõ ràng, rằng nói đến quân đội làm kinh tế ở đây, không bao hàm nền công nghiệp quốc phòng.
AI LÀ NGƯỜI BẢO VỆ QUÂN ĐỘI LÀM KINH TẾ?
Không khó để nhận ra. ai đang nồng nhiệt bảo vệ việc quân đội làm kinh tế. Có thể phân thành mấy nhóm chính.
1. Những người trong quân đội đang làm kinh tế mà được hưởng lợi từ việc quân đội làm kinh tế.
2. Những người được hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp từ việc quân đội làm kinh tế.
3. Những cựu lãnh đạo BQP bảo vệ cho chủ trương quân đội làm kinh tế mà họ đã đề ra hay đã nhiệt tình triển khai.
4. Những người được đặt hàng quảng bá cho việc quân đội làm kinh tế.
Hiển nhiên có sự đan chen trong bốn phạm trù trên.
8 ĐIỀU NGUY HẠI TỪ QUÂN ĐỘI LÀM KINH TẾ
Nói đến kinh tế là nói đến lợi ích. Quân đội làm kinh tế là cội nguồn sinh ra lợi ích nhóm trong quân đội. Xin nhắc lại tám điều nguy hại chính từ việc quân đội làm kinh tế.
1. Làm yếu khả năng chiến đấu của quân đội khi không tập trung vào mục đích chính của quân đội là xây dựng lực lượng tinh nhuệ để bảo vệ tổ quốc.
2. Tạo nên sự bất công về lợi ích kinh tế trong nội bộ quân đội, dẫn đến mâu thuẫn nội bộ, làm yếu sức đoàn kết và mất sự thống nhất ý chí của quân đội.
3. Tạo nên lợi ích nhóm về quyền lực và nhân sự. Dẫn đến việc bổ nhiệm và trao quyền cho những người không thực tài.
4. Hình thành các giai tầng phân cách trong hàng ngũ sĩ quan và binh sĩ.
5. Vì lợi ích kinh tế, sẽ bị kẻ thù và kẻ xấu lợi dụng mua chuộc, làm tha hóa một bộ phận cán bộ và chiến sỹ quân đội.
6. Làm tổn hại khả năng chiến đấu của vũ khí và khí tài do bị rút ruột, bớt xén, trộm cắp, và thay thế bằng vũ khí khí tài thứ cấp.
7. Gây mâu thuẫn lợi ích kinh tế với các đơn vị kinh tế khác không thuộc quân đội.
8. Làm mất lòng tin của nhân dân.
Cho nên, không cần phải viện dẫn ra những số liệu cụ thể. Còn ai đó, dẫu muốn thêu dệt quân đội làm kinh tế lợi đến bao nhiêu, cũng là điều nhỏ nhoi trước tám nguy hại nêu trên. Tám điều nêu trên đang hủy hoại sức chiến đấu của Quân đội Việt Nam.
HOÀN CẢNH ĐÃ THAY ĐỔI
Bây giờ là năm 2017, khi mà tiến bộ của khoa học và công nghệ đã đưa loài người lên một tầng trời mới, không thể tưởng tượng được dù chỉ cách đây vài chục năm.
Định vị toàn cầu từ vệ tinh đã giúp cho hãng taxi Uber xác định khách hàng tức thì ở mọi nơi mọi chỗ. Nhắc như thế để biết được vũ khí hiện đại tìm kiếm và tiêu diệt mục tiêu tức thì ở khắp mọi nơi. Tên lửa hành trình vượt cả ngàn km để bắn trúng mục tiêu ở từng mét vuông. Từ vệ tinh có thể xác định được cả gốc gây ngọn cỏ. Chiến tranh hiện đại là chiến tranh vệ tinh, là chiến tranh của “người trời”.
Ngày 18/6/2017 vừa qua, máy bay Su 22 của Syria đã bị máy bay F/A 18 của Mỹ bắn hạ. Su 22 đã kịp phóng ra một quả tên lửa dù để cản phá quả tên lửa thứ nhất của F/A 18, nhưng không kịp bắn trả, cũng không kịp tránh quả tên lửa thứ hai. Ưu thế vượt trội trong công nghệ là sống còn của chiến tranh hiện đại.
Quân đội sinh ra là để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc. Chu cấp cho quân đội là trách nhiệm của nhân dân. Quân đội không cần phải tăng gia kiếm sống mà lơi là nhiệm vụ chiến đấu. Quân đội càng không có trách nhiệm làm kinh tế để làm giàu cho nhân dân. Không thể lấy tư duy tăng gia khoai sắn giữa thế kỷ 20 để xây dựng quân đội.
XÁC ĐỊNH CHO ĐÚNG MỤC TIÊU
Khác với những thập niên 50, 60,70 của thế kỷ 20, nhiệm vụ duy nhất của Quân đội Việt Nam hiện nay là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam. Muốn xây dựng quân đội hùng mạnh để hoàn thành nhiệm vụ duy nhất đó thì phải trả lời đúng câu hỏi:
Ai là người đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam?
Ở châu Á, hai nước Nhật Bản và Ấn Độ đều nhìn nhận Trung Quốc là nguồn đe dọa lớn nhất về an ninh và sự toàn vẹn lãnh thổ của nước họ. Cả Nhật Bản và Ấn Độ đều xem Trung Quốc là đối thủ để xây dựng lực lượng quốc phòng.
Trung Quốc đang nuôi mộng bá chủ thế giới. Hàng ngày hàng giờ gia tăng năng lực chiến tranh, đợi chờ thời khắc nuốt chửng hàng xóm. Với các nước láng giềng, nước nào cũng bị Trung Quốc lấn chiếm đất đai, kể cả to như Nga và Ấn Độ.
Bên cạnh một Trung Quốc tham lam hung hãn với lực lượng quân đội ngày càng hiện đại, ganh đua với Nga Mỹ, lấn át Nhật Ấn, mà Việt Nam không lo luyện tập tinh binh, chỉ lo đi buôn, đi làm dịch vụ, xây khách sạn biệt thự, sử dụng “nước sông công lính” rồi tự ca ngợi quân đội anh hùng trong lao động sản xuất, thì toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam lấy gì mà bảo vệ?
Bị Trung Quốc lấn chiếm trên đất liền phía Bắc, bị Trung Quốc lấy dần hải đảo phía Đông, bị bao vây ở phía Tây, bị chặn vùng biển vùng trời ở phía Đông và Nam, khắp nước không nơi nào không có người Trung Quốc, mà những nhóm lợi ích đang tự ru ngủ với bài ca “ thế trận kinh tế kết hợp với quốc phòng” thì tai họa làm sao mà tránh khỏi?
Hãy chấm dứt thời kỳ cát cứ kinh tế trong quân đội để xây dựng một quân đội tinh nhuệ.
Hãy nhìn vào lòng tham của Trung Quốc để mà xây dựng quân đội cho hùng mạnh.
Hãy tự cường như Israel.
TÌNH YÊU THỜI KIÊU HÃNH
Với nhiều người Việt Nam, Quân đội Việt Nam là niềm tự hào, là lòng kiêu hãnh, là biểu tượng thiêng liêng.
Bởi thế, nêu ra bất cứ điều gì tiêu cực về quân đội đều gây thương tổn lớn lao cho rất nhiều người. Nhất là những cựu chiến binh anh dũng quả cảm ở Điện Biên, Quảng Trị , Khánh Khê, Vị Xuyên. Với những chiến sĩ chân chính, danh dự quân đội là xương máu của bản thân và đồng đội.
Nhưng sự thăng trầm là quy luật tự nhiên ở đời. Muốn giữ được niềm kiêu hãnh dài lâu thì phải biết chịu đựng những cuộc giải phẫu đau đớn.
Muốn trả lại cho Quân đội Việt Nam niềm kiêu hãnh thì trước hết phải tiêu diệt các nhóm lợi ích trong quân đội.
SỰ VÍ VON NGỤY BIỆN NGUY HẠI
Quân đội có anh hùng trong lao động sản xuất?
Muốn trả lời câu hỏi này thì trước hết phải định nghĩa thế nào là anh hùng trong lao động sản xuất?
Nhưng không cần trả lời câu hỏi đó, chỉ riêng sự đánh đồng những anh hùng đã ngã xuống vì chống giặc ngoại xâm với những hành động trong kinh tế thì chắc chắn đã làm tổn thương đến vong linh hàng chục vạn anh hùng liệt sỹ.
Hy sinh vì bảo vệ tổ quốc là điều thiêng liêng không thể gì so sánh được. Đánh tráo khái niệm anh hùng như vậy là giảm thấp mức độ anh hùng của Quân đội Việt Nam.
ỦNG HỘ CHỦ TRƯƠNG CỦA BỘ QUỐC PHÒNG
Chủ trương của BQP về quân đội không làm kinh tế mà tập trung xây dựng quân đội chính quy hiện đại là chủ trương đúng, cần phải thực thi càng sớm càng có lợi cho Quân đội Việt Nam.
Chừng nào quân đội còn làm kinh tế thì chừng đó còn tồn tại lợi ích nhóm trong quân đội và chừng đó quân đội không thể hùng mạnh.
Trên thế giới không có quân đội nước nào làm kinh tế. Không có lẽ Việt Nam cái gì cũng phải khác người?
Những người yêu Quân đội Việt Nam là bởi vì trước hết họ yêu tha thiết đất nước Việt Nam. Vì tha thiết yêu nước mới tha thiết mong mỏi có một quân đội hùng mạnh để bảo vệ tổ quốc. Quân đội Việt Nam sinh ra chỉ có một mục đích duy nhất là bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Bởi thế, trung thành với Tổ quốc Việt Nam là nghĩa vụ trung thành duy nhất muôn đời của Quân đội Việt Nam.
Ts Toán học Nguyễn Ngọc Chu
 ----------------------------
Nguồn: Tại đây

XUNG QUANH CHỦ TRƯƠNG QUÂN ĐỘI LÀM KINH TẾ (Bài 2)

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: 
Quân đội chỉ ngừng làm kinh tế đơn thuần !
Dân trí (10/7) : Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định, quân đội sẽ không đi ngược lại với lợi ích của nhân dân. Về vấn đề quân đội không làm kinh tế, Thượng tướng khẳng định, quân đội không làm kinh tế đơn thuần nhưng quân đội vẫn làm kinh tế quốc phòng.
Đó lại một nội dung rất được quan tâm trong cuộc trao đổi giữa Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh với VTV. Dân trí xin giới thiệu lại:
"Quân đội không đi ngược lại lợi ích của nhân dân"
- Thưa Thứ trưởng, liên quan đến việc Bộ Quốc phòng đang kiểm tra rà soát toàn bộ việc sử dụng đất quốc phòng trong phạm vi cả nước, đến thời điểm này, Bộ Quốc phòng đã có kết quả như thế nào về việc kiểm tra này?
- Quyết tâm của Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng là làm khẩn trương, làm quyết liệt không có vùng cấm.
Đúng là có một số khu đất sử dụng không đúng mục đích, thì thời gian vừa qua quân đội đã kiểm tra và xử lý rất nghiêm và thời gian tới cũng sẽ xử lý mạnh mẽ, triệt để.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trả lời báo chí: 
Quân đội không đi ngược lại với lợi ích nhân dân.

Ít ngày tới Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch sẽ đi xuống từng địa phương để kiểm tra và chỉ đạo tại thực địa, nếu có sai phạm thì xử lý nghiêm minh. Mục tiêu là không để cho những sai phạm xảy ra ở một nơi sạch nhất, đó là quân đội.
- Thời gian gần đây có hai sự việc được người dân cả nước đặc biệt quan tâm là sân bay Miếu Môn và khu sân golf Tân Sơn Nhất. Sau đó các chuyên gia có ý kiến, đất quốc phòng có lẽ chỉ sử dụng cho mục đích bảo vệ đất nước và chúng ta không được mang ra kinh doanh. Quan điểm của Bộ Quốc phòng ra sao?
- Theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, cách đây hơn 10 năm, nếu đất nhàn rỗi chưa sử dụng ngay vào mục đích quốc phòng thì có thể sử dụng làm mục đích kinh tế để nâng cao đời sống của bộ đội và đóng góp vào xây dựng tiềm lực cho các đơn vị.
Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng thấy rằng, việc ấy cũng phải rất chừng mực và rất có mức độ. Cho nên hiện nay Quân uỷ Trung ương chủ trương cho dừng tất cả việc chuyển đất quốc phòng sang đất làm kinh tế.
Cái nào mà cần chuyển thì phải tính toán rất kĩ các mặt lợi hại và báo cáo cấp có thẩm quyền mới làm. Quân đội không có chuyện đi ngược lại lợi ích của nhân dân. Cái gì đi ngược lại với lợi ích của nhân dân nhất định quân đội không làm.
Quân đội vẫn làm kinh tế quốc phòng, và còn làm mạnh hơn nữa
- Bộ Quốc phòng cũng đã yêu cầu dừng toàn bộ các công trình ở sân golf Tân Sơn Nhất, Thứ trưởng thông tin như thế nào với người dân cả nước về sân golf này?
- Đây là dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng luật. Tuy nhiên cho đến thời điểm này thì Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng thấy rằng, việc duy trì sân golf này gây ra sự phản cảm và hình ảnh xấu trong quân đội nói riêng và nhà nước nói chung; gây cho người dân những bức xúc.
Cho nên quân đội đã báo cáo với Chính phủ sẵn sàng thu hồi để đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội và đặc biệt là giải toả bớt ách tắc giao thông cho sân bay Tân Sơn Nhất.
Khi ta làm dự án đúng luật thì khi thu hồi dự án cũng phải đúng luật, trong đó tính đến quyền lợi nhà nước, quyền lợi của địa phương, lợi ích của quân đội và cả lợi ích chính đang của doanh nghiệp.
Như vậy mới tâm phục khẩu phục. Nên quân đội vẫn đang chờ quyết định của Chính phủ về việc xử lý sân golf này.
- Mới đây đại diện Bộ Quốc phòng cũng trả lời trước báo chí và người dân, quân đội sẽ không làm kinh tế nữa. Câu trả lời này có mâu thuẫn với nhiệm vụ đã được quy định trong Hiến pháp quân đội, đó là nhiệm vụ kinh tế Quốc phòng và việc quân đội làm kinh tế sẽ làm gia tăng sức mạnh trong quân đội, sức mạnh của quốc gia, thưa Thứ trưởng?
- Câu đó tôi nghĩ cũng đúng nhưng không đầy đủ thôi. Nghĩa là quân đội không làm kinh tế đơn thuần nhưng quân đội vẫn làm kinh tế quốc phòng. Quân đội làm kinh tế khoa học công nghệ để phục cho phát triển tiềm lực quốc phòng thì quân đội sẽ làm và làm mạnh hơn nữa.
Hiện nay quân đội làm kinh tế là cái gì? Trước hết là các xí nghiệp sản xuất trực tiếp sản phẩm quốc phòng. Hay tôi nói là vũ khí và trang bị quốc phòng. Đạn, súng, thuốc nổ là các đoàn kinh tế quốc phòng.
Chính họ hiện nay là những người bảo vệ biên giới mà không cầm súng làm đường tuần tra biên giới và giúp nhân dân biên giới. Sau này, nếu đất nước có biến thì những người này là những người vào mở cửa kho cầm súng, chính họ là những người bảo vệ biên giới, là những doanh nghiệp đi đi đầu về khoa học công nghệ để sản xuất vũ khí trong quân đội.
Quân đội không được làm gánh nặng cho nền kinh tế đất nước mà ngược lại vừa phải củng cố quốc phòng vừa phải đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
- Xin cảm ơn Thượng tướng!

Tuấn Hợp (lược ghi)
-------------------------
Nguồn:Tại đây

XUNG QUANH CHỦ TRƯƠNG QUÂN ĐỘI LÀM KINH TẾ (Bài 1)

Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng: Quân đội sẽ thôi làm kinh tế

Dân trí  (23/6) "Quân đội tập trung xây dựng quân đội. Tất cả doanh nghiệp quân đội sẽ cổ phần hóa, thoái vốn. Cái nào phục vụ cho quốc phòng thì phục vụ cho quốc phòng. Chứ không để "lăn tăn" các doanh nghiệp làm kinh tế… Đây là quan điểm của Quân ủy Trung ương... ”, Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nói.
Tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo TPHCM sáng 23/6, Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã nêu rõ quan điểm của Bộ Quốc phòng về dự án sân golf Tân Sơn Nhất.
Vấn đề xoá sân golf, mở rộng sân bay được đưa ra bàn tại buổi làm việc 
của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo TPHCM

Vấn đề "xoá sân golf, mở rộng sân bay" được đưa ra bàn tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo TPHCM
Thượng tướng Lê Chiêm cho biết, ngay khi dư luận phản ánh về việc quá tải sân bay Tân Sơn Nhất, trong khi ngay sát bên sân bay là một quỹ đất lớn dành làm sân golf, Bộ Quốc phòng đã lệnh dừng tất cả dự án trong sân golf để kiểm tra, báo cáo Chính phủ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, sẽ thuê tư vấn nước ngoài nghiên cứu, 
tìm ra phương án tốt nhất cho sân bay Tân Sơn Nhất (Ảnh: Nguyễn Quang)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, sẽ thuê tư vấn nước ngoài nghiên cứu, tìm ra phương án tốt nhất cho sân bay Tân Sơn Nhất (Ảnh: Nguyễn Quang)
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, dự án sân golf Tân Sơn Nhất có từ năm 2007, được 8 Bộ và Thủ tướng Chính phủ thời đó phê duyệt. Tuy nhiên, hiện nay, việc giải tỏa áp lực cho sân bay Tân Sơn Nhất là cần thiết.
"Quan điểm của Bộ Quốc phòng là ưu tiên phát triển hàng không, lấy đất làm sân bay", Thượng tướng Lê Chiêm khẳng định.
Thượng tướng Lê Chiêm cũng cho biết, toàn bộ quỹ đất quốc phòng trên địa bàn TPHCM là rất lớn, có lịch sử để lại từ xa xưa. Theo yêu cầu, sắp tới  sẽ thanh tra toàn bộ đất Quốc phòng.
Thượng tướng Lê Chiêm cho biết, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo 
dừng tất cả các dự án trong sân golf Tân Sơn Nhất (Ảnh: Nguyễn Quang)

Thượng tướng Lê Chiêm cho biết, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo dừng tất cả các dự án trong sân golf Tân Sơn Nhất (Ảnh: Nguyễn Quang)
"Quân đội tập trung xây dựng quân đội. Tất cả doanh nghiệp quân đội sẽ cổ phần hóa, thoái vốn. Cái nào phục vụ cho quốc phòng thì phục vụ cho quốc phòng. Chứ không để "lăn tăn" các doanh nghiệp làm kinh tế… Đây là quan điểm của Quân ủy Trung ương. Cương quyết làm đúng chủ trương của Thủ tướng Chính phủ”, Thượng tướng Lê Chiêm nói.

Ảnh chụp vị trí sân golf Him Lam nằm sát sân bay Tân Sơn Nhất

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị TPHCM thực hiện nghiêm Nghị quyết về phát triển kinh tế, quốc phòng trên địa bàn. TPHCM phải hết sức quan tâm, thể hiện rõ trách nhiệm của mình là địa bàn chiến lược, là đầu tàu kinh tế của cả nước...

Vừa đánh golf vừa có thể ngắm máy bay lên xuống.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, làm sân bay Long Thành nhưng Tân Sơn Nhất vẫn tồn tại vì nhu cầu lớn. Sân bay Long Thành tới năm 2025 - 2027 mới xong. Do đó, nếu không giải quyết điểm nghẽn ở sân bay Tân Sơn Nhất thì rất gay go.

Ngoài sân golf, nơi đây còn có tổ hợp nhà hàng, khách sạn

"Để đảm bảo tính khách quan, chúng ta sẽ thuê tư vấn nước ngoài nghiên cứu, tìm ra phương án tốt nhất cho sân bay Tân Sơn Nhất. Đây là nguyện vọng của Đoàn đai biểu Quốc hội TPHCM và cử tri quận Tân Bình", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Công Quang - Quốc Anh
-------------------------------------
Nguồn :Tại đây