Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016

Tổng thống Duterte có thể tiếp thu được gì từ Việt Nam?

TTO - Nhân chuyến thăm của Tổng thống Rodrigo Duterte đến Hà Nội, tác giả người Philippines Eduardo Araral đã có bài viết riêng cho Tuổi Trẻ về sự kiện này...

Đây là bài viết riêng cho Tuổi Trẻ của tác giả người Philippines Eduardo Araral (ảnh) - phó trưởng khoa phụ trách nghiên cứu và phó giáo sư tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore). Ông từng giảng dạy cho hơn 3.000 cán bộ nhà nước ở hơn 30 quốc gia, gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Indonesia, Singapore...
Khi Tổng thống Rodrigo Duterte đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức của mình, ông sẽ được chào đón bởi một sân bay hoành tráng, một đường cao tốc nhiều làn xe với hàng trăm nhà máy lớn hai bên đường, đường truyền Internet cực nhanh và hàng triệu chiếc xe máy.

Philippines dựa vào nguồn cung cấp gạo từ Việt Nam rất nhiều

Việt Nam đã đi một chặng đường dài từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá để trở thành một trong những nước có nền kinh tế đang phát triển thành công nhất thế giới.

Tổng thống có thể sẽ tự hỏi rằng liệu có thể tiếp thu được gì từ Việt Nam hay không. Tôi đề xuất ba điều.

Tôi đã rút ra những bài học này từ 40 chuyến đến Việt Nam trong 8 năm qua, nơi tôi từng dạy cho hơn 1.000 quan chức cấp cao và từng là cố vấn cho Chính phủ Việt Nam.

Bài học đầu tiên là về phát triển kinh tế.

Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng trung bình 7% trong vòng 20 năm qua. Với tỉ lệ này, nền kinh tế đã tăng trưởng gần 14 lần và tăng thu nhập bình quân đầu người gần 10 lần. Kết quả là, tỉ lệ nghèo giảm từ 60% những năm 1990 còn 20% như ngày nay.

Sự gia tăng nhanh chóng trong thu nhập của các hộ gia đình có thể là kết quả của nền sản xuất và nông nghiệp theo hướng xuất khẩu. Từ thời kỳ thiếu đói cuối những năm 1980, ngày nay Việt Nam đã là một trong những nhà xuất khẩu gạo, thủy sản và cà phê hàng đầu thế giới.

Thực tế, Philippines dựa vào nguồn cung cấp gạo từ Việt Nam rất nhiều.

Xét về khía cạnh sản xuất, ngày nay Việt Nam đang làm tốt hơn nhiều so với Philippines. Thật sự, tăng trưởng và phát triển kinh tế là một “nỗi ám ảnh” của các quan chức Việt Nam.

Việt Nam ủng hộ nhiệt tình TPP

Bài học thứ hai, đó là chủ nghĩa thực tế.

Việt Nam là một ví dụ rất tốt cho việc tự do hóa kinh tế trong Hiến pháp Philippines. Việt Nam là một quốc gia đậm tính dân tộc, đồng thời cũng là đất nước thực tế.

Năm 1987, sau những khó khăn ban đầu Việt Nam quyết định “mở cửa”, chuyển sang tự do hóa nền kinh tế và chào đón đầu tư nước ngoài.

Trải qua một cuộc chiến đấu chống Mỹ dai dẳng và đầy cam go với hàng triệu người hi sinh, ngày nay Việt Nam là nước ủng hộ nhiệt tình (và cũng là nước thụ hưởng chính) từ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ khởi xướng.

Việt Nam hiện vẫn có tranh chấp chủ quyền căng thẳng với Trung Quốc ở Biển Đông nhưng điều này không làm cản trở mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với nước láng giềng khổng lồ của mình. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với tổng kim ngạch Việt Nam - Trung Quốc đạt 66,6 tỉ USD trong năm 2015, tăng 13% so với năm 2014.

Việt Nam cũng đã cố gắng theo con đường công nghiệp hóa tự thân (như Philippines đang làm) bằng cách đóng tàu và xây dựng nhà máy thép, nhưng đã thất bại vì vấn nạn tham nhũng và thiếu lợi thế cạnh tranh.

Giờ đây Việt Nam đã từ bỏ nỗ lực công nghiệp hóa tự thân, giảm quy mô các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước và tập trung xem lĩnh vực tư nhân là động lực tăng trưởng.

Việt Nam - hiện thân cải cách kinh tế thành công nhất thế giới

Bài học thứ ba là sự phân quyền.

Việt Nam là minh chứng tốt cho một bộ máy phân quyền tốt hơn chính phủ ở Philippines.

Nền kinh tế Việt Nam được thúc đẩy phát triển là nhờ sự cạnh tranh gay gắt giữa các tỉnh, thành và khu vực được phân quyền rõ ràng.

Các tỉnh có được quyền tự chủ đáng kể trong việc quyết định phát triển kinh tế của địa phương mình. Mỗi tỉnh và thành phố phải cạnh tranh với nhau để thu hút đầu tư.

Có ba đầu máy chính của nền kinh tế - Hà Nội ở miền Bắc, Đà Nẵng ở miền Trung và TP.HCM ở miền Nam.

Ngày nay, Việt Nam là hiện thân cho một trong những sự cải cách kinh tế thành công nhất trên thế giới.

Tổng thống Duterte nên mang theo cố vấn kinh tế của mình đến để có cái nhìn sâu hơn về Việt Nam.

EDUARDO ARARAL (NGỌC ĐÔNG chuyển ngữ)


Xung quanh vụ Cảnh sát Quân Tây Hồ "vung tay" vào mặt phóng viên báo Tuổi Trẻ .


 Lãnh đạo báo Tuổi Trẻ: Công an Hà Nội phải xem xét lại quyết định xử phạt PV

“Chúng tôi đề nghị Công an TP Hà Nội cân nhắc lại tình tiết Nhà báo tác nghiệp thì quy vào cái lỗi cản trở hoạt động, trong khi đó, công an ngăn cản hoạt động báo chí chỉ bị khiển trách” - Ông Lê Xuân Trung, Phó TBT báo Tuổi Trẻ TP.HCM nói.

Ngăn cản rồi thì làm sao PV xâm nhập hiện trường được

Liên quan đến kết luận của Công an Hà Nội về vụ việc "công an gạt tay khiến PV báo Tuổi Trẻ chảy máu miệng" đang gây xôn xao dư luận, PV Infonet có cuộc trao đổi với ông Lê Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ TP Hồ Chí Minh.

Hiện trường vụ việc "cảnh sát Ngô Quang Hưng đã có hành vi vung tay vào mặt phóng viên Trần Quang Thế". (Ảnh bên)

Ông Lê Xuân Trung cho biết: “Chúng tôi đề nghị cơ quan Công an TP Hà Nội và Công an quận Tây Hồ, Hà Nội xem xét lại quyết định xử phạt hành chính với anh Quang Thế. Vì anh Quang Thế chỉ để xe ở trên cầu và thực tế thì anh Quang Thế chưa xâm nhập vào hiện trường".

Cụ thể, theo ông Lê Xuân Trung: "Khi bắt đầu xâm nhập vào hiện trường thì anh Quang Thế đã bị ngăn cản rồi còn đâu mà xâm nhập vào hiện trường được. Như vậy, tại sao lại quy cho anh Quang Thế xâm nhập hiện trường? Không chỉ có vậy, các Nhà báo khác cũng bị ngăn cản khi tác nghiệp thì làm sao xâm nhập vào hiện trường được?”.

Ngoài ra, Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ nhấn mạnh: “Đặc biệt, chúng tôi cũng đề nghị Công an TP Hà Nội cân nhắc lại tình tiết Nhà báo tác nghiệp thì quy vào cái lỗi cản trở hoạt động, trong khi đó, công an ngăn cản hoạt động báo chí chỉ bị khiển trách”.

Công an Hà Nội bảo vệ hiện trường bằng người

Khi được hỏi, vào thời điểm xảy ra sự việc, cơ quan công an không chăng dây hay dùng các phương tiện khác để bảo vệ hiện trường thì làm sao PV, Nhà báo biết đó là hiện trường được, trả lời câu hỏi này của PV Infonet, ông Lê Xuân Trung nói: "Họ bảo, cơ quan công an bảo vệ hiện trường vụ việc bằng người".

PV Trần Quang Thế trình báo tại cơ quan công an.(Ảnh bên)

Bên cạnh đó, ông Lê Xuân Trung cũng đề nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội xem xét lại cách mà Công an quận Tây Hồ, Hà Nội ra quyết định xử phạt hành chính với anh Quang Thế. "Nếu ra quyết định xử phạt hành chính với anh Quang Thế như vậy thì đã thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội hay chưa? Vì Chủ tịch UBND TP Hà Nội có yêu cầu xem xét xử lý, khách quan, công bằng theo đúng quay định của pháp luật", vị Phó Tổng biên tập báo Tuổi trẻ đặt câu hỏi.

Thông tin từ báo Tuổi Trẻ, vào tối 29/9, Công an quận Tây Hồ, Hà Nội đã thông báo, gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với nhà báo Quang Thế. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính nêu: Vào khu vực cấm nơi tiến hành các hoạt động có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước mà không được phép với mức phạt 2.000.000 đồng. Chụp ảnh tại khu vực cấm với mức phạt 2.000.000 đồng.

Có lời nói lăng mạ người thi hành công vụ với mức phạt 2.500.000 đồng. Lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên can thiệp cản trở hoạt động đúng pháp luật của tổ chức cá nhân với mức phạt 7.500.000 đồng.

Đỗ xe mô tô trên cầu với mức phạt 350.000 đồng. Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông mức phạt 55.000 đồng.

Tổng mức tiền phạt với các lỗi mà Công an quận Tây Hồ, Hà Nội cho rằng nhà báo Quang Thế vi phạm là 14.405.000 đồng.

PV báo Tuổi Trẻ chỉ chấp nhận một lỗi

Ngay sau đó, PV Quang Thế cho biết: “Tôi không đồng ý với nhiều nội dung trong quyết định xử phạt của Công an Hà Nội. Tôi đã trình bày với Công an quận Tây Hồ, Hà Nội rằng trong các quyết định xử phạt hành chính tôi chỉ đồng ý lỗi vi phạm để xe trên cầu còn các lỗi khác tôi hoàn toàn không chấp thuận lỗi vi phạm. Tôi cho rằng mình hoạt động nghiệp vụ theo Luật Báo chí và theo pháp luật Việt Nam”.

Khu vực hiện trường xảy ra vụ việc.
 (Ảnh bên)
Trước đó, vào sáng 23/9, tiếp nhận thông tin phản ánh của bạn đọc và sự chỉ đạo của cơ quan, PV Quang Thế đến cầu Nhật Tân tìm hiểu vụ việc một tài xế taxi tử vong. Khi đến nơi PV Quang Thế không thấy có biển thông báo cấm chụp ảnh, ghi hình, lực lượng chức năng cũng không căng dây bảo vệ hiện trường. Rất nhiều người dân hiếu kỳ đứng trên cầu tìm hiểu, dùng điện thoại quay phim, chụp ảnh vụ việc.

PV Quang Thế cho biết: “Khi tôi đưa máy ảnh ra chụp ảnh thì có một cán bộ chiến sĩ công an mặc cảnh phục ra ngăn cản không cho chụp. Sau đó tôi đi ra cách xa hiện trường và chụp ảnh thì cán bộ chiến sĩ đội CSHS Công an Đông Anh, mặc thường phục lao vào cản trở và hành hung.

Tôi bị đánh chảy máu mồm, bị đấm vào đầu gây choáng váng. Rất nhiều người dân, đồng nghiệp các báo có mặt ở hiện trường đã chụp ảnh, ghi hình sự việc".

Sau khi vụ việc xảy ra PV Quang Thế đã đến Công an xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh (cơ quan Công an nhất nơi xảy ra vụ việc) để làm đơn trình báo toàn bộ việc mình bị hành hung khi đang tác nghiệp.

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Đoàn luật sư Tp HCM:

Theo tôi, nếu không có biên bản được lập tại hiện trường về những hành vi, mà Công an Hà Nội cho rằng Quang Thế đã vi phạm thì đã sai về thủ tục xử phạt.

Với nội dung phạt về hành vi đi vào khu vực cấm, và chụp ảnh ở khu vực cấm liên quan đến bí mật Nhà nước là không chính xác. Vì đây không thể là “bí mật nhà nước”.

Mặt khác, quyết định xử phạt cũng chưa xem xét quyền ưu tiên tác nghiệp về giao thông, tiếp cận thông tin của phóng viên báo chí. Luật Báo chí và Nghị định 51/2002 quy định về quyền ưu tiên của nhà báo để tiếp cận thông tin khá rõ.

Điều 7. Cung cấp thông tin cho báo chí

Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các tổ chức có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí, giúp cho báo chí thông tin chính xác, kịp thời và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin.

Đối với vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử thì các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền không cung cấp thông tin cho báo chí, nhưng báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin.

Báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân hoặc Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng.

(Trích Luật Báo chí sửa đổi 1999 đang có hiệu lực thi hành)

Điều 8. Quyền hạn của nhà báo

1. Được đến các cơ quan, tổ chức, thư viện, bảo tàng, triển lãm để thu thập thông tin, tra cứu tài liệu, làm nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan nhà nước không được từ chối cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi quy định trong Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước.

2. Được thực hiện các hoạt động nghiệp vụ tại các kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, các đại hội và hội nghị công khai, các cuộc mít tinh, đón tiếp khách của Đảng, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức khác theo giấy mời và các quy định cụ thể của Ban Tổ chức các hoạt động đó.

3. Được hoạt động nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai, được dành chỗ ngồi riêng, được liên lạc trực tiếp với các thẩm phán, luật sư để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật.

4. Được ưu tiên trong việc mua vé tàu, vé xe, vé máy bay, chuyển nhanh điện tín, bài báo và ảnh, băng, đĩa ghi âm, ghi hình, các loại ấn phẩm báo chí khi hoạt động nghiệp vụ.

5. Được ưu tiên, tạo điều kiện đi lại thuận lợi trong trường hợp giao thông bị ách tắc, khó khăn và được hưởng chế độ miễn phí đối với phương tiện giao thông của cơ quan báo chí và nhà báo khi phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ báo chí.

(Trích Nghị định 51/2002)

Tiến Anh

TIN LIÊN QUAN

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016

Thấy gì từ bài ‘THANH hay THĂNG’ của Huy Đức?

( Bài trên mạng xã hội-Tham khảo)
Đăng bởi BTV VANEWS vào Thứ Tư, ngày 28 tháng 9 năm 2016 | 28.9.16

Số phận các đàn em của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giờ càng thêm thê thảm. Gần một năm sau khi Nguyễn Tấn Dũng “nghỉ”, Đinh La Thăng có thể là “con hổ” đầu tiên bị chiến dịch “chống tham nhũng” của Tổng bí thư Trọng và cựu chủ tịch nước Sang “làm thịt”.
Nhà báo Huy Đức - Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Cây viết Huy Đức vừa có bài ‘THANH hay THĂNG’ trên blog Ba Sàm. Đây có lẽ là một bài báo rất đáng chú ý, xét về tính tín hiệu chính trị cho cuộc thanh trừng trong nội bộ đảng CSVN sẽ bùng nổ không bao lâu nữa.

Đây lần đầu tiên Huy Đức đề cập trực tiếp với chiều sâu về nhân vật Đinh La Thăng - Ủy viên bộ chính trị và đương kim Bí thư thành ủy TP.HCM. Vài tháng trước khi bắt đầu nổ ra vụ Trịnh Xuân Thanh, tác giả Huy Đức cũng đã đề cập đến Đinh La Thăng trên facebook cá nhân của mình, nhưng chỉ ở dạng status và ngắn gọn.

Bài ‘THANH hay THĂNG’ về thực chất là một bài điều tra án kinh tế. Ý chính của bài này là vụ Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC), nơi mà Trịnh Xuân Thanh làm lỗ hơn 3,200 tỷ đồng, chỉ là chuyện nhỏ. Câu chuyện lớn hơn nhiều là doanh nghiệp chủ quản của PVC – Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) – nơi mà trước khi về cái ghế bộ trưởng Giao thông vận tải, ông Đinh La Thăng đã làm chủ tịch hội đồng quản trị.

Huy Đức kết luận trong bài ‘THANH hay THĂNG’: “Thanh – Thuận, cho dù tội trạng tày đình cũng chỉ là kẻ thừa hành. PVC chưa phải là mất mát đau nhất ở PVN dưới thời Đinh La Thăng; di sản của ông ta sau 5 năm ở đây chỉ có thể nói là “tan hoang”. Nếu các cơ quan pháp luật muốn làm tới nơi thì quy mô của vụ án không chỉ “xảy ra ở PVC” mà là ở PVN, vấn đề không phải là Thuận hay Thanh mà là Thăng”.

Có thể hình dung, bài viết trên đang hướng Cơ quan điều tra C46 của Bộ Công an sang một “quy trình” mới: PVN.

Cách đây khoảng một tháng, C46 đã bắt hụt Trịnh Xuân Thanh và không biết có muốn ôm mối hận hay không. Nhưng sau đó, cơ quan này đã phải bắt đệ tử của Trịnh Xuân Thanh là Vũ Đức Thuận – người mà Đinh La Thăng sử dụng là trợ lý tại Thành ủy TP.HCM.

Nếu Bộ Công an “chiều” Huy Đức, hướng điều tra mới về PVN sẽ được củng cố và “hợp thức hóa” trên cơ sở đã có dư luận, không phải chỉ là dư luận đồn đoán mà là dư luận rất chi tiết.

Cũng cần nói thêm là Tổng bí thư Trọng giờ đây đã có thêm một chức mới: Thường vụ đảng ủy công an trung ương. Nếu hàng đống chi tiết mang dấu hiệu tham nhũng thời Đinh La Thăng ở PVN được ông Trọng “xới”, số phận Bí thư thành ủy Đinh La Thăng có thể nói là ngàn cân treo sợi tóc.

Gần đây, có dư luận đồn đoán về một “thỏa thuận ngầm” nào đó để đổi lại thái độ “vui vẻ nghỉ” ngoan ngoãn không ngờ của ông Dũng ngay trước đại hội 12. Có thông tin về nhân vật Đinh La Thăng vào Bộ Chính trị và được điều về TP.HCM nằm trong “thỏa thuận ngầm” ấy. Tuy nhiên, đây vẫn là những thông tin chưa được kiểm chứng.

Chỉ biết rằng, số phận của “dây” của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giờ càng thêm thê thảm. Gần một năm sau khi Nguyễn Tấn Dũng “nghỉ”, Đinh La Thăng có thể là “con hổ” đầu tiên bị chiến dịch “chống tham nhũng” của Tổng bí thư Trọng và cựu chủ tịch nước Sang “làm thịt”.

Cần nhắc lại, vào tháng 10/2015 – gần 3 tháng trước khi diễn ra đại hội 12, cây viết Huy Đức đã tung lên mạng xã hội bài “Em vợ thủ tướng & siêu lừa Dương Thanh Cường”, mổ xẻ chi tiết về vợ chồng tướng công an Trần Quốc Liêm - em vợ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – mà Huy Đức xem là "mắt xích" quan trọng nhất trong vụ án Dương Thanh Cường (lừa đảo ngân hàng Agribank 966 tỷ đồng). Sau đó, người ta chứng kiến Thủ tướng Dũng phải làm bản giải trình 12 điểm cho Bộ Chính trị, và sau đại hội 12 thì không biết tướng Liêm ở đâu.

Một khả năng có thể là bài ‘THANH hay THĂNG’ của Huy Đức là điểm mở đầu cho một chiến dịch truyền thông “chống tham nhũng” để kết thúc số phận của “hổ” Đinh La Thăng.

Lê Dung
TTHN

 ---------------------------------------
Nguồn TẠI ĐÂY

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2016

HAI TRÁI "BOM"HUY ĐỨC- TRÁI THỨ 2 : TẢNG BĂNG NỔI !

TẢNG BĂNG NỔI
Huy Đức

Có nhiều người hỏi, khi viết về Đinh La Thăng tôi có sợ không. Tôi trả lời: Sợ. Nhưng tôi có một nỗi sợ lớn hơn, đó là, tôi sợ tương lai đất nước tôi rơi vào tay những kẻ tham lam và bịp bợm

Hôm qua, khi Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu phải tìm cho ra những "tảng băng chìm" tham nhũng, ông đang ngồi cạnh "tảng băng nổi khổng lồ" Đinh La Thăng. Nếu "không đủ chứng cứ" về những khoản "chênh lệch lãi suất" và phần "lại quả 1%" trong vụ PVN góp vốn vào Ocean Bank, chỉ tính 800 tỷ PVN chịu mất đứt cho "Thắm Đại Dương" đã có "hậu quả nghiêm trọng" đủ để truy cứu trách nhiệm Đinh La Thăng. Tất nhiên, ở PVN thời Đinh La Thăng còn nhiều "tảng băng" rất to, đủ sức làm đắm nhiều Titanic.

Lại "Nội Lực"
Năm 2007, Trung Quốc gây áp lực buộc BP phải từ bỏ hai mỏ khí Hải Thạch & Mộc Tinh nằm trong vùng biển Trường Sa của Việt Nam (cách bờ 370 km). PVN đã được giao tiếp quản lại hai mỏ khí này. Đây không chỉ là một cơ hội kinh tế cho PVN mà còn có một vai trò to lớn về chủ quyền cho đất nước.

Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (POC) được thành lập.

Để mang được khí vào bờ, POC phải lắp đặt một đường ống dẫn khí. Trong số các phần việc quan trọng, có gói thầu cung cấp khoảng 22 km đường ống bọc hai lớp. Ngày 9-4-2010, khi đóng thầu, Chủ đầu tư (PTSC-MC là công ty được ủy quyền) nhận được hồ sơ chào thầu từ Marubeni (Nhật) và POTS (công ty Thương mại và Dịch vụ dầu khí Biển - thuộc PVN).

Chỉ có Marubeni đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.

Biết mình bị loại, ngày 25-5-2010, POTS gửi công văn lên Tập đoàn đề nghị tái xem xét.
Vì đây là gói thầu có yêu cầu công nghệ cao chứ không phải thứ "cây nhà lá vườn", nhằm ngăn chặn sự can thiệp từ Đinh La Thăng, ngày 7-6-2010, PTSC-MC đã phải báo cáo lên lãnh đạo Tập đoàn khẳng định, "Marubeni là nhà thầu duy nhất đạt kỹ thuật".
Thế nhưng vào ngày 11-6, PTSC-MC vẫn bị buộc phải lập một tổ thẩm định khác, đánh giá lại, rồi công nhận "cả hai nhà thầu đều đạt về kỹ thuật".
Ngày 22-7-2010, Đinh La Thăng phê duyệt việc trao gói thầu cho POTS vì lý do POTS đưa ra giá thấp hơn (40,8 triệu so với 49,8 triệu USD của Marubeni).
Không phải tự nhiên, Đinh La Thăng gây sức ép loại "nhà thầu duy nhất đạt kỹ thuật". Nhân danh "phát huy nội lực, ưu tiên sử dụng dịch vụ trong ngành", khi chưa có quyết định giao thầu (5-2010) Đinh La Thăng đã yêu cầu POC "giao dịch vụ bọc ống cho PVID" - một công ty thuộc PVGas được "đẻ ra" dưới thời Đinh La Thăng. PVID sau đó được chỉ định thầu phần bọc ống, "bóc" ra từ gói thầu của POTS.
Ngay từ khi dự thầu, nội lực mà POTS thể hiện chỉ là như vai trò một anh "cò". Gói thầu được POTS chia đôi cho Canadoil tại Thái Lan (phần chế tạo ống) và Bredo Shaw tại Malaysia (phần bọc ống). Nhưng do phải nhường phần bọc ống cho PVID nên công việc chưa bắt đầu, POTS đã phải mất thời gian đàm phán để loại Bredo Shaw ra khỏi cuộc chơi.
Canadoil cũng chỉ là một nhà thầu liều mạng. Nhận một gói thầu trị giá hàng chục triệu đô là để làm ống mà vừa thiếu thép tấm, thiếu máy hàn, thiếu cả nhân công có tay nghề... Vì sốt ruột, Chủ đầu tư (PTSC MC) đã nhiều lần phải đưa nhân công sang Thái Lan hỗ trợ.
Thế nhưng thời hạn giao ống vẫn liên tục bị Canadoil trì hoãn. Mặc dù được Đinh La Thăng đầu tư thêm 1,1 triệu để lắp đặt "dây chuyền bọc ống", PVID vẫn không thể nào thực hiện đúng hợp đồng, buộc PTSC MC phải mang gần một nửa ống mà Canadoil sản xuất đưa sang Malaysia nhờ bọc.
Không phải tự nhiên ngay từ đầu Chủ đầu tư đã khẳng định "Marubeni là nhà thầu duy nhất đạt yêu cầu kỹ thuật". Đối với những gói thầu đòi hỏi công nghệ cao thì giá chưa phải là yếu tố quyết định.
Chủ trương "nhà làm được" của Đinh La Thăng khi chọn POTS để "tiết kiệm 9 triệu USD" chênh lệch giá với Marubeni, kết cục đã làm phát sinh giá thành của gói thầu này thêm 11 triệu, cao hơn giá bỏ thầu của Marubeni 1 triệu USD (PVN phải bỏ thêm 1,1 triệu đầu tư dây chuyền bọc ống cho PVID và các nhà thầu phụ đòi phát sinh thêm 5,44 triệu USD - riêng Canadoil đòi phát sinh 3,6 triệu USD, cùng với chi phí PTSC-MC đưa nhân công sang Thái).
Con số phát sinh không dừng lại ở mức gần 11 triệu USD. Sự can thiệp của Đinh La Thăng, buộc POTS phải chọn những nhà thầu kém năng lực, thiếu uy tín, đã làm cho việc giao ống bị chậm 10 tháng; ngày giao khí đầu tiên lẽ ra phải là 31-12-2012 đã bị chậm mất gần 6 tháng (tới 28-6-2013). Sự chậm trễ này đã buộc POC phải phá vỡ hợp đồng với các nhà thầu khác, khiến cho chi phí phát sinh thêm những khoản rất lớn.
Tàu Seamac được thuê để rải ống vào năm 2012 bị chuyển sang 2013 khiến cho POC phải bồi thường 25,7 triệu USD. Các phương tiện lắp ống phải chờ ngoài biển trong giai đoạn rủi ro thời tiết buộc POC phải bồi thường 8 triệu. Phát sinh chi phí quản lý và thuê kho chứa khí thêm gần 5 triệu USD; Mất doanh thu do chậm đưa khí vào bờ gần 6 tháng (28-6-2013 thay vì 31-12-2012) lên đến gần 38 triệu USD (270 nghìn USD/ngày).
PTSC-MC không thể buộc POTS hay Canadoil bồi thường vì ngay từ đầu hợp đồng đã bị vỡ do Đinh La Thăng đưa PVID chen ngang vào. Chỉ vì nhân danh "phát huy nội lực" cho vài công ty con mà Đinh La Thăng đã làm tổn thất gần 90 triệu USD cho Dự án Biển Đông I.

Venezuela & 2 tỷ USD
Chưa tới một năm sau khi PDV- 39 "chọc mũi khoan đầu tiên", tháng 4-2013, PVN đã phải đầu hàng trước Venezuela, bỏ lại nơi đây dự án Junin-2.
Trở lại hơn 6 năm trước đó, ít ai biết vai trò kiến tạo mối quan hệ khăng khít giữa Việt Nam với Venezuela không phải nhờ vào thành tích của ngành ngoại giao mà phần lớn nhờ vào Đinh La Thăng.
Đánh đúng "khẩu vị" của không ít nhà lãnh đạo khoái một Hugo Chavez vừa chống Mỹ vừa thân với "người bạn gác" thành trì xã hội chủ nghĩa ở bên kia bán cầu. Đinh La Thăng đã tạo ra "một mốc son trong mối quan hệ quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Venezuela" sau chuyến thăm Việt Nam của Hugo Chavez vào năm 2006 bằng cách bằng mọi giá liên doanh với một đơn vị của Công ty Dầu quốc gia Venezuela, "Khai thác và Nâng cấp dầu nặng ở lô Junin-2".
Để thuyết phục Chính phủ cho phép PVN bỏ 1,8 tỷ USD sang Venezuela, Đinh La Thăng đã đưa ra đánh giá: "Junin-2 là mỏ có trữ lượng dầu lớn nhất trong vành đai dầu mỏ khí đốt Oricono - vành đai có trữ lượng lớn thứ nhì thế giới. Việc khai thác dầu tại lô Junin-2 sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam ít nhất trong 25 năm nữa".
Chiều ngày 19-4-2012, tại Venezuela, khi khởi động giàn khoan PDV-39, PVN còn cứng cỏi tuyên bố: "Sang năm, Junin 2 sẽ cho sản lượng khoảng 200.000 thùng/ngày". Nhưng, vừa đúng "sang năm", khi Đinh La Thăng đang lo "trảm tướng" bên ngành giao thông, những người kế nhiệm Thăng ở PVN tái mặt khi lượng dầu khai thác được, cả sản lượng và chất lượng, không đạt giá trị thương mại. Họ đã có một quyết định dũng cảm là gần như "bỏ chạy".
Trong hợp đồng mà Đinh La Thăng cho ký với Venezuela vào ngày 29-6-2010 có một điều kiện rất "quái gở" là 6 tháng sau khi ký kết, phía Việt Nam phải bắt đầu "bonus" cho Venezuela khoảng 1 USD trên một thùng dầu (không phải thùng dầu khai thác được mà là thùng dầu trữ lượng theo dự đoán). Ngay trong 2 năm đầu, bất kể có dầu hay không, phía Việt Nam vẫn phải nộp đủ cho Venezuela 584 triệu USD bằng tiền mặt.
Trước ngày 12-5-2011, trong khi Liên doanh chưa hoàn thành thủ tục đăng ký với cơ quan chức năng Venezuela, 300 triệu USD tiền mặt đã được "bonus" cho đối tác; Đúng một năm sau, 142 triệu USD khác cũng đã được thanh toán(12-5-2-12)[tổng cộng 442 triệu USD chưa kể hàng trăm triệu đã đầu tư vào công tác thăm dò, khai thác].
Tháng 4-2013, PVN (đại diện trực tiếp là PVEP) đứng trước lựa chọn khó khăn khi tới hạn nộp tiếp 142 triệu USD tiền mặt trong khi lượng dầu ở mỏ Junin-2 hoàn toàn "không như dự đoán".
Hợp đồng mà Đinh La Thăng ký không chừa cho Việt Nam cửa lùi. Cho dù không kiếm được thùng dầu nào đáng giá, 15 ngày sau thời hạn "bonus", nếu không nộp đủ tiền, toàn bộ cổ phần của PVN trong liên doanh sẽ tự động chuyển cho đối tác Venezuela. Việt Nam cũng sẽ không được quyền thanh toán hoặc đền bù bất cứ đồng nào từ các khoản đã đóng góp, vay vốn hay đầu tư ở Junin-2.
Những người gánh di sản của Đinh la Thăng đã phải cứu 3000 tỷ (142 tiền bonus đóng lần thứ 3), thay vì ném tiếp sang Caracas để nó chết chìm cùng các khoản đã đầu tư vào Junin-2.
Cùng với các tổn thất ở những dự án "hợp tác quốc tế" khác như Peru-67; SK-305; SK-304, PVN đã ném xuống đại dương không dưới 2,1 tỷ USD.
Tất nhiên, trách nhiệm không chỉ một mình Đinh La Thăng. Nhưng nếu không xử lý ông Thăng thì bao nhiêu tuyên bố về chống tham nhũng cũng trở nên sáo rỗng.

PS: Có nhiều người hỏi, khi viết về Đinh La Thăng tôi có sợ không. Tôi trả lời: Sợ. Nhưng tôi có một nỗi sợ lớn hơn, đó là, tôi sợ tương lai đất nước tôi rơi vào tay những kẻ tham lam và bịp bợm.


Huy Đức (27/9/2016)
-------------------------------------------------------
Theo facebook Trương Huy San TẠI ĐÂY

HAI TRÁI "BOM" HUY ĐỨC - TRÁI THỨ NHẤT "THANH hay THĂNG" ?

"Có nhiều người hỏi, khi viết về Đinh La Thăng tôi có sợ không. Tôi trả lời: Sợ. Nhưng tôi có một nỗi sợ lớn hơn, đó là, tôi sợ tương lai đất nước tôi rơi vào tay những kẻ tham lam và bịp bợm."
( Huy Đức)

THANH hay THĂNG
Huy Đức

Cho đến trước khi bị C46 triệu ra Hà Nội, Vũ Đức Thuận vẫn nương náu trong biệt thự Trần Quốc Thảo. Rất lạ là báo chí chỉ đặt câu hỏi, ai đã "làm công tác cán bộ" cho Trịnh Xuân Thanh mà không nói gì về "quy trình" Đinh La Thăng dàn xếp cho đồng phạm của Thanh, Vũ Đức Thuận. Vì sao Thuận, một kẻ mà dấu hiệu phạm tội đã rõ từ năm 2013, vẫn được Đinh La Thăng đưa về làm Chánh văn phòng Bộ Giao thông, rồi kéo vào Sài Gòn làm trợ lý.

Đàn Em
Xây lắp là ngành mà Đinh La Thăng nắm gần như ngay lập tức sau khi về làm Chủ tịch tập đoàn Dầu khí (PVN), 10-2006, và biến nó trở thành một thứ công ty xây dựng như thời Sông Đà.
Thoạt đầu, người được Đinh La Thăng đưa về làm Tổng giám đốc công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) là "Diệu Đen" - đồng hương Nam Định, từng làm ở Sông Đà - thay thế "Hưng Địa Chủ", một người được đào tạo và có kinh nghiệm trong ngành.
Nhưng, ở thời điểm ấy PVN đang có trong tay một lượng vốn khổng lồ. Một người giỏi điếu đóm không thể triển khai bài toán lớn để "giải ngân" từng ấy tiền bạc. Năm 2007, Đinh La Thăng đưa Trịnh Xuân Thanh từ Sông Hồng về thay thế "Diệu Đen" làm Chủ tịch kiêm TGĐ PVC. Năm 2008, khi Thuận gặp khó khăn ở Sudico (Sông Đà), Thăng lại đưa về làm phó rồi năm sau lên TGĐ.

Dự Án
Ngay sau khi Trịnh Xuân Thanh (2007) và Vũ Đức Thuận (2008) kiểm soát được PVC, Đinh La Thăng bắt đầu sử dụng hàng chục nghìn tỷ của PVN ồ ạt đầu tư cho các dự án: từ nhiệt điện, sợi polyester, ethanol... đến sân golf, khách sạn, văn phòng, trụ sở... Rất nhiều công trình được quyết định đầu tư vội vã, bất chấp pháp luật.
Có những công trình lớn, ngoài "chuyên môn" như Ethanol Phú Thọ (1.700 tỷ, đội giá lên 2.400 tỷ), như Sợi Đình Vũ (đội giá từ 324,8 triệu lên 363,5 triệu USD) nhưng đã được Đinh La Thăng cho phê duyệt dự án mà không thẩm định tính khả thi, không lấy ý kiến cơ quan quản lý có thẩm quyền (Bộ Công Nghiệp lúc đó).
Hành vi cố ý của Đinh La Thăng khi quyết định đầu tư những công trình này không chỉ làm thất thoát lớn trong quá trình xây dựng mà cả hai vừa xây xong đã phải đắp chiếu vì nếu sản xuất sẽ làm lỗ cho PVN mỗi năm hàng nghìn tỷ (năm 2014, Sợi Đình Vũ lỗ 1.085 tỷ).

Trảm Tướng
Đinh La Thăng đi đến đâu cũng làm "nức lòng nhân dân" bằng các vụ "trảm tướng". Ít ai biết được đằng sau những quyết định ầm ĩ đó là gì.
Trước khi chuẩn bị ồ ạt xây cất, Đinh La Thăng đã chuẩn bị "cơ sở pháp lý" cho Thanh - Thuận bằng Nghị quyết 233 của Đảng ủy Tập đoàn, "Phát huy nội lực, ưu tiên sử dụng dịch vụ trong ngành".
Hầu hết những dự án của PVN, Đinh La Thăng đều buộc các chủ đầu tư (các đơn vị thành viên của PVN) phải "ưu tiên sử dụng dịch vụ" của nhà thầu PVC. Mặc dù Thuận và Thanh thường đưa ra mức dự toán cao hơn rất nhiều so với giá trị thực tế, Thăng vẫn gây áp lực để các chủ đầu tư (công ty con của PVN) chấp nhận và thường phải ứng trước vốn lên đến hơn 80% giá trị hợp đồng cho Thanh - Thuận.
Nhiều chủ đầu tư đã bị "trảm" vì không chịu vâng theo những điều kiện phi lý này.
Chi phí để Thanh - Thuận xây phần thô của tòa nhà PVFC Đà Nẵng lên tới 350 tỷ trong khi trước đó, khách sạn Petrosetco Sông Trà (Nhờ bên ngoài nắm cổ phần lớn hơn PVN nên không để Thăng ép giao thầu cho PVC) có cùng diện tích, cùng điều kiện xây dựng, đã hoàn thành nội thất, chỉ hết 69 tỷ.
Tòa nhà PVGas, đường Nguyễn Hữu Thọ, Nhà Bè, theo đánh giá của giới chuyên môn và theo thị trường, cả tiền xây dựng và đất, chỉ khoảng 350 tỷ đồng. PVGas đã phải quyết toán cho Thanh - Thuận lên tới 900 tỷ. Trong thời gian xây dựng tòa nhà này (2008-2010) hai tổng giám đốc của PVGas (Trần Văn Vĩnh và Nguyễn Việt Anh) đã bị Đinh La Thăng cách chức.
Có thể chỉ ra hàng loạt ví dụ tương tự khác ở những công trình như khách sạn Lam Kinh, khách sạn dầu khí Thái Bình, Trung tâm thương mại Cà Mau...
Ngoài Trần Văn Vĩnh, Nguyễn Việt Anh còn nhiều "tướng" khác bị "trảm" với lý do tương tự, trong đó có các ông: Trịnh Thanh Bình, TGĐ Đạm Phú Mỹ; Đinh Văn Ngọc, TGĐ Bình Sơn và Lương Khoa Trường, TGĐ DMC...
PVC được nói là lỗ 3.300 tỷ, đúng ra là lỗ 4.100 tỷ vì đã sử dụng hết 800 tỷ trong quỹ dự phòng. Nhưng con số thất thoát còn phải tính đến cả ở những công trình bị kê giá (như vài ví dụ vừa nêu) mà cơ quan điều tra hoàn toàn có thể làm rõ bằng cách trưng cầu giám định.

"Thiên Tài"
Tuy trong khoảng từ 2008-2010, PVC hạch toán là "hiệu quả" nhưng những khoản lỗ nhìn thấy vào giữa 2012 chỉ là phần "bục ra" và là hậu quả của cung cách Thanh - Thuận ngay từ khi họ nắm PVC. Trong xây dựng, nếu các nhà thầu được ứng tới 80-90% vốn như PVC (chưa kể giá trị đầu tư được kê cao lên) mà làm lỗ được thì phải nói là... thiên tài. Nhưng Thuận - Thanh vẫn làm được.
Nhân danh "phát huy nội lực", Đinh La Thăng đã chỉ định và giao cho PVC thầu các dự án của Tập đoàn. Nhưng Thanh - Thuận chỉ là những anh "cò". Vừa nhận thầu của Tập Đoàn là PVC liền giao toàn bộ quyền tổng thầu với các hình thức khác nhau cho các công ty con hoặc các công ty không hề là con cái gì của PVC cả.
Nhân danh "nâng cao năng lực thiết bị thi công", PVC đã bỏ ra 424,84 tỷ đồng để mua sắm máy móc. Thiết bị mua về, thay vì được PVC khai thác sử dụng, thì toàn bộ lại được chuyển cho các công ty con dưới dạng bù trừ công nợ, góp vốn... Các công ty con nhận những thiết bị này về cũng hoặc không sử dụng, hoặc chỉ sử dụng cho một công trình rồi bỏ đó.
Không chỉ áp dụng chính sách chỉ định thầu cho các công ty con, Thanh - Thuận đã cho rất nhiều nhà thầu phụ không dính dáng gì tới PVC hưởng "nội lực" của ngành dầu khí.
Đầu năm 2012, trong số 8.620 tỷ đồng ký với các nhà thầu phụ, có tới 3.572 tỷ (41,43%) được PVC "giao thầu" cho các công ty ngoài ngành. Nhiều nhà thầu phụ được ứng vốn cao hơn vốn mà PVC được ứng từ chủ đầu tư với số tiền lên đến 753 tỷ. Các nhà thầu còn được "ứng ngoài hợp đồng" lên tới 775 tỷ.

Dòng Tiền
Không phải công ty con nào cũng "sổ sách" như PVC-ME để ta có thể giải thích vì sao Thuận - Thanh lại hào phóng với các công ty con, nhà thầu phụ như thế. Và, nhờ nó, chúng ta biết được "dòng tiền".
PVC-ME là một công ty có số lỗ vào năm 2012 lên đến 576 tỷ đồng và đang "cân đối âm" 714 tỷ. Ngoài những cách quen thuộc như khai khống hồ sơ rút tiền, PVC-ME có một sáng kiến rất hay đó là cho các đối tác hoặc chỉ huy trưởng công trường ký tạm ứng rồi... không nhận tiền. Có người "để lại" 2, 3 tỷ, có đối tác "để lại" 4 tỷ. Tổng số tiền "để lại" cho quỹ đen chung này lên tới 80,768 tỷ.
Trong "sổ đen", có những khoản chi nho nhỏ, kiểu như "Học tập tấm gương HCM" 5 triệu; "Đi sở KHĐT" 5 triệu rồi "Gửi anh Hải lái xe" 211 triệu; "Mua bộ đồ đánh golf cho sếp" 350 triệu... Có rất nhiều khoản chi mỗi lần từ 1 đến gần 4 tỷ không rõ làm gì. Chỉ trong năm 2011, lái xe riêng của TGĐ đã thanh toán các khoản tiếp khách hết 1,126 tỷ đồng và tiền tiếp khách của PVC-ME hết 9,89 tỷ.
Trong "sổ" có ghi những bữa nhậu 4-5 trăm triệu, chúng rất dễ làm ta liên tưởng đến "Bộ trưởng Ballantine ". Và, không rõ tính toán ra sao mà trong ngày 15-8-2011 có tới 4 lần rút tiền "sinh nhật bố sếp Thanh"(418 triệu + 50 triệu + 80 triệu).
Những khoản chi tiền tỷ chi chít trong sổ đen mà theo ngày tháng thì nằm trong khoảng trước và sau Đại hội XI. Cấp tập hơn là những khoản chi vào giai đoạn từ sau Đại hội cho đến khi hình thành Chính phủ mới, kéo dài tới tháng 9-2011, thời điểm Đinh La Thăng chuẩn bị rời PVN qua Bộ Giao thông.
Đây cũng chính là giai đoạn Thanh - Thuận sử dụng tới 1.081 tỷ vốn xây dựng nhà máy nhiệt điện Thái Bình II ứng cho các nhà thầu không liên quan tới công trình này "sử dụng vào những mục đích khác"(đến nay vẫn còn 700 tỷ chưa thu hồi được).
Trịnh Văn Thảo, TGĐ PVC-ME đã bỏ trốn từ 2012. Thanh đang bị truy nã. Nhưng không chỉ có Thuận, rất nhiều nhân vật thông thạo đường đi của những "dòng tiền" dầu khí như: Duy, Sợi Đình Vũ; Hoàng, PVC-IC; Trung PVC-SG... vẫn còn đi lại trước mặt cơ quan điều tra.
Khi làm Chủ tịch PVN, Đinh La Thăng không chỉ tiếp nhận một giai đoạn vẫn rất thịnh vượng của ngành (giá dầu lúc ông ta rời PVN vẫn trên 100 USD/thùng) mà còn tiếp quản từ tay người tiền nhiệm khoảng 5 tỷ USD vốn liếng.
Thanh - Thuận, cho dù tội trạng tày đình cũng chỉ là kẻ thừa hành. PVC chưa phải là mất mát đau nhất ở PVN dưới thời Đinh La Thăng; di sản của ông ta sau 5 năm ở đây chỉ có thể nói là "tan hoang".
Nếu các cơ quan pháp luật muốn làm tới nơi thì quy mô của vụ án không chỉ "xảy ra ở PVC" mà là ở PVN, vấn đề không phải là Thuận hay Thanh mà là Thăng.

Huy Đức (26/9/2016)
-------------------------------------------------------
Nguồn facebook Trương Huy San TẠI ĐÂY

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016

Xung quanh vụ nhà báo bị CA hành hung . Bài 2 : ĐÁNH NHÀ BÁO RỒI ĐÁNH AI NỮA?

Thương tích của nhà báo Quang Thế (báo Tuổi Trẻ) có thể chưa trầm trọng như Thế Dũng của Người Lao Động và hàng trăm nhà báo khác từng bị hành hung khi tác nghiệp bởi lâm tặc, côn đồ.



Nhưng sự việc này nghiêm trọng hơn nhiều so với các vụ việc trước đó. Bởi nó cho thấy sự coi thường pháp luật, coi thường nhân dân và công luận của một số kẻ nhân danh pháp luật. Bởi đây là một nhà báo bị tấn công ngay giữa nơi công cộng khi anh ta không có hành vi sai phạm, người tấn công là công an.

Điều 13 Luật Báo chí 2016 quy định: Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình. Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Điều 9 Luật Báo chí quy định: Nghiêm cấm việc đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.

Khi một nhà báo bị tấn công trong lúc hành nghề bởi nhân viên công lực, câu chuyện không chỉ dừng lại như một vụ xô xát. Không thể coi là xô xát khi tương quan rất bất bình đẳng giữa một nhà báo bình thường với một đội ngũ những người có quyền lực và công cụ hỗ trợ. Nó cho thấy ý thức pháp luật của lực lượng chấp pháp đang có vấn đề. Nó cho thấy sự coi thường pháp luật và lộng quyền của một bộ phận những người mặc sắc phục công an. Nó cũng cho thấy việc coi thường ấy tiếp diễn và tăng cấp là bởi những vụ việc trước đó không được xử lý nghiêm và chấn chỉnh trong phạm vi rộng.

Khi một nhà báo bị tấn công trong lúc hành nghề đúng pháp luật thì chủ thể bị thiệt hại không chỉ là cá nhân nhà báo hay cơ quan báo chí ấy. Tấn công nhà báo trong trường hợp này là xâm hại quyền tự do ngôn luận và quyền được biết của công chúng, hai nhóm khách thể được quy định tại Luật Báo chí và Luật Tiếp cận thông tin vừa được Quốc hội thông qua.

Quan điểm của đội phó Cảnh sát hình sự Công an huyện Đông Anh cho rằng việc đánh nhà báo Quang Thế chỉ là “thái độ không đúng” do “áp lực công việc” của một số cảnh sát trẻ lập tức bị dư luận phản ứng. Mỗi ngành nghề, mỗi cơ quan đều có những áp lực nhất định, nó đều được dự liệu. Mỗi cơ quan, tổ chức đều có những quy chuẩn hành xử mà thành viên của cơ quan, tổ chức ấy buộc phải chấp hành. Không thể nói là không biết, lỡ tay hay áp lực gì ở đây cả.

Khó mà cấm người dân suy diễn: Nhà báo tác nghiệp đúng pháp luật còn bị đánh như thế thì người dân ở nơi không ai chứng kiến sẽ bị đánh tới đâu? Tới đâu ư? Hôm 22-9 là phiên phúc thẩm vụ công an Tuy Hòa đánh chết dân trong nhà tạm giữ, cùng lúc xảy ra chuyện công an tấn công một PV VTC ở Đắk Lắk. Hôm 23-9 là phiên xử vụ CSGT quận Tân Bình gọi giang hồ đánh chết người dân cự cãi, các báo đưa tin cả vụ này và Quang Thế gần như cùng lúc. Có thể là tới vậy đó!

Vụ tấn công nhà báo Quang Thế vì vậy không thể dừng lại ở lời xin lỗi. Điều quan trọng, đây là dịp để lãnh đạo ngành công an xử lý, chấn chỉnh và nêu rõ quan điểm của mình trước rất nhiều dư luận sau những vụ việc đã xảy ra. Đây cũng là dịp để Hội Nhà báo TP.HCM và Hội Nhà báo Việt Nam bày tỏ thái độ của mình trong việc bảo vệ quyền hành nghề của nhà báo.

Hôm nay là nhà báo, ngày mai sẽ đến ai? Thật khó đoán định. Nhưng chắc chắn có một điều là nếu bạn chấp nhận sự lộng quyền xảy ra với người khác vào hôm nay thì nạn nhân ngày mai có thể là bạn.
---------------------------------
Theo Báo mạng "Báo Mới"

XUNG QUANH VỤ "CA ĐÁNH PHÓNG VIÊN BÁO TUỔI TRẺ"

Giám đốc CA Hà Nội cam kết “Xử lý nghiêm” .
CA là bạn dân đang đi làm nhiệm vụ đây ạ!!!

Đã xuất hiện video ghi lại lúc phóng viến Trần Quang Thế (báo Tuổi Trẻ) bị người nghi là công an huyện Đông Anh (Hà Nội) đánh chảy máu mồm ngày 23/9.
Công an huyện đã xin lỗi tờ báo nhưng chỉ nói nhận đó là "hành vi không đúng mực", giải thích là do áp lực công việc.
Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an TP Hà Nội, tuyên bố sẽ điều tra.
“Dù là công an hay đối tượng nào cũng sẽ xử nghiêm để tạo điều kiện cho anh em tác nghiệp.”
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi đã ký công văn gửi công an TP. Hà Nội yêu cầu “khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm minh”.
Ông Lợi cũng nói gần đây “liên tục xảy ra các vụ việc nhà báo bị cản trở khi đang tác nghiệp, hoạt động đúng quy định của pháp luật”.
Theo ông, đã có những vụ hành hung, thu giữ, đập phá, huỷ hoại phương tiện tác nghiệp của nhà báo.
'Kiềm chế'
Hôm 24/9, bình luận với BBC từ TP Hồ Chí Minh, ông Hoài Nam, cựu phóng viên báo Thanh Niên, nói: “Theo tôi, để giảm thiểu những vụ hành hung phóng viên như gần đây thì phải đưa vào luật việc phóng viên đi tác nghiệp.”
“Những ai có hành vi cản trở, hành hung phóng viên thì phải khép vào tội chống người thi hành công vụ.”
“Từ kinh nghiệm của tôi, phóng viên đi tác nghiệp nên đi cùng những người khác và cố gắng kiềm chế khi xảy ra va chạm.”
“Mặt khác, những vụ hành hung phóng viên cần được làm sáng tỏ và xử lý nghiêm minh.”
'Thái độ không đúng'
Hôm 24/9, báo Tuổi Trẻ cho hay Công an TP Hà Nội yêu cầu Công an huyện Đông Anh báo cáo việc một phóng viên của báo này bị công an có ‘thái độ không đúng’ trên cầu Nhật Tân.
Vụ hành hung phóng viên Trần Quang Thế của báo Tuổi Trẻ xảy ra hôm 23/9 khi người này đến khu vực cầu Nhật Tân tìm hiểu vụ việc một tài xế taxi tử vong bên dưới chân cầu.
“Ông Thế đi cách xa hiện trường khoảng 30m và chụp ảnh thì bị một nhóm người, trong đó có cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát Hình sự Công an Đông Anh mặc thường phục lao vào cản trở và hành hung”, Tuổi Trẻ tường thuật.
“Ông Thế cho biết mình bị đánh chảy máu mồm, bị đấm vào đầu gây choáng váng.”
“Khu vực diễn ra sự việc không có biển cấm quay phim, chụp ảnh hay giăng dây cách ly hiện trường”.
Báo Tuổi Trẻ sau đó ghi nhận đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự Công an huyện Đông Anh (Hà Nội) đến xin lỗi báo Tuổi Trẻ và ông Thế và thừa nhận chiến sĩ của đơn vị đã có “thái độ không đúng”.
Chiều 23/9, trả lời Thông Tấn Xã Việt Nam, Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Công an huyện Đông Anh cho rằng không phải là công an đánh phóng viên.
Ông Tuấn mô tả vào sáng 23/9, công an huyện "bảo vệ hiện trường" trong lúc "có sự việc liên quan đến tình hình an ninh trật tự xảy ra tại khu vực cầu Nhật Tân".
"Lúc này có một số phóng viên cứ xông vào để chụp ảnh thì có thể anh em có gạt chân, gạt tay để bảo vệ hiện trường chứ không phải là đánh phóng viên," Đại tá Nguyễn Anh Tuấn nói.
Trước đó, báo Người Lao Động hôm 21/9 đưa tin, ông Đỗ Thanh Hải, phóng viên VTC News thường trú tại Đắk Lắk đến hiện trường vụ cưỡng chế mặt bằng tại xã Cư Pô thì bị công an xã, dân quân tự vệ “lao đến vây lấy, xô đẩy và giật máy ảnh, ba lô trên người”.
“Vụ việc làm gãy ống kính máy ảnh, rách ba lô và người bị xây xát”.
Báo này dẫn lời ông Nguyễn Văn Huệ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Cư Pô giải thích “việc vây giật máy ảnh và đẩy phóng viên ra ngoài là do tưởng là người dân chống đối và mục đích... đảm bảo an toàn cho phóng viên”.

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2016

Dư luận quốc tế: Liệu Trung Quốc có chiêu dụ được các «đồng chí» Việt Nam ?

Thụy My. RFI. 15-09-2016


Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã được Bắc Kinh trải thảm đỏ đón tiếp, mặc dù quan hệ Việt-Trung đang lạnh giá do vấn đề chủ quyền Biển Đông.
Tờ South China Morning Post nhận định, Trung Quốc trong tuần rồi đã trưng ra bộ mặt
hữu hảo trong chuyến viếng thăm của thủ tướng Việt Nam. Đây là một phần trong nỗ lực ngoại giao để chiêu dụ nước láng giềng châu Á, nhằm làm giảm nhẹ những bất đồng đang âm ỉ, do tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Nhưng các nhà phân tích cảnh báo, quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh vẫn khó khăn, mặc dù có những dấu hiệu tích cực bề ngoài trong tuần lễ vừa qua.
Các nhà quan sát nói rằng chuyến đi Trung Quốc của ông Nguyễn Xuân Phúc, kết thúc
vào ngày 15/09/2016, cho thấy Bắc Kinh đánh giá cao tầm quan trọng về địa chính trị của Hà Nội - một đối thủ chính đang yêu sách chủ quyền Biển Đông. Bắc Kinh cũng cố gắng sử dụng chính sách ngoại giao dùng kinh tế làm mồi nhử, để cải thiện mối quan hệ giữa hai nước.

Bỏ qua một bên những bất đồng sâu sắc về tranh chấp lãnh thổ trên biển, Bắc Kinh đã trải thảm đỏ đón ông Nguyễn Xuân Phúc, quan chức cao cấp đầu tiên của Việt Nam đến thăm Trung Quốc, kể từ sau đợt thay đổi mạnh mẽ ban lãnh đạo tại Hà Nội hồi đầu năm.
Trong một động thái bất thường nhằm phô trương mối quan hệ đặc biệt với quốc gia cộng sản láng giềng, trong chuyến viếng thăm kéo dài sáu ngày, ông Nguyễn Xuân Phúc được đến năm trong số bảy ủy viên thường trực Bộ Chính trị Trung Quốc tiếp, trong đó có cả chủ tịch Tập Cận Bình và thủ tướng Lý Khắc Cường.
Ông Phúc, người mà theo tờ báo là có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc sau phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye hồi tháng Bảy, đã dịu giọng hẳn và hứa hẹn rằng mối quan hệ với Bắc Kinh sẽ là ưu tiên hàng đầu của Hà Nội.

Đổi lại, các lãnh đạo Trung Quốc cam đoan sẽ thắt chặt hơn quan hệ thương mại và tăng cường đầu tư vào Việt Nam - đang trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc ở Đông Nam Á.
Nhà nghiên cứu Hứa Lợi Bình (Xu Liping) thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc nói rằng chuyến đi của ông Nguyễn Xuân Phúc đánh dấu một chương mới trong quan hệ Trung-Việt, vì « cả hai bên đã hiểu được rằng họ không thể dấn vào xung đột trên biển ». Ông nói : « Do quan hệ thương mại chưa bao giờ chặt chẽ đến thế, rõ ràng là các lợi ích chung đã vượt lên hẳn những bất đồng. Đây là lúc để hai nước nhìn xa hơn vấn đề tranh chấp Biển Đông và xây dựng lại lòng tin ».
Cố Hiểu Tùng (Gu Xiaosong), một chuyên gia về Việt Nam ở Viện Khoa học Xã hội
Quảng Tây nói rằng mặc dù quan hệ chính trị giữa hai nước vẫn còn bị ảnh hưởng bởi tranh chấp trên biển, và khác biệt về tư tưởng, các lãnh đạo Việt Nam cũng như Trung Quốc vẫn lưu tâm đến việc làm giảm bớt căng thẳng, và cố gắng siết chặt quan hệ kinh tế thương mại. Ông nhận định : « Rõ ràng hòa bình, ổn định trên Biển Đông là phù hợp với lợi ích của cả đôi bên, và quan hệ Trung-Việt sẽ ổn thỏa trong một thời gian ». Theo ông, việc giảm bớt căng thẳng trong quan hệ Việt Nam và Trung Quốc cũng sẽ giúp làm nguội bớt các quan hệ khác trong khu vực, vốn đang căng như dây đàn trong hồ sơ Biển Đông.

Các nhà phân tích ghi nhận, chủ tịch Tập Cận Bình hứa hẹn sẽ xúc tiến hợp tác trên biển giữa hai quốc gia trên vùng biển tranh chấp. Trung Quốc và Việt Nam hồi tháng 12/2015 đã cùng kiểm tra thực địa và các điều kiện địa lý ở cửa Vịnh Bắc bộ.
Tuy nhiên những nhà phân tích khác cho rằng quan hệ đôi bên đã bị xói mòn nghiêm
trọng do tranh chấp Biển Đông, và các nỗ lực nhằm cải thiện sẽ rất khó khăn.
Giáo sư Alexander Vuving của Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình
Dương ở Honolulu nhận xét, quan hệ Việt-Trung đã đến mức « giọt nước tràn ly » vào năm 2014, với cuộc khủng hoảng xảy ra khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 vào vùng biển Hoàng Sa, kéo mối quan hệ xuống thấp chưa từng thấy.
Ông nói: « Bề ngoài có vẻ tích cực trong quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam có lợi
cho cả hai, nhưng điều này không giống với thực tế. Từ đó đến nay, mặc cho những nỗ lực của cả đôi bên để tổ chức nhiều cuộc đàm phán hơn giữa các lãnh đạo, nhưng lòng tin đã xuống rất thấp. Những gì Trung Quốc hành động ở Biển Đông đã gây ngờ vực sâu sắc cho phía Việt Nam».
Chuyên gia Alexander Vuving cũng ghi nhận, Bắc Kinh khó mà từ bỏ lập trường quyết
đoán về Biển Đông, có nghĩa là căng thẳng vẫn có thể leo thang giữa Trung Quốc và Việt Nam cũng như với các nước khác.
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Đông Nam Á ở trường đại học New South Wales,
Úc, nói rằng thủ tướng Việt Nam nhất quyết muốn Trung Quốc cam kết tôn trọng nguyên trạng, không tiếp tục quân sự hóa Biển Đông.
Ông nói : « Tất cả những gì có thể hy vọng trong chuyến viếng thăm của ông Phúc là duy trì cấp độ những cuộc họp làm việc về tranh chấp trên biển, và tăng cường những biện pháp xây dựng lòng tin. Hà Nội mong muốn bảo đảm rằng tình hình trong khu vực thuận lợi cho phát triển kinh tế. Việt Nam coi Trung Quốc là một trong những cường quốc quan trọng trong chính sách ngoại giao của mình ».
Làm giảm nhẹ căng thẳng với Bắc Kinh, Hà Nội trong những tháng gần đây cũng nghĩ
đến việc xúc tiến quan hệ với Hoa Kỳ, tăng cường mối quan hệ với các nước lớn khác như Nhật Bản, Ấn Độ và Pháp.
Ông Vuving nhận định: « Sau chuyến công du Hoa Kỳ của tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng năm 2015, và chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Mỹ Barack Obama năm nay, nhiều lãnh đạo Việt Nam hiện giờ tin tưởng vào Hoa Kỳ hơn là Trung Quốc. Đây là điều trái ngược so với chỉ vài năm trước đây ».

Thứ Tư, 21 tháng 9, 2016

VỀ LỄ KỶ NIỆM 65 NĂM THÀNH LẬP KHXTW



Năm nay lễ kỷ niệm 65 năm thành lập 
Khu học xá Trung ương 
(KHXTW) 
Sẽ được tổ chức vào sáng Chủ nhật, ngày 16/10/2016
 Tại số 57 đường Huỳnh Thúc Kháng - Hà Nội. 

Các bạn nhận được THÔNG BÁO này xin truyền đạt đến những người chưa biết. 
Đặc biệt mong các bạn cựu HS K5 Trường THVN (LSQL 1953-1957) 
hiện đang sinh sống ở các tỉnh, thành phố xa thủ đô Hà Nội 
Cố gắng thu xếp về dự. Càng đông càng vui ! 

                                                                                                          P.Trưởng BLL Hội QL
                                                                                                           Nguyễn Kim Nữ Hiếu


Một số kiến trúc, phong cảnh quen thuộc trong khuôn viên KHXTW ( Chụp 1958)

Đoàn cựu HS LSQL(MN) trước Đại lễ đường 9/2003

 Đoàn K5 (MB) 10/2006

Vụ Trịnh Xuân Thanh: hệ thống bất lực?

Quốc Phương
BBC Việt ngữ
17 tháng 9 2016

Ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang của Việt Nam, đang bị chính quyền phát lệnh truy nã quốc tế.

Vụ việc đã và đang xảy ra đối với ông Trịnh Xuân Thanh phần nào cho thấy sự 'bất lực' thậm chí 'băng hoại' của hệ thống chính trị và luật pháp ở Việt Nam, theo quan điểm riêng của một nhà nghiên cứu chính trị từ Paris.
Ngoài ra, qua những thông tin chính thức từ truyền thông trong nước, cũng có thể cho thấy có những vấn đề khác về chính trị và pháp luật của chế độ, trong đó có việc tuyển dụng cán bộ, lãnh đạo theo lối 'con ông cháu cha', 'con cháu các cụ cả' hay cả vấn đề được cho là 'dối trá' trong đạo đức, phẩm chất của cán bộ trong chính quyền, theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Từ Huy, qua một phỏng vấn bằng bút đàm với BBC hôm 17/9/2016.
"Nếu không có cải cách thể chế chính trị thực sự, nếu không có tam quyền phân lập, nếu luật pháp không độc lập với đảng pháp, thì những vở hề kịch sẽ còn tiếp tục xảy ra khi một hay một nhóm lãnh đạo muốn "trừng phạt" một vài người trong lúc mà tham nhũng hoành hành trên toàn hệ thống," nhà nghiên cứu từ Pháp nêu quan điểm.
"Điều đáng nói, như nhiều người khác đã chỉ ra, ông Thanh không phải là trường hợp duy nhất hay hy hữu trong chế độ. Trái lại, ông Thanh chỉ là một nhân vật thuộc dạng 'mờ nhạt' so với những nhân vật khác còn 'khủng' hơn nhiều nhưng chưa bị (hoặc không thể bị) khui ra", vẫn theo ý kiến này.
Mời quý vị theo dõi dưới đây toàn văn cuộc trao đổi của BBC với Tiến sỹ Nguyễn Thị Từ Huy.

BBC. Vụ việc với ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch Tỉnh Hậu Giang của Việt Nam vẫn đang diễn ra và có lẽ cần thêm thời gian để theo dõi, tuy nhiên quan sát các phản ánh, diễn biến trên truyền thông, nhất là qua truyền thông chính thức của Việt Nam cho tới nay, bà thấy có điều gì đáng nói, đáng bàn?
TS Ng thi Từ Huy
TS. Nguyễn Thị Từ Huy: Trước hết, có thể nói ngay, tôi thấy có vấn đề đáng nói về điều có thể được gọi là sự dối trá và băng hoại của hệ thống chính trị. Ngay như tiểu sử của ông Trịnh Xuân Thanh cho thấy điều gì? Đã và sẽ có nhiều phân tích, nhưng cá nhân tôi đưa ra ít nhất hai điểm như sau:

Thứ nhất, trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh khẳng định một lần nữa điều đã được nhận xét từ lâu: việc bổ nhiệm cán bộ của đảng cộng sản Việt Nam vận hành dựa trên nguyên lý 5C (con cháu các cụ cả). Bố ông Trịnh Xuân Thanh là ông Trịnh Xuân Giới, một cán bộ cao cấp của đảng, từng giữ các chức vụ Hiệu trưởng trường Đoàn Trung ương (TW) và Phó Trưởng ban Dân vận TW. Điều này giải thích tại sao ông Thanh chỉ có bằng cử nhân quy hoạch đô thị (năm 1990), sau đó đi làm ăn ở Đông Âu (dẫn theo Wikipédia tiếng Việt, không rõ làm ăn trong lĩnh vực nào) rồi trở về Việt Nam năm 1995, và ngay lập tức 1996 (lúc ông Thanh 30 tuổi) được bổ nhiệm chức vụ Phó giám đốc công ty phát triển kinh tế kĩ thuật Detesco của Trung ương Đoàn.
Người ta sẽ đặt câu hỏi là: nếu bố ông không phải là cán bộ lớn trong đảng và từng là hiệu trưởng trường Đoàn TW thì có thể xảy ra việc ông được bổ nhiệm chức vụ Phó giám đốc dễ dàng như vậy hay không? Chúng ta thử hình dung xem, nếu ta là con nông dân, hay con cán bộ bình thường, và ta chỉ có cái bằng cử nhân thôi, lại chẳng trải qua một quá trình làm việc lâu dài để chứng tỏ năng lực… thì ta làm sao có thể đột nhiên nhảy lên làm phó giám đốc một công ty nhà nước được? Vị trí Phó giám đốc của Detesco là bàn đạp để ông Thanh rất nhanh chóng nắm giữ các chức vụ từ quan trọng đến quan trọng nhất của tổng công ty Sông Hồng trong giai đoạn 2000-2007.
Lặp lại lộ trình của bố, con trai của ông Trịnh Xuân Thanh là Trịnh Xuân Cường được bổ nhiệm vị trí trợ lý giám đốc của Halico (tháng 10/2015) lúc mới 23 tuổi, và chỉ 6 tháng sau được bổ nhiệm làm phó phòng truyền thông marketing (tháng 4/2016). Một số người có nghiên cứu về hiện tượng cán bộ thuộc diện 5C này đều nhận định rằng đặc điểm chung của các lãnh đạo nhóm 5C là họ lên làm lãnh đạo khi tuổi đời còn rất trẻ, dĩ nhiên do tác dụng của ô dù gia đình.
Thực ra tuổi tác không quyết định khả năng làm việc. Và nhiều người xuất thân trong các gia đình cán bộ cao cấp nhưng vẫn có thực tài, có năng lực thực sự. Nhưng nếu "con cháu các cụ cả" trở thành nguyên tắc (ngầm) trong việc tuyển dụng cán bộ thì dĩ nhiên hậu quả không thể tránh khỏi là tham nhũng, kém hiệu quả, thua lỗ, kém phát triển, và tình trạng "gia đình trị" sẽ tiếp tục kéo dài dẫn đến hiện tượng toàn bộ các lĩnh vực trong xã hội bị một số gia đình nắm trong tay họ, còn các khẩu hiệu như "sử dụng nhân tài", "công bằng cơ hội"… trong thực tế chỉ là một mớ ngôn từ đưa ra lừa dối nhân dân mà thôi.
Từ chiếc xe biển xanh

Nhiều câu hỏi được đặt ra đằng sau và bắt đầu từ sự việc 'chiếc xe biển xanh' của ông Trịnh Xuân Thanh 'đi mượn', theo tác giả.
Thứ hai, trường hợp Trịnh Xuân Thanh cho thấy một cách rõ ràng tính chất dối trá của hệ thống chính trị. Rất nhiều chi tiết giúp chứng minh tính chất dối trá này, ở đây tôi chỉ nêu hai chi tiết.
Chi tiết thứ nhất liên quan đến cái xe Lexus biển số xanh. Xin dẫn nguyên văn lời của ông Trần Công Chánh, Bí thư tỉnh ủy Hậu Giang, trong bài báo trên Tuổi trẻ ngày 14/6/2016 " Đã báo cáo tổng bí thư vụ 'hóa kiếp' xe Lexus": "Ông Thanh có đề xuất để ông mượn một chiếc ô tô đi làm tạm, thường trực tỉnh ủy xét thấy tạo điều kiện cho cán bộ luân chuyển thuận tiện trong đi lại, làm việc nên cũng có thể chấp nhận được". Phát biểu này cho thấy luật pháp của Việt Nam rất có vấn đề, có người còn đặt dấu hỏi "luật pháp ấy đáng giá mấy xu?"

Bài báo " Những ẩn khuất sau vụ hóa kiếp xe Lexus", cũng trên tờ Tuổi trẻ, cung cấp nhiều thông tin quan trọng, nó cho biết chủ sở hữu của cái xe lexus là tài xế của ông Thanh, tên là Nguyễn Đặng Toàn. Xe được mua năm 2013 và đăng ký ở Hà Nội với tên ông Toàn là chủ sở hữu. Sau khi ông Toàn mua xe một ngày thì nó được chuyển vào Hậu Giang và biến thành tài sản của Phòng hậu cần kỹ thuật Công an tỉnh Hậu Giang, với cái biển số xanh chỉ được phép dành cho xe công vụ. Không cần nhiều trí tưởng tượng lắm cũng có thể hình dung một số điều nếu đặt ra vài câu hỏi sau đây: "Một ông tài xế thì lấy tiền đâu ra mà mua xe Lexus?". "Một ông tài xế thì làm sao có đủ quyền lực để mà chỉ trong một ngày biến cái xe riêng của mình thành ra cái xe công vụ?", "Tại sao ông ta phải biến xe riêng của mình thành xe công vụ, để làm gì?"
"Tại sao ông Trịnh Xuân Thanh là Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, cựu Tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng Sông Hồng, cựu chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty PCV, cựu Phó Chánh Văn phòng Bộ công thương… mà lại phải mượn xe của ông tài xế? Tại sao tài xế của ông Thanh thì có tiền mua xe, còn ông Thanh, với chừng đó chức vụ đã kinh qua, lại phải đi xe mượn?" Hãy thử trả lời câu hỏi này để thấy tính chất khôi hài nhưng bi thảm của chế độ đã đến mức nào. Đồng thời cũng để thấy tính chất dối trá đã đến mức nào, và đối chiếu với phát biểu của Chủ tịch tỉnh Hậu Giang để thấy lãnh đạo các cấp chấp nhận sự dối trá dễ dàng như thế nào, nếu không muốn nói rằng sự dối trá đã trở thành bản chất của họ.
Tuy nhiên, chi tiết thứ hai được đề cập đến sau đây mới nói lên sự dối trá điển hình của thể chế chính trị. Ông Trịnh Xuân Thanh lên làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị của PVC năm 2009, đến năm 2011 thì được phong danh hiệu Anh hùng lao động. Nhưng cũng chính thời gian đó PVC thua lỗ hơn 3.200 tỷ. Một đơn vị thua lỗ trầm trọng, thậm chí có nguy cơ mất vốn, mà lãnh đạo lại được phong Anh hùng lao động, và sau đó được thăng chức lên cấp cao hơn, ở Bộ Công thương, rồi về làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang. Còn có bằng chứng nào hùng hồn hơn cho sự dối trá của chế độ?
Điều đáng nói, như nhiều người khác đã chỉ ra, ông Thanh không phải là trường hợp duy nhất hay hy hữu trong chế độ. Trái lại, ông Thanh chỉ là một nhân vật thuộc dạng "mờ nhạt" so với những nhân vật khác còn "khủng" hơn nhiều nhưng chưa bị (hoặc không thể bị) khui ra.
Đừng ngạc nhiên và đừng trách cứ nếu trong nhân dân có những giả thiết hoặc những suy luận đủ các loại, kể cả những suy luận rất bất lợi về khả năng thanh trừng nội bộ của lãnh đạo cao cấp. Chỉ có thể tránh được các suy luận bất lợi ấy khi nền quản trị, nền hành chính và bộ máy truyền thông có được sự minh bạch, công khai, và sự minh bạch, công khai này phải được đảm bảo bằng một hệ thống pháp luật chuẩn mực.

Tới lối thoát hoàn hảo

Tin tức chưa thể kiểm chứng nói ông Trịnh Xuân Thanh đã rời Việt Nam ra nước ngoài.
BBC. Xin được lưu ý là vụ việc vẫn còn đang được nhà nước Việt Nam điều tra và xác minh, nhưng tiện đây, nếu có điều gì có thể bàn thêm về hệ thống chính trị và pháp luật của Việt Nam, ở góc độ tính hiệu quả, hiệu năng, chẳng hạn, thì bà có bình luận gì hay không?
TS. Nguyễn Thị Từ Huy: Tôi cho rằng ở đây cho thấy rõ có sự bất lực của hệ thống chính trị và hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Theo tin lan truyền thì giờ phút này ông Trịnh Xuân Thanh đã ra nước ngoài và đưa cả nhà ra nước ngoài. Báo chính thống không có tin chính thức về việc ông Thanh đang ở đâu. Ông Trịnh Xuân Thanh đã đưa đơn ra khỏi đảng trước khi bị đảng khai trừ. Và đến giờ này vẫn chưa có một kết luận nào mang tính pháp lý về vụ việc.
Toàn bộ sự việc này phải chăng cho thấy sự bất lực của cả hệ thống chính trị lẫn hệ thống luật pháp của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam?
Theo các báo chính thống thì vào tháng 6/2016 đã có đầy đủ các bằng chứng về vụ phạm pháp của chiếc xe Lexus tư nhân bị chuyển thành biển số xanh công vụ. Tài xế của ông Trịnh Xuân Thanh lấy tiền đâu ra để mua xe, ông làm sao phù phép để cái xe biến thành xe công vụ?…, những điều này Thanh tra chính phủ và các cơ quan luật pháp thừa sức làm sáng tỏ.
Và chỉ riêng chi tiết này cũng đã đủ để ông Thanh phải ra hầu tòa, nếu ông sống ở một nước có pháp luật hẳn hoi (pháp luật được tôn trọng). Nhưng cho đến thời điểm này cả hệ thống chính trị và hệ thống pháp luật của Việt Nam đã không làm gì được ông Thanh (quyết định khai trừ đảng, đúng như vô số các bình luận trên mạng, chỉ là một vở hài kịch không hơn không kém, khi mà chính ông Thanh đã đưa đơn ra khỏi đảng trước).
Việc ông Thanh rời khỏi Việt Nam không ngăn cản luật pháp Việt Nam tiếp tục điều tra và làm sáng tỏ những việc mà ông Thanh phải chịu trách nhiệm, và những cá nhân và tổ chức có liên quan đến vụ việc của ông Thanh cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nhất là Ban tổ chức cán bộ Trung ương phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, bởi vì chính Ban tổ chức cán bộ Trung ương chịu trách nhiệm phê duyệt bổ nhiệm cán bộ.
Nếu vụ này bị "chìm xuồng" thì chúng ta có thể nói mà không hề sợ sai rằng hệ thống chính trị và hệ thống pháp luật hiện tại của Việt Nam là những hệ thống bất lực trong việc xử lý các tội phạm.
Và lúc đó những kẻ tham nhũng và tội phạm kinh tế, qua "tấm gương" vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh, họ có thể yên tâm lớn: lúc nào họ cũng có thể ra khỏi đảng, có thể mang cả nhà đi khỏi Việt Nam, có thể bảo toàn cho bản thân và gia đình, vì thế mà họ sẽ yên tâm tiếp tục mà tham nhũng. Còn gì phải sợ? Trịnh Xuân Thanh đã mở ra một lối thoát tuyệt hảo cho cả một hệ thống các quan chức tham nhũng, họ chẳng có gì phải sợ.
Nếu không có cải cách thể chế chính trị, nếu không có tam quyền phân lập, nếu luật pháp không độc lập với đảng pháp, thì những vở "hề kịch Trịnh Xuân Thanh" sẽ còn tiếp tục xảy ra khi một hay một nhóm lãnh đạo muốn "trừng phạt" một vài người trong lúc mà tham nhũng hoành hành trên toàn hệ thống.
Còn trong trường hợp cả chính quyền và luật pháp đều bất lực, không thể trừng phạt ai cả, và không thể "chống tham nhũng", thì dĩ nhiên cả hệ thống sẽ rữa nát vì chính căn bệnh tham nhũng của nó, vấn đề chỉ là thời gian mà thôi. Nhưng hậu quả không phải là do "căn bệnh" (tức là sự tham nhũng) gánh chịu, mà là "người mang bệnh", tức là toàn bộ dân tộc này, phải gánh chịu.
"Căn bệnh" dĩ nhiên sẽ không tự đào thải nó được (hình dung xem, cái khối ung thư nằm trong cơ thể một người nào đó lại tự nhiên nhảy ra khỏi người đó ư?). Chỉ khi nào người bệnh biết mình mang bệnh và muốn cắt bỏ nó và tìm cách cắt bỏ nó thì lúc đó mới mong có thể được chữa trị. Người bệnh chính là mỗi công dân Việt Nam chúng ta đấy thôi. Cần đối diện với sự thật này: cả dân tộc đang nuôi cái khối ung thư có tên "tham nhũng" bằng chính máu của mình.
Sự giàu có và sự an toàn của những kẻ tham nhũng có thể được đổi lại bằng cái chết của những đứa trẻ phải tự tử vì quá nghèo, những người phải bán nội tạng của mình vì không có gì để ăn, những phụ nữ chết xác phải đắp chiếu chở trên xe máy, và những bờ biển chết, những ngư dân đang đối diện với cái chết...
Khối ung thư tham nhũng đã và đang di căn đi khắp mọi nơi. Và hạt nhân của khối ung thư ấy là một thể chế chính trị trong đó pháp luật chỉ là công cụ để bảo vệ nhóm đặc quyền chính trị, tức cũng là nhóm đặc quyền tham nhũng.

Trên đây là ý kiến, quan điểm riêng của nhà nghiên cứu chính trị Nguyễn Thị Từ Huy, người có bằng tiến sĩ văn chương bảo vệ tại Pháp năm 2008 và từng giảng dạy tại một số trường đại học ở Việt Nam. Hiện bà đang làm luận án Tiến sĩ về triết học chính trị tại Đại học Paris Diderot, Pháp.

-------------------------------------------------
Mời tham khảo bài viết của Xuân Ba về người cha của TXT TẠI ĐÂY