Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

TÁC GIẢ TIẾN HOÀN-BÀI ĐĂNG KÝ IN SÁCH

KỂ CHUYỆN TUỔI THƠ

Tác giả ngày xưa và hiện nay
1. GIA ĐÌNH
Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng quê Bắc Ninh ven sông Cầu.
Thuở ấu thơ, tôi sống bình yên, vô tư trong một gia đình nhà nho có 5 anh chị em, 3 nam , 2 nữ (không kể hai người chị lớn đã mất trước đó). Tôi là con út. Năm 8 tuổi tôi mất cha, 12 tuổi mất mẹ, và cũng thời gian ấy anh trai thứ hai tôi là bộ đội hy sinh ở tuổi 19 - 20. Từ đó, gia đình tôi mỗi người một ngả.

Trước cách mạng cha tôi được mời nhưng không chịu ra làm việc cho Pháp mà chọn nghề dạy học, cả chữ nho và chữ quốc ngữ. Ông có rất đông học sinh, sau này có những người trở thành cán bộ cao cấp. Đi đâu nhắc đến ông mọi người đều tỏ ra rất kính nể. Sau cách mạng ông làm việc ở HĐND tỉnh. Ông là người sáng lập ra “Hội Giúp Binh sĩ bị nạn” liên tỉnh Bắc Ninh - Bắc Giang thời đó và làm Chủ tịch Hội. Ông đi công tác vắng nhà liên tục.
Tôi nhớ mãi lần cuối cùng chia tay với Người. Hôm ấy, tôi đang học lớp nhì  trường làng - tương đương lớp 3 bây giờ - thì cha tôi đến gặp thầy giáo một lúc, sau đó thầy cho tôi về với cha. Cha bế tôi lên đưa về nhà. Trên đoạn đường làng ngắn ngủi, hai cha con đã nói những gì, tôi không còn nhớ nữa. Ký ức duy nhất đọng lại là niềm vui sướng hân hoan của một đứa trẻ 8 tuổi, không còn nhỏ nữa, mà vẫn được cha bế. Có ngờ đâu, đó lại là những giây phút cuối cùng tôi được ở bên cha mình. Còn cha, chắc hẳn ông đã lường trước được sự nguy hiểm của chuyến đi công tác lần này. Chia tay cha, tôi nước mắt lưng chòng chạy theo ông đến đầu làng… Tôi vĩnh biệt cha như vậy đó.
… Trong chuyến công tác ấy (12-1948) phái đoàn của Tỉnh vào vùng địch chiếm động viên đồng bào tham gia và ủng hộ cuộc kháng chiến. Đúng hôm địch đi càn quét, đoàn rút xuống hầm bí mật nhưng bị lộ, mọi người thoát lên cửa dự phòng tản đi các nơi. Cha tôi cùng một bác chạy được đến con sông ngăn cách vùng tự do và vùng địch chiếm, trong khi bơi thì cha bị trúng đạn vào đầu. Vết thương nặng, ông cố bơi lên bờ, lết đến một ruộng lúa, không có ai bên cạnh cứu giúp, chắc do mất máu nhiều ông đã hy sinh:
…Thương Cha hấp hối nằm không - màn trời
Một mình bê bết máu tươi
Lê ven bờ ruộng, chắc Người rất đau
Kẻ thù ở lại phía sau
Anh em đồng chí có đâu bên mình...
Thế rồi Cha đã ... hy sinh
Bên bờ ruộng nước, một mình nằm im...
Thời gian trôi mấy ngày liền
Tin Cha mất tích Mẹ yên sao đành
Ngày ngày mong có tin lành
Nào ngờ tin dữ bay nhanh về nhà...
Vài ngày sau gia đình được tin ông mất tích, rồi tiếp đó là tin về như sét đánh – ông mất rồi, đã tìm thấy xác.
Tin sét đánh đến với cả nhà
Chúng con đau đớn thương Cha khôn cùng
Mẹ con như chết trong lòng…
Những ngày đó nhiều người từ các cơ quan tỉnh, huyện lân cận đến nhà rất đông để thăm hỏi, động viên mẹ tôi. Không khí rất nặng n, đau xót. Khi đó máy bay địch hoạt động dữ dội nên tỉnh đã tổ chức đưa linh cữu Cha về quê vào ban đêm, chôn cất cách nhà khoảng 6 - 7 km.
Tôi nhớ mãi:
Một đêm, đi bộ rất xa
Đôi chân con trẻ theo đà người thân
Lén đi tưởng gặp Cha nhanh
Đi mãi đến chỗ - chẳng rành nơi nao
Bao người đông đúc ồn ào
Áo quan nằm đó, Cờ Sao treo tường
Bàn thờ nghi ngút khói hương
Nến đèn mờ ảo vấn vương hồn Người
Hình Cha tươi rói nụ cười
Lòng Mẹ đau xót thương Người nằm đây
Mẹ lịm ngất, nằm ngay phủ phục
Ôm hồn Cha, Mẹ khóc ai hay...
Mẹ tôi từng tham gia công tác trong Hội Phụ nữ Cứu quốc, làm Hội trưởng Hội Phụ nữ xã. Sau khi cha mất, quê tôi bị quân Pháp bắn phá thường xuyên và dần dần bị chiếm đóng, mẹ tôi đưa gia đình đi theo kháng chiến. Chúng tôi tản cư lên Bắc Giang, rồi Thái Nguyên… Sau đó chị tôi đi thoát ly thanh niên xung phong, anh hai đang học đệ tam (lớp 7) thì đi bộ đội, anh ba được gửi lại vùng tự do học tiếp. Cuộc sống quá khó khăn, mẹ và tôi trở về quê trong vùng địch tạm chiếm. Còn anh cả thì đã thoát ly gia đình hoạt động bí mật từ trước cách mạng, khi Cha mất anh cũng không hay biết.
Cuộc sống trong vùng địch như một cơn ác mộng, lúc nào cũng lo nơm nớp. Ban đêm thì đại bác địch bắn ra vùng tự do bên kia sông, đạn bay vèo vèo trên đầu và nổ xé trời tưởng như ngay cạnh nhà. Ban ngày thì sợ Tây đi càn quét. Chúng bao vây rồi lùng sục khắp làng, tìm hầm bí mật, bắt cán bộ, du kích, vô cớ bắt người thường. Có lần anh thứ ba tôi về thăm nhà, gặp hôm địch đi càn, chúng bắt anh đi tập trung, anh phải giả vờ câm điếc, chúng bảo gì cũng lắc đầu, may có người học trò cũ của cha tôi trong số lính nói giúp nên chúng tha. Mỗi lần đi càn, quân địch cướp bóc, giết tróc, đánh người, hãm hiếp phụ nữ, có khi cả bà già, trẻ em. Nhiều lúc mẹ tôi rất lo chúng phát hiện hầm bí mật trong nhà… Sau này tôi mới biết trong nhà mình có hai cái hầm bí mật, một cái phía dưới chuồng lợn, một cái dưới nền nhà bếp có lỗ thông hơi ra giếng. Thảo nào, mấy lần tôi thấy bọn lính cứ ngó xuống giếng rất lâu, nhưng có vẻ chần chừ rồi quay đi. Chắc vì giếng sâu nên chúng ngại.
Năm 1951, anh cả - vốn thoát ly gia đình tham gia cách mạng từ thời kỳ bí mật, đang đóng quân trên Việt Bắc - viết thư về bảo nhà chuẩn bị cho tôi sang Trung Quốc học. Tôi mừng lắm, vì đã phải bỏ học khá lâu. Nhưng mẹ không đồng ý, phần vì thương tôi còn nhỏ dại, không muốn cho đi xa, phần vì nhà chỉ có hai mẹ con. Nhờ vậy mà sau này, khi mẹ ốm nặng, tôi còn được ở bên chăm sóc cho Người, trong khi các anh chị đều đã đi xa. Mười hai tuổi, tôi tự mình nấu nướng, giặt giũ, xúc cho mẹ từng thìa cháo... Không thể ngờ rằng, đó lại là những việc cuối cùng tôi có thể làm cho mẹ. Làm sao tôi biết được mẹ sẽ bỏ tôi, bỏ mấy anh chị em tôi mà ra đi sớm như vậy. Trước khi mẹ mất, may mà chị tôi công tác ở gần nhà về được mấy hôm, còn các anh tôi: hai người bộ đội và một người đang học ở vùng tự do không về được. Lúc ấy đi lại từ vùng tự do vào vùng địch rất nguy hiểm, thường bị bắt hoặc ăn đạn địch như chơi. Trước lúc lâm chung, mẹ khóc và dặn không báo tin cho các anh để họ yên tâm công tác, học tập. Tôi biết mẹ thương nhớ và luôn lo cho các anh. Mẹ đau buồn biết chừng nào khi biết mình không qua khỏi, mà không được gặp các con. Mẹ có biết đâu, chỉ trong vòng một tháng sau khi mẹ mất, người con trai thứ hai của mẹ cũng đã hy sinh.
Sau khi mẹ mất, tôi còn lại một mình trong ngôi nhà cổ rộng thênh thang. Hàng ngày, ra chợ ở đình làng bán hàng lặt vặt và rau cỏ tăng gia được trong vườn nhà lấy thêm tiền sinh sống. Có khi tôi đi chợ phiên cách làng mấy cây số mua ít bánh kẹo, ít đồ tạp hóa về làng bán. Tôi còn nấu thạch bán cho trẻ con trong làng, nhưng phần lớn là bạn bè ăn chịu - thuộc loại nợ xấu khó đòi!... Khó mà tả được nỗi tủi hổ của tôi lúc bấy giờ. Nỗi lo vật chất không thấm gì với cái khổ về tinh thần, tình cảm - thương cha, nhớ mẹ, các anh chị. Lúc ấy tôi thấy rất bơ vơ, chẳng biết mình sẽ sống ra sao, biết dựa vào ai, bao giờ các anh chị mới về??? Mặc dù có gia đình của hai ông chú ở gần, nhưng tôi cũng không đến ở với chú nào cả. Tôi lo sợ đủ điều, rất hay khóc mỗi khi nghe ai nhắc đến cha mẹ và hoàn cảnh của mình. Về sau có mấy gia đình đến ở nhờ trong nhà nên tôi cũng vui hơn.
Nhà tôi có một tủ đầy sách chữ nho, chữ Pháp và chữ quốc ngữ của cha để lại, có cả nhiều chuyện hay tôi đã say mê đọc, nhưng nhiều chuyện tôi cũng chẳng hiểu gì vì khi ấy còn nhỏ tuổi. Bọn lính lấy đi rất nhiều sách, tôi tiếc lắm nhưng đành chịu, (số sách còn lại thì sau này khi CCRĐ cũng bị thất tán hết). Hàng ngày các gia đình phải luân phiên nhau cử người đi phu làm việc, xây đồn bốt cho Tây. Trẻ con 11 - 12 tuổi như tôi cũng chẳng được miễn. Tôi đã từng phải đi phu khuân đất đá, chặt tre, vác những cây tre dài đi mấy cây số cho chúng. Những lúc ấy, tôi cứ băn khoăn một nỗi: giặc đã giết cha mình, mẹ mình cũng chết vì chúng, thế mà mình lại làm cho chúng, liệu mình có tội với cha, với mẹ không? Tôi chẳng dám nói ra với ai điều đó và cũng không thể làm gì khác được. Một lần, như thường lệ, tôi cùng mấy đứa bạn theo những người lớn trong làng đi chợ cách nhà chừng 3 cây số, mua một yến muối gánh về để bán lại lấy vài đồng lãi cho những người chuyên buôn ra vùng tự do. Trên đường, rủi ro gặp bọn lính Tây đi tuần, bị chúng lùa vào đồn địch gần đó, nhốt trong sân nhịn đói đến chiều mới được thả về, muối bị tịch thu hết vì đó là thứ để “tiếp tế cho Việt Minh”. May mà hôm ấy đông người nên không ai bị chúng đánh đập và nhốt lâu.
Thời gian cứ trôi như vậy cho đến một hôm, khoảng cuối 1952 - đầu 1953, tôi vui sướng không tả nổi, khi chị gái về đón tôi ra vùng tự do. Quê tôi cách vùng tự do có một con sông. Gần đến thế, nhưng không ai dám qua lại, vì địch cấm đò, chỉ có du kích và cán bộ đi hoạt động mới dám bơi qua sông trong những đêm tối trời, nhưng phần lớn cũng bị địch từ đồn bốt ven sông đi tuần phát hiện. Cha của Lê Đắc Liêu lớp 5A, ông là em họ tôi, cũng đã hy sinh khi bơi qua khúc sông này. Vì thế, vào cái đêm tối trời ấy, chị tôi cùng một số người nữa đưa tôi đi im lìm qua mấy cánh đồng, qua hai con sông và làng mạc giữa các đồn bốt giặc - một con đường vòng thúng mười mấy cây số để ra vùng tự do cách làng mình chỉ một con sông! Tôi thót tim mỗi khi đi gần bốt giặc nghe tiếng súng nổ, đạn rít bên tai, phải nằm rạp xuống ruộng. Sáng sớm hôm sau đến nơi an toàn chị em tôi mới thở phào sung sướng.
Chị đưa tôi lên Phú Bình - Thái Nguyên gửi ở gia đình bà dì (mẹ của chị Nghiêm Chưởng Châu - một phụ nữ có tên tuổi và nhiều người biết đến) dưới chân đồi thông. Ít lâu sau tôi về ở cùng anh trai sát trên tôi, đang học lớp 8, ở nhờ 1 nhà dân bỏ trống, tôi vào học lớp 4 (trường Hàn Thuyên). Được đi học tôi vô cùng vui sướng, vì từ năm 1949 do tản cư tôi cứ vất vưởng, nay đây mai đó, không có chỗ học và khi về quê ở vùng địch chiếm cũng không có trường. Cuộc sống trong thời kháng chiến những năm ấy thật vất vả. Thỉnh thoảng, chị tôi công tác ở gần quê đem tiền và gạo tiếp tế cho hai anh em, đó là tiền hoa màu từ mấy thửa ruộng do họ hàng cầy cấy hộ. Nhiều khi ăn không đủ no, ăn khoai lang trừ cơm cồn cào sót ruột, cả tháng không được miếng thịt. Hàng ngày phải lên đồi cắt guột để lấy cái đun, rồi trồng rau, nuôi gà để có cái ăn và đạt thành tích tăng gia theo yêu cầu của trường. Hồi đó, có phong trào bắt sâu, nhổ cỏ lúa giúp dân, tôi là đứa chúa sợ sâu, sợ đỉa, thế mà lúc ấy cũng không dám kêu lấy một tiếng! Khắp nơi, ở nhà, ở trường đều phải đào hầm tránh máy bay địch oanh tạc, không ít học sinh của trường đã bị máy bay bắn chết. Khi máy bay địch hoạt động dữ dội quá cả trường phải học vào buổi tối, dưới ngọn đèn dầu leo lét. Tan học, đi về nhà qua quãng đồng, hoặc đoạn rừng chẩu, đồi thông tối mịt, có tiếng động khẽ là cả lũ chạy như ma đuổi, lúc ấy tôi và lũ bạn không những sợ ma mà sợ cả người vì đã từng được nghe nhiều chuyện rùng rợn.
2. LÊN ĐƯỜNG
Đầu tháng 9 - 1953, có một anh bộ đội, nghe nói là cần vụ của anh cả, về đón tôi lên Việt Bắc tập trung để sang Trung Quốc học, vì anh tôi bận không về được. Tôi vừa mừng, vừa lo. Nhớ lúc ở bến đò chia tay với anh chị để ra đi cùng anh bộ đội không quen biết, tôi khóc nức nở không kém gì lúc cha mẹ mất. Đi được quãng đường dài thì anh bộ đội dẫn tôi vào một quán uống nước, ăn quà. Lúc anh rút ví trả tiền, tôi giật mình thấy đó chính là cái ví nhỏ anh tôi kêu mất sáng nay, cả nhà cùng tìm khắp nơi mà không thấy. Khi bắt gặp ánh mắt ngạc nhiên của tôi, anh thản nhiên nói: “À chết, anh cầm nhầm cái ví của anh em!”. Thật lạ vì lúc sáng anh còn sốt sắng tìm hộ anh tôi! Từ đó, tôi không còn tin anh bộ đội này nữa, thậm chí còn lo sợ rằng anh ấy không đưa mình tới nơi cần đến. Nhưng biết làm sao bây giờ! Đành phải liều đi theo thôi, vì tôi chưa đủ can đảm để bỏ trốn. Lúc đầu, anh bộ đội dẫn tôi đi ban ngày, khi đến gần những nơi hay bị máy bay bắn phá thì đổi lại, đêm đi, ngày nghỉ. Chèo đèo, lội suối, băng qua rừng, qua núi, qua những địa danh nào, tôi không còn khái niệm vì khi ấy tôi chỉ lo một điều: “không biết anh bộ đội này dẫn mình đi đâu?” Sau mấy ngày đêm, khi hai chân tôi đã rã rời tưởng như không bước nổi nữa, thì anh bộ đội bảo: đến nơi rồi! Đó là Cục Tổ chức, nơi chúng tôi tập trung để lên đường sang Trung Quốc học tập.
Tôi được nhận chỗ ngủ ở một ngôi nhà lợp lá, chỉ có một cái giường tre dài dọc theo nhà, mọi người nằm sát liền nhau không có ranh giới (hình như vậy, tôi không nhớ rõ lắm). Cuộc sống ở đây không đọng lại nhiều trong trí nhớ của tôi, có lẽ vì thời gian tôi ở đó quá ngắn. Đến tập trung vào loại muộn nhất nên quân phục đã hết, tôi và mấy bạn nữa không được phát. Điều đó làm tôi buồn lắm. Trong khi, nhiều bạn mặc trông rất oai và hãnh diện, đúng là các chú bộ đôi con. Thật tiếc là tôi lại không có được niềm vui ấy.
Chỉ vài ngày sau, tôi cùng các bạn lên đường đến biên giới sang Trung Quốc. Đây là đoàn thứ 11, đoàn cuối cùng do Anh Chiểu và anh Ngoạn phụ trách. Trong đoàn có Hương Mạch và Nguyễn Khinh lớp 5 chúng mình và Phụng lớp 2 (vợ của Hoàng Kim Chung đã quá cố), cùng vài người nữa tôi nhớ tên nhưng sau này chưa bao giờ gặp lại là Thuấn, Mễ, Ngọc Trinh… Chuyến đi này vất vả không kém khi tôi đi từ nhà đến Cục Tổ chức. Đêm đi, ngày nghỉ, nhiều bạn nhỏ 9 - 10 tuổi vừa đi vừa ngủ gật, có lúc tôi phải cõng hoặc đeo ba lô hộ bạn nhỏ hơn mình. Ít ngày sau, tôi cùng các bạn được đi bằng ô tô, loại xe tải có ghế, có mui, ai cũng vui mừng. Một đêm, chúng tôi đang thiu thiu ngủ gà ngủ gật thì xe bất chợt dừng lại, có tiếng máy bay và một loạt tiếng súng nổ. Anh phụ trách hô mọi người xuống xe và chạy tản xuống ruộng. Trời tối, chẳng nhìn thấy gì, mọi người chạy tán loạn. Khi máy bay đi rồi, lên xe mới biết bạn Minh ngồi cạnh mình bị trúng đạn, tôi sợ quá. Mọi người đều thương bạn Minh, nhưng ai cũng hú vía vì xác xuất bị ăn đạn không phải là hiếm; đến Bằng Tường tôi mới hoàn toàn hết sợ. Từ đây trở đi có quá nhiều ấn tượng với những điều mới lạ nhưng tôi lại nhớ rất ít về cuộc hành trình này. Đến Nam Xương thì bạn Minh được đưa đi chữa trị vết thương, tôi cùng các bạn khác nghỉ ở khách sạn sang trọng, lạ lùng. Lúc đó bọn tôi còn chưa biết cả cách bật đèn điện.
3. LƯ SƠN
Đến Lư Sơn, tôi cùng Hương Mạch được phân về lớp 4A ở bên nhà nữ. Chưa hiểu mô tê gì tôi đã lăn ra ốm, sốt li bì, mê sảng, bị đưa sang bệnh xá nằm, được chị y tá Trung Quốc rất xinh đẹp chăm sóc và có anh Vũ Thuần phiên dịch. Vài hôm sau, tôi được biết anh Vũ Thuần là bạn học, ngồi cùng bàn và khá thân với anh thứ hai của tôi. Buồn vì nhớ thương anh, tôi ngậm ngùi suy nghĩ: bạn của anh đây, còn anh thì đã vĩnh viễn chôn sâu ở nơi nào? Không biết trước khi nhắm mắt anh đã nghĩ những gì? Có ai bên cạnh anh không? Anh đã được tin mẹ mất chưa? Thế rồi tự nhiên nước mắt cứ trào ra, tôi càng thấy nhớ nhà, thương cha mẹ, nhớ anh chị. Thời gian đầu mỗi khi nghĩ đến gia đình mình tôi hay buồn lắm.
Ở Lư sơn được ăn rất ngon, đặc biệt là món canh ca la thầu, bánh bao và cháo quẩy với sữa đậu nành, nhưng ghét cái là cứ phải đeo khẩu trang suốt ngày và uống đầy một ca nước muối sau khi ăn cơm, khi tuyết rơi thì không được mở cửa sổ và thò cổ, thò tay ra ngoài sờ mó, bốc truyết; lúc nào cũng “mặc áo ấm và quấn khăn di giầy”, quần bông, áo bông, mũ bông, giầy bông, người tròn như quả bóng. Lớp 4A do chị Nhâm dạy, tôi học khá nên chị phân công giúp môn toán cho một bạn. Nhiều khi giảng mãi mà bạn ấy vẫn chả hiểu, có lúc tôi bực mình với bạn ấy, thế là thành ra lại mắc khuyết điểm và bị phê bình. Kỷ luật ở đây nghiêm khắc lắm, ai có sai sót gì là bị kiểm điểm ngay, hình như cuối ngày còn bị chấm đen, chấm đỏ hoặc là đánh dấu cộng trừ hay sao ấy, tôi nhớ mang máng vậy. Xa nhà lần đầu, đến đây sống tập thể, học được bao điều mới lạ, kỷ cương, có bao nhiêu là bạn mới, tôi quen dần, trở nên vui vẻ, đỡ nhớ nhà và ít nghĩ đến hoàn cảnh gia đình mình hơn.
Ở Lư Sơn, lúc đầu tôi ở tổ hai cùng với Bích Ngân, Ngọc Trâm B, Hạnh Phúc, Ngọc Huyền, Phương Dung, Tuyết Mai..., sau chuyển sang tổ một có Chu An, Tô Hợp, Phương, Phụng Mỹ, Ngọc Trâm A, Thục Anh, Thanh Tú, Lệ Liễu, Hồng Hà, Tuyết Nga...
Khi trường chuyển về Quế Lâm, học được ít ngày thì tôi cùng Ngọc Trâm B, Bích Ngân, Hương Mạch, Lệ Thủy… được chuyển lên lớp 5. Chúng tôi được xếp vào vào 5B, riêng Lệ Thủy vào 5C.
4. HỒI ỨC QUẾ LÂM
Thời gian sống ở Quế Lâm quá ngắn so với các bạn cùng lớp nên kỷ niệm về trường, lớp, thầy cô và bạn bè của tôi không nhiều như mọi người. Nhưng tình cảm với lớp, với các thầy cô, bạn bè không thay đổi. Nhiều hình ảnh từ xa xưa vẫn còn rõ nét trong ký ức.
Nhớ mãi một hôm, chị Quế cho nữ sinh đi tắm, tôi không biết bơi nên dùng cái quần dài nhúng nước ướt, làm phồng hai ống quần lên rồi buộc túm lại thành “phao” nổi lềnh bềnh và cứ thế ôm “phao” tập bơi, đập chân, đập tay túi bụi. Mấy bạn nữ biết bơi đã khuân đá từ trong bờ ra xa đắp thành một ụ đá rồi bơi ra đó đứng. Những đứa không biết bơi như tôi đứng ở trong nhìn ra mà thấy thèm. Hôm ấy, có một bạn rủ tôi bơi ra đó. Tôi, điếc không sợ súng, đã bơi theo bằng chiếc “phao” quần. Đứng ở đấy sung sướng được một lúc thì, trời ơi! Bỗng nhiên tôi trượt chân làm hòn đá ở mép ụ chỗ mình đứng rơi tuột xuống. Bị mất thăng bằng bất ngờ, tôi lảo đảo, “chân không đến đất cật không đến trời”, sợ quá, tôi ôm chặt cái “phao” của mình vùng vẫy dưới nước, định “bơi” vào bờ. Được vài giây thì... (chắc mọi người đoán được điều gì xảy ra rồi!) “phao” của tôi bị xịt hết hơi. Tôi tha hồ húp nước vừa ngọt, vừa mát của sông Ly và lóp ngóp đang chìm dần xuống. Nhưng thật may, ngay lúc đó có bạn Nữ Hiếu và Minh Gương nữa thì phải, bơi rất giỏi, đã nhanh chóng đến bên cạnh đưa tôi vào bờ. Chẳng những tôi, mà các bạn khác, và nhất là chị Quế, được một phen hoảng hồn và cũng cười vỡ bụng. Về nhà, chị Quế bắt tôi viết bản kiểm điểm và phạt một tuần không cho xuống nước. Suốt một tuần tôi lẽo đẽo theo “đoàn” ra sông, nhưng không được xuống tắm. Sau, chị Quế khen tôi biết nghe lời. Chẳng hiểu giờ chị còn nhớ “sự kiện” đó không.
(28.2.08, Wednesday February 27, 2008 - 05:13pm (PST).
Lời bình của Chị Quế:
Đọc hồi ký của Hoàn, chị càng thông cảm với em và lý giải được nhận xét của chị lúc em còn đang học là cô bé hiền lành nhưng có nghị lực. Kỷ niệm về dòng sông Ly và những hôm cùng các em đi tắm thì vẫn in đậm trong tâm trí của chị. Lúc tắm sông, nhìn các em thoải mái vùng vẫy, nô đùa chị cũng vui lắm. Lúc đó chị đâu đã biết bơi. Thấy có mấy em biết bơi, chị phục lắm. Chị cũng nhờ đi tắm với các em mà bơi được một đoạn. Nhưng từ hôm xảy ra việc Hoàn bị xẹp ''phao bơi”, chị lo lắm. Lúc đó ý thức tự giác rất cao, chị báo cáo với bác Phương Hoa và bị phê bình, bác bảo ''tuổi này các cháu hiếu động lắm, em cần chú ý hơn''. Thế là từ đó, chị đứng tắm ở phía đoạn dưới, chỗ gần cái cầu đá nhỏ ấy, cách chỗ các em một đoạn để nhìn cho rõ. Có một bí mật mà chị không nói là có một lần nước chảy mạnh, chị vừa định bơi thì nước đã đẩy chị đến sát cái cầu đá ấy, chị hoảng hốt nhung cũng kịp nhoai vào cái mô đá ở chân cầu, tí nữa thì bị xuôi theo dòng nước. Từ đó đến giờ, chị vẫn chưa bơi được!).
Tôi cũng như nhiều bạn, rất nhớ những buổi chiều tối lớp 5B hay chơi trận giả. Bên nữ thì Nguyệt Nga đứng đầu, còn nam thì có lẽ là Nguyên Hân. Nguyên Hân nổi tiếng là “ác ”, còn được mệnh danh là “phát xít”. Tôi và nhiều bạn nữ trốn, bị phát hiện, không kịp chạy, bị bắt, bị vặn tay, hoặc dùng thắt lưng da quật túi bụi không thương tiếc. Đau lắm mà chị em nữ vẫn chịu đựng.
Một lần, có bạn nam trong lớp gọi đi tâm sự; chúng tôi đi đi, lại lại ngay sân sau nhà nữ, chẳng nhớ nói những chuyện gì, nhưng sau đó, tôi bị các bạn nữ chế mãi. Sau này, khoảng đầu những năm 70, tôi gặp lại bạn ấy ở khu tập thể nhà tôi. Bạn ấy nói: ngày xưa tớ thích cậu. Bị bất ngờ, tôi lúng túng chẳng biết nói gì. (Khi ấy còn trẻ nên không dám mạnh miệng như các cụ bây giờ).
Trong lớp, tôi ngồi ở dãy bên trái, bàn đầu. Bên phải tôi là Minh Kim, hay Thanh Mai nhỉ? Bên trái là Minh Ngọc, kế tiếp đến Trần Lương, họa sĩ đã quá cố. Sau lưng tôi bàn thứ hai, là Thanh Hiền ngồi ngoài, rồi đến bạn Hoàng Kỳ có vóc người nhỏ, hay vẽ người lính cầm súng và đội mũ kiểu như phát xít Đức, cách một bạn đến Quang Trung ngồi ngoài cùng, sát cửa sổ. Chiến Thắng, Bá Hoàng, Băng Ngạn ngồi bàn dưới cùng, gần cửa ra vào. Mấy bạn này tôi chả bao giờ nói chuyện. Khi mới sang Liên Xô tôi đã vẽ một sơ đồ chỗ ngồi của cả lớp để khỏi quên tên các bạn, nhưng rồi bỏ đâu mất, tôi tự trách mình mãi. Bây giờ thì không thể nhớ lại được nữa. Song tôi vẫn nhớ tên và chỗ ngồi của nhiều bạn như Mộng Ngọc, lớp trưởng đã quá cố, Đỗ Bảo, Nho Châu, Nguyên Hân, Phạm Kiên, Kim Trâm, Ngọc Trâm, Nguyệt Nga, Nguyệt Ánh, Nữ Hiếu, Dục Tú…
Thật may mắn, khi tôi cùng một số ít bạn được sang Liên Xô học tập, trong lúc phần lớn các bạn khác ở lại trường học tiếp. Một niềm vui lớn tràn ngập tâm trí tôi cùng với nỗi lo âu, hồi hộp khi nghĩ về một cuộc sống mới tươi đẹp đang chờ đón mình ở một nơi xa tít tận chân trời. Song, phải xa lớp, xa các thầy cô, các bạn, tôi lại thấy rất buồn, nhớ và luyến tiếc. Càng gần ngày chia tay tôi càng quyến luyến với bạn bè, với các thầy cô như chị Quế, anh Lại, anh Quý, những người coi tôi như em, thay cha mẹ bảo ban, dạy dỗ.
Khi loa của trường thông báo danh sách những người được đi Liên Xô học, tôi đang cùng với Yến Nga và Lệ Tiến đi bắt con cánh cam chơi. Lúc về, nghe các bạn nói lại, tôi cứ tưởng mọi người đùa. Thương Lệ Tiến vô cùng khi sau này một lần gặp Ngọc Trâm được biết tin bạn đã mất. Rất buồn là tôi và Lệ Tiến chưa hề gặp lại nhau từ khi rời Quế Lâm. Yến Nga tôi cũng chưa gặp lại. Bạn ấy nguyên là đội viên Thiếu nhi Tháng Tám được kết nạp từ trong nước, giống như Lê Đắc Liêu, tôi rất ngưỡng mộ. Mãi tận 20.6.1954 tôi mới được kết nạp vào Đội, cùng với Ngọc Trâm. Tôi nhớ trong buổi lễ kết nạp có bác Phương Hoa trao khăn quàng đỏ và dặn dò các đội viên mới. Khi chia tay, tôi và Ngọc Trâm đã đổi khăn quàng đỏ cho nhau làm kỷ niệm. Tôi giữ chiếc khăn thêu hai chữ Ngọc Trâm đến tận đầu những năm 80 của thế kỷ trước mới tặng lại cho con gái khi nó được kết nạp vào Đội. Tôi và Trâm còn đổi áo cho nhau nữa, chiếc áo hoa ấy sang Liên Xô tôi còn mặc mãi. Hồi ở Nga, có lần Trâm gửi cho tôi ảnh chụp cùng với Mẹ, lúc ấy bà rất trẻ đẹp. Các bạn tôi, cả Việt lẫn Nga, ai xem cũng bảo là hai chị em.
Tôi không quên được hình ảnh Nguyệt Ánh, Nguyệt Quý, hai chị em gầy gò yếu ớt hay dắt nhau đi ở sân trường, tôi rất cảm thông cảnh mồ côi của hai bạn ấy. Nữ lớp mình có Kim Trâm vừa xinh vừa giỏi, được đi dự trại hè quốc tế, bạn kể đã nấu món canh cà chua trứng khi thi nấu ăn; Nguyệt Nga chơi bóng chuyền sáu rất giỏi. Thúy Kim thì nằm cùng giường hai tầng với tôi, tôi tầng trên, bạn tầng dưới. Tôi sinh hoạt nhóm tâm giao cùng với Tuyết Minh và Thanh Mai. Khi đoàn 70 sắp lên đường nhiều bạn nữ viết lưu niệm cho tôi lắm, đầu tiên là Lệ Tiến rồi đến Yến Nga, … nhưng các bạn nam thì không ai viết. Các bạn nữ lớp mình và nhiều chị lớp 5C, lớp 6A, các thầy cô viết lưu niệm rất cảm động, chứa chan tình thương nhớ, lưu luyến, dặn dò khiến tôi cứ đọc là lại khóc rưng rức, sưng cả mắt. Quyển sổ lưu bút ấy cho đến ngày hôm nay tôi còn giữ.
5. LẠI GẶP NHAU
Hà Nội nhỏ bé, chật chội, đi đâu cũng hay gặp người quen. Hồi mới về nước công tác tôi hay gặp Chiến Thắng, Xuân Hoài, Trần Lương, có lần gặp Minh Ngọc ở gần Viện Sử, gần nhà tôi, Thế Long, Hữu Hùng giữa phố, có lần gặp Quang Trung ở trong trường ĐH TH, gặp Minh Kim trên đường về quê Bắc Ninh, bạn dạy học ở đó, gặp Ngọc Trâm mấy lần. Khi đó là thời chiến, phải lo bao nhiêu chuyện nên bạn bè không giữ được liên lạc và ít có điều kiện gặp nhau, nhưng mỗi lần gặp đều rất mừng rỡ. Sau này, cách đây khoảng 20 năm, khi còn công tác ở báo Tin Việt Nam tôi có gặp Băng Ngạn và kết quả là vang Thăng Long của bạn đã được quảng cáo trên mấy tờ báo xuất bản bằng tiếng Nga, Anh, Pháp của cơ quan tôi nhằm mục đích giới thiệu vang Thăng Long của Việt Nam cho bạn đọc nước ngoài. Bạn Băng Ngạn đã thưởng cho cơ quan tôi rất hậu bằng cách cho say lướt khướt bằng rượu vang của bạn ấy, mọi người liên hoan uống không hết còn chia nhau đem về. Tôi thì được ông chủ vang khao một bữa thịnh soạn ở Tràng Tiền, (đối với thời ấy là sang lắm đấy).
Hồi công tác ở Moskva tôi may mắn được gặp các bạn Phạm Kiên, Mai Tâm, Xuân Phú, Trương Trác cùng công tác ở Đại sứ quán với tôi. Nhờ đó mà có lần tôi được gặp các bạn Duy Khắc, Quang Trung, Cát Hồ, Hương Mạch… ở nhà Mai Tâm. Có những bạn tôi đã gặp lại từ thời học đại học như Dục Tú, Tạ Minh, Duy Khắc cùng học trường Lomonosov Moskva, còn Lệ Thủy, Bang Ngạn, Nguyên Hân, Phạm Kiên, Tài Đức học ở trường khác nhưng hay đến trường tôi chơi. Trước khi sang Moskva công tác tôi có học một khóa chính trị Mác-Lênin của trường Nguyễn Ái Quốc cùng với Dục Tú, Mai Tâm, Xuân Phú, lúc đó mấy đứa khá thân với nhau. Khi hết hạn công tác ở Đại sứ quán VN tại Tashkent Uzbekistan về nước, con gái tôi cho biết bạn Đỗ Bảo đã giúp đỡ cháu rất nhiều khi cháu học môn “Mỹ thuật” của bạn ở khoa Văn ĐHTH HN, tôi rất cảm động và biết ơn bạn. Thế mới biết, bạn bè Quế Lâm có khác, ở đâu cũng đều thân thiết, quý mến, giúp đỡ nhau hết lòng.
6. TỪ QUẾ LÂM ĐẾN INTERNAT MOSKVA
Rời Quế Lâm đi cùng đoàn 70 sang Liên Xô từ khối lớp 5 có 20 bạn trong đó chỉ có 3 nữ là Thanh Hiền, Tú Uyên và tôi (5B). Nam 5B có 5 bạn: Hồ Anh Dũng, Trần Xuân Hoành, Phan Trúc Long (đã mất), Phạm phu, Lô Quang Phú. Từ 5A có 8 bạn nam: Cao Việt Bách, Ngô Quốc Bưu, Hoàng Kim Chung (đã mất), Nguyễn Quang Huỳnh (đã mất), Hồ Uy Liêm, Lê Đắc Liêu (đã mất), Lưu Văn Lượng, Nguyễn Duy Thắng. Từ 5C có 4 bạn là Ngô Duy Cường, Lê Đông Hải, Phạm Khoản, Trần Phú thuyết. Tất cả chúng tôi cùng với 7 bạn từ Khu học xá Nam Ninh (Nguyễn Văn Chương, Hoàng Đức Du - con chũ Lã, Đỗ Dũng, Nguyễn Bích Hà - chị Nữ Hiếu, Trần Nguyệt Hồng, Hoàng Hữu Nhiếp, Đặng Hồng Phương) được xếp vào lớp 4 để học tiếng Nga, sang năm sau vào lớp 5 cùng học với các bạn Nga ở trường Phổ thông Trung học gần nhà. Chúng tôi được sống cùng nhau trong một ngôi biệt thự 2 tầng sang trọng nguyên là của một vị lãnh đạo cấp cao trong Chính phủ Liên Xô, nữ ở tầng trên, nam ở tầng dưới, xen lẫn với các phòng học, hội trường. Tầng hầm là nhà bếp, nhà ăn, nhà tắm, thư viện và phòng thủ công. Có sân chơi và khu vườn khá rộng. Chúng tôi sống bên nhau cho đến khi học hết phổ thông trung học. Hàng ngày sáng thì đến trường, chiều thì tự học, học ngoại khóa, vui chơi giải trí cùng nhau như một gia đình lớn. Suốt trong những năm học phổ thông chúng tôi không được phát tiền. Một hai tháng được viết 1 lá thư về nhà đưa các chị phụ trách gửi hộ. Ăn, mặc, học, chơi, nghỉ hè, tham quan… đều đã có nhà trường cùng các cô phụ trách người Nga lo cho. Việt Nam chỉ có 3 cán bộ phụ trách kiêm dạy thêm tiếng Việt. Chúng tôi sống với  nhau như anh em một nhà. Thương nhau, yêu nhau, ghét nhau, lấy nhau, bỏ nhau đều có cả. Vào đại học hầu hết chúng tôi học Đại học Tổng hợp Lomonosov Moskva các ngành toán, lý, hóa, sinh, ngôn ngữ cho nên vẫn thường xuyên gặp nhau. Khi về nước công tác đúng lúc thời chiến mỗi người một nơi. Ở bất cứ nơi nào chúng tôi đều cống hiến hết mình. Nhiều bạn (2/3) sau này được đi học nghiên cứu sinh và bảo vệ luận án Tiến sĩ, Tiến sĩ Khoa học, trở thành các nhà khoa học, nhà giáo có uy tín, Giáo sư, Phó Giáo sư, hai bạn là nhạc sĩ – một là NSND Cao Việt Bách, hai là NSƯT Đỗ Dũng, hai người là Đại tá quân đội, có bạn làm Viện trưởng, có bạn làm quản lý cấp Thứ trưởng, Bộ trưởng. Còn tôi là một phó thường dân có trách nhiệm. Sau chiến tranh thỉnh thoảng có dịp chúng tôi lại tụ tập gặp nhau ôn lại tuổi thơ. Càng về sau này các cuộc gặp gỡ càng được tổ chức đều đặn thường xuyên hơn.
Đó là vài nét sơ qua về bản thân và một số bạn bè xuất thân từ lớp 5 Lư Sơn - Quế Lâm - Khu học xá Nam Ninh.
Tóm lại ở đâu chúng ta, những cựu học sinh Quế Lâm hay Internat cũng đều là những công dân tốt, có trách nhiệm, cống hiến hết mình cho đất nước và luôn là những người bạn tận tình thân thiết của nhau.
Hà Nội, 26.02.2008
Lê Tiến Hoàn
--------------------------------
COMMENTS
 THANH MAI,  Wednesday February 27, 2008 - 11:20am (ICT)
 Sao Tiến Hoàn nhớ tỉ mỉ nhiều thứ thế? Qua bài của bạn mình mới hiểu được tuổi thơ của bạn nhiều đau thương và quá vất vả, phải tự lập trong cuộc sống. Điều đó mình thật không tưởng tượng nổi!
Hồi đó Thanh Mai ngồi cạnh Tiến Hoàn chứ không phải Minh Kim đâu, vì mình nhớ là Minh Ngọc, Hoàn, Mai đã từng thi làm bài tập toán xem ai làm nhanh hơn, nhưng không nhớ ai nhanh nhất.
.........
 Dang Nguyet Anh, Wednesday February 27, 2008 - 12:35pm (ICT)
Đọc hồi ký của Tiến Hoàn mình đã phải khóc rất nhiều – Cứ nhòe nhẹt nước mắt nhưng mà đã đọc một mạch từ đầu đến cuối mặc dù rất dài.
Mình thương tuổi thơ của Hoàn đã phải chịu quá nhiều khổ cực. Trước đây mình cứ nghĩ, khổ nhất là nỗi khổ mất mát người thân. Nào ngờ Hoàn không chỉ mất người thân mà còn phải một mình kiếm sống và tự lo lắng cho mình khi mà mới chỉ là một cô bé con.
Mình phục Hoàn vì Hoàn nhớ nhiều về nhưng kỷ niệm tuổi thơ khi chúng mình sống bên nhau ở Quế Lâm. Hoàn là người sống sâu sắc và rất tình cảm nên Hoàn mới nhớ nhiều như vậy.
Cuộc đời thật công bằng, bố mẹ thật linh thiêng đã bù đắp và nâng đỡ Hoàn. Và với sự phấn đấu của mình Hoàn đã trưởng thành và thành đạt. Hoàn có thể tự hào về mình và yên tâm, thanh thản để sống những ngày vui vẻ và hạnh phúc bên con cháu. Mong rằng Hoàn luôn yêu mến và dành nhiều thời gian và tình cảm cho bạn bè Hoàn nhé.
..........
Nguyen Ngoc Tram, Wednesday February 27, 2008 - 05:45pm
Đọc Entry của Tiến Hoàn tôi rất xúc động, thương bạn quá. Từ hồi ở Lư Sơn - Quế Lâm tôi đã rất quý Tiến Hoàn, rất nhớ là Hoàn đã mất cha mẹ từ nhỏ. Thế nhưng chỉ lần này tôi mới hình dung được cảnh bơ vơ, không nơi nương tựa của Hoàn; lúc phải một mình nghèo khó tự kiếm sống, khi phải trải qua nỗi sợ hãi trong vùng địch chiếm… trong tuổi thơ của Tiến Hoàn. Nhưng nếu coi vất vả tuổi thơ là đặc điểm thứ nhất, thì sống trong tình bạn là đặc điểm thứ hai của Tiến Hoàn. Hoàn có nhiều bạn, đi đâu cũng gặp bạn, và biết quý trọng tình bạn. Tôi và Tiến Hoàn trao đổi thư từ suốt những năm học phổ thông, rồi đại học. Chỉ có những ngày Kháng chiến chống Mỹ, những vất vả trong cuộc sống, công việc, gia đình… khiến chúng ta ít liên hệ với nhau mà thôi. Vậy mà một lần hai đứa gặp nhau trên đường đi sơ tán, vừa dừng xe đạp nói với nhau được hai ba câu thì Hoàn òa lên khóc: con đầu của Hoàn vừa mới mất! Nỗi đau lớn quá, thương bạn vô cùng! Rồi Hoàn cũng chịu đựng được, và rất may là những điều tốt lành dần đến với bạn. Hai cháu sau của Hoàn đều đã trưởng thành, khỏe mạnh xinh đẹp, có gia đình và nghề nghiệp tốt. Hoàn đang có cuộc sống hạnh phúc thoải mái bên con cháu, với bạn bè. Mãi mãi khỏe vui, trẻ trung yêu đời và làm nòng cốt trong Blog lớp ta nhé!

* * * *
----------------------------------------------------
Hình ảnh sẽ không sử dụng in vào sách

Fidel nhạo chuyến thăm Cuba của Obama

Fidel Castro người trao quyền lực cho em trai mình 10 năm về trước.

Cựu Chủ tịch Fidel Castro vừa lên tiếng về chuyến thăm Havana của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama qua một lá thư đăng trên báo Granma của Đảng Cộng sản Cuba. Fidel, anh trai của Chủ tịch Raul, tuyên bố Cuba "không cần quà cáp gì từ đế quốc" Mỹ.
Ông nói phát biểu của ông Obama về hòa hợp hòa giải là "thớ lợ" và có thể gây đau tim cho dân Cuba.
Trong bài diễn văn tại Havana, ông Obama nói đã đến lúc chôn sâu tàn dư của Chiến tranh Lạnh ở châu Mỹ.
Trong bức thư 1.500 chữ, Fidel Castro nhắc lại sự kiện Vịnh Con Heo năm 1961, khi quân người Cuba lưu vong được CIA hỗ trợ định chiếm lại hòn đảo.
Vị cựu lãnh đạo 89 tuổi nói "đề xuất khiêm tốn" của ông là ông Obama "cần suy nghĩ và không nên tìm cách đưa ra các giả thuyết về nền chính trị Cuba".
Trong chuyến đi của mình, ông Obama dự báo về "tương lai đầy hy vọng" của Cuba trong bài diễn văn được phát trực tiếp trên truyền hình từ Nhà hát lớn ở thủ đô Havana.
Ông nói với Chủ tịch Raul Castro rằng không nên sợ hãi Hoa Kỳ cũng như tiếng nói của người dân Cuba.
Ông Obama kêu gọi gỡ bỏ lệnh cấm vận kéo dài 54 năm nay đối với Cuba, và được cử tọa nhiệt liệt hoan hô.
Lệnh cấm vận này là một trong những khúc mắc chính trong quan hệ song phương, nhưng chỉ có Hạ viện mới có quyền gỡ bỏ.
Chuyến thăm của ông Obama là chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Mỹ tới Cuba kể từ cuộc cách mạng năm 1959.
-----------------------------------
BBC 29/3/2016

ĐỪNG MẢI HÁT MÀ QUÊN "ĐẠO CHÍCH NHẬP NHA"

Chuyên gia Nga cảnh báo: 
Tình hình Biển Đông rất nguy hiểm
 Mấy ngày gần đây Bộ trưởng quốc phòng TQ Thường Vạn Toàn sang thăm VN nói toàn những lời "có cánh". Trên sân khấu liên hoan hữu nghị nhân Giao lưu quốc phòng Việt-Trung, ông Nguyễn Chí Vịnh và ông Phùng Quang Thanh hát rất say sưa bài " Việt Nam Trung Hoa núi liền núi sông liền sông, chung một biển Đông ..." (Nhiều kênh VTV có phát lại). Nhưng trên thực tế TQ nói 1 đằng, làm một nẻo, điều này đã thành truyền thống, thành đặc thù dân tộc . Dưới đây chỉ là 1 trong nhiều thí dụ, mà " bạn"  Nga ( phải chăng) muốn nhắc nhở chúng ta (?) .

VietTimes  
Tại khu vực này, Trung Quốc sẽ thiết lập các vùng phòng không, xuất hiện các vũ khí tên lửa, tạo ra những "tàu sân bay không thể chìm" có nhiệm vụ giám sát đường "lưỡi bò" - khu vực rộng 2,2 triệu km2, tương đương diện tích bề mặt 80% Biển Đông.
Trung Quốc đã lắp đặt các hệ thống radar tầm xa trên đảo Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa của VN

Đây là quan điểm nhất trí của những người tham dự hội thảo quốc tế được tổ chức tại Moscow. Hội thảo đã thảo luận những vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại các vùng biển chưa được phân chia như Bắc Cực, Biển Caspian và Biển Đông. Trong đó, Biển Đông là chủ đề chính.
Hội thảo được tổ chức bởi Đại học tổng hợp Pháp luật Nga, khoa Nghiên cứu Hiến pháp pháp luật. "Tình hình ở Biển Đông, nhà phân tích chính trị Dmitry Mosyakov, một thành viên dự hội thảo nhận xét, đang dần dần chuyển sang cấp độ pháp lý. Việc trở nên quan trọng hơn chính là tìm kiếm phương pháp tiếp cận chung giải quyết những vấn đề đang ngày một thêm gay gắt”.
Thứ nhất, giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á tồn tại những tranh chấp lãnh thổ, trong khi đó Trung Quốc khó có thể kiểm soát hết những vùng biển bên trong đường "lưỡi bò" được tuyên bố và là những khu vực đánh bắt cá truyền thống của ngư dân Việt Nam, Malaysia, Philippines. Hiện Trung Quốc đang từng bước thực hiện tham vọng “đường lưỡi bò” ngang ngược này như ranh giới hàng hải do Bắc Kinh yêu sách chủ quyền.
Trung Quốc đang xây ba trung tâm trụ cột chính: ở phía nam và trung tâm quần đảo Trường Sa, trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tại khu vực này, Trung Quốc sẽ thiết lập các vùng phòng không, xuất hiện các vũ khí tên lửa, tạo ra những "tàu sân bay không thể chìm" có nhiệm vụ giám sát đường "lưỡi bò" - khu vực rộng 2,2 triệu km2, tương đương diện tích bề mặt 80% Biển Đông.
Việc biến đường "lưỡi bò" thành biên giới biển thực sự của Trung Quốc là một thảm họa đối với tất cả các nước Đông Nam Á ở ven biển. Trung Quốc có thể biến bất kỳ rạn san hô thành đảo, kể cả các rạn không nhô khỏi mặt nước khi thủy triều lên. Tiếp đến là việc công bố các rạn san hô là đảo, xung quanh đảo có vùng lãnh thổ 12 dặm của Trung Quốc, rồi khu vực kinh tế 200 hải lý kéo dài thêm thềm lục địa của Trung Quốc, bất chấp luật pháp quốc tế.
Các đối thủ của Trung Quốc có lập trường không có gì thay đổi: Rạn san hô vẫn chỉ là bãi đá ngầm không đem lại quyền sở hữu lãnh thổ, rằng Biển Đông là diện tích mặt nước tự do hàng hải của tất cả các quốc gia. Khu trục hạm Mỹ đã ghé khu vực, không quân Mỹ thực hiện các chuyến bay tới đây, Washington điều cụm tàu sân bay chiến đấu tới Biển Đông. Còn Trung Quốc đe dọa sẵn sàng đánh đắm bất kỳ ai đi vào đường "lưỡi bò".
Các thành viên tham gia hội thảo ở Moscow đã thống nhất ý kiến: Cần thiết đóng băng tất cả các dự án xây dựng trên Biển Đông, tăng tốc đề thảo Bộ luật ứng xử tại vùng biển này và thành lập một ủy ban quốc tế với nhiệm vụ phi quân sự hóa Biển Đông. Đó là lý do vì sao công việc hàng đầu là làm rõ các vấn đề pháp lý, đạt được sự đồng thuận pháp lý.
Theo Sputnik

Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2016

LỚP NGA NGỮ BK HỌP MẶT ( THÔNG TIN CỦA CỤ ĐINH QUANG GIANG )


        Năm nào cũng vậy ,vào một ngày đầu Xuân các cụ lớp Nga văn Bắc kinh Nga ngữ Học viện tốt nghiệp năm 1959 lại gặp mặt ở nhà một cụ đã đăng cai “Hội nghị”.
     Năm nay lớp tổ chức tại Lâm trang của vợ chồng cụ Quyết Tâm bên bờ hồ Đại Lải tỉnh Vĩnh Phúc. Khu nhà ở làm  bằng gỗ  kiểu cổ nằm giữa trang trại rộng tới 4 ngàn mét vuông thật thoáng đãng,  nổi lên trong các vầng cây cao, xanh mát.
      Gặp nhau ai cũng nở nụ cười với những vòng tay ôm chặt hai vai và những cái bắt tay thân thiết. Đặc biệt là cụ Xuân Tế nhiều năm nay mới lại có  dịp từ xứ Nghệ ra họp lớp, làm cho mọi người thêm vui mừng phấn khởi, nhất là khi thấy cụ còn phương phi, giọng nói còn mạnh mẽ và bước đi chưa hề có dấu hiệu  thoát vị tý nào.
     9,30 giờ cuộc họp bắt đầu. Cụ Thúy Bình, Trưởng  BLL đọc danh sách 18 cụ đã vĩnh viễn đi xa và mọi người lặng đi phút mạc niệm.
     " Sinh-Lão-Bệnh-Tử" là quy luật của vòng đời . Năm nay nhiều cụ tuổi đã cao, sức khỏe giảm, lại ở quá xa như TP Hồ Chí Minh  không tới dự được, nên cuộc họp ít hơn mọi năm. Song buổi  họp mặt vẫn rất vui và sôi nổi. Các bài hát Nga Xô viết : Chiều Matxcơva, Cây thùy dương, Đôi bờ , Triệu bông hồng từ đĩa DVD của cụ Giang làm, rôn rã vang lên trên màn hình vô tuyến càng gợi cho mọi người nỗi nhớ  thời trẻ trung, khi còn học ở trường.
      Cụ Đỗ Long đọc bài viết của  mình về những chặng đường của lớp Nga văn, mà cụ mới gửi đăng Blog của khối 5 lusonquelam.blogspot và để đưa vào cuốn kỷ yếu Ngược dòng ký ức của khối . 


Cụ Phạm Kiên có  lời bình luận và mọi người cùng nhau ôn lại những kỷ niệm quá khứ đẹp đẽ thời thơ ấu đã hơn 60 năm trôi qua mà vẫn tươi mới thật khó quên . Cuộc hop kết thúc lúc 12 giờ và mọi người cùng nâng cốc , dùng bữa cơm thân  mật do cụ Quyết Tâm đài thọ. Rất tiếc là cụ Dễ phu quân của cụ Quyết Tâm- con dê của lớp đang có công việc ở TP mang tên Bác,  không về dự được. 
       Dịp kỷ niệm 50 năm tốt nghiệp, lớp Nga văn cũng họp tại đây vào ngày 21 tháng 10 năm 2009, nhưng ngồi xếp chân vòng tròn  trên sập và trên sàn, ở trong ngôi nhà gỗ chính có gian thờ phụng . Trong lúc ăn , cụ Giang đọc lại bài” 50 năm Nga ngữ một chặng đường” đã đăng trên Blog của lớp ngày 22/10/2009 được mọi người vỗ tay  nhiệt liệt.
       Sau bữa tiệc , 2 giờ 30 mọi người ra trước cửa nhà lớn, trước cây mai vàng rực cánh hoa muộn  nở, để chụp chung pô ảnh kỷ niệm. Ảnh gồm 16 cụ , nhưng lại có thêm  chú  béc vàng bảo vệ khu nhà rừng rộng lớn cũng bùi ngùi  lưu luyến khách trước lúc ra về.
 Tác giả ( bên phải) và cụ Xuân Tế từ Nghệ An ra dự họp mặt
      Xe ô tô 28 chỗ ngồi  đưa đoàn đi thăm vùng trồng cây gây rừng với những khu rừng thông  rậm , xanh, cao vút, rồi về Hà nội. Còn cụ Giang vẫn chiếc xe máy đến khu du lịch Đại Lải ngắm một  lúc con tàu chở khách đang đi ra đảo và giao du chút ít , rồi phóng thẳng một mạch về đất Tổ - nơi các Vua Hùng tọa lạc.   
       
        Kèm theo là mấy tấm ảnh tôi chụp, để các cụ khối 5 Quế lâm –nơi chia tay với các cụ để đi học Nga văn, cùng chia vui với chúng tôi.
                                                           
                                                              Việt trì  Ngày 23/3/2016
                                                                     Bài và ảnh : Đinh Quang Giang

Thứ Ba, 8 tháng 3, 2016

CỰU NỮ SINH TRƯỜNG INTERNAT (Tp.HCM) HỌP KÍN VÀO NGÀY 8/3 ?

Họ tổ chức họp mặt rất ...bí mật ! Tất cả các thành viên tới dự đều che , bịt kín mặt ( nếu đi xe ôm) và nếu xe taxi thì khi lến xuống rất cẩn trọng, giống vẻ các bà già đi lễ chùa ! Tuy nhiên vào đến nơi họp ( Tư gia cụ Nhật Lệ), thì họ liền biến nơi đây thành cái chợ nông trường ngoai ô Matxcova !
Hơn 60 năm trước họ là những nữ sinh Việt Nam  xinh đẹp và duyên dáng tung tăng đi giữa Thủ đô Liên bang Xô viết . Bây giờ , tuy đã lên chức bà nội, bà ngoại...nhưng những nét đẹp "tiềm ẩn" nơi họ, dân làng CuLo chúng ta vẫn rất dễ nhận ra !
Nhân kỷ niệm ngày QTPN, Xin nâng  ly chúc các bạn Sức khỏe và Hạnh phúc !
( Mõ Calathau cảm hứng sau khi nhận được bức 2 ảnh trên từ cụ bạn Tiến Hoàn- Rất cảm ơn !)

MỒNG 8/3 - NGẮM LẠI NHỮNG GƯƠNG MẶT BẠN GÁI K5 MỘT THỜI CHƯA XA.

Dưới đây là một số hình ảnh có chị Quế ( cô giáo chúng ta) và các bạn nữ K5 ( thêm các chị là dâu K5) .....những năm trước (Sắp xếp ngẫu nhiên, không theo thời gian.)
Hôm nay8/3 ngày Phụ nữ Quốc tế, cũng là kỷ niệm sinh nhật bang trưởng Lệ Thủy ( tổ chức tại nhà riêng ở HN) . Nghe Phạm Kiên thông báo có chừng 20 "cụ bạn" đến dự . Thật vui, hàng năm cứ vào ngày 8/3 lại thêm một cơ hội để bạn cũ gặp nhau hàn huyên tâm sự.
Thay mặt các bô lão Làng ta, kẻ ở xa, người ở gần không có mặt tham dự,  Mõ xin gửi lời Chúc đến Bang trưởng Lệ Thủy :
SỨC KHỎE -VUI VẺ - HẠNH PHÚC 

NỮ SINH TRƯỜNG TA NGÀY XƯA

 Nữ đội viên Thiếu niên Tiền phong (?)

Các em nữ năng khiếu học vẽ ( Lớp 2)

 Màn múa của nữ sinh  ( Nhận ra Ngọc Trâm đi cuối đội hình )

 Các em Lớp 4 ( vì nhận ra em Phụng Mỹ )

 Lớp 6A  ( Anh cả đỏ của Trường)
Nữ đội viên Thiếu niên Tiền phong của Trường
VÀ "NỮ SINH K5" MẤY NĂM TRƯỚC










-----------------------------------
(Ảnh rút từ kho tư liệu của Làng lusonquelam,blogspot.com)

BÀI VIẾT THAM GIA IN SÁCH CỦA BẠN ĐỖ LONG ( ĐOÀN NGA NGỮ)

CHUẨN BỊ HÀNH TRANG VÀO ĐỜI 
( Tên cũ : Quá trình phấn đấu và trưởng thành )
Đỗ Long
Lớp Sinh viên VN tốt nghiệp đầu tiên tại Khoa Nga ngữ  Học viện Ngoại ngữ (Bắc Kinh 1/7/1959)

Tác giả Đỗ Long
Ngày 28 tháng 8 năm 1955, 25 học sinh từ Quế Lâm và 25 học sinh từ khu học xá Nam Ninh được chọn đi Bắc Kinh học tiếng Nga để sau này về nước phục vụ sự nghiệp khôi phục và phát triển kinh tế. Tất cả chúng tôi đều có kết quả học tập khá giỏi, nghiêm túc chấp hành kỷ luật của nhà trường và sẵn sàng nhận quyết định của lãnh đạo với tinh thần “đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần”. Nhờ sự giáo dục của cha mẹ và các thầy cô nên chúng tôi đều vui vẻ chấp hành ý kiến của tổ chức, không hề đề đạt bất cứ một đề nghị nào khác. Chỉ trong 2 năm học ở Lư Sơn, Quế Lâm hay Nam Ninh chúng tôi đã nhiều lần được nghe những lời răn dạy của Bác Hồ: “Học để làm người, làm cách mạng”, “học để phụng sự Tổ quốc”, “phục vụ nhân dân”. Thấm nhuần những tư tưởng ấy, giá trị chân chính của đạo làm người đã sớm được xác định, lý tưởng cuộc đời của mỗi người đã được kiểm chứng ngay từ những ngày đó.
Sau 2 năm học chúng tôi đã nắm được những kiến thức cơ bản của tiếng Nga hiện đại. Hầu hết anh chị em chúng tôi đều hoàn thành xuất sắc toàn bộ chương trình học tập bắt buộc và không một ai bị trách cứ về ý thức tổ chức kỷ luật. Sau khi Bác Hồ đi Liên Xô trở về, Nguời đã nghỉ tại Bắc Kinh vài ngày. Đại sứ quán đã bố trí cho chúng tôi được gặp riêng Bác. Đồng chí đại sứ cũng đề nghị cho chúng tôi được đi Nga để học một số chuyên ngành khác. Sau mấy phút suy nghĩ, Bác đã không nhất trí với đề nghị nêu trên với lý do nhà nước ta rất cần người biết tiếng Nga giỏi để phục vụ công tác đối ngoại và các công việc khác. Chúng tôi chấp hành nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Bác và tiếp tục say sưa học tập.
Những người trực tiếp giảng dạy tiếng Nga cho chúng tôi là các giáo sư, tiến sỹ và một số phu nhân của các chuyên gia Liên Xô khi đó đang công tác ở một số lĩnh vực khác. Ngoài ra, việc học tiếng Nga như nghe, nói, đọc, viết, dịch, anh chị em chúng tôi đều đạt những thành tích khả quan. Việc học các môn khác như “triết học”, “chính trị kinh tế học”, “Lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc”… chúng tôi đều đạt diểm khá giỏi vì các thầy cô đã nhiều năm có kinh nghiệm giảng dạy các môn này. Tuy nhiên, cũng gặp khó khăn khác như phải tốn thời gian gấp đôi cho việc dịch thuật từ tiếng Trung sang tiếng Việt, sách vở bằng tiếng mẹ đẻ lại không có. May thay, anh Đặng Bảo Cường – một Hoa kiều rất giỏi tiếng Việt luôn sống cạnh chúng tôi - thường giúp giải thích rõ hơn những điều khó hiểu mà thầy cô giảng trên lớp.
Được học văn học Nga, văn học Xô Viết vả Ngôn ngữ học – với chúng tôi – là một điều lý thú. Các tác giả, tác phẩm kinh điển của văn học Nga, văn học Xô Viết đều được thầy Grigoravich Xecgây Caplencô phân tích giảng giải kỹ lưỡng và thấu đáo. Những đỉnh cao của thơ Nga như Pushkin, Êxênhin, Maiacôvxki, Ximônôv… đều được thầy lý giải rõ ràng và dễ hiểu. Chẳng hạn, tác phẩm thiên tài của Mácxim Gorki viết về “Bài ca Chim báo bão” được thầy đã nhiều lần đọc thuộc lòng đến mức chúng tôi cũng thuộc. M. Gorki đã dùng phụ âm “R” tựa như tiếng sấm để nói lên xã hội Nga lúc đó đang rung chuyển trong các đêm hôm trước khi nổ ra cuộc Cách mạng Tháng Mười! Thầy Caplencô – một Viện Sỹ thông tấn để lại trong chúng tôi nhiều ấn tượng sâu sắc không thể nào quên.
Các thầy cô giáo Trung Quốc cũng quan tâm chăm sóc chúng tôi, thuờng xuyên lo lắng cho sinh hoạt của từng người. Vừa đến Bắc Kinh vào đầu tháng 9 thì ngày 1 tháng 10 nhân dịp Quốc khánh của nuớc bạn, tất cả chúng tôi đều được nhận giấy mời đứng trên lễ đài phía trái Thiên An Môn để xem duyệt binh và diễu hành. Khẩu phần ăn của chúng tôi bao giờ cũng được cung cấp đầy đủ, kể cả những khi Trung Quốc gặp khó khăn về luơng thực, thực phẩm. Vị Hiệu trưởng Dương Tích Trù, bà Tế Bình- Bí thư Đảng ủy, bà Triệu Huy – chủ nhiệm khoa tiếng Nga luôn đến hỏi thăm tình hình sức khỏe, học tập, tu dưỡng, sách báo, văn nghệ, giải trí, thể dục thể thao… của anh chị em chúng tôi.
Một sự quan tâm chăm sóc từ phía bạn đối với chúng tôi còn đậm nét cho đến bây giờ là sau khi nhận được lời đề nghị của Đại sứ quán ta, Học viện Nga ngữ và Đại học Bắc Kinh đã đáp ứng ngay nguyện vọng chính đáng của chúng tôi. Đó là, để bù đắp những thiếu hụt về tri thức khoa học xã hội, hai nhà trường đã đồng ý cử thầy Nguyễn Văn Tu – chuyên gia Đông Phương học sang dạy về văn sử địa trong 2 năm đầu. Nhờ vậy, chúng tôi đã ít gặp khó khăn trong những công tác sau này.
Đại sứ quán ta mà đaị diện là anh Phạm Bình – công sứ, anh Trần Cao Thành – bí thư thứ nhất, anh Lê Bá Cáp - bí thư thứ hai, thường xuyên chăm sóc, thăm hỏi chúng tôi. Các anh bố trí cho chúng tôi được gặp Bác, gặp đồng chí Trường Chinh, gặp đồng chí Lê Duẩn. Đây là những kỷ niệm đã đọng laị trong lòng mỗi nguời những ấn tượng, những suy nghĩ sâu sắc.
Những tình cảm chân tình của các anh chị y tá, của cụ già 4 năm dòng nấu nướng cho chúng tôi ăn, khi chia tay lấy áo choàng trắng lau nước mắt… mãi vẫn còn là những ấn tượng đẹp kể cả khi chúng tôi không còn hồn nhiên như lúc trên vai còn mang một góc cờ của Tổ Quốc! Chắc hẳn không bao giờ phai mờ trong tâm trí chúng tôi hình ảnh về chuyến du lịch Đại Liên, Thanh Đảo trong 2 kỳ nghỉ hè năm 1956, 1957 mà Học Viện Nga ngữ đã sắp xếp cho sinh viên chúng tôi trong khi kinh phí của trường còn rất hạn hẹp!
Chúng ta cũng không thể quên những cuộc vận động xã hội, trong đời sống chính trị của nước bạn: “chống phái hữu”, “công xã nhân dân”, “toàn dân làm gang thép”… Chính chúng tôi đã từng gõ chiêng, gõ trống, từng lấy vung nồi, gậy gộc đuổi chim sẻ trong chiến dịch “Diệt tứ hại”. Cũng chính chúng tôi đa từng thấy những hàng cây khẳng khiu, trụi lá đến chết, khi không còn lũ chim sẻ diệt loài sâu bọ đang nhăm nhe nuốt hết màu xanh của đất trời. Tả khuynh hay hữu khuynh đây? Bảo thủ hay giáo điều đây?
Mặc dù vậy, chúng ta không thể quên ơn nhân dân Trung Quốc vĩ đại và những người con ưu tú của họ. Ta đã lớn và trưởng thành, đã hiểu thế nào là quy luật va khi đã là quy luật thì nó tồn tại một cách phổ biến, khách quan, không phụ thuộc vào ý chí của con người. Chẳng lẽ phép biện chứng duy vật – cả trong tự nhiên, trong xã hội và trong tư duy con người – chúng ta đã có thể quên ư?
 Nhìn lại bước đường ta đã đi qua, chúng ta có quyền tự hào về những cống hiến của mình cho cộng đồng, cho xã hội. Với tất cả sự khiêm tốn của mình, chúng ta có quyền nói rằng công việc dù to hay nhỏ ta đều cố gắng hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao phó. Ở đây, tôi muốn nhắc đến những nhân vật ưu tú: Đoàn Đức đảm nhận đại sứ ở mấy nước, Đoàn Bông – Phó chủ tich phòng thương mại công nghiệp Việt Nam. Đinh Đặng, Đăng Khánh, Đắc Dũng, Ngọc Bích, Thúy Bình, Phạm Kiên, Trọng Hiền, Thu Loan, Kim Oanh, Minh Ngọc, Công Minh, Đỗ Long, Hoàng Diệu, Quyết Tâm và nhiều bạn nữa… đều là những cán bộ chủ chốt, cốt cán, đứng đầu các cơ quan, các đơn vị được phân công phụ trách.
Đỗ Long 
----------------------------------------------------
Một số hình ảnh họp mặt đoàn Nga Ngữ ở Hà Nội
(Ảnh do bạn Đặng Giang từ Phú Thọ cung cấp, xin xảm ơn)


Bạn Đặng (Giang) bìa trái

Tác giả Đỗ Long tóc bạc ngồi chính diện


Rất hoan nghênh các anh chị Nga Ngữ BK đã nhiệt tình và cẩn trọng trong việc tham gia viết Hồi ký in sách " Ngược dòng ký ức". Được biết, các anh chị đã họp lại rồi phân công GSTS Đỗ Long chấp bút viết bài này. Sau khi có bản thảo đầu tiên, các anh chị đã nhóm họp đọc lại và góp ý kiến để TS Đỗ Long chỉnh sửa. Và đây là bản tác giả vừa gửi cho tôi chiều 7/3 . GSTS Đỗ Long còn rất khiêm tồn cho tôi được toàn quyền xử lý ( cắt bớt v.v...) nếu cần .  Tuy nhiên bài viết đã rất hoàn chỉnh : vừa ghi lại được kỷ niệm một thời chuẩn bị hành trang vào đời " vì nhân dân phục vụ", vừa có ý nghĩa rộng lớn hơn. Tôi tin chắc người đọc sẽ suy nghĩ và chia sẻ với các anh chị . Một lần nữa thay mặt nhóm BT cảm ơn các anh chị Nga Ngữ BK, đặc biệt anh Đỗ Long, bạn thân thiết của tất cả chúng ta !  . ( Quang Trung )