Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 15 tháng 8, 2017

VỀ CUỐN SÁCH " Học sinh Miền Nam - Tư liệu và Kỷ niệm"

Người giới thiệu : TRẦN KIẾN QUỐC
Nguồn :Bạn Trỗi K5
Ảnh chụp lại từ sách
Tranh thủ lướt qua cuốn sách mới được Tuấn Ôn tặng. Ngoài phần tư liệu được cập nhật rất công phu, là phần ghi lại những kỉ niệm của mấy chục thầy cô giáo, học sinh...
Sự thật!
Đa số hàng vạn HSMN thời đó sau chừng ấy năm đã hòa nhập được với gia đình, quê hương, dòng tộc nhưng cũng có những sự thật đau lòng.
Thật xúc động khi đọc những dòng: Chúng tôi được tập kết ra Bắc khi mới 2, 3 tuổi, không có ba mẹ đi cùng. 21 năm sau, khi trở về, không biết ba má ở đâu. Rồi hàng chục năm sau nữa, về quê tìm kiếm, từng đứng trước má rồi mà má lắc đầu: "Con gái má phải cao lớn, xinh đẹp hơn cơ, con này không phải". Tôi phải chào rồi quay lưng đi ngay, không dám quay lại... Sau đó, nhờ có công nghệ thử ADN mới xác định đúng.
Hay có bạn đã hơn 40 năm rồi mà không biết quê hương, cha mẹ mình là ai?
Có những bạn sau 21 năm trở về, không hợp với cuộc sống gia đình mình, bị hắt hủi, đã ôm chăn gối vào cơ quan sống...
Có những bạn tủi quá, đã treo cổ tự tử. Thật đau lòng! Đó là 1 thực tế phũ phàng.
Cảm động về câu chuyện của bạn Nguyễn Thị Thư dày công lục tìm trên mạng để có địa chỉ của 2 bạn Cameroon: Irene và Monique. Và tháng 2/2017 đã đón được 1 bạn sang thăm VN.

Thông tin về Nguyễn Công Trường
Ở trang 804, 805 đã có 1 bài hát và 1 tấm ảnh có Công Trường - bạn Trỗi của chúng ta: "Nguyễn Công Trường sinh 1953, ra Bắc 1964, từng học ở Trường VHQĐ, Ký túc xá HSMN cấp 3 Vĩnh Phú, Trường HSMN Vĩnh Yên, Đại học Giao thông thuỷ, tốt nghiệp 1976, về Nam làm việc ở Vũng Tàu, TPHCM, nghỉ hưu năm 2000. Hiện cư trú tại Đồng Tháp".
Sách xuất bản 2016 và đầu năm nay thì bạn đã đi xa. Chả biết đã được cầm trên tay cuốn sách này chưa?

Cảm ơn Tuấn Ôn đã tặng sách quý!

Thứ Bảy, 5 tháng 8, 2017

QUAN HỆ VIỆT-ĐỨC SAU VỤ TXT "head animal" (Đầu thú !!!)

Bài viết của Hiệu Minh

Cụ Rossler và PB Minh - Ảnh Internet


Tất nhiên là xấu nhưng không đến mức rất xấu như mạng ảo đang lo ngại, kiểu biển Đông đang bị Trung Quốc đe dọa nhưng có đánh nhau đâu. Việt Nam tự đánh nhau là kém, chứ với nước ngoài á, trăm trận trăm thắng, kể cả lúc thua.
Cụ TBT Trọng cứ từ từ tiến lên CNXH cuối thế kỷ này nên chẳng đi đâu mà vội. Có TXT trong tay rồi, phần còn lại ngoại giao với Đức có anh Phạm Bình Minh lo. Vào BCT mà không lo ổn việc này thì kỳ sau lại giống bố Nguyễn Cơ Thạch. Trong cơ có nguy, trong nguy có cơ, mới gọi là nguy cơ.
Winners and Losers (được và mất) sau vụ “đầu thú – head animal” – tỷ số 1-1
Winners – người được
Công đầu thuộc về AN VN, cho một đội sang theo dõi và đợi thời điểm ra tay khá chính xác. Vào tận sào huyệt của một nước có Gestapo và Stassi nổi tiếng hai thế kỷ để bắt người thì ít có nước dám làm. Hiện có Mỹ dám chơi Pakistan cho trực thăng vào tận nhà Bin Laden, dùng camera quay trực tiếp cho TT Obama xem cảnh xử cụ khủng bố. Israel bắt cóc tội phạm thời Đức QX, sau này là ám sát làm nhưng không bao giờ nói.
Cụ Tô Lâm chối không biết gì cũng khôn khéo và Osin tha hồ nổi tiếng sau khi tung vài chữ lên FB hai ngày trước khi báo chí được phép nói cụ thể.
Báo Việt hải ngoại ở Đức thêm điểm do khẳng định ngay từ đầu không phải “head animal”.
Người Buôn gió lãi bão. Sau vụ TXT thì vị trí của Lái Gió vững như bàn thạch, bất chiến tự nhiên thành. AN khó sang lần nữa vì lái gió. Với lại bắt cóc tay này chả được vị gì, nhiều chữ nhưng không có tiền.
Losers – người mất
An ninh Đức quá kém, để xảy ra vụ bắt cóc. Dân Đức sẽ chán vì họ nghĩ AN VN làm được thì ISIS có gì mà không làm nổi. Lỗ hổng chết người.
Báo chí VN bị việt vị vì không bằng mạng xã hội. Cũng dễ hiểu vì họ bị quản lý chặt nên nhiều khi botay.com.
Cụ gì trong sứ quán phải rời Đức lên đường về nước trong vòng 48 tiếng, nhưng cái mất này sẽ giúp cụ được lên lon (vừa mất – vừa được)
Khổ nhất là nền ngoại giao “thuyền thúng” Việt Nam. Đối nội làm một đằng, đối ngoại làm một nẻo, thúng cứ quay tròn.
Quan hệ Việt Đức: HÒA
Dù thế trận nghiêng về phía Đức đang giữ bóng nhiều hơn, có phạt penalty, có sút phạt góc, lật cánh đánh đầu, nhiều cú đá nguy hiểm nhưng đội bắt gol của VN cực giỏi, tỷ số chung cuộc dự đoán hai bên cùng về nhất.
Cụ Hồ đã theo cụ Marx từ thế kỷ 19, triết học Đức được người Việt từ trẻ đến già thuộc làu làu, chủ nghĩa XH là mồ chôn chủ nghĩa tư bản, cách mạng liên minh công nông sẽ đập tan xiềng xích của chủ nghĩa đế quốc.
Kiểu “head animal” là một bài trong “chuyên chính vô sản” do Marx chỉ ra, nên hỏi lại cụ ấy xem có đúng không?
Năm 2015 là kỷ niệm 40 năm quan hệ Việt – Đức (Tây Đức). Năm 2011 cụ Dũng và cụ Merkel đã ký hợp tác coi hai bên là đối tác chiến lược về chính trị, kinh tế, văn hóa và phát triển. Ai đã đến ngôi nhà Goethe trên đường Nguyễn Thái Học để hưởng các món ăn Đức, đọc sách, xem phim Đức thì sẽ hiểu nước Đức luôn tồn tại trong lòng người Việt.
Về kinh tế, riêng năm 2016 trao đổi thương mại giữa hai nước khoảng 10 tỷ đô la, Đức xuất khẩu 2 tỷ tăng 15% so với năm trước, Việt Nam xuất khẩu 8 tỷ tăng 33%, hai bên đều có lợi, VN lợi nhiều hơn trong ngắn hạn vì toàn xuất khẩu giầy da, may mặc, đồ điện tử, nhưng trong dài hạn Việt Nam cần có hàng chất lượng cao thì phải có máy móc hiện đại tối tân của cụ Marx như nền triết của cụ trường tồn và vô địch.
Đức sẽ có thị trường tiềm năng nên năm trước cụ Merkel mất rất nhiều công sức thuyết phục EU là Vietnam là đối tác tin cậy và được chấp thuận vào thương mại tự do với EU. Cụ Merkel không nghĩ ra anh TXT đang “chơi” dài với anh Buôn Gió làm lộ hết thiên cơ.
Người Việt ở Đức cỡ trăm ngàn đang đóng góp cho kinh tế nước này. Họ không theo ISIS, chăm chỉ làm ăn, thỉnh thoảng có đánh lộn nhưng chỉ là “một bộ phận không nhỏ”
Về văn hóa Đức tại Việt Nam khỏi phải nói, ngoài triết học Mác còn có thơ Goethe, nhạc hay dù chúng tôi nghe nhạc phải quạt, có xe Mec nổi tiếng cho nhà giầu, tiếng Đức được dạy chính thức trong trường ở Việt Nam trong khi tiếng Việt không có chỗ ở Đức, unfair 😊
Khi bàn chuyện quan hệ hai nước thì họ đặt lên bàn cân được và mất, còn chuyện anh “head animal” chỉ là cái cớ để đàm phán.
Mà biết đâu AN VN sang Đức định bắt cóc anh Philipp Rösler, người Đức gốc Việt, từng làm PTT tướng chi đó, đưa về VN thay cho 5 PTT và giúp cho kinh tế đỡ trì trệ, nhưng không may các anh AN bắt nhầm TXT thành ra là “đầu thú”.
Các cụ ngoại giao Đức nổi giận, anh Phạm Bình Minh cứ đọc mấy câu thơ sau của nhà thơ Goethe vĩ đại, cuộc đời mới thì tình yêu mới, làm răng mà buồn nếu TXT head animal, thế nào cũng rủ nhau đi uống bia, hết giận.
Thơ Goethe – Neue Liebe, neues Leben    Tình yêu mới, cuộc đời mới
Herz, mein Herz, was soll das geben? Con tim của ta ơi, có điều gì
Was bedranget dich so sehr? – Đã xảy ra làm mi buồn đến thế?
Welch ein fremdes, neues Leben! – Cuộc đời mới lại hồi sinh mạnh mẽ
Ich erkenne dich nicht mehr. – Làm cho ta không thể nhận ra.
Weg ist alles, was du liebtest, – Những gì xưa yêu giờ đã trôi qua
Weg, warum du dich betrubtest, – Xưa khát khao để giờ mi rầu rĩ
Weg dein Fleiss und deine Ruh – Đâu rồi tĩnh lặng, đâu vẻ vô tư
Ach, wie kamst du nur dazu! – Con tim ơi, sao mi buồn đến thế!
Chúc các cụ chém gió vui.
Blog Hiệu Minh. 3-8-2017
-------------------------------

Thứ Sáu, 4 tháng 8, 2017

TẠI SAO BNG ĐỨC NẰNG NẶC ĐÒI "TRẢ" TRỊNH XUÂN THANH ?

Trịnh Xuân Thanh: tội phạm kinh tế hay gián điệp?
Theo Sputniknews-Thứ sáu, 04/08/2017, 17:06 (GMT+7)

“Thật kỳ lạ và mờ mịt khó hiểu“, – nhà khoa học chính trị Nga, Giáo sư Vladimir Kolotov, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh thuộc Đại học Tổng hợp Quốc gia St. Petersburg nhận xét về vụ Trịnh Xuân Thanh.
Trong cuộc phỏng vấn của “Sputnik-Việt Nam”, ông Kolotov nói: Việc nhân viên đặc nhiệm đưa công dân về nước một cách trái phép từ lãnh thổ quốc gia khác là thực tế khá phổ biến. Mỹ dẫn độ công dân của mình về nước từ Liên Xô, từ Iran — ngụy trang dưới vỏ bọc kỹ thuật viên quay phim lẫn vào đoàn làm phim của Hollywood. Từ Pháp, cơ quan KGB Liên Xô đã dẫn các thủ lĩnh phong trào Bạch vệ chống chính quyền Xô-viết về Liên Xô.
Trong trường hợp Trịnh Xuân Thanh, quan điểm của Việt Nam rõ ràng. Chính quyền hợp pháp được quốc tế công nhận của nước CHXHCN Việt Nam đã công bố lệnh truy nã quốc tế với công dân của nước mình thông qua Interpol. Trịnh Xuân Thanh bị khởi tố vụ án hình sự về hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 165 Bộ luật Hình sự Việt Nam với 145 triệu USD. Rõ ràng đây là  nghi can phạm tội kinh tế quy mô lớn chứ không phải phạm tội chính trị.
Chỉ từ một chiếc xe gắn biển xanh, những góc khuất 
trên con đường quan lộ của Trịnh Xuân Thanh đã dần bị đưa ra ánh sáng
Nếu một người trong danh sách truy nã quốc tế cư trú trong lãnh thổ của một quốc gia khác tuân thủ luật pháp quốc tế, thì người đó phải được trao trả cho nước yêu cầu dẫn độ. Nhưng, tại sao Đức không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình? Hơn nữa, lại còn đưa ra lệnh trừng phạt đại diện chính thức của cơ quan phản gián thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin, và thậm chí, theo tin đưa trên một số phương tiện truyền thông, Đức còn dự định trục xuất cả Đại sứ của Việt Nam.
Như vậy, theo ý kiến của Giáo sư Kolotov, chính quyền Đức tự xác nhận: họ không chỉ biết rằng tội phạm quốc tế muốn ẩn trốn ở Đức mà còn bao che cho đối tượng đó. Mà người ta chỉ hành động như vậy với những người có khả năng tiếp cận bí mật quốc gia và hoạt động gián điệp có lợi cho nước khác – khi đó đối tượng thuộc sự bảo hộ của quốc gia khác. Điều tương tự đã xảy ra, ví dụ, vào năm 1978, khi Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên Xô kiêm Phó Tổng Thư ký LHQ Arkadi Shevchenko đã ở lại Mỹ, hay cũng cùng năm đó, điệp viên Liên Xô Viktor Suvorov đào tẩu ở Anh, hay như Thiếu tướng Nga Oleg Kalugin chạy sang Mỹ năm 1995.
Trong trường hợp Trịnh Xuân Thanh, dường như ai đó đã ngăn chặn hoạt động của Interpol và kẻ tội phạm mà Việt Nam yêu cầu dẫn độ đã không được trao trả cho Hà Nội. Có nghĩa là, để đổi lấy sự “bảo kê”, người này đã cung cấp thông tin bí mật mà ông ta nắm được cho Đức hoặc cho bất kỳ nước nào khác đã khuyến nghị Đức “che chở” ông ta.
Vì vậy, những gì mà công chúng biết về vụ Trịnh Xuân Thanh hiện nay không phải là tất cả mọi chi tiết. Mà điều khó hiểu chủ yếu — là lập trường của Đức. Mọi việc chỉ có thể sáng tỏ nếu như có sự thừa nhận của chính quyền Đức, rằng Trịnh Xuân Thanh trốn sang Đức không chỉ với núi tiền mà còn với những thông tin tình báo.
( Theo Sputniknews)

VỤ TẨU THOÁT CỦA TRINH XUÂN THANH: LIỆU CÓ SỰ TIẾP TAY CỦA ĐỨC ?

Chép từ trang tolam.org Thứ sáu, 04/08/2017, 09:40 (GMT+7)

(Xã hội) - Khi thông tin Trịnh Xuân Thanh tự thú, thì cũng là lúc mạng xã hội xuất hiện những luồng thông tin bất lợi cho Việt Nam. Đã có một số thông tin dẫn từ báo nước ngoài được cho là Đức đang phản ứng vụ Trịnh Xuân Thanh được cho là bị bắt cóc. Thế nhưng không một tờ báo hay người phát ngôn nào của Đức dám khẳng định đây là một vụ được cho là bắt cóc mà thay vào đó là có lẽ, hình như, có thể. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi về việc có hay chăng việc Đức hỗ trợ Việt Nam trong quá trình bắt giữ tên tội phạm tham nhũng này?
Hiện nay, Đức đang là một trong những điểm được cho là nơi “hạ cánh an toàn” của các quan tham Việt Nam khi quyết định bỏ trốn, bởi nước này chưa kí kết hiệp định dẫn độ với Việt Nam. Đối với các nước chưa kí kết hiệp định dẫn độ với Việt Nam, thì việc dẫn độ tội phạm thường được áp dụng theo nguyên tắc có đi có lại.
Công viên Tiergarten nơi được cho là 
Trịnh Xuân Thanh bị dễ dàng bắt cóc.
Và cho đến thời điểm hiện nay, Đức đang trở nên rối loạn bởi chính sách cho phép tị nạn của mình. Mới đây, một dự luật cảnh sát được bắt giữ người tị nạn đã được đưa ra khi Đức liên tiếp phải hứng chịu hậu quả khủng bố từ IS được cho là liên quan đến người tị nạn. Bên cạnh đó, tình trạng tấn công tình dục, hàng nghìn trẻ em bị mất tích, sự nổi loạn của người dân nhập cư đẩy nước này vào một tình trạng hỗ loạn thực sự. Trong khi đó, Trịnh Xuân Thanh là một tên tội phạm kinh tế đang bị truy nã thì hà cớ gì mà Đức phải giữ lại để thêm rắc rỗi cho mình. Tuy nhiên, Chính phủ Đức cũng không thể trục xuất Trịnh Xuân Thanh, vì quyết định trục xuất hay không tùy thuộc vào quyết định của tòa án bang hoặc liên bang.
Từ thông tin việc được cho là bị bắt cóc Trịnh Xuân Thanh xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật, theo như bản tin một chiều mà thoibao.de và clip Lê Trung Khoa nói ở bàn tròn BBC và một số nhân chứng người Đức trông thấy ghi nhận và chính họ báo cảnh sát, thì có thể hiểu rằng Việt Nam đã quá dễ dàng để bắt giữ một tội phạm như vậy.
Bởi muốn đưa Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam buộc lòng phải dùng phi cơ riêng, đồng thời phải là phản lực loại lớn bay đường dài, đậu ở những khu vãng lai đặc biệt. Nước nào trong Liên hiệp châu Âu bằng lòng cho Việt Nam thuê khu vãng lai loại này trong phi trường? Đó là Nga, nhưng Nga lại ở quá xa, cũng chưa chắc đã bằng lòng giúp.
Còn nếu đưa Trịnh Xuân Thanh ra phi trường bằng đường hợp pháp, chính thức qua các cổng an ninh thì vô phương, Trịnh Xuân Thanh không bị dẫn độ, chỉ cần la hét, làm ầm ĩ ở các cổng kiểm soát an ninh là mọi chuyện đổ vỡ ngay. Ngộ nghĩnh cho việc cho rằng sử dụng cán cứu thương, xin thưa rằng, một bệnh nhân được chuyển ra khỏi nước Đức mà không có giấy tờ liệu cơ quan an ninh nước này có cho phép? Đó là chưa kể Đức đang siết chặt an ninh sau tình trạng tấn công khủng bố và bạo loạn ở nước này.

Thêm nữa, việc được cho là bị bắt cóc xảy ra đã hơn một tuần, tìm kiếm trên google, trên báo chí, truyền thông Đức như Berlin Morgenpost, n-tv, Der Spiegel, Frankfurter Rundschau…thì không thấy một thông tin nào nói đến việc bắt cóc người Việt Nam ở Berlin. Chỉ cần thông tin từ những người được cho là đã chứng kiến thì, cảnh sát Đức sẽ trích xuất từ hệ thống camera công cộng chắc chắn sẽ có một cuốn phim đầy đủ về diễn biến vụ bắt cóc. Trịnh Xuân Thanh bị cưỡng chế lên xe ra sao, xe chạy theo đường nào qua nước thứ ba, đưa lên phi trường nào, qua cửa khẩu an ninh trong tình trạng ra sao, bằng hộ chiếu kiểu gì… thế nhưng tất cả đều im lặng.
“Tại sao cảnh sát Đức không phản ứng gì khi có nhân chứng báo về vụ bắt cóc?” Còn thêm môt câu hỏi khác: “Tại sao vụ bắt cóc Thanh xảy ra ngày 23.07.2017 với một số nhân chứng người Đức trông thấy, mà phải 10 ngày sau báo chí Đức mới đồng loạt loan tin?” Ngay cả khi bài viết của ông Trung Khoa xuất hiện trên Thời Báo, sau đó là video clip của BBC nói trên được phát tán trên Youtube vào ngày 31.07.2017, báo chí, truyền thông Đức vẫn chưa hề hay biết. Bộ ngoại giao Đức lúc đó khi được hỏi, còn nói họ chưa có tin tức gì về chuyện của Trịnh Xuân Thanh.
Trong clip, ông Trung Khoa khẳng định vài giờ nữa phía Đức sẽ ra một thông cáo về chuyện Trịnh Xuân Thanh được cho là bị bắt cóc, nhưng 2 ngày sau báo chí Đức mới lên tiếng. Như vậy khi có cuộc nói chuyện ở bàn tròn BBC, chính phủ, cảnh sát, truyền thông Đức vẫn chưa muốn nói gì về việc được cho là bị bắt cóc nếu báo chí trong nước không đặt câu hỏi. Bởi Trịnh Xuân Thanh là cái gì mà Đức phải quan tâm như vậy?
Sau đó mới là thông tin việc Bộ ngoại giao của Đức lên tiếng không chắc chắn về một vụ được cho là bị bắt cóc. Thực ra, việc lên tiếng của Đức trong trường hợp này của Đức là một điều đương nhiên, bởi vì nó liên quan đến “sự tự ái” an ninh của một quốc gia. Bởi vì BND (cơ quan tình báo Đức) là cơ quan ngốn tiền tỷ nhưng cho tới giờ vẫn chỉ thể hiện là cánh tay nối dài của CIA. Bê bối an ninh của nước ngoài vào tận đất Đức bắt người là điều sẽ khiến cho BND chứ không ai khác đứng ngồi không yên và phản ứng là điều có thể hiểu.
Trong chương trình thời sự VTV lúc 19h tối qua, Trịnh Xuân Thanh cho biết sau quá trình “trốn chạy do suy nghĩ không chín chắn, tôi thấy rằng cần phải quay về để đối diện với sự thật và để hưởng sự khoan hồng của pháp luật Việt Nam”. Những lời thú nhận của Trịnh Xuân Thanh đã phủ nhận hoàn toàn những thông tin bất lợi cho Việt Nam trong thời gian qua. Và đây cũng sẽ là lý do giải thích được những khúc mắc của Việt Nam và Đức trong trường hợp này.
Bạn đọc Thiên Minh
(Bài viết không thể hiện quan điểm của Ban biên tập)

Thứ Năm, 3 tháng 8, 2017

NGƯỜI PHÁT NGÔN BỘ NGOẠI GIAO VN ĐÃ LÊN TIẾNG


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tại cuộc họp báo hôm nay. Ảnh: Việt Anh
"Tôi lấy làm tiếc về phát ngôn của Bộ Ngoại giao Đức", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời khi được hỏi về việc Đức yêu cầu một viên chức của Đại sứ quán Việt Nam tại nước này về nước, liên quan đến vụ ông Trịnh Xuân Thanh. Cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao hôm nay đông bất thường với nhiều câu hỏi tập trung vào trường hợp ông Thanh.

Về thông tin Đức tố "cơ quan tình báo Việt Nam bắt cóc ông Thanh đưa khỏi nước này", bà Lê Thị Thu Hằng cho biết theo thông báo từ Bộ Công an Việt Nam ngày 31/7, ông Thanh đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra đầu thú. Các cơ quan chức năng Việt Nam đang tiến hành điều tra vụ việc.

"Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Đức", bà nói.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Martin Schaefer ngày 2/8 cáo buộc cơ quan tình báo và đại sứ quán Việt Nam tại Đức đã "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức" và việc này "vi phạm luật pháp Đức và quốc tế".

Thông cáo của phía Đức cho hay hôm 1/8 Đức triệu đại sứ Việt Nam và sau đó yêu cầu "đại diện chính thức của cơ quan tình báo" tại Đại sứ quán Việt Nam rời khỏi Đức trong vòng 48 giờ. Berlin đề nghị Hà Nội cho phép Trịnh Xuân Thanh trở lại Đức để nhà chức trách Đức có thể xử lý đơn xin tị nạn của ông Thanh và đề nghị dẫn độ của Việt Nam theo quy trình.
 --------------------------------
Nguồn :vnexpress.net/

ĐẠI ÁN PVC (Bài 4): ĐỨC ĐÒI HÀ NỘI "TRẢ" TRỊNH XUÂN THANH (LÁO THẬT!)

 Wednesday, August 2, 2017 | 2.8.17
Chính phủ Đức hôm 2/8 ra thông cáo yêu cầu chính phủ Việt Nam cho phép Trịnh Xuân Thanh được trở lại Đức “ngay lập tức.”
Thông cáo Bộ ngoại giao Đức gửi cho VOA(Đài Phát thanh TNHK) có đoạn: “Chúng tôi yêu cầu ông Trịnh Xuân Thanh được cho phép trở lại nước Đức ngay để có thể tiến hành việc Việc Nam yêu cầu dẫn độ (ông Thanh) và yêu cầu xin tị nạn của ông (ấy) được xem xét thấu đáo.”
Chính phủ Đức cũng yêu cầu tùy viên tình báo Việt Nam phải rời khỏi nước này trong vòng 48 tiếng đồng hồ nữa sau khi bộ Ngoại giao nước này cho rằng họ tiến hành vụ bắt cóc một cựu lãnh đạo ngành dầu khí Việt Nam ở Berlin.
Thông cáo của bộ Ngoại giao Đức ra hôm 2/8 cho biết chính phủ Đức “không nghi ngờ” gì rằng bộ Ngoại giao Việt Nam và mật vụ có dính líu vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh hôm 23/7.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Đức Martin Schaefer nói trong thông cáo rằng vụ việc này “có khả năng ảnh hưởng nặng nề tới các mối quan hệ (giữa 2 nước).” Ông Schaefer gọi đây là “một sự bội ước lòng tin vô cùng lớn.”
Theo thông cáo này, đại sứ Việt Nam ở Đức đã bị triệu tập hôm thứ ba (1/8).
Chính phủ Việt Nam thông báo hôm 31/7 rằng ông Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú sau hơn 1 năm chạy trốn vì bị buộc tội tham nhũng làm thất thoát tài sản nhà nước.

Bắt cóc giữa trung tâm Berlin

Ảnh chụp màn hình nhật báo Đức Taz đưa tin về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin hôm 23/7
Trước khi thông cáo của Bộ ngoại giao Đức được đưa ra, một công tố viên ở Berlin hôm 2/8 cho VOA biết rằng cảnh sát Đức đang điều tra một vụ bắt cóc gần đây và khẳng định người bị bắt cóc là công dân Việt Nam.
Trước đó trong cùng ngày, nhật báo Taz của Đức có đăng bài viết về thông cáo của cảnh sát Berlin rằng họ đang điều tra một vụ bắt cóc một cựu quan chức chính phủ Việt Nam có tên Trịnh Xuân Thanh xảy ra ngày 23/7 tại một công viên ở trung tâm của thủ đô nước Đức.

Khi được VOA hỏi phản ứng của Việt Nam về việc cảnh sát và báo chí Đức đưa tin vụ bắt cóc này, bộ trưởng Công An Tô Lâm nói ông đang bận họp và “chưa thể trả lời.”
Theo tờ báo Taz, có tên đầy đủ là Die Tageszeitung, một nhân chứng người Đức đã chứng kiến vụ bắt cóc ngay tại trung tâm Berlin và xác nhận với cảnh sát. Theo lời tường thuật của nhân chứng được tờ báo này trích đăng bằng tiếng Đức, nạn nhân 51 tuổi đã bị một nhóm người có vũ trang lôi lên một chiếc xe ô tô và được đưa sang một quốc gia châu Âu láng giềng ngay sau đó.
Tờ báo này khẳng định những người đàn ông có vũ khí “thuộc mật vụ Việt Nam” và đăng kèm tấm ảnh của ông Trịnh Xuân Thanh với dòng chú thích bằng tiếng Đức cho rằng nạn nhân bị truy nã và đã bị mật vụ tóm.
Trưởng phát ngôn viên sở cảnh sát Berlin, Winfrid Wenzel, cho nhật báo Taz biết họ đang tiến hành điều tra “vì tình nghi về vụ việc bắt cóc và cưỡng ép bắt người.”
Công tố viên cao cấp Martin Steltner của Văn phòng Công tố Berlin nói với VOA rằng do “tính chất nhạy cảm” của vụ việc nên họ không thể đưa ra thêm bất kỳ thông tin gì tại thời điểm hiện tại.
Steltner nói: “Tôi không thể đưa ra thêm bất kỳ chi tiết gì về nghề nghiệp của người này hay chức danh của anh ta ở Việt Nam. Vâng, đó là một người đàn ông Việt Nam nhưng tôi không thể đưa ra thêm bất kỳ thông tin gì nữa.”
VOA cũng đã liên lạc với sứ quán Việt Nam tại Đức xin bình luận về vụ việc này nhưng cho đến hết ngày 2/8 không nhận được trả lời.
Nhật báo Taz nói ông Trịnh Xuân Thanh đã từng xin tị nạn ở Đức vào những năm 1990, “giữa thời gian lúc tốt nghiệp đại học và bắt đầu sự nghiệp ở Việt Nam, nhưng lại tự nguyện hồi hương.”
Bài báo của Taz nhắc tới việc ông Thanh bị “thất sủng ở Hà Nội,” mất toàn bộ các chức vụ cũng như bị tước bỏ mọi tuyên dương khen thưởng và “trở thành kẻ thù của một nhân vật đầy quyền lực: thủ lĩnh đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng.”

(VOA)

ĐẠI ÁN PVC (Bài 3): ĐỨC LÊN TIẾNG PHẢN ĐỐI "VỤ BẮT CÓC" TRỊNH XUÂN THANH (?!)

( Theo RFA) - Wednesday, August 2, 2017 | 2.8.17
Đức vào ngày 2 tháng 8 lên án cơ quan tình báo và đại sứ quán Hà Nội về việc bắt cóc một cựu quan chức dầu khí Việt Nam đang xin qui chế tỵ nạn tại Đức, ông Trịnh Xuân Thanh. Đức còn nói cho một viên chức đại diện cơ quan tình báo Việt Nam 48 tiếng đồng hồ để rời khỏi nước Đức sau vụ việc vừa nêu.
Hãng tin AP loan tin phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Đức, Martin Schaefer, nói rằng chính phủ Đức không còn nghi ngờ gì việc đại sứ quán Việt Nam và cơ quan tình báo nước này có dính líu vào vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh vào ngày 23 tháng 7 vừa qua.

Theo phát ngôn nhân Martin Schaefer thì vụ việc có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ hai nước một cách lớn lao. Ông này cho rằng đó là việc cực kỳ làm mất lòng tin.

Hãng tin AFP thì dẫn lời của phát ngôn nhân Martin Schaefer rằng việc bắt cóc công dân Trịnh Xuân Thanh ngay trên nước Đức là một sự vi phạm luật pháp quốc tế và luật pháp nước Đức chưa hề có tiền lệ và gây tai tiếng.

Vào ngày 1 tháng 8, phía Đức đã triệu đại sứ Việt Nam đến và yêu cầu phía Việt Nam phải trao trả ông Thanh về cho phía Đức để thực hiện các thủ tục về tị nạn và trục xuất đúng cách. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức cho biết giới chức hai nước đã gặp nhau bên lề Thượng đỉnh G20 hồi tháng 7 vừa qua để thảo luận đề nghị từ phía Hà Nội là muốn Đức trục xuất ông Thanh.

Trước đó, một nhật báo ở Đức có tên Taz loan tin có thể ông Trịnh Xuân Thanh đã bị công an Việt Nam bắt cóc tại thủ đô Berlin, nước Đức để đưa về Việt Nam.
Tờ này trích lời người phát ngôn Sở Cảnh sát Berlin nói họ nghi ngờ có một vụ bắt cóc xảy ra và đang tiến hành điều tra.

Nhật báo Taz nói rằng báo chí Việt ngữ ở thủ đô nước Đức đã đưa tin vừa nêu, cho rằng ông Thanh bị bắt cóc tại một vườn hoa ở thủ đô Berlin vào ngày 23 tháng 7, và có những nhân chứng mục kích vụ bắt cóc.

Ngày 31 tháng 7, báo chí trong nước nói ông Trịnh Xuân Thanh đã đến Bộ công an tại Hà nội để đầu thú.

Cùng ngày, nhà báo Lê Trung Khoa, của một tờ báo tiếng Việt tại thủ đô Berlin có nói với đài BBC Việt Ngữ rằng ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc chứ không phải tình nguyện về Việt Nam ra đầu thú như báo chí trong nước đưa tin.

Nhật báo Taz cho biết có liên lạc với Bộ Ngoại giao Đức, nhưng được cơ quan này cho biết là họ không có thông tin gì về vụ việc được hỏi.

Ông Trịnh Xuân Thanh nguyên là Chủ tịch hội đồng quản trị Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí, thuộc Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam. Sau khi rời khỏi vị trí này ông trúng cử đại biểu quốc hội tỉnh Hậu Giang, đồng thời được cử làm phó chủ tịch tỉnh này.
Vào khoảng tháng bảy năm 2016, ông Thanh trốn ra nước ngoài sau khi báo chí Việt Nam đưa ra nghi vấn tham nhũng lên tới 3300 tỉ đồng có liên quan tới ông Thanh tại Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí.
Sau đó cơ quan chức năng Việt Nam cho biết là đã phát lệnh truy nã toàn thế giới đối với ông Thanh.
Hiện nay vẫn chưa có hình ảnh nào liên quan đến việc đầu thú của ông Thanh được cơ quan chức năng đưa ra.
(RFA)

Thứ Tư, 2 tháng 8, 2017

ĐAI ÁN PVC (Bài 2) : TRỊNH XUÂN THANH BỊ BẮT CÓC HAY RA" ĐẦU THÚ" ?

Thứ ba, 01/08/2017.
( Chép về từ tolam.org ) - Chiều ngày 31.7, tin Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú tại cơ quan An ninh điều tra của Bộ Công an đã thu hút được sự chú ý đặc biệt của dư luận. Tuy nhiên, cũng gần như ngay lập tức trên mạng xã hội và ở một vài tờ báo nước ngoài đã loan tin rằng, “Trịnh Xuân Thanh bị an ninh Việt Nam “bắt cóc” khi đang đi chơi tại công viên vườn thú, sau đó được đưa lên xe chở sang một nước châu Âu khác rồi áp giải về Việt Nam“. Thậm chí, người ta còn “tường thuật” rằng, “Trịnh Xuân Thanh đã bị một nhóm người có vũ khí khống chế bắt đưa đi cùng một nữ cán bộ của Bộ Công thương…” Và người ta cho rằng, “việc Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú chỉ là “màn kịch” mà công an Việt Nam đang dựng lên”. Sự thật như thế nào?
Đọc những bình luận, những phân tích, những thông tin kiểu như trên thì có lẽ đó là của những người đã bị ảnh hưởng quá lớn của phim hành động Mỹ. Vậy chúng ta thử xem xét lại việc này logic sẽ là như thế nào.
Thứ nhất, nếu Trịnh Xuân Thanh bị “bắt cóc” vào ngày 23/7 thì tại sao gia đình Trịnh Xuân Thanh và gia đình và những bạn bè ở bên Đức lại im lặng trong suốt mấy ngày. Về logic, nếu như Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc thì chỉ sau 2-3 tiếng đồng hồ là mọi chuyện đã ầm ĩ hết lên rồi. Và chắc chắn an ninh Đức sẽ phải phong tỏa hết các cửa khẩu, kiểm soát chặt chẽ hết các chuyến bay, đồng thời thông báo với các cảnh sát an ninh các nước trong khối cộng đồng châu Âu để truy lùng.
Thứ nhì, công an Việt Nam không ai dại gì làm trò bá đạo như thế này. Bởi nếu tiến hành một vụ “bắt cóc” tại một quốc gia có chủ quyền khác, nếu bị lộ ra thì hậu quả là khôn lường. Và cũng không ai dại gì mang một Trịnh Xuân Thanh đi đánh đổi uy tín của lực lượng công an Việt Nam, hay nỏi rộng hơn là uy tín của cả một quốc gia.
Điều gì sẽ xảy ra, nếu như tại cửa làm thủ tục xuất cảnh, Trịnh Xuân Thanh kêu lên “ tôi bị bắt cóc”… Mà đã là người bị “ bắt cóc” thì họ sẽ phải tìm mọi cách cứu lấy thân minh chứ?
Cho nên có thể khẳng định chắc chắn rằng chuyện “bắt cóc” là chuyện không thể, không có và không ai dám làm.
Vậy tại sao Trịnh Xuân Thanh lại từ Đức về Việt Nam để ra đầu thú. Việc này cũng xin mọi người nghĩ đơn giản đi một chút:
Có một điều là những ai từng quen Trịnh Xuân Thanh đều công nhận rằng đó là một con người thông minh, trong đầu luôn nghĩ ra những điều mới mẻ. Nhưng dù là người thông minh thì cũng có lúc suy nghĩ quẩn, hay rồ dại và thậm chí dẫn đến những hành động mà chính mình cũng không hiểu nổi là tại sao làm như vậy.
Gần một năm trốn ở Đức, Trịnh Xuân Thanh cũng đã đủ thời gian tĩnh tâm suy xét, phân tích lại những việc làm của mình và hậu quả sẽ xảy ra. Và có điều Trịnh Xuân Thanh không thể không nghĩ đến đó là danh dự của gia đình. Và cũng chắc chắn rằng, trong thời gian Trịnh Xuân Thanh ở Đức, những người thân trong gia đình và những bạn bè tốt cũng đã giúp Trịnh Xuân Thanh nhìn nhận mọi việc một cách thấu đáo, có lý, có tình. Họ cũng sẽ phân tích cho Trịnh Xuân Thanh thấy những hậu quả lâu dài về tương lai không chỉ với Trịnh Xuân Thanh và của những người thân khác.
Tất nhiên, chúng ta cũng không loại trừ trong thời gian đó, cơ quan công an Việt Nam đã cũng có những tiếp xúc với Trịnh Xuân Thanh và khuyên bảo, vận động anh ta nên về đầu thú…
Và sự việc như chúng ta đã thấy, Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú. Nếu như Trịnh Xuân Thanh không tự nguyện thì không một ai có thể đưa được anh ta lên máy bay!
Mọi việc nên nghĩ tích cực như vậy.
Theo FB Nguyễn Như Phong

ĐẠI ÁN PVC (Bài 1): BỊ TRUY NÃ QUỐC TẾ, TXT LÀM THẾ NÀO ĐẦU THÚ TẠI VIỆT NAM?

Dân Việt -Thứ tư, 02/08/2017
 Theo thông báo của Bộ Công an, bị can Trịnh Xuân Thanh, người bị truy nã quốc tế đã đến trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an), đầu thú hôm 31.7 vừa qua. Dư luận rất thắc mắc đặt câu hỏi: Bị can này làm cách nào để đầu thú tại Việt Nam?
Bị can Trinh Xuân Thanh
Có thể thấy vụ án liên quan đến Trịnh Xuân Thanh đang ở giai đoạn điều tra, những thông tin chi tiết đang cần phải được giữ bí mật nên Bộ Công an chưa tiết lộ nhiều. Chính vì thế toàn bộ bản thông báo về việc Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú chỉ vỏn vẹn hơn 100 chữ. Quãng thời gian không rõ tung tích trong gần một năm của Trịnh Xuân Thanh có thể sẽ được giữ kín đến giai đoạn kết thúc vụ án.
Dư luận đang khá nhiều thắc mắc quanh việc: Nếu một người đang lẩn trốn ở nước ngoài, bị truy nã quốc tế, muốn đầu thú thì làm thế nào? Bởi thực tế người bị truy nã quốc tế, khi quay về nước chỉ cần đặt chân tới sân bay là bị lực lượng chức năng phát hiện bắt ngay (tất nhiên là trừ khi anh ta về nước theo đường tiểu ngạch, không qua an ninh cửa khẩu).
Theo các chuyên gia pháp luật, việc một người bị truy nã quốc tế, đang lẩn trốn ở nước ngoài muốn ra đầu thú không có gì quá khó, hay phải qua nhiều thủ tục rườm rà.
Trung tướng Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh khóa XIII của Quốc hội cho rằng: Người bị truy nã, đang lẩn trốn ở nước ngoài nếu muốn ra đầu thú, họ có thể đến Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán của Việt Nam ở nước sở tại để liên hệ. Sau đó, cơ quan đại diện ngoại giao sẽ liên hệ với các cơ quan chức năng trong nước để đưa người bị truy nã đó về đầu thú.
Trường hợp nước sở tại đó và Việt Nam có ký hiệp định hỗ trợ tư pháp, dẫn độ thì người bị truy nã có thể đến cơ quan cảnh sát của nước sở tại để đầu thú. Sau đó họ sẽ dẫn độ về giao cho phía cơ quan chức năng Việt Nam.
Theo Trung tướng Nhã, trường hợp Việt Nam không có cơ quan ngoại giao ở quốc gia mà người bị truy nã đang trốn, người đó có thể tìm đến cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở quốc gia gần nhất để liên hệ. Bởi thông thường cơ quan ngoại giao đó sẽ phụ trách một số quốc gia hoặc vùng lãnh thổ xung quanh khi chúng ta không đặt cơ quan ngoại giao.
Còn luật sư Trần Thu Nam (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cũng cho rằng, với người bị truy nã đang lẩn trốn ở nước ngoài, khi muốn ra đầu thú thì tìm đến cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước đó là cách thông thường nhất.
Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XVI (tháng 11.2016), trả lời báo chí bên hành lang, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an từng nói, cơ quan chức trách sẽ truy đến cùng để bắt Trịnh Xuân Thanh. Và riêng với trường hợp này, không giới hạn thời gian.
Tướng Vương cũng nói: Báo chí nên cùng lên tiếng vận động, kêu gọi Trịnh Xuân Thanh trở về nước, đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Và đấy cũng thể hiện bản lĩnh của một con người, dám làm dám chịu. Ông cũng nhấn mạnh truyền thống văn hóa của người Việt Nam “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”…
Trong cuộc họp báo cuối năm 2016, của Bộ Công an, Thiếu tướng Phạm Văn Các – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát cho biết, qua kiểm tra các đường chính ngạch chưa rõ Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn qua đường nào.
(Theo Dân Việt)