Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

ĐẢNG CSVN KHÔNG CẦN ĐIỀU 4 HIẾN PHÁP ?

BĐH- Hưởng ứng đợt sinh hoạt chính trị lớn Góp ý cho Dự thảo  Hiến Pháp sửa đổi, nhiều ý kiến bày tỏ sự không đồng tình giữ lại Điều 4 của Hiến pháp cũ . Đây là vấn đề rất mấu chốt bởi nếu HP vẫn mang tư duy ý thức hệ thì con đường phát triển của dân tộc Việt vẫn muôn vàn chông gai . Ngoài bản DỰ THẢO SỬA ĐỔI chính thống phổ biến rộng rãi để "lấy ý kiến nhân dân", một nhóm trí thức trong và ngoài nước cũng đưa ra 1 bản DỰ THẢO HIẾN PHÁP SỬA ĐỔI mang tính đột phá phát hành trên mạng Bô-xít Việt Nam . Đến nay bản dự thảo này đã thu thập được hơn một ngàn chữ ký ủng hộ, trong đó có 2 người bạn học cùng trường TNVN Quế Lâm với chúng ta là  TS Chu Hảo và TS Ngô Quốc Bưu  - và nhiều tên tuổi trong giới trí thức thuộc nhiều lĩnh vực trong và ngoài nước .   Bài viết dưới đây của tác giả Hồ Anh Hải mang tính phản biện xây dựng . Tác giả đã gửi tới 1 vài tờ báo nhưng không báo nào nhận đăng. Cụ (bạn) Trần Xuân Hoài gửi E-mail cho luson.quelam với lời dặn :" Đọc cho vui" !



Dự thảo Hiến pháp sửa đổi 2013 vẫn giữ lại Điều 4 nói về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), phần sửa đổi chủ yếu có thêm ý « chịu sự giám sát của nhân dân ».
Thiển nghĩ ĐCSVN hoàn toàn không cần tới Điều 4 nhưng vẫn có thể giữ được vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội, bởi lẽ Điều 4 không có lợi cho dân tộc và Đảng như trình bày dưới đây :
 
1) Làm cho Hiến pháp thiếu tính dân chủ và tính logic.
Hiến pháp là văn bản pháp luật cơ bản, lâu dài, có hiệu lực pháp lý cao nhất của một nước ; vì thế khi đưa một điều văn vào Hiến pháp phải nghĩ tới hậu quả sau đây cả chục năm, trăm năm. Bởi lẽ pháp luật là « những quy phạm hành vi do nhà nước ban hành mà mọi người dân buộc phải tuân theo » [1], do đó tất cả các điều văn được đánh số thứ tự trong Hiến pháp đều có tính ép buộc, cưỡng chế. Theo Điều 123, ai vi phạm Hiến pháp sẽ bị xử lý.
Như vậy Điều 4 buộc toàn dân phải tuân theo sự lãnh đạo của ĐCSVN ; không tuân theo là vi hiến. 
Điều 2 nói Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân ; vì vậy nhân dân có quyền tự do lựa chọn người (cá nhân hoặc tổ chức) lãnh đạo mình ; không ai có quyền ép họ phải chịu sự lãnh đạo của người không do họ lựa chọn và bầu ra theo nguyên tắc tự do dân chủ dựa trên cơ sở được họ tín nhiệm. Nhân dân lại ủy quyền quản lý nhà nước và xã hội cho bộ máy Nhà nước (tức Quốc hội và Chính phủ). Bộ máy này do nhân dân định kỳ bầu ra và có quyền giám sát, bãi miễn — tức bộ máy được lập ra bởi quyền làm chủ của nhân dân (Điều 6, 7, 8, 75). ĐCSVN không được lập ra bởi quyền làm chủ của dân, cho nên buộc dân phải chịu sự lãnh đạo của Đảng là không hợp quy định dân làm chủ của Điều 2.
Khi nói Nhà nước và xã hội chịu sự lãnh đạo của Đảng thì dĩ nhiên Đảng phải có quyền lực cao hơn Quốc hội và nhân dân. Do đó Quốc hội không còn là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, nhân dân cũng không còn là chủ đất nước, bởi lẽ « Chủ là người có quyền sở hữu về tài sản nào đó, hoặc người có quyền quản lý, xử lý toàn bộ mọi công việc theo lợi ích của mình » [1]. Như vậy Điều 4 làm mất hiệu lực của Điều 2 và Điều 74.
Nói Đảng « chịu sự giám sát của nhân dân » là phi lý và phi thực tế. Về lý, dân chỉ được giám sát và giám sát được người nào do dân lựa chọn bầu lên và có quyền bãi miễn, hết nhiệm kỳ phải bầu lại. Đảng viên không có nhiệm kỳ, lại không do dân bầu, vì thế dân không có quyền và không biết cách giám sát. Sinh hoạt Đảng lại không công khai, cho nên dân không biết gì để giám sát đảng viên, càng không thể bãi miễn.
Hiến pháp là pháp luật, nhưng phần nói về tính chất Đảng (là đội tiên phong, đại biểu trung thành …) chỉ là sự diễn giải,  không có bảo đảm pháp lý, vì thế không nên đưa vào Hiến pháp.
 
2) Không có lợi cho việc sử dụng nhân tài.
Theo Điều 4, khi lựa chọn người lãnh đạo mọi cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp nhà nước, khi bầu Quốc hội… phải ưu tiên chọn đảng viên, do đó người ngoài Đảng dù tài đức trội hơn sẽ bị gạt bỏ, người tài đức kém hơn nhưng là đảng viên lại nghiễm nhiên được chọn. Sự phân biệt đối xử như vậy là trái với Điều 17 (Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị,…), và đi ngược đạo lý Nhân tài là nguyên khí của đất nước, gây lãng phí trí tuệ dân tộc, khiến đất nước phải chịu những tổn thất lớn lẽ ra có thể tránh được.
Quốc hội thời Hồ Chí Minh có nhiều trí thức tài đức dám nói thẳng nói thật, nhất là giới văn nghệ sĩ được coi là tinh hoa xã hội, tuy họ ở ngoài Đảng. Hiện nay hầu hết đại biểu Quốc hội là đảng viên nên dù thấy chính sách của Đảng có sai cũng không dám phản biện; và làm ngơ khi xảy ra các sự kiện lớn trong xã hội. Vì thế Quốc hội thiếu tầm cao trí tuệ và năng lực đại biểu dân, dẫn đến những chủ trương chính sách không được lòng dân. Đây là sự lãng phí trí tuệ và tiền của, vì « để có một đại biểu Quốc hội, ngân sách phải bỏ ra khoảng 700 triệu đồng » [2].  
 
3) Không có lợi cho hòa hợp dân tộc và tranh thủ sự ủng hộ của người Việt ở nước ngoài.  
Điều 4 buộc người dân và các tổ chức xã hội thuộc mọi xu hướng chính trị, kể cả các tổ chức tôn giáo và giáo dân, đều phải tuân theo sự lãnh đạo của ĐCSVN, vì thế mâu thuẫn với Điều 23 (quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, trong đó có đời sống tư tưởng, tinh thần) và Điều 25 (quyền tự do tín ngưỡng, trong đó có tín ngưỡng tư tưởng).
Trong dân ta hiện có những người không ưa ĐCSVN (như một số cộng đồng tôn giáo, người từng phục vụ hoặc ưa thích chế độ Việt Nam Cộng hòa). Đảng nên dùng uy tín của mình để thuyết phục họ chấp nhận sự lãnh đạo của Đảng ; nếu dùng luật pháp ép buộc sẽ chỉ phản tác dụng, vừa trái nguyên tắc dân chủ, vừa bất lợi cho sự hòa hợp dân tộc mà Đảng đang kêu gọi.
Điều 4 cũng không có lợi cho việc thực hiện Điều 19 (Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam… được khuyến khích góp phần xây dựng quê hương, đất nước). Một bộ phận không nhỏ số người này chưa ưa thích ĐCSVN, do đó sự áp đặt Điều 4 sẽ không có lợi cho việc tranh thủ sự ủng hộ tinh thần (như trên vấn đề Biển Đông), vật chất (thí dụ kiều hối) của mấy triệu đồng bào ta định cư ở nước ngoài.

4) Thiếu chặt chẽ về pháp lý, không hợp xu thế thời đại và không có lợi cho việc tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế.
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói : Hiến pháp là sự kết tinh của trí tuệ, đạo đức và văn hóa tâm linh của tất cả các công dân sống trên đất nước Việt Nam. Một bản Hiến pháp chỉ thực sự hiệu năng khi nó trở thành một thứ “Kinh thánh” thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Muốn được như vậy thì nó không thể bị áp đặt [3].
Là sản phẩm trí tuệ của dân tộc, Hiến pháp cần thích nghi với xu thế tiến bộ của nhân loại. Thế giới ngày nay chỉ còn bị chi phối bởi lợi ích quốc gia, dân tộc. Đó là lợi ích cao nhất, trên cả lợi ích của ý thức hệ và của mọi đảng phái. Nước cùng chủ nghĩa có thể thù địch với ta và nước khác chủ nghĩa có thể là bạn ta. Thế giới luôn thay đổi nhiều, rất phức tạp, khó dự báo. Thí dụ ngày nay ta chấp nhận kinh tế thị trường, sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất và kinh tế tư bản tư nhân (Điều 15 và 16 Hiến pháp 1992), là quan điểm trước kia bị coi là trái chủ nghĩa Mác-Lê.
Hiến pháp phải được xây dựng trên nền tảng những đạo lý muôn thủa không ai có thể phủ nhận của toàn nhân loại (như dân chủ, tự do), vì thế nó có tính thiêng liêng và có hiệu quả lâu dài thậm chí mãi mãi, hết sức tránh làm lại mà chỉ có bổ sung và cũng rất hãn hữu. Muốn vậy, Hiến pháp chỉ được phục vụ lợi ích của toàn dân tộc, không được phục vụ lợi ích của một thiểu số. 
Đảng phái chỉ là một thiểu số và đảng nào cũng xử lý công việc đất nước theo lợi ích của mình; lợi ích đó có nhất trí với lợi ích dân tộc hay không thì tùy thuộc vào đảng.
Nói cho đến cùng, đảng nào cũng do một người cao nhất quyết định. Lãnh tụ khác thì đảng sẽ khác. Thí dụ Đảng Cộng sản Liên Xô thời Lê-nin, Sta-lin, Gooc-ba-chốp rất khác nhau. Vì thế « Đảng trị » chính là « nhân trị », trái với « pháp trị » là xu thế tiến bộ Hiến pháp ta đã áp dụng (Điều 2 : nhà nước pháp quyền). Chưa từng có đảng hoặc lãnh tụ nào mãi mãi không mắc sai lầm, nhất là khi họ cầm quyền, bởi lẽ quyền lực làm người ta suy thoái biến chất.
Việc dùng Hiến pháp cho phép một đảng duy nhất nắm quyền lãnh đạo đất nước vô thời hạn mà không kèm quy định khi nào đảng bị tước đặc quyền ấy, là một sai lầm pháp lý có thể đưa đất nước tới kết cục khôn lường, không thể coi đó là đạo lý muôn thủa.
Đảng Cộng sản Liên Xô vĩ đại sau nhiều năm cầm quyền đã suy thoái nặng nhưng theo Điều 7 Hiến pháp 1936 thì vẫn giữ đặc quyền lãnh đạo. Rốt cuộc trong khi đang nắm quyền lực mạnh nhất thế giới của một siêu cường tưởng chừng bất tử thì Nhà nước sụp đổ và Đảng tự tan rã trong sự thờ ơ của 21 triệu đảng viên. Các nước Đông Âu cũng đi theo vết xe đổ này.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định : Sự tan rã của Liên xô « có một nguyên nhân rất cơ bản chính là vì Đảng Cộng sản lúc đó đã suy thoái, biến chất do quan liêu, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi… ». Nghĩ về ĐCSVN, ông trăn trở : « Bây giờ trong Đảng cũng có sự phân hoá giàu-nghèo… Mai kia Đảng này sẽ là đảng của ai ? Có giữ được bản chất là đảng cách mạng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, của dân tộc không?  » [4]. Nhưng theo Điều 4 thì khi ấy Đảng vẫn lãnh đạo ; muốn cứu nhà nước này khỏi sụp đổ thì đã quá muộn.
Nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc nói « Liên Xô sụp đổ cũng là lúc cái điều trong Hiến pháp về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản được khẳng định rất mạnh mẽ », sự sụp đổ ấy « có phải là diễn biến hòa bình đâu » mà « là nhân dân vùng dậy để lật đổ ». Ông thừa nhận : Lòng dân quan trọng hơn Hiến pháp và Điều 4 Hiến pháp ta là học theo Điều 7 Hiến pháp Liên Xô [2].
Trong hai nước bạn XHCN châu Á của ta hiện nay, chỉ có Triều Tiên dùng Điều 11 Hiến pháp 1979 để áp đặt sự lãnh đạo của đảng. Tại Trung Quốc sau khi quyết định cải cách mở cửa, Ban Sửa đổi Hiến pháp bỏ ra hai năm nghiên cứu Hiến pháp của hơn 100 nước trên thế giới. Trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm cách mạng Trung Quốc và tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, họ đã đưa ra Hiến pháp 1982 thi hành cho tới ngày nay (có bổ sung chút ít), trong đó tất cả các điều văn đều không nhắc tới từ « Đảng Cộng sản » và tên các lãnh tụ.
Hiến pháp Xin-ga-po cũng không hề nhắc tới Đảng Hành động nhân dân, là đảng độc quyền lãnh đạo nước này suốt từ ngày lập quốc (1965) tới nay [5].
Cho dù không có bảo đảm của Hiến pháp nhưng vai trò lãnh đạo của đảng cầm quyền ở Trung Quốc và Xin-ga-po vẫn giữ được vững chắc bao năm nay. Thực tế này rất đáng để ta tham khảo, vì chế độ dân chủ Việt Nam rất gần với Trung Quốc và Xin-ga-po, song lại khác hẳn chế độ cha truyền con nối ở Triều Tiên.
Trong tình hình chủ quyền lãnh thổ đang bị đe dọa nghiêm trọng từ bên ngoài, hơn bao giờ hết Việt Nam cần tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân và chính phủ tất cả các nước. Điều 4 không phù hợp giá trị dân chủ tự do được loài người ưa chuộng, lại khác hẳn Hiến pháp của hầu hết các nước, vì vậy sẽ bất lợi cho sự tranh thủ cảm tình của thế giới, cũng không hợp với chủ trương của ĐCSVN là thêm bạn bớt thù, hội nhập ngày càng sâu vào đời sống quốc tế [4].

5) Không có lợi cho việc xây dựng ĐCSVN.
Ai cũng biết : Quyền lực làm hư hỏng con người ; mọi thiết chế quyền lực đều có xu hướng tự suy thoái ; quyền lực càng tập trung, càng lâu dài thì xu thế này diễn ra càng nhanh, mạnh ; nếu không có cơ chế ngăn chặn thì thiết chế ấy sẽ sụp đổ. Điều 4 làm tăng sự tập trung quyền lực của Đảng, trong khi chưa có cơ chế giám sát quyền lực này.
ĐCSVN ngày nay khác xa ĐCSVN thời chưa cầm quyền ; khi ấy chẳng ai nghĩ Đảng lại có thể suy thoái biến chất tới mức như Nghị quyết 4 nhận định, khiến lòng tin của dân ngày một giảm và tiềm ẩn nguy cơ tự tan vỡ từ bên trong, như lời Trung tướng Vũ Hải Triều và Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Vũ Văn Phúc [6].
Đặc quyền đặc lợi là thứ thuốc độc ngon ngọt ngấm ngầm giết chết mọi đảng cầm quyền. Điều 4 sẽ triệt tiêu động lực thúc đẩy ĐCSVN phấn đấu giành tín nhiệm tuyệt đối của dân. Đây là nguy hiểm lớn nhất đối với công tác xây dựng Đảng. Khi bị Đảng kiểm điểm, một bộ phận không nhỏ đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức có thể lợi dụng Điều 4 làm « phao cứu sinh ».
Sau năm 1975, ĐCSVN có xu thế suy thoái rõ và từ năm 1980 Hiến pháp có thêm Điều 4. Trình tự thời gian đó gây ra sự hiểu ngầm là do uy tín Đảng giảm sút nên phải dùng luật pháp để buộc dân chấp nhận Đảng lãnh đạo. Có điều, lòng dân đối với Đảng thì quan trọng hơn luật pháp [2].
Ngay từ lúc mới có vài nghìn đảng viên, ĐCSVN đã được nhân dân ta tự nguyện tôn vinh làm đảng lãnh đạo, và Đảng đã lãnh đạo cực kỳ xuất sắc. Tất cả chỉ vì Đảng có đường lối đúng, đảng viên gương mẫu đi đầu hy sinh vì dân vì nước, không đòi hỏi bất cứ đặc quyền đặc lợi nào.
Từ ngày có Điều 4, uy tín của Đảng lại giảm sút. Sự thực này rất đáng để chiêm nghiệm !
Nước nào cũng do một hoặc vài đảng cầm quyền. Là chính đảng duy nhất tồn tại ở nước ta, ĐCSVN nghiễm nhiên giữ vai trò lãnh đạo từ bao năm nay, không đảng nào tranh giành, vì thế chẳng cần tới Điều 4 để xác lập vai trò đó. Nhấn mạnh sự cần thiết Điều 4 chỉ gây cảm giác Đảng đã suy yếu tới mức phải buộc dân thừa nhận địa vị của mình ; rốt cuộc làm hại uy tín Đảng.
Hơn bao giờ hết, bây giờ là lúc ĐCSVN phải giữ lấy vai trò lãnh đạo đất nước bằng cách giành được tín nhiệm tuyệt đối của nhân dân chứ không phải bằng cách dùng luật pháp áp đặt. Muốn vậy cần thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết 4, làm cho Đảng thực sự trong sạch vững mạnh.
 
Kết luận
Trước nguy cơ các bất ổn trong và ngoài nước đang đe dọa chế độ XHCN ở nước ta, hiển nhiên cần phải tăng cường sự lãnh đạo của ĐCSVN. Nhưng điều này chỉ có thể đạt được bằng sự vững mạnh của Đảng, thể hiện ở chỗ tuyệt đối trung thành với lợi ích dân tộc, có đường lối chính sách đúng đắn, thực sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, toàn thể đảng viên giữ được phẩm chất tiên phong, liêm khiết.
Cách làm này có lợi cho dân tộc và cả cho Đảng, vì thế là thượng sách. 
Có thể khẳng định : ĐCSVN với truyền thống vẻ vang từng lãnh đạo nhân dân ta lập bao chiến công hiển hách, sẽ hoàn toàn có thể giữ vững vai trò lãnh đạo đất nước mà không cần tới Điều 4 Hiến pháp.
Bài viết này đề cập một đề tài rất dễ bị chụp mũ « chống Đảng, chống nhà nước XHCN, bị các thế lực thù địch xúi giục… ». Song đây là một vấn đề pháp lý liên quan tới lợi ích lâu dài của dân tộc ; tất cả mọi công dân đều cần tỉnh táo suy ngẫm và công khai bày tỏ quan điểm, chớ nên e sợ, vì Nhà nước đã hứa là « Không có điều gì cấm kỵ » khi góp ý sửa Hiến pháp [7].
Rất mong được bạn đọc vạch ra các sai sót trong bài này. 

TG : Hồ Anh Hải
----------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo :
[1]  Từ điển Tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, Hà Nội 1994
[2]  http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-08-29-cuu-bo-truong-tu-phap-ban-ve-dan-chu-va-phap-quyen
[3]  http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&CategoryID=42&News=6036
[4]  http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/479628/Phat-bieu-cua-Tong-bi-thu-tai-Hoi-nghi-trien-khai-nghi-quyet-TU-4.html
[5]  http://vanhoanghean.vn/nhung-goc-nhin-van-hoa/nhin-ra-the-gioi/4867-ho-anh-hai.html
[6]  http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/102897/nhan-dien-nguy-co-tan-vo-tu-ben-trong.html
       [7]  http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/103205/khong-co-cam-ky-khi-gop-y-sua-hien-phap.html

--------

7 nhận xét:

  1. Mình không am hiểu gì về lĩnh vực này mà cũng không được ai giới thiệu HIẾN PHÁP của một vài nước để có điều kiện so sánh xem có nước nào làm giống ở VN mình không. Ở VN ta có "truyền thống" luôn giữ gìn cái riêng(không giống ai) của mình.
    Chung quy là hiểu biết bị hạn chế nhưng không muốn làm học trò ai hết !

    Trả lờiXóa
  2. Ở Ta ít có sự quan tâm đến hiến pháp, tôi chắc rằng kể cả các ông bà nghị cũng mấy ai đã đọc 1 lần hiến pháp còn các vị cấp cốp cấp côi thì càng không cần biết vì họ có quyền tối thượng. Hiến pháp ư? ta baỏ cho thế nào thì nó sẽ là thế. Nước ngoài chê ư? Việt nam có đặc thù và là lương tâm thế giới, dân chủ gấp vạn lần bọn thế giới dân chủ khác( kém cụ tổ Lenin 9K lần) cần chi!

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh21:45 28/1/13

    Xin nói thêm ,Bài này là của nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Hoành (bút danh Hồ Anh Hải), cũng là dân tu nghiệp TQ ngày xưa , lớp đàn anh của QL, lập trường cũng trên tài anh em ta, gửi cho TXH để "đọc cho vui", sau khi đã thành tâm gửi cho nhiều cơ quan cao cấp nhưng đều bị "im lăng", nguyên văn như sau:
    From: hai hoanh
    To: txhoai@yahoo.com
    Sent: Sunday, January 13, 2013 8:58 AM
    Subject: Đọc cho vui

    Vừa đọc bài Hành trình ... của bác trên TS,
    nảy ra ý định gửi bác đọc bài tôi đã viết và đã gửi cho VNNet, Quân đội nhân dân, Hội đồng lý luận TƯ hôm đầu tuần , nhưng 0 ai đăng cả.

    Nguyễn Hải Hoành (hết trích dẫn).
    Tôi cũng không bao giờ dám mong là LSQL đăng lên để mọi người cùng chia sẻ. Đấy đúng là tinh thần LSQL!
    Theo tôi, bài viết này rất tâm huyết và cũng đã"phải lách" nhiều đến thế mà vẫn không được cho phép đến với công chúng, thì không biết bày ra góp ý để làm gì.
    Vì vậy, ý kiến của cụ Nguyên Hân là rất chí lý. Đó là một cái vỏ thép kín. Có cách gì cho cái vỏ thép này mở ra được không các bạn LSQL nhỉ!

    Trả lờiXóa
  4. Đây là một bài viết đầy thiện chí, có tâm có tầm, cũng giống nhiều bài khác trên Blog của cánh ta. Để có bản HP thực sự mới về chất làm cơ sở cho một bước ngoặt lịch sử của đất nước bằng biện pháp ôn hòa, rất cần những người cầm quyền cấp cao- thậm chí một hai người có quyền lực nhất - thực lòng muốn vứt bỏ mô hình cũ. . Kinh nghiệm chuyển đổi ở LX , các nước Đông Âu, Mianma, v.v. cho ta bài học đó. Tuy nhiên , hiện ở VN căn cứ vào thái độ của cả bộ máy hiện hành , tôi không tin họ thực lòng ,tự nguyện lột xác vì nước vì dân .
    Nguyên nhân có nhiều nhưng có một lý do sâu xa thuộc bản chất v/đ : quyền lợi của một bộ phận không nhỏ trong đảng gắn quá chặt vào bộ máy cũ này rồi, không thể tự nguyện vứt bỏ được. Nói trắng ra , Đảng đang bị một số kẻ cơ hội đội lốt CS lợi dụng phục vụ nhóm lợi ích của họ. Đi đôi với nó là một thiết chế đồ sộ ngày càng mang tính bạo lực cưc đoan sẵn sàng bóp chết mọi lực lượng tiến bộ để dễ ăn chia nội bộ ..Do đó, mọi tiếng nói thiện chí đến mấy, kể cả của các vị lão thành, cũng không được họ lắng nghe , đừng nói làm theo.Kết quả có thể dự đoán được : Một cuộc" Lấy ý kiến đóng góp " nặng về hình thức , bị kiểm soát, mang tính PR ,là một tiếng kèn ngập ngừng không thể tạo ra đột biến.
    Tôi đọc khá kỹ bản kiến nghị thay đổi HP ( tôi dùng từ thay đổi chứ không chỉ sửa đổi ) ,có cảm tưởng đó là một giấc mơ đẹp nhưng khá xa vời !
    Vừa qua gặp nhau tại Chiếu Hoa, tôi đã kịp hỏi anh C.H vài câu về cái HP đó. Ảnh bảo : bọn tớ viết cho nhân dân chứ không phải cho họ đâu !
    Vậy bài này rơi vào số phận " đọc cho vui " cũng là điều dễ hiểu .

    Trả lờiXóa
  5. Xin phép bổ sung thêm vài câu cho nó đã !
    Muốn thay đổi tốt lên, lại tránh được xung đột , bạo lực v.v., những đảng viên chân chính còn lại đặc biệt là những người có quyền lực trong Đảng cần liên kết lại, đánh đổ cho được vài ba kẻ đang lộng hành bằng cách giáng những đòn quyết định vào tử huyệt của chúng : Tham nhũng làm thất thoát tài sản gây hậu quả nghiêm trọng. Muốn vậy NN cần chính thức yêu cầu tất cả những ngân hàng cả trong nước và nước ngoài đang giữ tiền của bọn chúng đều phải thông báo về cho Ban nội chính. ..Diệt xong đám này rồi mới có thể sửa gì thì sửa !

    Trả lờiXóa
  6. "Đọc cho vui" cũng chỉ là 1 cách nói . Xin đừng nghĩ như thế ! Trong bài viết của Hồ Anh Hải Người đọc "lượm" được nhiều điều bổ ích lắm chứ ! Yêu cầu như của cụ Lệ Thủy là muốn hiểu biết rộng hơn về Hiến pháp, từ lịch sử ra đời đến ngôn ngữ hành văn - cố nhiên quan trọng nhất là nội dung Hiến pháp cốt lõi là cái gì. Cho ai và vì ai ? Thì đây ( trong bài này ) cũng đã đáp ứng 1 phần. Chúng tôi sẽ cố gắng chọn lựa để giới thiệu những bài viết xung quanh "Hiến pháp" để các cụ tham khảo . ( Calathau )

    Trả lờiXóa
  7. Nặc danh12:05 22/2/13

    bài viết của hồ anh hải đã phân tích thấu đáo về nội dung điều 4 hiến pháp nứoc cộng hoà xã hội chủ nghĩa việt nam- đảng - quốc hội nên nghiên kỹ và nên sửa đổi và tốt nhất là bỏ điều 4

    Trả lờiXóa