Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 15 tháng 8, 2017

VỀ CUỐN SÁCH " Học sinh Miền Nam - Tư liệu và Kỷ niệm"

Người giới thiệu : TRẦN KIẾN QUỐC
Nguồn :Bạn Trỗi K5
Ảnh chụp lại từ sách
Tranh thủ lướt qua cuốn sách mới được Tuấn Ôn tặng. Ngoài phần tư liệu được cập nhật rất công phu, là phần ghi lại những kỉ niệm của mấy chục thầy cô giáo, học sinh...
Sự thật!
Đa số hàng vạn HSMN thời đó sau chừng ấy năm đã hòa nhập được với gia đình, quê hương, dòng tộc nhưng cũng có những sự thật đau lòng.
Thật xúc động khi đọc những dòng: Chúng tôi được tập kết ra Bắc khi mới 2, 3 tuổi, không có ba mẹ đi cùng. 21 năm sau, khi trở về, không biết ba má ở đâu. Rồi hàng chục năm sau nữa, về quê tìm kiếm, từng đứng trước má rồi mà má lắc đầu: "Con gái má phải cao lớn, xinh đẹp hơn cơ, con này không phải". Tôi phải chào rồi quay lưng đi ngay, không dám quay lại... Sau đó, nhờ có công nghệ thử ADN mới xác định đúng.
Hay có bạn đã hơn 40 năm rồi mà không biết quê hương, cha mẹ mình là ai?
Có những bạn sau 21 năm trở về, không hợp với cuộc sống gia đình mình, bị hắt hủi, đã ôm chăn gối vào cơ quan sống...
Có những bạn tủi quá, đã treo cổ tự tử. Thật đau lòng! Đó là 1 thực tế phũ phàng.
Cảm động về câu chuyện của bạn Nguyễn Thị Thư dày công lục tìm trên mạng để có địa chỉ của 2 bạn Cameroon: Irene và Monique. Và tháng 2/2017 đã đón được 1 bạn sang thăm VN.

Thông tin về Nguyễn Công Trường
Ở trang 804, 805 đã có 1 bài hát và 1 tấm ảnh có Công Trường - bạn Trỗi của chúng ta: "Nguyễn Công Trường sinh 1953, ra Bắc 1964, từng học ở Trường VHQĐ, Ký túc xá HSMN cấp 3 Vĩnh Phú, Trường HSMN Vĩnh Yên, Đại học Giao thông thuỷ, tốt nghiệp 1976, về Nam làm việc ở Vũng Tàu, TPHCM, nghỉ hưu năm 2000. Hiện cư trú tại Đồng Tháp".
Sách xuất bản 2016 và đầu năm nay thì bạn đã đi xa. Chả biết đã được cầm trên tay cuốn sách này chưa?

Cảm ơn Tuấn Ôn đã tặng sách quý!

1 nhận xét:

  1. Thực ra đứa trẻ sinh ra, hạnh phúc nhất là được lớn lên trong vòng tay yêu thương và sự chăm sóc dậy dỗ của cha mẹ và gia đình (Tất nhiên trong điều kiện kinh tế bình thường). Chúng tôi - dân Lư Sơn -Quế Lâm (Thời chống Pháp) sống xa nhà xa tổ quốc khoảng 4-5 năm rất thấm thía điều này ! Năm 1958 Trường chúng tôi giải thể. Quyết định này là theo lệnh của Bác. Nghe nói Bác bảo với các đồng chí phụ trách ngành Giáo dục : Trước ta còn đang đánh giặc, muôn vàn khó khăn, các cháu đều sống thiếu thốn, thất học mới phải nhờ bạn, nay ta đã thắng Pháp, có nửa nước độc lập tự do có thủ đô rồi phải cho các cháu về sống với gia đình .... Lại nghe nói, " Đảng CS TQ và Mao chủ tịch" khi đó có nhã ý khuyên TW ta cứ để trường tồn tại bình thường, bạn sẽ tiếp tục giúp đỡ vô tư. Học sinh học hết cấp 3 ( 9-10 năm) sẽ chuyển tiếp Đại học ở TQ hoặc các nước XHCN Anh em khác ! Nhưng điều này đã không sảy ra. Chúng tôi về VN học tiếp cho hết chương trình phổ thông 10 năm, sau đó hầu hết đã vào Đại học trong nước hoặc nước ngoài . Tuy nhiên , thực sự ban đầu cũng khó khăn khi hội nhập với cuộc sống mới , bởi đang sống tập thể, chỉ biết vô tư ăn học vui chơi , tóm lại là được phục vụ từ A-Z. Nay về sống với gia đình cũng gánh nước, đi chợ, nấu ăn, trông em ...thậm chí chạy chợ phụ giúp gia đình khi cha mẹ chỉ mới có phụ cấp ít ỏi !!!. Nhưng phải đắm mình vào thực tế đất nước như thế mới thấu hiểu và mới vươn lên thoát "kiếp GÀ CÔNG NGHIỆP"...Rất cảm ơn thông tin của Kiến Quốc về các "em" HSMN sang Quế Lâm lứa đánh Mỹ sau này. Cảm động quá ! . Xin chép lại để đăng trên Blog luson.quelam.blogspot.vn ( Comment này chép lại từ facebook Trần Kiến Quốc )

    Trả lờiXóa