Tác giả Phạm Bang Ngạn |
Lớp người “Tuổi thơ Quế Lâm” ấy bây giờ đã vào tuổi tám mươi rồi, nhưng vẫn đầy hào hứng nhớ lại quãng thời gian không đầy 1/10 cuộc đời đã qua cho đến nay. Trong đó, theo thời gian mỗi năm một lớp, song “Lớp 5” năm học 1954 – 1955 của lớp chúng tôi bắt đầu từ Thiếu sinh quân (TSQ) cho đến mãi sau này, lại trở nên đáng ghi nhớ cho cả quãng đời “Tuổi thơ Quế Lâm” không sao quên được đó.
Tôi mang ba lô đến trường TSQ vào lúc xế chiều của mùa hè năm 1951.
Tôi ngạc nhiên chứng kiến trận đấu bóng, thời đó quen gọi là “bóng nhà binh”, mà nay là kiểu chơi bóng bầu dục. Sự mạnh mẽ, sảng khoái của nhóm TSQ cũ trên sân bóng làm tôi ngạc nhiên đầy thú vị của một cậu bé mười tuổi như tôi, bắt đầu bước vào đời sống tập thể.
Ngay sau đó thôi, tôi phải dấn thân vào nếp sống quân sự… . Buổi sáng, đang trong giấc ngủ say nồng của lứa tuổi “ăn ngủ”, chúng tôi phải nhanh chóng bật dậy, tập thể dục theo hiệu lệnh dứt khoát. Buổi tối, trước khi đi ngủ sau một ngày học tập, rèn luyện quân sự, thể thao…, khi cơn buồn ngủ kéo đến làm hai mí mắt cứ muốn khép lại, không cưỡng lại được, thì lại phải đứng nghiêm trong hàng ngũ trung đội điểm danh, nghe chỉnh đốn công việc trong ngày. Đâu đó trong hàng ngũ các tiểu đội, một vài chú nhóc TSQ ngủ gật, bổ nhào, làm cả nhóm xôn xao cười đùa. Thú vị nhất là sau mỗi buổi luyện tập ngoài trời, trung đội phải tập họp, nhận xét, chờ đến khi chỉ huy ra lệnh “5 phút tự do” trước khi giải tán, để các đội viên được phép vui đùa với chỉ huy, có thể là vật ngã, cởi quần áo đẩy xuống ao “tắm”. Thật là vui nhộn sảng khoái!. Ý nghĩa của “5 phút tự do” thời đó là tạo quan hệ gần gũi giữa các đội viên và chỉ huy.
Có lần tôi được chứng kiến bạn đồng đội của tôi bị phạt đứng nghiêm, đeo ba lô, chào tấm biển ghi dòng chữ: “Tôi lười không chịu giặt quần áo”, rồi bị phạt chạy quanh ba vòng đồi.
Ngày ấy, định kỳ chúng tôi phải đến kho quân lương, cách chỗ ở vài cây số, vác gạo về bếp ăn. Rồi vào rừng kiếm củi, làm sao bó củi của mình không kém đồng đội, nên cũng phải ra sức kiếm củi, bó củi gọn, è cổ vác, tuy các nhóc TSQ chỉ trên dưới mười tuổi. Các trung đội tự tổ chức bếp ăn, phân công nấu ăn. Nhớ nhất là bữa ăn tiểu đội, ngồi quanh xoong cơm, thức ăn, chờ tiểu đội trưởng ra khẩu lệnh ăn từng món: “Pô” thứ nhất – rau, hay “pô” thứ hai – đậu, “pô” thứ ba – canh, các đội viên mới được gắp. Ăn cơm bằng đũa ăn hai đầu, một đầu gắp thức ăn, đầu kia và cơm.
Thỉnh thoảng được ăn thịt, có chú nhóc TSQ ăn dè, để dành thịt dưới đấy bát cơm, theo kiểu nói thời đó là “chôn mìn”, để ăn một lèo cho bõ.
Nhập trường được ít lâu, TSQ được phát quần áo, có lần nhận được bộ quần áo ka ki màu vàng nhạt, nghe nói của Tiệp Khắc, nhưng đối với các nhóc TSQ thì lại quá to, quần dài ướm thử quá đầu; rồi cũng phải tự sửa cách nào đó để mặc …
Có đợt, Trường TSQ cũng tổ chức chỉnh huấn. TSQ nhóc chúng tôi cũng được chứng kiến những chuyện kiểm điểm rất ly kỳ và người thành khẩn kiểm điểm, nói ra được nhiều khuyết điểm bí ẩn, thì được tuyên dương đặc biệt, tự so sánh như Chiến sỹ thi đua.
Sau chỉnh huấn, các đại đội còn lại của Trường TSQ thuộc bộ phận B sang Trung Quốc sau bộ phận A vài tháng. Chúng tôi hành quân bộ hàng chục cây số, thì được di chuyển bằng ô tô tải bịt kín, ngồi theo hàng dọc chật khít trên thùng xe. Sau nhiều ngày hành quân, chúng tôi đến thành phố Liễu Châu, tỉnh Quảng Tây,Trung Quốc vào khoảng 7 – 8 giờ tối thu đông năm 1951 – 1952. Trời mưa phùn, đói và rét, cả đoàn được đưa vào một nhà ăn rộng, các bàn ăn tròn, mỗi bàn đủ chỗ cho một tiểu đội. Thú vị nhất là được ăn phở xào, nhưng xào hơi non, đầy mỡ đóng két lai từng mảng, tuy phở không còn nóng, nhưng sao mà ngon thế!. Đến nay sau hơn sáu mươi năm vẫn lưu lại cảm giác ngon lành của bữa phở xào tối hôm đó.
Từ mùa đông 1952 chúng tôi đã ở trường, được sống trong những dãy nhà có hai buồng lớn hai bên cho các trung đội học viên, ở giữa là các phòng nhỏ dành cho ban chỉ huy đại đội. Nghe nói, trước đây nơi này đã từng là Trường Quân sự. Còn nay là Trường “Dục tài học hiệu” của TSQ chúng tôi,với nền nếp quân sự hóa nghiêm chỉnh; các giường tầng vắt màn căng phẳng lì không nếp gấp, chăn gập vuông vức được xếp đồng loạt ở đầu giường, bát đũa được treo từng dẫy theo tiểu đội… . Giờ ăn, các trung đội xếp hàng đi đến nhà ăn và từng tiểu đội vào bàn ăn tròn định sẵn. Thời gian đầu còn có hiệu lệnh ăn trong 5 phút phải xong, sau này bỏ.
Hàng tuần, vào mùa hè chúng tôi được dẫn ra sông “Ly Giang” tắm. Nước sông trong vắt, nhìn thấy cá con bơi đùa nghịch quanh cống thoát nước hạ lưu của kè đá chắn ngang sông, rồi các guồng cuốn nước quay, đẩy nước từ dưới sông tưới cho các ruộng lúa non xanh…. Có lần nước sông dâng đầy tràn qua kè đá, dấu dưới mặt nước phẳng lặng bị chặn là dòng nước chảy xiết qua các cống kè đá. Tôi mải bơi quá xa bờ nên khi có hiệu lênh lên bờ, thì mệt nên đành men theo kè đá quay lại. Rồi bỗng nhiên, khi đang dò theo kè đá, thì bị dòng nước chảy quá mạnh cuốn phăng qua cống, trôi tuột khá xa phía dưới hạ lưu… .
Thật hú vía!.Không đủ sức lực và tinh thần để tự bơi và bờ, tôi đã được thày giáo dìu vào, mà sau một lúc lâu tôi mới chấn tĩnh lại được.
Mùa đông, TSQ tự đun nước tắm trong các chảo lớn, rồi pha nước nóng lạnh vào các thùng gỗ, đủ cho một, hai người tắm. Các nhóc TSQ chúng tôi mải chơi, đành phải tắm lại nước thứ hai còn ấm, gọi là nước “sái”. Cũng vì thế, chúng tôi bị mắc đủ các loại bệnh ghẻ; nên các anh lớn cứ hai người giúp một nhóc TSQ chúng tôi tắm, giặt quần áo…
Hàng tháng, đôi khi chúng tôi cũng được dẫn ra phố Quế Lâm xem phim. Cac đại đội, quần áo, đội ngũ chỉnh tề, đi hành quân lần lượt từng đại đội, không nói chuyện, không vứt giấy có chữ Việt Nam ra đường. Hồi đó, phim ấm tượng nhất đối với chúng tôi là phim “Bạch mao nữ”, nói về cuộc đấu tranh chống địa chủ ở nông thôn Trung Quốc. Sau khi xem phim các trung đội được hướng dẫn thảo luận nôi dung, ý nghĩa của phim và rút ra bài học tư tưởng…
Từ năm lớp 5 (1955 – 1956) chúng tôi được chuyển thành học sinh Trường Thiếu nhi Việt Nam, không còn là TSQ nữa. Chúng tôi được học họa, nhạc, được hướng dẫn thể dục, thể thao…
Chúng tôi đã đến tuổi “trứng cá, má hồng”, nhiều bạn nam đã thích “tơ tưởng” đến các bạn nữ... Sau nhiều thập niên, qua biết bao biến động của cuộc đời, đến nay tôi vẫn nhớ cảm xúc của mình đối với bạn nữ lớp 5 hồi đó; vẫn hồi tưởng lại được cảm xúc cuộc gặp mặt bất ngờ với bạn nữ mà mình vẫn thầm nhớ mà chưa bao giờ nói chuyện, thổ lộ…
Hồi ấy chúng tôi rất thích các buổi tụ tập đọc truyện sau giờ tự học buổi tối. Truyện “Thép đã tôi thế đấy”, đặc biệt là mối tình thơ mộng của Pa-ven và Tô-nhi-a, cũng thuộc lứa tuổi chúng tôi… Bạn đọc truyện với giọng đọc ấm áp, đầy diễn cảm, làm cho nội dung truyện thấm sâu vào lòng chúng tôi và động viên tu dưỡng, rèn luyện.
Niềm tự hào của K5
Năm học 1956 – 1957, nhà trường tổ chức thi đấu thể thao, lớp 7B chúng tôi được vào chung kết bóng đá với lớp 6B là đội bóng được đánh giá là mạnh nhất trường. Hồi đó, tôi vừa chấm dứt bệnh sởi, được đưa từ bệnh xá của trường, trong tình trạng sức khỏe chưa bình thường, nhưng lại ghi được bàn thắng trong tư thế hoàn toàn may mắn dễ dàng; còn bàn thắng gỡ lại của đội bạn thật kỳ quặc, vì chúng tôi bị lỗi. mà thời đó gọi là “ba cooc-ne, một a-li-e”, tức là ba lần bị phạt góc, thì chịu đá phạt 11 mét. Thủ thành lớp tôi dáng cao, sức bật rất tốt của một cầu thủ bóng chuyền số một của lớp, của trường, lấy đà nhẩy bẩy bước, quá xa so với 11m thực tế để xác định điểm đặt bóng đá phạt. Nhưng đối thủ đá phạt quá tốt, bóng đi sát mép cột, ngang đầu gối, lại nhờ gió mùa đông bắc thổi mạnh hơn mọi khi, nên ghi bàn. Nhưng cuối cùng lớp tôi vẫn thắng 2 -1. Và người ghi công đầu không phải là người ghi bàn thắng, mà là tiền vệ trái với đôi chân dẻo, chặn bóng rất khéo, cũng như có đôi bàn tay khéo léo đầy sang tạo trong các trò chơi hấp dẫn của lớp, nên đã bẻ gẫy cánh chủ công bên phải của đối phương. Trận bóng đá này đã làm “mở mày mở mặt” đầy ấn tượng cho cả lớp mãi về sau…
Lớp tôi ở tầng một, phòng đầu hồi của nhà hai tầng, qua sân vận động là nhà câu lạc bộ bóng bàn. Giường tôi lại ở ngay cửa sổ, dễ dầng nhìn thấy bác đánh kẻng hết giờ ngủ trưa , nên thường nhanh chân có được bàn bóng bàn để tập … Cuộc thi đấu bóng bàn năm 1956 – 1957 tôi được vào chung kết và dành giải nhất. Nhưng phần thưởng trong lễ trao giải toàn trường không để lại trong tôi ấn tượng nào cả…
Đến nay, sau sáu mươi năm, khi vào trường TSQ tôi học lớp 3, ra trường học hết học kỳ I lớp 8, qua đại học ở trong nước, ngoài nước, qua nhiều chục năm công tác; nhưng khi gặp lại nhau chúng tôi chỉ lấy danh “Học sinh lớp 5” để hội tụ…
Đối với riêng tôi khi khai lý lịch đi học đại học, ở mục “Bạn thân”, tôi ghi tên một bạn học “lớp 5”. Nên khi học ở trường Đại học Ngoại ngữ để đi học ở nước ngoài, tôi bị đơn tố cáo lỗi tối kỵ đối với học sinh đi học nước ngoài thời đó. Nhưng nhờ có tên người bạn “lớp 5” đó và nhờ sự quen biết trực tiếp và biết rõ gia đình tôi, nên Tổ chức nhà trường không tin vào nội dung đơn tố cáo đó nên vẫn để tôi đi học ở nước ngoài bình thường.
“Lớp 5” của tôi cũng bắt đầu từ nếp sống TSQ trước đó, đã giúp tôi có thói quen kỷ luật, trật tự, đặc biệt là đúng giờ, đúng hẹn … Và cũng từ “Lớp 5” đó, những môn nhạc, họa, thể dục thẻ thao đã giúp tôi có đời sống văn hóa phong phú, biết thưởng thức cái đẹp, yêu thích âm nhạc, tập thể dục thường xuyên ngay bây giờ ở tuổi gần Tám mươi.
Cũng cần nói thêm, khi là người phụ trách chính một đơn vị sản xuất, kinh doanh, hạch toán độc lập trong nền kinh tế thị trường, đơn vị của tôi cũng đứng hàng đầu về văn nghệ, thể thao cơ sở, cũng như luôn xếp hàng đầu trong các doanh nghiệp của thành phố về sản xuất kinh doanh thời tôi còn công tác.
Từ “Lớp 5” đầy nghĩa tình đã hun đúc trong tôi sự đồng cảm với những khó khăn của bạn bè. Khoảng từ 20 năm trước đến nay, ba, bốn bạn học của tôi gặp khó khăn về kinh tế trong cuộc sống, đều được tôi biếu quà trân trọng trong dịp Tết.
Một đôi điều nói về mình, nhưng chủ yếu là nói về những kỷ niệm “Tuổi thơ Quế Lâm”, trong đó có “Lớp 5” của tôi từ đó đến bây giờ… .
Tác giả ( người thứ 3 bìa phải) và nhóm các bạn K5 về thăm trường cũ Quế-Lâm tháng 10/2006
(Ảnh chụp bên cạnh nhà nam sinh có phòng của Lớp 5B ở đầu nhà - Ảnh do Như Thanh cung cấp )
-------------------------------
(Ảnh chụp bên cạnh nhà nam sinh có phòng của Lớp 5B ở đầu nhà - Ảnh do Như Thanh cung cấp )
Vì còn một số tác phẩm ( quan trong và hấp dẫn) đã đăng ký và đang chỉnh sửa những dòng cuối cùng. Vì vậy chúng tôi- Nhóm BT gia hạn ngày nộp bài cuối cùng vào 15/3/2016 ( Thay vì vào ngày 29/02 như thông báo trước đây)
Trả lờiXóaRiêng về bài viết của cụ Bang Ngạn. Chúng tôi nín thở chờ đợi. Nay đã có kết quả. Tác giả là người "Khó đẻ", thế mà cuối cùng cũng "đẻ" ra được đứa con tình thần " kháu khỉnh" thì thật là ...quý hóa quá !
Cũng hoan nghênh " bà đỡ " khéo tay, túc trực bên "sản phụ" ngày đêm động viên khích lệ " cố rặn đi ! Cố tí nữa thôi là NÓ ra ngay đấy mà !". Khi "thằng cu" oe oe chào đời là đã có "Bà Đỡ 3B" đón tay , rất chu đáo . Mõ xin thông tin đẩ cả Làng cùng vui và XIN MỘT TRÀNG VỖ TAY Ạ !
Cách đây 6,7 năm - do làm Mõ Làng coi giữ Blog, tôi đã từng xúc động đến cay mắt khi đọc hàng loạt hồi ký , thuộc chủ đề " Tuổi thơ tôi" của các bạn . Hôm nay nhận được E-mail của Trung Hải, thấy bài viết này của Băng Ngạn, tôi đọc vội và bỗng cảm giác xúc động như ngày nào lại dồn dập ùa về ...Tôi là người học văn, làm văn làm báo , cũng có máu văn chương. Thời nhỏ đi học "ÁM TẢ" thì khá chút chút chứ " LÀM TÍNH" ( Toán) thì dốt lắm ! Dốt đến tận bây giờ ! Cái nghề nó vận vào "cái nghiệp", hễ nói đến kỷ niệm tuổi thơ là xúc động . Nhưng đó là tình cảm thật. Tự đáy lòng không hề mầu mè, nịnh bợ ( Mà cũng nịnh nhau thì được gì bây giờ !!!). Hơn thế, nếu có lời động viên bạn để bạn vui hơn thì sao mình không " nịnh" kia chứ ? Nhưng ở đây là 1 bài viết hay thực sự. Một cách kể chuyện bình dị thủ thỉ. Đúng, người xưa đã nói : văn chính là người ! Cái thủ thỉ đúng chỉ có ở bạn Băng Ngạn ! Quả là bạn đã cho tôi cùng bạn " Ngược dòng ký ức" thêm một lần nữa . Lời sau cùng : Bạn Ngạn đã cố gắng đáp ứng sự mong muốn của Tôi và 3B, thay mặt nhóm BT sách. Chính chúng tôi phải cám ơn bạn, Băng Ngạn ạ ! ( Bài viết do Băng Ngạn viết tay và 3B đã dương mục kỉnh gõ bàn phím cho ra file lưu trong máy tính, rồi gửi nhanh cho tôi. Một vài lỗi chính tả sẽ được sửa. Công việc ấy có bạn Tiến Hoàn đang trong tư thế sẵn sàng ! )
Trả lờiXóaChúc mừng cụ Bang sinh đứa con quý hóa, ca ngợi cụ Ba - bà đỡ tài tình và vỗ tay hoan hô cụ Mõ kiên trì chờ đón thành công tác phẩm trong niềm vui mùa xuân mới.
Trả lờiXóaCám ơn cụ đã là người com đầu tiên !
Xóa