Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 7 tháng 3, 2016

BÀI GỬI IN SÁCH CỦA BẠN TRẦN XUÂN HOÀI ( Bài 2)

CUỘC DU NGOẠN NGƯỢC VỀ THỜI THƠ ẤU

 Trần Xuân Hoài
tg Xuân Hoài
Tôi đã đọc khá nhiều sách, nhưng câu nói của Tác giả tiểu thuyết về chàng Hiệp sỹ đánh cối xay gió Don Kihote:’ Cái gì đã học được ở tuổi thơ thì sẽ còn mãi” thì tôi nhớ nhất và luôn nhắc lại mỗi khi có dịp. Còn giờ đây lại có dịp nhắc lại bằng xương bằng thịt.
Sáu mươi hai năm trước, vào dịp đầu hè 1953 Đoàn thiếu sinh khu tư hơn ba mươi đứa trẻ từ 9 đến 15 tuổi bắt đầu cuộc hành quân đêm đi ngày nghỉ  hơn ba tháng đi bộ từ nơi tập kết Chợ Rộ , huyện Thanh Chương , vốn là thủ đô Vùng Tự Do miền Trung để sang đến Bằng Tường, Trung Hoa. Là Đoàn cuối cùng, thứ 10, đến được Lư Sơn, nên quen gọi là đoàn 10. Có người chỉ khi tập trung ở Chợ Rộ mới xa nhà, đến tập trung còn mếu máo. Nhưng nhiều bạn khác thì đã xa nhà từ 1,2 năm trước nên đã là “ma cũ” dày dạn kinh nghiệm hành quân.
Sáu mươi hai năm sau, cuối xuân đầu hè, ngày 30/3/3 chúng tôi ngược trở lại một đoạn đầu của con đường đi bộ năm xưa.
9 giờ sáng , sau bữa điểm tâm gọi là đặc sản miến lươn Ninh Bình, xe bỏ đường quốc lộ trơn tru, ở ranh giơi giữa khu ba và khu 4 xưa, rẽ vào phía tây men theo “đường làng” mấp mô đến địa danh đầu tiên mà chúng tôi năm xưa đã dừng chân nghỉ ngơi trước khi rời khu Tư an toàn để sang khu ba còn tạm chiếm. Địa danh này là Phố Cát , Thanh hóa. Từ đây đến thị trấn Rịa là 15 km , từ Rịa đến Nho Quan (bìa rừng Cúc Phương) cũng chỉ 10km, quãng đường dài nhất một đêm mà bọn trẻ đi được.Nơi đây trong kháng chiến là vùng đệm giữa vùng tạm chiếm với vùng tự do. Vẫn còn nghe vang vọng tiếng đại bác. Đoàn khu tư nhập với đoàn khu 3 từ vùng địch lên (10 người) tại Nho Quan. Một bạn khu ba vừa hy sinh vì đạn địch, bạn Hoàng Kim Giao bị thương lúc bấy giờ. Sau này Kim Giao là người đầu tiên tháo được ngòi nổ bom từ trường cho quân đội ta nghiên cứu phá bom. Lần phá bom sau ở Nghệ An, Kim Giao bị bom nổ tan thành khói bui. Sau khi nhóm phá bom từ trường được giải thưởng Hồ Chí Minh, người ta quên mất  bạn Hoàng Kim Giao của chúng ta. Về sau Giao được truy tăng Anh Hùng , là niềm tự hào của Viện KTQS nơi Nguyệt Ánh chắc biết rõ. Giơi Vật Lý chúng tôi cũng rất vui vì chuyện này (tôi dạy Vật Lý có dạy vài giờ lớp của Giao, tốt nghiêp Giao nhập ngũ ngay)
Lúc bấy giờ gặp nhau , sáng dậy thấy các bạn khu ba xuống suối đánh răng, nhổ bọt trắng xóa, bọn trẻ khu tư như tôi lạ lắm, liền hè nhau nhảy xuống suối bốc bọt lên nếm thử cho biết đánh răng là thế nào ! Ôi , một thời thơ ấu, hồn nhiên, gian khó , làm sao mà quên được !.
Từ Phố Cát (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) theo con đường mòn ngày xưa đi bộ , nay là quốc lộ 45 đến Cẩm Thủy . Gọi là quốc lộ nhưng đường vô cùng xấu, xe chở mía cho nhà máy đường Lam Sơn, lặc lè quá tải,  cày nát con đường. Chắc quân của ông La # không dám động đến cánh lái xe dữ dằn “ăn rau má, phá đường tàu “ ở đây! Ngày trước chúng tôi đi bộ từ thị xã Thanh Hóa qua Đồi Thông lên đây. Nhưng giờ thì chúng tôi bỏ đoạn này để đến Lam Sơn. Nhưng đường quá xấu, Tuấn Nga đã chịu không nổi rồi, chúng tôi đành bỏ kế hoạch đến Lam Kinh mà nhảy ngay lên đường Hồ Chí Minh ở Ngọc Lặc cho êm thuận, dù xa hơn.  Đã hơn 60 năm , ở nhà Tây ăn cơm Tàu ,U80 cả rồi , đâu còn như thuở thiếu sinh quân gian khó thuở lên 10 ! Đường mòn HCM chạy trong núi rừng đẹp như mơ, ai nấy phấn chấn , hát hò “quê Bù Linh hay quê Bù Leo…” vang rừng núi. Không dừng lại Lam Sơn, cố chạy 110km cho đến tx Thái Hòa ,Nghĩa Đàn Nghệ an để nghỉ trưa. Đây chính là con đường thượng đạo ngày xưa Lê Lợi năm 1424 theo mưu Nguyễn Chích bỏ Lam Sơn vào Nghệ An xây căn cứ , nhờ đó mới đánh thắng được quân Minh. Thế nhưng đi được nửa đường, đói quá , dừng chân lại  quán núi ở Yên Cát , Như Xuân ,Thanh Hóa. Gọi là quán miền núi, là một khu nhà sàn hoành tráng, thật ra đây là chốn ăn chơi của các đại gia. Mấy chị Quang Thùy, Nhật Lệ…trong lúc chờ cơm, leo lên tầng 2, đãchoáng ngợp với cảnh ăn chơi VIP, với chục phòng A-Z bí hiểm, phập phùng tiếng nhạc dậm dật. Ngó trộm qua khe cửa hẹp thấp thoáng bóng hồng sơn nữ với các đấng mày râu. Nhà sàn xây gỗ quý, khó ai tưởng tượng nổi. Các quý ông hết thời oanh..chỉ có cách đi ngắm những cột, sàn gỗ quý hiếm…khó có nơi nào ở Sài Thành, Hà nội có được. Khá khen cho Đại gia nào có mắt tinh đời xây nên nơi này, chỉ một giờ chạy xe từ TP Thanh Hóa, hay 2 giờ từ Nghi Sơn là đến được ăn chơi thâm sơn cùng cốc này. Bữa trưa quán núi hôm nay mới được chứng kiến Nữ tướng Ngô Hoàng Hà , quả danh bất hư truyền. Các anh Khắc Hân, Hồng Nhật, Uy Liêm, Khoa Phi hý hửng khoe tài với chai Johny Walker đầy ắp mà cũng không địch nổi Ngô Hoàng Hà . Anh cả Lê Khắc Hân đành phải    ngậm ngùi than thở, bốn anh em ta chỉ bằng một nửa “thằng” Ngô thị Hoàng Hà này thôi. Từ nay nó ngồi bàn với chúng ta, còn Xuân Hoài thì từ nay phải sang ngồi bàn với chị em
Thật  là xứng với câu ca “ Gái Công trường như hoa Thiên Lý. Trai Địa chất như khỉ leo cây”. Số phận đã đưa một cô gái K3 xinh đẹp trở thành một chỉ huy công trường từ năm 1962 , lúc đó đa số chúng ta còn trên ghế giảng đường đại học. Lăn lội khắp mọi công trường xây dựng từ nam ra Băc, Ngô Hoàng Hà đã góp sức xây dựng nên bao công trình cho đất nước và xây cho mình một khu resort  lớn ở Bảo Lộc mà anh em ta đã và sẽ có dịp đến thăm.
Đường HCM chạy phía tây Thanh Nghệ, đẹp như tranh vẽ. Sau một chầu rượu hết cỡ , tưởng là mọi người lim dim, nhưng càng đi càng hăng say hát hò , thay nhau kể chuyện sáu mươi năm trước. Ai đó lên tiếng hỏi chuyện thằng nào ngày xưa đi đường dấu anh em để mút trộm sữa nhỉ ? Uy Liêm tuy đạo mạo , nhưng cũng thừa nhận , số là lúc bấy giờ Liêm có một hộp sữa “Con Chim” hàng của vùng địch mang ra. Nhưng Liêm không biết cách nào hút ra được. May nhờ có thằng ……bày cho cách đục hai cái lỗ, thế là hai thằng từ đó dấu cả đoàn thi nhau hút sạch hộp sữa đặc. Nay xin thành khẩn nhận khuyết điểm !
Một vùng rừng núi Nghĩa Đàn ngày xưa, vùng đất đỏ quý hiếm của miền Trung  nay là bát ngát những cánh đồng. Trước đây là nông trường trồng cam làm đặc sản xuất khẩu sang Liên Xô. Liên Xô sụp đổ, cam tàn và thoái hóa. Dân nghèo xác xơ. Mãi rồi cũng kiếm lối thoát. Giờ thì ngoài cam còn có Cao su và  Bò sữa. Hàng chục cây số xanh ngát màu cỏ Voi, Ngô . Đây là trang trại bò sữa hàng vạn con sống như bà hoàng của Cty True Milk , sữa TH đấy mà, vốn là tên gọi tắt của bà  Thái Hương, chủ Ngân Hàng Bắc Á (theo tin đồn là sân sau của một trong tứ trụ người Nghệ !). Cam Nghĩa Đàn (tức cam Vinh) vẫn có, tuy không đúng mùa. Lạ nhất là cam càng bé, càng héo thì lại càng đắt, càng ngon, cô bán hàng khuyên thế. Các chị có kinh nghiệm như Minh Hà, Quang Thùy chọn ăn thử ngay cam này rồi mới mua, còn các cô Nghĩa , Lệ chuộng to đẹp thì ôm ngay lấy đống cam to tướng, vàng óng trả tiền liền …và ăn rồi mới biết. Dân miền núi xứ Nghệ không có “nói xạo” đâu.
Sắp đến quốc lộ  số 7 lên Lào thì chúng tôi rẽ vào quốc lộ 15A, con đường kháng chiến chống Mỹ ngày trước để đến thị trân Đô Lương, một địa danh nổi tiếng mà 62 năm trước đoàn trẻ con đã dừng chân chuẩn bị lương khô để hành quân đường dài. Thị trấn Đô Lương nằm trên giao lộ 15A với đường 7, ở thượng nguồn sông Lam. Cách Đô Lương khoảng 50 km về phía tây sát đường 7 và sông Lam là Thành Trà Long thuộc vùng Trà Lân (nay là huyện Con Cuông) nổi tiếng trong kháng chiến chống Minh năm 1424 : “ Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật. Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay-Bình Ngô Đại Cáo). Từ Đô Lương nếu theo đường 15A khoảng 15 km thì đến Truông Bồn, một địa danh có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng, là huyết mạch trên tuyến đường Quốc lộ 15A để vận chuyển quân lương, đạn dược. Hơn 1.240 cán bộ, chiến sỹ, dân quân tự vệ, TNXP, công nhân ngành Giao thông đã anh dũng hy sinh tại đây. Đường 15A mới có sau này. Khi chúng tôi hành quân 62 năm trước là theo dọc đê sông Lam, nay mở ra thành quốc lộ 46. Theo con đường này, giờ chỉ hơn 20 phút là đến Thị Trấn Thanh Chương, cách Đô Lương 18 km , ngày trước đi bộ một đêm. Qua thi trấn Dùng (tức Thanh Chương) một đoạn vài km, bỗng Nhật Lệ lên tiếng:
- Đã đến Chợ Rạng chưa nhỉ ?
- Sao Nhật Lệ biết Chợ Rạng ?
- Từ năm 49-50 gì đó, gia đình Lệ từ vùng tạm chiếm Quảng Bình tản cư ra ở đây. Cha Lệ làm việc ở UBKC Liên Khu 4 mà lại. (cha Lệ là chủ tịch LK4 lúc bấy giờ). Từ đó năm 53 Lệ đến tập trung đoàn 10 ở chợ Rộ, chỗ Liên Khu Ủy Khu 4 đóng trụ sở.
- Chợ Rạng đây rồi, có nhớ chỗ nào không để dừng lại
- Không nhớ nữa, thôi đi tiếp đi !
Đi dọc quốc lộ 46 dọc bên bờ Sông Lam, bãi sông rộng mênh mông. Mùa mưa đến thì nước sông Lam sẽ ngập sát mép đường. Đến cầu Chợ Rộ mặt trời đã xuống núi. Cảnh hoàng hôn trên sông Lam đẹp đến nao lòng. Khoai chợ Rộ bùi ngon nổi tiếng, đã vào thơ ca : Quê ta ngọt mía Nam Đàn/ Bùi khoai chợ Rộ ,thơm cam Xã Đoài. Chúng tôi dừng xe bên cầu Chợ Rộ lúc mặt trời đỏ rực xuống gần chân trời, soi bóng sông Lam mênh mông. Qua cầu Chợ Rộ là sang khu vực ngày xưa các cơ quan đầu não kháng chiến đóng. Nơi đây chỉ sát vùng rừng núi biên giới Việt Lào chỉ  chưa đến chục cây số. Các bạn tứ xứ đến, như Nhật Lệ từ chợ Rạng, Quang Thùy từ Nam Đàn, Hồng Nhật từ Đức Thọ Hà Tĩnh, Ngô Hà từ Can Lộc, Minh Hà từ Thạch Hà, Hồ Uy Liêm từ Đức Thọ…thì được người nhà đưa đến tập trung. Những người như Khoa Phi, Xuân Hoài..  đã gia nhập thiếu sinh khu tư từ mấy năm trước thì tự lực đến đây. Tất cả đều phải đi qua đường mòn giữa ruộng khoai qua đò Chợ Rộ. Nay đường xuống bến đò đã lát beton để dân đi trồng khoai, đò cũng đã thay bằng cầu rồi ! Tất cả đoàn đều tần ngần , không muốn rời xa nơi bắt đầu gặp nhau từ 62 năm trước và tình bạn đằm thắm , kỳ lạ, kéo mãi đến nay. Đã muộn rồi, còn hơn trăm rưỡi km mới đến đích hôm nay, tất cả lên xe, đi về phía tây lên lại đường Hồ Chí Minh, rồi hướng về phía nam , chạy dọc biên biên giới Việt Lào.
Về miền Trung, con sông xưa, làng quê cũ
Trời tối dần, xe chạy giữa khe núi và rừng cây, nhiều đoạn nằm trong vùng quản lý biên giới đặc biệt. Tiếc rằng trời tối, không thể chiêm ngưỡng đoạn hoang vu , đẹp nhất mà lại không hiểm trở nối liền giữa Thanh Chương, Nghệ An vơi Hương Sơn Hà Tĩnh vì  đường Hồ Chí Minh chạy giữa thung lũng, phía tây là dãy Giăng Màn (tứcTrường Sơn) cao trên 1500m, phía đông là dãy Thiên Nhận đỉnh cao nhất chỉ 600m. Đường đẹp, hầu như không có xe chạy đêm, nên chẳng mấy chốc đã qua cầu sông Ngàn Phố, đến giao lộ đường sô 8, chạy từ QL 1A ở Hồng Lĩnh lên Cầu Treo sang Lào. Chạy tiếp về hướng nam ngược theo sông Ngàn Sâu, qua cầu sông Ngàn Trươi đến tt Vụ Quang, địa danh xưa nổi tiếng là cứ địa Hương Khê của Phan Đình Phùng. Nay thì mới tách khỏi Hương Khê lập thành Huyện mới mang tên Vụ Quang. Thị trấn này nằm ở bìa rừng khu bảo tồn rừng nguyên sinh lớn nhất Đông Dương. Từ đây bắt đầu thung lũng sông Ngàn sâu rộng bằng tỉnh Thái Bình, bốn bề là núi: Trường Sơn phía tây, Trà Sơn phía đông (nơi có hồ Kẻ gỗ), phía Bắc là rừng núi Vụ Quang, phía nam là dãy Hoành Sơn phân giới với Quảng Bình. Thung lũng ngàn sâu xưa nổi tiếng với hổ (nấu cao) gấu (lấy mật) hươu (lấy nhung), trầm hương, kỳ nam và đặc biệt là gỗ quý. Mấy chục năm nơi này đã có thành tích lớn là diệt hết động vật, chặt sạch rừng và bây giờ phổ biến thành tích đó sang Lào. Dọc đường gặp duy nhất xe biển số Lào (chủ là Việt) lặc lè chở gỗ (lậu) và đặc sản ra bắc. Tám giờ rưỡi tối mới tới được Khách sạn Hoàng Ngọc ở trung tâm thị trấn, sát cạnh UBND Huyện, bên bờ một hồ nước rộng hơn Hồ Gươm ,ở giữa có đảo và cầu đỏ cong , theo dạng đền Ngọc Sơn và cầu Thê Húc ! Chủ khách sạn tất nhiên là một đại gia buôn gỗ rồi. Hương Khê rất đặc biệt: là một thị trấn miền núi đẹp và giàu nhất trên đường Hồ Chí Minh. Là miền núi sâu, mấy chục năm trước con gái 12,13 tuổi trong chân núi còn trần truồng bế em. Nhưng nay là thị trấn miền núi sâu duy nhất ở Việt Nam có đường sắt, đường bộ, đường sông tầm cỡ quốc gia. Năm 88 vào đây, trụ sở UB Huyện còn lợp tranh. Hồi 79, 80 những người Hoa nào từ Thanh Hóa trở vào đến Huế chưa chạy thoát được đều bị tập trung vào chân núi Giăng Màn ở đây ( Chuyện mật đấy!). Sau năm 90 họ dần được tự do hơn, kéo nhau ra thị trấn buôn bán lập nên phố phường tấp nập. Hai phần ba dân Hương Khê xưa là công giáo . Hơn một nửa đã di cư vào Nam sau 1954 và rồi sau 75 lại sang Mỹ. Cho nên số kiều hối chuyển về không phải là ít. Dân buôn gỗ lậu, lâm đặc sản, ma túy , dân anh chị cướp của giết người tứ phương…tìm thấy ở đất Hương Khê là chỗ lý tưởng để làm ăn hoặc lánh nạn. Nay nhờ ơn chế độ đã trở thành  đại gia trọc phú đếm cả ngày không xuể! Còn người nghèo khổ cũng đếm cả năm không hết. Tuy nhiên, không khí núi rừng thanh khiết, không gian rộng rãi, mát mẻ thì cũng khó nơi nào sánh kịp. Đến mức mà sáng dậy Hồ Uy Liêm phải thốt lên rằng chưa có lúc nào mà Liêm có được giấc ngủ sâu, ngon lành như đêm qua. Hỏi ra thì không ai trong đoàn không trải qua một giấc ngủ kỳ diệu như vậy. Còn món súp lươn núi đặc biệt bên bờ hồ Hương Khê mà cả đoàn đã điểm tâm sáng thì khỏi phải bàn. Sáng sớm tôi có việc bân , không kịp ăn sáng cùng đoàn. Cậu Khiêm lái xe liền lái đưa tôi đến ăn, vừa nói : “ lươn thế này mới là lươn, so với lươn dặc sản Ninh Bình sáng qua thì một trời một vực, em ăn một bát mà vẫn thòm thèm”. “Thế thì ăn tiếp với mình bát nữa” . Vậy là không hề khách khí, hai chúng tôi đã thưởng thức món đặc sản một cách ngon lành, đủ sức đi tiếp đường dài. Không thể có đủ thì giờ để cho cả đoàn biết mùi Cá Chình khe đá, Ba ba núi ( ở đây gọi là con Hon), uống với rượu “Viagra” của núi rừng Hương Khê là như thế nào. Người ta nói các quán đại đặc sản Hà Nội, Sài Thành…phải gọi bằng Cụ!
Lại tiếc rằng chúng tôi rời Hương Khê lúc sáng sớm, sương mù chưa tan hết nên không thể chiêm ngưỡng được từ xa  thác Vũ Môn như một giải lụa trắng vắt trên lưng chừng núi hơn ngàn mét đổ xuống. Tuy nhiên dãy Giăng Màn cao vút như một bức màn phía tây, phủ mây mù thì cũng nhìn thấy phần chân núi. Khi lên đến đỉnh đèo La khê trên dãy Hoành Sơn, hết sương mù, nhìn sang thì đẹp mê hồn !
- Sắp đến Đèo Đá Đẽo rồi các bạn ơi ! Nhiều người reo :
- Đá Đẽo, Đá Đẽo …và cười ầm lên. Lại có tiếng Ngô Hà:
- Không phải, Đá chưa Đẽo chứ ! Không ai nhịn được nữa, cười vang cả rừng núi.
Tuấn Nga ngồi bên khẽ hỏi:
- Mọi người sao lại cười dữ dội vậy
- À, Tuấn Nga  không biết cách nói …lái à ?
Mà Tuấn Nga không biết nói lái cũng phải. Nga vốn là người Hà Nội, cháu ngoại cụ Hoàng Đạo Thúy, một nhà văn hóa, nhà cách mạng nổi tiếng, Hiệu Trưởng đầu tiên của Trường Lục Quân Việt nam. Bố mẹ Nga bị giặc sát hại từ 1943, Nga ở với gia đình gì ruột là vợ của ông Tạ Quang Bửu , người Nghệ An. Tuy lớn lên trong một gia đình đặc sệt miền Trung nhưng không ở miền Trung nên nói lái miền Trung không ngấm vào máu thịt.
Hơn một tiếng rưỡi thì đến Phong Nha, thăm thú di sản thế giới mất ba giờ, ăn trưa xong thì đã về chiều. Lại  đi tiếp đến Đồng Hới. Nhận phòng ở KS 3 sao Thanh Phúc xong thì may quá , vừa lúc trận đấu U23 Malayxia- Việt Nam bắt đầu. Các cụ ông quyết ngồi lỳ xem, mặc các cụ bà muốn dạo phố hay làm gì thì làm !
Thành phố Đồng Hới sát bờ biển cát trắng, có cửa sông Nhật Lệ rộng mênh mông, xưa mẹ Suốt phải chèo đò , chắc mệt lắm. Nay thì có cầu Nhật Lệ tuyệt đẹp mới bắc qua , sang khu Resort mới xây trên làng chài nghèo Bảo Ninh. Thật là kỳ ảo khi cô gái (à quên Cụ bà ) Hoàng thị Nhật Lệ dẫn các bạn từ thời ấu thơ đến bên dòng sông Nhật Lệ, ngắm cầu Nhật Lệ , thăm quê hương chôn rau cắt rốn của mình. Chắc là cha mẹ có kỷ niệm lãng mạn lắm trên dòng sông Nhật Lệ này mới trao cho con gái cái tên Nhật Lệ. Tôi có một kỷ niệm riêng về Nhật Lệ. Lúc 7,8 tuổi, tôi được mẹ cho học nhạc .Một bản valse  giờ tôi còn nhớ là Sóng Nhật Lệ của Nhạc sĩ Nguyễn Đình Chiểu người Huế tản cư ra quê tôi. Bản nhạc phỏng theo bài valse Danube Xanh. Khi đến tập trung ở Chợ Rộ lại gặp cô bé Nhật Lệ cùng tuổi. Thế cho nên cái tên Nhật Lệ nhớ mãi đến giờ.  
Rời Đồng Hới khi mặt trời vừa lên khỏi chân trời mặt biển Đông.
Đến mộ Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, hãy còn sớm ,nên rất vắng vẻ. Thắp nén hương tưởng niệm người con của dân tộc xong, quay ra mới thấy xe và người kéo vào rất đông.
Quay ra quốc lộ 1A chỉ một đoạn ngắn là chui qua Hầm Đèo Ngang, mà theo anh Hồng Nhật nói, dân Miền Trung gọi là Đèo Đứng (các chị lại cười ré lên, lần này thì Tuấn Nga hiểu ngay !). Khu vực Vũng Áng bắt đầu từ chân đèo, phía Hà Tĩnh. Chạy đến hơn chục cây số rồi mà vẫn chưa hết. Quả thật là một khu kinh tế hùng vĩ, chắc chắn là nhất Việt Nam  hiện nay. Tạm bỏ qua chuyện mưu mô Tàu, thì quả thật khu này đã thay đổi kỳ diệu. Chỉ năm , sáu năm trước, đây là vùng hoang vắng, nghèo xơ xác. Các cô gái bán hoa quá đát, dạt về đây, lập nên miền “ hoa héo đèo Ngang” cho cánh tài xế lái thuê ít tiền (cậu lái xe tên Khiêm, U60 kể thế) ! Đoạn quốc lộ 1A từ đây trở ra đã mở rộng xong, xe chạy 80km thoải mái. Chỉ hơn 1 giờ rưỡi từ Đèo Ngang đã đến ngã ba Đồng Lộc (110km). Trên đường rẽ vào Đồng Lộc, chúng tôi dừng lại thăm khu nhà thờ Tổ họ Ngô Trảo Nha của Ngô Hà. Bên cạnh nhà thờ là khu lưu niệm của nhà thơ Xuân Diệu cũng là họ Ngô của Ngô Hà. Mặc dù là con gái (ngoại tộc !) nhưng Ngô Hà của chúng ta đã đóng góp xây cho nhà thờ Tổ hai cái hồ rất đẹp , và nhiều thứ nữa... Khá khen thay cho nữ tướng Ngô Hoàng Hà, trọn tình vẹn nghĩa với quê hương dòng tộc.
Từ nhà thờ tổ họ Ngô Trảo Nha đến nơi 10 cô gái Đồng Lộc hy sinh chỉ vài cây số. Đã đứng ngọ, nắng gắt. Mấy hố bom lớn vẫn để nguyên , cỏ cây um tùm.
Khu tưởng niệm hoành tráng của thanh niên xung phong toàn quốc là nơi đầu tiên chúng tôi đến thắp hương. Khu này mới xây dựng sau này. Đối diện là một tháp chuông cao , cũng mới xây xong.
Tất cả các bạn chia nhau đi thắp hương trên mười ngôi mộ của mười cô gái , hy sinh cùng một lúc khi tuổi đời chưa quá hai mươi tuổi !
Rời Đồng Lộc đã quá trưa. Không khí trong xe trầm lắng, như đang còn ngẫm nghĩ những ý nghĩa sâu lắng. Sự hy sinh của biết bao thế hệ con dân nước Việt, của  cha mẹ, ông bà, bè bạn của chính chúng ta, giờ đây đã mang lại điều gì ?
Điện thoại réo gọi anh chị Hân- Hà liên tục. Hóa ra dì ruột của Minh Hà ở Hồng Lĩnh đã chuẩn bị xong cơm nước quê nhà để chiêu đãi đoàn hành hương, mà sang chiều rồi vẫn chưa thấy vềVui quá nên quên cả đói , cả đường dài, phút chốc đã đến ngã tư Quốc lộ 8 với quốc lộ 1A, nơi quán ăn của Dì Yến, dì ruột Minh Hà đã đợi sẵn.
Đến quốc lộ 8 rồi mà anh Hân còn hỏi Đường 8 ở đâu. Anh Hân cùng chị Hà vốn đều là giáo viên, anh dạy toán, chị dạy văn. Nhưng năm 1972 anh Hân đi B , rồi trở thành nhà báo, viết văn. Hồng Nhật đọc truyện ngắn của anh Hân viết về đường 8 xong thì quả quyết, ông này nhất định là người Hà Tĩnh cạnh đường 8. Từ ngã tư này đến Đức Thọ quê của Hồ Uy Liêm , Hông Nhật và quê ngoại Xuân Hoài chỉ 5,7 km thôi. Nhưng anh Hân người Huế, chỉ là rể Hà Tĩnh thôi,  chỉ nghe kể lại mà viết về đường số 8 như thật, tài ghê ! 
Nếu mà tôi kể về bữa tiệc toàn món đặc biệt quê nhà choa mà chúng tôi được thưởng thức hôm nay thì mọi người sẽ tranh nhau về quê chị Minh Hà mất, nên thôi không kể nữa mà them. Muộn quá rồi , không thể chần chừ lâu hơn nữa, xe mở hết tốc độ cho phép để về. Qua Cầu Giát một đoạn, đến làng Quỳnh Đôi , quê của nữ sĩ Hồ xuân Hương cũng như của hậu duệ bà là Hồ Thị Nghĩa, đang ngồi trên xe đây, cũng không thể dừng lại nữa. Nói Hồ Thị Nghĩa (K3), Bác sĩ quân y,  có thể nhiều bạn LSQL không nhớ, nhưng nếu biết Nghĩa là chị ruột của Hồ Trung Tá suýt chết đuối năm nào ở Hồ nước cạnh nhà Ăn của trường Quế Lâm chúng ta thì chắc không ai quên.
Tám giờ rưỡi tối , chúng tôi an toàn về đến địa phận Hà Nội, một chuyến hành hương thú vị, quên cả tuổi tác , sức khỏe. Ai cũng vui, và chúng tôi vui nhất là cặp đôi Hân - Hà, anh chị cả của cả Đoàn khi khởi hành, ai cũng thấy ái ngại vì bề ngoài tỏ ra là sức khỏe yếu, thế mà khi trở về vui vẻ, khỏe mạnh,...tình tứ hơn xưa.
---------------------------------------------------
Bản thảo này Nhóm BT chưa chỉnh sửa lỗi kỹ thuật

1 nhận xét:

  1. Rất tiếc cuộc du ngoạn ngược về thời thơ ấu của cụ XH kể tôi có được thông báo nhưng không tham gia được; đó cũng là hành trình qua nhiều địa danh quê tôi và tuổi trẻ của tôi. Các bạn đi từ chợ Dùng xuôi chợ Rộ là qua làng tôi. Thuở trước CM gia đình tôi còn ở quê mẹ và các chị tôi thường đi ngược chợ Dùng, đi xuôi chợ Rộ tùy theo ngày phiên. Tôi đi học trung học (cấp 2 sau CM)đi bộ và qua đò Rộ hàng ngày. Năm 1950 & 1951 tôi học Trường TSQ LK4 ở Hà Tĩnh, Hương Sơn & Hương Khê, phố Gôi và Phố Châu; thường đi bộ băng qua truông giữa 2 huyện Thanh Chương và Hương Sơn, ngày nay có lẽ đường HCM qua vùng đó. ... Cụ XH kể làm tôi nhớ lại rất nhiều nhưng tiếc là không cùng đi.

    Trả lờiXóa