Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 1 tháng 3, 2016

Lừa đảo tài chính đẩy người nghèo đến cùng cực và triệt tiêu nguồn lực phát triển kinh tế

Đói nghèo thì có hàng trăm lý do để cần tiền. Cần tiền nhưng muốn giàu nhanh, có tiền ngay, muốn tiền đẻ ra tiền thì dễ bị mua chuộc, dễ bị lừa nên lại càng bị đói nghèo hơn.
Làm gì để giảm thiểu lừa đảo tài chính ở Việt Nam đang là một câu hỏi thiết thực với cả người dân và cơ quan quản lý.
Xuất phát điểm Việt Nam đã nghèo, nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế đã ít ỏi mà lại thường xuyên xuất hiện chuyện lừa đảo. Người nghèo bị đẩy đến chỗ cùng cực vì vốn liếng ít ỏi bị cướp mất, nhưng nguy hiểm hơn là nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế của đất nước cũng bị cướp đi, khiến nghèo lại càng nghèo hơn. Từ thực tế cho thấy nhiều “cơn bão lừa đảo tài chính”, những vụ thất thoát nguồn lực lớn đã kéo lùi sự phát triển đất nước hàng chục năm.

Năm 2008, chứng khoán Việt mất gần 5 tỷ USD 

Còn nhớ năm 2008 đầy sóng gió trên thị trường chứng khoán Việt Nam, hàng trăm ngàn tỷ đồng giá trị tài sản đã bốc hơi. Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến tháng 12/2008, giá trị danh mục của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán còn khoảng 4,6 tỷ USD giảm gần 50% so với 2007. Như vậy tương đương gần 5 tỷ USD đã bốc hơi, nên nhớ khi đó, GDP bình quân người là 1000 USD/người, tổng GDP năm 2008 là 80 tỷ USD.
Sự kiện này đã làm chao đảo nền kinh tế, trước đó thì người người, nhà nhà đều lao vào mua chứng khoán như thiêu thân, mà không cần biết là mua trên sàn hay ngoài sàn, hoặc ngồi ở hàng nước để thanh toán tiền, cơn bão chứng khoán đi qua đã càn quét hầu hết túi tiền của những người mua nó, đẩy những người chơi quay về “cái máng lợn,” xã hội mất đi một nguồn tiền khổng lồ, đó là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tốc độ phát triển GDP, kể từ đó tốc độ tăng trưởng chỉ xoay quanh 6%.
Cùng thời kỳ đó, bong bóng bất động sản đã đổ vỡ trong những năm 2007-2010, kéo theo rất nhiều hệ lụy, một lượng vốn lớn đã bị mất do lừa đảo bất động sản, một lượng vốn khác thì chôn chân trong những khu nhà xây dang dở, đến nay vẫn còn tồn đọng rất nhiều. Trước đó cứ vay được tiền mua được nhà đất đều có lãi, dù là mua ở tận nơi xa, dù là mua trên giấy, người ta cứ tưởng tiền đẻ ra tiền thông qua mua đất, cả xã hội sôi lên vì đất. Nhưng khi bong bóng vỡ, người ta mới tỉnh ra, tiền mất hết, nhiều người lại rơi vào cảnh cùng quẫn một lần nữa.

Rồi đến những vụ lừa đảo đa cấp điển hình gần đây

Vụ án Công ty Liên kết Việt, ngày 19/2/2016 bị khởi tố lừa đảo bán hàng đa cấp, mạo danh Bộ Quốc phòng, quy mô số tiền giao dịch 1.900 tỷ đồng (chỉ mới tính được số tiền nộp qua tài khoản ngân hàng) với 60.000 người tại 27 tỉnh, thành bị lừa đảo tham gia.
Vụ đặt phòng khách sạn đa cấp ảo ở Công ty Holiday VN, Diamond Đông Nam Á, Xuân Bắc, xử án tháng 1/2016, vì đã quảng bá bán gói sản phẩm đặt phòng khách sạn trên toàn thế giới theo hình thức kinh doanh đa cấp điện tử, người tham gia trước lôi kéo người tham gia sau thì được thưởng bằng tiền ảo trong ví điện tử, nếu muốn thưởng tiền thật thì phải lôi kéo thêm nhiều người khác tham gia để bán tiền ảo.
Dù biết việc kinh doanh là không có thật nhưng, vì không có gói dịch vụ đặt phòng ở nước ngoài như quảng cáo, tiền thưởng đều là tiền ảo trả qua ví điện tử, việc trả tiền thực chất do người Việt Nam trả với hình thức thu tiền của người sau trả cho người trước, nhưng họ vẫn tích cực quảng cáo những thông tin không có thật để thực hiện hành vi bán gói sản phẩm dịch vụ, bán gói đặt phòng để chiếm đoạt số tiền gần 79 tỷ đồng của hơn 11.400 người bị lừa. 

Vụ án đa cấp công ty Tâm Mặt Trời (Tam Mat Troi Investmant Corporation, trụ sở ở đường Sông Đà, P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM), có 4 cá nhân thành lập ra công ty Tâm Mặt Trời đã tự nhận mình là thành viên của Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam, dù không được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh sàn giao dịch thương mại điện tử. Nhóm này sử dụng 2 trang web là emt.vn và emt.com.vn kêu gọi nhiều người mua gian hàng ảo theo hình thức đa cấp, khi tham gia, các hội viên sẽ phải đóng 6 triệu đồng để sở hữu 1 gian hàng ảo vô thời hạn. Với gian hàng này, các hội viên sẽ được mua hàng ưu đãi với giá cực rẻ, được phổ cập tin học, tiếp xúc làm ăn với những người nổi tiếng…
Chưa hết, để mở rộng mạng lưới và cùng “chia sẻ lợi ích với người xung quanh,” chúng còn “kêu gọi” hội viên dụ dỗ thêm nhiều người tham gia, cứ mời được một người sẽ được thưởng thêm 1,5 triệu đồng. Từ tháng 9/2010 đến tháng 10/2012, Tâm Mặt Trời đã mở rộng chi nhánh ở khắp 30 tỉnh thành, lôi kéo được khoảng 39.000 hội viên, bán 23.348 gian hàng ảo thu khoản tiền khổng lồ lên tới 122 tỷ đồng. Cuối năm 2012, toàn bộ hệ thống lừa đảo đa cấp này đã bị bóc mẽ.
Vụ án đa cấp Công ty cổ phần Đào tạo Mua bán Trực tuyến (MB24), tháng 5/2011, Ngô Văn Huy (SN 1973), Lê Văn Cường (SN 1975) đều trú ở quận Nam Từ Liêm và Nguyễn Mạnh Hà (SN 1980) trú tại Sóc Sơn, Hà Nội thành lập Công ty CP Đào tạo mua bán trực tuyến. Mặc dù không được cấp phép hoạt động về thương mại điện tử nhưng ngay sau khi thành lập, Huy cùng đồng bọn vẫn quảng cáo MB24 gắn với trang web: www.muaban24.vn là doanh nghiệp chuyên cung ứng sàn giao dịch thương mại điện tử.
Hà trực tiếp lập trình muaban24.vn để tạo ra các gian hàng ảo, điểm ảo với quy định 1 điểm tương đương 10.000 đồng, đồng thời thiết lập phần mềm quản lý hội viên và phân chia “hoa hồng”, muốn trở thành hội viên, người tham gia phải mua ít nhất một gian hàng trên MB24 với giá 5,2 triệu đồng, tương ứng 520 điểm.
Nếu hội viên giới thiệu được người mua gian hàng tiếp theo thì được hưởng 1,5 triệu đồng; giới thiệu 2 người được thêm 320.000 đồng. Bằng thủ đoạn lấy tiền của người mới “nuôi” người cũ và sau 1 năm hoạt động, Huy cùng đồng bọn đã bán được 121.349 gian hàng ảo trên muaban24.vn, tương ứng hơn 631 tỷ đồng.
Vụ án đa cấp Công ty cổ phần Xuyên Việt, trụ sở tại 174 Bùi Thị Xuân, phường 3, quận Tân Bình, TP.HCM, nhóm này đã lập ra một sàn thương mại điện tử có tên miền www.binhongiathitruong.com.vn. để trở thành thành viên của công ty, nhà đầu tư phải bỏ ra 2 triệu đồng mua mã số, được kèm thêm một lạng cao ngựa hoặc mỹ phẩm, thực phẩm của Hàn Quốc (nhà đầu tư không lấy sản phẩn thì mua mã số với giá 1,2 triệu đồng). Khi giới thiệu các nhà đầu tư khác tham gia, thành viên sẽ đạt chuẩn và lên mức mới cao hơn. Như chu kỳ 1 được thưởng 3 triệu đồng, chu kỳ 2 thưởng 5 triệu đồng, chu kỳ 3 thưởng 10 triệu đồng,… đến chu kỳ 10 được thưởng 1 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn treo thưởng hàng năm cho thành viên như xe Toyota Camry, biệt thự sang trọng,… Từ khi thành lập cho tới khi bị cơ quan chức năng triệt phá, đã có tới 13.343 mã tham gia sàn giao dịch, trong đó 2.000 người chưa đóng tiền thì sản giao dịch ngưng hoạt động. Tổng số tiền đã thu là hơn 13,6 tỷ đồng.
Vụ đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy (TNMU) có trụ sở đăng ký tại số 15 ngõ 251 – Mai Dịch – Cầu Giấy – Hà Nội. Bằng các hình thức “tuyên truyền” khác nhau, TNMU đã mở rộng mạng lưới đến rất nhiều tỉnh, cả những vùng dân tộc Tây Nguyên như Đắk Lắk. Công ty này kinh doanh dựa theo hình thức “người đi trước móc túi người đi sau, người đi sau móc túi người đi sau nữa.” Các mặt hàng sản phẩm của TNMU có giá cao hơn gấp nhiều lần giá thị trường bên ngoài. Trong các buổi diễn thuyết của TNMU luôn đông đúc. Thay vì diễn thuyết về sản phẩm thì họ nêu ra những gương làm giàu, giới thiệu mức thu nhập “khủng”, không quan tâm đến lợi nhuận bán sản phẩm mà quan tâm đến lượng người tham gia.
“Bơm” vào đầu và đánh vào lòng tham các thành viên mới bằng câu “làm giàu thật nhanh và kiếm tiền thật dễ dàng mà không cần mất công sức.” Điều đó đã “kích thích” vào “lòng tham” ham kiếm tiền của những người dân nhẹ dạ cả tin.
Vụ công ty Cổ phần Liên minh tiêu dùng Việt Nam, hàng nghìn sinh viên tại Hà Nội đã bị lừa vào đường dây, những nạn nhân chính của mạng lưới “liên minh” đa cấp này đa số đều được bạn bè giới thiệu và trực tiếp dẫn tới những chi nhánh của công ty để nghe nhân viên tư vấn, người bắt đầu tham gia công ty phải mua một gói sản phẩm (khoảng 10 triệu đồng) gồm các loại thực phẩm chức năng. Nếu không có tiền nộp, các em sẽ được nhân viên của công ty chỉ cách mang thẻ sinh viên tới một doanh nghiệp trên đường Trần Quốc Hoàn và được vay tối đa 12 triệu đồng với mức lãi suất lên tới 4 nghìn/1 triệu đồng/ngày (tương đương 20 lần lãi vay ngân hàng). Vay được tiền, sinh viên mang về nộp cho công ty để mua mã và nhận các sản phẩm thực phẩm chức năng để bán. Nếu bán được hàng, các em sẽ được ghi nhận doanh thu và trả hoa hồng.
Chưa hết, sau khi tham gia, sinh viên sẽ được hưởng thêm tiền hoa hồng nếu lôi kéo được thêm người, càng lôi kéo nhiều càng được nhiều, các bạn sinh viên nhẹ dạ đã dễ dàng bị dụ dỗ, lừa bạn bè mình để tham gia vào hoạt động đa cấp này.

Đừng để ma lực đồng tiền chi phối

Đến nay tưởng chừng như những thủ đoạn lừa đảo cũ mèm đã không còn lừa được người dân, nhưng qua vụ Công ty Liên kết Việt lừa đảo bán hàng đa cấp số tiền giao dịch 1.900 tỷ đồng, với 60.000 người bị lừa đảo, thì thấy rằng lừa đảo vẫn còn đất sống vì lòng tham và thiếu hiểu biết của người dân, vì sự buông lỏng quản lý của nhà nước.
Vì kém hiểu biết về kinh doanh, họ tin vào những lời lừa đảo ngon ngọt rằng không cần lao động mà vẫn có tiền, nên nếu nói rằng họ không hề bị lừa, mà chỉ là nạn nhân của chính toan tính tham lam của mình cũng có lý. Họ muốn giàu lên nhanh theo kiểu lôi kéo thêm người vào mạng lưới bán hàng theo “phương pháp” những “giảng viên” đa cấp dạy.
Dù cơm ăn chưa no, con cái đi học không có tiền đóng nhưng trước bẫy đa cấp, nhiều người dân ở các làng sẵn sàng bán tài sản, không ít người đã dùng những đồng tiền cuối cùng của gia đình, hoặc vay ngân hàng, đi vay nặng lãi để mua những món đồ “giá trên trời” với mục đích cuối cùng là được làm thành viên của công ty đa cấp nào đó, lao vào canh bạc đỏ đen mang tên đa cấp để mong tương lai sẽ thu được tiền, nhưng đều là bị lừa.
Trong các vụ trên cho thấy, cả người đi lừa và người dân bị lừa đều bị ma lực của đồng tiền chi phối, dẫn dắt họ làm điều sai trái, hại người và cuối cùng là hại mình. Bởi những người đi lừa người, thu lợi bất chính thì trước sau gì cũng bại lộ và bị pháp luật trừng trị, bây giờ ở trong tù họ mới hối hận, nhận ra thì đã muộn. Còn những người bị lừa, trước hết cũng chính là ma lực đồng tiền đã lừa mình, dẫn đến tiền mất, danh lợi cũng mất, nhiều gia đình bị rơi vào thảm cảnh khốn cùng. Hãy tỉnh táo, nhân tâm cho chính, đừng tham lam, đừng để ma lực đồng tiền chi phối.
Thành Tâm
----------------------------------------
Nguồn: Đại Kỷ Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét