Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 30 tháng 6, 2016

IS “NHỜ” MỸ ĐỂ KHAI SINH VÀ TỒN TẠI

Tác giả: Nguyễn Ngọc Hùng 
(Bài đã đăng trên Tuổi Trẻ số ra hôm nay 30/6)
Chiến binh nhà nước Hồi giáo IS tự xưng thách thức phần còn lại của Thế giới văn minh!

Ngày 27/6 vừa qua, chính phủ Iraq tuyên bố đã thu hồi thành phố Falouja từ tay “nhà nước Hồi giáo” (tự xưng)- IS. Đây là một thắng lợi quan trọng của cuộc chiến chống tổ chức khủng bố khét tiếng nhất mới tự “khai sinh” cách nay tròn hai năm.
IS không từ trên trời rơi xuống!
Ngày 29/6/2014, Abu Bakr al-Baghdadi xuất hiện lần đầu tiên trên internet tại Mosul để tuyên bố sự ra đời của “nhà nước Hồi giáo”- IS, khiến cả thế giới ngỡ ngàng. Nhưng IS không từ trên trời rơi xuống. Tiền thân của IS là al-Qa’eda do Osama Bin Laden (đã bị Mỹ tiêu diệt tháng 5/2011) làm thủ lĩnh. Cuộc xâm lược do tổng thống Mỹ- George W Bush phát động lật đổ chế độ Saddam Hussein ở Iraq hồi tháng 4/2003 làm phát sinh cuộc kháng chiến của người Iraq chống lại ách chiếm đóng Mỹ và chính quyền Iraq do Mỹ dựng lên. Trong môi trường kháng chiến sục sôi ấy, nhất là tại các tỉnh truyền thống của người Suna, al-Qa’eda đã từ Aghanistan kéo về và trở thành một trong những lực lượng đánh Mỹ quyết liệt nhất. Falouja đã trở thành căn cứ chính của al-Qa’eda Iraq khi ấy, do Abu Mus’ab Zarqawi chỉ huy. Vậy là ông Bush đã “kéo” al- Qa’eda- tiền thân của IS đến Iraq. Năm 2008, quân đội Mỹ xóa sổ được al-Qa’eda Iraq sau khi đã tiêu diệt được Zarqawi từ 2006. Nhưng cuối năm ấy, Bush mãn nhiệm, Barack Obama trở thành tổng thống và thực thi quyết định rút hoàn toàn quân đội Mỹ khỏi Iraq, trong đường lối tổng thế chấm dứt sự can dự của Mỹ vào các cuộc xung đột ở khu vực Trung Đông. Mỹ rút đi, để lại khoảng trống quyền lực mênh mông tại Iraq, trở thành môi trường cho những tranh chấp chính trị- sắc tộc- tôn giáo vốn âm ỉ được thể bùng lên. Trong cuộc tranh chấp ấy, nghiêm trọng nhất là giữa dòng Hồi giáo Suna với dòng Shi’a cầm quyền. Một lần nữa, các tỉnh truyền thống của dòng Suna trở thành căn cứ địa của lực lượng Suna phản kháng chống chính quyền trung ương ở Baghdad do Shi’a chiếm thế thượng phong. Tàn dư của al-Qa’eda vốn đã bị xóa sổ về mặt tổ chức lại được dịp hồi sinh. Năm 2010, một trong những chỉ huy cũ của al-Qa’eda là Abu Bakr al-Baghdadi xuất hiện với danh xưng mới là “nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Sham”- ISIS. Khi cuộc nội chiến bùng lên ở Syria hồi cuối năm 2011, Baghdadi đưa quân ISIS sang tham gia lực lượng vũ trang đối lập chiến đấu nhằm lật đổ chế độ của tổng thống Basha’r al-Assad. Cuôc nội chiến Syria ngày càng ác liệt với những vụ tàn sát đẫm máu và tàn phá tràn lan, làm hàng trăm ngàn người chết và hàng triệu người phải tha phương. Tổng thống Mỹ vẫn kiên trì đường lối “không dính líu” ở Trung Đông để không can thiệp vào Syria, bất chấp những cảnh báo từ phía nhiều chính giới Mỹ về sự lan tràn của các tổ chức cực đoan và khủng bố nhờ môi trường nội chiến khốc liệt. Đầu năm 2014, ISIS của al-Baghdadi đánh đuổi các nhóm vũ trang đối lập khác để độc chiếm quyền kiểm soát thành phố Reqqa (miền bắc Syria), tuyên bố đó là “thủ đô” của ISIS. Chính quyền Mỹ vẫn không hề có động thái nào lưu tâm đến bước phát triển về mặt lãnh thổ của tổ chức khủng bố này. Cũng đầu năm 2014, Falouja thực sự trở thành lãnh địa của ISIS ở Iraq. Tổ chức của al-Baghdadi phát triển nhanh chóng tại các vùng nông thôn rộng lớn của 4 tỉnh truyền thống Suna Iraq, để đến tháng 6 năm ấy, ISIS mở cuộc tấn công đồng loạt đánh chiếm liên tiếp các thành phố Mosul, Tickreet và làm chủ hầu hết các tỉnh này. Chỉ khi toàn thế giới bàng hoàng chứng kiến những video clip do chính al-Baghdadi tung lên internet công khai quảng bá cho những hành động man rợ đến mức quái đản tại những nơi chúng chiếm được ở Iraq hồi tháng 7/2014, thì Obama mới miễn cưỡng “trở lại Iraq” với việc tuyên bố cuộc chiến thế giới chống khủng bố vào tháng 8/2014. Thế là, chính Obama đã tạo môi trường thuận lợi ở Iraq- Syria cho IS hồi sinh, phát triển đến mức tự xưng là một “nhà nước”, có lãnh thổ rộng lớn nối liền từ miền bắc Syria sang miền bắc và miền tây Iraq!
Làm sao biện minh?
Ngày 17/6 vừa qua, một thỉnh nguyện thư có chữ ký của 51 quan chức ngoại giao Mỹ, gồm những người đã và đang làm việc liên quan đến vấn đề Syria được gửi đến tổng thống Obama, đề nghị dùng quân sự để lật đổ chính quyền al-Assad, chấm dứt ngay cuộc nội chiến tương tàn ở Syria, xóa bỏ môi trường của cực đoan, khủng bố, giết chóc, tàn phá và làn sóng tị nạn. Đây được coi là một động thái hi hữu trong ngành ngoại giao Mỹ. Không thể bác bỏ hoàn toàn đề xuất của các chuyên gia, nhưng Obama vẫn nhắc lại đường lối nhất quán không dính líu quân sự quy mô lớn vào Syria nói riêng và Trung Đông nói chung. Tổng thống Mỹ biện luận rằng không thể lặp lại sai lầm tại Libya- nơi Mỹ đã ủng hộ NATO tiến hành không kích giúp lật đổ nhà lãnh đạo Muama’r  Qaddafi hồi cuối năm 2011, mà Obama cho rằng sự kiện ấy đã tạo ra tình trạng hỗn loạn chính quyền tại Libya hiện nay. Nhưng bên chỉ trích đường lối của Obama tại Syria lập luận rằng: Nếu Mỹ can thiệp sớm vào Syria, thì đã không để cho cuộc nội chiến phát triển đến mức như hiện nay. Libya hỗn loạn về chính quyền, nhưng không có những thảm họa như ở Syria, nơi đã có đến 280 nghìn người thiệt mạng, hầu hết các thành phố lớn bị tàn phá tan hoang, khủng hoảng nhân đạo đến mức thảm họa quốc tế  làm bùng phát làn sóng tị nạn chưa từng có kể từ sau thế chiến thứ hai đến nay… Những người chủ trương phải can thiệp quân sự vào Syria cũng cho rằng nếu can thiệp sớm, đã không có môi trường cho IS xuất hiện để trở thành một hiểm họa nhức nhối thường trực lan sang cả châu Âu và Mỹ như hiện nay.
Hơn thế nữa, nếu có sự can thiệp sớm để chấm dứt xung đột phe phái tại Iraq và nội chiến tại Syria, thì đã không để bùng lên cuộc tranh chấp có tính chất lịch sử vốn đã âm ỉ từ lâu giữa người Arab với người Ba Tư, giữa dòng Hồi giáo Suna với dòng Shi’a do Iran là đại diện. Chính mâu thuẫn Arab- Ba Tư và Suna- Shi’a này ngày càng trở nên một yếu tố rất phức tạp và nan giải, cản trở không nhỏ đến cuộc chiến quốc tế do Mỹ đứng đầu chống IS suốt 2 năm qua. Cũng từ môi trường nội chiến Syria, Iran can thiệp ngày càng sâu rộng vào để giúp chính quyền của tổng thống al-Assad tồn tại. Rồi Nga cũng trực tiếp can thiệp quân sự vào đây từ tháng 9/2015. Một số quốc gia Arab- Suna và Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhảy vào tiếp tay cho các nhóm vũ trang đối lập để “cân bằng đối trọng với Iran”. Ai cũng hô rất to “chống khủng bố”, nhưng thực tế cho thấy việc quốc tế hóa cuộc nội chiến ở Syria đến mức như hiện nay, thì kẻ trục lợi nhiều nhất chính là IS.
IS có thể bị xóa sổ về mặt tổ chức và lãnh thổ tại Syria- Iraq, nhưng hiện đã hình thành một “tiểu bang” của IS ở Libya và những tổ chức khủng bố khác gia nhập IS, như Boko Harram ở Nigeria, Ansa’r Beit Muqaddas ở Sinai của Ai Cập, al-Khorasani ở Nam Á, và cả nhóm Abu Seyef ở Philippine! Cuộc chiến chống IS không dễ nhanh chóng thắng lợi căn bản trước thời hạn Obama rời Nhà Trắng vào cuối năm nay như tham vọng của ông này khi phát động cuộc chiến cách nay gần 2 năm! 
29/6/2016
NGUYỄN NGỌC HÙNG

1 nhận xét:

  1. Bài viết cung cấp cho người đọc nhiều tư liệu lịch sử cụ thể, xác thực về nguyên nhân xuất hiện và tồn tại của cái gọi là "Nhà nước Hồi giáo " tự xưng, đi kèm với nó là những biến động chính trị khó lường trên thế giới.Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng, cần phân biệt và làm rõ những nguyên nhân sâu xa tạo nên hiện tượng IS trong xã hội hiện đại với những cơ hội cụ thể do sai lầm của HK hoặc nhiều nước khác khiến nó "khai sinh và tồn tại".
    Tôi cho rằng sự ra đời, tồn tại và phát triển bùng nổ IS ở nhiều QG Trung Đông, Châu Phi, Châu Á ..có nguyên nhân gốc rễ từ những nan đề xã hội mà loài người chưa thể khắc phục. Nói khác đi, đó là hậu quả tất yếu của tình trạng xung đột về lợi ích, sự bất công do khoảng cách giàu nghèo trên phạm vi toàn cầu cũng như từng nước ngày càng tăng, sự bế tắc của những học thuyết nhằm giải quyết mâu thuẫn xã hội cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần, niềm tin tâm linh v.v.Nếu TT HK hoặc ai đó không phạm sai lầm lúc tả lúc hữu , khi quá cứng khi quá mềm v.v. thì trước sau ở đâu đó vẫn sẽ ra đời những lực lượng chống đối chính quyền dưới nhiều hình thức khác nhau.Trong thế kỷ 20,nhân loại hy vọng tìm thấy một con đường giải thoát - đó là CMVS, xây dựng CNXH theo học thuyết Maxit- Leninit v.v. NHưng thực tế không như mong đợi. Giờ đây " khủng hoảng niềm tin và hy vọng" đã trở thành bi kịch của bao nhiêu con người, trước tiên là những người bị thiệt thòi trong xã hội. Họ không tìm thấy lối thoát tại cuộc sống trên trái đất này nên họ liều lĩnh đi theo những thế lực cực đoan để may ra đổi đời ở một thế giới khác tốt đẹp hơn! Dĩ nhiên còn có những nguyên nhân thuộc về những kẻ cầm đầu cơ hội nuôi tham vọng làm chủ thể giới,những hoang tưởng về sự độc tôn của một tôn giáo v.v.Do vậy, tôi cho rằng chừng nào còn tồn tại những mâu thuẫn xã hội-tư tưởng- tôn giáo -sắc tộc nói trên thì cuộc chiến chống IS sẽ còn chưa thể dẽ dàng kết thúc .

    Trả lờiXóa