Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2015

Bác sĩ, Tiến sĩ, Võ sư Trịnh Thắng và " Dịch Tâm Thể"

Calathau Vu : Xin tạm dừng chuyện đoàn 10 du ngoạn " Về nguồn" để các thành viên trong đoàn còn " thai nghén" nhiều tác phẩm nữa, trình Làng trong thời gian sắp tới. Mõ tôi muốn chuyển sang đề tài này, có liên quan đến mối quan tâm của người cao tuổi, đó là tự chữa bệnh và khơi nguồn cảm hứng vui sống , xóa đi cái mặc cảm mà cụ Tú Riềng làng ta thường rầu rĩ nằm trong chăn thò đầu ra trả lời mo6i4 khi các cụ ở xa điện về hỏi thăm : đang làm gì thế ? đang nằm chờ ...chết đây !
Nhớ lại, đã có lần tôi viết ít dòng về TS Trịnh Thắng nhân tôi được làm quen với anh ở nhà cô em gái tôi, tên Nhàn mà trong bài viết sau đây của GS Lân Dũng có nhắc tới. Lần ấy tôi chụp bức ảnh Trịnh Thắng áo nâu sồng, cầm quạt, ngồi như một đạo sĩ nhập Thiền . Bức ảnh này sau được anh Họa sĩ ( cũng có mặt lúc tôi chup) lấy làm mẫu rồi vẽ nên chân dung Trịnh Thắng in trong cuốn Dịch Tâm Thể .
Lần này ra Hà Nôi, tại nhà cô em gái tôi, tôi được gặp lại Trịnh Thắng, chứng kiến anh giảng bài cho một nhóm học viên và sau đó là một màn Trịnh Thắng vẽ tranh ngẫu hứng rất lạ lùng.
Nhưng thôi, chuyện ấy xin kể lại trên Blog cá nhân Calathau Vu . Còn sau đây là bài viết của GS Lân Dũng giới thiệu về Võ sư,TS, BS Trịnh Thắng và Dịch Tâm Thể. Một bài viết với những nhận xét không chỉ với kiến thức của một nhà KHTN . Anh Lân Dũng viết từ tháng 7/2013, đăng trên trang Blog  Nguyễn Lân Dũng ( Tại đây)

KHÓ TIN, 
NHƯNG VẪN PHẢI TIN
                                                                         ( GS Lân Dũng )
Chị Nhàn một cán bộ của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, người đã có quá trình công tác lâu năm với tôi , mời tôi đến thăm Câu lạc bô "Dịch Tâm Thể" nhân dịp kết thúc một khóa học. Chị giới thiệu với tôi Võ sư Tiến sĩ Trịnh Thắng. Một võ sư trong một bộ quần áo nâu sồng , đi guốc, râu quai nón. Mọi người nói: anh tốt nghiệp Tiến sĩ ở Mỹ. Tôi hơi ngạc nhiên và đành phải đi hỏi mấy bạn nghiên cứu sinh đã từ Mỹ về. Đúng như vậy, năm 2007 Trịnh Thắng đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ ngành Y tế cộng đồng tại Đại học Bắc Carolina (Hoa Kỳ). Chưa đầy 40 tuổi, Thắng đã làm được nhiều việc xuất sắc: Lấy bằng tiến sĩ ở Mỹ chỉ trong hai năm rưỡi sau khi đã hoàn thành luận án Thạc sĩ năm 2003. Về sau anh trở thành võ sư, làm thơ, viết truyện ngắn và tiểu thuyết (Rái cá đồng và cô bé hàng xóm , 2005; Lạc đường , 2006; Dấu ấn đồng quê , 2007 ), sáng tác nhạc, dạy hùng biện tiếng Anh rất được giới trẻ hâm mộ... Ấn tượng đặc biệt của tôi về TS Thắng là : một nhà khoa học trẻ trung, giỏi giang, tự tin, lạc quan và tràn đầy nhiệt huyết sống.

Đây là kiểu chữ Việt do anh sáng tạo ra (!) và đề tặng tôi trên cuốn sách của anh.


Anh tâm sự: "Tôi chăn vịt từ khi 6 tuổi, đam mê và vui thú với đàn vịt như trẻ con nhà khá giả chơi đồ hàng. Một đứa trẻ sáu tuổi, có đồ hàng là một đàn vịt có xương có thịt, lội lạch bạch trên những chân rạ mới gặt mênh mông, thỉnh thoảng lại được cùng vịt bơi lội tung tăng trên mương, trên ao. Thích lắm!... Ban ngày đi chăn vịt, tối về lại cho vịt ăn, đến nỗi tôi không có thời gian học. Người tôi lúc nào cũng hôi hám. Mùi hôi của vịt quyện với đất cát kết vào quần áo đến mức ngậm thấy mằn mặn. Nhưng nó cũng trở thành quen thuộc, không ngửi mùi ấy hằng đêm ngủ không ngon. Trẻ con ở quê không ai chơi nên tôi chỉ nghịch với mấy con cào cào. Vì chăn vịt mà hồi bé tôi bị mặc định là "đần" đấy. Ba năm đầu đại học Y, tôi học tiếng Pháp rất giỏi vì tiếng Pháp liên quan nhiều đến Y khoa. đến năm thứ 3 đại học, người yêu, bây giờ là vợ, bảo với tôi rằng: "Anh phải đi học tiếng Anh vì xu hướng bây giờ người ta toàn học tiếng Anh". Rồi cô ấy dẫn tôi đến nhà một người bạn chơi, thấy bạn bè nói với nhau bằng tiếng Anh, tôi rất ấm ức. Thế là tôi quyết tâm học tiếng Anh. Ba tháng đầu tôi tự học tiếng Anh trình độ A, B, C, thuộc lòng hết ngữ pháp và cả một kho từ vựng. Trong vòng hai năm, tôi trở thành một người giỏi tiếng Anh. Học đến năm thứ 5 của ĐH Y, tôi có thể dạy tiếng Anh cho bạn bè và con của các thầy cô trong trường.Trường tôi có một thầy giáo rất giỏi tiếng Anh tên là Ấn.Tôi còn nhớ hồi tôi đến gặp thầy và xin được nói bằng tiếng Anh, thầy bảo: "Thầy không hiểu em nói gì hết. Em tự đi tìm bạn bè mà học nói nhé!". Tôi trả lời: "Em chỉ thích nói giống như người nước ngoài". Rồi thầy chỉ cho tôi chương trình VOA (Voice of America) để tự học. đó là người có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tiếng Anh của tôi.Tôi mua đài để rèn luyện khả năng nghe, nói. Không đủ tiền mua đài vừa nghe vừa ghi, tôi mua một cái nghe, một cái ghi để nghe phát sóng ban ngày và ghi lại. Mỗi ngày ghi 60 phút và bắt chước theo giọng trong băng. Ngày nào không nghe hết băng tôi không coi đấy là một ngày.Lúc đầu tập nói câu rất ngắn, sau là câu dài, rồi một đoạn, bắt chước giọng các MC trong chương trình ca nhạc nước ngoài và chương trình đối thoại với nước Mỹ (Talk To America). đi đâu tôi cũng lảm nhảm nói tiếng Anh. Thậm chí bố người yêu gọi con gái ra bảo: "Phải nghiên cứu lại thằng này".
Sau đó, người ở công ty dầu khí của Mỹ về trường Đại học tuyển một sinh viên đi làm bác sĩ khám chữa bệnh cho gia đình. Tôi xung phong đi làm để rèn luyện thêm tiếng Anh. được nghe nói trực tiếp với người nước ngoài hàng ngày, tiếng Anh của tôi tiến bộ rất nhanh. Trong thời gian học nói tôi không hề viết, cứ nhìn là thuộc ngay. Tôi đam mê tiếng Anh đến nỗi lên thư viện người ta đọc sách bằng tiếng Việt thì tôi đọc bằng tiếng Anh. Trong trường Y có nhiều dự án, hồi đó thầy Ấn hay nhận tài liệu về nhà dịch. Thầy gọi tôi đến nhà đào tạo cho cách dịch. Tôi dịch xong thầy chỉnh lại. Và tôi cứ học theo như thế. Một số người lên Hà Nội thi TOEFL về bảo: "Chú chắc chỉ được 500 điểm TOEFL là tối đa". Tôi bắt đầu nhụt chí và thấy ước mơ du học xa vời. đến lúc lên Hà Nội thi tuyển du học thạc sĩ ở Mỹ, tôi đỗ thủ khoa vòng 1 và vòng 2 (vòng chính thức). Tôi đạt điểm viết tối đa trong lần đó."
Chị Giang, Chủ tịch UBND Phường Phương Liệt cháo mừng TS Thắng.

Năm 2007, sau khi về nước Trịnh Thắng tham gia giảng dạy về phương pháp nghiên cứu, khoa học xã hội và hành vi, truyền thông chuyển đổi hành vi, phương pháp giảng dạy tích cực, nghệ thuật nói chuyện trước đám đông... Anh tự tập luyện Karatedo, Tán thủ và Thái cực quyền. Thế rồi anh sáng lập ra một trường phái lấy tên là "Dịch Tâm Thể". Anh giải thích ý nghĩa của trường phái này là Dùng tâm trí để chuyển dịch năng lượng bản thể, hoặc có nghĩa là Chuyển dịch năng lượng bản thể dưới sự điều hành của tâm trí.
Thú thật là từ bé đến giờ tôi chả tập luyện bất kỳ một thứ gì với sự " ngụy biện" là lúc nào cũng thiếu thời gian để làm việc. Tôi đến Câu lạc bộ Dịch Tâm Thể trước hết vì nhiệt tình của chị Nhàn, nhất là của người đỡ đầu về địa điểm luyện tập Dịch Tâm Thể- Chị Giang, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Phường Phương Liệt.
Tôi được giải thích đại ý là: Sâu thẳm trong mỗi con người đều có một sức mạnh tiềm ẩn, là nguồn năng lượng tuyệt vời để họ chinh phục được những thử thách, những đỉnh cao và quan trọng hơn cả là có thể tự hoàn thiện bản thân mình. Ngày càng thấy nhiều vấn đề giữa khoảng Trời - Đất mà con người chưa biết, chưa thể giải thích. Cuốn sách Dịch Tâm Thể dầy 311 trang (NXB Lao động) mà anh Trịnh Thắng tặng tôi là sự trao đổi, sẻ chia của ông tiến sĩ kiêm võ sư này dành cho những ai đang tìm kiếm sự tự hiểu biết, khám phá về thể chất và cảm xúc của bản thân, vượt ra khỏi khuôn khổ của y học cổ điển. Cuốn sách được viết từ những chứng nghiệm thực tế của chính tác giả, vốn được đào tạo và hấp thụ tinh hoa của cả hai nền văn minh Đông - Tây. Sự kết hợp giữa kiến thức khách quan với những trải nghiệm chủ quan tạo nên một phương pháp độc đáo, mở rộng tầm hiểu biết vượt qua kiến thức thông thường. Với những người có tư tưởng cầu thị, luôn sẵn sàng tiếp thu, khám phá cái mới, đây sẽ là tư liệu vô cùng phong phú cho việc luyện tập, trải nghiệm và cảm nhận. Còn với người duy lý, còn hồ nghi, tự đặt cho mình câu hỏi: “Cái điều tưởng như phi khoa học đó có thật hay không, có vượt ra khỏi ranh giới của thực nghiệm logic và khách quan hay không?”, thì những hiện tượng vật lý và siêu hình xảy ra trong đời sống gợi sự tò mò, kích thích sẽ dần được giải đáp bằng những kết quả cụ thể.

Tôi quan sát thấy các học viên đến với Dịch Tâm Thể vì nhiều lý do khác nhau. Phần đông là để chữa trị những căn bệnh mạn tính kéo dài lâu năm, hay là chỉ là để tìm sự bình an trong nội tâm. Một số khác ấp ủ nguồn hy vọng khám phá nguồn năng lượng tiềm ẩn trong cơ thể. Lại có người mong gặp được kho báu hạnh phúc giữa đời thường... Dịch Tâm Thể có thể đáp ứng được những ước mong trên. Tuy nhiên, điều đó chỉ có giá trị và phát huy hiệu quả khi chúng ta thường xuyên thực hành và trải nghiệm trực tiếp hàng ngày. Toàn bộ nội dung cuốn sách anh tặng tôi được tác giả soạn thảo với mục đích giúp người tập có sự trải nghiệm dễ dàng hơn. Đọc cuốn sách này ta có cảm giác được gặp một cuộc chuyện trò trực tiếp với những lời chia sẻ hồn nhiên mà sâu sắc, đưa người đọc chìm vào một tâm cảnh mới, từng bước đi trên con đường khám phá bản thể. Qua đó, người ta có cơ hội nhìn sâu hơn vào suối nguồn yêu thương trong ý thức của mình, tăng cường nhận thức về tâm trí và cơ thể, học lắng nghe những dấu hiệu để nhận biết và đáp ứng nhu cầu của chúng. Thông qua các phương pháp luyện tập đơn giản mà hiệu quả, Dịch Tâm Thể từng bước khơi dậy nguồn năng lượng tiềm tàng trong cơ thể để người tập có thể tự hoàn thiện chính mình. Phần lớn những người đọc xong cuốn sách này đều có nguyện vọng được tham gia một khóa tập huấn ở Câu lạc bộ Dịch Tâm Thể tại phường Phương Liệt (Hà Nội).
Tôi hết sức ngạc nhiên khi trực tiếp nghe các thành viên Câu lạc bộ tự bộc bạch về những thay đổi của bản thân sau quá trình tập luyện dưới sự hướng dẫn của TS Trịnh Thắng. Rất nhiều bệnh tật mạn tính đã lui dần hay khỏi hẳn. Những người bất an trong tâm trí vì nhiều nguyên nhân khác nhau nay bỗng thấy tin yêu cuộc sống và muốn hòa đồng vui vẻ với mọi người. Các học viên đều gọi TS Trịnh Thắng là "Thầy" với tất cả sự kính trọng nhưng thân thiết, tin cậy. Có một họa sĩ đã tặng thầy Thắng một bức chân dung khổ lớn với nét vẽ thật đặc sắc và huyền ảo. Một không khí tôi chưa từng thấy ở bất kỳ một câu lạc bộ hay một lớp học nào như vậy. Điều đáng chú ý là thời gian học tập tại lớp không dài. Chủ yếu là tự tập luyện tại nhà và tại bất kỳ chỗ nào trong nhà, cũng chả cần tốn tiền để mua thêm thiết bị hỗ trợ gì.
Mọi người khuyên tôi tham gia Câu lạc bộ và tôi cùng thấy rất hứng thú. Tuy nhiên vì tuổi đã cao, trong tim lại đã mang hai stent tại động mạch vành, hơn nữa công việc đang còn quá bận nên tôi chưa thể tham gia được.
Rất mong các bạn ở mọi thành phần, mọi công việc khác nhau nên đến tham quan Câu lạc bộ, tìm hiểu thực tế qua các thành viên Câu lạc bộ để có thể tham dự một đợt tập huấn trước khi có đủ kỹ năng để tự rèn luyện hàng ngày tại nhà. Các bạn có thể liên hệ với người tổ chức Câu lạc bộ: Chị Đỗ Thị Thanh Nhàn. ĐT: 0913039946 ; e-mail: mrs.nhan@ gmail.com. Các bạn đừng quan tâm nhiều đến vài tính cách hơi khác thường của vị võ sư, tiến sĩ này. Chẳng hạn nhìn vào lời đề tặng tôi bằng thứ ngôn ngữ của riêng anh ở đầu trang sách này (!) hoặc lối ăn mặc và để râu hệt như một đạo sĩ !
Tiến sĩ Trịnh Thắng với học thuyết Dịch Tâm Thể, một học thuyết khó giải thích nhưng phải tin là có tác dụng thực tế đã được nhiều nhiều người kiểm chứng./.

---------------------------------------------------------------------------------------
* Xin anh Lân Dũng bỏ quá cho thiếu sót chưa xin phép tác giả đã đăng lại bài viết này trên Blog Luson.Quelam !
Cô Nhàn , em tôi đã nghĩ hưu sau nhiều năm làm việc ở TW Hội LHPNVN, nay hợp tác với TS Trịnh Thắng hoạt động trong lĩnh vực này. Một số bạn QL ( Như cụ Tú Riềng Hữu Hùng ), đã gặp mặt, trò chuyện với Trịnh Thắng tại nhà cô em tôi .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét