Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2015

SYRIA- CUỘC NỘI CHIẾN CHƯA BIẾT ĐIỂM DỪNG!

Nguyễn Ngọc Hùng
(Bài đã đăng trên Tuổi Trẻ CN )

Phản kháng và “dẹp loạn” tại Syria bùng lên vào giữa tháng 3/2011, muộn nhất so với các sự kiện tương tự gọi là “Mùa xuân Arab” làm náo động nhiều quốc gia Arab ở Trung Đông- Bắc Phi nổ ra từ đầu năm ấy.
Đôi bên Syria không đội trời chung
Phe phản kháng ở Syria cũng tương tự như phong trào nổi dậy tại các quốc gia Arab khác trong “Mùa xuân Arab”, mà đặc điểm bao trùm ban đầu là tự phát, không có lãnh đạo và không vũ trang. Nhưng chính quyền Syria thì không bị bất ngờ và không rơi vào lúng túng bị động đối phó như tại Ai Cập, Tunisia, Lybia... Tổng thống Bashar al-Assad, ngay từ đầu đã nhất quán thực thi chính sách “trấn áp quyết liệt”, không để cho phản kháng có thể tập hợp được lực lượng đông đảo kiểu “biểu tình triệu người nằm lỳ dài ngày tại các đô thị lớn”. Máu đã đổ ngay từ cuộc biểu tình đầu tiên xảy ra ngày 15/3/2011 tại thành phố Dar’a- phía nam thủ đô Damas!
Nếu cuộc nội chiến tại Syria được tính từ thời gian những người phản kháng bắt đầu cầm vũ khí chống lại chính quyền- cuối tháng 6/2011, thì đã kéo dài hơn 4 năm, với khoảng 250 ngàn người thiệt mạng, trên dưới 10 triệu người li tán trong nước hoặc ra nước ngoài và hầu hết các đô thị đều bị tàn phá tan hoang!
Tính chất khốc liệt của cuộc nội chiến này chủ yếu do đôi bên Syria đối địch nhất quyết không đội trời chung. Hận thù chồng chất từ suốt quá trình 40 cầm quyền theo kiểu “cha truyền con nối” của dòng họ al-Assad, cộng với những chết chóc thảm thương, tù đày khốn khổ, li tán khắp nơi và tàn phá tan hoang suốt hơn 4 năm qua càng khiến cả đôi bên nhận thức rõ ràng rằng không có chỗ tồn tại cho bên này, nếu để bên kia toàn thắng! Đây là một trong những nguyên nhân căn bản khiến cho mọi nỗ lực giàn xếp từ phía Arab và quốc tế đều thất bại.
Sự can dự từ bên ngoài:
Cuộc nội chiến càng kéo dài, thì sự can dự từ bên ngoài vào Syria càng trở nên phức tạp hơn. Hai thế lực bên ngoài can dự vào cuộc xung đột tại Syria gồm một bên là Iran và Nga ủng hộ chính quyền của tổng thống al-Assad và bên kia là Mỹ, phương Tây và Arab, Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ cho đối lập.
Xét về mặt lợi ích thiết thân, thì Iran và Nga phải gắn bó hơn với sự tồn tại của chính quyền al-Assad.
Từ khi chế độ Saddam Hussein bị Mỹ xóa sổ tại Iraq năm 2003, Iran đã nhanh chóng xây dựng được một khu vực ảnh hưởng mạnh mẽ lấn vào khu vực Đông Arab; bao gồm Iraq, Syria và Liban. Người Arab gọi đây là “Vành đai Shi’a” của Iran. Nếu chính quyền al-Assad ở Syria sụp đổ, thì phe đối lập, chủ yếu là theo dòng Suna, sẽ xóa sạch vai trò của Iran tại Syria, cắt đứt mắt xích quan trọng trong “vành đai Shi’a” và khiến Hizbullah ở Liban bị cô lập với Iran.
Với Nga, Syria cũng là đối tác chiến lược theo hiệp định hữu nghị và hợp tác ký năm 1980. Sau khi Liên Xô tan rã, Nga vẫn giữ một căn cứ hải quân tại cảng Tartous ở duyên hải tây- bắc Syria. Căn cứ này hình thành từ năm 1971 và nay là chỗ đứng chân duy nhất của hải quân Nga tại khu vực Địa Trung Hải. Tartous còn có vị trí chiến lược đối với giao thông hàng hải quốc tế giữa Biển Đen với Địa Trung Hải, để từ đó ra Đại Tây Dương hoặc xuống Ấn Độ Dương.
Quan hệ giữa Iran và Nga với chính quyền của tổng thống al-Assad là quan hệ giữa các quốc gia có chủ quyền và giữa các chính phủ hợp pháp với nhau. Nhờ lợi thế “chính đáng” này, Nga và Iran không ngừng cung cấp viện trợ mọi mặt cho chính quyền Damas. Bởi thế, quân đội Syria chưa bao giờ thiếu hụt vũ khí, bom đạn trong cuộc nội chiến đối đầu với các nhóm vũ trang đối lập vừa non trẻ, vừa hỗn tạp, lại luôn trong tình trạng trang bị thiếu thốn và bất cập.
Mỹ- phương Tây và Arab nhất quán lập trường ủng hộ chính trị cho phe đối lập suốt từ cuối năm 2011 đến nay. Nhưng sự ủng hộ ấy thiếu cơ sở pháp lý quốc tế nên luôn chập chờn, không nhất quán và kém hiệu lực trên thực địa cuộc nội chiến ở Syria. Mỹ không cung cấp vũ khí cho đối lập, bởi không thể vũ trang cho “phiến quân” chống một chính quyền hợp pháp. Mãi đến giữa năm 2014, tổng thống Obama mới quyết định “cung cấp vũ khí sát thương có giới hạn” cho một số nhóm mà Mỹ xác định là “ôn hòa”.
Sự phức tạp của yếu tố IS:
Từ cuối năm 2013, tổ chức tiền thân của Nhà nước Hồi giáo (IS) xuất hiện cùng với Mặt trận Nusra (al-Qa’eda ở Syria) và nhiều nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan khác. Các nhóm khủng bố và cực đoan này ngày càng thể hiện sức mạnh nổi trội trên chiến trường, khiến các tổ chức đối lập ôn hòa mà Mỹ và phương Tây vẫn quan hệ như “đối tác” trở nên lu mờ và ngày càng teo tóp. Rồi IS xuất hiện như một thực thể tại Syria- Iraq từ giữa năm 2014 và trở thành mối hiểm họa chưa từng thấy! IS không chỉ chống chính quyền Syria, mà công khai đối đầu với các thế lực mà chúng gọi là “quân Thập Tự” (Chỉ tất cả người theo đạo Thiên Chúa), “quân phản đạo” (như dòng Hồi giáo Shi’a mà Iran là đại diện) và “ngoại đạo” (chỉ tất cả những ai không theo Hồi giáo)! IS thực sự là kẻ thù và mối hiểm họa của toàn thế giới!
Chính quyền Syria luôn coi tất cả đối lập vũ trang là “khủng bố”, tận dụng sự xuất hiện của IS để biện minh cho các hành động trấn áp khốc liệt của mình. Nga và Iran cũng lý giải cho việc họ tiếp tục bảo trợ cho chính quyền al-Assad là “để chống khủng bố”.
Bên Arab và Thổ Nhĩ Kỳ lại tận dụng khả năng tác chiến của các nhóm cực đoan, kể cả Mặt trận Nusra để đối trọng với quân đội của al-Assad. Thực ra, người Arab không chống “độc tài gia đình trị”, mà chỉ không chấp nhận al-Assad bởi coi ông này là “con bài thực hiện tham vọng của Iran”!
Bất đồng về giải pháp chính trị
Sự xuất hiện của IS là yếu tố quyết định khiến các thế lực lớn vốn ủng hộ đôi bên kình chống nhau tại Syria tìm được một điểm chung là phải cùng nhau xóa bỏ thực thể khủng bố này. Mỹ- phương Tây và Nga đều nhận thấy không nên để thể chế nhà nước Syria sụp đổ, để tránh nước này rơi vào hỗn loạn tương tự như Libya hiện nay, bởi sự hỗn loạn chính là môi trường thuận lợi cho cực đoan và khủng bố phát triển. Các bên liên quan đang cùng với Liên Hợp Quốc nỗ lực vận động giàn xếp một  giải pháp chính trị tại Syria, nhằm đạt được ngưng bắn, thành lập một chính quyền chuyển tiếp với một “chính phủ toàn quyền” gồm tất cả các bên xung đột tham gia, tiến tới tổng tuyển cử dân chủ... Đường hướng này hình thành từ giữa năm 2012, nhưng đến nay thì định hình rõ rệt hơn.
Tuy nhiên, cản trở lớn nhất là đôi bên mâu thuẫn khó dung hòa về vai trò của tổng thống al-Assad trong thời kỳ chuyển tiếp ở Syria. Nga và Iran khẳng định al-Assad vẫn “hợp pháp” để đứng đầu chính quyền chuyển tiếp. Số phận của ông này chỉ có thể quyết định trong bầu cử do cử tri Syria quyết định. Mỹ và phương cùng Arab và Thổ Nhĩ Kỳ nhất quyết không cho al-Assad một vai trò nào trong chính quyền chuyển tiếp cũng như tương lai sau đó của Syria.
Nhân tố Saudi Arabia
Từ đầu năm 2015, với việc Salman Ben Abdu al-Azeez lên ngôi hoàng đế, nhân tố Saudi Arabia chính thức xuất hiện như một thế lực đại diện cho Arab để ứng xử với cả Mỹ, Nga liên quan đến Syria và những vấn đề khác xảy ra tại khu vực Arab. Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ liên kết lập trường với nhau về vấn đề Syria, tạo thành một thế lực khu vực có khả năng hành động không lệ thuộc vào Mỹ- phương Tây và Nga. Nhờ sự giúp đỡ mạnh mẽ của Arab và Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng vũ trang đối lập đẩy lùi quân đội Syria trên nhiều mặt trận quan trọng, khiến chính quyền al-Assad và các đồng minh của họ (Iran, Hizbullah...) rơi vào thế phải chống trả quyết liệt để tồn tại. Thủ đô Damas và khu vực duyên hải phía tây- bắc Syria (nơi có quân cảng Tartous của Nga và có quê hương của al-Assad) bị đe dọa nghiêm trọng. Diễn biến này là một trong những nguyên nhân tức thời khiến Nga phải tăng cường sự hiện diện quân sự của mình tại khu vực duyên hải tây- bắc Syria từ đầu tháng 9.
Khi tiếp xúc với tổng thống Nga- Vladimir Putin và ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hồi cuối tháng 8 vừa qua, các đại diện của Arab (ngoại trưởng Saudi Araiba, nhà vua Jordani, tổng thống Ai Cập) đều khẳng định lập trường không thể “không tính sổ” với al-Assad và những người thân cận của ông này trong chính quyền Syria, về “những tội ác ghê tởm” của họ đối với nhân dân và đất nước Syria suốt 4 năm qua, và không thể có một vai trò nào cho al-Assad trong một giải pháp chính trị ở Syria!
Lập trường kiên quyết của Arab không đơn thuần chỉ là “vấn đề Syria”, mà đây là một nội dung trong cuộc đối đầu mang tầm khu vực, giữa Arab với Iran.
Đôi bên Syria không thể chấp nhận sự tồn tại của của đối thủ. Cuộc nội chiến Syria nay mang bản chất của cuộc đối đầu Arab- Iran. Các nước lớn, nhất là Mỹ và Nga đều lấn bấn với rất nhiều nỗi bận tâm mang tầm toàn cầu của họ...
Chưa biết đến bao giờ mới có lối thoát cho cuộc nội chiến rất nhức nhối tại Syria!
12/9/2015
NGUYỄN NGỌC HÙNG

4 nhận xét:

  1. Xin cám ơn tác giả và LS-QL đã làm rõ hơn vấn đề " rối như canh hẹ " này ạ....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nguyễn Ngọc Hùng11:23 21/9/15

      Xin cám ơn lời động viên của vu song thu.

      Xóa
  2. Bài viết này đối với tôi rất có ý nghĩa.
    Đọc xong bài này tôi hiểu hơn về những thay đổi của vùng Trung Cân Đông,của các nước Arav .Chúng ta rất ít thông tin về miền đất xa xôi này, miền đất này có vỵ trí chiến lược rất quan trọng, các mâu thuẫn có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh khốc liệt hơn, mà toàn thế giới sẽ bị ảnh hưởng ,trong đó có Việt Nam ,đang cần có sự ổn định và hòa bình. Cám ơn tác giả,cám ơn blog luson.quelam.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nguyễn Ngọc Hùng11:25 21/9/15

      Xin cám ơn lời động viên của Trần Kháng Chiến.

      Xóa