Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 16 tháng 12, 2015

Chủ tịch nước đánh giặc " Nội xâm" bằng võ gì ?

BẰNG CHỨNG-TRƯƠNG TẤN SANG
( Trích )
 
"Tôi đề nghị trong những cuộc tiếp xúc như thế này hoặc cô bác cứ mạnh dạn viết thư, thường xuyên liên hệ với chúng tôi cung cấp thông tin về tham nhũng...Bà con cứ nêu đích danh cụ thể...Riêng tôi..thấy đồng chí X" !

Dân kêu vì  chính Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa đã nhìn nhận trong bài viết tháng 11/2015: “ Từ Đại hội VI của Đảng đến nay, không có nhiệm kỳ nào Trung ương Đảng không có nghị quyết về xây dựng Đảng, về đổi mới chỉnh đốn Đảng, về công tác cán bộ. Nhưng có một điều hết sức quan ngại là chúng ta đã tiến hành thường xuyên, liên tục trong nhiều nhiệm kỳ, với nhiều biện pháp, nhiều cuộc vận động nhưng kết quả vẫn còn khá khiêm tốn. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí, hư hỏng của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa được đẩy lùi mà thậm chí có chiều hướng nghiêm trọng hơn, làm xói mòn lòng tin đối với Đảng.” (trích báo Nhân Dân, 20/11/2015).

Sự mất lòng tin lớn nhất của dân vào đảng trước ngày Đại hội XII là tình trạng tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, tinh vi và phức tạp.
Trong suốt thời gian có cuộc khủng hoảng Trung Quốc đặt giàn khoan dầu Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ ngày 2/5 đến 15/7/2014, Quốc hội không dám ra Nghị quyết lên án Trung Quốc. Các đảng bộ địa phương và các tổ chức chính trị-xã hội của đảng trong Mặt trận Tổ quốc cũng không dám lên tiếng phản đối Bắc Kinh.
Ông Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị (16 người) đã quyết định mọi việc nên trách nhiệm hòan hoàn thuộc về họ.
Cuộc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” , trong tòan đảng, tòan dân bắt đầu từ ngày 03-02-2007, vì vậy đã như nước đổ đầu vịt.
Từ năm 2007, Đảng đã nâng cấp Tham nhũng từ “tệ nạn” lên  “quốc nạn”. Mánh khóe tham nhũng càng ngày càng tinh vi, phức tạp. Hang cùng ngõ hẻm nào trong hệ thống cũng có tham nhũng sống chung với dân.  Chúng cười vào mũi Lãnh đạo và thách đố nhân dân đi tố cáo.
Kẻ tham nhũng không đơn độc mà đã được tổ chức thành các “nhóm lợi ích” để cùng nhau chia phần, có tổ chức, tập đòan bao che cho nhau và bảo vệ nhau.
Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang là người bạo miệng than phiền về nạn  tham nhũng hơn ba lãnh đạo Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Sinh Hùng và Nguyễn Tấn Dũng.
Từ năm 2013, Ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nói nhiều câu ấn tượng về tình trạng  tham nhũng lãng phí, nhưng giải quyết thì không thấy.
Đối với ông Sang thì cứ mỗi lần về Sài Gòn tiếp xúc với cử tri là cả nước được  nghe ông  ta thán tham nhũng như người đứng  ngoài nhìn vào.
Từ tháng 10 năm 2014, ông Sang đã nói với cử tri : “Chúng tôi theo dõi cũng biết tham nhũng tinh vi, không phải một người riêng lẻ mà dây mơ rễ má, nó hình thành nhóm xâu chuỗi, bao che, bảo vệ cho nhau.”  (báo Tiền Phong, 15/10/2014)
Một năm sau thì sao,  hãy bắt đầu với phát biểu của ông Sang ngày 5/12/2015. Ông nói : “Nhà nước đã thực hiện rất nhiều giải pháp phòng chống tham nhũng nhưng hiện vấn nạn này còn “hết sức nghiêm trọng”. Trước thềm đại hội Đảng, vấn đề này càng nóng bỏng và gay gắt….Trong phòng chống tham nhũng chúng tôi thấy chưa làm tròn trách nhiệm của mình".
 “…. điều đáng buồn nhất là nhìn vào bảng xếp hạng tham nhũng của Việt Nam so với thế giới.
"Xấu hổ lắm!Tại sao nước mình anh hùng, oanh liệt trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm qua mấy ngàn năm mà tệ nạn tham nhũng thì đứng trên 100? Tôi cảm thấy không chấp nhận được".(Zing.VN, 5/12/2015).
Theo lời ông Sang thì khi ông tham gia 6 đại hội đảng bộ địa phương thì thấy “nơi nào cũng đánh giá là thành công rực rỡ nhưng tiếp xúc người dân ở đâu cũng kêu…Chúng ta không đến nỗi thất bại nhưng chúng ta cần nói sự thật cho người dân biết các mảng tối, yếu kém chưa phơi bày. Càng giấu thì người dân càng mất lòng tin”.
Nhưng “chúng ta” là ai ? Ông Chủ tịch nước có là một bộ phận của “chúng ta” không ? Hay là ông chỉ muốn ám chỉ đến trách nhiệm của người khác và những người đứng đầu các cơ sở đảng, tổ chức từ địa phương lên đến trung ương ?
Trách nhiệm của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng và của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng  ở đâu trong các “mảng tối” này ?
Chuyện dân mất niềm tin vào đảng thì đã có từ lâu ai cũng biết, nhưng ai trong Lãnh đạo phải có trách nhiệm nói thật  với dân ?  Chẳng nhẽ ông Chủ tịch nước cũng bị che giấu như dân nên ông mới đòi phải minh bạch ?
Một trong nhưng nơi phát sinh và nuôi dưỡng tham nhũng là các Tổng Công ty của Nhà nước. Báo điện tử Zing.VN tường thuật:” Về các tổng công ty, tập đoàn nhà nước, Chủ tịch nước cho rằng dù những nơi này nhận được nguồn vốn lớn và có nhiều ưu đãi, đạt nhiều thành tựu, đóng góp ngân sách giải quyết việc làm... Tuy nhiên, một số nơi còn tình trạng hoạt động kém hiệu quả và còn tham nhũng, tiêu cực.”
Theo Zing.VN thì : “ Tổ chức Minh bạch Thế giới, năm 2014, chỉ số tham nhũng của Việt Nam đứng thứ 119/174 quốc gia, vùng lãnh thổ với 31 điểm (năm 2013 là 116/177). Tại Châu Á, Singapore là quốc gia đạt vị trí cao nhất là thứ 7 trong khi Đan Mạch, New Zealand và Phần Lan là ba nước đạt thứ hạng trong sạch nhất.”
Ngày 02/12/2014, ông Sang cũng đã nói với dân Sài Gòn: “Nghị quyết của Đảng, luật của Quốc hội về phòng chống tham nhũng đã có, nhưng trong thực tế rõ ràng chúng ta chưa ngăn chặn được nạn tham nhũng. Tôi mong các cô bác anh chị khi họp tổ dân phố, đoàn thể, các tổ chức khác cũng phải mạnh mẽ đấu tranh như ở hội trường này để tạo sự chuyển động thực sự. Thứ hai nữa, chúng ta nói về sức mạnh nhân dân thì vai trò giám sát phải thể hiện thực tế, phải tăng cường giám sát. Các cơ quan chức năng phải đeo đuổi đến cùng những vấn đề nhân dân đưa ra.”(báo Pháp Luật Thành phố online).
Ông Sang khuyến khích dân đấu tranh chống tham nhũng, nhưng ai bảo đảm người tố cáo không bị các quan chức trù dập ? Dân giám sát việc làm của cán bộ ư ? Đảng đã nói liên miên thông điệp “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, nhưng đó chỉ là khẩu hiệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo.  Có cho ăn vàng dân cũng không dám xông mình lôi ra kẻ tham nhũng.
Ngay đến Mặt trận Tổ Quốc (MTTQ), tổ chức quy tụ hàng trăm hội đòan chính trị và xã hội của đảng được pháp luật quy định có nhiệm vụ giám sát nhà nước và cán bộ, đảng viên mà còn không dám tổ chức điều tra tham nhũng thì người dân nhỏ bé ai dám hé răng ?
Không tin cứ hỏi nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch MTTQ Phạm Thế Duyệt thì biết ngay đã có bao nhiêu vụ tham nhũng được phanh phui thành công bởi Mặt Trận ?

Quốc hội cũng có vai trò giám sát của cơ quan lập pháp đấy mà có dám tổ chức đi điều tra tham nhũng đâu, nói chi đến dân ?
Vì vậy không lạ khi dân đã được nghe ông Trương Tấn Sang nhìn nhận trong lần gặp cử tri quận 1 và quận 3 ngày 14/10/2014: “Bức xúc của dân là so với yêu cầu, thực tế vẫn chưa đạt. Tham nhũng chưa được ngăn chặn và từng bước đẩy lùi nên chưa đạt yêu cầu”.
Một trong những cử tri dự buổi họp, bà Phạm Thị Cát (phường Cầu Kho, quận 1) nói với ông Sang:” Tôi tham gia cách mạng từ năm 1960, tố cáo chống tham nhũng rất nhiều và cũng mất rất nhiều. Mỗi lần nộp đơn, tôi như quả bóng, còn các cơ quan từ địa phương đến trung ương trở thành cầu thủ đá qua, đá lại.”  (báo Tiền Phong, 15/10/2014).
Tại cuộc tiếp xúc này, ông Sang còn đưa ra sáng kiến: “ Tôi đề nghị trong những cuộc tiếp xúc như thế này hoặc cô bác cứ mạnh dạn viết thư, thường xuyên liên hệ với chúng tôi cung cấp thông tin về tham nhũng.
Chúng tôi sẽ bố trí người tiếp xúc với bà con và xác minh, xử lý, góp phần đẩy lùi tham nhũng, lãng phí. Để tình hình này lòng dân không yên. Kết quả chưa tốt, dân gay gắt là phải. Mong bà con hết sức kiên trì, nếu phát hiện những vấn đề gì liên quan đến tiêu cực, tham nhũng thì cộng tác với nhau góp phần đẩy lùi tiêu cực".
Sau một năm, chưa thấy  bất cứ thông tin nào được Văn phòng Chủ tịch nước đưa ra xác nhận đã có hợp tác thành công giữa cử tri Sài Gòn với Chủ tịch Sang.
Ngược thời gian vào năm 2013, ông Sang thừa nhận với cử tri tham nhũng lãng phí “là một vấn đề hệ trọng”. Ông nói: “Nếu khắc phục không tốt, chống không tốt sẽ đe dọa tồn vong của chế độ, đe dọa đến sự lãnh đạo của Đảng, làm giảm sút lòng tin của người dân vào Đảng, vào chế độ”….Thật ra mà nói về văn bản đến giờ này có thiếu đâu, nhiều lắm rồi nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện không nghiêm minh.” (báo Thanh Niên,25/06/2013).

5 nhận xét:

  1. Bài dài quá, tôi phải căng mắt cố đọc mới hêt.Theo tôi các cụ ta nói... Thử sờ lên gáy xem xa hay gần. Vậy mỗi ngài lãnh đạo thay vào nói hãy SỜ LÊN GÁY MÌNH rồi hãy nói. Tôi hoàn toàn mất lòng tin ở các ngài lãnh đạo của ta rồi. Nói như nước lã đổ lá khoai thôi. Các ngài chưa TỰ SỬA thì chẳng có thế lực nào thay đổi được đâu. Nói nhiều, nói hay chỉ làm càng thêm mất lòng tin ở dân mà thôi. Đi đến đâu, ở bất kỳ chỗ nào tôi cũng thấy DÂN ca cẩm là mọi sự bê tha là do DỘT TƯ NÓC cả... Nhiều khi nghe DÂN CHỬI nơi công cộng tôi phải bỏ đi nới khác vì không chịu nổi...Thế đấy, nên tôi cũng chỉ đọc để biết chứ biết MÌNH VÔ DỤNG, NÓI AI NGHE, NGHE THÊM MỆT MỎI. Kính chào !

    Trả lờiXóa
  2. Em xin dựa cột mà nghe và nói leo ạ. Ngày xưa thời kinh tế bao cấp, tìm mãi không ra nguyên nhân vì sao kinh tế không khá lên được. Bao nhiêu hội thảo, bao nhiêu thử nghiệm đều thất bại. Người ta đã không thoát ra được cái gọi là: Cơ chế kinh tế XHCN Kế hoạch tập trung (quan liêu bao cấp)...Khi phá bỏ cơ chế ấy, chuyển sang KT thị trường, vđ được giải quyết "nhẹ nhàng". Ngày nay, cũng vậy thôi, cứ tìm maĩ, tìm mãi...chẳng triệt được nạn tham nhũng, vốn là con đẻ của các nền chính trị độc quyền . Xóa bỏ độc quyền, dân chủ thực sự thì...tham nhũng sẽ lập tức bị hạn chế.
    Các cụ thấy có phải không ạ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nguyễn Ngọc Hùng15:39 19/12/15

      Giải pháp của Vu song thu rất chính xác. Tiếc là không thể thực hiện được trong hoàn cảnh hiện nay.

      Xóa
  3. Các vị LĐ cao nhất trong đó có CT TTS chỉ giỏi"võ mồm" thôi! " Xơn xớt" với cử tri nhưng ra khỏi phòng họp thì dường như "bay" đi luôn ! Ai dám nói & viết đưa lên bộ Tứ? để mà tử chắc?

    Trả lờiXóa
  4. "Võ mồm" thì quá chính xác (như cụ Fio đã nói ở trên). Nhưng " Để làm gì?." (trong thời điểm nhạy cảm này) mới là "vấn đề" đáng quan tâm. Mong được nghe ý kiến "bình loạn"của các Cụ Làng ta.

    Trả lờiXóa