Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 3 tháng 6, 2015

Cụ Ngọc Hùng từ San Francisco kể chuyện học hành của trẻ con Việt nhập cư Mỹ .

Nhân đọc bài viết thú vị của Cụ Calathau tại Blog cá nhân của cụ, về “cháu gái nhận bằng tiến sĩ học viện … mẫu giáo”, tôi xin gửi tới các cụ Làng Ta một vài cảm nhận về những điều tôi THẤY TẬN MẮT trong 5 lần “tư du” Hoa Kỳ về chế độ giáo dục của “tên đế quôc đầu sỏ” này.

Làm sao “nuốt gọn” tất cả trẻ em nhập cư vào các trường?

Hai cháu gái sinh đôi, gọi tôi bằng ông ngoại, sang Mĩ năm 2005, khi chúng vừa học xong lớp 2. Cuối năm 2006, đúng dịp chúng kết thúc học kì 1 lớp 3, tôi sang thăm mẹ con chúng lần đầu tiên. Điều muốn tìm hiểu là làm sao chúng học được lớp 3 ngay mà không phải mất một thời gian “dự bị” học tiếng Anh? Chúng lại còn được “giấy khen” nữa!
Mẹ các cháu kể: Khi mới sang, nhập học, mẹ cháu cũng xin cho các cháu học lại lớp 2 để làm quen dần tiếng Anh. Nhưng cô hiệu trưởng xem học bạ rồi nói: Tất cả đều điểm giỏi thế này, vào ngay lớp 3 được! Thế là hai đứa bé 8 tuổi bị thả cho “bơi” ngay lớp 3 tại Mỹ, khi chưa hề biết một chữ tiếng Anh bẻ đôi!
Thì ra là họ có phương pháp riêng để dìu dắt những học sinh nhỏ tuổi bước vào những lớp đầu cấp 1. Trong những giờ học đầu tiên, các cháu nhỏ chưa nghe được gì cả. Sau giờ chính khoá, các giáo viên gốc Việt có trách nhiệm kèm cặp 2 cháu tôi. Mọi sự chậm trễ về nhận thức đều được cảm thông, không bị mắng mỏ hay một hình phạt nào. Giáo viên luôn khuyến khích các bạn cùng lớp giao tiếp với bạn mới như một phương pháp giúp bạn mới hoà nhập và làm quen với ngôn ngữ hanh hơn. Giấy khen cuối học kì 1 lớp 3 của 2 cháu tôi không phải là khen về thành tích học tập, mà đứa thì được khen vì “vui vẻ hoà đồng”, đứa thì “khéo tay giúp bạn”. Thế là khen thực chất, không ù xoẹ như “giỏi toàn diên” đồng loạt ở Ta, nhưng vẫn có í nghĩa động viên, giúp trẻ tự tin hơn.
Có lẽ cái sự khen ấy, cùng với những nỗ lực kèm cặp kiên trì hằng ngày, mà hai cháu tôi đã hoà nhập khá nhanh. Từ lớp 4 trở đi, chúng đã bắt đầu được khen cụ thể về kết quả học tập. Đến giờ, chúng vẫn nói hồi ấy (vào lớp 3) học được vì hầu như các kiến thức toán đều đã biết từ khi học lớp 2 ở VN. Thế là chương trình toán lớp 2 của ta… cao hơn lớp 3 cùa Mỹ đấy! Nghe có vẻ “oách”. Nhưng thực ra là quá nặng với khả năng tư duy của trẻ 7- 8 tuổi!
Vào học kì 2 lớp 3, tôi cùng mẹ cháu đưa chúng đến trường. Thật ngạc nhiên khi thấy mỗi đứa toòng tenh một cái ba lô nhỏ síu đựng ba thứ linh tinh, chẳng có sách vở gì cả! Đến lớp mới thấy tất cả sách giáo khoa, vở viết và các dụng cụ học tập cần thiết đã có sẵn trên bàn của mỗi học sinh. Chính phủ “bao cấp” hết! Giáo viên có trách nhiệm đặt những thứ ấy vào bàn của học sinh. Học xong, tất cả sách vở, dụng cụ ấy để lại ở trường. Thỉnh thoảng lắm mới có “home works” (bài làm ở nhà). Vậy là thời gian học ở trường giáo viên phải đảm bảo cho học sinh tiếp thu và làm bài tập hết rồi. Ra khỏi trường thì học sinh tiểu học chỉ có… chơi thôi! Tội nghiệp cho các cháu nhỏ của chúng ta khi mỗi đứa một cặp nặng chịch và vô số bài tập về nhà mỗi ngày!
Lần này tôi sang thì 2 cháu gái tôi đã tốt nghiệp lớp 12 và cả hai đều được nhận vào đại học “university” hẳn hoi, chứ không phải là college hay institute đâu nhé. Và chúng nói tiếng Anh hoàn toàn giọng Mỹ mà các thày cô trường High School hoàn toàn không nghĩ chúng mới nhập cư khi đã 8 tuổi.
Trường hợp thứ hai là anh ruột của hai cháu sinh đôi nói trên. Cháu trai này sang Mỹ năm 2009, khi đã học xong lớp 9 ở VN. Cháu đã được tôi chuẩn bị cho việc sang Mỹ bằng 1 năm học ở nhà, không vào lớp 10 phổ thong. Năm ở nhà ấy để bù hết các lỗ hổng của toán, lí, hoá và học tiếng Anh. Kết quả, khi sang Mỹ, mặc dù muộn so với khai giảng, nhưng cháu được nhận vào học lớp 10 ngay, không phải học tiếng Anh như các trẻ nhiều nước khác nhau mới nhập cư cùng nhập học.
Nhưng làm sao một học sinh biết tiếng Anh “tàm tạm” mà theo nổi chương trình lớp 10 của Mỹ giảng dạy toàn tiếng Anh? Đương nhiên, cháu tôi phải “lao động cật lực” lắm trong 6 tháng đầu tiên. Mẹ nó kể: Ngày nào nó cũng học 6 giờ liền ở nhà sau khi ở trường về lúc 3 giờ chiều mỗi ngày. Không có thứ bảy chủ nhật gì hết. Nhưng cách dạy của Mỹ đối với diện nhập cư khi đã lớn tuổi này là tự chọn “ban” phù hợp với khả năng. Cháu tôi chọn ban xã hội, chỉ phải học 6 môn. Khi tốt nghiệp lớp 12 (năm 2012), cháu tôi là một trong 40 học sinh giỏi trong tổng số 400 học sinh ra trường (không có chuyện cả lớp “giỏi” như ở Ta đâu). Cậu ta còn được là một trong 2 học sinh có trình độ tiếng Anh tốt nhất trong số mới nhập cư 3 năm, được nhận học bổng 500 USD khi vào đại học!
Thì ra, nền giáo dục Mỹ có phương pháp dạy phù hợp để “nuốt trọn” hàng triệu học sinh nhập cư từ rất nhiều quốc gia khác nhau vào xứ sở Cờ Hoa này!
Chuyện này dài rồi. Lần sau tôi xin có lời khuyên tới các cụ nếu có í định cho các cháu (con chúng ta đều trung niên hết rồi nhỉ) đi du học Mỹ./.
--------------------------------------------------------
Viết từ San Francisco, California, ngày 03/6/2015.
NGUYỄN NGỌC HÙNG (K1)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét