Thư ngỏ gửi các bạn TSQ thân mến!
Như
các bạn biết, tôi đã hoàn thành tâm nguyện đưa kiệt tác của cụ Nguyễn
Du đến với độc giả Nga. Bây giờ trở lại với nghiên cứu giáo dục, và bài
đầu tiên là về cụ Phạm Quỳnh, theo lời dặn của cha tôi. Năm 1998, nhân
kỷ niệm 60 năm Hội Truyền bá Quốc ngữ do Hội khoa học lịch sử VN tổ chức
tại hội trường Viên Bảo tàng lịch sử VN, trước cử tọa có cả tướng Giáp,
cụ Hòe đã đọc một tham luận về Nguồn gốc của Hội Truyền bá chữ Quốc
ngữ. Không biết các bạn thì thế nào, chứ tôi trước đó vẫn nghĩ rằng
truyền bá quốc ngữ là sáng kiến của Đảng CS, Hội TBQN do Đảng ta lập ra.
Hóa ra, theo tham luận của cụ Hòe, công cuộc quan trọng này bắt đầu là
Đông kinh nghĩa thục và các nhà Nho duy tân, không hề đứt đoạn sau khi
ĐKNT bị đóng cửa, mà vẫn được các tổ chức xã hội tiếp tục, trong đó hoạt
động mạnh nhất là Hội Trí tri do ký giả-học giả Phạm Quỳnh đứng đầu.
Phát biểu ở hội trường đề nghị ghi công cho "cụ Thượng này và ông Vua
tân thời này (Bảo Đại), về nhà cụ Hòe nói với tôi: Nhờ cụ Thượng Phạm
đấu tranh cho cấp tiểu học dạy bằng tiếng Việt mà thế hệ "Tây học" chúng
tôi không mất gốc", rồi cụ kể cho tôi nghe về cái chết bi thảm của Cụ
Phạm cùng sự mất tích bí ẩn của con rể của Cụ là ô. Tôn Thất Bình, bị CA
VM bắt ngay sau CM th.8 ở Hà Nội, mặc dù ông đã bao phen che chắn cho
các ông Giáp, PV Đồng, Nguyễn Hữu Đang dạy ở tư thục Thăng Long để hoạt
động bí mật. Cụ cũng nói lại những chi tiết "được nghe" từ các ông Hoàng
Hữu Nam (thứ trưởng bộ Nội vụ), Vũ Đình Huỳnh (Bí thư riêng của Bác Hồ)
về phản ứng của Bác Hồ trước tin đột ngột về cái chết oan khuất của cụ
Pham Quỳnh. Cuối cùng cha tôi dặn: "Hôm nay, tại hội trường, tôi chỉ
nói được thế thôi, gọi là đánh động. Tình hình sẽ ngày một "thoáng" hơn,
cậu nên viết lại tất cả chuyện này, khi có cơ hội. Hơn nữa, trong Hồi
ký tôi đã nhắc cụ Phạm có họ với ta đấy: bản tộc phả do cụ Đốc Thành
viết cho biết bà nội của cụ Phạm là con gái cụ Chiêu Tư, tức cháu nội cụ
Nghè Phan ta. Như vậy ông Phạm Tuyên không chỉ là Đại đội trưởng và
thày dạy cậu mà là hàng chú họ đấy".
Cơ hội viết về công lao
của cụ Thượng họ Phạm với công cuộc khai dân trí, với sự nghiệp giáo dục
để cả một thế hệ học trường Tây mà không mất gốc, không theo Tây, lại
theo Nguyễn Ái Quốc và nhờ đó trở thành "Thế hệ vàng" - đã đến với tôi,
sau khi xuất hiện một sô công trình viết về nhà văn hóa Phạm Quỳnh, được
xuất bản chính thức tại các NXB nhà nước như Công An Nhân dân, Thanh
niên. Chắc các bạn cũng hiểu: tôi không thể dẫn lới kể của một nhân
chứng VĐH "chống Đảng"!
Tôi đã in bài viết ra và ký tặng "anh
Phạm Tuyên" (như bọn TSQ chúng ta thường gọi trìu mến các thày cô đã dạy
chúng ta là "anh, chị"), Đại đội trưởng TSQ. Bay giờ gửi tặng tất cả
các bạn.
Vũ Thế Khôi
PHẠM
QUỲNH MỘT LÒNG YÊU NƯỚC
VỚI
SỰ NGHIỆP PHÁT TRIỂN CHỮ QUỐC NGỮ
Vũ
Thế Khôi
Cách
nay ngót thế kỷ, chính xác là 94 năm, và trước Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch
Hồ Chí Minh 32 năm, đã có một Tuyên ngôn tự chủ Văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Ngày 22 - 7 - 1922, đứng trước Ban khoa học Luân lý và Chính trị của Viện Hàn
lâm “mẫu quốc” Đại Pháp, một thanh niên nước Việt Nam còn trong vòng nô lệ, cố
ý mặc quốc phục áo the đen và đóng khăn xếp, dõng dạc tuyên bố với các quan Hàn
lâm Đại Pháp bằng thứ tiếng Pháp lưu loát và trang nhã: “Dân nước Nam không thể coi là tờ giấy trắng mà là một cuốn sách cổ kín
đặc những hàng chữ viết bằng thứ mực không phai và không thể tẩy xóa trải qua
bao thế kỷ… Cuốn sách cổ ấy, chỉ có thể đóng lại theo kiểu mới, trình bày hợp
thời mới hơn, chứ đừng hòng đem một thứ chữ xa lạ viết đè lên những dòng chữ từ
ngàn xưa”.
Người
thanh niên đó là ký giả Phạm Quỳnh
(1893 - 1945).
Tổ
tiên Phạm Quỳnh xuất xứ Hải Dương, miền đất văn hiến bậc nhất, thời Nho học đứng
đầu cả nước về số lượng tiến sĩ. Nguyên quán ông là làng Lương Ngọc, danh hương
Hoa Đường xưa với 12 tiến sĩ cả văn lẫn võ. Nơi đây vẫn còn mộ Cử nhân khoa
1819, Giáo thụ phủ Anh Sơn (Nghệ An) Phạm Hội. Đó chính là nhà giáo Dưỡng Am nổi
tiếng ở Hà thành hồi đầu thế kỉ XIX mà sách Danh
nhân Hà Nội có viết, người năm 1841 từng thảo bài văn khấn chư vị thần linh
thổ địa trên đảo Ngọc Sơn về việc đền đài nơi đây từ nay “thuộc bản Hội” (tức hội
Hướng Thiện do Tiến sĩ Vũ Tông Phan đứng đầu). Tại cánh đồng làng Lương Ngọc
cũng còn lăng thân phụ Tú tài Phạm Điển do chính Phạm Quỳnh, sau khi thành đạt
đã xây năm 1933 để báo đáp công cha sinh thành. Nhưng Phạm Quỳnh lại chào đời ở
Hà Nội, tại chính căn nhà hồi nửa đầu thế kỷ XIX là ngôi trường của thầy đồ Dưỡng
Am (khoảng số 1 – 3 phố hàng Trống hiện nay). Ngôi nhà này ông nội cậu được thừa
hưởng, do cụ Phạm Hội không còn người nối dõi. Mẹ Vũ Thị Đoan là cháu nội tiến
sĩ đồng hương Vũ Tông Phan, mất khi bé Quỳnh mới được 9 tháng. 9 tuổi cậu lại mồ côi luôn cả cha nên Phạm Quỳnh lớn lên trong sự chăm
chút yêu thương của bà nội. Mới đầu, theo truyền thống trong mọi gia đình ông đồ,
Quỳnh học với cha, ông Tú Điển, nhưng “tối dạ” kỳ lạ đối với Hán tự, tương truyền trong
suốt tuổi thơ học mãi vẫn chỉ viết được hai chữ tên họ mình! Hơi vô lí, bởi sau
này, khi muốn thông hiểu nền văn hiến phương Đông nhằm kết hợp phần tinh hoa với
văn minh Tây phương, tự học có dăm
năm mà trang thanh niên họ Phạm đã uyên thâm Hán học. Phải chăng tuy xuất thân
Nho gia, nhưng cậu thiếu niên Quỳnh đã sớm nhận ra thực tế “Nào có
ra gì cái chữ Nho / Ông Nghè, ông Cống
cũng nằm co” nên không tha thiết học chữ Hán theo lối cử tử, nghĩa là học để
đi thi, giật cái danh ông Cử, ông Nghè rồi ra làm quan. Cụ đồ Điển đành phảy
tay cho con trai theo học không mất tiền ở trường Pháp - Việt phố Hàng Bông, dành
cho con em bản xứ, nhưng chỉ dạy đôi ba giờ chữ quốc ngữ đủ biết đọc biết viết,
còn thì rèn luyện tiếng Pháp đến thông thạo để làm thông ngôn trong các công sở
của chính quyền bảo hộ. Quỳnh học tiếng Pháp tiến bộ rất nhanh nên được tuyển
vào Trường Thông ngôn phố Bờ Sông, phía ngoài cửa Ô Quan Chưởng, năm 1908 sáp
nhập thành Trường trung học Bảo hộ, tục gọi Trường Bưởi (tức Trường Chu Văn An
ngày nay). Ngay năm ấy, Phạm Quỳnh tốt nghiệp thủ khoa.
Thủ
khoa 15 tuổi lập tức được nhận vào làm chân phụ tá ở Viện Viễn Đông Bác Cổ, cơ
quan sưu tầm, khảo cứu khoa học hàng đầu của đế quốc pháp ở Viễn Đông, có cả một
kho tàng thư tịch. Vừa làm chức phận thủ thư và thông ngôn, Phạm Quỳnh vừa tận
dụng điều kiện thuận lợi và tranh thủ thời gian quyết chí TỰ HỌC bằng cách miệt
mài trau giồi vốn Pháp ngữ và khắc phục bằng được sự “tối dạ” Hán tự, “ngốn”
sách cổ kim đông tây về triết học, sử học, văn học, khoa học tự nhiên…đến quên
ăn, quên cả về nhà! Kết quả là chỉ 5 năm sau, trang thanh niên 20 tuổi đã trở
thành một học giả có kiến văn sâu rộng về văn minh phương Tây và văn hóa phương
Đông, từ năm 1913 bắt đầu dịch từ
Pháp văn, Hán văn và viết những bài khảo cứu sắc sảo trên Đông Dương tạp chí của Nguyễn Văn Vĩnh,
đồng môn năm xưa ở Trường Thông ngôn.
Sự
xuất sắc của Phạm Quỳnh lập tức lọt mắt xanh của Giám đốc vụ Chính trị kiêm
Thanh tra mật thám ở phủ Toàn quyền Đông Dương Louis Marty.
Bối cảnh lịch sử-xã hội bấy giờ, ảnh hưởng nhiều đến sự
hình thành tư tưởng và nhân cách của trang thanh niên dòng dõi Nho học họ Phạm,
có những đặc điểm cơ bản như sau.
Phạm Quỳnh chủ bút trẻ của TC Nam Phong |
Sau khi về cơ bản đã bình định được Việt Nam, lại phải
tăng cường bóc lột thuộc địa để bù đắp cho “mẫu quốc” bị kiệt quệ sau cuộc đại
chiến 1914 - 1918, thực dân Pháp bắt đầu công cuộc “khai thác thuộc địa lần thứ
hai”. Họ phát triển thêm giao thông đường sắt, đường thủy và đường bộ, triệt để
khai khoáng và xây dựng một số ngành công nghiệp nhẹ thu lợi nhanh như tơ lụa,
chế biến gỗ…, lập nhiều đồn điền, đặc biệt là các đồn điền cao su. Về mặt
chính trị, chính quyền thực dân, chí ít là số người có đầu óc, cũng hiểu ra rằng:
không thể cai trị theo lối cũ. Song song với việc dùng bạo lực đàn áp, Albert
Sarraut (toàn quyền Đông Dương 1911 - 1914, 1917 - 1919) chủ trương “khai hoá”,
“chinh phục bằng văn hoá”. Họ cho bầu Hội đồng dân biểu, đặt ra một Nha học
chính Đông Dương thuộc phủ Toàn quyền và bộ Học ở triều
đình Huế, thành lập Hội đồng
cải lương học chính bản xứ. Dưới áp lực của phong trào Duy tân họ chấp nhận vào
Ban tu thư sách giáo khoa một số quan lại người Việt có tư tưởng canh tân như cử
nhân Hoàng Đạo Thành (thân phụ của nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy), tiến sĩ Tổng đốc
Đỗ Văn Tâm (đồng học của Lương Văn Can), phó bảng Tuần phủ Đoàn Triển (người đề
xuất chương trình giáo dục tân học và tự xây tư thục tân học ở làng Tả Thanh
Oai quê ông năm 1906, trước cả Đông kinh nghĩa thục). Cuối cùng, họ đã thực sự
tiến hành cải cách giáo dục, đáp ứng phần nào những yêu cầu do các nhà Nho duy
tân đề xuất như: dùng tiếng Việt và chữ quốc ngữ ở cấp sơ học (3 năm đầu của bậc tiểu học), duy trì việc dạy
chữ Hán song song với Pháp ngữ, đưa sử địa Việt Nam vào chương trình giáo dục…
Về mặt tư tưởng xã hội, đó là thời kỳ có thể tạm gọi bằng
thuật ngữ “hậu Đông Kinh nghĩa thục”,
bởi tuy ngôi nghĩa thục trung ương trên phố Hàng Đào chỉ hoạt động được 7 tháng
thì bị đóng cửa; từ 1908 đến 1913 những người sáng lập và cộng tác viên lần lượt
bị bắt bớ tù đày, nhưng ảnh hưởng của tư tưởng khai sáng thay vì bạo động non
– “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” – do các lãnh tụ phong trào Duy
tân-Đông Kinh nghĩa thục khởi xướng thì tác động sâu rộng và dài lâu hơn nhiều.
Vốn được chuẩn bị bởi những cơ sở văn hoá - xã hội rộng khắp của tầng lớp “Nho
sĩ bình dân” (danh xưng do nhà văn hoá Nguyễn Khắc Viện đề xuất, đối lập với
“Nho sĩ quan lại”) trong các làng xã, phường thôn từ nửa thế kỷ trước[1], lại nhờ có được một đường lối “giáo dục quốc dân” thực
sự mang tính cánh mạng là thay nền giáo dục Nho học cổ hủ cốt đào luyện “thần
dân bù nhìn chỉ biết làm theo lệnh trên”, bằng một sách lược tân học văn minh
(“Văn minh tân học sách”) “khai dân
trí”, “chấn dân khí” nhằm đào tạo những công dân biết độc lập suy nghĩ và tự
hành động[2], - cho nên Đông Kinh nghĩa thục trong nhiều thập kỷ sau vẫn
tác động mạnh mẽ và sâu sắc đến mọi trào lưu tư tưởng trong xã hội Việt Nam thuộc
địa-nửa phong kiến. Dưới bề mặt sinh hoạt
xã hội bình lặng, khắp đô thị và nông thôn vẫn ngầm tuôn các mạch tư tưởng dân
tộc dân chủ mà ĐKNT đã kịp khơi thông: từ đền Ngọc Sơn giữa Hà Nội đến tận chùa
Nhã Nam ở Cần Thơ người ta vẫn giảng những bài Đạo Nam kinh thấm đậm hồn
duy tân: Hợp đoàn thể, Khuyến nông, Khuyến
công, Khuyến thương, Khuyến nữ học…; tu sĩ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha, cháu
nội của cụ Cử trưởng ban tu thư ĐKNT Nguyễn Hữu Cầu, vẫn mở lớp dạy chữ quốc ngữ,
soạn và in sách quốc ngữ truyền bá đạo lí dân tộc và khoa học thường thức để
phát không cho dân nghèo[3]…
Khác với tầng lớp nho sĩ hủ lậu và nông dân bảo thủ sau lũy tre làng, các giai
tầng xã hội mới, nảy sinh cùng cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai, như công
nhân, phu đồn điền, tiểu thương, một số nhà tư sản dân tộc mà tiêu biểu nhất ở
Bắc Kỳ là Bạch Thái Bưởi, và đặc biệt là tầng lớp học sinh, sinh viên, nhanh
chóng hấp thụ các tư tưởng dân chủ-dân quyền nên đã dám “độc lập suy nghĩ và tự
hành động”, tập hợp lực lượng và phản ứng mạnh mẽ trong các cuộc đấu tranh
đòi giảm án tử hình Phan Bội Châu (1925), truy điệu và để tang Phan Châu Trinh,
đòi thả nhà yêu nước Nguyễn An Ninh (1926). Bắt đầu hình thành các tổ chức
chính trị sơ khai dưới hình thức các nhóm tập hợp xung quanh một số tờ báo uy
tín hay nhà xuất bản như: tờ tiếng Pháp Chuông rè (Nguyễn An Ninh), những tờ tiếng Việt: Hữu Thanh (của Trung - Bắc nông, công,
thương hội, từ 1921 do Ngô Đức Kế từ Côn Đảo về làm chủ bút), Tiếng Dân (từ 1927 do Huỳnh Thúc Kháng
nắm, Võ Nguyên Giáp tham gia), các nhà sách Nam đồng thư xã (Hà Nội), Cường học thư xã (Sài Gòn), Quan hải tùng thư (Huế)…đã phát hành nhiều sách tiến bộ.
Đó là cái bối cảnh khi Chánh mật thám Marty ra tay thu phục
Phạm Quỳnh nhằm hướng trào lưu dân tộc dân chủ đòi canh tân vào quỹ đạo của
chính quyền bảo hộ. Họ chọn cách phù hợp nhất trong tình thế mới là sáng lập
năm 1917 tờ Nam Phong tạp chí và
giao cho Phạm Quỳnh làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút, trợ cấp hàng tháng 600 đồng
Đông Dương, to hơn cả lương Thượng thư bộ Học của “Cụ Thượng Phạm”sau này[4].
Là người thông minh, ông Phạm Quỳnh không thể không thấy thâm ý của Chánh mật thám Louis Marty. Vậy nhằm
mục đích gì học giả họ Pham nhận hợp tác với y?

Vậy “chuẩn đích” tư tưởng nhà báo Phạm Quỳnh muốn hướng đạo
cho quốc dân là gì? Trong bài phát biểu năm 1922 mà ở trên chúng tôi gọi là
“Tuyên ngôn tự chủ văn hoá”, ký giả Phạm Quỳnh đã khôn ngoan mượn lời lẽ của một
học giả Pháp để nói thẳng với chư vị viện sĩ Hàn lâm Đại Pháp rằng: “Trong tình
hình thế giới hiện nay, sự thống trị chính trị của một dân tộc này đối với một
dân tộc khác, dù là văn hoá kém hơn, chỉ có tính tạm thời. Không một cộng đồng
dân cư nào còn chịu được nữa cảnh bị bảo
hộ. Một dân tộc chỉ cần có một chút ý thức về mình thôi, thế là nó liền
mong muốn được tự chủ. Không cách
gì hoà giải nổi một dân tộc biết rõ là mình bị áp bức với một chính quyền ngoại
bang” (VTK nhấn)[5]. Trước đó 2 năm, trong bài viết “Độc thư cứu quốc (mừng các ông tân khoa trường đại học)”, hướng tới
thế hệ trí thức trẻ nước Việt, ông đặt ra trước họ cái nhiệm vụ chính ông đang
thực hiện bằng tờ báo của mình: “…Người ta học là vị chân lí, vị nhân loại, ta học nên vị nước trước nhất, sự học của ta phải là cái học cứu
quốc vậy” (Nam Phong, số 36,
tháng 6 - 1920).
Rõ ràng ông Chủ bút Nam
Phong tạp chí không có ý định hạn chế trong phạm vị mấy điều cải lương nhỏ
giọt của “mẫu quốc Đại Pháp” mà nuôi hoài bão “thể cái chủ nghĩa khai hoá” của chính quyền bảo hộ để làm đại sự
- kế
tục trong tình thế mới đường lối “khai dân trí”, “chấn dân khí” nhằm cứu nước của
Duy tân-Đông Kinh nghĩa thục. Vậy sao có thể quy kết chụp mũ là ông “chỉ phục
vụ chính sách nô dịch của thực dân’, “làm tay sai, bán nước”?!
Từ 1917 đến 1932, suốt 15 năm, tức hơn nửa cuộc đời hoạt động xã hội của mình ông Phạm Quỳnh toàn
tâm toàn ý với Nam Phong, biến nó
thành cơ quan ngôn luận uy tín nhất đương thời. Trong hơn 2 nghìn bài đăng trên
tờ tạp chí này của 164 tác giả, thì có đến gần 1/3, viết bằng quốc ngữ, Hán tự
và Pháp văn, là của một tác giả Phạm
Quỳnh, với những bút danh Thượng Chi, Hồng Nhân, và về sau lại thêm Hoa Đường -
thảy đều nhắc nhở đến miền đất quê hương ông, từng mang các địa danh Thượng Hồng
(phủ), Hồng Nhân (lộ), Hoa Đường (xã). Nội dung các bài viết của ông thể hiện một
tinh thần yêu quý kiên định nền văn hiến dân tộc Đông phương mấy nghìn năm và một
kiến thức bách khoa uyên bác về Tây phương hiện đại.
Về khảo luận:
học giả Phạm Quỳnh đã viết nhiều bài giới thiệu tư tưởng dân quyền-dân chủ Tây
Âu và các bài phê bình văn học Pháp (Tư tưởng Keyserling; Lịch sử và học
thuyết Voltaire; Lịch sử và học thuyết Rousseau; Lịch sử và học thuyết
Montesqieu, Văn học nước Pháp; Một nhà văn tả thực: Guy de Maupassant;
Descarrtes tổ triết học nước Pháp; Lịch sử và học thuyết Berson; Văn minh luận;
Đông Á- Tây Âu, hai văn minh có thể dung hoà được không?; Bàn phiếm về văn hoá
Đông Tây, v.v). Khi viết khảo luận, ngoài mục đích khai dân trí Việt Nam
đương thời về các vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền, đấu tranh chống lại chế độ
thực dân áp bức bóc lột và phong kiến v.v…, học giả họ Phạm chủ tâm giới thiệu thuật ngữ khoa học, chú ý thể hiện bút pháp và văn phong Tây
phương hiện đại trong các lĩnh vực học thuật, chính luận, phê bình khảo cứu ...
là những văn phong còn non kém trong Quốc ngữ.
Về dịch thuật:
ông đã dịch một số tác phẩm như Phương pháp luận (Descartes); Sách
cách ngôn (Epictete); Đời đạo lý (P. Carton), Le Cid, Horace
(Corneille); Thơ Baudelaire, v.v. Đối với chủ đích của Nam Phong tạp chí dịch thuật không đơn
thuần là giới thiệu văn hoá, văn minh phương Tây mà còn là biện pháp hữu hiệu góp phần bổ sung từ vựng và góp phần hình thành văn
phong ngôn ngữ văn hoá Việt. Nhằm mục đích đó mỗi số Nam Phong đều có bảng từ
vưng, liệt kê và giải thích các từ mới dùng để độc giả có thể tra cứu.
Về văn du ký:
Có thể nói, Phạm Quỳnh là người khai sáng con đường cho một thể loại văn học
mới trong tiếng Việt - văn du ký, tuỳ bút, ký sự, phóng sự, ghi chép. Trong
những chuyến du ngoạn danh lam thắng cảnh đất nước và viễn du sang Pháp, sang
Lào, ký giả Phạm Quỳnh đều để lại những bài du ký nổi tiếng một thời, ngày nay
đọc lại vẫn lí thú về cảnh quan và tình người như: Mười ngày ở Huế, Một
tháng ở Nam kỳ, Trẩy chùa hương, Pháp du hành trình nhật ký, Du lịch xứ Lào,
v.v.
Với vốn am hiểu chữ Hán của mình,
Phạm Quỳnh có nhiều bài khảo cứu đặc sắc về Phật giáo (Phật giáo lược khảo)
và Nho giáo (Khổng giáo luận). Phật giáo lược khảo
có thể xem như một giáo trình đại cương về Phật học, trong đó học giả Phạm
Quỳnh đã trình bày vấn đề theo phong cách khoa học của phương Tây, ông đã giới
thiệu vấn đề phật giáo bắt đầu từ Phật tổ sự tích đến Phật lý uyên
nguyên và kết luận bằng phần Phật giáo lịch sử.
Tuy
nhiên, sở dĩ Nam Phong tạp chí trở thành diễn đàn uy tín dẫn đạo được quốc dân
trong “buổi giao thời ”, ấy là nhờ vị Chủ nhiệm
kiêm chủ bút Phạm Quỳnh có tinh thần tự chủ văn hóa đã tuyên ngôn rõ ràng, có học vấn thông kim bác cổ, có nhân cách kẻ sĩ đàng hoàng,
lại có tài tổ chức, nên đã tập hợp được một đội ngũ trên trăm rưởi tác gỉả tài
ba thuộc đủ khuynh hướng xã hội-chính trị, nhưng đều là những cây bút nghiêm
túc và xuất sắc, từ các bậc đàn anh từng tham gia Đông Kinh nghĩa thục như Phạm
Duy Tốn, Dương Bá Trạc, các tác gia tiên phong trên văn đàn đương thời như nữ
sĩ Tương Phố (bài thơ Giọt lệ thu), kịch gia Vũ Đình Long, tiểu thuyết gia Nguyễn
Tường Tam, đến lớp hậu sinh có tư tưởng cấp tiến như sáng lập viên Việt Nam Quốc
dân đảng Phạm Tuấn Tài và đảng viên Cộng sản tương lai Lê Mạnh Trinh. Nhận định
về vai trò khai
sáng của Nam Phong, nhà văn Vũ Ngọc
Phan viết từ năm 1943: “Nhiều thanh niên trí thức đã có thể căn cứ vào những bài
trong Nam Phong tạp chí để bồi bổ cho
cái học còn khiếm khiếm khuyết của
mình. Thậm chí còn có người lấy Nam Phong
mà thâu thái được tạm đủ tư tưởng học thuật Đông - Tây. Muốn hiểu được những vấn
đề của đạo giáo muốn biết văn học sử cùng học thuật tư tưởng nước Tàu, nước Nhật,
nước Pháp, muốn đọc thi ca Việt Nam từ đời Lý - Trần cho đến nay, muốn hiểu
thêm lịch sử nước Nam, tiểu sử các đấng danh nhân nước nhà, muốn am hiểu các vấn
đề xã hội Âu Tây và cả học thuyết của các nhà
hiền triết cổ |Hy - La, chỉ đọc kĩ Nam Phong cũng có thể hiểu được”[6].
Làm nên thành công kì vĩ đó chính là
nhờ học giả Phạm Quỳnh đã nắm chắc khâu
then chốt trong công cuộc khai sáng cứu quốc mà các bậc tiền bối ở Đông
Kinh nghĩa thục đã đề xuất, đã bắt đầu thực thi, nhưng sớm bị ngăn chặn do nôn
nóng, thiếu khôn khéo đối với chính quyền bảo hộ. Khâu then chốt, “đường” thứ
nhất trong 6 đường (tức chủ trương) Đông Kinh nghĩa thục đề xướng ở tài liệu
cương lĩnh của mình – Văn minh tân học
sách, là: phổ biến, phát triển chữ
quốc ngữ.
“Mục đích dạy chữ Quốc ngữ trong đường lối giáo dục
quốc dân của ĐKNT rõ ràng khác về căn bản với chủ trương dạy chữ Quốc ngữ
của thực dân Pháp, cũng khác cả các chương trình cải lương giáo dục của chính
quyền bảo hộ và Nam triều, khi nó chỉ được dạy làm phương tiện giao dịch thông
thường, đủ đáp ứng những yêu cầu làm nô bộc cho ngoại bang để vinh thân phì
gia. Các cụ đã vạch trần tim đen của cái thứ chữ Quốc ngữ “thông ngôn” đó: nó tất
dẫn đến cái “vạ chết lòng”, cái xác còn đó nhưng cái tâm hồn dân tộc Việt thì
không còn. Chữ Quốc ngữ phục vụ triết lý giáo dục giải phóng, khai dân chí, chấn
dân khí phải là “hồn trong nước”:
Chữ
quốc ngữ là hồn trong nước,
Phải
đem ra tính trước dân ta,
Sách
Âu-Mỹ, sách Chi-na
-----------------------------------------------
Cụ nào quan tâm đến đề tài này có thể vào Báo liếp: Bantroik5.blogspot đọc tiếp phần còn lại (TẠI ĐÂY)
[1] Tham khảo: Vũ Thế Khôi – Hội Hướng Thiện đền Ngọc Sơn,
một cơ sở văn hoá - xã hội sâu xa của phong
trào Duy tân - Đông Kinh nghĩa thục. - Đã
thông báo vắn tắt bằng tiếng Pháp (sử dụng p.p.) tại phiên họp chiều trong ngày
đầu tiên của hội thảo quốc tế nhân 100 năm Đông Kinh nghĩa thục, họp tai Đại học
Provence (Pháp), 3 – 5/5/2007; bản tiếng Pháp in trong sách Vietnam - le moment moderniste, Publications
de l’Université de Provece 2009, tr. 79 - 93; toàn văn bản tiếng Việt có thể tìm đọc trên
các mạng Talawas; dongtak.net (mục Đông tác giao lưu); lichsuvn.com; vanhien.vn; tóm lược: Từ hội Hướng Thiện đền Ngọc Sơn đến trường Đông Kinh
nghĩa thục. - Tạp chí Xưa và Nay, số 283, tháng 5 - 2007.
[2] Tham khảo: Vũ Thế Khôi – Tính cách mạng trong đường lối “giáo dục quốc
dân” của Đông Kinh nghĩa thục. -Bài đã công bố ở hội thảo khoa học quốc tế “Đổi
mới giáo dục đại học Việt Nam, hai thời khắc đầu thế kỷ” tổ chức ở Đại học Hoa
Sen TP Hồ Chí Minh ngày 18 - 12 - 2008; đăng trong Kỷ yếu cùng tên, NXB Văn hóa
Sài Gòn & Đại họa Hoa Sen - 2009, tr. 67 – 88; có thể tìm đọc toàn văn trên
các trang mạng: hocthenao.vn; dongtac hncity. Org; event.hoasen.edu.vn
[3]
Tham khảo: VũThế Khôi – Cư sĩ Thiều Chửu với nền giáo dục bình dân. - Tạp chí
nghiên cứu Phật học, số 4 - 2002.
[4] Thủ đoạn “đỡ đầu” vì mục đích thu phục nhân tài người Việt,
sau này Marty từng có thời áp dụng đối với cả những người như Đặng Thai Mai, Võ
Nguyên Giáp… Thu phục được hay không, đến mức độ nào là chuyện khác.
[5] Phạm
Quỳnh: Tiểu luận. Viết bằng tiếng Pháp
trong thời gian 1922 - 1932. Phạm Toàn giới thiệu và biên tập. – NXB Tri Thức,
Hà Nội 2007, tr.410.
[6] Vũ
Ngọc Phan: Nhà văn hiện đại. - Dẫn theoTS Nguyễn Văn Khoan: Phạm Quỳnh, một góc
nhìn. – NXB Công An Nhân Dân 2011, tr. 31.
[7]
Tham Khảo Vũ Thế Khôi: Tinh thần cách mạng…, tài liệu đã dẫn trên.
[8] Phạm
Quỳnh: Tiểu luận. Viết bằng tiếng Pháp…, Sđd, tr.478.
[9] Sđd trên, tr.
[10] Tham khảo Vũ Thế Khôi: Triết lý giáo dục của lòng yêu
thương. - tạp chí Nghiên cứu Văn học,
số 12 - 2010, tr. 29 - 43; vanvn.Net
của Hội Nhà văn Việt Nam ngày 10 - 12 - 2010 và website của nhóm Cánh Buồm hiendai.edu.vn các ngày 5, 10, 15 - 12 -
2010 ; bản tóm tắt: Văn nghệ Trẻ, số
50 (736), ra ngày 12 - 12 - 2010; Giáo Dục
& Thời Đại Chủ nhật số 51 (19.12.2010) và Phongdiep.net
[11]
Thanh Lãng: Phê bình văn học , thế hệ 1932. – Trích dẫn theo Khúc Hà Linh: Phạm
Quỳnh trong dòng chảy văn hoá dân tộc. – NXB Thanh Niên 2012, tr.50 - 51.
[12] TS
Nguyễn Văn Khoan: Phạm Quỳnh, một góc nhìn. – NXB Công An Nhân Dân 2011, 178
[13] Vũ
Đình Hoè: Nguồn gốc của Hội Truyền bá Quốc ngữ. - Tạp chí Xưa & Nay, số 51,
tháng 5 - 1998.
[14]
Khúc Hà Linh: Phạm Quỳnh trong dòng chảy văn hoá dân tộc. – NXB Thanh Niên
2012, tr.99 - 100.
[15] TS
Nguyễn Văn Khoan, sđd tr.239 - 240.
[16] Sđd trên, các tr.453,54,59.
[17] Sđd trên, tr.58 - 59.
[18] Sđd
trên, tr.56.
[19] Sđd.trên, tr.60.
[20] Sđd
trên, tr.72-73
[21]
Theo nhà nghiên cứu Khúc Hà Linh, bức thư do bà quả phụ Marty gửi cho bà Phạm
Thị Ngoạn, con gái ông Phạm Quỳnh để sao y năm 1960. Xem: Khúc Hà Linh - Phạm
Quỳnh, con người và thời gian. – NXB Thanh Niên, 2010 tr.127 – 128;
[22]
Theo bài GS Nguyễn Đình Chú gửi nhạc sĩ Phạm Tuyên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét