TẢNG BĂNG NỔI
Huy Đức
Có nhiều người hỏi, khi viết về Đinh La Thăng
tôi có sợ không. Tôi trả lời: Sợ. Nhưng tôi có một nỗi sợ lớn hơn, đó là, tôi sợ
tương lai đất nước tôi rơi vào tay những kẻ tham lam và bịp bợm
Hôm qua, khi Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu phải tìm cho ra những "tảng băng chìm" tham nhũng, ông đang ngồi cạnh "tảng băng nổi khổng lồ" Đinh La Thăng. Nếu "không đủ chứng cứ" về những khoản "chênh lệch lãi suất" và phần "lại quả 1%" trong vụ PVN góp vốn vào Ocean Bank, chỉ tính 800 tỷ PVN chịu mất đứt cho "Thắm Đại Dương" đã có "hậu quả nghiêm trọng" đủ để truy cứu trách nhiệm Đinh La Thăng. Tất nhiên, ở PVN thời Đinh La Thăng còn nhiều "tảng băng" rất to, đủ sức làm đắm nhiều Titanic.
Hôm qua, khi Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu phải tìm cho ra những "tảng băng chìm" tham nhũng, ông đang ngồi cạnh "tảng băng nổi khổng lồ" Đinh La Thăng. Nếu "không đủ chứng cứ" về những khoản "chênh lệch lãi suất" và phần "lại quả 1%" trong vụ PVN góp vốn vào Ocean Bank, chỉ tính 800 tỷ PVN chịu mất đứt cho "Thắm Đại Dương" đã có "hậu quả nghiêm trọng" đủ để truy cứu trách nhiệm Đinh La Thăng. Tất nhiên, ở PVN thời Đinh La Thăng còn nhiều "tảng băng" rất to, đủ sức làm đắm nhiều Titanic.
Lại "Nội Lực"
Năm 2007, Trung Quốc gây áp lực buộc BP phải từ bỏ hai mỏ
khí Hải Thạch & Mộc Tinh nằm trong vùng biển Trường Sa của Việt Nam (cách bờ
370 km). PVN đã được giao tiếp quản lại hai mỏ khí này. Đây không chỉ là một cơ
hội kinh tế cho PVN mà còn có một vai trò to lớn về chủ quyền cho đất nước.
Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (POC) được thành lập.
Để mang được khí vào bờ, POC phải lắp đặt một đường ống dẫn khí. Trong số các phần việc quan trọng, có gói thầu cung cấp khoảng 22 km đường ống bọc hai lớp. Ngày 9-4-2010, khi đóng thầu, Chủ đầu tư (PTSC-MC là công ty được ủy quyền) nhận được hồ sơ chào thầu từ Marubeni (Nhật) và POTS (công ty Thương mại và Dịch vụ dầu khí Biển - thuộc PVN).
Chỉ có Marubeni đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.
Biết mình bị loại, ngày 25-5-2010, POTS gửi công văn lên Tập đoàn đề nghị tái xem xét.
Vì đây là gói thầu có yêu cầu công nghệ cao chứ không phải
thứ "cây nhà lá vườn", nhằm ngăn chặn sự can thiệp từ Đinh La Thăng,
ngày 7-6-2010, PTSC-MC đã phải báo cáo lên lãnh đạo Tập đoàn khẳng định,
"Marubeni là nhà thầu duy nhất đạt kỹ thuật".
Thế nhưng vào ngày 11-6, PTSC-MC vẫn bị buộc phải lập một tổ
thẩm định khác, đánh giá lại, rồi công nhận "cả hai nhà thầu đều đạt về kỹ
thuật".
Ngày 22-7-2010, Đinh La Thăng phê duyệt việc trao gói thầu
cho POTS vì lý do POTS đưa ra giá thấp hơn (40,8 triệu so với 49,8 triệu USD của
Marubeni).
Không phải tự nhiên, Đinh La Thăng gây sức ép loại "nhà
thầu duy nhất đạt kỹ thuật". Nhân danh "phát huy nội lực, ưu tiên sử
dụng dịch vụ trong ngành", khi chưa có quyết định giao thầu (5-2010) Đinh
La Thăng đã yêu cầu POC "giao dịch vụ bọc ống cho PVID" - một công ty
thuộc PVGas được "đẻ ra" dưới thời Đinh La Thăng. PVID sau đó được chỉ
định thầu phần bọc ống, "bóc" ra từ gói thầu của POTS.
Ngay từ khi dự thầu, nội lực mà POTS thể hiện chỉ là như vai
trò một anh "cò". Gói thầu được POTS chia đôi cho Canadoil tại Thái
Lan (phần chế tạo ống) và Bredo Shaw tại Malaysia (phần bọc ống). Nhưng do phải
nhường phần bọc ống cho PVID nên công việc chưa bắt đầu, POTS đã phải mất thời
gian đàm phán để loại Bredo Shaw ra khỏi cuộc chơi.
Canadoil cũng chỉ là một nhà thầu liều mạng. Nhận một gói thầu
trị giá hàng chục triệu đô là để làm ống mà vừa thiếu thép tấm, thiếu máy hàn,
thiếu cả nhân công có tay nghề... Vì sốt ruột, Chủ đầu tư (PTSC MC) đã nhiều lần
phải đưa nhân công sang Thái Lan hỗ trợ.
Thế nhưng thời hạn giao ống vẫn liên tục bị Canadoil trì
hoãn. Mặc dù được Đinh La Thăng đầu tư thêm 1,1 triệu để lắp đặt "dây chuyền
bọc ống", PVID vẫn không thể nào thực hiện đúng hợp đồng, buộc PTSC MC phải
mang gần một nửa ống mà Canadoil sản xuất đưa sang Malaysia nhờ bọc.
Không phải tự nhiên ngay từ đầu Chủ đầu tư đã khẳng định
"Marubeni là nhà thầu duy nhất đạt yêu cầu kỹ thuật". Đối với những
gói thầu đòi hỏi công nghệ cao thì giá chưa phải là yếu tố quyết định.
Chủ trương "nhà làm được" của Đinh La Thăng khi chọn
POTS để "tiết kiệm 9 triệu USD" chênh lệch giá với Marubeni, kết cục
đã làm phát sinh giá thành của gói thầu này thêm 11 triệu, cao hơn giá bỏ thầu
của Marubeni 1 triệu USD (PVN phải bỏ thêm 1,1 triệu đầu tư dây chuyền bọc ống
cho PVID và các nhà thầu phụ đòi phát sinh thêm 5,44 triệu USD - riêng Canadoil
đòi phát sinh 3,6 triệu USD, cùng với chi phí PTSC-MC đưa nhân công sang Thái).
Con số phát sinh không dừng lại ở mức gần 11 triệu USD. Sự
can thiệp của Đinh La Thăng, buộc POTS phải chọn những nhà thầu kém năng lực,
thiếu uy tín, đã làm cho việc giao ống bị chậm 10 tháng; ngày giao khí đầu tiên
lẽ ra phải là 31-12-2012 đã bị chậm mất gần 6 tháng (tới 28-6-2013). Sự chậm trễ
này đã buộc POC phải phá vỡ hợp đồng với các nhà thầu khác, khiến cho chi phí
phát sinh thêm những khoản rất lớn.
Tàu Seamac được thuê để rải ống vào năm 2012 bị chuyển sang
2013 khiến cho POC phải bồi thường 25,7 triệu USD. Các phương tiện lắp ống phải
chờ ngoài biển trong giai đoạn rủi ro thời tiết buộc POC phải bồi thường 8 triệu.
Phát sinh chi phí quản lý và thuê kho chứa khí thêm gần 5 triệu USD; Mất doanh
thu do chậm đưa khí vào bờ gần 6 tháng (28-6-2013 thay vì 31-12-2012) lên đến gần
38 triệu USD (270 nghìn USD/ngày).
PTSC-MC không thể buộc POTS hay Canadoil bồi thường vì ngay
từ đầu hợp đồng đã bị vỡ do Đinh La Thăng đưa PVID chen ngang vào. Chỉ vì nhân
danh "phát huy nội lực" cho vài công ty con mà Đinh La Thăng đã làm tổn
thất gần 90 triệu USD cho Dự án Biển Đông I.
Venezuela & 2 tỷ USD
Chưa tới một năm sau khi PDV- 39 "chọc mũi khoan đầu
tiên", tháng 4-2013, PVN đã phải đầu hàng trước Venezuela, bỏ lại nơi đây
dự án Junin-2.
Trở lại hơn 6 năm trước đó, ít ai biết vai trò kiến tạo mối
quan hệ khăng khít giữa Việt Nam với Venezuela không phải nhờ vào thành tích của
ngành ngoại giao mà phần lớn nhờ vào Đinh La Thăng.
Đánh đúng "khẩu vị" của không ít nhà lãnh đạo
khoái một Hugo Chavez vừa chống Mỹ vừa thân với "người bạn gác" thành
trì xã hội chủ nghĩa ở bên kia bán cầu. Đinh La Thăng đã tạo ra "một mốc
son trong mối quan hệ quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và
Venezuela" sau chuyến thăm Việt Nam của Hugo Chavez vào năm 2006 bằng cách
bằng mọi giá liên doanh với một đơn vị của Công ty Dầu quốc gia Venezuela,
"Khai thác và Nâng cấp dầu nặng ở lô Junin-2".
Để thuyết phục Chính phủ cho phép PVN bỏ 1,8 tỷ USD sang
Venezuela, Đinh La Thăng đã đưa ra đánh giá: "Junin-2 là mỏ có trữ lượng dầu
lớn nhất trong vành đai dầu mỏ khí đốt Oricono - vành đai có trữ lượng lớn thứ
nhì thế giới. Việc khai thác dầu tại lô Junin-2 sẽ góp phần đảm bảo an ninh
năng lượng cho Việt Nam ít nhất trong 25 năm nữa".
Chiều ngày 19-4-2012, tại Venezuela, khi khởi động giàn
khoan PDV-39, PVN còn cứng cỏi tuyên bố: "Sang năm, Junin 2 sẽ cho sản lượng
khoảng 200.000 thùng/ngày". Nhưng, vừa đúng "sang năm", khi Đinh
La Thăng đang lo "trảm tướng" bên ngành giao thông, những người kế
nhiệm Thăng ở PVN tái mặt khi lượng dầu khai thác được, cả sản lượng và chất lượng,
không đạt giá trị thương mại. Họ đã có một quyết định dũng cảm là gần như
"bỏ chạy".
Trong hợp đồng mà Đinh La Thăng cho ký với Venezuela vào
ngày 29-6-2010 có một điều kiện rất "quái gở" là 6 tháng sau khi ký kết,
phía Việt Nam phải bắt đầu "bonus" cho Venezuela khoảng 1 USD trên một
thùng dầu (không phải thùng dầu khai thác được mà là thùng dầu trữ lượng theo dự
đoán). Ngay trong 2 năm đầu, bất kể có dầu hay không, phía Việt Nam vẫn phải nộp
đủ cho Venezuela 584 triệu USD bằng tiền mặt.
Trước ngày 12-5-2011, trong khi Liên doanh chưa hoàn thành
thủ tục đăng ký với cơ quan chức năng Venezuela, 300 triệu USD tiền mặt đã được
"bonus" cho đối tác; Đúng một năm sau, 142 triệu USD khác cũng đã được
thanh toán(12-5-2-12)[tổng cộng 442 triệu USD chưa kể hàng trăm triệu đã đầu tư
vào công tác thăm dò, khai thác].
Tháng 4-2013, PVN (đại diện trực tiếp là PVEP) đứng trước lựa
chọn khó khăn khi tới hạn nộp tiếp 142 triệu USD tiền mặt trong khi lượng dầu ở
mỏ Junin-2 hoàn toàn "không như dự đoán".
Hợp đồng mà Đinh La Thăng ký không chừa cho Việt Nam cửa
lùi. Cho dù không kiếm được thùng dầu nào đáng giá, 15 ngày sau thời hạn
"bonus", nếu không nộp đủ tiền, toàn bộ cổ phần của PVN trong liên
doanh sẽ tự động chuyển cho đối tác Venezuela. Việt Nam cũng sẽ không được quyền
thanh toán hoặc đền bù bất cứ đồng nào từ các khoản đã đóng góp, vay vốn hay đầu
tư ở Junin-2.
Những người gánh di sản của Đinh la Thăng đã phải cứu 3000 tỷ
(142 tiền bonus đóng lần thứ 3), thay vì ném tiếp sang Caracas để nó chết chìm
cùng các khoản đã đầu tư vào Junin-2.
Cùng với các tổn thất ở những dự án "hợp tác quốc tế"
khác như Peru-67; SK-305; SK-304, PVN đã ném xuống đại dương không dưới 2,1 tỷ
USD.
Tất nhiên, trách nhiệm không chỉ một mình Đinh La Thăng.
Nhưng nếu không xử lý ông Thăng thì bao nhiêu tuyên bố về chống tham nhũng cũng
trở nên sáo rỗng.
PS: Có nhiều người hỏi, khi viết về Đinh La Thăng tôi có sợ
không. Tôi trả lời: Sợ. Nhưng tôi có một nỗi sợ lớn hơn, đó là, tôi sợ tương
lai đất nước tôi rơi vào tay những kẻ tham lam và bịp bợm.
Huy Đức (27/9/2016)
-------------------------------------------------------
Theo facebook Trương Huy San TẠI ĐÂY
Ý kiến của NNH: Dù thế nào cũng phải công nhận Huy Đức dung cảm thật, bởi dám đứng ra công khai tấn công ĐLT. Nói "dám đứng ra công khai", bởi xem nội dung bài viết đủ thấy Huy Đức chỉ là người "đứng ra công khai" làm việc này thôi, chứ đắng sau phải có ai đó "to lắm" cung cấp những tài lieu "chi tiết từng milimet" tố cáo ĐLT. Huy Đức tự mình làm sao có được các tài liệu này? Nhưng dám đứng ra cồng khai thế này kể cũng dũng cảm lắm rồi! Tôi chỉ bình luận về cái "sự dung cảm" của Huy Đức, chứ không có cơ sở gì để nói Huy Đức đúng hay sai trong việc làm này.
Trả lờiXóa