Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

HỒI KÝ CỦA 1 CỰU HS LỚP 1( Phần 3 )

                                                                                                 Nguyễn Ngọc Hùng
                                                                                                     ( Cựu HS Lớp 1)

Khu học xá Nam Ninh dành cho học sinh Việt Nam đã hình thành từ năm 1951. Sau đó, trở thành khu trường riêng cho học sinh miền Nam tập kết. Nhóm học sinh Quế Lâm đến Khu học xá đầu năm 1958 được nhập vào “Trường 1” của khu này. Khu Học Xá khi ấy có 4 trường riêng biệt, dủ cả 3 cấp phổ thông, trong đó trường 4 là nữ sinh. Nơi đây có những “đặc điểm riêng” của một trường HSMN thời ấy, nghĩa là thường xảy ra đánh nhau, thậm chí đổ máu vì dùng vũ khí thô sơ. Chúng tôi mới đến đã chứng kiến một vụ đâm nhau gần chết do một nhân vật tên “Sĩ” nào đó gây ra.
Ngay ngày đầu của chuyến đi- 15.8, chúng tôi đã đến thăm lại Khu Học Xá. Chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa” và không có gặp gỡ, giao lưu gì, nên thời gian rất ngắn. Chúng tôi cũng kịp nhận ra khu Đại lễ đường vẫn còn kiểu dáng năm xưa, với hồ sen đang mùa hoa nở đỏ.


Tôi còn nhớ Khu Học Xá trước kia có hai tòa nhà 6 tầng đối diện đôi bên con đường vào với một bồn hoa khá rộng lớn, có dựng tấm hình chân dung Mao Chủ tịch. Tôi không nhớ nhiều về thời gian này ngoài việc được học hát thày Phạm Tuyên, với nhiều bài ca do chính thày sáng tác. Những bài ca tuổi thiếu niên vẫn tồn tại đến bây giờ, như Tiến lên đoàn viên, Chiếc đèn ông sao… là sản phẩm của thày Phạm Tuyên tại khu học xá. Thày Phạm tuyên dạy chúng tôi một số bài hát TQ mà đến bây giờ tôi vẫn nhớ trọn cả gaii điệu và lời ca. Như: Đây bao núi non hùng tráng, suối khe ngăn bước đường xa vời… Sol sol lá sol mì mí, rê đô đô rế là sol la sol… (Nhị lang sơn). Hoặc: Kia ánh sáng vừng dương đã vừa ló, như công ơn bác Mao toả sáng trên đồi nương… Sol đố đố mì sol la mì sol, la la la đố sol mì sol mì rê đồ mí…. (Tiếng ca mục đồng)…
Không thể quên một bài hát có lễ là sản phẩm cuối cùng của thày Phạm Tuyên ở Khu học xá là bài hát vào dịp Tết 1957- 1958- cái Tết cuối cùng của chúng tôi tại TQ, cũng là cái Tết cuối cùng trước khi Khu học xá của học sinh Việt Nam kết thúc vai trò của nó vào tháng 7.1958. Tôi không nhớ nhan đề bài hát ấy, nhưng vẫn có thể hát lại cả bài với 2 lời đầy đủ. Mở đầu là: Xuân đã về mang bao cánh hoa, xuân đã về mang bao lời ca, Ta vui họp đoàn cùng mừng xuân đến, Ta vui hát lên khúc ca chào xuân về… Kết thúc lới 1 là: Ngày về tổ quốc nhớ mãi trong trí ta, Mùa xuân thắm tình quốc tế bao la. Và kết lời 2 là: Mời người bạn quý hãy đến thăm nước tôi, Tình quê chúng tôi chan chứa nơi nơi!
Một hoạt động không thể nào quên tại Khu Học Xá hồi ấy là “chiến dịch diệt tứ hại” do Mao Trạch Đông phát động. Đó là chiến dịch toàn dân, toàn quốc đồng loạt diệt ruồi, muỗi, chuột và chim sẻ. Ruồi, muỗi, chuột thì rõ rồi. Nhưng chim sẻ thì Mao cho là đã ăn hết một tỷ lệ lớn thóc gạo của TQ, nên phải tận diệt. Ngày mở chiến dịch diệt chim sẻ được tổ chức đồng loạt trong toàn khu vực Nam Ninh. Tất cả mọi người đều được huy động. Người ta đứng trên nóc nhà, trên sân thượng, trên ngọn cây, giữa cánh đồng, trên đường phố… Dùng đủ mọi thứ có thể tạo tiếng động và sua đuổi để không có chỗ cho chim sẻ nghỉ cánh bay. Suốt từ sáng sớm, người ở đâu mà nhiều thế. Nồi, chảo, bát sắt… được gõ liên hồi. Người phất cờ chiếm hết các điểm cao… Không gian náo động liên hồi. Từng đàn chim sẻ bay không thể nghỉ. Vài giờ sau, đã bắt đầu có nhiều chim sẻ bị kiệt sức, rơi xuống và bị đập chết. Đến gần trưa, người ta rải cơm có thuốc độc trên các mái nhà và những chỗ trống. Thế là từng đàn hàng ngàn con chim sẻ đói lả, mệt rã cánh xà xuống ăn và lăn ra chết. Xác chim sẻ phủ đen các mái ngói đỏ, ken dày những bãi đất trống. Người ta thu gom xác chim, rồi buộc thành từng chuỗi dài, treo dày đặc bên thành các xe tải, diễu trên đường phố cùng tiếng thanh la, tùng phèng mừng công inh ỏi. Có lẽ hàng tỉ con chim, không riêng gì chim sẻ đã chết trong chiến dịch hủy diệt môi trường ấy. Chúng không thể ăn bớt thóc của nông dân được nữa, nhưng cũng không còn chim để bắt sâu, khiến mùa màng càng thất bát nghiêm trọng hơn trong những năm sau đó. Thật là một “kỳ tích vĩ đại” đến lạ lùng của tư tưởng Mao Trạch Đông!

Những cuộc gặp gỡ nghĩa tình
ĐH SPQT xây dựng trên nền cũ của trường TNVN Quế Lâm
Không thể không nhắc tới những cuộc gặp gỡ cảm động giữa đoàn cựu học sinh chúng tôi với những “người mới trên những mảnh đất xưa”.

Tại Quế Lâm, chúng tôi đến thăm trưòng Đại học Sư phạm Quảng Tây. Nơi đây từng là “Trường 2 tháng 9” của học sinh Việt Nam thời chiến tranh chống Mỹ. Trong khuôn viên trường này có một khu đài lưu niệm của các cựu học sinh Việt Nam tại Quế Lâm thời chiến tranh. Có một tượng đài được xây dựng tạo dáng một quyển sách mở ra, dựng trên thảm cỏ. “Trang” bên trái là một “tờ giấy”, có một khối phù điêu hình một cái nón, một cái túi dết và một cái bi đông- tượng trưng cho hành trang nghèo nàn và đơn sơ của một học sinh Việt Nam khi mới đặt chân lên đất nước Trung Quốc. Bên dưới khối phù điêu ấy là dòng chữ bằng hai thứ tiếng Trung- Việt: “Tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Trung Việt muôn năm”.  “Trang” bên phải rỗng, gợi mở một khung cửa mà những học sinh Việt Nam thời ấy đã bước qua để vào đời. Một ý tưởng kiến trúc sinh động và xúc tích. Mặt sau của “trang bên trái” là một “Bia Kỷ Niệm”, có khắc những dòng chữ để nói về sự ra đời của những trường học sinh Việt Nam khác nhau tại Quế Lâm trong thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam. Tôi mải quay phim, chụp ảnh cho cả đoàn, nên không chăm chú vào một nội dung cụ thể nào của khu tưởng niệm này. Nhưng khi ghi hình “Bia Kỷ Niệm”, tôi chợt tấy có gì đó không ổn trong nội dung khắc trên bia. Ngày sau đó, tôi đưa vấn đề ra với mọi người trong đoàn, thì có một vài người hưởng ứng, không bằng lòng với nội dung ấy. Đó là đoạn: …
Ảnh trên: Cựu Thày trò Trường TNVN tiếp lãnh đạo ĐHQT ở HN. 
Ảnh dưới : Phù điêu kỷ niệm Trường ta do các bạn TQ xây dựng.
“Vào những thập niên 50, 60 của thế kỷ 20, cuộc chiến tranh xâm lược và chống xâm lược liên tục xảy ra trên đất nước Việt Nam. Nhiều trẻ em Việt nam lưu lạc không chốn nương thân, việc học tập gặp vô vàn khó khăn. Chính phủ và nhân dân Trung Quốc luôn giang cánh tay nghĩa tình, đã giúp đỡ Việt nam xây dựng “Trường Dục tài học hiệu Việt Nam quảng Tây” và “Trường Mùng 2 Tháng 9”…” Nội dung này sai căn bản ở nguyên nhân dẫn đến hình thành “Trường Dục Tài Học Hiệu Việt Nam”, mà phía ta gọi là “Trường Thiếu nhi Việt Nam”, vào năm 1953. Chúng tôi, những học sinh của trường này, khi ấy không phải là những đứa trẻ “lưu lạc không chốn nương thân” để TQ “giang cánh tay nghĩa tình” cứu vớt. Chúng tôi đều là con của các cán bộ cách mạng Việt Nam cỡ từ trung cao cấp trở lên, trong đó có một số con liệt sĩ đã hi sinh khi cuộc kháng chiến chống Pháp vẫn đang ác liệt (như trường hợp của tôi). Chúng tôi được Bác Hồ và Trung ương Đảng Lao động tập trung lại đưa sang Trung Quốc học tập với mục đích rõ ràng là đào tạo những cán bộ mới cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. TQ tiếp nhận chúng tôi trên tinh thần cách mạng và quốc tế cao cả, giúp sự nghiệp cách mạng của Việt Nam, chứ không phải chỉ là một việc làm “nghĩa hiệp nhân đạo” đơn thuần. Thật đáng tiếc cho nội dung của bia kỷ niệm này. Những thế hệ trẻ đến đây làm sao hiểu nổi sự thật đã bị làm sai lạc như thế?!
 Sự việc nói trên là một “vết gợn” không nhỏ, sau này đã được phía Bạn tiếp thu ý kiến của chúng ta cho sửa cữa lại . Nhưng ngay lúc đó chúng tôi đã ý thức được và không lầm lẫn giữa tình cảm hẫu hảo của nhân dân Trung Quốc đối với nhân dân Việt Nam, đâu là não trạng không bình thường của những nhà lãnh đạo đương thời đang theo đuổi chủ nghĩa bành trường đại Hán ! Và có lẽ chính các vị đại diện của Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây cũng suy nghĩ như thế cho nên cả chủ và khách đều tỏ thái độ chân tình, cởi mở . Đoàn chúng tôi đã tặng trường này một tấm ảnh kỷ niệm trong buổi tiếp đơn sơ và ấm áp mà các vị đại diện của trường dành cho chúng tôi. Ở hành lang khu văn phòng của trường, có một “góc” dành cho những hình ảnh lưu niệm của các cựu học sinh Việt Nam thời chiến tranh. Một số người trong đoàn chúng tôi đã nhận ra mình trong những tấm hình “quàng khăn đỏ” cách nay hơn nửa thế kỷ.
Bạn Nữ Hiếu và Ngọc Trâm sang thăm Trường 
được chị Niệm tổ chức cho gặp cô Hứa Đồng Mai
Khách hát tiếng Việt, chủ hát tiếng Trung, hòa vào nhau như một bản hòa tấu của tình cảm giữa những người thân. Chúng tôi cũng tặng trường một tấm ảnh kỷ niệm. Đại diện trường đã chiêu đãi chúng tôi một bữa tiệc thịnh soạn tại một nhà hàng “xịn” của Quế Lâm.
Trước đó, chúng tôi còn tổ chức một bữa tối thân mật mời một số cựu giáo viên của trường tới dự. Đáng tiếc là, vì tuổi cao, sức yếu và hoàn cảnh cá nhân, chỉ có 1 cô và 2 thày đến được. Họ thảy đều đã trên bảy mươi tuổi. Có người trên tám mươi. Gặp nhau tay bắt mặt mừng. Những tấm hình lưu niệm chụp chung. Những mái đầu muối tiêu của “trò cũ” bên mái tóc bạc phơ của “cô xưa”, thật là cảm động! Trong bữa cơm thân tình, chúng tôi cùng hát lại những ca khúc Trung Quốc ngày nào. Chắc chắn những lời ca, điệu hát ấy gợi lại nhiều cảm xúc đối với những bậc cao niên Trung Quốc hôm nay, bởi có khi chính họ cũng đã rất lâu không được nghe những giai điệu của một thời xa xôi ấy.

Ở Lư Sơn, do không có liên hệ trước, nên những người đương nhiệm của Lư Sơn Đại Lầu và Nhà Lưu niệm Đảng CS TQ bất ngờ khi đoàn chúng tôi xin gặp và trao tặng phẩm lưu niệm. Nhưng khi nghe chuyện của đoàn chúng tôi, họ đều ngạc nhiên thú vị và ngưỡng mộ. Chúng tôi đều được mời ký tên vào sổ vàng của  Nhà Lưu niệm và chụp hình chung với ban lãnh đạo hiện thời. Đặc biệt, giám đốc KS Lư Sơn Đại Lầu tỏ lời xin lỗi vì không biết trước danh phận của đoàn để có những ưu đãi riêng. Tuy vậy, ông này cũng đã tặng đoàn chúng tôi vài món ăn “đặc biệt” của Lư Sơn trong một bữa ăn tối. Khi đoàn rời KS, ban giám đốc cùng nhiều nhân viên văn phòng đã tiễn chúng tôi trước khi lên ô tô. Họ thật sự xúc động khi thấy những “cựu học sinh Việt Nam” đáng tuổi cha mẹ của họ cùng hướng lên Lư Sơn Đại Lầu, tay vẫy, miệng đồng thanh “tạm biệt Lư Sơn, tạm biệt Lư Sơn”. Hình ảnh và những âm thanh ấy dường như đọng mãi, vang mãi ở khúc kết của băng hình mà tôi ghi lại cho toàn chuyến đi đáng nhớ này.
Minh Phụng (vợ góa bạn Hoàng Kim Chung K5) 
tháp tùng  BS Đặng khi bà vào thăm Sài Gòn.
Có một mối tình mẹ- con thật lạ. Chị Minh Phụng- học cùng khối lớp với tôi trước đây (mà tôi hoàn toàn không nhớ), nay được trao trọng trách “đoàn trưởng” của chúng tôi, có một bà mẹ nuôi tại Quế Lâm. Mối tình mẹ- con này có từ hơn 50 năm trước đây, mà tôi đâu biết. Khi Phụng mời tôi cùng mấy chị bạn đi gặp “mẹ nuôi”, tôi mới tận mắt thấy mối tình kỳ lạ ấy. Mẹ nuôi của Phụng nguyên là y tá của trường Quế Lâm. Hơn 50 năm không gặp nhau, nhưng họ vẫn thường thư từ qua lại. Bà mẹ không biết tiếng Việt. Cô con nuôi không biết tiếng TQ. Vậy mà họ vẫn “mẹ con” từng ấy năm được thì đúng là lạ lùng! Nhờ chị Niệm bố trí trước, mẹ con họ gặp nhau cứ như mẹ con thật. Phụng gọi “mẹ” từ xa, khi mới nhận ra bà già TQ. Họ ôm nhau nước mắt lưng tròng, mừng mừng tủi tủi, chẳng khác gì mẹ con ruột lạc nhau hơn nửa thế kỷ mới găp lại! Phụng hơn sáu mươi tuổi rồi mà cũng phụng phịu làm nũng như bé gái lên mười. Bà mẹ ôm đầu con gái, vuốt ve, nựng má như với đứa con nít chưa rời bầu sữa. Phụng quả là một trường hợp hạnh phúc rất cá biệt, vì có mẹ trong những năm tháng ấy; trong khi chúng tôi, tất cả đều như những đứa bé được nuôi dạy ở một trại trẻ mồ côi đặc biệt- Trường Thiếu nhi Việt Nam tại Quế Lâm./. ( Hết )
-----------------------------------------------------
Tp Hồ Chí Minh, ngày 06.9.2008.
NGUYỄN NGỌC HÙNG

Điện thoại di động: 0903779328
Đia chỉ E.mail: hung51946@yahoo.com

8 nhận xét:

  1. Đại học Quảng Tây tiếp quản toàn bộ diện tích Khu học xá trung ương từ 6-1958. Hiện nay khu Trường này nằm trên đại lộ Tây Hương Đường thành phố Nam Ninh.
    Những công trình còn lại cho đến ngày hôm nay là Đại lễ đường theo hình mẫu thời kỳ 1950 của Liên Xô ,bể bơi . Có hai toà nhà 3 tầng chứ không phải là 6 tầng, đó là Nhà thí nghiệm , và Thư viện , nhà học nhạc .Cả hai toà nhà nhày hiện vẫn tồn tại.
    Năm 2010 tôi có đến thăm lại Khu học xá.nhận ra 4 chiếc cột được xây bằng bê tông ,được xây theo kiến trúc Liên Xô.Còn lại một số nhà ngủ hai tầng của học sinh cấp một chúng tôi tù Quế Lâm chuyển xuống. Kc

    Trả lờiXóa
  2. Em nghĩ, nhiều đoàn HS cũ sang được đón tiếp nồng hậu thắm tình, nhiều người tham gia đoàn cảm động. Phải chăng nhân dân ở nơi nào trên trái đất cũng đều tốt. Chỉ có người LĐ là lắm âm mưu. Không biết em có mất cảnh giác?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chúng mình tin và hy vọng là niềm tin của chúng mình không bị phản bội !

      Xóa
  3. Năm 2003 Đại học sư phạm Quảng Tây xây dựng bia kỷ niệm Tình hữu nghị Trung -Việt,nhân 50 năm thành lập Trường dục tài (Trường thiếu nhi Việt Nam).Nôi dung văn bia phần tiếng Việt đúng như tác giả bài viết đã nêu. Khi các Đoàn lãnh đạo Đại học sư phạm Quảng Tây sang Việt Nam,nhiều người trong chúng ta đã có ý kiến với Bạn về vấn đề này..
    ,. Tháng 5-2010 tôi sang Quế Lâm,lúc đó Đại học sư phạm Quảng Tây mới khánh thành "Nhà kỷ niệm các Trường Việt Nam ".Nôi dung văn bia như đã được nêu trong bài viết này đã được bỏ đi. Thầy giáo hiệu phó Thái Xương Trác ,có nói với tôi :" Đại học sư phạm sẽ cùng các cựu học sinh Việt Nam từng học tập tại Quế Lâm bàn bạc soạn thảo nội dung văn bia mới".
    Tôi đã ,cám ơn thầy Thái XươngTrác về cách giải quyết tích cực của lãnh đạo Đại học sư phạm Quảng Tây .
    Tôi cũng thông báo ngay cho anh Quang Trung .Thông tin này đã được đưa lên blog luson.quelam vào đầu tháng 6-2010 .KC

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chúng ta phải ghi nhận sự chân thành cầu thị trước ý kiến có phần hơi" gay gắt" của chúng ta dạo đó.Đã có ý kiến cho rằng bạn sẽ không sửa, nhưng cuối cùng bạn đã sửa một cách nghiêm túc. Cảm ơn họat động tích cực của Kháng Chiến trong vụ việc này. Nhưng cũng thật đáng trách trước đó nhiền quan chức của ta sang thăm Trường, đứng chụp ảnh ngay cạnh bia kỷ niệm mà không thấy ai phát hiện ra sự sai sót (không cố tình ) này của phái Bạn. Thật đáng tiếc ! (Mõ Calathau)

      Xóa
  4. Cac "Quan" , thoi nao cung the ,ho ban viec lon ít khi quan Tam den bức sức cua Anh, chi , em dan den.

    Trả lờiXóa
  5. Kỷ niêm 60 năm thành lập Trường chúng ta được đọc ký ức về Trường,về lư Sơn,Quế Lâm viết 2008 của cưu học sinh lớp 1,Nguyễn Ngọc Hùng. Bài viết này được nhiều anh,chị ,em tham gia nhận xét. Là người nhiều lần về Quế Lâm xin có thêm vài ý kiến bổ xung vì biết rằng co nhiều người chưa có điều kiện trở lại thăm Trường xưa.
    Tại sân vân động ngày xưa nhiện nay một toà nhà lớn của Trường sư phạm chuyên khoa Quế Lâm ((chứ không phải Đại học sư phạm Quang Tây) .Trong toà nhà này có các giảng đường,hội trường,thư viện được xây xong 2008 .Bức ảnh thuyết minh bên toà nhà này , chụp Đoàn các cựu giáo viên, học sinh Trường ta dự khánh thành Nhà kỷ niệm các Trường Việt Nam ,anh chụp 5-2010 (tôi nhận ra bạn Hồ Sỹ Tá).
    Bức ảnh chị Nữ Hiếu,Thanh Mai chụp với Cô giáo Trung Văn Hứa Đồng Mai (vợ Lưu sứ trưởng),người phụ nử Trung Quốc trong ảnh là chị Lư Mỹ Niệm ,một người gắn bó với Trường ta từ 1955 (em anh Lư Minh phiên dịch , anh đón chị từ Hà Giang sang Quế Lâm) .Chị Lư Mỹ Niệm rất thạo tiếng Việt,nhân là Đai diện của các Trường Việt Nam tại Quế Lâm.Chị luôn sẵn sàng giúp đỡ các cựu học sinh Việt nam khi trở về Quế Lâm.
    Trường đại học sư phạm Quảng Tây nhận trách nhiệm Trường cũ của tất cả các thế hệ học sinh Việt Nam từng học tại Quế Lâm. Nếu có ai trong anh,chị em chúng ta về Quế Lâm,Trường sẽ đón tiếp,tạo diều khiện rất tốt cho chuyến trở về thăm Trường cũ.
    Năm nay anh,chị em trong Nam dự định tổ chức một chuyến trở về Lư Sơn,Quế Lâm với số người đăng ký là 16. Ban liên lạc đã liên hệ với Công ty du lich đường sắt Hà Nội ( đã có 3 Đoàn QL Miền nam qua công ty này trở về Lư Sơn,Quế Lâm vào 2001, 2003, 2008.Mọi người đều hài lòng)) .Nếu cac anh chị ngoài đó tham gia thêm thì vui lắm. KC

    Trả lờiXóa
  6. Cảm ơn bạn Kháng Chiến đã làm rõ bức ảnh có cô Hứa Đồng Mai. Còn hai người VN là Nữ Hiếu và Ngọc Trâm (chứ không phải Thanh Mai). Năm đó chúng tôi có một nhóm về Trường cũ ở Quế Lâm.

    Trả lờiXóa