RFA, Bangkok
2015-02-25
Việt Nam đang nỗ lực trên bàn đàm phán gia nhập TPP nhưng vẫn chưa giải quyết nổi trở ngại nhân quyền mà phía Hoa kỳ đòi hỏi tuy rất ủng hộ Hà Nội. Trở ngại này do đâu và cách giải quyết nó phải thế nào để cơ hội gia nhập TPP không bị bỏ lỡ?
Mặc Lâm phỏng vấn GS Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã Hội Việt Nam để biết thêm quan điểm của một trí thức có quan tâm rất nhiều tới hiện tình đất nước.
Mặc Lâm : Thưa Giáo sư, Việt Nam đang được lãnh đạo bởi một hệ thống chính trị được xem là toàn trị và thiếu hẳn tự do dân chủ nhân quyền. Từ thể chế Xã hội chủ nghĩa đã bị sụp đổ tại nơi sinh ra nó là Liên xô nhưng cho tới nay thể chế ấy vẫn không có bất cứ một thay đổi nào khả dĩ làm cho dân chúng hy vọng một tương lai khá hơn cho đất nước cũng như cho người dân. Theo ông quá trình thay đổi này còn phải bao lâu nữa và điều kiện cần có là gì?
GS Tương Lai : Bất cứ một quá trình lịch sử nào cũng phải đi theo những bước đường khúc khuỷu của nó. Để một hệ thống Liên xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ thì người ta phải đi nhiều bước. Không ai nghĩ là từ ông Gorbachyov là một bước đột phá để nó phá vỡ cái bức tường đó đi.
Cái bức tường do chính chúng ta xây nên bằng sự tự nguyện của chúng ta và rồi chúng ta lại bị giam cầm vào trong bức tường đó. Bây giờ đây phải có một bước phá vỡ cái bức tường đó đi. Một lổ thủng, một đổi thay trên bức tường đó nhằm để thoát ra khỏi quỹ đạo của Trung Quốc cái đã. Thoát ra khỏi sự khống chế của nó rồi sau đó từng bước Việt Nam sẽ còn phải trả giá rất nhiều trên con đường đi tới dân chủ. Đó là cái xu thế không thể cản được.
Mặc Lâm : Trong hoàn cảnh toàn cầu hóa hiện nay, biến cố chính trị ở nước này có thể ảnh hưởng dây chuyền tới nước khác, Theo Giáo sư thì tác động của bên ngoài vào lúc này liệu có thêm sức mạnh cho lực lượng muốn thay đổi thể chế bên trong hay không?
GS Tương Lai : Kinh nghiệm cho thấy ở những nước xã hội chủ nghĩa không một thế lực bên ngoài nào tác động vào mà có thể gây cho nó sụp đổ đâu. Nó chỉ bằng chính những người cộng sản, chính những người trong hệ thống xã hội chủ nghĩa đó đứng dậy và đập vỡ nó mà thôi.
Kinh nghiệm Liên xô, kinh nghiệm các nước Đông Âu đều như thế và bây giờ ở Cu Ba cũng đang như thế.
Chúng tôi nghĩ hiện nay quá trình tiến tới cải cách thể chế dân chủ phải là quá trình vận động trong nội tại của cái thể chế này. Cho đến hiện nay không có một lực lượng chính trị nào đủ để thay thế đảng cộng sản, mặc dù đảng cộng sản hiện nay nó đang tha hóa một cách kinh khủng và nó mất niềm tin trong dân rồi. Điều này không phải tôi nói mà chính những người trong lãnh đạo đảng nói ra, nghị quyết trung ương nói ra. Vậy thì bây giờ phải là cuộc vận động bên trong nó, bên trong đảng, bên trong những người cầm quyền để tìm xu hướng nào nó có khả năng mở ra một con đường tồn tại và đây chính trong thời điểm lịch sử này là thời cơ.
Mặc Lâm : Việt Nam hiện đang nỗ lực trong đàm phán TPP nhưng có rất nhiều rào cản tự thân cần phải vượt qua nếu muốn đối tác chính là Hoa Kỳ thông qua. Theo giáo sư TPP có giúp gì trong việc chuyển đổi cơ chế mà Việt Nam tuy hô hào nhưng rất rụt rè thực hiện hay không?
GS Tương Lai : Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Obama và chính phủ Hoa kỳ đã tạo những điều kiện để Việt Nam gia nhập TPP. Trong cái luật chơi mới ấy, trên cái hạ tầng kinh tế ấy thì lúc bấy giờ những vấn đề đổi thay chính trị tương thích với cơ sở hạ tầng đó nó mới diễn ra. Muốn hay không muốn để thoát khỏi bóng đen Trung Quốc, thoát khỏi cái quỹ đạo Trung Quốc vì gia nhập TPP sẽ là bước đi hết sức quan trọng.
Chính vì vậy mà Trung Quốc tìm mọi cách để hạn chế Việt Nam gia nhập TPP giống như trước đây lực lượng bảo thủ giáo điều với sự hỗ trợ của Trung Quốc đã tìm mọi cách ngăn cản Việt Nam ký Hiệp ước Thương mại Việt Mỹ, rồi tiếp đó là vào WTO. Hiệp định Thương mại Việt Mỹ đến phút cuối cùng đã bị phá vỡ. WTO cũng thế, để Trung Quốc vào trước cho tới khi Trung Quốc trở thành thành viên WTO rồi, do Việt Nam chậm chân, thì đối tác khó khăn nhất trong các đối tác phải thương lượng lại chính là ông bạn vàng Trung Quốc chứ không phải ai khác. Đó là một sự thật bỉ ổi và đã rõ ràng phơi giữa ban ngày. Đến bây giờ đối với TPP nó cũng như thế thôi.
Mặc Lâm : Nhân quyền được Hoa Kỳ đem vào bàn đàm phán TPP như một yếu tố không thể thiếu nhưng Việt Nam trong thời gian gần đây lại vi phạm trong rất nhiều vụ bắt giữ những blogger, sách nhiễu những người bất đồng chính kiến. Việc bắt giữ và sách nhiễu như vậy đang cho thấy điều gì thưa ông?
GS Tương Lai : Rõ ràng nhân quyền là một trong những đòi hỏi mà về phía Mỹ đã từng nêu lên với Việt Nam và điều đó theo tôi là hoàn toàn hợp lý vì ông Obama cũng phải theo tiêu chuẩn ấy. Đồng thời ông ấy cũng phải tranh thủ dư luận của công chúng Mỹ và đặc biệt là tìm sự ủng hộ của Thượng viện và Hạ viện Hoa kỳ.
TPP luôn luôn đặt ra nhân quyền như một trong những điều kiện để Việt Nam tham gia TPP để đòi hỏi Việt Nam thay đổi thái độ. Tôi cho không phải chỉ là vấn đề nhân quyền mà nó còn gắn liền với nhiều quyền khác. Tự do báo chí, tự do hội họp, tự do biểu tình…đó là một loạt những điều mà Việt Nam phải làm khi gia nhập TPP cho nên việc bắt bớ sẽ cản trở dư luận Mỹ, đặc biệt là cản trở sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ.
Về mặt logic mà nói những lực lượng nào không muốn cho Việt Nam gia nhập TPP đương nhiên họ phải tạo nên về mặt điều kiện, để phía Mỹ thấy rằng, đấy, Việt Nam chưa tuân thủ những điều này cho nên việc gia nhập TPP sẽ bị hạn chế.
Những người muốn cản Việt Nam vào TPP nhất định phải tranh thủ làm những việc này. Tôi không có đủ thông tin để quy kết rằng ai làm cái việc bắt bớ A..B…C….và đây có phải là bàn tay của Trung Quốc hay không vì tôi không có thông tin, không có bằng cớ, nhưng về mặt logic cái người không muốn Việt Nam gia nhập TPP trước hết là Trung Quốc. Vậy thì nếu có cơ hội những gì làm được để cản trờ Việt Nam gia nhập TPP thì người ta ngại ngùng gì mà không làm?
Mặc Lâm : Nếu lần này Việt Nam thất bại trong việc vào TPP thì đây sẽ là một kinh nghiệm đáng nhớ của Việt Nam theo ông thì kinh nghiệm này sẽ được trả giá như thế nào?
GS Tương Lai : Rõ ràng đây là một thời cơ lịch sử và bỏ lỡ thời cơ bây giờ cũng là bỏ lỡ đáng tiếc nhất của một chính sách, hay đối với một nhà cầm quyền, một thể chế chính trị. Sự bỏ lỡ thời cơ sẽ là sự bỏ lỡ bị lịch sử nguyền rủa. Anh sẽ đi vào lịch sử như những tội đồ nếu anh bỏ một thời cơ khiến đất nước có thể bứt lên, thoát khỏi cái vòng xiềng xích áp đặt của một lực lượng muốn kìm hãm đất nước này trong vòng tay của ngoại bang. Cụ thể hơn là trong vòng tay của 16 chữ và bốn tốt mà anh Trung Quốc đặt ra.
Làm mọi cách để cho Việt Nam vào TPP, trong đó có vấn đề thực thi nhân quyền là một việc cần phải làm không thể nào khác được.
Mặc Lâm : Xin cảm ơn Giáo sư.
Đây là những kiến giải rất đúng đắn,sáng suốt của GS..Trong hàng loạt hiệp định thương mại tự do giữa VN với các nước ĐNÁ, Châu Âu, liên minh thuế quan mà chúng ta đang thượng lượng gia nhập v.v thì TPP quan trọng nhất. Về thực chất đây là một thiết chế kinh tế do HK lãnh đạo, tập hợp những QG nằm ở phía đông và phía Nam TQ ,kéo dài từ TBD sang Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương,nhằm tạo ra một vành đai có khả năng ngăn chặn sự bành trướng của một đế quốc mới trong thế kỷ 21. Ai cũng biết lợi ích kinh tế khi đã đồng nhất với nhau ắt sẽ dẫn đến sự thỏa hiệp thậm chí kết nối về chính trị giữa các nước. Trong bối cảnh đó, thực ra HK rất cần sự tham gia của VN vào TPP do tầm quan trọng của vị trí địa chính trị của chính VN trong chuỗi giá trị toàn cầu mà HK luôn muốn làm chủ. Vì vậy tôi cho rằng sức ép về nhân quyền sẽ không quá mạnh để có thể thay đổi ngay tức khắc tình hình. Trước sau, HK sẽ phải nhượng bộ và VN sẽ trở thành thành viên đầy đủ của TPP. Còn TQ dĩ nhiên không muốn có TPP vì họ bị loại ra khỏi cuộc chơi. Để đối phó với nguy cơ đó, TQ đang ra sức quảng bá cho cái gọi là "con đường tơ lụa trên biển " đi qua TBD và con đường tơ lụa mới đi qua Trung Á.- những cửa ngõ thông ra thế giới của Nhà nước CS tự xưng ! Riêng đối với VN, họ càng không muốn chúng ta tham gia vào tổ chức TPP. Như Mao đã nói, TQ luôn không bao giờ thể muốn VN mạnh lên, nhưng cũng không làm cho quá yếu để có thể ngả vào vòng tay của nước khác..
Trả lờiXóaVì vậy họ phải phá ta bằng mọi cách, trước hết ngăn không cho ta vào TPP, cũng như ngăn chặn sự ra đời của cộng đồng Asean, dùng con bài ý thức hệ để VN luôn phụ thuộc vào TQ càng nhiều càng lâu càng tốt. Trong hoàn cảnh lịch sử đó, lãnh đạo VN chọn con đường nào để thoát hiểm? Chỉ duy nhất một lối ra :khôn khéo thoát Trung bằng cách tham gia TPP !
Tôi tin rằng cả HK và cả VN đều sẽ có những sự nhượng bộ nhất định để đạt mục tiêu chung xuất phát từ lợi ích QG,dân tộc. Nếu không,sẽ là một bi kịch ...
Cả bài trả lời phỏng vấn và lời bình đều rất rất đúng.
Trả lờiXóaTPP thực chất là để hạn chế TQ, hay nói thẳng ra là để đối trọng với TQ về kinh tế, và chống âm mưu bành trướng của TQ. Trong số các nước xin ra nhập TPP, VN là nước khác biệt nhất, khó nhằn nhất, vì thể chế, vì đường lối phát tiển kinh tế, và là nước lệ thuộc TQ nhiếu nhất, cũng là nước giống TQ nhất. Mỹ muốn VN vào TPP, lợi ích kinh tế là một phần, nhưng là để tách VN ra khỏi TQ là điều Mỹ mong muốn hơn, VN cũng muốn nhưng những ý kiến phản đối cũng không phải là ít kể cả trong lưỡng viện của Mỹ - là nước chủ trì TPP. Mong rằng sóng gió sẽ qua và VN không bỏ lỡ một cơ hội tốt.
Trả lờiXóa