Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2016

ÔNG OBAMA ĐẾN VIỆT NAM CHỈ LÀ ĐI CHƠI HAY LÀ CHUYẾN ĐI "LỊCH SỬ" ?

Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam: Không chỉ là chuyến đi ‘đáp lễ’

Thứ ba, 17/05/2016, 11:26 (GMT+7)
(Chính trị) - Tướng Lê Mã Lương cho rằng, chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống B. Obama sẽ là cơ hội lịch sử, nhất là cơ hội để hiện thực hóa việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương. Từ đó, Việt Nam có thể trang bị một số máy bay giám sát hàng hải để nâng cao khả năng kiểm soát, bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình.

    tong thong my tham viet nam khong chi la chuyen di dap le

    Hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống B.Obama tại Nhà Trắng hồi tháng 7/2015 (Ảnh: Reuters).

    Nhân sự kiện Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 23–25/5 tới đây, phóng viên Báo điện tử PetroTimes đã có cuộc phỏng vấn ghi nhận ý kiến phân tích của Anh hùng LLVTND – Thiếu tướng Lê Mã Lương (Nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam) về cơ hội và triển vọng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.
    PV: Chuyến thăm của ông Barack Obama diễn ra trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ, ông có cho rằng vai trò và tác động của vị nguyên thủ nước Mỹ sẽ không bằng thời điểm đầu hay giữa nhiệm kỳ?
    Thiếu tướng Lê Mã Lương: Đây là lần thứ 3 Việt Nam đón tiếp một vị Tổng thống còn đương nhiệm của nước Mỹ đến thăm chính thức. Trước đó, là các đời Tổng thống Bill Clinton và Gorge Bush. Chuyến thăm lần này hứa hẹn sẽ đem đến những cơ hội rất lớn để tiếp tục đưa quan hệ nhiều mặt giữa hai nước Việt – Mỹ lên một tầm cao mới.
    Ở các chuyến viếng thăm trước vào các năm 2000 và 2006, cả 2 vị cựu Tổng thống Mỹ đều đang ở giai đoạn nửa sau của nhiệm kỳ cuối. Nhưng ở mỗi thời điểm, bối cảnh khu vực và quốc tế có những biến động khác nhau. Và lần này cũng vậy, nhưng tôi cho rằng, vai trò của Tổng thống Obama vẫn rất lớn. Đặc biệt, tiếng nói và tầm ảnh hưởng của ông ấy là điều không thể phủ nhận.
    Nếu tới đây Mỹ có Tổng thống mới thì ít nhiều, họ cũng sẽ kế thừa chiến lược đối ngoại mà ông Obama đã thực hiện trước đó.
    Về tổng thể quan hệ giữa hai nước Việt – Mỹ, dù có những lúc thăng lúc trầm tùy vào từng thời điểm lịch sử. Và cho đến nay, cả hai nước đều đã có những bước đi rất tích cực, cụ thể để nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược.
    tong thong my tham viet nam khong chi la chuyen di dap le
    Anh hùng LLVTND, Thiếu tướng Lê Mã Lương: “Đây là chuyến thăm lịch sử, mở ra một cơ hội lịch sử cho Việt Nam”.
    PV: Ông đánh giá ra sao về tính thời điểm mà Tổng thống Obama thăm chính thức Việt Nam. Liệu rằng đây có đơn thuần chỉ là chuyến đi “đáp lễ” cuộc viếng thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 7/2015 hay không?
    Tướng Lê Mã Lương: Tôi không cho rằng chuyến thăm lần này của ông Obama chỉ là mang tính đáp lễ!
    Chúng ta đều biết chuyến thăm lịch sử của lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam đến Mỹ hồi năm 2015 là “chưa từng có tiền lệ”. Nhưng phía Mỹ đã chuẩn bị và đón tiếp đoàn đại biểu của Việt Nam do TBT Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu một cách rất trọng thị với nghi thức cấp cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia khi tới Wasington DC.
    Sự tin tưởng về chính trị cũng là một nhân tố rất quan trọng để hai nước Việt – Mỹ gác lại quá khứ để xích lại gần nhau hơn trong thế giới hội nhập là điều rất tích cực và chúng ta hoan nghênh điều này.
    Hơn nữa, trong bối cảnh quốc tế đang có những biến động phức tạp, khó lường. Đặc biệt là các thách thức an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông đang bị đe dọa bởi sự bành trướng của Trung Quốc, chuyến thăm lần này của Tổng thống Obama sẽ còn mang những thông điệp chính trị, ngoại giao sẽ được ông chủ Nhà Trắng đưa ra nhằm khẳng định chính sách hướng Đông và duy trì tự do hàng hải ở khu vực này.



    tong thong my tham viet nam khong chi la chuyen di dap le

    Vấn đề đảm bảo quyền tự do hàng hải được Mỹ thực thi bằng việc điều các chiến hạm áp sát khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi lấp trái phép trên Biển Đông (Ảnh: US.Navy).

    PV: Ở góc độ cá nhân, ông  nhìn nhận như thế nào về các cơ hội mà Việt Nam có thể hợp tác với Mỹ sau chuyến thăm lần này của ông chủ Nhà Trắng?
    Tướng Lê Mã Lương: Có 2 vấn đề tôi cho rằng, Việt Nam sẽ đối thoại với nhà lãnh đạo tối cao Mỹ để có thể đạt được.
    Thứ nhất, là về hợp tác Quốc phòng – An ninh.
    Dư luận gần đây vẫn còn nhiều đồn đoán về khả năng, Mỹ sẽ có thể dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Dù trong nội bộ chính quyền Mỹ cũng đang có những ý kiến trái chiều, nhưng tôi dự đoán rằng dù như thế nào thì phía Mỹ chí ít cũng sẽ đồng ý chuyển giao cho Việt Nam về công nghệ – kỹ thuật quốc phòng.
    Đặc biệt, trong lĩnh vực bảo vệ lãnh hải và không phận ở Biển Đông của Việt Nam trước sự chèn ép và bành trướng của Trung Quốc từ các thực thể nhân tạo mà nước này bồi lấp trái phép thời gian qua.
    “Nếu ta đàm phán thành công và được Mỹ đồng ý bán cho hai loại máy bay săn ngầm P3-C Orion và máy bay chiến đấu C130 thì rất tuyệt vời. Với tầm hoạt động rộng và tính năng ưu việt của hai thế hệ máy bay này sẽ góp phần cực kỳ đắc lực cho công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo cho Không quân, hải quân Việt Nam”.
    Đồng thời, mở ra cơ hội để Mỹ có thể hỗ trợ Việt Nam một số tàu Cảnh sát biển và đào tạo các kỹ chiến thuật cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam thực thi nhiệm vụ trên biển.
    Thứ hai, đây là bước tiến mang tính thúc đẩy để Việt Nam tiến sâu hơn nữa vào Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là TPP).
    Việt Nam mới gia nhập tổ chức này và hiện là nền kinh tế yếu nhất trong các nền kinh tế thành viên của TPP. Chúng ta nhận thức được điều này. Mỹ vẫn là thành viên có nền kinh tế mạnh nhất TPP.
    Tham gia “cuộc chơi” thì chúng ta phải học cách tiếp nhận và chấp hành “luật chơi”.
    Những năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Mỹ và Việt Nam đã đạt những con số rất ấn tượng. Vượt xa khi chưa có Hiệp định thương mại tự do Việt – Mỹ. Mỹ hoàn toàn có thể giúp đỡ Việt Nam ở một số lĩnh vực thế mạnh hàng đầu như Thương mại đầu tư, Giáo dục đào tạo, Khoa học công nghệ…
    PV: Về tổng thể, ông kỳ vọng như thế nào về kết quả tích cực của chuyến thăm lần này của Tổng thống Mỹ đến Việt Nam?
    Tướng Lê Mã Lương: Như đã phân tích ở trên, tôi cho rằng đây sẽ là một “chuyến thăm lịch sử, mở ra một cơ hội lịch sử” chưa từng có kể từ trước đến nay. Nhất là khi Việt Nam đã gia nhập TPP và vấn đề chủ quyền biển đảo cũng như tình hình Biển Đông lại “nóng” hơn bao giờ hết.
    Đây có thể sẽ là chuyến công du Việt Nam cuối cùng của Tổng thống Obama khi còn đương nhiệm, vì sau đó ông sẽ tới Nhật Bản để tham dự Hội nghị 7 nước có nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7).
    Bên cạnh đó, tôi cũng tin tưởng và kỳ vọng phía Mỹ sẽ có các phương án, kế hoạch hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo, nâng cấp trình độ cho bộ đội để tham gia sâu hơn nữa trong đội quân gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Thời gian qua, chúng ta mới chỉ cử 6 sĩ quan tham gia đội quân này với vai trò kỹ thuật. Qua chuyến thăm này, mở ra cho Việt Nam cơ hội để đánh giá và xây dựng cho mình một lực lượng xứng tầm cho hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ.
    Trên tinh thần hợp tác cùng phát triển và vì lợi ích của mỗi nước, Việt Nam và Mỹ sẽ cùng gác lại quá khứ để tiến tới kỷ nguyên của hợp tác hữu nghị. Tiếp tục vun đắp thêm những thành quả mà các nhà lãnh đạo tiền nhiệm đã gây dựng để đưa mối quan hệ Việt – Mỹ lên một tầm cao chiến lược mới. Thống nhất quan điểm tôn trọng thể chế chính trị, giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình, dựa trên cơ sở của luật pháp quốc tế.
    Tôi tin tưởng, chuyến thăm của Tổng thống B. Obama tới Việt Nam sẽ thành công tốt đẹp!
    Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!
    (Theo Năng Lượng Mới)
    ----------------------------

    .CHỈ LÀ CHUYẾN "ĐI CHƠI"

    Đôi lời: Sau khi ghé thăm Việt Nam, Tổng thống Obama sẽ đến Nhật và ông sẽ đi thăm thành phố Hiroshima. Đây là chuyến thăm lịch sử của một tổng thống Mỹ đương nhiệm, lần đầu tiên đặt chân tới thành phố này, nơi mà Mỹ đã thả trái bom nguyên tử xuống đó vào ngày 6/8/1945. Được biết, Tổng thống Obama tới thăm Hiroshima không phải để xin lỗi vì đã thả bom nguyên tử xuống thành phố này gần 71 năm trước.
    Vậy ông Obama tới Hiroshima để làm gì? Phải chăng ông Obama muốn nói với các nước trong khu vực, nhất là bá quyền Trung Quốc và Bắc Hàn, rằng sẽ không bao giờ có một thế giới phi hạt nhân, vì mỗi khi các nước dân chủ tìm cách giải trừ vũ khí hạt nhân thì các nước độc tài lại tìm cách gia tăng hiện đại hóa vũ khí hạt nhân. Tới thăm Hiroshima, phải chăng Tổng thống Mỹ muốn nói với Trung Quốc và Bắc Hàn rằng, nếu hung dữ quá thì coi chừng (Oba) Ma này sẽ cho biến các nước hung hăng đó thành (Hiroshi) Ma?
    FB Trương Nhân Tuấn
    12-5-2016
     
    Chuyến viếng thăm Việt Nam của TT Obama đã lên lịch trình, từ ngày 22 đến ngày 25 tháng 5 năm 2016. Mục đích chuyến đi Obama, BBC đăng tải hôm 10 tháng 5, là nhằm “thảo luận (với lãnh đạo VN) cách thức làm sao cho Quan hệ Đối tác Toàn diện Mỹ-Việt có thể thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực rộng lớn, trong đó có các chủ đề kinh tế, quan hệ giữa người dân hai bên, an ninh, nhân quyền và các chủ đề toàn cầu và khu vực.”
    Khác với các chuyến viếng thăm mang tính cách biểu tượng trước đây của hai vị tổng thống tiền nhiệm B. Cliton và G.W. Bush, đánh dấu những bước biến chuyển quan trọng trong quan hệ giữa hai nước. Chuyến đi của Obama kỳ này rõ ràng chỉ là chuyến “đi chơi”, không nói lên được cái gì cụ thể. Bởi vì nếu để nói chuyện về “thủ tục” nhằm “thúc đẩy sự hợp tác” giữa hai nước thì không cần đến tổng thống thân chinh. Những chuyện thương thảo như vậy là chuyện của các nhà ngoại giao tầm trung.
    Chuyện xem ra là trọng đại, hiệp ước TPP, về thực chất thì trái banh đang nằm trong chân của Hoa Kỳ, mà Obama không phải là người sẽ đá. Quyết định sẽ ở vị tổng thống sắp tới của Hoa Kỳ. Nếu là bà Hilary Clinton, quan điểm của bà là không “mặn mà” với nội dung hiện thời của hiệp ước. Còn nếu tổng thống là ông Trump, TPP chắc sẽ không có mặt của Hoa Kỳ.
    Chuyện trọng đại khác (đối với VN) là việc Mỹ cởi bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương. Theo tin tức báo chí đã loan tải thì việc này sẽ không xảy ra. Lý do (bề mặt) là tình trạng nhân quyền ở VN ngày một thêm tệ.
    Thực ra khách hàng “nghèo” như VN không phải là đối tượng của tài phiệt Mỹ. Vấn đề “chiến lược” mới là then chốt để Mỹ có thể “cho không” VN những thứ vũ khí sát thương cần thiết. Nhưng điều này thì hai bên vẫn còn trong tình trạng “xây dựng niềm tin”. Lập trường của VN, ngả về đâu vẫn không rõ rệt. Phe thân Tàu hơn lúc nào hết khuynh đảo VN, không chỉ về kinh tế, mà còn cả chính trị, quốc phòng… Thậm chí ngay trong nội bộ đảng CSVN. Bán (hay viện trợ) vũ khí sát thương cho VN, đối với Mỹ là điều không lường được trong tương lai.
    Còn vấn đề Biển Đông, chuyện sinh tử đối với VN, thì quốc phòng Mỹ đã làm tối đa những gì mà họ có thể làm.
    Lập trường của Mỹ, từ sau Thế chiến thứ II đến nay, là không ủng hộ nước nào có chủ quyền ở các quần đảo HS và TS. Quyền lợi của nước này ở Biển Đông là quyền tự do đi lại (hải hành và không lưu). Các việc tàu chiến của Mỹ đi vào vòng 12 hải lý các đảo nhân tạo, như vừa rồi ở bãi Chữ Thập, là tôn trọng nội dung Luật Biển 1982. Theo bộ Luật này, một đảo nhân tạo chỉ có “vùng an toàn” tối đa là 500 mét tính từ bờ.
    Điều đáng lẽ VN phải làm, bất cứ giá nào, cho dầu phải nhượng bộ Mỹ dưới bất kỳ hình thức nào, (ngay cả việc giải tán đảng CSVN hay đảng viên CSVN phải tự sát tập thể), là việc Mỹ nhìn nhận chủ quyền của VN tại HS và TS. Điều này xảy ra thì việc bảo vệ lãnh thổ của VN, cũng như vùng biển của mình, tại HS và TS sẽ dễ dàng hơn. Nhưng CSVN đã không làm bất kỳ điều gì trong chiều hướng này. Đảng CSVN đặt quyền lợi của đảng lớn hơn quyền lợi của đất nước và dân tộc, vì vậy nguy cơ mất trắng biển đảo của VN cho TQ là điều sẽ đến.
    Về các vấn đề “mở rộng dân chủ” mà VN đã nhiều lần hứa hẹn với Hoa Kỳ, như ở Bản Tuyên bố Sunnylands tháng hai vừa rồi. Khoản 4 Tuyên bố có nội dung:
    “4. Chúng tôi cam kết đảm bảo cơ hội cho tất cả người dân chúng ta, thông qua tăng cường dân chủ, quản trị tốt và tuân thủ các quy định của pháp luật, thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền và quyền tự do cơ bản, khuyến khích tinh thần khoan dung, ôn hòa, và bảo vệ môi trường;”
    Thực tế xảy ra vừa rồi cho các cá nhân ứng cử tự do đã nói lên việc “tăng cường dân chủ” mà lãnh đạo CSVN đã ký kết. Các cuộc “hiệp thương bầu cử” thực chất chỉ là các cuộc “đấu tố” man rợ của thời cách mạng vô sản sơ khai. Mục đích của nó là cho “dư luận viên”, một hình thức mới của cán bộ “agitprop – xách động và tuyên truyền” thập niên 50, 60… của thế kỷ trước, nhằm nhục mạ, phỉ báng đời tư cá nhân… để khủng hoảng tâm lý và xáo trộn đời sống của những người ứng cử tự do.
    Vấn đề pháp lý, điều mà Hoa Kỳ hy vọng VN thay đổi để phù hợp với thế giới văn minh. Điều này đã trở thành ảo tưởng.
    Bởi vì, CSVN đã vi phạm luật pháp, chà đạp luật pháp do chính họ đặt ra, ngay ở những điều cơ bản.
    Vừa rồi VN đã thay đổi nhân sự giữa dòng. Các ông chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội nhiệm kỳ trước đã bị “miễn nhiệm” bằng một thủ tục vi hiến. Đây là bằng chứng cụ thể cho cái “thiện chí” xây dựng “nhà nước pháp quyền” của CSVN.
    Đại diện nhà nước VN hiện nay, các ông bà Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn thị Kim Ngân đều không chính danh.
    Hoa Kỳ là một nước gương mẫu về dân chủ pháp trị. Tùy theo lễ nghi tiếp đón, có thể Obama lại “bảo kê” cho tính chính đáng cho những người mới được thụ phong này.
    Về nhân quyền, nhà nước CSVN bao giờ cũng hung bạo đối với những người lên tiếng tranh đấu cho dân chủ, về quyền con người. Điều này không hề thay đổi, từ thâp niên 90, thời các nhà hoạt động tiên phong Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình… cho đến các vị Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Ngọc Già… ngày hôm nay. Lãnh đạo CSVN luôn sử dụng “nhân quyền”, dùng con tin nhân quyền để trao đổi quyền lợi với Hoa Kỳ.
    Điều này tiếp tục xảy ra, Hoa Kỳ có thể bán cả giang sơn nước Mỹ cũng không đủ để trao đổi với CSVN. Họ thả một người, bắt hai người. Điều này chưa bao giờ thay đổi.
    Còn các vấn đề “khoan dung, ôn hòa, bảo vệ môi trường”, đã ghi trong bản Tuyên bố, thì những gì đã xảy ra ở VN hiện nay là bằng chứng cụ thể.
    Lãnh đạo CSVN vừa ký kết đó thì cũng vừa vi phạm đó.
    Tôi nghĩ rằng chuyến đi VN của Obama, là chuyến “đi chơi”. VN thực tế chỉ là trạm ngừng, một công hai chuyện, mà mục đích chính chuyến đi của Obama là tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ tổ chức tại Nhật vào cuối tháng 5.
    Nhưng đối với một tổng thống đã từng mệnh danh là “gà rót”, thì điều gì cũng có thể xảy ra.
    Diễn tiến việc tiếp đãi của VN đối với Obama, tại Sài Gòn trước hay ở Hà Nội trước, sẽ cho ta biết thái độ của nhà nước Hoa Kỳ đối với tập đoàn lãnh đạo mới của VN.
    ( ST trên mạng)

    5 nhận xét:

    1. Nguyễn Ngọc Hùng17:38 21/5/16

      Phát biểu của tướng Lê Mã Lương trên tờ báo "Năng lượng mới" không có gì đáng bàn. "Năng lượng mới" vốn nổi tiếng là tờ báo không chuyên nghiệp!
      Về chuyện Obama đến VN lần này, thì có lẽ AN VN sẽ vất vả nhất. Không phải vì sợ TT Mỹ bị ám sát đâu. Mà sợ nhất là nếu ông này thấy... cảnh biểu tình vì mội trường!!!
      Chả thế mà Facebook bị chặn quyết liệt!

      Trả lờiXóa
    2. Thế mà NNH vẫn "nhẩy qua lửa" vào được đình Làng mới tài !

      Trả lờiXóa
      Trả lời
      1. Nguyễn Ngọc Hùng21:29 21/5/16

        Thực tình tôi không "nhảy" gì đâu. Clic 1 phát không được thì vài phát. Thế là lại được thôi.

        Xóa
    3. Phát biểu của tướng Lê mã Lương rất đúng tinh thần được TƯ quán triệt với truyền thông, thậm chí còn hơi lạc quan quá mức! Theo ST hiểu thì TA cũng " chảnh" lắm...không được quá vồ vập! hiiii
      Riêng cá nhân ST thì... nhiệt liệt hoan nghênh TT Obama, một tổng thống thông minh, có tầm của nước Mỹ!

      Trả lờiXóa
      Trả lời
      1. Nguyễn Ngọc Hùng09:16 22/5/16

        Đồng ý với ST.

        Xóa