Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 26 tháng 7, 2016

Asean 'vừa mạnh vừa yếu' về Biển Đông

Hiện chưa rõ các nước Asean có ra được thông cáo chung hay không trong Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao tại Vientiane, Lào, đặt ra các câu hỏi trong giới quan sát về điểm yếu của Asean cũng như nguy cơ 'đứng bên lề' của vấn đề Biển Đông.
Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai nói với giới phóng viên sau phiên họp khẩn cấp rằng vấn đề Biển Đông không hề được thảo luận, theo hãng tin AP đưa từ hội nghị sáng 25/7.
Tuy nhiên, ông Don Pramudwinai cũng nói Asean cuối cùng cũng sẽ ra thông cáo chung, nhưng từ chối cho biết liệu thông cáo này có đề cập gì đến vấn đề Biển Đông và Trung Quốc hay không.
Trả lời BBC Tiếng Việt từ Manila, thẩm phán Tòa tối cao Philippines, ông Antonio Carpio nhận định:
"Trước hết, Asean là một tổ chức hội nhập kinh tế, không phải một đồng minh quân sự hay an ninh. Asean thậm chí không có cơ chế giải quyết xung đột với các tranh chấp chủ quyền trong khu vực Asean.
Thứ hai, Asean vận hành bằng sự đồng thuận nhất trí, và vì thế Asean cũng mạnh mẽ ngay tại điểm mà nó yếu nhất.
Thứ ba, không phải tất cả các quốc gia trong khối Asean đều nằm trong tranh chấp trên Biển Đông, và một số quốc gia không có tranh chấp còn lệ thuộc nặng nề vào sự hỗ trợ kinh tế từ Trung Quốc.
Ba yếu tố đó sẽ luôn khiến Asean phải đấu tranh để tìm được vị thế chung khi đối mặt với sự bành trướng về hàng hải và chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.”

'Giải pháp'
“Giải pháp tốt nhất cho những nước có xung đột, đó là Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Indonesia sẽ đưa ra tuyên bố chung của riêng họ, như chấp thuận phán quyết của tòa trọng tài là đường chín đoạn là phi pháp theo UNCLOS và không có thực thể nào trên quần đảo Trường Sa tạo ra vùng đặc quyền kinh tế. 
Thẩm phán Antonio Carpio từ Tòa tối cao Philippines
“Nếu không, Campuchia hay Lào, những nước không có tranh chấp chủ quyền, sẽ luôn có thể giữ toàn bộ khối Asean làm con tin trong vấn đề tranh chấp Biển Đông," thẩm phán Carpio nói với BBC Tiếng Việt.
Còn ông Malcolm Cook, một nhà phân tích từ Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, nói với AP:
"Dĩ nhiên, Campuchia đã làm tê liệt Asean... làm tổn thương sự đoàn kết, gắn kết, phù hợp và uy tín của Asean."
"Nó làm Asean đứng ra ngoài lề, chứ không còn ở trong trung tâm của vấn đề nữa."
"Với Lào và Campuchia, họ rõ ràng coi mối quan hệ với Trung Quốc là quan trọng hơn vị trí thành viên của mình trong Asean và sẵn sàng làm tổn thương Asean để củng cố quan hệ của mình với Trung Quốc," ông Malcolm Cook nhận định.

'Tổn thương nghiêm trọng'
Nhà nghiên cứu Tang Siew Mun thì viết trên tờ Today online của Singapore:
"Rõ ràng, sự đoàn kết của Asean đã bị tổn thương nghiêm trọng, nhưng đây là một viên đạn xứng đáng. Đồng thời, sự phát triển gần đây làm dấy lên câu hỏi về định hướng chiến lược và tương lai của Asean, trong trường hợp khối này không thể tạo ra những thảo luận uy tín hoặc có vai trò trong các vấn đề nghiêm trọng thì nhiều người sẽ xem xét lại về điểm sáng trong nội bộ khối này." 
Ngoại trưởng CPC
Ông Tang Siew Mun, nhà nghiên cứu tại Viện ISEAS-Yusof Ishak, Singapore, cũng cho hay:
"Asean là một tổ chức, không phải là một hội đoàn bình dân. Campuchia cần hiểu rõ nếu ngăn cản Asean để làm vừa lòng Trung Quốc, việc đó rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến sự sống còn của Asean trên bất cứ phương diện nào với các vấn đề và thử thách trong khu vực.
"Campuchia phải quyết định tương lai của mình đi với Asean hay với người hàng xóm giàu có và to lớn hơn. Asean cũng sẽ nên xem xét tương lai của mình sẽ tốt hơn nếu có hay không có Campuchia," ông nói với tờ Today Online của Singapore.
Trong khi đó, tờ Tuổi Trẻ tại Việt Nam trích dẫn lời Giáo sư Thitinan Pongsudhirak, giám đốc Viện nghiên cứu an ninh và quốc tế, khoa khoa học chính trị tại ĐH Chulalongkorn (Thái Lan) nói:
"Điều then chốt sẽ là trong bản tuyên bố chung có từ ngữ nào nói về tuân thủ luật pháp quốc tế hay không. Tôi cho rằng các ngoại trưởng ASEAN cuối cùng sẽ có một tuyên bố khái quát và mơ hồ khi ám chỉ về Biển Đông mà không hề thừa nhận phán quyết của Tòa trọng tài."
Nhưng tờ báo này cũng trích lời một quan chức Asean rằng tại phiên họp đặc biệt bất thường sáng 25/7, các Ngoại trưởng về cơ bản đã thống nhất các văn kiện đưa vào tuyên bố chung của hội nghị, trong đó có đề cập đến tiến trình pháp lý ngoại giao để giải quyết các tranh chấp ở biển Đông, không quân sự hóa Biển Đông.
“Tuyên bố chung của Ngoại trưởng các nước ASEAN nhiều khả năng sẽ được công bố vào cuối hội nghị. Nếu không ra được tuyên bố chung thì rõ ràng đó là sự thất bại của nước chủ nhà Lào”, vị quan chức này nhấn mạnh.

4 nhận xét:

  1. Nguyễn Ngọc Hùng15:54 26/7/16

    Xung khắc với bản chất bành trướng bá quyền của TQ sẽ làm tan rã trên thực tế khối ASEAN, bởi không ai níu kéo nổi CPC và Lào theo đuôi TQ khi có tranh chấp.
    Cay đắng nhất cho VN là mất đứt CPC và Lào vào tay TQ sau khi VN đã đổ bao nhiêu xương máu và tiền của vào xây dung "tình đoàn kết đặc biệt, gắn bó thủy chung, không gì lay chuyển nổi" với 2 nước láng giềng phía tây này.
    Nhưng đây là thực tế phải chấp nhận!

    Trả lờiXóa
  2. cái tự huyẽn hoặc hết thiêng lâu rồi . cần có nhìn biện chứng lịch sử sự thật

    Trả lờiXóa
  3. Asean là một tổ chức, không phải là một hội đoàn bình dân. Campuchia cần hiểu rõ nếu ngăn cản Asean để làm vừa lòng Trung Quốc, việc đó rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến sự sống còn của Asean trên bất cứ phương diện nào với các vấn đề và thử thách trong khu vực.
    "Campuchia phải quyết định tương lai của mình đi với Asean hay với người hàng xóm giàu có và to lớn hơn. Asean cũng sẽ nên xem xét tương lai của mình sẽ tốt hơn nếu có hay không có Campuchia

    Trả lờiXóa
  4. nhà bình luận quóc tế có câu viet đáng luu ý. kẻ phá thối ăn tiền cần phải xử lí

    Trả lờiXóa