Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2016

Dân có thể kiện doanh nghiệp để tòa xử

(BBC Tiếng Việt 30/6)
 Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng không chỉ Chính phủ mà người dân có thể kiện doanh nghiệp vi phạm ra tòa án để xét xử nghiêm minh.

Việc Chính phủ Việt Nam công bố chính thức kết quả điều tra về nguyên nhân cá chết bất thường hàng loạt ở bốn tỉnh duyên hải miền Trung của nước này chỉ là 'bước đầu' và người dân hoàn toàn có thể 'kiện doanh nghiệp' ra tòa xét xử, theo một nguyên Đại biểu Quốc hội Việt Nam.
Trao đổi với Bàn tròn thứ Năm của BBC Việt ngữ hôm 30/6/2016, bình luận sự kiện công bố kết quả điều tra này, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Việt Nam, nói:
"Việc Chính phủ kết luận như thế này là việc rất hoan nghênh, nhưng nó chỉ là bước đầu, còn những bước tiếp theo tôi cho rằng hoàn toàn không phải chỉ là Chính phủ mà người dân có thể khởi kiện để tố cáo hành vi của doanh nghiệp đưa ra tòa và tòa xét xử.
"Thứ hai, là cũng phải rà soát để mà xử lý kỷ luật, xử lý trách nhiệm cán bộ và thứ ba nữa, quan trọng hơn, tôi cho là phải rút ra những bài học cho việc này, để nó không lặp lại nữa.

"Tôi thấy có ba bài học như thế này, vì thời gian ngắn, tôi chỉ nêu vắn tắt. Thứ nhất là bài học về ứng phó với thảm họa môi trường và thiên tai, nhân họa nói chung. Qua diễn biến sự việc cá chết này, chúng ta thấy rằng, lúc đầu khi sự việc mới xảy ra, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương hết sức lúng túng, thiếu nhạy bén.

"Đến mức vụ cá chết này xảy ra từ ngày 6/4, mà ngày 22/4 ông Tổng Bí thư (Đảng CSVN) vào thăm Hà Tĩnh, cũng lại đến doanh nghiệp Formosa động viên một cách bình thường, không thăm hỏi ngư dân. Thế thì vì sao?
"Tôi nghĩ rằng thông tin đã không được báo cáo đến ông Tổng Bí thư, rồi sau khi dư luận đã chỉ ra rõ sự nghiêm trọng của sự việc rồi, thì các cơ quan chức năng lại thông tin thiếu chắc chắn, hoặc là mơ hồ, khiến cho lòng dân lo lắng hơn...
"Và khi kết quả điều tra chưa có, thì một số vị quan chức lại làm gương để cho người dân xuống biển tắm và ăn cá biển, tôi cho là rất là nguy hiểm.
"Và điều quan trọng hơn nữa, chính quyền các địa phương nơi xảy ra thảm họa chưa cung cấp kịp thời cho nhân dân thông tin về việc thu mua, tiêu hủy số cá chết hoặc có nguy cơ bị nhiễm độc, rồi làm nước mắm thế nào, làm muối như thế nào v.v...
"Chúng tôi thấy rằng kể cả việc đối thoại với người dân, đáng nhẽ chính quyền phải làm một cách tốt hơn, nếu mà mình biết cách ứng phó với thảm họa như thế này... Tôi phải nói rằng không phải chỉ có việc biểu tình trong vụ cá chết này đâu, mà nói chung quyền biểu tình của người dân là quyền đã được Hiến pháp ghi nhận và chúng ta phải tôn trọng," Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nói với Bàn tròn của BBC.

'Cần khởi tố hình sự vụ án'


PGS. TS Phạm Quý Thọ cho rằng vụ thảm họa môi trường có tính chất rất nghiêm trọng, nên nếu cần thiết có thể tiến hành khởi tố hình sự.


Từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam, nhà phân tích chính sách công, PGS. TS Phạm Quý Thọ nêu quan điểm về việc 'các quan chức Việt Nam có ai phải chịu trách nhiệm hay không và như thế nào', trong vụ cá chết bất thường, hàng loạt.
Ông nói: "Chắc chắn là phải có, trước hết là những người được giao những vấn đề môi trường, điều thứ hai là chính địa phương đó cũng phải có trách nhiệm.
"Thứ ba nữa là phải có một người chịu trách nhiệm, dứt khoát là phải có một người chịu trách nhiệm từ phía Chính phủ.
"Vì trước hết, chúng ta phải nói rằng trước họp Quốc hội, cũng như là Chính phủ mới này, chúng ta đã có những bài học rất quan trọng, nhưng tôi cũng đồng ý đây mới chỉ là sự khởi đầu thôi.
"Còn sau này, nếu mức độ nghiêm trọng đánh giá, thông qua các Đại biểu Quốc hội trong khóa tới, cũng như các cuộc họp tiếp theo, nếu cần thiết, chúng ta (Việt Nam) phải khởi tố hình sự vụ án này.
"Vì tôi cho rằng nó rất nghiêm trọng, có khởi tố thì chúng ta mới nhìn nhận được hết tất cả các khía cạnh và để lần sau tiền lệ không thể xảy ra nữa đối với chúng ta.
"Điều đó là phải dứt khoát. Còn nếu như không ai chị trách nhiệm, thì lại đâu vào đó, rồi lại buông xuôi.
"Kể cả việc thông tin không chính xác, cũng như những quy trình, hay những cách làm, sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, rồi giữa Trung ương và địa phương, phải hoàn thiện ngay khâu tổ chức.
"Và một điểm nữa rất quan trọng là phải hoàn thiện theo hướng là phải có sự tham gia của người dân và phải có một cơ chế để người dân biểu đạt ý kiến của mình, thì quá trình điều tra nó sẽ nhanh hơn.
"Và giám sát môi trường sẽ chặt chẽ hơn và nhiều chiều hơn, thế mới đúng tinh thần Chính phủ kiến tạo như là Thủ tướng đã tuyên bố và tôi nghĩ tinh thần này cũng phải được mang đến trong Quốc hội khóa tới," nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói với BBC.

'Thủ phạm được xác định'

Chính phủ Việt Nam đã chính thức công bố nguyên nhân cá chết bất thường gần ba tháng sau khi sự cố xảy ra.


Tại cuộc họp báo do Văn phòng Chính phủ Việt Nam tổ chức chiều cùng ngày thứ Năm, theo giờ Việt Nam, Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ và các Bộ trưởng Môi trường - Tài Nguyên, Khoa học & Công nghệ đã trả lời câu hỏi của báo chí.


Trước đó, giới chức Việt Nam tại cuộc họp báo đã công bố nguyên nhân gây ra cá chết và 'thủ phạm' đứng sau vụ việc được xác định là Công ty Thép Formosa Hà Tĩnh có vốn đầu tư của Đài Loan.


Các chuyên gia và khách mời của bàn tròn sẽ cùng bình luận về sự kiện công bố này và các khía cạnh có liên quan sau khi nguyên nhân và tác nhân gây sự cố được công bố.


Chương trình được phát vào lúc 19h30-20h00 giờ Việt Nam ngày hôm nay, 30/6 trên kênh Youtube của BBC Việt ngữ, mời các quý vị bấm vào đây để theo dõi.


Trong số các khách mời có:
- GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Đại biểu Quốc hội Việt Nam.
- GS. Lê Huy Bá, chuyên gia độc học môi trường từ TP. Hồ Chí Minh.
- Nhà báo Navin Singh Khadka, phóng viên môi trường của Thế giới vụ, BBC.


 Người dân tuần hành về vụ cá chết hàng loạt và bất thường.  


- PGS. TS. Phạm Quý Thọ, từ Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam.
- Bác sỹ Trần Tuấn, chuyên gia phản biện từ Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Vusta);
- Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn, từ Đà Nẵng
- Kỹ sư Đào Nhật Đình, chuyên gia môi trường công nghiệp, từ Quảng Bình
BBC sẽ tiếp tiếp tục giới thiệu ý kiến của các vị khách mời Bàn tròn Trực tuyến về công bố kết quả điều tra nguyên nhân vụ cá chất bất thường ở Việt Nam, mời quý vị đón theo dõi

3 nhận xét:

  1. Nguyễn Ngọc Hùng10:03 1/7/16

    Cám ơn Mõ Làng đã thông tin kịp thời. Tôi cho rằng những ý kiến được nêu ra trong thông tin trên đây đều xuất phát từ tâm huyết của những người lên tiếng. Nhưng tôi cũng nghĩ rằng, tất cả những vấn đề "có yếu tố TQ" đều rât phức tạp và khó xử, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay, khi đã có những ý kiến cho rằng TQ đang cố tình khiêu khích, chỉ chờ VN phản ứng theo cách mà TQ mong đợi, là họ gây sự ngay.
    Bởi thế, tôi nghĩ đạt được kết quả như đã công bố có lẽ cũng đã là thành tựu trong hoàn cảnh hiện nay. Trước cuộc họp báo công bố kết quả này, tôi cũng như nhiều người không nghĩ là có thể đạt được tới mức như vậy. Hi vọng là tiền đền bù sẽ đến được với ngư dân và sẽ được dung để xử lý môi trường biển; chứ không chỉ rùm beng như phong trào "Hãy làm sạch biển" đang ồn áo trên VTV, mà thực ra chỉ là một phong trào nhặt rác bãi biển mà thôi.
    Theo tôi, việc công bố được sự thật vụ cá chết, và quyết định hoãn thi hành Bộ luật hình sự là hai sự kiện cho thấy nét khác biệt của ê kíp lãnh đạo VN hiện nay với các ê kíp trước.

    Trả lờiXóa
  2. Tôi đồng tình với ý kiến của NH. Không phải 500 tr. USD coi như là xong. Âm mưu của TQ thì đã rõ, nhưng v/đ cốt lõi là Chính Phủ VN, các quan chức Chính đầu ngành và quan chức địa phương kém hiểu biết hoặc cố tình không hiểu biêt nên dẫn đến kết quả tồi tệ như vừa qua, thậm chí còn đàn áp những người dân đấu tranh biểu tình. Chính phủ phải có lời XIN LỖI người dân.
    Chúng ta vẫn phải luôn cảnh giác ngăn chặn các mưu đồ đen tối tiếp tục của TQ.

    Trả lờiXóa
  3. Tôi nghiêng về phía nghi ngờ "thiện chí " và những lời hứa kèm theo "nước mắt cá sấu" của Formosa. Vấn đề không chỉ là đền bù cho môi trường ven biển 4 tỉnh Miền Trung mà là vấn đề hủy hoại môi trương Biển của Việt Nam. Hãy thử nghĩ, 1 triệu người dân sống bằng nghề đi biển đánh bắt hải sản sẽ " được" ưu ái chuyển nghề . Có nghĩa là 1 triệu ngư dân sẽ buộc phải bỏ biển- một nghề truyền thống từ bao đời của họ, lên đất liền. Làm gì? Phá rừng ư? Rừng còn đâu mà phá? Làm nông nghiệp ư? Càng làm càng lỗ? Vào thành phố bán sức lao động ư? Hay ra nước ngoài làm thuê với bao tầng áp bức bóc lột. Khi cùng đường, những ngư dân vốn cưỡi sóng đạp bão này liệu có biến thành ...cướp cạn ? Nhưng điều thâm nhất là chỉ trong 1 vụ này "các thế lực phản động" đã không cần nổ súng cũng đuổi được 1 triệu ngư dân VN - 1 triệu dân quân mạnh khỏe, đầy lòng yêu biển yêu Tổ quốc ...bỏ Biển, lên bờ ! Biển chết và biển không người canh giữ sẽ là BIỂN CỦA AI ? Câu hỏi không khó trả lời ! Cho nên tôi khẳng định đây là 1 âm mưu cướp biển lâu dài mà chỉ tốn có 1/2 tỷ đô la ! Và không lại trừ có 1 thế lực nào đó trong nội bộ đã chấp nhân đi đêm với Formosa ! Cho nên chúng ta hãy đòi hỏi phải có 1 tòa an hoàn toàn độc lập với hành pháp, lập pháp xết xử Formosa theo đúng trình tự tố tụng hình sự. Chỉ có vậy mới đem lại công bằng cho người dân VN và trừng trị đích đáng bọn âm mưu hủy diệt môi trường, cướp biển của chúng ta !

    Trả lờiXóa