Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2014

GS-TS Chu Hảo - Thông điệp lạ của Thủ tướng!

 
Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ có đôi điều mới và lạ.


Lạ là bởi vì xưa nay các vị lãnh đạo nước nhà thường viết thư hoặc làm thơ động viên gửi đồng bào vào dịp Tết Âm lịch, chứ hình như chưa ai gửi thông điệp vào đầu năm Dương lịch. Thông điệp trong tiếng Việt thường được dùng để chỉ các phát biểu chứa các nội dung quan trọng của đại diện nước này với nước khác, hoặc với quốc hội và nhân dân nước mình.
Ở nhiều nước, ngoài Thông điệp đầu năm thường là văn kiện công bố lời cam kết thực hiện chính sách mới và chương trình hành động trong năm tới của người đứng đầu cơ quan hành pháp đối với toàn dân. Thông điệp này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng rõ nét tương tự như vậy. Ban đầu có vẻ hơi lạ, nhưng trước lạ sau quen, hy vọng đây sẽ là một tiền lệ tốt: Đầu năm dân nghe Thủ tướng nói gì để cuối năm xem Thủ tướng làm được những gì theo tinh thần "dân biết, dân bàn, dân cùng làm và dân kiểm tra".
Tuy Thông điệp chỉ đề cập đến những vấn đề mà Thủ tướng coi là cấp thiết phải công bố trong dịp này; còn các vấn đề cũng hết sức quan trọng như bảo vệ chủ quyền biên giới và hải đảo, giáo dục, y tế và tệ nạn tham nhũng…chưa được nói tới nhưng chúng ta hy vọng Thủ tướng cũng sẽ tỏ ra quyết liệt về những vấn đề đó trong các dịp khác.
Những ý tưởng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và thực hiện đổi mới nền nông nghiệp nước nhà đã được Thủ tướng nhấn mạnh ở nhiều bài phát biếu khác và hoàn toàn khả thi.
Những điểm mới nằm ở trong phần đầu của Thông điệp, đoạn nói về thể chế và mở rộng dân chủ. Chỉ trong vài trang giấy mà đã nhắc lại cụm từ “dân chủ” gần 20 lần và cụm từ “quyền làm chủ của nhân dân” suýt soát 10 lần. Hiếm thấy có một văn kiện chính trị nào mà các cụm từ này lại được nhắc đi nhắc lại một cách rốt ráo như vậy.
Thủ tướng đã thấy chỉ rõ rằng: “Đây là lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Nguồn động lực đó phải đến từ Đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân”. Đó là chương trình hành động, là cam kết của người đứng đầu cơ quan hành pháp nước nhà.
Trong đoạn này những giá trị cốt lõi và phổ quát của nền dân chủ hiện đại đều được Thủ tướng nhắc đến với sự đoan chắc phải được thực hiện, nhưng thực hiện thế nào là điều không mấy dễ dàng.
Đây cũng là lần đầu tiên người đứng đầu cơ quan hành pháp nước nhà tuyên bố với toàn dân tinh thần cót lõi của pháp luật “Người dân có quyền được làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép”.
Pháp luật không thể ngăn cấm những gì đã được ghi trong Hiến Pháp. Vậy thì người dân phải được thực thi ngay các quyền tự do ngôn luận, biểu tình, lập hội… mà không làm bất ổn chính trị xã hội và an ninh quốc gia, không phải đợi các luật cứ bị “treo” mãi nữa.
Đồng thời người dân cũng sẽ có ý thức hơn trong việc vượt qua nỗi sợ hãi tố cáo người của công quyền làm trái quy định của luật pháp.
Ngoài ra Thông điệp của Thủ tướng cũng cam kết những điều hệ trọng khác như: thực thi các quyền dân chủ trực tiếp để đảm bào hiệu quả của dân chủ đại diện, hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội, Xây dựng, sửa đổi các luật để thực hiện Hiến pháp v.v… Toàn là những điều nhân dân khát khao chờ đợi thực thi, nhưng cũng biết là chẳng mấy dễ dàng. Có cảm tưởng như Thủ tướng đang dũng cảm "lấy đá ghè vào chân mình"!
Lạ rồi sẽ trở thành quen, chúng ta mong năm nào Thủ tướng cũng có những thông điệp mới mẻ và cam kết thực hiện đến toàn dân như thế!
Chu Hảo
*Anh Chu Hao, cuu HS K6 Truong TNVN (53-57). Giáo sư - Tiến sĩ vật lý Chu Hảo sinh năm 1940, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Hiện đang là Giám đốc - Tổng biên tập NXB Tri Thức.

5 nhận xét:

  1. Chả tin ! Đã từ lâu Chính phủ hứa nhiều, mà làm thì chẳng ra gì, ngày càng bê bối.
    Bây giờ dân không muốn nghe CP nói, chỉ chờ CP làm thôi.

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh14:25 10/1/14

    Sự vận động đi lên,tiến lên của dân tôc Việt nam đòi hỏi nhiều thay đổi rất cơ bản ,
    Tôi cho rằng những việc Thủ tướng nêu trong thông điệp là những việc cần phải làm để đưa đất nước đi lên.Để làm được còn rất nhiều khó khăn.Chúng ta với trách nhiệm công dân cùng theo rõi việc làm cụ thể của Đản,Nhà nước sau thông điệp này.
    Ý kiến này tôi nghĩ không phải của riêng Thủ tướng mà là của BTC. KC

    Trả lờiXóa
  3. Không chắc đây là thong điêp chung của BCT như nhận định của KC. Có thể d0a6y chỉ là thong đệp của chính phủ vì tôi thấy ngay sau đó các tờ báo lề phải it nói về thong điệp này .Rồi cũng có thể đây là cách lấy long dân ,chuẩn bị cho cuộc đấu mới ....Thật khó hiểu .Lâu lắ mới thấy CHU HẢO lên tiếng trên blog ta, tôi rất khâm phục CH vì anh dung cảm đi tiên phong trong cuôc đấu tranh cho một xã hội tiến bộ.

    Trả lờiXóa
  4. kyvinhhung19:19 12/1/14

    Xin được tiếp lời các cụ, chia xẻ đôi điều suy ngẫm từ thông điệp lạ của TT.
    - Ngay hôm đầu nghe bản tin thời sự đọc bản thông điệp, tôi cũng như nhiều người rất lấy làm ngạc nhiên. Gọi là thông điệp của người đứng đầu ngành hành pháp nhưng nội dung lại bao trùm lên toàn bộ những vấn đề mang tầm vĩ mô, cơ bản của đất nước,, kể cả định hướng hoạt động của Đảng cũng như chỉ đạo hoạt động của khối tư pháp v.v.Vậy đáng lẽ thông điệp này phải do CT nước hay ông TBT ký mới đúng cương vị và nội dung của nó. Suy ra, phải chăng đây là cú đòn vượt mặt nhằm hướng tới vị trí cao hơn sau nhiệm kỳ ?
    - Cả về nội dung cũng như cách hành văn, bản thông điệp đã vượt khỏi sự đơn điệu trùng lắp về ý tứ và câu chữ mà ông TT ưa dùng lâu nay ,chẳng hạn phải" quyết liệt,đạt tầm cao mới ". v.v. Điều đó chứng tỏ ông đang sở hữu một đội ngũ cố vấn rất giỏi thuộc phái cải cách. Quả nhiên, sau đó tôi được biết tác giả đích thực của bài viết là Ô cựu Bộ trưởng LHN- một quan chức hiếm hoi mà tôi rất tâm phục khẩu phục
    - Trong thông điệp, có một mệnh đề cực kỳ quan trong và nhạy cảm mà hình như ít người để ý hoăc suy diễn chưa chính xác; Đó là "Đổi mới thể chế ". Vâng, ở đây tác giả không viết " đổi mới thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ". Nội hàm của đổi mới thể chế rộng hơn, trong đó không thể không tính đến đổi mới thể chế chính trị. Vâng,, tại sao không ? Một thể chế kinh tế chỉ phát huy tác dụng khi được ra đời và đảm bảo bởi một thể chế chính trị tương ứng. Nếu không , mọi cái đều là khẩu hiệu , thậm chí là chiếc bánh rất ngon được vẽ ra cho đẹp !
    Dẫu sao, sự ra đời của bản thông điệp cũng là tín hiệu đáng mừng , phản ánh một xu thế đổi mới đất nước không thể đảo ngược để thoát ra khỏi vũng lầy và bay lên...

    Trả lờiXóa
  5. kyvinhhung14:25 14/1/14

    Xin đính chính một nhầm lẫn trong cái còm của tôi. Ngài cựu Bộ trưởng TĐT mới là trưởng Ban cố vấn của TT chứ không phải Ông kia.
    NHân đây xin thêm một ý này. Nghị quyết ĐH VI được coi là lần đổi mới thứ nhất. Gần đây nhiều ý kiến đề nghị cần đổi mới lần hai, bới lẽ những nhân tố tích cực xuất hiện từ ĐH VI đến nay đã không còn phù hợp . Một trong những yêu cầu đó là đổi mới thể chế chính trị ( thuộc thượng tầng kiến trúc ) cho tương xứng với sự phát triển của kinh tế ( hạ tầng cơ sở xã hội ) trong giai đoạn lịch sử mới.NHưng chính đây lại là cái gót chân Asin vô cùng nhạy cảm.khiến các nhà lãnh đạo đau đầu.Chỉ cần thiên hữu một chút thôi sẽ có thể khiến đất nước rơi vào tình trạng bất ổn, tương tự như Thái Lan hoặc hơn thế nữa. NHưng nếu thiên tả một chút, lại sẽ rơi vào trạng thái trì trệ, mất dân chủ , độc đoán chuyên quyền,làm chậm sự phát triển ...Trong bối cảnh đó, thông điệp của ông TT chỉ có thể được coi là một tiếng kèn hay nhưng nghe ra khá... ngập ngừng.

    Trả lờiXóa