Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014

Khi thẩm phán chỉ là người 'đọc' kết luận của cơ quan điều tra

Bùi Quang Nghiêm* 
Ông Chấn được thả về sau hơn 10 năm ngồi tù oan - Ảnh: Hà An
Binh của NQL: Khi thẩm phán chỉ là người 'đọc' kết luận của cơ quan điều tra và xử án theo chỉ thị của cấp ủy thì dân đen đừng có mơ nhìn thấy công lý. Nói thế cho nó nhanh.
Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn được chứng minh sau 10 năm đã phải ngồi tù oan, trước đó nữa, suýt bị tử hình trong thời gian qua đã thực sự gây “sốc” cho dư luận cả nước. 

Những người cố tình làm sai lệch hồ sơ của vụ án này đã bị khởi tố, bắt tạm giam. Cựu thẩm phán Tòa án phúc thẩm TAND Tối cao, chủ tọa phiên phúc thẩm đã bác đơn kêu oan của ông Chấn cũng đã bị khởi tố với tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. 
Dư luận xã hội có thể đã thấy nhẹ nhõm hơn khi nghĩ đến cái kết có hậu cho số phận của công dân vô tội Nguyễn Thanh Chấn. Nhưng không! Mới đây, phát ngôn trên báo chí, ông Phạm Tuấn Chiêm, nguyên thẩm phán chủ tọa phiên tòa phúc thẩm đã xử oan ông Nguyễn Thanh Chấn, vừa bị khởi tố, đã làm cho mọi người phải “tỉnh” lại với những gì mình còn mơ hồ. Nghe những gì mà vị cựu phẩm phán của TAND Tối cao trải lòng người ta càng thấy lo lắng hơn cho những khiếm khuyết của nền tư pháp nước nhà.
Nhận được quyết định khởi tố bị can của Cục Điều tra Viện KSND Tối cao, ông Phạm Tuấn Chiêm vẫn tự tin khẳng định rằng: "Tôi phải căn cứ, tuân theo hồ sơ và kết quả điều tra của người ta", “Tôi không thể làm khác được, như thế là làm sai lệch hồ sơ vụ án… Tôi đã làm hoàn toàn hết sức mình rồi” và “Tôi không ân hận”.
Không biết phải dùng lời lẽ, từ ngữ thế nào đây để bình luận về suy nghĩ trên của người được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho quyền hạn quan trọng là thẩm phán của TAND Tối cao để xét xử, ra quyết định nhằm xác định rõ kẻ có tội và người vô tội; qua đó thể hiện được sự thiêng liêng của công lý, sự công minh của pháp luật cũng như xây dựng niềm tin của người dân. 
Trong cả quá trình tố tụng, Hội đồng xét xử phúc thẩm phải là cái “phao” cuối cùng quyết định số phận của những bị cáo bị giam giữ, điều tra một cách oan trái. Trước đó, dù công an, viện kiểm sát có sai sót, có vô trách nhiệm... trong việc thu thập chứng cứ hoặc tạo dựng chứng cứ thì tòa phúc thẩm hoàn toàn có thể xét và giải oan cho phạm nhân, dù đó là công việc khó khăn.
Không thể đổ lỗi cho cơ chế, luật pháp. Việc xử án oan sai trước tiên vẫn thuộc trách nhiệm của những thẩm phán xét xử phúc thẩm. Pháp luật của Nhà nước đã giao cho thẩm phán, mà hơn hết là Chủ tịch hội đồng xét xử rất nhiều quyền và bổn phận: đó là quyền xét xử, quyền đánh giá, phân tích chứng cứ, quyền lắng nghe ý kiến của các bên như viện kiểm sát, luật sư, bị cáo… và quyền ra quyết định cuối cùng. Như vậy, trong trường hợp này, chủ tọa của Hội đồng xét xử Phạm Tuấn Chiêm đã không làm gì cả, phụ thuộc toàn bộ vào những kết luận, những tình tiết và những chứng cứ đã được tạo dựng bằng cái tâm của những kẻ vô trách nhiệm, không xứng đáng với đồng lương mà nhân dân trả để nuôi họ, và đã ra quyết định mà ta phải gọi nó là “bậy”. 
Hơn thế, nếu nói rằng thẩm phán phải tuân theo hồ sơ và kết quả điều tra của công an, viện kiểm sát để xử thì vai trò và quyền hạn của tòa án bị cất ở đâu. Nếu vậy thì Nhà nước không cần đến tòa án, chỉ cần hồ sơ và kết luận của công an, của viện kiểm sát là đủ để đẩy một người vô tội vào tù hay trả tự do cho một kẻ phạm tội nào đó. 
Những suy nghĩ được bộc bạch như thế của một thẩm phán TAND Tối cao, người được nhân dân giao cho giữ và sử dụng cán cân công lý khiến dư luận xã hội lo lắng hơn khi nhìn vào đội ngũ nhân sự hiện tại trong hệ thống tư pháp từ trung ương cho tới các tỉnh, thành, quận, huyện. Suy nghĩ đơn giản thì dễ đưa ra kết luận: Thẩm phán TAND Tối cao còn như thế, sao dám tin vào các vị “Bao Công” ở các địa phương?
Rất may là bên cạnh những thẩm phán như ông Chiêm, người dân vẫn thấy nhiều đồng nghiệp của ông đã làm hết trách nhiệm và lương tâm của mình, họ đã dũng cảm, ra những bản án tuyên các bị cáo vô tội. Họ là những thẩm phán của các tòa phúc thẩm của các khu vực, trong khi xét xử những vụ án có nhiều tình tiết lắt léo, phức tạp, họ đã chỉ ra những điểm bất hợp lý trong việc thu thập, tạo dựng tình tiết và chứng cứ từ sự tưởng tượng xuất phát từ những mục đích mờ ám, để che đậy sự vô trách nhiệm, sự mua chuộc của vật chất của những điều tra viên, kiểm sát viên trong quá trình tố tụng trước đó. Lao động của những thẩm phán đó đã in đậm dấu ấn trong nội dung của nhiều bản án rõ ràng, dứt khoát: Bị cáo không phạm tội như đã bị truy tố, trả tự do ngay cho bị cáo…
 *Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM
Theo Thanh niên

3 nhận xét:

  1. Ở bất kỳ mô hình Xã hội nào, nếu pháp luật chưa được thượng tôn thì tòa án, luật sư, phiên tòa v.v. chỉ là
    những món đồ trang trí tốn kém nhưng vô bổ! Cụ Ca nhỉ. Tôi không dám mong gì hơn, chỉ ước ở xứ ta, pháp luật nghiêm minh hơn mấy nước Châu Phi chút đỉnh!

    Trả lờiXóa
  2. ở chế độ này người ta chủ ý đào tạo ra một lớp quan lại làm theo ý đảng ,cứ làm theo ý đảng là được thăng quan tiến chức ,vì vậy người tài thì ít ,bọn dốt nát vô học thì nhiều .Tôi nhớ hồi mới về dạy ĐHBK HN ,lớp tôi dạy có đến chục cán bộ được gửi vào học ,hết năm thứ nhất quá nửa phải bỏ vì quá kém ,trong số không học nổi đó ai là đảng viên thì chuyển sang lớp đào tạo nhanh (8 đén 10 tháng )các ngành luật và triết học ,sau đó hoặc về dạy ở các trường đại học ,hoặc vào tòa án ,viện kiểm sát .....Tôi biết anh lớp trưởng và anh bí thư chi bộ (lớp đại học bk cũ)mâý năm sau lên chức cỡ vụ trưởng ở viện ks nhân dân và tòa án nd ,quyền sinh quyền sát .Tôi nghĩ họ có được học đàng hoàng đâu ,cũng như cái ông chánh tòa phúc thẩm xử oan ô CHẤN ,theo ông ấy nói thì mới ra bộ đội ,bổ túc qua quýt kiến thức về luật rồi cho làm luật sư ......Buồn cho cách dùng người ở chế độ này .

    Trả lờiXóa
  3. Nếu em có tài văn chương thì em sẽ viết ngay tiểu thuyết...QUAN CHÁNH ÁN GẬT...noi gương Hàm mạc Tử...trong "QUAN NGHỊ GẬT"! Hi hi...
    http://honvietquochoc.com.vn/bai-viet/3887-quan-nghi-gat.aspx

    Trả lờiXóa