Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 1 tháng 12, 2015

ĐOẠN TRƯỜNG DỊCH KIỀU SANG TIẾNG NGA

                                                                                                             Vũ Thế Khôi
 
(Calathau : Bài viết hay, tuy hơi dài. Các cụ nên đọc,  nhất là các cụ học tại LX cũ và biết tiếng Nga )
Tôi không phải người đầu tiên dịch Truyện Kiều sang tiếng Nga. Ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, nhà Việt Nam học TS N.Nikulin đã chọn lọc dịch nghĩa gần 300 câu để nhà thơ-dịch giả Xô Viết lão thành Arkadi Shteiberg chuyển thành thơ Nga khá sát và hay. Rất tiếc rằng họ không tiếp tục. Sau đó đã xuất hiện bản dịch từ tiếng Việt và tiếng Anh của ông Boris Larin, cũng chỉ làm được chừng 200 câu. Nhưng khá tùy tiện, xa ý nguyên tác.
Trên mạng cũng còn vài người thử sức nữa, đều bỏ dở sau vài trăm câu.

Ảnh bên: Tác giả VTK trong Bảo  tàng Nguyễn Du, Hà Tĩnh (31/7/2003)

Năm 2003, khi tôi được ngành văn hóa Hà Tĩnh mời về đọc tham luận về “Văn hiến Hà Tĩnh”, lại cho đi thăm Khu di tích Nguyễn Du, đứng trước quyển Kiều đồ sộ nặng gần trăm cân, do nhà thư họa Nguyệt Đình viết bằng thư pháp, tôi đã hứa; “Thiên hạ đã dịch Kiều của Cụ ra ngót hai chục ngoại ngữ. Sớm muộn gì con cũng sẽ dịch tác phẩm thiên tài này sang tiếng Nga “của con”, khi có điều kiện tĩnh tâm ngồi làm văn chương”.
Trong mười năm sau đó tôi đã quá tam ba bận thử bắt đầu, nhưng rồi cuộc mưu sinh lặt vặt và vài công trình khác làm vì tiếng Nga khiến tôi không tập trung được.

Thì may quá, cuối tháng 10 – 2013 anh Hoàng Văn Vinh, Tổng giám đốc công ty “Zolotoi Drakon” kiêm Chủ tịch Hội người Việt tại tỉnh thành Eketerinburg Liên bang Nga, về Hà Nội mời tôi làm bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Nga. Anh nói đại ý: Em là đồng hương Hà Tĩnh với cụ Nguyễn Du, đội ơn anh linh Cụ, lại nhờ tiếng Nga và nước Nga mà thành đạt, nên em xin được trả cái nghĩa này, đưa tác phẩm thiên tài của Cụ đến với độc giả Nga. Em cậy nhờ các bác và mời các bác ngay ngày mai đi Hà Tĩnh cùng em, về Tiên Điền quê Cụ thắp hương trước lăng mộ, khấn Cụ phù hộ cho Dự án của chúng ta thành công mỹ mãn. Tôi đáp rằng anh cứ cùng mọi người về thắp hương, tôi đã làm việc đó cách nay mười năm, nhưng chưa có điều kiện thực hiện lời hứa trước anh linh cụ Tiên Điền, nay được anh hào hiệp trợ giúp, tôi sẽ bỏ hết việc mưu sinh khác, quyết tâm hoàn thành việc dịch Truyện Kiều sang tiếng Nga trong dịp cả thế giới văn minh tôn vinh danh nhân văn hóa Nguyễn Du. Tôi cũng phải trả cái nghĩa cho tiếng Nga đã giúp tôi lập nghiệp và nên người.
Người khởi xướng của Dự án dịch Truyện Kiều sang tiếng Nga và công bố trang trọng nhân kỷ niệm 250 năm sinh của thi hào Nguyễn Du là tiến sĩ ngữ văn Nga , nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng, cũng một người con gắn bó ruột già với quê hương Hà Tĩnh và Nguyễn Du, nhưng do những hoàn cảnh riêng mà anh phải sống ở nước Nga đã hơn nửa đời người, coi là tổ quốc thứ hai của mình, và đã ra đến dăm tập thơ về xứ sở bạch dương. Một mình anh vất vả đi về giữa Liên bang Nga và Việt Nam để làm trọn phận sự người khởi xướng và tổ chức thực hiện Dự án, kết nối trí tuệ và sự nỗ lực của các chuyên gia Việt và Nga thành một đội ngũ làm việc ăn ý, nhằm đảm bảo chất lượng tốt nhất của bản dịch.
Đáng lẽ ra là có hai người cùng dịch sang văn xuôi tiếng Nga (tôi từ đầu đến câu 1690, người thứ hai từ đó đến hết) để rồi một nhà thơ Nga thứ thiệt chuyển sang thơ. Nhưng… sau ba tháng, người thứ hai không gửi đến một câu nào, nên một mình tôi phải gánh cả 3254 câu Kiều. Tôi không hề quản ngại, mà lại thở phào vì không phải tuân theo quy định của Dự án là bàn bạc, thảo luận, thống nhất v.v… Mà giữa hai người dịch có tính cách khác hẳn nhau thì còn là tranh cãi vô hồi kì trận! Dịch một mình cứ việc để dòng văn tiếng Nga tự nhiên xuôi theo hồn tác phẩm như bản tính tôi cảm nhận.
Về phương châm dịch thuật thì tôi nhất quyết cố trung thành với từng câu nguyên tác, nhưng không theo nguyên tắc chỉ chuyển ý của câu thơ và chú thích các điển tích, mà cố noi theo bậc tiền bối Nguyễn Khắc Viện, khi cụ viết năm 1965 về bản dịch Kiều của mình sang tiếng Pháp: “Kiều là một thi phẩm, nó đòi hỏi phải được chuyển dịch bằng thơ; một thi phẩm lớn càng cần có một bản dịch nên thơ. Nếu thơ không nhất thiết đồng nghĩa với những dòng văn vần, thì ngôn ngữ thơ trước hết phải dùng đến hình ảnh, nhịp điệu, nhạc tính sao cho đánh thức được trong lòng người đọc, đúng hơn trong lòng người ngâm, cả một chuỗi ấn tượng, cảm xúc dù khi chưa hiểu rõ ý thơ. Một bản dịch ra văn xuôi sẽ biến bài thơ thành một câu chuyện kể và dù dịch giả khéo léo cũng sẽ làm biến chất tác phẩm”.
 Tôi không bao giờ dám hồ đồ nghĩ mình làm được thơ bằng tiếng Nga, nhưng chuyển câu thơ Kiều sang tiếng Nga cho có hình ảnh, có nhịp điệu để người Nga cảm nhận được cái đẹp cái hay trong nghệ thuật của đại thi hào Nguyễn Du thì phải cố gắng làm, chứ không dừng ở mức chỉ chuyển ý. Xin nêu một ví dụ:
Êm đềm trướng rủ màn che,
Tường đông ong bướm đi về mặc ai.
Có người dịch là:
Но живет спокойно в защищенном своем тереме
Не обращает внимание на ухаживание других.
Ý đúng, nhưng không có hình ảnh. Tôi dịch thành:
    Однако тихо и смирно живут в своих плотно занавешенных
                                        девичьих покоях,
    Не обращая никакого внимания на тех, кто, как рой шмелей
                 да мотыльков, кружится за восточной стеной.
Trong cảm quan văn hóa Nga không có hình ảnh ong bướm ám chỉ chuyện trai gái trăng hoa, nên để bạn đọc Nga cảm nhận được ý vị của câu thơ, tôi đã bạch hóa ẩn dụ “ong bướm” thành một so sánh tường minh: “không đoái hoài đến những kẻ như cả đàn ong bướm lượn lờ bên ngoài tường đông”.
    Đối với các điển tích, điển cố, do Dự án yêu cầu giảm hẳn số lượng chú thích cuối trang để không cản trở sự tiếp nhận của độc giả Nga thông thường, tôi bỏ đi hầu hết các điển cố chỉ là cách diễn đạt văn hoa trong văn cổ như “mạch Tương” (nước mắt), “sen vàng” (gót chân người con gái đẹp). Những điển cố, điển tích nằm trong mạch biểu đạt của tứ thơ thì cố gắng diễn giải, chẳng hạn “phận ấp cây” Kim Trọng nhắc tới là để tỏ mối tình của mình với Kiều có cơ tuyệt vọng nhưng vẫn quyết đeo bám, thì câu tám chữ của cụ Tiên Điền đã thành câu tiếng Nga 23 từ, nhưng vẫn đảm bảo nhịp điệu văn tự sự, đọc lên lưu loát, không trúc trắc:
Trần trần một phận ấp cây đã liều!
Ради этой минуты встречи я готов принять
                        участь того юноши,  который предпочел 
                                                  погибнуть при подъеме воды,
                                                      но не сойти с назначенного места свидания!
(Vì giây phút gặp gỡ này, tôi nguyện chấp nhận phận chàng trai nọ, thà chết khi nước sông dâng lên chứ không rời nơi hò hẹn)

Chỉ một tuần sau ngày nhận lời, 6 - 11 - 2013 – tròn 2 năm trước buổi lễ ra mắt long trọng tại Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam vào ngày 6 - 11 – 2015 ! – tôi “nộp quyển” cho Dự án 38 câu Kiều tiếng Nga, ba ngày sau thêm 100 câu, và hai chục ngày tiếp theo – ngót bốn trăm câu nữa, tổng cộng 528 câu gửi qua mail ngày 28 - 11 - 2013 cho “đội Nàng Kiều” xin góp ý – như tôi gọi đùa tập thể mê Kiều của chúng tôi. Chính tôi cũng không ngờ cô Kiều tài hoa mà bạc mệnh “hút hồn” tôi đến thế! Tôi không phải “nhà Kiều học”, nhưng cứ như có duyên tiền định với nàng Kiều. Cha tôi thời làm Chủ nhiệm báo Thanh Nghị là người đầu tiên in loạt bài khảo cứu quan trọng của học giả Hoàng Xuân Hãn - “Nguồn gốc văn Kiều” trên 3 số tạp chí liền trong năm 1943. Đến lượt tôi, khi nghiên cứu thơ văn của cụ tổ 5 đời là tiến sĩ Vũ Tông Phan, tôi đã phát hiện rằng: bài thơ của tiến sĩ triều Lê Phạm Qúy Thích mà nhiều thế hệ Kiều học gán cho cái tên Tổng vịnh Kiều rồi “sáng tác” ra cái thuyết Nguyễn Du viết xong Kiều, tự đem đến xin cụ Nghè Lập Trai nhuận sắc, Cụ bèn sửa đôi câu rồi thân đem đến phố Hàng gai khắc in v.v… và v.v…, thực ra nhan đề là Thính Đoạn trường tân thanh hữu cảm. Tôi “tặng” phát hiện này cho anh bạn là nhà Kiều học PGS Đào Thái Tôn, được anh đưa vào công trình của mình, nghiêm chỉnh nhắc danh tính của tôi, chứ không “đạo” làm phát hiện của anh, do đó mà tên tôi bỗng xuất hiện đôi lần trong các hội thảo (kể cả quốc tế!) về Nguyễn Du và Truyện Kiều… Tìm thấy trong di cảo thơ văn của cụ tổ họ Vũ bài thơ Đường luật bằng chữ Hán thấm đậm thương cảm với thân phận nàng Kiều – Quan tiểu thuyết Vương Thúy Kiều chuyện ngẫu hứng, tôi chuyển một mạch sang tiếng Việt bằng lục bát – thể thơ Việt trữ tình nhất:
Bên tình bên hiếu nghiệt oan,
Vì cha tính kế hại tàn sắc hương.
Ba thu điếm khách dễ vương,
Cửa Thiền một tối tựa nương khó là!
Mong vui tóc bạc mẹ cha,
Phận hồng dang dở sao đà buông xuôi.
Lòng này lụy kiếp hoa trôi,
Mà băn khoăn hỏi ngày hồi cố hương?

Xin trở lại với việc dịch Kiều. Sau 1000 câu đầu tiên, tôi chững lại, chờ các nhận xét và đóng góp ý kiến của nhà thơ kiêm tiến sĩ ngữ văn Nga Nguyễn Huy Hoàng và dịch giả văn học Nga Đoàn Tử Huyến. Hai anh cũng là đồng hương Hà Tĩnh với cụ Tiên Điền, lại cảm nhận sâu sắc truyện Kiều, cũng thông thạo tiếng Nga nên có nhiều nhận xét chi tiết và xác đáng, giúp tôi khắc phục những ngộ nhận, sai lệch so với nguyên tác. Tuy nhiên, chữa câu dịch sang tiếng Nga thế nào thì hoàn toàn do tôi thực hiện, vì nếu sửa được văn tiếng Nga của tôi thì hai vị ấy dịch luôn cho rồi!
Nhân đây xin nói ở ta hiện nay người ta lạm dụng từ “hiệu đính”, khiến từng xảy ra kiện cáo, ví dụ vụ lùm xùm xung quanh tuyển tập thơ văn của cụ Đào Tấn. Đã có lần nhà Hán Nôm học lão thành Vũ Tuân Sán phải lên tiếng về vấn đề này. Từ Hán - Việt “hiệu đính” có nghĩa là chữa lại cho đúng. Nhận xét, góp ý với bản dịch, phát hiện sai sót xa nguyên tác mà không đề xuất được phương án chữa cho đúng thì chỉ là “biên tập”. Như vậy trong trường hợp bản dịch của tôi thì chỉ người Nga, mà là người Nga có trình độ học thuật, mới hiệu đính được: mình không phải người Nga, làm sao đảm bảo được câu dịch có cách hành văn Nga trăm phần trăm. Chính vì lí do đó, tôi chỉ yên tâm khi trong bản Kế hoạch thực hiện, do chính người khởi xướng và tổ chức gửi ngày 15 -  11 - 2013 cho tất cả những người tham gia Dự án, có ghi rõ: “Hai học giả Nga sẽ đảm nhiệm phần hiệu đính dưới sự giám định của tiến sĩ A. Sokolov”. “Hai học giả Nga” là ai, danh tính và chuyên môn thế nào – đến nay tôi vẫn không được biết. Nhưng anh Anatoli Sokolov thì tôi biết khá rõ, thậm chí từng viết lời giới thiệu cho công trình của anh “Những người Nga đầu tiên đến Việt Nam”. Tiến sĩ ngữ văn Anatoli Sokolov là nhà Việt Nam học, thông thạo tiếng Việt, đồng tác giả (với I.Glebova) quyển Từ điển Nga - Việt mà chắc chắn những người Việt học tiếng Nga từng nhiều lần lật giở. Được anh chủ trì hiệu đính thì yên tâm rồi. Các đồng nghiệp người Nga đã làm việc rất nghiêm túc gần một tháng trời, sửa “нелицеприатно!” (“không nể mặt”), như tôi yêu cầu trong mail gửi Anatoli.
Ngày 11 - 12 tôi nhận được mail của Anatoli kèm theo 528 câu Kiều đã hiệu đính tỉ mỉ (thay thế từ ngữ, đảo ngữ cú, diễn đạt lại…, bôi đỏ để tôi dễ nhận biết), với đôi lời khen động viên đầu tiên, nguyên văn: “Я хочу отметить высокий профессиональный уровень Вашего перевода. Вы стараетесь не только точно передать смысл фраз, но и передать стиль произведения. Ваш перевод по всем параметрам очень близок вьетнамскому оригиналу”. (Tôi muốn nêu rõ trình độ chuyên nghiệp cao trong bản dịch của anh. Anh không chỉ đã cố gắng chuyển đạt chính xác ý nghĩa của các câu, mà còn cả văn phong của tác phẩm. Bản dịch của anh về mọi tiêu chí rất gần với nguyên tác).
Bám theo bản hiệu đính của các học giả Nga và căn cứ những nhận xét góp ý xác đáng của hai anh Hoàng và Huyến (nhưng không phải tất cả: nhiều nhận xét là theo cảm nhận chủ quan của Hoàng và Huyến, tôi đã phản bác và giữ nguyên cách hiểu và dịch của mình), tôi chỉnh sửa cẩn thận, bôi màu xanh lam để mọi người có thể soát lại; nhiều chỗ để chữa được, tôi phải tham khảo thêm các bản dịch tiếng Pháp của cụ Nguyễn Khắc Viện và tiếng Trung của GS Hoàng Dật Cầu. Về phần dịch và văn Nga thế là ổn, nhưng tôi muốn thử xem bạn đọc người Nga khách quan (tức không phải người có nhiệm vụ “soi mói” hiệu đính) tiếp nhận tác phẩm qua bản dịch của tôi ra sao. Tôi gửi cho bà TS Nadezda Mikhailovna Vorobieva, chuyên gia về tiếng Nga ở Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội, trích đoạn Kiều dịch bằng thơ của dịch giả nổi tiếng Arkadi Shteinberg và 2 đoạn tôi đã dịch và chỉnh sửa “Весенняя прогулка” và “Забытая могилка” (đầu đề do tôi đặt), vài ngày sau gửi tiếp đoạn nữa - “Пророческий сон”. Và đây là cảm tưởng của bà phát biểu trong mail gửi tôi ngày 24 - 11 - 2013:
“Дорогой Кхой! Большое спасибо Вам за духовное наслаждение! По-другому это и не навовёшь. Отрывки из этой поэмы стали украшением конца семидневной рабочей недели... Мне понравился перевод А.Штейнберга, но Ваш перевод всё-таки даёт более полную картину: образ Киеу – совсем друной (eё талант и т.д...) Не сочтите за лесть: Ваш перевод тронул меня более. Ждём продолжения.” (Anh Khôi thân mến! Rất cám ơn anh về món quà cho thưởng thức tinh thần! Không thể nói khác về điều này được. Hai trích đoạn trong trường ca ấy đã làm đẹp ngày kết thúc một tuần làm việc… Tôi thích bản dịch của của A. Shteinberg, nhưng bản dịch của anh dẫu sao cũng cho một bức tranh đầy đủ hơn: hình ảnh nàng Kiều khác hẳn (tài năng của nàng v.v…) Anh đừng cho là tôi nịnh nhé: bản dịch của anh làm tôi xúc động hơn. Tôi chờ đọc tiếp.)
Cám ơn bà Nadezda Vorobieva! Cảm nhận của bà giúp tôi vững tin hẳn là mình đủ tầm chuyển tới bạn đọc Nga áng văn bất hủ của thiên tài Nguyễn Du. Và tôi ngồi lì suốt ngày, có khi cả đêm để dịch nháp rồi chế bản vi tính gửi đi cho anh Hoàng ở Moskva và anh Huyến ở Hà Nội để hai anh nhận xét góp ý, rồi chuyển lại cho tôi chữa, sau đó mới chuyển cho các học giả Nga hiệu đính về tiếng Nga, lại chuyển lại cho tôi chữa, cuối cùng mới gửi bản dịch văn xuôi của tôi cho nhà thơ Vasili Popov chuyển sang thơ.

1000 câu đầu của Truyện Kiều xuôn xẻ theo quy trình làm việc chặt chẽ ấy. Tôi yên chí, không quan tâm đến việc gì khác, mải mê làm việc. Có hơi lăn tăn là sau 1000 câu đầu tiên, chỉ nhận được các nhận xét góp ý với bản dịch của hai anh Hoàng và Huyến, còn bản hiệu đính của các học giả Nga thì không thấy gửi lại nữa. Mình dịch tốt hơn chăng? Hay thấy mình chấp nhận hầu hết chỗ hiêu đính (cũng đôi chỗ sửa làm mất tính hình tượng, tôi lấy lại cách dịch của mình), họ thấy không cần mất thời giờ mail đi mail lại mà chuyển luôn cho nhà thơ? Thôi thì cũng được, vì dẫu sao họ là những người Nga, lại là học giả.
Không mất thời giờ chỉnh sửa, tôi bắt đầu đọc bản dịch thơ của Vasili Popov để góp ý theo yêu cầu của chính anh. Vasili ở tận Sibiri, cũng làm việc say mê. Đó là một nhà thơ trẻ có tài, đã đoạt nhiều giải thơ ca của Liên bang Nga. Nhưng rõ ràng là anh còn quá trẻ (mới 35-36 gì đó), còn thiếu cái phông văn hóa phương Đông, nên chưa thể hiểu sâu sắc Truyện Kiều, do đó bỏ qua khá nhiều tình tiết tư tưởng và nghệ thuật trong bản dịch của tôi, vốn bám sát theo từng câu thơ nguyên tác. Trước khi đưa đi in, anh Huyến, có gửi cho tôi chế bản với những nhận xét của anh về bản dịch thơ, còn nhiều hơn nữa những chỗ bôi đỏ, vàng, xanh và dấu chấm hỏi, vì Huyến vốn kĩ tính trong dịch thuật và nghiệp vụ xuất bản. Nhưng còn làm gì được nữa? Yêu cầu bổ sung, dịch lại thì phải làm từ đầu! Phải chấp nhận thôi. Với hy vọng đã có bản dịch văn xuôi tốt, sẽ còn xuất hiện trong tương lai những bản dịch thơ khác, tốt hơn, và mong rằng của chính Vasili tâm huyết với Kiều, hai-ba chục năm sau, khi anh đã già giặn hơn. Trong các mail góp ý, tôi chỉ nêu ra những câu quá xa hoặc phản ý nguyên tác, những nhầm lẫn về nhân vật và những chi tiết nhà thơ-dịch giả thêm thắt gây phản cảm do trái với văn hóa phương Đông, như: nam nữ bắt tay nhau khi gặp gỡ, quỳ xuống hôn chân người yêu để cầu hôn, vợ chồng chia li ôm nhau trước mặt mọi người v.v…Thư cuối cùng, tôi viết cám ơn tấm lòng của anh:
“Уважаемый Василий!
.... Вы проделали огромную плодотворную работу. Поздравляю Вас. И большое спасибо за любовь и сочувствие к талантливой и многострадальной Киеу, без чего невозможно было бы выразить на русском языке её обаяние и ум, а равно и её душераздирающие взывания ко всем человеческим сердцам. О поэтической стороне перевода я. как иностранец, не компетенен судить. Я постарался обратить Ваше внимание только не некоторые места (замазанные мной красным цветом) или слишком далеки от смысла оригинала, или (в больших случаях) не соответствуют культурным нормам и традициям восточных стран. Как исправить - полагаюсь полностью на Ваше чутьё”.(Vasili kính mến!.. Anh đã hoàn thành một công trình sáng tạo to lớn. Tôi chúc mừng anh Và vô cùng cảm tạ anh về sự yêu thương và cảm thông với nàng Kiều tài hoa và thống khổ - không thế thì làm sao thể hiện được bằng tiếng Nga vẻ duyên dáng và trí thông minh của nàng cùng những tiếng kêu thương xé lòng của nàng hướng đến mọi trái tim con người. Về bình diện thi ca của bản dịch thì tôi là người ngoại quốc, nên không đủ khả năng phán xét. Tôi chỉ cố gắng chỉ ra những chỗ (có bôi đỏ) hoặc quá xa ý nguyên tác, hoặc (phần nhiều) không phù hợp với những chuẩn mực và truyền thống văn hóa phương Đông. Sửa thế nào thì tôi hoàn toàn tin vào trực giác của anh.)

    Tôi đặt dấu chấm hết cho việc dịch câu Kiều thứ 3254 vào hồi 01g13p đêm 10 - 04 - 2015. Như vậy là tôi đã dịch trọn vẹn Truyện Kiều trong 1 năm 5 tháng 4 ngày. Tiến độ có chậm hơn một tháng so với dự kiến là do 29 Tết Ât Mùi 2015 mẹ tôi (97, đúng tuổi Mùi!) bị tai biến não, ngay sáng Mồng Một tôi phải tức tốc bay vào TP Hồ Chí Minh, thẳng từ sân bay vào bệnh viện 115 và từ đấy luôn phải ra-vào các bệnh viện túc trực bên cụ. Tuy phải ngồi bên giường người mẹ già bị bạo bệnh, tôi vẫn dịch được ngót sáu trăm câu cuối cùng. Cũng thật may cho tôi: viêc làm đã giúp tôi bớt căng thẳng về thần kinh trong cái bối cảnh mẹ nằm bất động, xung quanh suốt ngày đêm người ta vật vã, rên la, khóc lóc…
   
Nhưng rồi… thất vọng lớn nhất bất ngờ đến với tôi hoàn toàn từ phía khác…
Ngày 25 - 8 - 2015 tôi nhận được mail của người tổ chức Dự án là TS Nguyễn Huy Hoàng, đoạn liên quan chuyện này như sau: “Hôm qua, em và Xocolov và một giáo viên của Viện Văn học mang tên Gorki, người đã đọc bản thảo, ngồi với nhau. Họ cho rằng, nếu in phần “литературный прозаический перевод” (bản dịch bằng văn xuôi mang tính văn học) sẽ không có lợi cho anh vì mấy lí do:
-    Bản dịch đúng, chi tiết, nhưng chưa Nga hóa, cần có thì giờ hiệu chỉnh lại.
-    Bản dịch của Popov có những chỗ phóng, không sát với ý anh dịch, nên khi đọc đối chiếu, làm hại chung toàn bộ công trình chung.
-    Anh sẽ không có một tác phẩm riêng.
-    Vì vậy em đề nghị
Em sẽ in riêng công trình của anh, với tên duy nhất của anh. Em đang đặt vấn đề với Xocolov xin Giấy phép với tư cách là trường viết văn Gorki và trung tâm Văn hóa Đông Tây hợp tác. Xocolov hiện là cán bộ của Trường. Như thế này, anh sẽ có một công trình riêng; và trong bản dịch thơ vẫn mang tên anh nữa…”
Ra thế! DO CÓ Ý ĐỒ KHÁC (muốn xuất bản một công trình ở Viện viết văn Gorki), nên sau lưng tôi, họ đã bỏ từ lâu (từ sau câu 1000!) việc hiệu đính để có lý do KHÔNG CÔNG BỐ bản dịch nghĩa như đã thỏa thuận trong kế hoạch Dự án, là do nó “chưa Nga hóa”, “sẽ không có lợi cho anh”. Họ có “thiện ý” giữ uy tín cho tôi, lại còn muốn tôi có “một công trình riêng” nữa kia đấy!!!
Trời ơi! Tôi đâu cần tất cả những điều đó! Cái tôi cần là nhân dịp kỷ niệm 250 năm sinh đại thi hào Nguyễn Du, phải có một công trình cho bạn đọc người Nga thấy là xứng tầm với một Danh nhân văn hóa được UNESCO vinh danh, cũng là thực hiện lời hứa của tôi tại Bảo tàng Cụ hơn mươi năm trước.
Tôi viết một cái mail gay gắt cho anh Hoàng, phản đối cái quyết định sau lưng tôi và đã vi phạm thỏa thuận ban đầu kia, yêu cầu TS A. Sokolkov tiếp tục hiệu đính, nhưng Hoàng hồi âm cho biết mẹ Anatoli ốm liệt (Kiều của cụ Nguyễn Du quả lận đận đoạn trường!), anh ấy một mình chăm sóc cụ, không thể làm việc được và bảo tôi viết thư cho Vasili Popov nhờ hiệu đính. Tôi đã làm theo lời khuyên của Hoàng, nhưng hóa ra nhà thơ trẻ này, qua quá trình căn cứ bản dịch văn xuôi của tôi để chuyển thành thơ, tỏ ra rất biết mình biết người. Anh hồi âm ngay:
“Мне нравится Ваше желание напечатать подстрочник вместе с поэтическим переводом – это хорошая идея. Но почему об этом так поздно спохватились. Вы сделали добротный, ясный подстрочник и действительно написали поэму в прозе. Но этот текст необходимо в некоторых местах подправить и привести в соответствие с нормами русского языка, а это требует времени. Хотя бы две недели плодотворной работы. Есть ли у нас это время? Да и тут нужен не поэт, а хороший редактор. Как я понимаю, до выхода книги осталось всего две-три недели – можем не успеть.”  (Tôi thích cái nguyện vọng của anh in bản dịch nghĩa từng câu cùng với bản dịch thơ – đó là một ý tưởng hay. Nhưng sao anh sực nhớ ra điều này muộn vậy. Anh đã làm một bản dịch nghĩa từng câu chất lượng, sáng rõ, và thực ra đã viết một trường ca bằng văn xuôi. Nhưng văn bản ấy cần phải sửa ở đôi chỗ và hiệu chỉnh cho phù hợp với các chuẩn mực tiếng Nga, và điều này đòi hỏi thời gian. Chí ít là hai tuần làm việc hiệu quả. Chúng ta còn thời hạn ấy không? Vả lại cái người cần cho việc này không phải nhà thơ mà là một biên tập viên giỏi. Theo tôi biết thì đến thời điểm ra sách chỉ còn hai-ba tuần – chúng ta có thể không kịp)…

Ảnh bên : Đến thăm cô Sophia (áo dài VN). Moskva 2009

Giá như tôi bỏ cuộc! Mặc cho cái công trình không có bản dịch bằng văn xuôi của tôi sẽ xuất hiện với một Nguyễn Du mờ nhạt, bị cắt xén! Khổ một nỗi vào phút tuyệt vọng tôi bỗng nhớ ra mình có một cô giáo làm thơ từ nhỏ, đọc thơ rất hay, từng chủ biên và biên tập nhiều thi tuyển – Sophia Leonidovna Kortrikova. Tôi lập tức viết mail cho cô, đề nghị cô hiệu đính lại từ đầu toàn bộ bản dịch và xin phép đề tên cô với đầy đủ học hàm học vị là người hiệu đính duy nhất. Hai ngày sau, cô hồi âm: “Дорогой Хой! Мне очень понравилось это произведение и в целом Ваш перевод, Вы хорошо чувствуете стиль автора, и у Вас богатый запас слов, но ошибки есть. Я начала работу …”(Khôi thân mến! Tôi rất thích tác phẩm này và bản dịch của em nói chung. Em cảm nhận tốt văn phong của tác giả và em có vốn từ phong phú, nhưng có một số lỗi. Tôi đã bắt đầu làm việc…)
Bình tĩnh lại, tôi biết là mình đã làm khổ cô Sophia rồi. Tôi quên khuấy là cô giáo đã 92 tuổi, bản tính cẩn trọng, làm việc rất nghiêm túc, mà thời hạn chỉ còn 2 tuần làm sao mà kịp được! Họ cố tình không bàn bạc với tôi, không thông báo sớm. Chủ tâm của họ là in Kiều không có bản dịch bám sát từng câu nguyên tác của tôi mà chính họ cũng phải gọi là “литертурный прозаический перевод”! Vì sợ “đọc đối chiếu làm hại chung toàn bộ công trình chung”!!!
Khi tôi gửi cho anh Hoàng 2/3 bản Kiều cô Sophia đã hiệu đính và tôi đã chữa lại cẩn thận, báo rằng cô chỉ còn 1222 câu là kết thúc, thì người tổ chức Dự án hồi âm gọn lỏn; “Em sẽ đọc phần anh vừa gửi tới với tư cách một bạn đọc”. Có nghĩa là họ ĐÃ đưa in sách không có phần “dịch văn xuôi có tính văn học”, mà giờ đây, sau sự gia công của một nhà giáo và nhà thơ thiên bẩm nó đã thành “bản dịch bằng thơ tự do” chuẩn xác cả về mặt tiếng Nga. 
Khi gửi trọn vẹn Kiều đã hiệu đính cho tôi, cô Sophia viết trong mail ngày 29 - 10 - 2015:
“Хой, Ваш перевод, действительно, не прозаический, лучше всего назвать это "Перевод свободным стихом” … У Вас получился настоящий свободный стих, и я, делая изменения,  старалась следовать  Вашей  размеренной повествовательной интонации, которая  очень подходит к произведениям, написанным в далекое от нас время…
Итак, получится:   Перевод свободным стихом: Ву Тхе Кхой
                                 Редактирование: Софья Корчикова”
(Khôi, bản dịch của em quả không phải là văn xuôi, đúng hơn phải gọi nó là “Dịch bằng thơ tự do” …Nó là thơ tự do thực sự, và tôi khi thực hiện những thay đổi, vẫn cố gắng tuân theo giọng điệu chậm rải tự sự của em, vốn rất phù hợp với những tác phẩm viết ở thời xa cách chúng ta. Vậy sẽ là:
Dịch bằng thơ tự do: Vũ Thế Khôi
Hiệu đính: Sophia Kortrikova). 


Ảnh bên: Cô giáo Sophia với sách Thơ Puskin  của trò Khôi

Đến nay tôi vẫn chưa dám thưa với cô là phần cô dồn hết tâm huyết vì tình yêu Việt Nam, yêu Nguyễn Du, không được in trong công trình kỷ niệm 250 năm sinh của đại thi hào, danh nhân văn hóa thế giới. Hồng Hạnh, bạn tôi ở Moskva, đến thăm cô, điện cho tôi: “Trông thấy cô, em thót tim… Cô yếu lắm rồi, anh ạ” Có phải do đợt lao tâm khổ tứ suốt một tháng mới rồi không? Tôi vội dặn Hạnh không nói gì với cô về bản Kiều sắp ra mắt. Vì cách đây chưa lâu, Sophia Leonidovna, cô giáo của những nguyên Bí thư trung ương Đảng và nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan, nguyên Thứ trưởng Hồ Huấn Nghiêm, nguyên Vụ trưởng Ngoại giao Hồ Thể Lan, của TSKH Nguyễn Tuyết Minh và dịch giả Hoàng Thúy Toàn, của NSND Đặng Nhật Minh và NGƯT Vũ Thế Khôi này nữa… đã bị một cú sôc, khi bộ sách dạy tiếng Nga cô còm cọm ngồi soạn cho học sinh Việt Nam và dùng những đồng lương hưu chắt chiu của minh để in ấn, mang đến Sứ quán Viêt Nam nhờ chuyển về tặng không cho các cơ sở đào tạo tiếng Nga ở Việt Nam, vậy mà bọn quan chức vô cảm và vô trách nhiệm ở cái cơ quan ngoại giao ấy vứt xó gầm cầu thang!

Không nên, không được phép để cô phải lần nữa thất vọng về người Việt.
Tôi nói với Hạnh: anh sẽ bay ra Hà Nội và tự tìm cách in bản dịch Kiều do cô Sophia hiệu đính này, trước hết để cô giáo kịp nhìn thấy tận mắt…
Lạy Trời Phật phù hộ cho tôi không phải ân hận vì đã lôi cuốn cô đến với nàng Kiều tài hoa mà bạc mệnh!

Vũ Thế Khôi
Thủ Đức – TP Hồ Chí Minh
06 – 08/11/2015
___________

Nguyễn Du
TRUYỆN KIỀU
HAY ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH

Dịch bằng thơ tự do: Vũ Thế Khôi
Hiệu đính: Sophia Kortrikova
(Trích đoạn minh hoạ)

Нгуен Зу

ПОВЕСТЬ О КИЕУ
ИЛИ НОВЫЕ СТЕНАНИЯ ИСТЕРЗАННОЙ ДУШИ

Перевод свободным стихом: Ву Тхе-Кхой
Редактирование: Софья Корчикова
(Отрывок для иллюстрации)
____

I.

№№ 1 – 2
Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.

В столетней жизни, отмеренной человеку на этом свете,
    Талант и Судьба изощряются в постоянной вражде
                                                                                              между собой.
№№ 3 – 4
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

Достаточно пережить одно превращение зеленого тутовника
                                                                                  в морскую пучину,
            Как душа уже болит от всего увиденного!

№№ 5 – 6
Lạ gì bỉ sắc tư phong,
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.

Дивиться тут нечего,  одно дано в избытке, так другое -
                 в недостатке: таланта много - счастья мало,
    К тому же у синего Неба издавна   завелся обычай
                                  ревностно  относиться к розощеким красавицам.
                       
№№ 7 – 8
    Cảo thơm lần giở trước đèn,
Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh.

И вот перед лампадой листаю пропахший временем фолиант,
    Который повествует о старинной, передающейся
                     из поколения в поколение истории благородной любви.
                   
№№ 9 – 10
Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh,
Bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng.

    Рассказывается, что в годы правления Жа Тинь
            при династии Мин  ,
    Когда тихо и спокойно на всех четырех сторонах Поднебесной
                                    и прочны обе столицы ,

№№ 11 – 12
Có nhà viên ngoại họ Vương,
Gia tư nghĩ cũng thường thường bực trung.

Жил один внештатный чиновник по фамилии Выонг,
    И состояние у него было небольшое,
                                                                    так, хозяйство средней руки.

№№ 13 – 14
Một trai con thứ rốt lòng,
Vương Quan là chữ, nối dòng nho gia.

    Из  потомства у него последним родился сын, продолжатель
                                        в семье учения Конфуция.
Литературное имя его – Выонг Куан.

№№ 15 – 16
Đầu lòng hai ả tố nga,
Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân,

    Первыми же на свет появились сестры-красавицы:
    Старшая звалась Тхуи Киеу, а младшая – Тхуи Ван;
   
№№ 17 – 18
Mai cốt cách, tuyết tinh thần,
Một người một vẻ, mười phân vẹn mười.

Стан у них был стройный и хрупкий, как  абрикосовые ветви,
                                а дух чистый, как свежий снег,
    Каждая прекрасна по-своему, и обе полны  совершенства.

№№ 19 – 20
Vân xem trang trọng khác vời,
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang

    Ван смотрится  по-особому статной, личико кругленькое ,
                               как полная луна,  все линии тела округлённые,
Улыбка свежа , как распустившийся цветок,

№№ 21 – 22
Hoa cười ngọc thốt đoan trang,
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.

А  речь целомудренна и струится, как падающие жемчужины;
    Темные тучи уступают красоте ее волос, а снег –
                                                                                       белизне ее кожи.

№№ 23 – 24
Kiều càng sắc sảo, mặn mà,
So bề tài, sắc, lại là phần hơn.

    Однако Киеу кажется приметней и привлекательней ,
    И талантом и красотой намного превосходит сестру:

№№ 25 – 26
Làn thu thủy, nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.

    Ее глаза как прозрачное осеннее озеро, а черты лица изящные,
                                                                      как весенние цветы в горах.
    Цветы завидуют ее красоте, а ивам обидно, что уступают ей
                                                                                                  в свежести.
   
№№ 27 – 28
Một, hai nghiêng nước nghiêng thành,
Sắc đành đòi một, tài đành họa hai.

Так прекрасна, что взглянет она один раз –
                          крепость зашатается, взглянет другой раз –
                                                                                  падет целое царство.
    Красотой одна такая в округе, а с подобным талантом
    не найти и двух равных.

№№ 29 – 30
Thông minh vốn sẵn tính trời,
Pha nghề thi họa, đủ mùi ca ngâm.

    Ее врожденный ум небом дарован,
    Владеет к тому же искусством стихосложения, живописью
                       и всеми видами мастерства песнопения,

№№ 31 – 32
Cung thương làu bậc ngũ âm,
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.

    Да еще усвоила в совершенстве пятиладный строй
восточной музыки,
Выдающегося мастерства в особенности добилась
            в игре на музыкальном инструменте тиба ;

№№ 33 – 34
Khúc nhà tay lựa nên xoang,
Một thiên bạc mệnh, lại càng não nhân.

На нем она и сочинила собственную музыкальную пьесу –
душераздирающую мелодию  с  названием
                             ”Hесчастливая судьба красоты”.

№№ 35 – 36
Phong lưu rất mực hồng quần,
Xuân xanh sấp xỉ tới tuần cập kê

    Поистине благородные красавицы
                                             в женских длинных красных панталонах,
И вешние годы обеих  –   как раз впору
                              шпилькой волосы заколоть .


№№ 37 – 38
Êm đềm trướng rủ màn che,
Tường đông ong bướm đi về mặc ai.

    Однако тихо и смирно живут в своих плотно занавешенных
                                        девичьих покоях,
    Не обращая никакого внимания на тех, кто , как рой шмелей
                 да мотыльков, кружится за восточной стеной.

***


4 nhận xét:

  1. Mới đọc đoạn minh hoạ này từ bản dịch “Kiều” ra tiếng Nga của tác giả Vũ Thế Khôi tôi đã thấy rất hay và hấp dẫn. lôi quấn – rất muốn đọc tiếp! Điều thú vị và bổ ích là, tôi người Việt, đọc đoạn dịch này ra tiếng Nga, tôi thấy hay, dễ hiểu và có phần hiểu thêm nhiều hơn ý nghĩa của các câu thơ, các từ ngữ trong nguyên tác! Vì thế tôi rất chờ được đọc tiếp toàn bộ bản dịch. Rất tiêc, vì sự không trung thực của người đễ xướng và điều hành Đề án dịch Truyện Kiều ra tiếng Nga. Tác phẩm dịch thuật này không được in kịp thời để ra mắt bạn đọc vào dịp 250 ngày sinh của đại thi hào Nguyễn Du.. Tôi rất cảm thông và xin chia sẻ với tác giả Vũ Thế Khôi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khâm phục cụ Việt Hùng vừa thạo tiếng Nga vưà thưởng thức Truyện Kiều.

      Xóa
    2. Cảm ơn cụ Nguyên Hân. Chào và chúc cụ luôn khoẻ mạnh!

      Xóa
  2. Rất đáng chú ý ý kiến nhận xét của Việt Hùng. Mõ Làng sẽ nhờ Trần Kháng Chiến liên hệ với anh Vũ Thế Khôi để có thông tin thêm gửi bạn. ( Anh Khôi là anh ruột của Vũ Tuấn Khiệm K6 )- các anh đều là con trai cụ Vũ Đình Hòe, cựu Bộ trưởng trong Chính phủ đầu tiên sau CM/8 do Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh làm Chủ tịch . (Calathau )

    Trả lờiXóa