Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2016

60 phút "Truy bức" MC Phan Anh trên VTV tiếp tục bị mổ xẻ .

Loạt bài viết của Thày giáo CHU MỘNG LONG 
( Đại học Quy Nhơn ) 
LusonQuelam - Dù quan điểm của chúng tôi có thể không đồng nhất với tác giả, nhưng những kiến thu nhận được sau khi đọc loạt bài viết này là không thể phủ nhận .

TÒA ÁN ĐẶC BIỆT: VTV xử án MC Phan Anh (Bài 1)
 
Đi tàu xe mệt, lại phải lên lớp suốt ngày. Tối nay không còn đủ sức viết bình luận đầy đủ về vụ VTV đấu tố MC Phan Anh. Bài này chỉ nói chung, khởi động cho những bài tiếp theo. Cho đến khi vụ cá chết được làm sáng tỏ.
Xem kĩ lại clip, tôi thấy đây không chỉ là một màn đấu tố thông thường mà là một Tòa án đặc biệt của thời cải cách ruộng đất đang hồi sinh trong thời đại @. Thay vì họp nội bộ xử kín cán bộ của mình, VTV đã xử lưu động bằng một chương trình công khai trước đại chúng để thị uy và chia sẻ lên mạng xã hội cho dư luận ném đá. Bản chất man rợ không kém thời trung cổ.
Tới giờ phút này, dù Phan Anh vẫn bình tĩnh và cố tỏ ra lịch sự, không trách đồng nghiệp, nhưng trong mắt tôi và cả triệu người, đó vẫn là một phiên tòa đặc biệt. Từ cách sắp xếp chỗ ngồi đến cách điều hành và lời lẽ hô ứng, áp đảo của những người ngồi ghế chủ tọa, dù có mang danh là “tranh luận mở” cũng không che đậy được ý đồ.
Phiên chất vấn, mang danh là tranh luận mở ấy, đúng bản chất là một phiên tòa với các vai:
- Chánh án: Tạ Bích Loan.
- Bồi thẩm đoàn: đại tá an ninh Hồng Thanh Quang, nhà tâm lí học Phạm Mạnh Hà.
- Bị can: Phan Anh.
- Luật sư: Na Sơn
- Khách mời tham dự: quần chúng (với vai trò giống bần cố nông đến vỗ tay và ném đá)
Một phiên tòa với những lí lẽ chụp mũ, chặn ngang, cắt cúp lời nói của bị can.
Một phiên tòa lấy thịt đè người.
Phiên tòa này sẽ đi vào lịch sử và ghi danh cho các ông bà trùm VTV.
Trước hết, hãy cám ơn VTV, trong lúc đấu tố MC Phan Anh, VTV đã vô tình khuấy động lại vụ cá chết, biển chết ở miền Trung. Vậy là cái vụ chết chóc đầy thảm họa về môi trường này chưa thể mai táng, mặc dù VTV cố tình mai táng dư luận bằng một clip mang thông điệp đe dọa cộng đồng mạng. Thậm chí, clip này còn hạ nhục hàng triệu người dân Việt Nam với những lời lẽ nhục mạ được gài đặt trong miệng của những người được mời tham dự, rằng, vụ cá chết được chia sẻ trên mạng là hiện tượng “bầy đàn” với động cơ xấu của con đầu đàn Phan Anh: “động cơ quyền lực”, như chuyên gia tâm lí Phạm Mạnh Hà phân tích.
VTV định dùng lời nói của chuyên gia tâm lí khoác áo thanh niên đi dọn rác này để xoay chuyển quyền lực từ tay một MC không quyền chức như Phan Anh thành quyền sinh quyền sát của chính VTV. Họ đặt ra hai điều:
1. Phan Anh với “động cơ quyền lực” đã kích động cộng đồng mạng đi đến hành vi ném đá.
2. Dùng lời một chuyên gia nghiên cứu tác động mạng xã hội để tố rằng, thông tin tiêu cực luôn được chia sẻ và gây bão mạng lớn hơn thông tin tích cực.
Cả 2 điều trên đều lập lờ đánh lận con đen.
1. Tòa không nói, nhân clip thí nghiệm 2 con cá chết của VTC, cộng đồng mạng đã ném đá vào ai. Chẳng lẽ nói dư luận ném đá vào kẻ nào đã trực tiếp hoặc tiếp tay hủy hoại môi trường? Và những kẻ ấy có đáng bị ném hay không? Thưa chánh án Tạ Bích Loan, bồi thẩm đoàn Hồng Thanh Quang và Phạm Mạnh Hà, tôi không là fan của Phan Anh, tôi và nhiều người cũng share trực tiếp cái clip của VTC ngay từ đầu và nói, hơn cả ném đá, rằng kẻ gieo rắc chết chóc cho môi trường đang còn giấu mặt ấy đáng bị trời tru đất diệt đấy. Chúng tôi mang động cơ tốt hay xấu?
Trả lời hộ luôn cho Tòa, rằng nó tốt cho cả cộng đồng, vì sự sống của cộng đồng và rất xấu cho những kẻ độc ác, tham lam như các người, chỉ vì tiền mà đang tâm giết hại đồng bào, dân tộc mình.
2. Nếu hành vi của Phan Anh gây bão mạng là tiêu cực thì có lẽ VTV tự cho việc share phiên tòa xét xử công khai, lưu động do mình tổ chức kia thuộc thông tin tích cực? Nhưng tôi lại tin rằng, chỉ trong vài tiếng đồng hồ sau khi được chia sẻ công khai phiên tòa này, nó đã mang lại hiệu ứng còn mạnh gấp trăm ngàn lần clip thí nghiệm 2 con cá chết kia. Nó mạnh đến mức, sức nóng của dư luận như đang đốt cháy cả cái ghế Ủy viên trung ương, Tổng giám đốc của Trần Bình Minh. Ý đồ của VTV muốn hạ nhục Phan Anh trước dư luận lại không ngờ bị phản ứng ngược: VTV bị dư luận hạ nhục như chưa bao giờ bị hạ nhục. Nhục đến mức phải gỡ ngay lập tức cái clip phản chủ kia.
Vậy thưa Tòa, việc xử án công khai, lưu động đối với bị can Phan Anh và chia sẻ lên mạng của VTV có thuộc “động cơ quyền lực” như chuyên gia tâm lí Phạm Mạnh Hà nói không? Tại sao “động cơ quyền lực” của một cơ quan đầy quyền lực như VTV lại không có tác động tương tự như Phan Anh đã làm? Hàng triệu người dân Việt mà VTV cố tình hạ nhục thành bầy đàn ấy tại sao lại không trở tay hùa theo VTV ném đá Phan Anh mà ném ngược vào VTV?
Một số báo chính thống ngày hôm nay nói nước đôi để chữa cháy, rằng clip về phiên tòa này đang gây tranh cãi. Theo tôi thấy, không có tranh cãi nào trên mạng cả. Chỉ có phỉ nhổ vào VTV. Không tin bà Tạ Bích Loan cho chuyên gia nghiên cứu mạng thống kê xem có bao nhiêu ý kiến bênh vực VTV?
Đến đây có thể nghi ngờ về động cơ của VTV. VTV làm việc cho ai, vì đại chúng hay vì một nhóm quyền lợi, vì đồng bào dân tộc mình hay vì ngoại bang?
VTV muốn dìm hàng VTC nhưng tại sao không mang VTC ra đấu tố mà phải mượn MC Phan Anh, cán bộ của mình ra tố. Đó có phải là trò ném đá giấu tay?
VTV phát động chương trình an toàn thực phẩm, trong khi lại cố tình che giấu sự thật về cá chết, biển chết? Động cơ của việc phát hành chương trình an toàn thực phẩm với liệt kê danh sách hàng loạt các tổ chức, cơ sở sản xuất có thực phẩm không an toàn mà VTV đã làm là gì? Có phải vì sức khỏe của cộng đồng hay chỉ vì tiền quảng cáo? Điều này lí giải vì sao trong khi báo chí vạch trần sự mất vệ sinh của nước uống Tân Hiệp Phát thì VTV lại liên tục ra rả quảng cáo mạnh hơn cho tập đoàn này! Phải chăng vì tiền mà VTV đã có thể làm tất cả, kể cả việc bịa chuyện nông dân lấy chổi quét rau để chà đạp lên miếng cơm của những người nông dân nghèo khổ?
Các người mang danh là nhà báo, nhà thơ, chuyên gia tâm lí… mà lại bán linh hồn cho quỷ, không thấy xấu hổ sao?
Tôi có quyền đặt những câu hỏi truy vấn trên. Không cần kết luận áp đặt. Trả lời đi!
------------------
Các bài tiếp theo sẽ bình luận về từng nhân vật, về chuyên môn và những lời phán xét của các nhân vật trong phiên tòa.
 
VTV XỬ ÁN PHAN ANH:Chánh án Tạ Bích Loan (bài 2)
Đóng vai trò người dẫn chương trình, nhưng Tạ Bích Loan thực hiện cả ba vai: cán bộ điều tra thẩm cung, công tố và xử án. Bà vừa dùng miệng lưỡi dẫn dắt chương trình vừa sử dụng quyền lực mớm cung, ép cung, buộc tội và kết án. Tất nhiên, tất cả đều mượn hình thức “trao đổi, tranh luận mở” để đánh lừa người xem.
Cách làm này dễ liên hệ ngược với những tòa án đã gây oan sai như vụ Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, mặc dù ở các phiên tòa kia các vai được phân chia rõ ràng. Cán cân công lí của Thần Công lí đã bị chảy ra và chỉ còn lại thanh gươm cho sự chém giết vô tội vạ, nói theo cách của Nguyễn Ái Quốc trong Bản án chế độ thực dân Pháp.
Bà Tạ Bích Loan sẽ đi vào huyền thoại như một Thần Công lí như thế ở Việt Nam, mặc dù chỉ là một kịch bản truyền hình.
Điều gây phẫn nộ mạnh mẽ ở cộng đồng mạng là khi phát hiện ra, chương trình tranh luận kéo dài 2 tiếng đã bị cắt xén thành một clip 60 phút, trong đó nội dung đã bị cắt cúp để thực hiện một mưu đồ, trong đó rõ nhất là đánh lừa và đe dọa, mạ lị cộng đồng mạng. Có thể nói bị can Phan Anh bị bịt mồm 2 lần, trong lúc trao đổi giữa tòa và trong khi trình chiếu và bị ném lên mạng xã hội.
Bây giờ ta hãy phân tích cái cán cân công lí mà Tạ Bích Loan đã sử dụng trong phiên xử án.
Ban đầu, để tỏ ra khách quan, trên công đường chỉ có Tạ Bích Loan và Phan Anh đối mặt để đối chất tay đôi trước người tham dự là bọn trẻ thanh niên. Hình ảnh đập vào mắt người xem trước hết là dòng chữ: chia sẻ lên mạng xã hội để làm gì? Dòng chữ này định hướng mục đích của phiên tòa: phải vạch trần cho được động cơ của bị can trước công luận. Căn cứ pháp lí duy nhất để kết tội bị can là cái clip thí nghiệm cá chết của Bá Thăng, phóng viên VTC.
Trước khi tranh luận, cái clip thí nghiệm của VTC được đưa ra, coi như là một bản án đã viết sẵn cho VTC. Lời bình phán xét đây là clip “thiếu tính khoa học”, “không xác thực”, tức giả mạo dựa trên phản ứng cơ quan chức năng Hà Tĩnh và phóng sự của nhóm truyền hình Hà Tĩnh. Trong khi Bá Thăng đã nói rõ khi thực hiện thí nghiệm này, rằng đó không là thí nghiệm khoa học mà chỉ là một “thí nghiệm trực quan” về sức chịu đựng của mấy con cá trong một chậu nước bị ô nhiễm. Tạ Bích Loan lờ tịt phản hồi của VTC bác bỏ lời của nhân chứng, bà chủ nhà hàng Lý Hộ, trong video dàn dựng của nhóm truyền hình địa phương. Nhóm này giả vờ đến bất ngờ lúc bà chủ Lý Hộ đang ngủ, giả vờ hỏi khách quan, và ghi lời bà chủ Lý Hộ làm chứng. Một cách tạo nhân chứng lố bịch và đầy mâu thuẫn. Một mặt bà chủ Lý Hộ khẳng định Bá Thăng lấy nước tại đây, bà cũng thừa nhận cán bộ quan trắc môi trường sở tại không hợp tác và cũng thừa nhận ở đây không còn cá và Bá Thăng phải mang đi nơi khác thí nghiệm, ở đâu, với loại cá gì bà không biết. Nhưng mặt khác, phần cuối của video, họ mớm thế nào bà lại khẳng định như đinh đóng cột, rằng đó là cá nước ngọt!?
Loại nhân chứng này, dân gian gọi là ngậm máu phun người!
May mà Bá Thăng có cả 4 nhân chứng sống khác (khó mà giết hết cả 4 người để diệt khẩu) khẳng định đã chứng kiến trực tiếp cuộc thí nghiệm trực quan này với loại cá nước mặn có tên là Hồng Mỹ. (tại đây: https://www.facebook.com/HaTinh24h/videos/1077290819010412/).
Bất chấp phản hồi của VTC, dùng vật chứng, nhân chứng một chiều, bà Tạ Bích Loan thực thi một thứ quyền thẩm cung, công tố và phán xử theo cách ngậm máu phun người để kết tội Phan Anh ngay từ đầu: Phan Anh đã chia sẻ clip thí nghiệm giả mạo của VTC để “gây hoang mang dư luận”, hàm ý, chính Phan Anh đã phá hoại cuộc sống của mọi người, gây bất ổn về an ninh chính trị! May mà VTC không phải là truyền hình của Việt Tân!
Tiếp theo, Tạ Bích Loan thực hiện “đúng quy trình” xử án như các vụ Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, truy vấn Phan Anh về động cơ của hành vi phạm tội. Cách truy vấn của Tạ Bích Loan giống cán bộ điều tra trong trại giam hơn là giữa tòa, xoay đi trở lại: anh chia sẻ clip của VTC để làm gì? Để đạt cho bằng được mục tiêu, ngoài chặn họng, cắt ngang, cướp lời, Tạ Bích Loan mời thêm Hồng Thanh Quang và Phạm Mạnh Hà, một đại tá an ninh, một chuyên gia tâm lí hành vi lên ghế chủ tọa để làm bồi thẩm đoàn hỗ trợ pháp lí cho việc kết tội của bà ta, kể cả sau đó còn bổ sung thêm hai người mà tôi dám chắc là chuyên gia an ninh mạng Nguyễn Thái Sơn, nhà thơ Hoàng Minh Trí (biệt danh Cu Trí) tham gia thẩm vấn về tác động của những thông tin tiêu cực!
Kẻ hô người ứng, kể cả hùng hổ to tiếng, tìm mọi cách áp đặt lên bị can. Bản án được đưa ra:
1) Kết tội thứ nhất, dựa trên ý kiến của bồi thẩm đoàn, chuyên gia tâm lí hành vi Phạm Mạnh Hà, là: Phan Anh mang “động cơ quyền lực” để thực thi hành vi phạm tội. Động cơ quyền lực chỉ có thể mang nghĩa là động cơ chính trị thù địch hòng lôi kéo, kích động, xúi giục “đám đông” làm loạn.
2) Kết tội thứ hai, dựa trên áp đặt của đại tá an ninh Hồng Thanh Quang, rằng Phan Anh đã “ngụy biện” trước tòa. Có nghĩa là bị can không thành thật khai báo, quanh co chối tội.
3) Kết tội thứ ba, dựa theo chuyên gia an ninh mạng Nguyễn Thái Sơn, là tác hại của loại thông tin tiêu cực đối với đời sống người dân. Có nghĩa là việc làm của Phan Anh đã gây hậu quả nghiêm trọng, theo lời mớm của Tạ Bích Loan là lượng thông tin tiêu cực ấy đã “thúc đẩy hành động”… mặc dù bà không nói rõ hành động gì. Còn tôi thì ám thị đó là hành động lật đổ như đã được tuyên truyền!
Cả ba tội trên đều mang hàm nghĩa thuộc tội phạm hình sự, theo điều 88 hoặc 158. Thất kinh!
60 phút ngắn ngủi cho một phiên tòa để đi đến các nội dung kết tội như đã dự định trước. Bọn phản động, thù địch Việt Tân gọi mỉa mai đó là án bỏ túi!
Tôi phân tích hoàn toàn khách quan trên clip 60 phút đó, không cần biết bà Tạ Bích Loan trong quá trình biên tập đã cắt cúp như thế nào. Bà đừng biện luận là do lỗi biên tập nhé!
Mượn lời chuyên gia tâm lí hành vi Phạm Mạnh Hà, tôi khẳng định như đinh đóng cột, rằng Tạ Bích Loan khi thực hiện chương trình lẫn chia sẻ clip lên mạng xã hội là hành vi thực hiện “động cơ quyền lực” rất rõ ràng, mặc dù không ai trao cho bà cái quyền ở các vai bà đã đóng. Tôi nghĩ thế và tin như thế, bà Tạ Bích Loan và những người quản lí VTV nghĩ sao?
Cũng theo tâm lí học hành vi, tôi cho rằng, việc làm của Tạ Bích Loan và những người cùng hội xuất phát từ động cơ thúc ép Phan Anh nhận tội trước công luận để diễn tập cho một tòa án hình sự thật sự diễn ra sau đó hòng dập tắt dư luận về vụ đầu độc biển và môi trường.
Nếu tôi nói sai thì là lỗi của bà, vì chính clip của bà đã buộc tôi phải phân tích như vậy! Nếu có tác động tiêu cực nào đó, tôi cũng tin là từ clip của bà mà ra. Nếu bà không hữu ý thì cũng vô tình khoét sâu sự thù địch, chia rẽ, xung đột. Riêng động cơ của tôi không nhằm kích động, không xúi giục ai làm loạn, vì tôi yêu hòa bình và yêu sự thật. Đơn giản là tôi chỉ thực hiện một phân tích khoa học hay giải một huyền thoại thời đại @ cho mọi người sáng tỏ. Huyền thoại ấy mang tên Tạ Bích Loan.
-------------

Đón đọc bài tiếp: Trình độ tâm lí học của bồi thẩm viên, chuyên gia tâm lí hành vi Phạm Mạnh Hà.
 
VTV XỬ ÁN PHAN ANH: 
Trình độ của bồi thẩm viên Phạm Mạnh Hà (bài 3)
 
Phạm Mạnh Hà được chánh án Tạ Bích Loan giới thiệu là chuyên gia tâm lí học hành vi đến từ Học viện thanh thiếu niên Việt Nam.
Phạm Mạnh Hà được mời ở phút thứ 2.50 của clip, ngồi cùng ghế chủ tọa với Tạ Bích Loan.
Anh ta xuất hiện đúng quy trình, sau khi Tạ Bích Loan truy vấn “hành vi chia sẻ clip cá chết của Phan Anh với động cơ gì?” Có che giấu ý đồ kĩ càng cỡ nào người xem cũng nhận ra, mọi sự đã nằm trong kế hoạch, rằng, nếu Phan Anh không chịu thú nhận động cơ của mình thì sẽ có chuyên gia tâm lí vạch trần cho.
Phạm Mạnh Hà giữ vai trò như một bồi thẩm viên kết hợp với vai trò công tố viên.
Kết luận của một chuyên gia tâm lí hành vi thì không thể sai được và Phan Anh không thể chối cãi.
Ấn tượng đối với vị bồi thẩm viên này là vừa múa mồm vừa múa tay đầy tự tin về tri thức mà mình có được.
Anh ta không cần phân tích tâm lí hành vi theo công thức S – R (một kích thích kéo theo một phản ứng) của ông tổ J. Watson mà trích dẫn một hơi Lý thuyết McClelland để lòe. Đó là thuyết về nhu cầu, động cơ thúc đẩy hành vi một con người gồm: động cơ tồn tại (được mọi người biết đến mình), động cơ liên kết, giao tiếp (muốn kết nối nhiều người, hiểu được quan điểm suy nghĩ của mình) và nhu cầu quyền lực (nhu cầu tác động người khác, người khác phải nghe theo mình). Phạm Mạnh Hà khẳng định như đinh đóng cột rằng, hành vi Phan Anh chia sẻ clip cá chết thuộc “động cơ quyền lực”!
Không biết, Phạm Mạnh Hà dựa vào kích thích nào, phản ứng nào tạo ra hành vi của Phan Anh mà giải đoán ra cái kết quả động cơ như vậy ta?
Có lẽ là trong não Phạm Mạnh Hà đã loại trừ 2 động cơ trước, vì cho rằng, Phan Anh là một MC của chương trình giải trí, có nhiều Fan, chắc chắn Phan Anh nuôi một động cơ quyền lực rất lớn, lớn hơn cả ông Trần Bình Minh suốt ngày ngồi trong phòng lạnh không ai biết! Phan Anh có thể sử dụng quyền lực của mình lôi kéo, kích động cả triệu Fan làm loạn, như chính chánh án Tạ Bích Loan tiếp lời, rằng Phan Anh là MC, động cơ của Phan Anh phải khác với những người từng chia sẻ clip này!
Một MC mà kích động được một đám đông hay “bầy đàn” làm loạn là chuyện xưa nay chưa từng có. Tôi chắc rằng, nếu không bụng ta suy ra bụng người thì đó là một phức cảm vừa đố kị vừa ám thị đầy sợ hãi của giới lãnh đạo dốt nát.
Thật ngạc nhiên là giới lãnh đạo đã tới hạn đố kị và sợ hãi luôn đối với một MC truyền hình. Điều này còn kinh hơn Giang Trạch Dân đố kị với Pháp Luân Công vì thấy càng ngày càng nhiều người Trung Quốc theo Pháp Luân Công???
Quay lại cái lí thuyết mà Phạm Mạnh Hà đưa ra để luận tội Phan Anh. Phạm Mạnh Hà thuộc trường phái học thức chộp giật, không biết ngữ cảnh của thuyết kia từ đâu ra. Thực ra McClelland không nằm trong danh sách các nhà tâm lí học hành vi. Điều McClelland nuốn nói là trong một môi trường làm việc, thường là công sở, động lực các thành viên lao động được chia ra làm 3 nhóm:
- Nhóm muốn thử thách và đạt hiệu quả công việc cao,
- Nhóm muốn hòa vào đám đông để làm công việc ít rủi ro,
- Nhóm muốn có quyền lực, điều khiển và tác động người khác làm theo ý mình.
Dựa vào sự phân chia thành viên nhóm như vậy, các lãnh đạo sẽ có cách phân chia và điều hành công việc hợp lý. Lý thuyết McClelland vì thế thuộc quản trị công sở hay doanh nghiệp chứ chẳng liên quan đến các mác tâm lí học hành vi của Phạm Mạnh Hà.
Dẫn ra như vậy để thấy bọn teen gọi loại người "dốt mà cố tỏ ra nguy hiểm” có vẻ vận vào ông đấy, Phạm Mạnh Hà ạ!
Kết tội một con người không thể vơ quàng vơ xiên tùy tiện được đâu, thưa ông bồi thẩm viên với mớ kiến thức lỗ mỗ chộp giật không đầu không cuối.
Nhìn ông với cái mác khoa học gia tâm lí hành vi mà cứ nhớ đến cái luận án tiến sĩ nghiên cứu hành vi của chủ tịch xã tiếp dân từng làm nhiều người đau… bụng.
Muốn nói đến khái niệm quyền lực, tôi giảng cho ông nghe. Đúng là Phan Anh hay bất cứ ai chia sẻ thông tin về vụ cá chết trên mạng xã hội đều có liên quan đến vấn đề quyền lực, nhưng nội dung không phải như ông đã phán. Quyền lực, như M. Foucault nói, không phải là một cấu trúc mà là một quan hệ tương tác giữa hai thế lực: quyền lực thống trị (dominant power) và quyền lực phản kháng (resistant power). Ở đây, một khi kẻ thống trị cố tìm cách trấn áp dư luận, bưng bít thông tin, ắt sinh ra sự phản kháng bằng cách chia sẻ thông tin, vạch trần sự thật. Không cần là một MC như Phan Anh, bất cứ ai có hành vi như thế đều là một cách giải phóng, trút xả năng lượng bị ức chế để thực thi quyền phản kháng của mình.
Rõ chưa? Học nhiều đi đã rồi hãy lên truyền hình múa mồm, múa chữ!
Có câu Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã (Khổng Tử). Không ai là người biết tuốt. Không biết không nói ra người ta cũng không chê mình dốt.
Biết hạng trí thức như Phạm Mạnh Hà không ít ở các loại học viện, trong đó có Học viện thanh thiếu niên, cho nên tôi mới hiểu vì sao không ít thanh thiếu niên Việt Nam hiện nay càng ngày càng sa đọa vào những hành vi như liếm ghế sao Hàn, sao Hồng một cách điên điên khùng khùng!
Các ông kích thích kiểu gì để sinh ra phản ứng và hành vi như vậy cho cả một thế hệ.
Liếm ghế có thuộc “động cơ quyền lực” không, chuyên gia tâm lí hành vi Phạm Mạnh Hà thử giải thích xem?
----------
Hình ảnh cắt từ clip: Chuyên gia tâm lí học hành vi Phạm Mạnh Hà.
Đón đọc bài 4: Bồi thẩm viên hung hăng kiêm nhà thơ Hồng Thanh Quang.
VTV XỬ ÁN PHAN ANH (Bài 4): 
Đại tá an ninh kiêm nhà thơ Hồng Thanh Quang
 
Hồng Thanh Quang được chủ tọa Tạ Bích Loan giới thiệu là Tổng biên tập Báo Đại đoàn kết, đại tá an ninh, kiêm nhà thơ, facebooker nổi tiếng.
Hồng Thanh Quang xuất hiện từ phút 6:54 của chương trình, sau khi Phan Anh bị đấu tố dồn dập bởi 2 chủ tọa Tạ Bích Loan và Phạm Mạnh Hà. Câu hỏi được xoáy đi xoáy lại, Phan Anh chia sẻ clip cá chết của VTC để làm gì và có lợi cho ai?
“Động cơ” và “lợi ích” được truy vấn đến cùng suốt buổi hỏi cung nhằm cạy miệng Phan Anh phải nói ra. Nếu quy chiếu với cách hỏi cung của công an, thì đó chính là cách tạo thế buộc đối tượng phải nhận tội để ghi vào hồ sơ.
Sau hơn 5 phút giằng co, Phan Anh vẫn không nói ra theo ý đồ của kẻ đạo diễn, mặc dù bồi thẩm viên, chuyên gia tâm lí hành vi Phạm Mạnh Hà đã mớm cung, rằng đó “động cơ quyền lực”. Nếu Phan Anh nhận ngay động cơ này thì có lẽ không cần triệu đến Hồng Thanh Quang. Bởi chỉ cần thú nhận “động cơ quyền lực” là người ta có thể suy diễn, quy chụp rằng Phan Anh đã lợi dụng ảnh hưởng của mình để kích động, xúi giục dân chúng làm loạn. Không chừng những vụ biểu tình vừa rồi có Phan Anh đứng đằng sau?
Chưa nói, nếu truy vấn được cái gọi là “lợi ích cho ai”, “vì ai” mà Tạ Bích Loan thay mặt cả nhóm nhắc đi nhắc lại trong clip, thì Phan Anh chỉ có thể bị… nhập kho! Ý đồ của họ đơn giản là, nếu không vì lợi ích cá nhân hay cộng đồng thì là vì lợi ích của một tổ chức nào đó, Việt Tân chẳng hạn. Đây là thủ thuật kinh điển để kết tội “thù địch”, “phản động”.
Sự cứng đầu cứng cổ của Phan Anh đang cần bàn tay sắt để trấn áp. Đó là lí do Hồng Thanh Quang xuất hiện trong kế hoạch đã trù tính trước. Nếu tôi nói không sai thì người ta đang chủ mưu không mớm cung được thì ép cung, bức cung.
Cách vung tay, gằn giọng, hầm hè với gương mặt biểu lộ đầy chất hình sự của ông đại tá an ninh thể hiện rõ chủ mưu ấy.
Đó là lí do cộng đồng mạng tỏ ra bức xúc với VTV và những người làm chương trình thì ít mà bức xúc, thậm chí căm ghét, phẫn nộ với Hồng Thanh Quang thì nhiều. Tôi phải gỡ rất nhiều những comment mạt sát ông ấy ngay trên trang của tôi để giải tỏa sự kích động không đáng có.
Có thể nhiều người thành kiến với công an, cho nên nhân vụ này bộc lộ sự căm ghét, phẫn nộ ra mặt đối với ông đại tá an ninh nằm vùng trong làng báo.
Riêng tôi, thưa ông Hồng Thanh Quang, không có lí do gì để thành kiến với công an, vì nhà Chu tôi cũng có vài người trong ngành, chưa kể vài chục bạn bè thân thiết làm công an, cũng cỡ hàm thượng tá, đại tá như ông. Cho nên, ông an tâm, tôi sẽ bình luận khách quan, từ ngữ trung tính đúng nghĩa, dựa trên hành vi của ông trên sàn diễn đấu tố có một không hai này.
Khi Phan Anh nói rõ động cơ của mình là cần sự dũng cảm lên tiếng, sự chia sẻ vì cộng đồng thì ông chụp ngay cái mũ “ngụy biện”, tức dối trá, quanh co, chối tội. Ông áp đặt một cách hàm hồ mà không chỉ ra người ta đã ngụy biện ở chỗ nào. Thái độ ấy chỉ có thể là sự lạm dụng quyền lực để trấn áp kẻ yếu hơn mình.
Chân tướng của một đại tá an ninh võ biền, sát thủ thể hiện ngay từ đầu, mặc dù sau đó, ông cố gắng đeo vào cái mặt nạ nhà thơ cho nhã nhặn. Ông dẫn thơ Xuân Diệu: “Người ta khổ vì yêu không phải chỗ…”. Ít ai hiểu ông dẫn mấy câu thơ tình này ra để làm gì. Chẳng nhẽ tình yêu đày đọa, trái ngang của ông hoàng thơ tình kia lại có liên quan đến Phan Anh khi chia sẻ clip cá chết. Tôi phải vận hết nội lực của trí tuệ mới tạm hiểu ông muốn nói gì. Phải chăng dọa nạt không được thì ông dùng thơ dụ ngọt Phan Anh hãy đặt tình yêu cho đúng chỗ, tình yêu với kẻ đang tâm phá hoại môi trường để có được sự đền đáp xứng đáng chứ đặt tình yêu vào đám đông “bầy đàn” như động vật trên mạng thì được tích sự gì?
Thì ra sự “lương thiện hay cả tin” mà ông thuyết giảng huyên thuyên sau đó nằm trong thứ “tình yêu” này. Ông khen Phan Anh lương thiện cả tin nhưng thực chất là chê Phan Anh thiếu khôn ngoan, không vì kẻ có quyền lực mà vì đám đông “bầy đàn”. Thảo nào, trong lúc biển chết, cá chết, ngư dân điêu đứng mà Báo Đại đoàn kết của ông không đưa tin, kể cả tư cách một Facebooker nổi tiếng như ông mà trên tường nhà ông chỉ có thơ tình để ru ngủ các fan đang thèm ngủ.
Lâu nay tôi tưởng thơ thì phải lấy lòng nhân làm đầu, tình cảm phải trong sáng vô tư chứ không nghĩ nó lại thực dụng đến vậy. Tôi hứa với ông sẽ thay đổi lí luận về thơ, rằng, nhà thơ phải là kẻ biết cách làm thơ có thưởng, không được thưởng quyền chức, tiền Việt thì cũng được thưởng đô la, nhân dân tệ cho nó hiện đại.
Ông luận về Facebook, về việc người ta chia sẻ những thông tin tiêu cực rằng, những thông tin ấy “làm cho cái ác sinh sôi, chưa bao giờ cái ác được ve vuốt, nịnh bợ, xoa dịu như vậy!” Không biết ông dựa vào đâu mà phán xét như vậy? Trang nào, ở đâu người ta chia sẻ thông tin tiêu cực mà cái ác sinh sôi và được vuốt ve, nịnh bợ, xoa dịu? Tôi thì thấy hoàn toàn ngược lại. Những trang chia sẻ những thông tin tiêu cực luôn làm cho cộng đồng căm ghét, phẫn nộ với cái ác. Khi người ta biết căm ghét phẫn nộ với cái ác ắt người ta lương thiện. Còn những trang chỉ có thơ văn ngợi ca ru ngủ, cái ác mới thực sự được ve vuốt, nịnh bợ, ông Hồng Thanh Quang ạ!
Bây giờ ông thử đưa công khai lên Báo Đại đoàn kết của ông hay trang FB của ông về một ông quan tham nhũng nào đó, xem thử cộng đồng có ve vuốt, nịnh bợ như ông nghĩ không? Ông tưởng dân Việt ai cũng như các ông hay sao?
Đoạn kết của clip, thông điệp ông đưa ra, chắc chắn là cho Phan Anh, rằng phải chịu trách nhiệm với hành vi của mình, rằng “đã có lỗi thì phải biết hối lỗi”. Ông không nói lỗi với ai. Nhưng tôi hiểu, trong suy nghĩ của ông, Phan Anh có lỗi với những người bảo kê cho kẻ tàn phá môi trường gieo rắc chết chóc cho đồng loại. Trong trái tim của ông không có dân chúng trong đó nên mới có suy nghĩ bệnh hoạn như vậy!
Chuyện cá chết, môi trường ô nhiểm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của tất cả mọi người, trong đó có cả gia đình của các ông bà, mà các ông bà lên diễn đàn tuyên bố không phải việc của một MC như Phan Anh hay những người đã chia sẻ thông tin, thì tôi không thể hiểu nổi trái tim của các người làm bằng gì?
Thân làm Tổng biên tập một tờ báo mang danh Đại đoàn kết mà suy nghĩ nói năng như ông, tôi tin chỉ có thể gây chia rẽ, mất đoàn kết!
Điều tôi viết về Hồng Thanh Quang hôm nay không chỉ dành cho riêng ông. Những người cùng bè với ông: Nguyễn Thái Sơn, Hoàng Minh Trí nhấn đi nhấn lại tác hại của thông tin tiêu cực đã gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng chắc chắn có cùng bản chất như ông. Các ông khoe biết làm thơ, chẳng nhẽ các ông không biết, các áng văn chương kiệt tác xưa nay đều không phải là thứ văn chương ru ngủ mà toàn phản ánh dữ dội những tiêu cực trong đó. Hay các ông muốn kết án luôn những đại văn hào như Balzac, Dostoevski, Đỗ Phủ, Lỗ Tấn, Nguyễn Du, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng… vì họ toàn đưa thông tin tiêu cực vào trang văn nên đã gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, “gieo rắc vào đầu người đọc sự sợ hãi, hoang mang”, như anh Cu Trí nhấn mạnh khi khoe khoang những bài thơ ru ngủ trên FB của mình!
Tôi thì tin chắc, những trang văn chứa nhiều thông tin tiêu cực sẽ góp phần tiêu diệt tiêu cực, tiêu diệt cái ác. Ai mang trong mình cái ác đều sợ hãi nên lúc nào cũng ám thị “thù địch” và tìm cách trấn áp.
Nói đến đây, tôi buộc phải quay lại chuyện ông bình luận về một người phụ nữ đi biểu tình vì môi trường bị đánh dã man. Trong bình luận ấy, ông có một câu “tất nhiên”, rất đạo đức quân tử: “tôi luôn cho rằng, không nên đánh người phụ nữ dù chỉ bằng một cành hoa hồng”. Nhưng cũng trong lời bình ấy ông lại ra cú đánh bằng roi cặc ngựa của một kẻ có thừa “động cơ quyền lực” vào người phụ nữ mà ông cho là Xúy Vân giả dại kia. Ông cởi quần người ta để lôi cả đời tư ra mạt sát, rằng “người đàn bà đã từng đem con do “ăn ốc” với người đàn ông này ra vu vạ bắt người đàn ông khác “đổ vỏ” làm bố thì có thể tạo dựng nên nhiều lí do vu vạ xã hội”. Ông làm nhà thơ, nhà báo mà sao biết tỏng chuyện “ăn ốc đổ vỏ” của người ta, trừ phi ông là mật vụ trá hình. Tôi nghĩ nếu chị ấy có là đảng viên Việt Tân cũng không nên có cách đối xử mạt sát, hạ nhục như vậy, nếu chúng ta vẫn nhân danh đạo đức, văn minh.
Kết thúc bài này, tôi tặng ông chuyện thật của nhà tôi. Nhà tôi có ông anh họ cũng đại tá an ninh như ông. Thỉnh thoảng giỗ tết anh em gặp nhau, anh ấy cũng làm thơ đọc thơ cho mọi người nghe. Tôi nói, anh làm công an thì lo làm công an cho tốt. Nhớ câu quyền lực là chỉ để phục vụ, không phải để trấn áp. Làm công an mà biết làm thơ thì nguy. Anh ấy trố mắt hỏi vì sao? Tôi nói, cái giống thơ ca ấy, nếu nó không làm cho anh trở nên mềm yếu thì cũng biến anh thành kẻ đạo đức giả! Bởi vì thơ sẽ thành vỏ bọc che chắn ngụy trang cho cái ác! Từ đó anh ấy tuyệt không làm thơ nữa mà lo tròn phận sự của mình!
Hy vọng quý ông bà có tên trong loạt bài này đọc xong không tỏ ra thù địch mà phục thiện, quay đầu về với nhân dân. Nhân dân luôn mở vòng tay yêu thương.
------------

Đón đọc bài tiếp: VTV sử dụng Tâm lí học hành vi hay thí nghiệm của Pavlov đối với dân.
P/s: Các bạn bình luận tử tế để thu phục nhân tâm. Tránh dùng từ ngữ chỉ chỗ kín hay con vật ra mạt sát người ta. Cám ơn!

1 nhận xét:

  1. Cám ơn ông CHU MỘNG LONG đã viết, phân tích căn kẽ, đã làm cho tôi sáng mắt ra. Cám ơn anh Calathau Vũ đã đem bài này về đây để tôi được dọc. Thế là tôi đã hiểu thêm được nhiều rồi. Xin chào !

    Trả lờiXóa