Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2016

BÍ THƯ ĐINH LA THĂNG LẠI GHI ĐIỂM !

Bi thư Đinh La Thăng: 
Vượt lên thù hận, chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn !
Tin cũ (HTV 26/5/2016): Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã trao quyết định thành lập Đại học Fulbright Việt Nam cho nguyên Thượng nghị sĩ Bob Kerrey - Chủ tịch Hội đồng Tín thác Đại học Fulbright Việt Nam.
Buổi lễ được diễn ra dưới sự chứng kiến của Bí Thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng và Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry. Đây là sự kiện quan trọng mở ra triển vọng hợp tác kinh tế, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục giữa Việt Nam và Hoa Kỳ và đánh dấu bước phát triển mới thông qua việc chính thức thành lập trường Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) tại TP.HCM - trường đại học độc lập, phi lợi nhuận đầu tiên của Việt Nam. 

TTO 04/06/2016 16:02 GMT+ - Những ngày qua, nhiều ý kiến tranh luận về việc bổ nhiệm ông Bob Kerrey - một cựu binh trong chiến tranh Việt Nam - làm chủ tịch hội đồng tín thác ĐH quốc tế Fulbright. Tuổi Trẻ giới thiệu ý kiến Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng về việc này. 
Trả lời câu hỏi về nhiều ý kiến cho rằng nguyên thượng nghị sĩ Bob Kerrey sắp tới không nên ở vị trí chủ tịch hội đồng tín thác Đại học Fulbright vì những sai lầm phạm phải trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, ý kiến của ông ra sao?, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đáp:
1. Trước hết, TP.HCM đánh giá cao và ủng hộ mạnh mẽ dự án Đại học Fulbright Việt Nam (FUV). Chúng tôi đã cùng với phía Hoa Kỳ làm mọi cách để dự án này thành hiện thực, như mọi người đang thấy.
Tôi cho rằng FUV sẽ đóng góp hữu ích cho chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực không chỉ riêng cho thành phố Hồ Chí Minh, là dự án hướng tới tương lai của Việt Nam.
Điều này mang một ý nghĩa rất quan trọng về mặt phát triển cũng như tăng cường sự hiểu biết giữa hai nước, góp phần củng cố mối quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ.
FUV cũng là một bằng chứng cụ thể và có tính biểu tượng cao cho thấy Việt Nam và Hoa Kỳ đang quyết tâm “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai” một cách thiết thực và hiệu quả.
2. Về dư luận liên quan tới quá khứ của ông Bob Kerrey, tôi cho rằng đó là một phản ứng có thể hiểu được nếu chỉ xét ở khía cạnh cảm xúc. Nhưng khi nhìn lại bất cứ sự kiện lịch sử nào, cần phải đặt trong mối tương quan với hiện tại, vì thế nếu chỉ cảm xúc thôi là chưa đủ.
Chúng ta cần thêm cả một lý trí tỉnh táo và sáng suốt. Chúng ta hãy cùng đọc những lời tâm sự đau đớn của ông Bob Kerrey được báo Quân Đội Nhân Dân ghi lại từ năm 2001, ngay sau khi sự kiện Thạnh Phong được công bố: “Nếu tôi mất cả hai tay, hai chân, cả thị lực, thính lực của mình, thì cũng không nhiều bằng những gì tôi đã mất đêm hôm đó… Tôi xin nhân dân Việt Nam tha thứ cho tôi”.
Ngày 29-5-2016, khi truyền thông Việt Nam nêu lại vấn đề này, ông Bob Kerrey tiếp tục thể hiện sự hối lỗi sâu sắc: “Tôi đã xin lỗi nhân dân Việt Nam về những gì tôi gây ra trong chiến tranh và giờ tôi xin lỗi lại một lần nữa. Một cách thành tâm và cùng những nỗi đau của ký ức mãi mãi ám ảnh, tôi xin lỗi những người mà tôi đã gây hại tới”.
Tôi nghĩ đó là những lời thốt ra từ gan ruột một con người hoàn toàn bất lực với việc sửa chữa lỗi lầm của mình.
Vì thế, ông đã tìm mọi cách khác để chuộc lỗi với nhân dân Việt Nam, trong đó có việc nỗ lực sử dụng vai trò thượng nghị sĩ, cùng với Thượng nghị sĩ John McCain và Ngoại trưởng John Kerry, kêu gọi và gây sức ép lên Chính phủ Hoa Kỳ, yêu cầu bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.
Ông là người ủng hộ mạnh mẽ đàm phán các hiệp định thương mại giữa hai nước, cải thiện hệ thống giáo dục Việt Nam thông qua chương trình Fulbright.
Tổng thống Barack Obama, trong phát biểu trước thanh niên tại TP.HCM ngày 25-5 vừa qua, đã cảm ơn và ghi nhận đích danh ông Bob Kerrey vì đã đi đầu trong quá trình bình thường hóa quan hệ hai nước.
Tôi hiểu ông phải rất can đảm khi quyết định nhận cương vị hiện nay, dù hiểu rõ hậu quả của nó, cũng vì để có cơ hội tốt nhất giúp cho dự án FUV thành công, hiến tặng nhân dân Việt Nam những kinh nghiệm quý báu mà ông tích cóp trong nhiều năm qua.
Những nỗ lực của ông Bob Kerrey là hoàn toàn chân thành và cần được ghi nhận.
3. Tôi thiết nghĩ trong vấn đề liên quan đến ông Bob Kerrey, chúng ta nên được soi sáng bởi cách xử lý và truyền thống tự trọng, nhân ái, vượt qua thù hận, vị tha, và hướng tới tương lai của ông cha ta trong suốt chiều dài lịch sử hào hùng của dân tộc.
Nếu chúng ta không giàu lòng tha thứ, thì dân tộc này đã không thể mạnh mẽ và đáng được kính trọng như ngày hôm nay.
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama và việc ra đời của FUV, theo tôi, là một cơ hội lịch sử để chúng ta chấp nhận sự hòa giải và nên là dịp để cả hai nước khép hẳn lại quá khứ, cùng hướng tới tương lai tốt đẹp hơn, vì con cháu chúng ta và vì lợi ích lâu dài của dân tộc.
Hãy để cho ông Bob Kerrey được thêm một lần nữa cảm nhận sự vĩ đại của đất nước mà ông đã gây đau thương chỉ vì thiếu hiểu biết. Lịch sử thì không thể thay đổi, nhưng tương lai lại tùy thuộc vào mỗi chúng ta.
Vượt lên thù hận, chúng ta sẽ chỉ càng cho thấy chúng ta mạnh mẽ và cao lớn về tầm vóc văn hóa.

6 nhận xét:

  1. Quá chuẩn! Một nhân cách và một tầm nhìn đáng trân trọng.

    Trả lờiXóa
  2. Ông ĐLT không chỉ biết nói, làm mà còn có tầm nhìn xa và tư duy đáng nể!

    Trả lờiXóa
  3. Ô.Đinh La Thăng nói về việc này đáng thay mặt người Việt nam yêu nước.Trước đã có ý kiến ông N M. Thuyết và nhà Nguyên Ngọc đều đáng nể

    Trả lờiXóa
  4. Nguyễn Ngọc Hùng15:40 7/6/16

    Trao quyết định cho FUV, cũng như cho Đội hòa bình Mỹ (Peace Corps) dạy tiếng Anh ở VN là thể hiện chủ trương chấp nhận nền giáo dục Mỹ tại VN. Đây là bước tiến rất căn bản trên con đường hội nhập với thế giới, bởi đây là "hội nhập về hệ tư tưởng". Tôi cho rang đây là bước tiến có ý nghĩa trọng đại tiếp theo việc chấp nhận bước vào thế giới Internet hồi cuối thế kỷ trước.

    Trả lờiXóa
  5. Trong BCT có lẽ duy nhất có ông ĐLThăng dám công khai phát biểu về "đề tài có nhiều tranh cãi này", mà ông nói lại ..."chuẩn không cần... chỉnh" mới hay chứ. Rất hoan nghênh!.
    Đáng lẽ anh Huynh Thường trực và anh Thưởng Tuyên huấn cũng nên học tâp và làm theo gương "bác...Thăng" mà phát biểu bày tỏ quan điểm của mình để dân chúng biết chứ. Ại lại"Im lặng đáng sợ"/ đáng thất vọng như vậy!.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nguyễn Ngọc Hùng15:42 8/6/16

      Theo tôi, ông Huynh thuộc diện không thể chấp nhận "hội nhập hệ tư tưởng". Ông Thưởng thuộc loại chỉ biết nói theo ông Trọng, ông Huynh. bởi thế, không thể mong 2 ông này "noi gương anh Thăng" được. Nhưng trong BCT hiện nay, số ủy viên đồng quan điểm với "anh Thăng" đã chiếm đa số. Mà nguyên tắc là "thiểu số phục tùng đa số", nên các ông kiểu Trọng, Huynh... phải thua thôi.

      Xóa