Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 25 tháng 1, 2015

THẤY GÌ QUA VỤ TẤN CÔNG VÀO TÒA BÁO Charlie Hebdo


Những đổ vỡ và cơ hội từ Charlie
Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai Amsterdam University of Applied Sciences
(Bài xuất bản từ 15 tháng 1 năm 2015)

Hệ lụy khủng khiếp mà cuộc tấn công vào tòa báo Charlie Hebdo tuần qua mang lại trước tiên đương nhiên là mạng người, kể cả vô tội lẫn có tội (tùy theo quan điểm của từng người). Nhìn ở một góc độ sâu xa hơn, đây là đòn đánh thẳng vào một trong những giá trị cơ bản nhất của văn hóa Pháp.
Quyền tự do ngôn luận được chính thức xuất hiện dưới văn bản pháp lý từ thế kỷ thứ 17 ở Anh (Bill of Right) và thế kỷ thứ 18 trong thời cách mạng Pháp (Right of Man). Người Pháp nổi tiếng bởi tính cách thích tranh luận, mổ xẻ, soi xét xuôi ngược hoặc đưa ra các ý kiến trái chiều để nhìn sự việc dưới góc độ thấu đáo nhất có thể. Có lẽ chính vì vậy mà nước Pháp sản sinh ra nhiều nhà tư tưởng lỗi lạc.
Tự do ngôn luận, tự do suy nghĩ, tự do thể hiện quyền dân chủ trở thành nền tảng cho một tính cách dân tộc và danh tính văn hoá. Cuộc tấn công vào Charlie chính vì vậy được nhìn nhận như thể một cuộc tấn công vào quyền được là người Pháp trên đất Pháp.
Nhưng Charlie cũng là cơ hội để chúng ta xem xét lại những quan điểm cũng như sự ngộ nhận đã âm ỉ từ nhiều năm qua:

Xung đột giữa Hồi giáo và phương Tây?

Em trai viên cảnh sát bị giết Ahmed Merabet nói những kẻ giết người không phải là người Hồi mà chỉ là những phần tử khủng bố.
Xin lưu ý ngay từ đầu là hai trong số những nạn nhân trong cuộc tấn công là người Hồi. Ông Mustapha Ourrad là biên tập viên tranh biếm hoạ và viên cảnh sát Ahmed Merabet. Những tuyên bố phản đối cuộc tàn sát đầu tiên thuộc về các lãnh tụ Hồi giáo. Không thể đếm được con số tín đồ Hồi nguyền rủa những kẻ sát nhân, và đương nhiên không thể đếm được những người Hồi dành cả ngày chủ nhật vừa qua để tham gia vào cuộc tuần hành phản đối, không những ở khắp châu Âu mà thậm chí ở Ramallah (Palestine).
Nói một cách ngắn gọn, người Hồi ở cả hai bên chiến tuyến. Trong thực tế, số người Hồi là nạn nhân của Hồi giáo cực đoan nhiều gấp 8 lần số nạn nhân không phải là người Hồi giáo. Thủ lĩnh Hồi giáo Hezbollah tuyên bố vụ tấn công vào Charlie là hành động phỉ báng Hồi giáo gấp nhiều lần những bức biếm họa.
Chúng ta không nên quên rằng có hàng triệu chiến sĩ đấu tranh dân chủ người Hồi đã bị giết, đang bị cầm tù, sống hoặc trốn tránh sự đe doạ của các thế lực từ công quyền đến đạo hữu cực đoan cùng tôn giáo
Chính vì vậy, bất kỳ một tuyên bố nào cho rằng đây là biểu trưng của sự xung đột giá trị giữa Hồi giáo và phương Tây không những là nhận định sai lầm mà còn hết sức nguy hiểm. Nó phủ nhận những giá trị chung của con người mà người Hồi, người Thiên Chúa, Do Thái, Phật giáo hay bất kỳ ai khác đều xứng đáng được hưởng.
Những người bạn tôi tại Trung Đông thường vô cùng tức giận khi ai đó nhận xét rằng văn hóa Hồi giáo là văn hóa bầy đàn, người Hồi về bản chất không-muốn dân chủ và không thể thực hiện dân chủ bởi dân chủ là giá trị của phương Tây. Họ cho đó là sự xúc phạm đến tính nguời cơ bản, bởi luận điệu này ám chỉ dân Hồi không đáng được hưởng những hạng mục nhân quyền nền tảng của nhân loại.
Chúng ta không nên quên rằng có hàng triệu chiến sĩ đấu tranh dân chủ người Hồi đã bị giết, đang bị cầm tù, sống hoặc trốn tránh sự đe doạ của các thế lực từ công quyền đến đạo hữu cực đoan cùng tôn giáo. Họ chính là những Charlie Hồi giáo mà chúng ta không biết, không quan tâm, hoặc từ chối công nhận vì suy nghĩ của chúng ta có thể đã bị tẩy não bởi sự thiên lệch của nhận thức.

Người Hồi có trách nhiệm gì trong vụ Charlie?
Cộng đồng Hồi giáo ở Madrid xuống đường dương biểu ngữ Đạo hồi là hòa bình để bày tỏ tình đoàn kết với các nạn nhân.
Một trong những tweet gây phản cảm nhất trong mấy ngày qua đến từ trang của trùm tài phiệt báo chí người Mỹ gốc Úc Rupert Murdoch. Ông cho rằng có thể người Hồi yêu hòa bình thật, nhưng họ chỉ có thể chứng tỏ được điều đó khi họ xóa bỏ được căn bệnh ung thư thánh chiến của Hồi giáo cực đoan, bằng không, người Hồi phải gánh chịu trách nhiệm.
Ông Murdoch có lẽ tới giờ đã thấm đòn sau phát ngôn thiếu logic và thiếu tình người của mình. Chúng ta không thể bắt 1,6 tỷ tín đồ Hồi phải nhận trách nhiệm vì một vài kẻ cực đoan hành xử man rợ trên danh nghĩa Hồi giáo. Chúng ta không thể bắt hơn 2 tỷ tín đồ Thiên Chúa phải liên tục thấy hối lỗi vì Thập Tự Chinh diễn ra trên danh nghĩa đức tin. Chúng ta không thể bắt hơn 80 triệu người Đức phải trả giá vì Hitler, bất chấp việc kẻ sát nhân này đã dương cao ngọn cờ dân tộc Đức và dòng máu thuần khiết để cuớp đi hàng triệu mạng người vô tội.
Người Hồi không có trách nhiệm gì trong vụ Charlie... Họ đã là nạn nhân của chính những đạo hữu của mình
Tương tự, không ai có quyền bắt hàng tỷ người Hồi ở châu Á và khắp các góc khuất nẻo của thế giới phải liên tục xin lỗi, liên tục thanh minh cho sự trong sạch của mình. Đòi hỏi họ làm điều đó cũng có nghĩa là chúng ta mặc định họ trước tiên là những kẻ khủng bố cực đoan, và họ chỉ có thể là một công dân yêu hoà bình khi họ mở miệng tuyên ngôn chống lại cực đoan. Việc mặc định cứ tín đồ Hồi giáo là có tội cho đến khi họ được chứng minh, hoặc tự chứng minh mình vô tội là sự phân biệt đối xử tinh vi nhất mà chúng ta đang vô tình thực hiện.
Người Hồi không có trách nhiệm gì trong vụ Charlie, ngoài những trách nhiệm mà bất kỳ những công dân nào cũng phải hoàn thành. Họ đã là nạn nhân của chính những đạo hữu của mình, họ không nhất thiết phải trở thành nạn nhân của toàn bộ phần còn lại của thế giới.
Tình cảnh của người Hồi khá giống với tình cảnh của người da đen. Một tweet khá nổi tiếng đã chỉ ra xã hội chúng ta phân biệt đối xử như thế nào:
"Một gã côn đồ Hồi giáo nổ súng --> Cả một tôn giáo bị gán tội Một gã côn đồ da đen nổ súng --> Cả một giống người bị gán tội Một gã côn đồ da trắng nổ súng --> Chỉ là một thằng điên gây tội"
Đáp lại tweet của ông Murdoch, tác giả của Harry Potter, bà Rowling đã mỉa mai rằng vì mình sinh ra đã là người Thiên Chúa, điều này có nghĩa là bà cũng phải gánh chịu trách nhiệm với thiên hạ vì trên đời bỗng dưng có một kẻ (ngu xuẩn) cùng tôn giáo tên là Murdoch.

Những kẻ tấn công có đúng với các "danh hiệu" mà họ được nhận không?
 Anh em nhà Kouachi nói với cảnh sát họ sẵn sàng chuẩn bị sẵn cho cái chết khi bị bủa vây.
Tử vì đạo (martyr) vốn là một danh hiệu cao quý, và đương nhiên, kẻ tử vì đạo trước hết phải là những tín đồ gương mẫu. Những kẻ tấn công Charlie có một tiền sử hoàn toàn đi ngược lại những gì một tín đồ Hồi gương mẫu cần có. Kouachi uống rượu, hút xách, dùng thuốc và chất kích thích.
Là những đứa trẻ không cha không mẹ, anh em nhà Kouachi sống bên lề xã hội, thiếu ăn, thiếu giáo dục, và thất nghiệp triền miên hoặc làm những công việc tạm thời như đưa bánh pizza và xếp đồ trong siêu thị. Cuộc sống vất vưởng như một công dân hạng hai là một trong những lý do được nhìn nhận như nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc cực đoan hóa như một con đường để giải thoát.
Lý do thứ hai khiến những gã thanh niên trẻ tuổi trở thành jihadist (chiến binh thánh chiến) là sự mất thăng bằng về danh tính xã hội. Khắp châu Âu, hàng chục triệu người Hồi trẻ tuổi sinh ra và lớn lên tại phương Tây từ những gia đình nhập cư. Thế hệ cha mẹ họ thường chú tâm vào lao động miệt mài và coi nhẹ phần nào hoặc không đủ kinh nghiệm để giáo dục con cái có một tâm thức cân bằng và thái độ ứng xử phù hợp trước những xung đột giá trị văn hoá của gia đình và xã hội.

Việc những hoạ sĩ bị giết là phạm luật chơi công bằng và đây chính là điều khiến thế giới nổi giận.
Những thanh niên này thiệt thòi so với các tín hữu tại quê gốc nơi họ được sống giữa một xã hội mà các giá trị Hồi giáo được dạy dỗ, lưu truyền, và cân bằng, cái gì sai cái gì đúng đều nhanh chóng được mọi người xung quanh chấn chỉnh. Tại phương Tây, họ cảm thấy mình mất gốc, hỗn loạn về danh tính, thiếu người hướng đạo, bị xã hội nhìn nhận như tội đồ chỉ vì tôn giáo của mình. Hầu hết trong số họ đều vượt qua giai đoạn này một cách khó khăn, những các nhân rớt lại trở thành con mồi ngon cho các tổ chức và cá nhân cực đoan.
Kouachi là trường hợp tiêu biểu. Thoạt tiên, Kouachi bị thúc giục bởi các động cơ chính trị chứ không phải tôn giáo. Kouachi bị tù 3 năm sau khi tìm cách bay sang Iraq để chống lại cuộc xâm chiếm của Mỹ. Nhà tù mở ra một thiên đường cho những phần tử cực đoan tìm đến với nhau và Kouachi trở thành tín đồ thánh chiến.
Nhìn lại cuộc tấn công vào Charlie, dù Kouachi tuyên bố đây là cuộc trả thù cho thiên sứ Muhammad bị vẽ châm biếm, về bản chất, chúng ta có thể thấy rõ hơn động lực của Kouachi thiên về hệ quả của những vấn đề chính trị xã hội hơn là nguyên nhân tôn giáo.
Một giả thuyết được Joan Coal nêu ra ủng hộ quan điểm này cho rằng Al-Qaeda muốn chia rẽ xã hội Pháp. Những cuộc tấn công như thế này có thể nhanh chóng khiến cho người Pháp nổi giận, tấn công trả đũa người Hồi. Thù trả qua trả lại, máu đổi bằng nhiều máu hơn, chẳng mấy chốc mà nền tảng của Pháp phải lung lay.

Không có lửa làm sao có khói?

Khá nhiều người cho rằng Charlie Hebdo ngu ngốc, khiêu khích lũ cực đoan, báng bổ thần thánh, và vì thế phải chịu hậu quả là đáng đời.
Nhận định này cần xem xét từ yếu tố giới hạn của tự do. Nhà tư tưởng Anh John Stuart Mill cho rằng tự do cần được hạn chế đến mức chỉ khi nó làm hại người khác (harm principle). Sau này, Joel Feinberg thêm vào giới hạn thấp hơn là tự do không thể xúc phạm người khác (offense principle).
Tuy nhiên, vấn đề cốt yếu là mỗi cá nhân, mỗi xã hội lại có những mức độ nhạy cảm khác nhau về việc thế nào là làm hại và thế nào là xúc phạm. Mỗi quốc gia có một hệ thống luật pháp riêng để xác định giới hạn của tự do ngôn luận. Sự giới hạn quá mức sẽ khiến chính quyền trở thành độc tài và cản trở sự phát triển, sự giới hạn quá thấp sẽ gây tác hại hoặc xâm phạm đến các cá nhân khác trong xã hội.
Khi có sự bất đồng, toà án là nơi xác định việc một phát ngôn có vượt quá giới hạn tự do hay không. Đây chính là nguyên nhân Charlie Hebdo đã bị kiện ra toà trước đó.
Vấn đề cốt yếu là mỗi cá nhân, mỗi xã hội lại có những mức độ nhạy cảm khác nhau về việc thế nào là làm hại và thế nào là xúc phạm
Việc những hoạ sĩ bị giết là phạm luật chơi công bằng. Và đây chính là điều khiến thế giới nổi giận. Điều đó cũng tương tự như một cuộc giao đấu mà một kẻ tấn công bằng gậy gộc còn đối thủ thì tấn công bằng súng ngắn. Mục đích của một kẻ là trêu tức, châm trích. Mục đích của kẻ kia là giết chết đối thủ để khỏi cần phải tiếp tục cuộc đấu.
Nếu Charlie đi quá giới hạn, đối thủ của họ cũng có thể đi quá giới hạn bằng những vũ khí tương đương, hoặc kiện ra toà. Charlie hoàn toàn có thể bị phạt, đóng cửa, hoặc sạt nghiệp nếu bị chứng minh là sản phẩm của họ gây hại cho xã hội.
Thành thực mà nói, nội dung biếm hoạ của Charlie không hề xuất sắc, bản thân tôi cho rằng họ không đáng được tồn tại. Ở những môi trường pháp luật khác, những họa sĩ này có lẽ đã bị tẩy chay hoặc thất nghiệp từ lâu rồi. Tuy nhiên, quyền được tồn tại của họ là bất khả xâm phạm nếu tòa án xác nhận giới hạn châm biếm chưa vượt quá mức quy định. Đây là nền tảng của một nhà nước pháp quyền. Không cá nhân nào có quyền ăn cắp cây gươm của luật pháp để hành xử theo luật rừng.
Nhắc lại một chi tiết đã nêu ở trên, viên cảnh sát Ahmed và cái chết của anh có thể tuyên ngôn như sau: "Charlie Hebdo xúc phạm tôn giáo của tôi nhưng tôi hy sinh để bảo vệ quyền được xúc phạm của họ và quyền bị xúc phạm của tôi".
Trong một khuôn khổ luật pháp luật nhất định, ta phải bảo vệ quyền cơ bản này vì đó là cách duy nhất để ta có thể xúc phạm lại đối phương và đòi lại công lý cho bản thân mình.

Giờ chúng ta phải làm gì?

Theo tác giả, cuộc tấn công vào Charlie cũng khiến chúng ta nhìn nhận lại quyền tự do ngôn luận của chính mình và hiểu rằng tự do ngôn luận luôn đi kèm với nghĩa vụ phải có trách nhiệm với phát ngôn của mình.
Việc nhiều người chúng ta có cái nhìn nghi kỵ với Hồi giáo là điều hoàn toàn có thể giải thích được. Hầu hết chúng ta đều không tiếp xúc trực tiếp với người Hồi. Thậm chí trong những nền văn hoá đa quốc gia như Mỹ, 60% dân số chưa bao giờ giao tiếp với người Hồi. Những gì chúng ta biết về họ đều thông qua các tin tức sự kiện trên báo chí. Hậu quả là việc chúng ta chỉ nhìn thấy những tín đồ Hồi giáo cực đoan và mặc định rằng toàn bộ người Hồi là mối hiểm họa của xã hội.
Theo thống kê của viện nghiên cứu tôn giáo Pew, 27% dân Pháp không thích người Hồi. Con số này ở Đức là 33%, ở Ý là 64%.
Điều đó lý giải sự hạn hẹp trong cuộc sống xã hội của chúng ta, sự co cụm trong những mối quan hệ giản đơn, dễ chịu. Hơn hết, đó là sự thiếu hiểu biết về những giá trị tinh thần của chính đồng bào mình. Chỉ cần có một người quen theo đạo là đủ để tạo ra một thế cân bằng mạnh mẽ: "Người Hồi không thể thế được, đơn giản vì bạn của tôi không thế".

Điều chúng ta có thể làm khi đối mặt với cực đoan là chúng ta phải mỉm cười. Trả đũa cực đoan bằng cực đoan chỉ dẫn đến thảm họa
Cuộc tấn công vào Charlie cũng khiến chúng ta nhìn nhận lại quyền tự do ngôn luận của chính mình và hiểu rằng tự do ngôn luận luôn đi kèm với nghĩa vụ phải có trách nhiệm với phát ngôn của mình. Tôi hiểu rằng trong một khuôn khổ nhất định, luật pháp bảo vệ những phát ngôn của tôi, cho dù nó có ngu xuẩn, xúc phạm đến kẻ khác. Tuy nhiên, tôi lựa chọn việc im lặng hoặc phát ngôn một cách có trách nhiệm với xã hội hết mức có thể. Trách nhiệm đó không bị ép buộc bởi luật pháp mà là tiếng nói của con dế lương tâm trong mỗi người.
Cuối cùng, điều chúng ta có thể làm khi đối mặt với cực đoan là chúng ta phải mỉm cười. Trả đũa cực đoan bằng cực đoan chỉ dẫn đến thảm họa. Cô bé Malala (giải Nobel Hoà Bình năm 2014) khi được hỏi sẽ làm gì nếu lại bị Taliban tấn công lần nữa đã nói rằng, đối mặt với kẻ muốn hại chết mình, cô sẽ nhắc lại tuyên ngôn về giáo dục cho trẻ em, và sau đó để kẻ thù tự do làm điều mà hắn muốn. Tại sao? Bởi nếu cô cũng muốn giết hắn, thì cô và những kẻ cực đoan đó đâu có khác gì nhau?
Tại Na Uy, sau thảm hoạ giết người của kẻ cực đoan tại Utoya, chính quyền không tuyên chiến với khủng bố mà kêu gọi người dân đáp trả bằng việc trụ vững với những giá trị của mình: nhiều dân chủ hơn, nhiều tự do hơn, nhiều nhân quyền hơn.
Chúng ta hãy chờ xem liệu điều tương tự có xảy ra ở Pháp, liệu đảng cực hữu LePen có thắng thế, liệu người Pháp có thể chấp nhận rằng dân số hơn 5 triệu người Hồi ở đây là người Pháp. Đây là quê hương của họ, họ không thể và sẽ không đi đâu cả. Họ là một phần bất khả tách rời của Pháp, và khi họ cất tiếng nói, đó nhất định là tiếng nói của những giá trị Pháp.
---------------------------------------------------
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả, hiện đang giảng dạy môn Trung Đông Học tại Đại học Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan và là tác giả cuốn Con Đường Hồi Giáo viết về 12 quốc gia Trung Đông thời hậu Mùa Xuân Ả Rập.
Nguồn BBC

10 nhận xét:

  1. Cám ơn blog QL đã cung cấp thêm những hiểu biết cần thiết về HỒI GIÁO.

    Trả lờiXóa
  2. Mõ thích câu này : "Điều chúng ta có thể làm khi đối mặt với cực đoan là chúng ta phải mỉm cười. Trả đũa cực đoan bằng cực đoan chỉ dẫn đến thảm họa"
    Phải chăng câu này có thể hiểu : Dùng hận thù để đối phó với hận thù thì chỉ dẫn đến …thảm họa ?

    Trả lờiXóa
  3. kyvinhhung21:36 25/1/15

    Tôi lại thích câu này: " Không cá nhân nào có quyền ăn cắp cây gươm của luật pháp để hành xử theo luật rừng.", Đó chinh là cơ sở của một xã hội thượng tôn pháp luật- một xã hội văn minh,tự do dân chủ đích thực mà chúng ta phải hướng tới dù muốn hay không,sớm hay muộn..
    Có lẽ như nhiều cụ làng ta,tôi hiểu biết rất hạn chế về đạo Hồi. Nhưng dường như cộng đồng của họ cũng có nhiều trường phái chi nhánh khác nhau, quan điểm tư tưởng và cách hành xử khác nhau. Đa số thì yêu hòa bình, thân thiện nhưng có một số kẻ cực đoan tập hợp lại trong cái gọi là IS.
    Riêng những kẻ khủng bố thì tôi cho rằng không thể hy vọng vào lòng tốt của họ; lấy lòng nhân ái để thuyết phục họ như ý kiến tác giả.Vì sao? Qua quan sát,phân tích, tôi cho rằng, những kẻ khủng bố cực đoan liều chết chính là những phần tử bất mãn sâu sắc với xã hội đương đại về mọi phương diện của cuộc sống; họ không tìm thấy tương lại trong bất kỳ thể chế chính trị nào,quốc gia nào nên sẵn sàng trả thù đời rồi tìm đến cái chết.Chính vì vậy ta mới thấy có hiện tượng nhiều thanh thiếu niên, PN ở các nước Phương Tây đi theo IS như tìm đến một thế giới khác có thể giải tỏa mọi bế tắc trong cuộc sống của họ. Đó chính là sản phẩm tất yếu của một giai đoạn phát triển mới trong lịch sử loài người, khi mà sự bất công do khoảng cách giàu nghèo tăng lên khủng khiếp. Chỉ có thể giải quyết vđ khi ở đâu đó thực hiện được công bằng xã hội thật sự.Đó chính là bài học cần rút ra từ hiện tượng khủng bố cực đoan.
    Rất cám ơn Làng đã cho đọc một tài liệu hay....

    Trả lờiXóa
  4. Bài viết, theo em, là sâu sắc...đối diện với một trong những vấn đề nóng của thế giới. Em cũng khá bất ngờ với kết luận của bài: "Điều chúng ta có thể làm khi đối mặt với cực đoan là chúng ta phải mỉm cười" và rất đồng tình với ý tưởng " Trả đũa cực đoan bằng cực đoan chỉ dẫn đến thảm họa"...

    Trả lờiXóa
  5. Vấn đề của bạn KVH đặt ra cũng chính là giải pháp " Lấy nhân nghĩa thăng hung tàn". Tuyên bố diệt tận gốc IS bằng vũ lực thì dễ, nhưng có thực hiện được không lại là chuyện ...xa vời ! Hãy tạo mọi điều kiện cho những người nhập cư từ thế giới Thứ 3, người da mầu, người theo Đạo Hồi v.v...hòa nhập thực sự với xã hội Pháp thì tư tưởng quá khích vì mặc cảm nghèo hèn sẽ không có đất tồn tại !

    Trả lờiXóa
  6. Đọc bài này tôi thấy cần bớt thành kiến với ĐẠO Hồi và thấy cần phân biệt THẬT RÕ giữa những người hồi giáo chân chính (đại đa số) và bọn hồi giáo cực đoan. Nhưng chính bọn này đang và sẽ gây thảm hoạ cho thế giới (loài người) mà vũ khí thâm hiểm nhất của chúng chính là lợi dụng sự BẤT CÔNG ngày càng tăng trên toàn thế giới, không phân biệt đông tây nam bắc!

    Trả lờiXóa
  7. Tôi có dịp tiếp kiến với một số Việt kiều Pháp,khi tôi bầy tỏ quan điểm của mình tiếc vì Charlie cho đăng biếm hoa lại sau khi bị khủng bố .Vì nếu biết dừng lại thì sẽ được cảm tình,ủng hộ của phần đông người hối giáo.Mặt trận chống phần tử hồi goáo cục đoan càng thu phục các quốc gia HG...Những ngừoi nhiều tuổi giải thích rằng đó là do VH Pháp có nền tảng tự do ngôn luận lâu đời .Còn lớp trẻ đồng ý với quan điẻm của tôi tự do cần giơi hạn không thể súc phạm tín ngưỡng của một tôn giáo V..V
    Bài viết này phân tích rất sâu sắc về hệ qủa của các diễn biến sau vụ tấn công. Nhưng để giải quyết hậu quả thì thật quá nan giai.Đúng là trả đũa cực đoan bằng cực đoan là tối sách !

    Trả lờiXóa
  8. Tôi có ấn tượng cực kỳ sâu sắc câu hát của vai thằng mõ trong vở chèo viết về đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, do đoàn Chèo HP biểu diễn trên sân khấu Nhà hát lớn Tp từ những thập niên 80 thế kỷ 20. Mở màn ra, sân khấu xuất hiện cảnh làng quê nghèo xơ xác. Anh Mõ Làng cầm mõ vừa gõ vừa hát theo điệu " Con gà rừng" Đói nghèo thì sinh ra cộng sản ! Đói nghèo thi sinh ra cộng sản !. Bây giờ nghĩ lại, tự thắc mắc, vậy hết đói nghèo thì cũng hết CS à ? Các cụ giải đáp thắc mắc này giúp Mõ được không ạ ?

    Trả lờiXóa
  9. kyvinhhung12:33 26/1/15

    iem xin phát biểu! Có một qui luật bất biến của xã hội là ở đâu tồn tại sự bất công,áp bức, đói nghèo, mất tự do,dân chủ,ở đó có hành động phản ứng bằng những phương pháp khác nhau của "những người khốn khổ". Một bộ phận người Hồi giáo cũng như những người nghèo khổ, bất mãn đối với xã hội Phương Tây thuộc nhiều quốc tịch khác nhau đã không tìm thấy lối thoát ở lý tưởng CS, CM vô sản v.vnhư trước đây .nên tập họp nhau lại trong một tổ chức tự xưng để xây dựng thế giới mới theo lý tưởng tôn giáo của họ. Vì vậy về nguyên tắc không thể tiêu diệt hết những người bất mãn chế độ ( cả tư bản, cả CS ) bằng bạo lực khi 1% dân số thế giới nắm giữ lượng của cải nhiều hơn 99% số còn lại.Ở VN cũng như các nước XHCN theo mô hình cũ, tình trạng tham nhũng,mất tự do dân chủ cũng đã tạo ra những phần tử tư sản, địa chủ mới khoác áo CS có tài sản và mức sống gấp hàng nghìn,triệu lần so với người lao động bình thường. Đó chính là nguy cơ lớn nhất đối với chế độ chứ không phải là những thế lực thù địch ở bên ngoài. Ý nghĩa của cuộc đấu tranh chống tham nhũng chinh là ở chỗ đó...
    Về câu hỏi của cụ Cala,xin nêu ý kiến như sau. Những người CS vân động người đói nghèo vùng lên đánh đổ chế độ cũ là để xây dựng một xã hội mới tốt đẹp hơn, có khả năng " hết đói nghèo". Nhưng nghịch lý ở chỗ: mục tiêu ban đầu thì quá đẹp quá tốt nên dân theo rầm rầm, kể cả cha anh chúng ta; song khi đã nắm được chính quyền vào tay thì "một số không nhỏ đ/c" đã biến thành "những nhóm sâu" quay lại bóc lột nhân dân như những kẻ trước đây. Vì vậy không thể có chuyện hết đói nghèo, hết bất công. Khi đó xã hội lại sẽ sinh ra những người CM kiều khác như lời rao của mõ làng xưa. Gọi họ là gì,xin để cho lịch sử lựa chọn...

    Trả lờiXóa