Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2015

Nguyễn Ngọc Hùng (K01) : TẢN MẠN 30/4

Blogger Ngoc Hung (K1)
" 40 năm qua rồi! Để mỗi khi 30/4 đến không còn cảnh “bên thắng cuộc” hân hoan, “bên thua cuộc” buồn tủi, thì chi bằng thôi không nói “giải phóng miền Nam” nữa. Hãy coi 30/4 là “Ngày Thống nhất Đất nước”. Thống nhất là hoài bão chung của tất cả người VN, không kể họ ở “bên” nào. Là người VN thì đều vui mừng vì đất nước thống nhất.
Được thế thì 30/4 là Đại lễ của toàn dân!"

Mõ Làng : Một bài viết thấm đẩm tính nhân văn ....
Cảm ơn tác giả,  không phải K5 nhưng chăm chú theo dõi và đóng góp vào việc LÀNG ) )

1-
Sáng 30/4/1975, tôi làm việc như thường ngày tại cơ quan ở Hà Nội. Nói là như thường ngày, nhưng không khí lúc ấy náo nức lắm. Tin từ chiến trường miền Nam đồn về cho thấy thời khắc lịch sử đã đến nơi!
Hơn 11 giờ trưa, chúng tôi nhận được tin “mật báo” từ ĐSQ Pakistan (khi ấy ở số 9 phố Lê Phụng Hiểu): Ông đại sứ nói với nhân viên người Việt rằng Sài Gòn đã thất thủ rồi. Ông bảo mọi người lên ban công của ĐSQ giăng một dây pháo dài xuống và đốt sau khi xe của ông đã ra khỏi khu nhà. Ý của ông này là “ông ấy không biết việc mọi người đốt pháo”. Đây có lẽ là tiếng pháo đầu tiên ở Hà Nội mừng Sài Gòn giải phóng. Tiếp ngay sau đó là tràng pháo nổ tại cơ quan TTX ở đầu phố Lí Thường Kiệt. Buổi chiều và tối hôm ấy, pháo nổ tưng bừng khắp thủ đô!
2-
Ngày 26/10/1975, tôi cùng một “đoàn quân” được “không vận” từ Gia Lâm vào Nha Trang thực hiện một nhiệm vụ gọi là “Đoàn 26”. Đây là lần đầu tiên tôi được “đi” máy bay, trên chiếc máy bay dân dụng DC10 “chiến lợi phẩm” do Mỹ sản xuất hẳn hoi. Và đây cũng là lần đầu tiên tôi tiếp cận với miền Nam “vừa thoát khỏi ách chiếm đóng của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai”.
Tôi không được chứng kiến quang cảnh thành thị miền Nam ngày 30/4 để thấy sự khác biệt đến mức nào giữa thực tế với cái “miền Nam” mà chúng tôi vẫn mường tượng “đang rên siết” dưới chế độ Mỹ- Nguỵ”. Nhưng Nha Trang sau nửa năm giải phóng vẫn thật khác so với Hà Nội- “thủ đô của hậu phương lớn XHCN” khi ấy. Chợ Đầm vẫn tràn ngập hàng hoá các loại. Thịt cá ê hề. Không thấy ai phải dùng tem phiếu hay xếp hàng mua bất cứ thứ gì. Dân chúng trang phục rất đa dạng cả về kiều dáng và màu sắc; không đồng phục toàn xã hội như “miền Bắc XHCN”….
 Cơ quan nơi chúng tôi “đóng quân” nằm ngay trên đường ven biển mà đã đổi tên thành “Đường Trần Phú”. Rất hiếm khi tôi ra khỏi cơ quan vào buổi tối. Nhưng chỉ đôi lần như thế, cũng thấy những bóng gái lượn lờ với quang gánh trên vai, le lói ngọn đèn Hoa Kỳ và tiếng rao ẻo lả “dzịt lôổn đi”! Mấy cậu tếu táo rỉ tai nhau: Mấy cô ấy bán trứng vịt lộn để nguỵ trang hành nghề mại dâm đấy. Chúng còn kháo nhau rằng mấy cô gái ấy tưởng bộ đội không biết “chơi”. Nhưng cũng “ham ra phết”, mà “chơi hiền khô à”!
Đợt ấy, tôi được phân công giữ kho “tang vật”, nên không có điều kiện đối mặt với “nguỵ quân nguỵ quyền”. Chỉ nghe anh em kể rằng mấy tay ấy sau khi bị hỏi cung thì kháo nhau (bị ghi âm lén tại phòng giam) rằng nếu gặp mấy tay “Bắc Kỳ” thì may mắn, bởi mấy tay này có học. Còn nếu chẳng may đối diện với cán bộ hỏi cung “ở R xuống” thì “mệt” lắm!
Có lí quá! Những người từ miền Bắc vào sau ngày 30/4 không hề giáp mặt với đạn bom, chết choc. Họ đâu có mối thù cá nhân nào với một “nguỵ quân nguỵ quyền” cụ thể nào đó. Bởi thế, khi làm nhiệm vụ hỏi cung “đối tượng”, họ chủ yếu làm theo “lập trường sách vở”. Họ cũng không thạo tình hình thực tế, biết gì nhiều mà vặn vẹo. Còn những người “ở R”, đều từng giáp mặt với sinh tử. Họ sống sót đến ngày giải phóng sau khi chứng kiến biết bao chết choc tang thương. Nhiều người trong họ có người thân ruột thịt bị “Mỹ- Nguỵ” giết hại, giam cầm, tra tấn… Họ có mối thù trực tiếp với những kẻ thất trận nay đối mặt với họ trong… trại giam.
Đúng là thân phận con người!
3-
Năm 2007. Tôi có dịp thăm gia đình con gái đang định cư tại Orange County- California. Một chú “em Việt Kiều” qúy‎ mến tôi có nhã í mời tôi cùng đến thăm một người mà chú này cho là “thú vị”. Đó là một ông già đã quá “thất thập cổ lai hi” nhưng còn quắc thước, vẫn tự lái xe chạy trên Free Way như thường. Ông hiện là một thành viên của tổ chức Phật giáo người Việt định cư ở Mỹ. Câu chuyện giữa tôi với “người từng ở bên kia chiến tuyến” không hiểu sao cứ ngày một dễ chịu và gần gũi hơn. Ông này không dấu diếm thổ lộ rằng “chưa thấy một cán bộ cộng sản nào ăn nói dễ nghe” như tôi. Vài lần gặp sau này nữa, Ông thổ lộ cuộc đời mình:
Dân Bắc Kỳ. Lính của quân đội Bảo Đại thời Pháp, “tập kết” vào miền Nam sau Hiệp định Geneve 1954. Khi Quân Giải phóng đánh Buôn Ma Thuột (ngày 10/3/1975), ông là đại tá tham mưu trưởng sư đoàn 23 VNCH. Chính ông đã thị sát chiến trường vào ngày ấy từ trên máy bay lên thẳng, thấy rõ “chúng tôi thua tan tác”!
Sau đó, ông tự nguyện “tập trung cải tạo” mà theo tuyên bố ban đầu là thời hạn 3 năm. Nhưng rồi cái thời hạn ấy kéo dài đúng 10 năm không hề có bản án! Ông bị giam tại một trại ở Hà Giang. Hết 3 năm đầu mà không được tha, ông hận lắm! Nhưng rồi ông nhận được thư của gia đình gửi vào trại nói là vợ con ông đã vươt biên an toàn và định cư tại Mỹ. Gia đình cũng gửi vào cho ông những quyển sách của đạo Phật. An tâm về vợ con, lại được tiếp thu triết lí nhà Phật, Ông tự đổi mình thành một người khác hoàn toàn. Ông nhận thức rằng “thời” của ông đã hết. Nay đến “thời” của họ rồi! Thế là ông an phận, chấp nhận đến lượt ông trong “kiếp luân hồi”! Cũng từ đó, ông không chống đối nhà tù nữa. Ông sống hiền hoà. Không bị phiền hà gì như khi còn “thù hận chất chồng”. Rồi đến ngày ông được ra tù. Và được xuất cảnh theo diện “HO” và đoàn tụ gia đình bên Mỹ…
Trong câu chuyện, ông cũng nói đến hoàn cảnh trong tù “khốn nạn lắm”. Nhưng khi tôi hỏi: So với nhà tù mà các ông giam cầm cộng sản thì chỗ nào “khốn nạn” hơn? Ông không đắn đo công nhận: Cộng sản bị tù khốn nạn hơn nhiều! Rồi ông phân bua: Nhưng đó là chiến tranh mà. Còn hoà bình rồi, mà “cải tạo” 10 năm thì quá đáng! Ông kể sau khi đã “an phận” trong tù, ông thấy “mấy tay cai ngục” (công an quản giáo) cũng chẳng khá hơn tù nhân. Cũng sống trong lán trại tre nứa tuyềnh toàng. Cũng ăn bo bo với đậu phộng rang muối, chẳng có thịt cá gì cả…
Tôi ngẫm nghĩ về thân phận con người…
4-
Nói chung, con người ta đều được “định hình” trong hoàn cảnh sống. Sống trong hoàn cảnh nào thì theo hoàn cảnh ấy. Tôi sinh ra và lớn lên ở “miền Bắc XHCN” thì đi theo cộng sản là lẽ thường tình. Những người khác sinh ra và lớn lên “dưới chế độ Mỹ- Nguỵ” thì đi lính nguỵ, làm công chức “tay sai đế quốc Mỹ” cũng là lẽ tự nhiên. Số người tự nguyện không chấp nhận hoàn cảnh, thậm chí kiên quyết chống lại môi trường xã hội mà họ đang sống, không nhiều. Nếu tôi hoàn toàn sống trong hoàn cảnh của ông “sĩ quan nguỵ” này, có khi tôi làm “to” hơn cái chức đại tá tham mưu trưởng sư đoàn ấy chứ! Còn nếu ông ta sống ở miền Bắc, biết đâu ông ấy chả trở thành “anh hùng chống Mỹ cứu nước”!
Ông “bạn già” rất “chịu” tâm sự này của tôi.
Một số người Việt lưu vong bên Mỹ thường biểu lộ lòng căm thù của họ đối với “chế độ cộng sản”. Có người khi gặp tôi liền chặn trước: “Ông đừng đến đây tuyên truyền cộng sản”! Tôi rất ôn tồn và chân thành nói với họ: Các ông sống ở Mỹ mấy chục năm rồi. Tôi nghĩ các ông là công dân của một đất nước hàng đầu thế giới về tôn trọng tự do chính kiến, tự do ngôn luận. Nước Mỹ có cấm cộng sản đâu. Vậy sao các ông cứ đòi cấm “tuyên truyền cộng sản”. Lẽ ra, ai muốn tuyên truyền cứ để họ tuyên truyền. Người khác có nghe hay không cũng là quyền tự do. Không cấm người nói và cũng không buộc người khác phải nghe mới là tự do chứ.
Họ cũng thường “chửi” cộng sản là tham nhũng, đàn áp v.v… Tôi trao đổi với họ: Tham nhũng hay đàn áp không phải chỉ có riêng cộng sản. Chế độ VNCH trước đây có tham nhũng không? Có đàn áp không? Hiện nay, còn rất nhiều chế độ cầm quyền trên thế giới này tham nhũng và đàn áp; trong khi chỉ còn vài nước “cộng sản” như VN. Ghét tham nhũng thì cứ lên án; không việc gì phải gắn cái “cộng sản” vào đấy.
Nói thế thôi, chứ tôi cũng hiểu được thái độ “căm thù cộng sản” của một số người này. Khách quan mà nói, nếu không có “giải phóng miền nam” thì họ và gia đình họ không mất tất cả. Cái câu “Nam kỳ khởi nghĩa tiêu Công Lí”, “Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do” không phải là vô cớ. Cứ đặt mình vào họ mà xem. Trước 30/4/1975, chả biết “tay sai” hay “cơm thừa sữa cặn” ở đâu, nhưng “nguỵ quân, nguỵ quyền” đều có cuộc sống sung túc. Con cái, gia đình họ đều ổn định, no đủ. Vậy mà cách mạng về, họ thất nghiệp đồng loạt. Tài sản bị mất hết theo nghĩa đen bằng những chính sách nghe rất “êm tai” của chế độ mới. Thế rồi, hàng loạt bị đi cải tạo mà thực chất là đi tù nhiều năm liên tục. Vợ con họ không có nguồn sống hằng ngày. Con cái học hành bị phân biệt đối xử vì lí lịch “dính đến chế độ cũ”. Họ phải bán hết đồ đạc, cho đến cả chén bát lấy tiền tiêu qua ngày. Thế rồi không thể trụ được dài theo năm tháng, họ đành liều mình lao ra biển “vượt biên trái phép” mà khi ấy, nếu bị bắt lại thì mang trọng tội “phản quốc”, nếu không thì cũng có thể chết chìm ngoài đại dương hoặc trở thành nạn nhân cho cướp biển… Những người rơi vào hoàn cảnh như thế mà bảo họ không oán “cách mạng” thì ngược đời!
Nhưng dù sao thì cũng đã bốn mươi năm trôi qua. Nhiều người từng ở đôi bên chiến tuyến đã đi về cõi vĩnh hằng. Những người còn lại đa phần đã già yếu hoặc hưu trí rồi. Kí ức xưa cũng đã mờ phai hoặc chí ít cũng không còn ám ảnh như ác mộng thường nhật nữa. Rất nhiều người vốn “căm thù chế độ” đã về thăm quê hương. Họ tận mắt thấy sự đổi thay trong nước, cả cảnh quan, cuộc sống và tình người với nhau.
Tôi còn nhớ hồi Tết nguyên đán năm 2006. Có một cuộc biểu tình để gợi lại “hận thù Mậu Thân” (1968) được tổ chức ở Phước Lộc Thọ. Một người “anh em” rủ tôi đi coi. Cuộc biểu tình dự định bắt đầu lúc 8 giờ sáng, với khoảng 4.000 người “được mời” tham gia. Nhưng mãi đến 10 giờ hơn mới bắt đầu được. Và số người cũng chỉ khoảng hai trăm! Người “anh em” nói những năm trước vẫn đông lắm. Có đủ “đoàn ngũ” các sắc lính “quân lực VNCH”. Năm nay “nhạt” rồi!
Thế đấy. Hận thù làm gì nữa! Nói cho cùng, cũng người Việt Nam “tỷ thí” lẫn nhau.
5-
30 tháng 4 đúng là ngày chiến thắng của phe cộng sản. Về mặt hình thức, phe cộng sản bây giờ là đại diện cho nước VN. Nhưng như thế không có nghiã toàn dân VN đều là cộng sản. Không phải toàn dân VN đều “hân hoan chào mừng” mỗi khi ngày 30/4 hằng năm. Đến dịp này, chính quyền lo tổ chức rình rang. Nhiều người thuộc “bên thắng cuộc” cũng hoan hỉ mỗi khi ngày này đến. Nhưng không ít người “thắng cuộc” cảm thấy bùi ngùi mỗi dịp 30/4. Họ là những người may mắn sống sót trong khi muôn vàn đồng đội của họ đã ngã xuống. Những kí ức đau thương, tang tóc của thời chiến lại hiện về. Rồi cũng không ít người từng tham gia vào các hành động giết chóc mà bây giờ họ cảm thấy ghê rợn, thậm chí là tội lỗi… Hội chứng chiến tranh không phải chỉ đè nặng lên tâm trí “bên thua cuộc” đâu!
Rồi những hoạt động nghĩa tình tri ân thương binh- liệt sĩ bên cách mạng lại làm chạnh lòng thân nhân của các tử sĩ “bên thua cuộc”. Thời thế đẩy con em họ về “phía bên kia”, để rồi bỏ mạng ngoài chiến trường. Nay chẳng những không hề có một ân huệ nào do chế độ mới ban cho, mà còn mang tiếng “nguỵ quân nguỵ quyền” cho đến đời con đời cháu hay sao?
40 năm qua rồi! Để mỗi khi 30/4 đến không còn cảnh “bên thắng cuộc” hân hoan, “bên thua cuộc” buồn tủi, thì chi bằng thôi không nói “giải phóng miền Nam” nữa. Hãy coi 30/4 là “Ngày Thống nhất Đất nước”. Thống nhất là hoài bão chung của tất cả người VN, không kể họ ở “bên” nào. Là người VN thì đều vui mừng vì đất nước thống nhất.
Được thế thì 30/4 là Đại lễ của toàn dân!

                                                                                                       Tp/HCM 26/4/2015
                                                                                                  NGUYỄN NGỌC HÙNG

7 nhận xét:

  1. Nhận thức rất đúng đắn. Nhiều khi mình phát biểu cũng rất vô thức. Tôi cũng cứ nói theo thói quen "giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam.." Đúng là nên nói NGÀY THỐNG NHÂT ĐẤT NƯỚC. Ngay như gia đình tôi: có cả bên thắng, có cả bên thua - một bên CƯỜI, một bên KHÓC.
    40 năm trôi qua mà nụ cười và nước mắt vẫn âm ỉ và chưa hòa quện vào nhau được.

    Trả lờiXóa
  2. Nhiều khi để thay đổi một từ, một câu nói, một khẩu hiệu trong cuộc sống v.v. chúng ta phải thay cả một hệ thống tư tưởng,nhận thức , quan niệm cũ kỹ đã ăn sâu bén rễ vào tiềm thức của cả xã hội.. Đề xuất của Ô NNH rất hay, xuất phát từ lòng nhân ái và ý thức dân tộc sâu sắc nhưng tôi e rằng mấy người lãnh đạo không nghe đâu. Bởi lẽ, họ còn bảo thủ lắm. Xin đọc bài phát biều gần đây nhất của TL thì thấy rõ ,vì thế chả hy vọng gì vào một sự chuyển biến mang tính đột phá như Ông Hùng và chúng ta mong muốn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nguyễn Ngọc Hùng16:37 27/4/15

      Tôi cũng nhận biết như ông kyvi, rằng lúc này chưa thay đổi được gì đâu. Và tôi hoàn toàn không có ý định "đề xuất" gì đâu. Chỉ là giãi bày với "các cụ Làng Ta" thôi mà.
      Cám ơn ông kyvi đã quan tâm đến tâm sự của tôi.

      Xóa
  3. Nguyễn Ngọc Hùng16:54 27/4/15

    Cám ơn BĐH và anh Calathau đã cho "tải" tâm sự của tôi lên Blog của Làng Ta. Anh tìm đâu ra bức hình của tôi mà trông "ngon" thế? Xin gửi cho tôi ảnh này qua Email nhé. Cám ơn anh.
    Tôi cũng xin cám ơn phần biên tập của anh, rất chuyên nghiệp.
    Nhưng có 1 chỗ cần để nguyên như bài viết: Đó là thời gian chúng tôi nhận được "mật báo" từ ĐSQ Pakistan về Sài Gòn thất thủ. Đúng là hơn 9h sáng ngày 30/4/1975 (chứ không phải là 11h giờ như đã biên tâp). Đó là thời điểm sau khi Dương Văn Minh đọc lời kêu gọi binh sĩ VNCH ngưng chiến đấu, ở nguyên vị trí. Ông DVMinh cũng kêu gọi lực lượng giải phóng ngưng bắn và nói "chúng tôi đang đợi các vị" đến để thảo luận việc "bàn giao chính quyền". Nhờ lời kêu gọi này của DVMinh, quân VNCH tại Sài Gòn thực sự tan rã. Bây giờ, "Ta" đã công nhận ông DVMinh có công trong việc giảm bớt đổ máu và tàn phá tại Sài Gòn...
    Xin giãi bày thêm với BĐH và "các cụ của Làng Ta".

    Trả lờiXóa
  4. Rất tâm đắc khi đọc bài này,vì tôi cũng suy nghĩ như NNH về sự cần thiết thống nhất dân tộc Việt. Thế hệ tôi khi nhập ngũ bước vào chiến tranh luôn xac định lập trường giai cấp rất "Rõ Ràng", tôi tự hiểu đó là hoàn cảnh lịch sử . Từ lâu nay khi đất nước bước vào thời ký hòa nhập,đổi mới, tôi luôn mong ước muốn có một dân tộc Việt thống nhất, Để có một dân tộc thống nhất cần coi ngày 30-4-1975 là ngày Thống Nhất đất nước , một ước vọng muôn đời của toàn dân Việt. Vẫn biết để thực hiện được việc thống nhất dân tộc,còn nhiều gian truân.Những suy nghĩ như bài viết này rất đáng trân trọng,Tôi biết rất nhiều người Việt mong như vậy.Hệ thống chính trị của chúng ta hiện nay cho dù chua chấp nhận những gì thuộc ý nguyện của người dân, nhưng tôi tin sẽ đến lúc ý nguyên người dân Việt quyết định tư duy phát triển đất nước.
    Cám ơn tác giả NNH, và B Đ H blog luson.quelam về bài việt rất giầu chất nhân văn náy.

    Trả lờiXóa
  5. kyvinhhung08:22 28/4/15

    Thật mừng vì về già ,chúng ta có một nơi để chia sẻ tâm tư,tình cảm suy ngẫm sự đời,nếu không, chắc sẽ buồn lắm. Bởi vậy được bạn NNH về làng Cu Lờ tham gia,cá nhân mình rất phấn khởi.Sau này nếu có ai chung một cái nhìn"trí tuệ, nhân văn, hài hước", kiên trì quan điểm yêu nước,không phủ định tất cả,chửi bới lung tung, cũng không nói leo,xu thời nịnh bợ để kiếm chác v.v. thì mong BĐH cứ mở cửa đón chào. Trong câu chuyện hàng ngày giữa chúng ta, đã, đang và sẽ có những hạt bụi vàng tư duy sáng lấp lánh, biết đâu có người nhặt được đúc thành "Bông hồng vàng" quí giá dâng cho đời? Bài của bạn NNH chính là một hạt vàng như thế. "Ngày thống nhất" là một suy tư sâu sắc, một ý kiến đề xuất rất được lòng dân; mình chỉ buồn vì trước mắt lđ chưa thể chấp nhận do thói quen tư duy cũ, do chưa thật lòng hòa hợp dân tộc, vẫn sợ "thế lực thù địch ( khá mơ hồ ) làm ảnh hưởng tới quyền và lợi của họ v.v.Nhưng như bạn KC đã phân tích chí lý "sẽ đến lúc ý nguyện người dân Việt quyết định tư duy phát triển đất nước".Vậy những "phó thường dân" như chúng ta có gì tâm đắc cứ đưa ra đình làng, chả ngại cái chi chi.Phải thế chăng?

    Trả lờiXóa
  6. Hàng năm cứ lặp đi lặp lại trong những ngày này câu chuyện " Bên thắng bên thua ". Kẻ thắng thì đốt pháo hoa ăn mừng lương thưởng hậu hĩ. Huân huy chương danh hiệu Anh hùng tiếp tục trao không biết mỏi tay. Rồi diễu binh , duyệt binh phô trương sức mạnh "cơ bắp", ngầm ý răn đe trong nhà ngoài ngõ coi chừng " ông không phải dạng vừa đâu !" . Bên thua cuộc thì lúc âm thầm lúc công khai chửi bới , ngầm phục thù rửa hận ! Họ gọi 30/4 là ngày Quốc hận ! Không biết bao lâu nữa con dân nước Việt mới thôi hận thù nhau ? Cũng như rất nhiều con cái các cụ, câu con trai tôi đi học rồi định cư , lấy vợ đẻ con cả nhà mang quốc tịch Uc ( 2 quốc tịch ), vậy mà vẫn phải tránh né những người Uc gốc Việt vượt biên cố tình khiêu khích nếu họ biết mình gốc Bắc . Họ có thê đối đầu với bất cứ ai dính đến chế độ XHCN, mặc dù hàng năm họ vẫn về thăn quê hương gia đình và có là người khiếm thị cũng có thể thấy được sự đổi thay theo chiều hường tốt của đất nước. Cứ tình trạng này thì đến bao giờ Nam Bắc mới một nhà đúng nghĩa cao đẹp của nó ? Hôm qua VTV phát chương trình THTT về chủ đề ngày Giải phóng SG. đoạn chiếm đài PTSG tôi được nghe lại chính giọng Trịnh Công Sơn đứng trước MIC tuyên bố : Cái chúng ta tranh đấu là giành lại độc lập tự do cho dân tộc, thống nhất cho giang sơn, thì ta đã làm được rồi. Vậy các bạn hãy cùng tôi hát vang lên bài "Nối vòng tay lớn" không có nhạc đệm ! Rồi anh hát với cả niềm vui và sự xúc từ con tim của một người VN yêu nước và một nghệ sĩ chân chính . Tôi thực sự cảm động . Và tôi cho rằng Sơn không chỉ là nhạc sĩ , Sơn còn là một " Nhà tuyên giáo- dư luận viên " vĩ đại theo kiểu nghệ sĩ của anh ! Có được bao nhiều trái tim như trái tim Trịnh Công Sơn ở đất nước này trong phút giây lịch sử kỳ lạ ấy ???

    Trả lờiXóa