Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2015

Cụ Xuân Hoài kể chuyện tiếp phần 2

Thứ Ba, ngày 07 tháng 4 năm 2015

NGƯỢC DÒNG THỜI GIAN (TIẾP)

PHẦN 2: VỀ MIỀN TRUNG, CON SÔNG XƯA , LÀNG QUÊ CŨ
Trời tối dần, xe chạy giữa khe núi và rừng cây, nhiều đoạn nằm trong vùng quản lý biên giới đặc biệt. Tiếc rằng trời tối, không thể chiêm ngưỡng đoạn hoang vu , đẹp nhất mà lại không hiểm trở nối liền giữa Thanh Chương, Nghệ An vơi Hương Sơn Hà Tĩnh vì  đường Hồ Chí Minh chạy giữa thung lũng, phía tây là dãy Giăng Màn (tứcTrường Sơn) cao trên 1500m, phía đông là dãy Thiên Nhận đỉnh cao nhất chỉ 600m. Đường đẹp, hầu như không có xe chạy đêm, nên chẳng mấy chốc đã qua cầu sông Ngàn Phố, đến giao lộ đường sô 8, chạy từ QL 1A ở Hồng Lĩnh lên Cầu Treo sang Lào. Chạy tiếp về hướng nam ngược theo sông Ngàn Sâu, qua cầu sông Ngàn Trươi đến tt Vụ Quang, địa danh xưa nổi tiếng là cứ địa Hương Khê của Phan Đình Phùng. Nay thì mới tách khỏi Hương Khê lập thành Huyện mới mang tên Vụ Quang. Thị trấn này nằm ở bìa rừng khu bảo tồn rừng nguyên sinh lớn nhất Đông Dương. Từ đây bắt đầu thung lũng sông Ngàn sâu rộng bằng tỉnh Thái Bình, bốn bề là núi: Trường Sơn phía tây, Trà Sơn phía đông (nơi có hồ Kẻ gỗ), phía Bắc là rừng núi Vụ Quang, phía nam là dãy Hoành Sơn phân giới với Quảng Bình. Thung lũng ngàn sâu xưa nổi tiếng với hổ (nấu cao) gấu (lấy mật) hươu (lấy nhung), trầm hương, kỳ nam và đặc biệt là gỗ quý. Mấy chục năm nơi này đã có thành tích lớn là diệt hết động vật, chặt sạch rừng và bây giờ phổ biến thành tích đó sang Lào. Dọc đường gặp duy nhất xe biển số Lào (chủ là Việt) lặc lè chở gỗ (lậu) và đặc sản ra bắc. Tám giờ rưỡi tối mới tới được Khách sạn Hoàng Ngọc ở trung tâm thị trấn, sát cạnh UBND Huyện, bên bờ một hồ nước rộng hơn Hồ Gươm ,ở giữa có đảo và cầu đỏ cong , theo dạng đền Ngọc Sơn và cầu Thê Húc ! Chủ khách sạn tất nhiên là một đại gia buôn gỗ rồi. Hương Khê rất đặc biệt: là một thị trấn miền núi đẹp và giàu nhất trên đường Hồ Chí Minh. Là miền núi sâu, mấy chục năm trước con gái 12,13 tuổi ở làng trong chân núi còn trần truồng bế em. Nhưng nay là thị trấn miền núi sâu duy nhất ở Việt Nam có đường sắt, đường bộ, đường sông tầm cỡ quốc gia.
Thị Trấn miền núi Hương Khê (tư liệu)
Năm 88 vào đây, trụ sở UB Huyện còn lợp tranh. Hồi 79, 80 những người Hoa nào từ Thanh Hóa trở vào đến Huế chưa chạy thoát được đều bị tập trung vào chân núi Giăng Màn ở đây ( Chuyện mật đấy!). Sau năm 90 họ dần được tự do hơn, kéo nhau ra thị trấn buôn bán lập nên phố phường tấp nập. Hai phần ba dân Hương Khê xưa là công giáo . Hơn một nửa đã di cư vào Nam sau 1954 và rồi sau 75 lại sang Mỹ. Cho nên số kiều hối chuyển về không phải là ít. Dân buôn gỗ lậu, lâm đặc sản, ma túy , dân anh chị cướp của giết người tứ phương…tìm thấy ở đất Hương Khê là chỗ lý tưởng để làm ăn hoặc lánh nạn. Nay nhờ ơn chế độ đã trở thành  đại gia trọc phú đếm cả ngày không xuể! Còn người nghèo khổ cũng đếm cả năm không hết. Tuy nhiên, không khí núi rừng thanh khiết, không gian rộng rãi, mát mẻ thì cũng khó nơi nào sánh kịp. Đến mức mà sáng dậy Hồ Uy Liêm phải thốt lên rằng chưa có lúc nào mà Liêm có được giấc ngủ sâu, ngon lành như đêm qua. Hỏi ra thì không ai trong đoàn không trải qua một giấc ngủ kỳ diệu như vậy. Còn món súp lươn núi đặc biệt bên bờ hồ Hương Khê mà cả đoàn đã điểm tâm sáng thì khỏi phải bàn. Sáng sớm tôi có việc bân , không kịp ăn sáng cùng đoàn. Cậu Khiêm lái xe liền lái đưa tôi đến ăn, vừa nói : “ lươn thế này mới là lươn, so với lươn dặc sản Ninh Bình sáng qua thì một trời một vực, em ăn một bát mà vẫn thòm thèm”. “Thế thì ăn tiếp với mình bát nữa” . Vậy là không hề khách khí, hai chúng tôi đã thưởng thức món đặc sản một cách ngon lành, đủ sức đi tiếp đường dài. Không thể có đủ 
Buổi sáng bên bờ hồ thị trấn Hương Khê
thì giờ để cho cả đoàn biết mùi Cá Chình khe đá, Ba ba núi ( ở đây gọi là con Hon), uống với rượu “Viagra” của núi rừng Hương Khê là như thế nào. Người ta nói các quán đại đặc sản Hà Nội, Sài Thành…phải gọi bằng Cụ  ! Lại tiếc rằng chúng tôi rời Hương Khê lúc sáng sớm, sương mù chưa tan hết nên không thể chiêm ngưỡng được từ xa  thác Vũ Môn như một giải lụa trắng vắt trên lưng chừng núi hơn ngàn mét đổ xuống. Tuy nhiên dãy Giăng Màn cao vút như một bức màn phía tây, phủ mây mù thì cũng nhìn thấy phần chân núi.
Núi Giăng Màn mờ xanh, nhìn từ đỉnh núi của dãy Hoành Sơn sang
Khi lên đến đỉnh đèo La khê trên dãy Hoành Sơn, hết sương mù, nhìn sang thì đẹp mê hồn !

- Sắp đến Đèo Đá Đẽo rồi các bạn ơi ! Nhiều người reo :
- Đá Đẽo, Đá Đẽo …và cười ầm lên. Lại có tiếng Ngô Hà:
- Không phải, Đá chưa Đẽo chứ ! Không ai nhịn được nữa, cười vang cả rừng núi.
Tuấn Nga ngồi bên khẻ hỏi:
- Mọi người sao lại cười dữ dội vậy
- À, Tuấn Nga  không biết cách nói …lái à ?
Trên đỉnh đèo ĐÁ ĐẼO. Vẫn thấy ĐÁ CHƯA ĐẼO (ở bên cạnh)
Mà Tuấn Nga không biết nói lái cũng phải. Nga vốn là người Hà Nội, cháu ngoại cụ Hoàng Đạo Thúy, một nhà văn hóa, nhà cách mạng nổi tiếng, Hiệu Trưởng đầu tiên của Trường Lục Quân Việt nam. Bố mẹ Nga bị giặc sát hại từ 1943, Nga ở với gia đình gì ruột là vợ của ông Tạ Quang Bửu , người Nghệ An. Tuy lớn lên trong một gia đình đặc sệt miền Trung nhưng không ở miền Trung nên nói lái miền Trung không ngấm vào máu thịt.
Hơn một tiếng rưỡi thì đến Phong Nha, thăm thú di sản thế giới mất ba giờ, ăn trưa xong thì đã về chiều. Lại  đi tiếp đến Đồng Hới. Nhận phòng ở KS 3 sao Thanh Phúc xong thì may quá , vừa lúc trận đấu U23 Malayxia- Việt Nam bắt đầu.
Việt Nam thắng U23 Malayxia rồi !
Các cụ ông quyết ngồi lỳ xem, mặc các cụ bà muốn dạo phố hay làm gì thì làm !
Thành phố Đồng Hới sát bờ biển cát trắng, có cửa sông Nhật Lệ rộng mênh mông, xưa mẹ Suốt phải chèo đò , chắc mệt lắm. Nay thì có cầu Nhật Lệ tuyệt đẹp mới bắc qua , sang khu Resort mới xây trên làng chài nghèo Bảo Ninh. Thật là kỳ ảo khi cô gái (à quên Cụ bà ) Hoàng thị Nhật Lệ dẫn các bạn từ thời ấu thơ đến bên dòng sông Nhật Lệ, ngắm cầu Nhật Lệ , thăm quê hương chôn rau cắt rốn của mình.
Hoàng thị Nhật Lệ cùng các bạn bên cầu Nhật Lệ bắc qua sông Nhật Lệ
Chắc là cha mẹ có kỷ niệm lãng mạn lắm trên dòng sông Nhật Lệ này nên mới chọn cho con gái cái tên Nhật Lệ. Tôi có một kỷ niệm riêng về Nhật Lệ. Lúc 7,8 tuổi, tôi được mẹ cho học nhạc . Thầy dạy tôi tập một bản valse  giờ tôi còn nhớ là "Sóng Nhật Lệ" của Nhạc sĩ Nguyễn Đình Chiểu người Huế tản cư ra quê tôi. Bản nhạc phỏng theo bài valse Danube Xanh. Khi đến tập trung ở Chợ Rộ lại gặp
cô bé Nhật Lệ cùng tuổi. Thế cho nên cái tên Nhật Lệ nhớ mãi đến giờ.  
 
Chào nhé ! Quảng Bình quê ta ơi !
 
 Rời Đồng Hới khi mặt trời vừa lên khỏi chân trời mặt biển Đông.
Thắp hương bên mộ Đại Tướng Vo Nguyên Giáp

Đến mộ Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, hãy còn sớm ,nên rất vắng vẻ. Thắp nén hương tưởng niệm người con của dân tộc xong, quay ra mới thấy xe và người kéo vào rất đông.

Quay ra quốc lộ 1A chỉ một đoạn ngắn là chui qua Hầm Đèo Ngang, mà theo anh Hồng Nhật nói, dân Miền Trung gọi là Đèo Đứng (các chị lại cười ré lên, lần này  Tuấn Nga hiểu ngay!). 

Khu vực Vũng Áng bắt đầu từ chân đèo, phía Hà Tĩnh. Chạy đến hơn chục cây số rồi mà vẫn chưa hết. Quả thật là một khu kinh tế hùng vĩ, chắc chắn là nhất Việt Nam  hiện nay. Tạm bỏ qua chuyện mưu mô Tàu, thì quả thật khu này đã thay đổi kỳ diệu. Chỉ năm , sáu năm trước, đây là vùng hoang vắng, nghèo xơ xác. Các cô gái bán hoa quá đát, dạt về đây, lập nên miền  “ hoa héo đèo Ngang” phục vụ tình dục cho cánh tài xế lái thuê ít tiền (cậu lái xe tên Khiêm, U60 kể thế) ! Đoạn quốc lộ 1A từ đây trở ra đã mở rộng xong, xe chạy 80km thoải mái. Chỉ hơn 1 giờ rưỡi từ Đèo Ngang đã đến ngã ba Đồng Lộc (110km). Trên đường rẽ vào Đồng Lộc, chúng tôi dừng lại thăm khu nhà thờ Tổ họ Ngô Trảo Nha của Ngô Hà.
Thăm nhà thờ Tổ họ Ngô ở Trảo Nha của Ngô Hà
Bên cạnh nhà thờ là khu lưu niệm của nhà thơ Xuân Diệu cũng là họ Ngô của Ngô Hà. Mặc dù là con gái (ngoại tộc !) nhưng Ngô Hà của chúng ta đã đóng góp xây cho nhà thờ Tổ hai cái hồ rất đẹp , và nhiều thứ nữa...Khá khen thay cho nữ tướng Ngô Hoàng Hà, trọn tình vẹn nghĩa với quê hương dòng tộc.

Từ nhà thờ tổ họ Ngô Trảo Nha đến nơi 10 cô gái Đồng Lộc hy sinh chỉ vài cây số. Đã đứng ngọ, nắng gắt. Mấy hố bom lớn vẫn để nguyên , cỏ cây um tùm.
Khu tưởng niệm hoành tráng của thanh niên xung phong toàn quốc là nơi đầu tiên chúng tôi đến thắp hương. Khu này mới xây dựng sau này. Đối diện là một tháp chuông cao , cũng mới xây xong.
Tất cả các bạn chia nhau đi thắp hương trên mười ngôi mộ của mười cô gái , hy sinh cùng một lúc khi tuổi đời chưa quá hai mươi tuổi !
Thắp hương viếng mộ mười cô gái Đồng Lộc
Rời Đồng Lộc đã quá trưa. Không khí trong xe trầm lắng, như đang còn ngẫm nghĩ những ý nghĩa sâu lắng. Sự hy sinh của biết bao thế hệ con dân nước Việt, của  cha mẹ, ông bà, bè bạn của chính chúng ta, giờ đây đã mang lại điều gì ?
Điện thoại réo gọi anh chị Hân- Hà liên tục. Hóa ra dì ruột của Minh Hà ở Hồng Lĩnh đã chuẩn bị xong cơm nước quê nhà để chiêu đãi đoàn hành hương, mà sang chiều rồi vẫn chưa thấy về. Một nhân vật (vì sợ...xin được giấu tên) cũng nhận được điện thoại, nghe xong liền hồ hởi thông báo tin nóng: " Vì vụ cây xanh, chủ tịch Hà Nội đã từ chức , còn Bí thư thì đang cân nhắc!" Cả đoàn reo hò ầm ĩ, mở rượu ra uống mừng...Có thế chứ ! Có thế chứ ! Không có niềm vui nào vui hơn. Vui quá nên quên cả đói , cả đường dài, phút chốc đã đến ngã tư Quốc lộ 8 với quốc lộ 1A, nơi quán ăn của Dì Yến, dì ruột Minh Hà đã đợi sẵn.
Bìa trái: Dì Yến, dì ruột của Minh Hà chiêu đãi món quê
Đến quốc lộ 8 rồi mà anh Hân còn hỏi Đường 8 ở đâu. Anh Hân cùng chị Hà vốn đều là giáo viên, anh dạy toán, chị dạy văn. Nhưng năm 1972 anh Hân đi B , rồi trở thành nhà báo, viết văn. Hồng Nhật đọc truyện ngắn của anh Hân viết về đường 8 xong thì quả quyết, ông này nhất định là người Hà Tĩnh cạnh đường 8. Từ ngã tư này đến Đức Thọ quê của Hồ Uy Liêm , Hông Nhật và quê ngoại Xuân Hoài chỉ 5,7 km thôi. Nhưng anh Hân người Huế, chỉ là rể Hà Tĩnh thôi,  chỉ nghe kể lại mà viết về đường số 8 như thật, tài ghê ! 
Nếu mà tôi kể về bữa tiệc toàn món đặc biệt quê nhà choa mà chúng tôi được thưởng thức hôm nay thì mọi người sẽ tranh nhau về quê chị Minh Hà mất, nên thôi không kể nữa mà thèm.
Bữa tiệc toàn món quê hương do nhà Minh Hà đãi
Tuy nhiên phải thêm mấy lời, sau khi thưởng thức món cá Khe rán dòn không đâu có, mọi người khen nức nở, thì
 người (xin giấu tên) đứng dậy, chính thức phát biểu ca ngợi về cá, và thông báo thêm , cả đoàn vừa rồi còn được thưởng thức một loại cá ngon không kém, đó là "cá tháng tư". Ôi , sao cá tháng tư về ông chủ tịch thủ đô lại tuyệt đến thế, dù bao người hậm hực, oán trách kẻ chiêu đãi cá tháng tư. Nhưng không sao, vì  Ban TG TƯ sau đó biết tin đã có lời mời kẻ đạo diễn chuyện cá lừa này...làm cố vấn cao cấp!
Muộn quá rồi , không thể chần chừ lâu hơn nữa, xe mở hết tốc độ cho phép để về. Qua Cầu Giát một đoạn, đến làng Quỳnh Đôi , quê của nữ sĩ Hồ xuân Hương cũng như của hậu duệ bà là Hồ Thị Nghĩa, đang ngồi trên xe đây, cũng không thể dừng lại nữa. Nói Hồ Thị Nghĩa (K3), Bác sĩ quân y,  có thể nhiều bạn LSQL không nhớ, nhưng nếu biết Nghĩa là chị ruột của Hồ Trung Tá suýt chết đuối năm nào ở Hồ nước cạnh nhà Ăn của trường Quế Lâm chúng ta thì chắc không ai quên.
Tám giờ rưỡi tối , chúng tôi an toàn về đến địa phận Hà Nội, một chuyến hành hương thú vị, quên cả tuổi tác , sức khỏe. Ai cũng vui, và chúng tôi vui nhất là cặp đôi Hân - Hà, anh chị cả của cả Đoàn đã trở về vui vẻ, khỏe mạnh,...tình tứ hơn xưa. Ai không tin, hãy xem bức ảnh dưới đây trước khi chia tay.
CHÚC ANH CHỊ HÂN -HÀ LUÔN LUÔN MẠNH KHỎE VÀ ROMANTIC (như ở Đồng Hới)...

8 nhận xét:

  1. Còn gì tuyệt vời hơn khi được trở về với tuổi thơ lại được trang bị những hiểu biết và từng trãi của người cao tuổi để hững thụ trọn vẹn chuyến hành hương vui vẽ và ý nghĩa.

    Trả lờiXóa
  2. Chuyến đi tuyệt vời,Đặc biệt nhất là các ban vẫn đau đáu nhớ thương những người đã khuất ruột thit của mình cũng như của dân tộc.Tôi luôn ao ước được một lân đến dâng nén nhang lên mộ 10 cô gái Đồng Lôc và đại tướng Võ Nguyên Giáp mà chắc không dủ sức khỏe để làm điều này như các bạn !

    Trả lờiXóa
  3. Anh Trần Xuân Hoài viết quá đầy đủ và quá hay. Tôi muốn sửa lại 1 chi tiết nhỏ là năm 1946 trường võ bị khóa 1 không gọi là hiệu trưởng mà gọi là GÁM ĐỐC, nơi đây Bác cũng đã đến thăm,nên cụ Hoàng Đạo Thúy là giám đốc trường võ bị. Tôi đã bị những người LỚN che trách là viết sai Giám đốc - hiệu trưởng, nhưng tôi kg sai mà người sửa bản chính của tôi sai kg hỏi tôi ,nên tôi bị oan. Kính chào !

    Trả lờiXóa
  4. kyvinhhung14:52 8/4/15

    Tôi đọc không sót chữ nào trong bài ký sự dài kỳ của nhà văn-GS TS họ Trần làng ta. Phảng phất giọng văn của tác giả cuốn tiểu thuyết "Kim thiếp Vũ môn" đang khiến dư luận xôn xao... Thế mới biết thế gian làng Cu Lờ lắm người tài!
    Tuy không được đi cùng đoàn 10 về lại miền ký ức nhưng nhờ bút lực của tác giả, tôi cũng hình dung được phần nào quãng đường, cảnh đẹp, cung bậc cảm xúc của những người tham gia. Đặc, biệt những trường đoạn về Hương Khê, Ngàn Sâu, Vụ Quang, Linh Cảm v.v. đã gợi lại trong tôi nhiều kỷ niệm khó quên hồi học tại ĐH SP Vinh. Hồi đó tôi chơi thân với một anh lớn tuổi cùng lớp; mùa hè, ảnh mời tôi về quê ở Linh Cảm chơi. Bởi vậy tôi được thăm những địa danh nổi tiếng mà XH và các bạn vừa đi qua..
    Phải nói rằng, vào cái tuổi thất-bát thập mà còn được du ngoạn một chuyến trở về tuổi thơ như các cụ thì cái sự sung sướng không để đâu cho hết. Điều quan trọng là đi đã đến nơi, lại về đến chốn , nên lại càng trên cả tuyệt vời..Mỗ cứ thầm mong có dịp được đi một chuyến như rứa, rồi về có nhắm mắt cũng cứ ..cười. Chúc các cụ khỏe đều để còn tiếp tục vượt hòn ĐÁ ĐẼO..

    Trả lờiXóa
  5. Cuộc hội ngộ "Đoàn 10" thành công tốt đẹp, nhờ có dịp này mà tôi được mời mấy bạn từ SG ra lên chơi nhà vườn, thật vinh dự và may mắn, cuộc găp rất vui, xin cám ơn các bạn " Đoàn 10" Công Lý

    Trả lờiXóa
  6. Một bài ký tuyệt hay ! Những địa danh thân quen, ngày xưa và ngày nay. Những gương mặt bạn bè từ thời để chỏm lang thang, lếch thếch hành quân vượt cả ngàn cây số ra Việt Bắc để đi học nước ngoài, nay đã thuộc hàng ông bà nội ngoại ( Duy nhất có Ngô Hà đã lên chức ...cụ !) với đủ các học hàm học vị, chức tước nếu kể ra cũng " ghê răng" ...Ấy thế mà hòa quyện, gắn bó, thấu hiểu nhau, nhiều khi hơn cả anh chị em ruột thịt ! Tại sao nhỉ ? Mong sao có thêm nhiều nữa những bài viết như thế này để có dịp " Trôi về ký ức" mà suy ngẫm ...Xin cám ơn tác giả Xuân Hoài. Một tài năng nhiều mặt đáng tự hào của dân Cu Lờ (QL) chúng ta !

    Trả lờiXóa
  7. Một chuyến đi thành công tuyệt vời vì những điều sau ;
    -Bảo toàn lưc lượng ,sợ các cụ ốm quỵ trên đường dài ,đường xấu ,các cụ về phấn khởi ,bạn bè không đi cũng thở phào nhẹ nhõm . Việc này đoàn khu 4 phải lập đàn tạ ơn trời phật .
    -Đoàn có ông thổ đia giỏi ,nhớ dai các chi tiết ở từng địa phương đi qua ,hiểu biết lịch sử cổ đại và hiện đại các miền đó .
    -Đoàn đến được các làng quê của các thành viên .
    -Đặc biệt là đoàn tụ họp được nhiều người từng thầm yêu nhau và đến nay vẫn thích chơi (với ) nhau . Chỉ tiếc là đoàn có Ngô Hà mà không thấy nói tới địa điểm ngày xưa chôn của quý (có 1 anh nào đó canh chừng )
    Bài viết của X H chi tiết ,sinh động .,mấy lời tâm sự ,chia sẻ thành công của chuyến đi .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cụ XH còn giấu nhiều chi tiết thú vị lắm.Chẳng hạn chuyện cụ Ngô Hà thích hát nhưng thường hát sai mấy câu đầu . Cụ Ngô Hà bèn nhờ cụ Khoa Phi phát âm làm mẫu để cụ hát theo. Nhiệm vụ này vốn giao cho cụ Nguyễn Khinh ( lần đi Bảo Lộc ) , bây giờ giao cho cụ Khoa Phi là đúng quá rồi ! Vậy K5 chúng ta có thêm một nghề mới, đó là nghề phát âm ...giúp , cụ DK nhỉ !

      Xóa