( Nguyên Chủ tịch UBND An Giang)
Nhân đọc bài của TS Tô Văn Trường về chủ đề Đại hội Đảng khóa 12 sắp tới mà anh gởi iêng tham khảo, tôi như được gợi mở suy nghĩ trên tinh thần trách nhiệm về việc Đảng và Vận nước.
Lịch sử là con đường không thẳng. Có ai ngờ 40 năm nước nhà độc lập, thống nhất mà con đường đi lên hạnh phúc không thẳng tấp, "rộng thênh thang" như ta tưởng. Và mỗi lần vượt qua khúc quanh hoặc để "nắn dòng" chảy đòi hỏi phải có con người lịch sử. Chỉ có con người lịch sử mới chuyển dòng lịch sử một cách lành tính. Đó là trường hợp ông Trường Chinh!.
Những gì tôi đọc, nghe đều cho rằng Ông từng có khuyết điểm trong Cải cách ruộng đất ở Miền Bắc và cứng rắn trong chủ trương xây dựng Hợp tác xã ở Miền Bắc và trên cả nước đến năm 1986. Nhưng khi Tổng Bí thư Lê Duẩn qua đời, lịch sử trao gánh nặng cho Ông: Cứu Đảng - cứu Chế độ, cứu Dân. Ông Đổi mới! Chỉ có ông dám thông qua báo cáo chánh trị phê phán sai lầm của Chủ nghĩa xã hội giáo điều, quan liêu, bao cấp mà thành trì Liên xô đang lung lay sụp đổ.
Nhờ có tư duy nhạy bén, biết lắng nghe hơi thở của cuộc sống, có uy tín cao trong Đảng , Ông đã dũng cảm vượt lên chính mình, trực tiếp chỉ đạo cho viết lại Văn kiện Đại hội Đảng VI theo tinh thần Đổi mới. Mười năm lịch sử đang đi đường xuống gần như thẳng góc mà ông dám "bẻ góc" cho nó vọt lên thì chính Ông là người làm nên lịch sử .
Khi bàn về tính công minh của lịch sử Anghen đã nói đại ý như sau ”Khi nhận định một nhân vật lịch sử thì phải chú ý những gì người ta làm được, còn những thiếu sót là những hạn chế của điều kiện lịch sử". Người ta thường tranh luận “Thời thế tạo anh hùng hay anh hùng tạo ra thời thế”? Có thể ở trong trường hợp của Ông Trường Chinh cả 2 lẽ nêu trên đều đúng. Lịch sử và người dân luôn nhớ về Ông như tấm gương sáng thể hiện rõ bản lĩnh và vai trò của lãnh tụ.
"Đổi mới" đang đuối tầm!.
Con tàu Cách mạng Việt Nam chạy qua cung đường thời gian 30 năm xem ra năng lượng "Đổi mới" đã cạn. Nó đang chạy với tốc độ quán tính giai đoạn cuối của đà "Đổi mới" và năng lượng của FDI từ chánh sách thu hút đầu tư nước ngoài. Từ 5 năm nay các chỉ số hài lòng của người dân với bộ máy hành chánh hay nói cho công bằng là cả hệ thống chánh trị dưới sự lãnh đạo của Đảng và các dịch vụ hành chánh - sự nghiệp như: nhà đất, hộ tịch hộ khẩu, y tế, giáo dục ...của Chánh phủ mà theo điều tra của cơ quan LHQ và các cơ quan Chánh phủ mới công bố vẫn không cải thiện được bao nhiêu. Công nhân đình công mà không thấy bóng Công đoàn; Nông dân khiếu kiện đất đai thì không thấy mặt Hội của mình đứng ra hướng dẫn, lãnh đạo; Phụ nữ bị bạo hành gia đình thì thường là nhờ công an can thiệp chớ vai trò Hội của chị em bặt tăm. Tệ "chạy", đường ai nấy biết nếu mở miệng phải trưng "bằng chứng" thì có nước đi tù, vì Thanh tra, Kiểm tra "chưa có cơ sở kết luận" v.v....
Về cơ cấu kinh tế, nếu nhìn từ xuất khẩu thì theo Tổng cục thống kê năm 2014 tổng kim ngạch của cả nền kinh tế là 150 tỷ US, trong đó doanh nghiệp FDI chiếm hơn 2/3 (101 tỷ = 67% kể cả dầu thô), nếu không kể các Liên doanh xuất dầu thô thì cũng còn là 94 tỷ = 63%. Trong FDI, riêng Sam Sung xuất khẩu khoảng 24 tỷ. Như vậy là kinh tế nội địa tham gia xuất khẩu chỉ chiếm khoảng hơn 30% = khoảng 50 tỷ nhưng trong đó hàng nông - lâm - thủy - hải sản chiếm 20,5 tỷ.
Huyện Tịnh Biên Anh hùng (của tỉnh An Giang Anh hùng Kháng chiến) là quê hương tôi qua ba cuộc chiến tranh liên tiếp, xã nào cũng được tuyên dương Anh hùng, riêng xã Nhơn Hưng bản quán của tôi đến ba lần Anh hùng. Đó là niềm kiêu hãnh! Nhờ Đổi mới mà bộ mặt Bảy núi - An Giang (điện, đường, trường, trạm, nước sạch...) đổi thay rõ nét. Đó là niềm tự hào! Nhưng sự so sánh "hôm nay hơn hôm qua", "bây giờ khác xa hơn 30 năm trước" theo lối tư duy cũ xưa là không thể nhìn ra hiện thực xã hội đòi hỏi nên thường bị tụt hậu mà không hay. Đó là vấn đề công ăn việc làm và thu nhập của từng nhà rõ ràng là không bền vững.
Nói đến đây tôi vô cùng biết ơn ông Lý Quang Diệu với khu công nghiệp Singapore - Bình Dương và các anh Sáu Phong (Bí thư) anh Út Phương (Chủ tịch) tỉnh Bình Dương đã tiên phong khai mở con đường cho dân nghèo quê tôi có thêm công ăn việc làm. Nhiều nhà, thậm chí cả xóm đi hết lên đó. Tôi từng sợ doanh nghiệp FDI sẽ làm doanh nghiệp nội địa của ta "liệt kháng". Nhưng nay thì như phân tách cơ cấu kim ngạch xuất khẩu vừa nói, nếu không có FDI thì kinh tế ta sẽ "liệt cần"! Hiệp định TPP sẽ là một cơ hội lịch sử chăng?.
Năm 2016 Đại hội Đảng lần thứ 12. Chu kỳ thời gian có sự trùng hợp ngẫu nhiên với Đại hội lần thứ 6 năm 1986! Yêu cầu 1986 là Đổi mới để thoát sụp đổ còn lần này tất yếu là tìm nguồn năng lượng mới hay nói nôm na là phải có "đầu kéo" mới để không bị đùn toa. Nói đùn toa nghe thì nhẹ nhưng nó cũng sẽ lật toa và hậu quả cũng không khác gì sụp đổ.
Nhớ khi xưa vận nước Đại Cồ Việt đang bên bờ vực: Nội bộ triều Đinh xâu xé, giặc Tống lăm le xâm lược nước ta. Nếu không phải Thái Hậu Dương Vân Nga thì không ai cứu được nước và chặn được giặc ngoại xâm. Bà đã vượt lên chính vai Thái hậu uy quyền của mình và vượt lên cả Triều đình họ Đinh mà cứu nước. Chỉ có bà mới làm được. Con bà là Đinh Toàn chánh danh sẽ là Vua nhưng không làm được, các đại thần nhất là các Hoàng thân càng không làm được, vì họ xem cái họ Đinh là lớn hơn trăm họ. Uy và quyền của bà lúc bấy giờ lớn hơn cả họ Đinh mà bà còn đặt nó dưới trăm họ thì nước sao không mạnh, giặc nào không thua!.
Lý Công Uẩn dời đô vì Đại La có thế "Rồng cuộn hổ ngồi" như Ngài ra Chiếu, nhưng cũng có người bình luận: còn là vì Ngài muốn tránh xa cái họa phe nhóm, dư đảng của các đại thần Đinh, Lê xâu xé triều chính, để nhà Vua rảnh tay lo chống giặc phương Bắc và xây dựng Đại Việt. Vả lại một kinh đô Hoa Lư chỉ rộng đủ chứa một bậc Sứ quân thì làm sao thỏa sức vẫy vùng của một bậc Đế vương mà câu chuyện truyền tụng dân gian là thuở còn là chú Tiểu ở chùa có lần bị nhà chùa phạt trói cột Ông đã từng than: "Đêm nằm chẳng dám ngay chân thẳng/ Sợ nổi Sơn hà Xã tắc xiêu"!
Việt Nam đang trước ngã ba đường hội nhập quốc tế. Nói ngã ba là để hình dung giữa các nước lớn, các loại thị trường, các đối tác và đối thủ...để chọn lựa cách đi chớ không có tư duy nhìn đâu cũng ngã ba, ngã bảy hoặc cạm bẩy hay nhìn lối mòn nào cũng ra đại lộ để cặm cuị đi và nhìn đâu cũng thấy kẻ thù để giận. Mà giận thường mất khôn thì làm sao cạnh tranh nổi với người ta. Nói thế không có nghĩa Việt Nam hết kẻ thù thì ngây thơ quá. Không phải vậy. Vì "tấm huân chương còn có bề trái" thì không có đối tác nào mà không có thể là đối thủ - kẻ thù. Thậm chí kẻ thù có thể đang lù lù ngồi kế bên ta đó. Do đó chúng ta phải bình tĩnh , sáng suốt để tránh các thế lực thù địch bên ngoài "chuyển vế" ngược, làm cho trong nhà ganh tị, thù hận nhau thì ta như tự sát!.
Lời kết
Tôi vừa được Tỉnh ủy truyền đạt: Hội nghị TW 10 mới rồi khẳng định: "Đảng lấy quốc gia dân tộc làm đầu" và "Dân là gốc" chớ không phải "Lấy dân làm gốc". Đại hội Đảng lần thứ 12 sẽ lấy chủ đề nầy làm trọng tâm thì chính là tín hiệu Đảng dám vượt lên chính mình, vượt xa Đại hội 6 "lấy dân làm gốc" để đưa con thuyền Tổ Quốc vượt qua khúc quanh lịch sử hiện nay. Cơ hội không đến hai lần. Lịch sử tạo ra lãnh tụ. Lãnh tụ làm nên lịch sử. Tôi tin vậy!
Bài viết thể hiện cái "tầm" và cả cái "tâm" của tác giả.
Trả lờiXóaNhưng ông cũng chỉ là "nguyên chủ tịch tỉnh..." mà thôi. Cũng thuộc loại "nói chẳng ai nghe" nữa rồi!
Tôi cũng chung hi vọng như ông, rằng lúc này đây đất nước cần một người dám đứng ra nhận lãnh trọng trách "lãnh tụ" để đưa đến nước thoát khỏi tình trạng "liệt kháng" hay "liệt cần" do "động lực của đổi mới đã cạn".
Người dám làm lãnh tụ này đương nhiên không thể từ thường dân như Thánh Gióng hay Nguyễn Huệ. Phải là một người đã "có chân" trong đỉnh cao quyền lực mà ông Nguyễn Văn An (cựu chủ tịch quốc hội) đã gọi là "vua tập thể" (BCT). Người ấy đương nhiên cũng "đầy tai tiếng", nhưng là người có tầm nhìn phù hợp với nhu cầu phát triển khách quan của đất nước thời kỳ này, có "gan" vượt qua những "lập trường bất di bất dịch" và có "uy" để nhiều khi phải buộc những người 'bàn lùi" không thể cản mũi tàu...