Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 21 tháng 4, 2015

Thư ngỏ ....

THƯ GỬI BỘ CHÍNH TRỊ
và BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Chúng tôi, những người bức xúc về vận nước, chân thành và thiết tha gửi đến Bộ Chính trị, Ban Chấp hành TƯ Đảng CSVN, những người đang gánh vác trọng trách trước lịch sử dân tộc những lời tâm huyết mong được xem xét, tiếp thu :

1.Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa kết thúc chuyến đi Trung Quốc và đã có thông cáo chung Việt Nam - Trung Quốc, rồi lại có chuyến đi Mỹ mà thời gian và mục đích chưa được công bố rõ ràng. Chưa bao giờ những vấn đề đối ngoại của đất nước ta diễn ra dồn dập và quyết liệt như thế. Những vấn đềấy gắn liền với những quyết sách đối nội và tác động mạnh mẽ lẫn nhau.
Đây chính là một thách đố gay gắtbản lĩnh của những người gánh vác trọng trách, hoặc biết chớp lấy thời cơ, đưa dân tộc đi tới, hay lại để vuột mất cơ hội, khiến đất nước bị chìm sâu vào sự lệ thuộc, tiếp tục chịu sức ép nặng nề của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán thời Tập Cận Bình.


2. Những ai có sự hiểu biết sơ đẳng về mối quan hệ Việt Trung trong lịch sử, đặc biệt trong những năm tái lập lại quan hệ sau cuộc chiến tranh xâm lược đẫm máu của hơn nửa triệu quân Trung Quốc tại biên giới 1979 bằng hội nghị Thành Đô 1990, đặc biệt là những hành động gây hấn ở Biển Đông, hạ đặt giàn khoan HD981, nguy hiểm nhất là ráo riết thực hiện “chiến dịch xây đảo nhân tạo”,đều hiểu việc Tập Cận Bình hối hả mời Nguyễn Phú Trọng là nhằm thực hiện những toan tính nham hiểm và xảo quyệt gì.
Màn diễn về nghi thức đón tiếp trọng thể với những lời đường mật nhằm tranh thủ những người nhẹ dạ cả tin để làm mờ bớt đi những áp lực nặng nề đang gây phẫn nộ trong nhân dân Việt Nam, đặc biệt là để cản trở tiến trình Việt Nam tham gia TPP đang được xúc tiến mạnh mẽ. Những diễn biến thời cuộc đang gây lo ngại trong nhân dân, nhất là trong giới trí thức.

3. Làm sao có thể tin được Tập Cân Bình và giới cầm quyền Bắc Kinh hiện nay khi mà lời nói của họ không đi đôi với việc làm.Thông cáo chung Việt Trung ngày 8.4.2015 chưa kịp ráo mực thì ngày 9.4.2915Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng về việc xây đảo nhân tạo và thách thức dư luận :"đất Trung Quốc, Trung Quốc cứ xây, không nước nào có quyền nói này nói nọ" tiếp tục luận điệu ngang ngược của Vương Nghị, ngoại trưởng Trung Quốc.
Bằng máu và nước mắt, người Việt Nam đã quá hiểu bụng dạ của giới cầm quyền Băc Kinh. Họđang ra sức lừa bịp bằng cái chiêu bài “cùng chung ý thức hệ xã hội chủ nghĩa” để thao túng một nước láng giềng vốn không bao giờ chịu khất phục, naybuộc phải lệ thuộc vào những toan tính cho những lợi ích nước lớn của họ :

-    Thông đồng với Pháp và Mỹ áp đặt những bất lợi cho Việt Nam tại hội nghị Geneve năm 1954 nhằm mưu tính những lợi ích riêng của Trung Quốc, là một ví dụ.
-    Thông cáo Thượng Hải do Richard Nichxon và Chu Ân Lai ký ngày 28.2. 1972 nếu gọi đúng tên, chính là thông cáo được viết bằng máu của người Việt Nam, là một ví dụ đau đớn khác.
-    Rồi cuộc đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974 với sự làm ngơ của Mỹ và cực kỳ dã man là dùng Khơme Đỏ gây ra cuộc chiến biên giới Tây Nam 1976-1978 ngay khi Việt Nam vừa bước ra khỏi chiến tranh mình còn đầy thương tích, cốt chặn đứng một Việt Nam phục hồi và lớn mạnh làm trở ngại cho mưu đồ độc chiếm Biển Đông và uy hiếp các nước Đông Nam Á, và rồi năm 1979 phát động cuộc chiến tranh biên giới phía bắc.

Vậy thì khi “hai bên nhìn lại truyền thống tốt đẹp kề vai sát cánh, ủng hộ lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau của nhân dân hai nước”, như Thông Cáo Việt Trung viết, ông Nguyễn Phú Trọng và ông Tập Cận Bình có nhìn lại những điều dẫn ra ở trên không? Cũng như vậy, khi hô hào “duy trì đại cục quan hệ Việt - Trung và hòa bình, ổn định ở Biển Đông” thì việc Trung Quốc sau khi cướp rồi mở rộng đảo Gạc Ma của Việt Nam, hiện đang gấp rút chi hàng chục tỷ đô la cho các công trình mở rộng Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa liệu có nằm trong cái “đại cục” đó không, có là hành động “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” mà Thông cáo rêu rao không?
Bằng những gì đã và đang diễn ra, chúng tôi, cũng như tất cả những người Việt Nam có lương tri từng hiểu rõ những mưu toan thâm độc của giới cầm quyền Bắc Kinh, làm sao có thể tin vào những lời đường mật trong Thông cáo về “Chương trình hành động triển khai quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc”, thúc đẩy hợp tác thực chất trên các lĩnh vực giữa hai nước đạt tiến triển mới” như Thông cáo viết được.

4. Càng thiết tha với tình hữu nghị láng giềng giữa nhân dân hai nước bao đời sống cạnh nhau, càng phải cảnh giác vạch trần những thủ đoạn nham hiểm, những lời lừa mị bịp bợm của giới cầm quyền Băc Kinh hiện nay nhằm mua chuộc, thao túng một số người quá mơ hồ về những hứa hẹn viển vông “cùng chung ý thức hệ XHCN” muốn dựa vào Trung Quốc để củng cố quyền lực đang nắm giữ. Phải kiên quyết không để xảy ra một “Thành Đô thứ hai”!
Muốn thế, phải ôn lại quyết sách giữ nước của ông cha ta với khí phách kiên cường, biết cương biết nhu, biết đánh biết đàm, và quan trọng nhất là biết vun đắp cho sức mạnh của cả dân tộc “ Vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức, khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước” như lời Đức Thánh Trần. Biết quên thù riêng để cùng dồn sức đánh giặc cứu nước như Trần Quang Khải và Trần Hưng Đạo trong thế kỷ 13, biết dũng mãnh thần tốc đánh tan mười vạn quân Thanh song đã dự liệu trước “từ lệnh” để lập lại hoà hiếu với địch thủ khổng lồ như Quang Trung đã làmtrong thế kỷ 18.
Trong tháng Tư lịch sử này, để vun đắp sức mạnh của cả dân tộc đứng vững trong vị thế địa – chính trị oái oăm vẫn có thể hoà hiếu với nước láng giềng khổng lồ ấy thì trước hết phải biết phát huy truyền thống khoan dung khởi đầu từ cương lĩnh dựng nước của Khúc Hạo năm 907 : “chính sự cốt chuộng sự khoan dung giản dị khiến cho trăm họ đều được yên vui”, theo tinh thần đó, để dẹp bỏ thù hận, Trần Thánh Tông sai đốt các tráp biểu hàng giặc của bọn tiểu nhân hèn nhát năm 1289. Một ví dụ sống động nữa ngau sau Cách mạng Tháng 8.1945 là quyết sách táo bạo và dũng cảm của Hồ Chí Minh đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên hết và trước hết : “Đảng tuyên bố tự giải tán, sự thật là Đảng rút vào bí mật. Do dự là hỏng hết, Đảng phải quyết đoán mau chóng, phải dùng phương pháp-dù là những phương pháp đau đớn- để cứu vãn tình thế” vào ngày 11.11.1945.

5. Vào thời khắc quyết định hiện nay trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng phơi bày bộ mặt của một siêu cường ham hố và hiếu chiến đang bị công luận trong khu vực Đông Nam Á, Đông Á và thế giới lên án, cùng lúc với chiến lược xoay trục sang Châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, Việt Nam chúng ta đang đứng trước thách thức và vận hội mới. Vượt qua thách thức để tạo ra một bước đột phá, bứt khỏi sự kìm kẹp, áp lực nặng nề trong “quỹ đạo” của Trung Quốc, hay khiếp nhược đầu hàng trước những dụ dỗ, mua chuộc hay uy hiếp đe doạ của giới cầm quyền hiếu chiến Băc Kinh để tiếp tục chìm sâu vào khủng hoảng, sụp đổ niềm tin, khiến cho đất nước lạc hậu và lạc điệu với thời đại. Trở thành thành viên của TPP là một cái mốc có ý nghĩa để đất nước ta đón lấy vận hội mới.Vì thế, phải quyết liệt chống lại kẻ thọc gậy bánh xevào phút chót mà họ đã làm trước đây khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2006!
Phải trên một nền tảng mới với luật chơi mới, dám chấp nhận cái giá phải trả cho một bước chuyển mình, nền kinh tế Việt Nam mới có điều kiện để tránh được nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và thế giới.Cũng trên nền tảng ấy, những vấn đề khác tuy sẽ còn gay go song mới có lực thúc đẩy để thực hiện. Mong rằng ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đáp ứng được mong mỏi ấy, thể hiện được ý chí mạnh mẽ ấy của cả dân tộc khi ông thực hiện chuyến công du đến Mỹ sắp tới.
Vả chăng, mong mỏi ấy, ý chí ấy hoàn toàn có điều kiện thực hiện khi đó là đòi hỏi của cả Việt Nam và Hoa Kỳ vì lợi ích của cả hai. TPP là lời tuyên bố tuyệt đối cam kết chiến lược của Hoa Kỳ về sự hiện diện của Hoa Kỳ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương lâu dài, điều này có ý‎ nghĩa thúc đẩy rất lớn với Việt Nam, đất nước đang cần bước đột phá để bứt lên. Chẳng những thế, "TPP là một cách thức để bảo đảm - rằng Hoa Kỳ không đơn giản nhường lại quyền đặt ra quy tắc cho Trung Quốc"như tuyên bố của tổng thống Barack Obama trong phát biểu thường niên trước Quốc hội Hoa Kỳ vào tháng 1.2014.
Chúng ta không cần và cũng không nhằm liên minh với một nước để chống lại nước thứ ba, song lại rất cần liên minh với ai có thể giúp chúng ta thêm sức mạnh chống lại kẻ cướp đang xông vào nhà mình. Phải sòng phẳng nói rằng : lúc này đây thực lực của Mỹ đang là một sức mạnh giúp chúng ta giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc ta trên biển cũng như trên đất liền. Gia nhập TPP cũng là một trong những nhân tố góp vàoquyết sách giữ nước và phát triển đất nước bền vững. Hành động thiết thực nhằm thúc đẩy tiến trình gia nhập TPP chính là đòi hỏi bức xúc  của nhân dân Việt Nam hôm nay. Và như vậy cũng là đòi hỏi của lịch sử. Hãy đi vào lịch sử như những người thúc đẩy lịch sử chứ không là tội đồ của lịch sử.

Trong nỗi bức xúc của những đang ưu tư về vận nước, chúng tôi hy vọng rằng những tiếng nói tâm huyết của chúng tôi đến được với toàn thể các ủy viên Bộ Chính trị, các ủy viên BCHTƯĐCSVN và sẽ nhận được hồi âm. Tốt hơn nữa, nếu có được một buổi gặp để chúng tôi được trực tiếp trao đổi với đại diện của Bộ Chính trị và BCHTƯ thì càng có ý nghĩa.
Kính thư,

                                                              Ngày 16.4.2015

                                                             Huỳnh Tấn Mẫm
                                                             Lê Công Giàu
                                                             Huỳnh Kim Báu
                                                              Nguyễn Văn Ly
                                                              Võ Văn Thôn
                                                              Bùi Tiến An
_______________________________________

Sang đến ngày 18/4/2015 số người ký tên đã tăng lên đến 42 người trong số này có tên 2 bạn học cùng trường Thiếu nhi Việt Nam (1953-1957) với chúng ta ( Thường gọi là trường Lư Sơn-Quế Lâm), là anh Chu Hảo cựu HS Lớp 6 ( Số TT 27 ) nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nguyên thành viên Viện IDS, Giám đốc Nhà Xuất bản Tri Thức, Hà Nội và anh  Hồ Uy Liêm, ( Số TT 28), cựu HS Lớp 5, Nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội KHKT Việt Nam, Hà Nội .

3 nhận xét:

  1. Nguyễn Ngọc Hùng10:58 22/4/15

    Cám ơn BĐH Blog đã truyền tải bức thư ngỏ này.
    Tôi nghĩ không hi vọng gì vào ông NPT này đâu! Nhưng quan trọng là: Lập trường của ông NPT thể hiện trong "tuyên bố chung VN- TQ" vừa rồi không đại diện cho đa số người VN và số đông trong BCH Trung ương Đảng- Những người có quyền bỏ phiếu phán quyết đối với TBT và các thành viên BCT.

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh15:42 23/4/15

    Tin (hơi) nóng : Hôm nay số người ký vào thư này là hơn bốn chục thì phải. Trong đó có những bạn LSQL của chúng ta như Hồ Uy Liêm, Chu Hảo... và nhiều trí thức có tiếng như Hoàng Tụy, Nguyễn trọng Vĩnh, Tương Lai, Nghệ sĩ Kim Chi.....

    Trả lờiXóa
  3. kyvinhhung16:31 23/4/15

    Tôi có cảm giác rằng nhiều cá nhân, nhóm trong bộ máy cầm quyền từ trên xuống dưới đang dần dần đi ngược lại lợi ích của đất nước,trở thành lực lượng đối lập với nhân dân. Vì vậy rất khó nói điều phải trái với họ. Cho nên thư ngỏ thì cứ viết cứ ký nhưng liệu có đến tay các quan lớn không, rồi họ có đọc và trả lời không? Theo dõi từ khi đoàn NPT về nước đến nay,tôi chưa thấy họ có động thái gì tỏ ý sẽ công khai những nội dung đã bàn thảo, ký kết với TC vừa qua.. Đặc biệt ,tôi sợ nhất cái món " vành đai kinh tế trên biển". Nếu người ta định dâng cảng HP cho đám họ Bành thì nguy to đấy..

    Trả lờiXóa